CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Gr 1,4-5.17-19; Lc 4,21-30
Chủ đề: Can đảm công bố sứ điệp của Chúa không sợ hãi.

* Gr 1,17: Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi… ĐỪNG RUN SỢ.

* Lc 4,24: Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

 Lời Chúa Mùa Thường Niên IV C mời gọi những ai được Chúa chọn trao cho sứ mạng đi nói cho những đối tượng Chúa muốn, hãy can đảm thực thi sứ mạng bất chấp những chai lì, cứng lòng từ phía người nghe. Họ không được vì sợ hãi mà chùn bước trước các mối đe dọa, hiểm nguy.

Chúa không mị dân, Chúa không đánh lừa những kẻ người tuyển chọn, sai đi: Chúa cho biết họ sẽ gặp khó khăn, chống đối. Sở dĩ như thế là vì sứ điệp Chúa muốn họ rao truyền đi ngược lại với sở thích, khuynh hướng thấp hèn mà các thính giả đang theo đuổi. Điều đó có nguy cơ đưa kẻ lầm lạc tới diệt vong; Trong khi đó Thiên Chúa lại muốn cho tất cả được cứu độ. Như vậy, động cơ và mục đích của những đòi hỏi của Chúa nơi kẻ được sai đi là vì ơn cứu độ cho những đối tượng chai đá, cứng lòng. Tình yêu Chúa không muốn loại trừ ai, tất cả đều là con dân của Chúa. Do đó những sứ điệp “sự thật mất lòng” là những phương dược cảnh tỉnh, chữa lành được Chúa nhờ những người con ngoan của Chúa gởi đến cho những anh em đang bị tật bệnh mà không hay biết. Vậy việc người của Chúa dám can đảm công bố sứ điệp của Chúa cho mọi người là một máng chuyển hồng ân, là một cơ may cho những kẻ cứng lòng có được cơ hội và phương tiện để về lại cùng Chúa. Nhưng thực tế là Lời Chúa hôm nay cho thấy một sự thật phũ phàng: người nghe sẽ “giao chiến” chống lại người mà Chúa sai đến (bài 1: Gr 1,19); Họ nghi ngờ (Lc 4,22b), chống lại sứ điệp chân thật (x. 4,28) và muốn loại trừ Đức Giêsu (x. 4,29).

Với những đòi hỏi nghiêm ngặt của Chúa, với những đáp trả đáng buồn từ phía người nghe như thế, thì liệu những con người xác phàm yếu đuối có thể nào đảm nhận được và trung tín đến cùng với sứ mạng mà Chúa đã trao ban không?

Câu trả lời là CÓ! Nhưng không phải là do tự sức mình, mà là vì “có Chúa ở với ngươi và giải thoát ngươi” (x. bài đọc: Gr 1,19); Vì Thần Khí Chúa “ngự trên tôi”, đã tuyển chọn và sai tôi đi (x. Lc 4,18-19). Đó là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa (x. Is 61,1-3) nay ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. 

Bài đọc 1 thuật lại những sấm ngôn mà Thiên Chúa muốn cho Giêrêmia phải công bố cho dân hòng mong họ hoán cải. Dân đang chìm trong một sai lầm chết người: họ cho rằng Thiên Chúa buộc phải bảo vệ Giêrusalem bằng mọi giá bất chấp lối sống, những hạnh kiểm bất xứng của họ; Họ quên mất bài học lịch sử: Hòm Bia bị quân Philitinh chiếm mất (x. Sm 4,1-22). Do đó, để cứu họ, Thiên Chúa buộc Giêrêmia phải nói lên sự thật cảnh báo họ: Đế quốc Babylon sẽ ập xuống từ phía bắc triệt hạ các thành của Israel (x. Gr 1,14-16). Chúa không mị dân, không đánh lừa Giêrêmia: Chúa nói thẳng là họ sẽ giao chiến chống lại Giêrêmia (1,19a), nhưng không vì thế mà Giêrêmia được phép run sợ chùn bước; Trái lại phải can đảm nói cho họ “Tất cả những gì Thiên Chúa truyền phải nói” (1,17b). Giêrêmia bị đặt trong tình trạng “trên đe dưới búa”: nói ra thì bị dân chống đối, không nói thì bị tội bất tuân lệnh Chúa. Tuy nhiên, Giêrêmia vẫn phải làm vì Đó LÀ Ý CHÚA và vì Chúa hứa “có TA Ở VỚI NGƯƠI ĐỂ GIẢI CỨU NGƯƠI” (1,19b).

Vậy khi chấp nhận mọi nguy cơ để làm theo lệnh Chúa, kẻ được Chúa sai đi trở thành cộng tác viên của Chúa trong công trình cứu độ.

