CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

“Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một Thân Thể” (1Cr 12,13).

   Trong ngày lễ Hiện Xuống, Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần được ban tặng cho đoàn môn đệ. Nhiệm Thể Đức Kitô, với Đấng Phục Sinh là Đầu, Giáo Hội là thân mình với Thánh Thần như là Hồn, đã xuất hiện tròn vẹn, công khai trong dòng lịch sử nhân loại. Có thể nói hôm nay là lễ “Giáng Sinh” của Giáo Hội. Thời chung cuộc, thời Thiên Chúa hoàn tất công cuộc của Người là quy tụ muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Kitô (x.Ep 1,10) đang từng bước được diễn ra. Thực tại đó đã khởi đầu với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Giáo Hội là thân thể đang tiếp nối công trình của Đầu là Đức Kitô (x.Cl 1,18) cách công khai trong dòng lịch sử nhân loại với tất cả quyền năng và trách nhiệm đã được Đấng Phục Sinh trao ban.

  Lời Chúa hôm nay trình bày việc Chúa Thánh Thần được trao ban cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho những ai tin Đức Giêsu phục sinh, qua hai giai đoạn:

 1/ Ban riêng cho Nhóm tông đồ do Đấng Phục Sinh thực hiện, biến các ông nên thụ tạo mới, thành chứng nhân, nền tảng cho Giáo Hội.
2/ Ban cho nhân loại, mọi kẻ tin ngang qua các chứng nhân nền tảng là các tông đồ.

  “Thổi hơi” ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ:

* Đấng Phục Sinh đưa các tông đồ ra khỏi “ngôi mộ” của “chết vì sợ”, biến Thập Giá và “ngôi mộ” vốn là biểu tượng của sự chết trở thành dấu chỉ của sự sống. Thật vậy, trong Tin Mừng, khi Đấng Phục Sinh hiện ra lần đầu cho Nhóm mười tông đồ (x.Ga 20,19) thì các ông đang “tự chôn mình” trong “ngôi mộ” sợ hãi. Thập giá đối với các ông là hiện thân của quyền lực tử thần, khiến các ông phải trốn chạy, co cụm, tự tách mình ra khỏi mọi mối hiệp thông với thế giới; Các ông tìm an toàn giả tạo trong “ngôi mộ” khép kín, trốn chạy. Đấng Phục Sinh phải vào tận trong huyệt mộ để “mở huyệt”, đưa các ông ra khỏi huyệt, đem về lại vùng đất của người sống… đặt Thần Khí vào các ông để các ông được hồi sinh (x. Ed 37,12-14). Đấng Phục Sinh hiện đến, chúc bình an, giải cứu các ông khỏi “ngôi mộ” sợ hãi, bằng cách cho các ông xem các dấu đinh: cách đây ba ngày, đó là những hiện thân của nhục hình, của sự chết… nhưng giờ đây đã trở thành dấu chỉ của phục sinh; các ông bắt đầu lăn “tảng đá sợ hãi ra khỏi cửa mộ”: các ông “VUI MỪNG vì được nhìn thấy Chúa” (x.Ga 20,20). Các ông khởi sự xếp lại ngay ngắn các “khăn liệm sợ hãi”, bỏ lại trong “mộ” chuẩn bị theo Đấng Phục Sinh bước vào cuộc sống mới.

* Lệnh sai đi (Ga 20,21): sau khi đưa các ông ra khỏi “mộ”, Đấng Phục Sinh đặt các ông vào lại thế giới loài người, nơi mà Đấng Phục Sinh đã được Cha sai đến, để tiếp tục sứ vụ mà Đấng Phục Sinh đã nhận nơi Cha và đã khởi sự. Những nạn nhân của sợ hãi, những nô lệ của Thần Chết giờ đây trở thành chứng nhân của sự sống, thừa tác viên của Thiên Chúa mang ánh sáng thần linh xóa tan mây mù của thập giá và sợ hãi. Yếu tố đưa tới sự đổi mới tận căn, tuyệt vời đó chính là Chúa Thánh Thần được ban tặng.

* Thổi hơi, ban Chúa Thánh Thần: Thiên Chúa thổi hơi vào “cục đất” Adam biến nó thành một con người sống (x.St 2,7); Thổi hơi vào đám xương khô biến chúng thành một đạo binh hùng hậu (x. Ed 37,4-10). Lần “thổi hơi” trong Tin Mừng, Đấng Phục Sinh trao ban Chúa Thánh Thần như là hồn sống của Giáo Hội, biến các tông đồ, là nền tảng của Giáo Hội, và cả Giáo Hội sau này thành Nhiệm Thể Chúa Kitô, tiếp nối công cuộc của Cha mà Đấng Phục Sinh là Đầu của khởi sự (x.Cl 1,18). Điều ấy sẽ được thể hiện công khai vào ngày lễ Ngũ Tuần.

* Trao quyền đại diện hữu hình của Đấng Phục Sinh cho Giáo Hội (x.Ga 20,23).

