CHÚA NHẬT THỨ XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Ga 6,1-15
CHÚA HÓA BÁNH RA NHIỀU

Thảo mộc cần dinh dưỡng: cây ăn trái, cây công nghiệp, cây rau… cần có phân, có nước; nói chi con vật, con người, tất cả đều cần phải có lương thực; đó là cơm, là bún, là mì, là bánh …- cả bánh mì nữa nhá- đều là lương thực và những thực phẩm khác.

     Trong lúc cách ly vì đại dịch Covid, ta lại càng thấy lương thực, thực phẩm cần thiết đến mức nào. Một bát cơm, một gói mì, một chai nước mắm, một gói muối mè, một bịch chà bông, một mớ rau đều rất quý trong khu cách ly.Tháng 3 năm 1975, trên đường di tản từ Tây Nguyên có người đã phải mua một ly nước lã với giá một lượng vàng.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Thánh Gioan kể lại cho chúng ta thấy khi Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với Người, họ đang đói và Chúa đã hóa bánh ra nhiều để họ được ăn no. (Ga 6,5).

     *Chúa vốn chạnh lòng thương, Ngài tìm cách cho dân chúng ăn. Trước một đám đông hơn 5.000 người đàn ông, theo Thánh Gioan kể lại, ta có thể tính thêm 5.000 người phụ nữ và khoảng 2.000 trẻ em nữa. Như thế có đến hơn 10.000 miệng ăn giữa nơi hoang dã này. Dẫu có mua 200₫ bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút, theo ý kiến của ông Philipphê. Thời Chúa Giêsu tiền công nhật trung bình là 1₫, 200₫ là khoảng 7 tháng lương của một người làm công, cũng không đủ cho mỗi người một chút. Vậy giải pháp tốt nhất là giải tán dân chúng, vừa đỡ lo lắng, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ phức tạp.

   *Nhưng Chúa Giêsu yêu thương cách thực tế, cụ thể.

Trong cơn đại dịch Covid ta mới thấy ai là người yêu thương đồng loại cách cụ thể; nói thì dễ, ai cũng nói được, nhưng hành động cách cụ thể thì không phải ai cũng làm được.

   Qua cơn đại dịch mới biết ai người thân, ai người dưng.  Người Anh nói A friend in need is the  friend indeed . Từ miền Tây, miền Trung, Cao Nguyên rất nhiều xe tải chở gạo, rau củ quả về Sài Gòn cho những người đang bị cách ly. Thánh Giacôbê dậy Đức Tin không có hành động thì quả là đức tin chết.(Gc 2,17).Có ai trong anh em lại nói với người khác: các anh hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì .(Gc 2,16).

Cứ đi cách ly đi, cứ ở trong nhà trọ nhé, cứ ở yên trong nhà, chúc khỏe mạnh …Thế thôi. Ít ai dám ra tay cụ thể; người ta nại đến trăm nghìn lý do để thoái thác. Chưa kể nhiều người còn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, làm giàu. Có khi họ còn mong dịch bệnh kéo dài.

     *Ban đầu các tông đồ cũng ngại ngùng như vậy.

Trước những éo le trên đường đời, nhiều khi chúng ta cũng chọn đào tẩu vi thượng sách, chẳng dại gì cái ách giữa đàng lại quàng vào cổ. Người ta thuật lại trong một thành phố lớn, có hai cô gái bị té xe giữa đường phố, máu me bê bết, nhiều người qua lại, ngó lơ. Có 2 du khách phương Tây dừng xe đỡ hai nạn nhân lên rồi kêu taxi chở đi cấp cứu; họ lấy làm lạ sao những người đồng hương khác lại vô tâm vậy. Thực ra có nhiều lý do đưa đến phản ứng này, vì đã có những người khi đưa nạn nhân đến bệnh viện đã phải chịu trách nhiệm chi trả viện phí. Thế mới biết người Samarita trong Tin Mừng Luca 10, 29- 37 thật là người  nhân hậu và can đảm. Chúng ta cũng có thể nại ra nhiều lý do để thoái thác như thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn trên. Trong tiếng Anh từ Samaritan còn được dùng để chỉ người bác ái, nhân hậu.

      *Ông Anrê khám phá ra có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng ông nói: với ngần ấy người thì thấm vào đâu (Ga 6,9).

Chúa Giêsu đã nhân năm chiếc bánh và hai con cá ấy thành lương thực cho hơn 10.000 dân ăn no. Chúa quyền năng phán một lời liền có mọi sự , nhưng Người muốn chúng ta đóng góp với Người. Chúa muốn con người cùng cộng tác trong công việc cai quản trái đất. Người ta hiểu lầm người Công giáo là cứ ngồi đó lải nhải cầu xin cho chúng con lương thực hàng ngày.Thực ra chúng ta phải cầu nguyện nhưng chúng ta cũng phải ra tay hành động. Người Pháp nói Aide-toi, Dieu t’aidera. Hãy tự giúp mình, Trời sẽ giúp bạn. Chúa không dậy chúng ta há miệng chờ sung nhưng dậy chúng ta làm việc như Chúa đã làm việc.

     *Chúa hóa bánh và cá cho hơn 10.000 người ăn no, vẫn còn dư, cũng như trong Cựu Ước tiên tri Elisa đã phát 20 chiếc bánh cho hơn 100 người ăn no và vẫn còn dư ( 2V 4,42-44).

      Dân chúng ăn no, Chúa nói các tông đồ đồ thu gom những miếng thừa; các ông chất đầy được 12 thúng. (Ga 6,13). Chúa phán một lời có hằng trăm thúng, ba cái lẻ tẻ mà làm gì, nhưng Chúa đã yêu cầu các ông thu gom. Chúa dậy chúng ta biết tiết kiệm.

Ngày nay chúng ta sống rất phung phí: Phung phí thời giờ, tiền bạc, lương thực, thực phẩm, phung phí sức khỏe, phung phí nhiên liệu, phung phí nước, phung phí điện…

Tiết kiệm để chia sẻ. Đồ dư thừa của chúng ta chính là phần của người nghèo. Cha Tiến Lộc còn nói: quần áo, mũ nón, giày dép và những vật dụng khác, 5 năm không sử dụng đến, thì đó là phần dư thừa, đó là phần của người nghèo; phải trả lại cho người nghèo. Cha còn nói: sách đọc xong thấy hay, phải chia sẻ cho người khác đọc, đọc đến rách nát thì thôi. Sách vở mua về không phải để đóng gáy, mạ vàng trưng bày, phô trương, làm kiểng
*Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Nhưng chỗ khác chúa lại nói: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Đúng thế, nếu chúng ta cần lương thực, thực phẩm để nuôi phần xác, thì chúng ta cũng cần lương thực thiêng liêng để nuôi phần linh hồn.

   Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chăm lo lao động để có lương thực, thực phẩm và đồ tiêu dùng cho thể xác, cho chúng con và cho tha nhân, nhưng cũng biết tìm lương thực thiêng liêng cho linh hồn chúng con.

                                   Nguyễn Đức Lân