Bài đọc Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu về thăm Nadaret. Tình trạng của dân quê Nadaret cũng giống hệt người Do Thái thời Giêrêmia: Họ có cái nhìn sai lầm là bằng mọi giá, Đức Giêsu phải dành cho họ nhiều ưu đãi vì họ là ĐỒNG HƯƠNG của Người. Đức Giêsu đã đọc được ý nghĩ đó của họ (4,23). Đức Giêsu không đồng tình như thế, Người vạch trần tâm ý của họ: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”; Đồng thời cảnh cáo họ qua hai câu chuyện Cựu Ước: Chuyện bà góa Sarepta thời Elia, và chuyện quan Naaman thời Elisê. Là dân ngoại, họ lại hưởng được ân lộc của Thiên Chúa nhờ ĐỨC TIN, còn dân Chúa lại bị án phạt.

Tiếc thay, cũng giống như cha ông họ, dân Nadaret không chịu nghe lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu và đối xử với Người như cha ông họ đối với các ngôn sứ. Phần Đức Giêsu, Người can đảm đón nhận tới cùng số phận ngôn sứ, dám nói sự thật để cứu dân.

Là “Kitô-hữu” nghĩa là “bạn hữu của Đức Kitô”, chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử mà người đương thời đang sai lầm đặt hạnh phúc của họ vào các mơ ước riêng tư, chạy theo vật chất. Nguy cơ diệt vong đang rình chờ! Chúng ta phải làm gì? – Lắng nghe tiếng Chúa – biện phân ra ý Chúa trong môi trường sống – rồi can đảm truyền đạt cho tha nhân để tất cả – họ lẫn chúng ta – đều được ơn cứu độ.

Bài 2

Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe (4,21) … Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (4,24) … Nghe vậy mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ (4,28).

Lời Chúa hôm nay tiếp tục chủ đề tuần trước: BUỘC phải loan báo Lời Chúa cho mọi người. Tuần trước nhấn mạnh tới tính cộng đoàn của việc NGHE – TIN – LOAN BÁO Lời Chúa. Về phần người nghe, tuần trước cho thấy niềm vui được nghe và đáp lại Lời Chúa, vì thế chưa đề cập đến những khó khăn, bị chống đối của người chống đối gây ra. Đứng trước những đáp trả tiêu cực như thế, người đi loan báo phải ứng xử như thế nào?

Vẫn phải kiên trì tìm cách loan báo Lời Chúa, phải nói sự thật cho người nghe, theo lệnh Chúa cho dù bị chống đối, bách hại. Nhưng nguyên do nào khiến người nghe chống đối lời loan báo? Có nhiều! Tuy nhiên Lời Chúa hôm nay đề cập đến một nguyên nhân: người nói gửi tới một sứ điệp mà người nghe không muốn đón nhận, không thích nghe.

Ở đây chúng ta loại bỏ đi các nguyên nhân do vụng về, kém về nhân bản, tâm lý… của người nói, nên đã “phun ra” những lời bất cận nhân tình, khó nghe, xúc phạm đến tha nhân. Vấn đề mà Lời Chúa hôm nay đề cập là những người nghe đang ở trong tình trạng sai quấy, có nguy cơ dẫn tới chỗ lạc xa đường lối của Chúa. Cần phải cảnh báo kịp thời để hy vọng đưa họ về lại chính lộ. Nhưng nếu họ ngoan cố ở lì trong sai trái thì người nói sẽ bị chống đối và có khi còn bị loại trừ.

Không chỉ là chuyện trong Kinh Thánh, túi khôn nhân loại cũng để lại cho thế nhân một kinh nghiệm tương tự: “trung ngôn nghịch nhĩ”, “sự thật mất lòng”. Cách chung lời nói trung thực không dễ lọt được vào tai những kẻ lương tâm không ngay thẳng, bất chính. Kể từ khi Ađam sa ngã, nhân loại sợ đối diện với Chúa, với tha nhân, lẫn với bản thân mình. Nguy cơ diệt vong đang đe dọa cái nhân loại dối trá ấy, Thiên Chúa yêu thương, can thiệp tìm phương giải cứu: tìm cách giúp con người nhận lại sự thật. Vì chỉ có sự thật – sự thật đến từ Thiên Chúa – mới giải cứu và phục hồi nhân loại, mà sự thật là lời Đức Giêsu (x. Ga 8,31-32).

Và vì yêu, Đức Giêsu vẫn cứ nói dù dân có phản đối… và cuối cùng là phải chết… Trong lịch sử nhân loại chúng ta cũng thấy nhiều anh hùng, trung thần đã phải chết vì những lời ngay thẳng họ nói ra. Họ không phải là những kẻ dại khờ, nhưng chỉ vì YÊU, muốn cho người mình yêu ra khỏi sai lầm và được sống. Tình yêu buộc họ phải nói lên sự thật.

