CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Is 60, 1 – 6 ; Ep 3,2 – 3a.5 – 6 ; Mt 2,1 – 12

Chủ đề : Chư dân mang lễ vật đến tôn thờ Chúa.

  • Is 60,6 : tất cả… đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.

Mt 2,11 : họ sấp mình thờ lạy Người, rồi… lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.

      Hôm nay Hội Thánh Công Giáo Tây Phương mừng Lễ Hiển Linh. Hài Nhi Giêsu tỏ uy quyền thần linh của Người cho các hiền sĩ dân ngoại và họ đã nhận ra trong Hài Nhi bé mọn này chính là vị Vua Thiên Sai mà các sấm ngôn từ bào đời đã loan báo, và họ đã thờ lạy Người.

Hiển linh có gốc tiếng hy lạp là EPIPHANEIA được ghép lại bởi EPI có nghĩa là “trước mặt” và PHANEIA = “hiện ra”, chỉ sự biểu dương quyền uy của vua chúa hay những cuộc tỏ hiện của thần linh.

Vào thời sơ khai của kitô giáo, Hội Thánh mừng lễ HIỂN LINH vào ngày 6/1 và thực chất là mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh là ngày Thiên Chúa tỏ mình công khai cho người thế trong xác phàm Hài Nhi Giêsu.  Ngày nay Hội Thánh Công Giáo Phương Đông và một số Giáo Hội Chính Thống vẫn còn giữ truyền thống này nghiã là mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 6/1. Còn hội Thánh Công giáo Phương tây mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 / 12 là kết quả của một tiến trình kitô giáo hóa một lễ hội ngoại giáo : lúc đạo công giáo lan ra qua Tây Phương thì ở đó dân thờ Thần Mặt Trời và 25 – 12 là lễ hội mừng “ Mặt Trời chiến thắng”. Và sau này dù đã tin vào Đức Giêsu thì tập tục mừng lễ hội 25 – 12 không xóa bỏ được, Thế nên thay vì xóa bỏ Hội Thánh đã kitô hóa ngày 25 – 12 bằng cách biến ngày ấy thành sinh nhật Đức Giêsu vì Người là “VẦNG ĐÔNG từ chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,7) và ngày  6 – 1 thành lễ đức Giêsu tỏ mình cho dân ngoại. Tuy nhiên sau Vatican II thì ngày lễ Hiển Linh thay vì cử hành vào ngày 6 – 1 thì đổi thành vào Chúa Nhật sau lễ Mẹ Thiên Chúa 1 – 1 như hiện nay. Ngoài ra các biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, Tiệc cưới Cana cũng được gọi là “Hiển Linh” ; và truyền thống thuở ban đầu của Hội Thánh đã cử hành 3 biến cố Hiển Linh – Đức Giêsu chịu phép rửa và tiệc cưới Cana vào chung một ngày là 6/1 (X. Điệp ca Thánh ca Tin Mừng kinh sáng và kinh chiều II lễ Hiển Linh).

Ngày nay Phụng vụ Lời Chúa Lễ Hiển Linh hướng về ý nghĩa Đức Giêsu tỏ mình cho dân ngoại. Đáp lại chư dân sẽ mang lễ phẩm đến bái phục tôn thờ Người.

Trong bài đọc một , Thiên Chúa tỏ mình qua việc Người dùng Kyrô, Vua Ba Tư giải cứu dân Chúa khỏi cảnh lưu đầy, cho họ được hồi hương với nhiều ưu đãi. Họ về lại quê nhà lòng tràn niềm vui, trong tư thế ngẩng cao đầu. Việc tỏ mình thần linh ấy làm số phận Giêrusalem đổi thay : thành được kêu mời hãy chỗi dậy, đứng lên, bừng sáng lên và nên trung tâm quy tụ chư dân. Muôn dân nước sẽ lũ lượt kéo nhau về Giêrusalem mang theo lễ vật quí giá để ca tụng, tôn thờ Thiên Chúa. Hình ảnh lạc đà xứ Madian, Epha, Sơva mang theo vàng , trầm hương tiến lên Giêrusalem là hình ảnh báo trước cuộc triều bái của các nhà hiền sĩ phương đông trước Hài Nhi Giêsu sẽ được thuật lại trong bài đọc Tin Mừng.

Tin Mừng hôm nay thuật lại các hiền sĩ từ phương đống tìm đến Giêrusalem để triều bái suy phục “Vua dân Do Thái vừa mới hạ sinh” Qua biến cố này,  chúng ta thường nói Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại. Thật ra qua những phương thế khác nhau, Hài Nhi tỏ mình ra cho TOÀN THẾ GIỚI. Tiếc thay chỉ có các hiền sĩ đón nhận hồng ân hiển linh của Hài Nhi cho họ và sinh hoa kết quả ; còn các nhân vật khác đã có các phản ứng tiêu cực trước các dấu chỉ tỏ mình của Hài Nhi. Thật vậy : câu hỏi “ Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu ?” của các hiền sĩ đã làm chấn động vua Hêrôđê và cả dân thành Giêrusalem.  Tiếc thay dân thành chỉ “ xôn xao” rồi sau đó hờ hững bỏ qua, không màng gì tới Tin Mừng trọng đại ấy ; còn Hêrôđê thì nẩy sinh ác ý, ganh tỵ tìm cách giết Hài Nhi. Rồi qua trung gian Hêrôđê, toàn thể ban lãnh đạo Do Thái giáo các thượng tế và kinh sư nghe công bố Tin Mừng ! Thế nhưng họ chỉ làm công việc của con mọt sách  và vô tình trở thành kẻ chỉ điểm để Hêrôđê tìm giết Hài Nhi. Riêng phần các hiền sĩ với tất cả lòng thành, họ được Thiên Chúa TỪNG BƯỚC soi dẫn , tận dụng mọi  phương tiện tốt lẫn xấu và đã tới đích được  Hài Nhi hiển linh : Nhờ ngôi sao họ đến được Giêrusalem và gặp được Hêrôđê, họ tiếp xúc được với các đại diện của truyền thống Do Thái giáo đang nắm giữ những mặc khải chính xác về Đấng Mêsia ; Nhờ họ , các hiền sĩ nghe được lời kinh thánh … và phối hợp tất cả lại, họ đã gặp được Hài Nhi. Sau đó họ đã đổi đời , đi lối khác mà về xứ mình. Và chắc chắn rằng họ là những người loan báo Tin Mừng Giáng Sinh cho quê hương họ.

Vừa Giáng Sinh, Hài Nhi Giêsu đã tỏ mình cho toàn thế giới ! Còn phần tôi, tôi đóng góp được gì cho công cuộc HIỂN LINH của Hài Nhi vẫn còn đang tiếp diễn.

Frère Pierre Đình Long FSC