 Chúa Thánh Thần là thần khí sự thật và Người sẽ đưa môn đệ Đấng Phục Sinh tới sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Vì thế Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho môn đệ biện phân phải, trái đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x.Ga 16,8-11); Và bổn phận môn đệ phải là chuyển đạt sứ điệp thần linh ấy đến cho nhân loại đang còn bị cầm buộc trong lầm lạc, đồng thời đưa ra cho họ con đường giải cứu và ơn tha thứ. Ai tin nhận sẽ được thứ tha, giải cứu; Ai khước từ là tự chôn mình trong “ngôi mộ” lầm lạc, xa Chúa. Vậy quyền Chúa trao cho môn đệ là quyền biện phân, công bố sự thật cứu độ và ban ơn tha thứ cho ai đón nhận.

 Vậy, các tông đồ đã được Đấng Phục Sinh kéo ra khỏi “ngôi mộ” sỡ hãi biến họ thành chứng nhân của Cha, ban Chúa Thánh Thần cho họ, làm họ nên Nhiệm Thể của Người, THÌ tới phiên mình, họ cũng phải kéo nhân loại ra khỏi “ngôi mộ” vô tri về Thiên Chúa, “ngôi mộ” lầm lạc, tội lỗi để hồi phục mọi người nhận ra mình là con cái Chúa nhờ thi hành quyền “tháo/buộc” như Đức Đấng Phục Sinh đã trao. Vậy tháo buộc không nên hiểu là một quyền năng pháp lý để xét xử thưởng phạt, công tội; mà là phương tiện cứu độ, là chuẩn mực của tình yêu tha thứ thần linh giúp tội nhân biện phân phải trái và đủ sức chọn lựa theo Thánh Ý Chúa.

 Hiện xuống: Thánh Thần được ban cho nhân loại.

* Thánh Thần là hồng ân cánh chung, Chúa hứa ban cho hết thảy người phàm (x.Ge 3,1). Vào ngày lễ Ngũ Tuần,Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ! Số người đó gồm những ai? Chắc chắn là mười một tông đồ, mấy người phụ nữ, Đức Maria Mẹ Đấng Phục Sinh và với anh em của Đức Giêsu (x.Cv 1,12-14). Phải kể thêm ông Mathia vừa được chọn thế chỗ Giuđa (x.Cv 1,26). Còn nhóm một trăm hai mươi “anh em” (brothers) tụ họp lại để bầu chọn vị tông đồ thứ mười hai? (Cv 1,15). Như vậy đoàn người đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần là đại diện cho toàn thể dân Chúa, chứ không chỉ riêng nhóm mười hai.

 Ngoài ra, lúc đó tại Giêrusalem, dân Do Thái lưu lạc từ bốn phương lẫn các tân tòng cũng kéo về Thánh Đô để tham dự lễ Ngũ Tuần. Những người này cũng được hưởng phúc lộc hồng ân Thánh Thần: nghe được tiếng động do biến cố Hiện Xuống tạo ra, họ đã kéo nhau tới chỗ đoàn môn đệ Đấng Phục Sinh đang cư ngụ, nhờ đó họ nghe được lời rao giảng của các tông đồ. Nhờ vậy, ngay ngày hiện xuống đó đã có ba ngàn người đến từ bốn phương đã “sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu và nhận được ân huệ là Thánh Thần” (x.Cv 2,38). Như vậy, dù chưa bước chân khỏi Giêrusalem, đoàn môn đệ đã loan Tin Mừng cho mọi người dân khắp thế giới. Đó là phép lạ của Thánh Thần.

* Hoa trái của Thánh Thần: tái lập sự hiệp nhất, kéo nhân loại ra khỏi “ngôi mộ” rẽ chia, phân tán do vụ Tháp Babel gây ra (x.St 11,1-9): dân tứ phương đều nghe các tông đồ nói tiếng MẸ ĐẺ của từng xứ sở để loan báo kỳ công Thiên Chúa (x.Cv 2,8.11b). Với biến cố Hiện Xuống, Mầu nhiệm Nhiệm Thể của Đức Kitô bắt đầu xuất hiện hữu hình trong dòng lịch sử cứu độ mà việc hiệp nhất trong ngôn ngữ là một biểu tượng: kẻ nói người nghe bằng TIẾNG MẸ ĐẺ và nội dung sứ điệp là KỲ CÔNG CỦA THIÊN CHÚA.

   Chúng ta là các kitô hữu, đã tin Đấng Phục Sinh sống lại, đã được đón nhận Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên trong đời sống đạo, chúng ta vẫn còn tự nhốt mình trong những “ngôi mộ” sợ hãi tha nhân, “ngôi mộ” khép kín trên cá nhân mình, “ngôi mộ” cắt đứt hiệp thông, “ngôi mộ” hận thù, đố kỵ, không tha thứ… và biết bao “ngôi mộ” khác nữa… khiến ta vẫn còn sống mà như là đã chết.

 Thánh Thần được trao ban để đưa chúng ta ra khỏi “mộ”. Hãy mở rộng lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và để Người hoạt động trong ta, làm chủ cuộc đời ta, biến ta thành những con người mới hiệp nhất nên một trong Nhiệm Thể Đức Kitô (bài đọc 2).

Frères Đình Long FSC