Lời Chúa hôm nay là một minh họa cho tình yêu không suy suyển, kiên trì của Thiên Chúa phải nói sự thật cho con người, để cứu con người. Tuy nhiên phần còn lại nằm ở phía người được Chúa chọn và sai đi. Chúa sai họ đến nói với dân những lời mà dân không thích nghe. Họ phải làm sao đây? Họ bị đặt trong thế gọng kềm, “trên đe dưới búa”. Làm đẹp lòng Chúa hay là làm vừa lòng dân?

Đương nhiên, trong đức tin, lời đáp phải là nghe theo Lời Chúa. Và hậu quả sẽ là “người chống lại cả xứ” và cả xứ sẽ “giao chiến với người của Chúa” (bài đọc 1); còn trong Tin Mừng: “họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực”. Tuy nhiên đó là con đường cứu độ, cho cá nhân người được gọi, lẫn cho toàn dân, mọi người; Đó là con đường mà Đức Giêsu đã đi; và đã tới đỉnh phục sinh được tôn vinh là CHÚA, và đang tha thiết mời gọi những ai được Người chọn hãy đi theo Người.

BÀI ĐỌC I: Gr 1,4-5.17-19

Chương 1 sách Giêrêmia giới thiệu về ơn gọi của ngôn sứ, đồng thời cho thấy môi trường và thời gian mà Giêrêmia thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình:

  • Gr 1,1-3 cho biết Giêrêmia hoạt động từ năm thứ 13 triều vua Giôsiyahu (640-609) tức khoảng năm 626 TCN cho đến năm thứ 11 triều Xitkiyahu (598-587) tức khoảng tháng 7 năm 587 (CGKPV. “Các sách Ngôn Sứ” 1996 trang 231 nốt “c”).

  • Gr 1,4-6 nói về ơn gọi của ngôn sứ và thái độ khước từ của ông với lý do là ông còn quá trẻ.

  • Gr 1,7-16 nhưng Thiên Chúa đã khích lệ ông, tỏ cho ông biết ý định của Chúa và cuối cùng.

  • Gr 1,17-19 Người vẫn trao sứ mạng cho ông.

Bài đọc 1 trích từ phần đầu và cuối của chương 1 nói đến môi trường, giai đoạn lịch sử và ơn gọi của Giêrêmia: Chúa chọn Giêrêmia đi làm ngôn sứ cho Chúa. Chúa buộc ông phải đi loan báo sứ điệp “sự thật mất lòng” cho dân, vua, các thủ lãnh. Chúa nói rõ sứ mạng của Giêrêmia là chống lại cả một cơ chế quốc gia, tôn giáo đã mục nát. Chúa không mị dân: Người báo cho Giêrêmia biết ông sẽ bị cả xứ chống đối; Nhưng Người cũng động viên ông “đừng sợ”, vì Chúa là nơi nương tựa cho ông. Điều Chúa chờ đợi nơi ông là hãy can đảm thông báo cho đám dân cứng cổ, sứ điệp mà Chúa truyền cho ông cách đầy đủ và trung thực (c.17) hiên ngang, không sợ hãi.

1/ Ơn gọi của Giêrêmia (1,4-5)

*Nguồn gốc thần linh của ơn gọi (1,4): “có lời Thiên Chúa phán với tôi rằng”. Bản văn phụng vụ mở đầu băng một công thức quen thuộc trong sách các ngôn sứ thường được dùng để diễn tả việc Thiên Chúa chọn một ai đó làm ngôn sứ cho Người (Gr 1,1.4.11; Ed 1,3; 6,1…; Mk 1,1; Kg 1,1…). Đối với người Do Thái, ngôn sứ là một hồng ân của Chúa, là tiếng nói trung thực của chính Chúa, nên chỉ có thể chờ đợi, cầu xin và đón nhận chứ không do con người bầu chọn. Người được chọn phải làm như Chúa muốn và hầu như không cưỡng lại được (Gr 20,7-9; 7,14-15; Am 3,8…)

Lúc Chúa cất tiếng gọi mời, thực ra đó chỉ là thời điểm Thiên Chúa tỏ lộ công khai, bộc lộ dự tính từ muôn đời của Người đối với kẻ Người chọn. Đó là thời điểm chín muồi Thiên Chúa để cho tình yêu hằng ấp ủ, bền bỉ theo đuổi của Người trào vọt lên và ngỏ lời mời gọi. Đó là lúc Chúa “tỏ tình” công khai với đối tượng và hồi hộp chờ đợi câu đáp trả. Một tình yêu đam mê bền bỉ như vậy trong quá khứ tiềm ẩn một sự kiên trì theo đuổi, vì thế nếu có bị khước từ, Chúa vẫn không bao giờ bỏ cuộc, dù vẫn tôn trọng tự do của con người. 

Có lẽ đó là một kinh nghiệm xương máu của ngôn sứ sau một thời gian vất vả biện phân, chiến đấu cam go để đi theo Chúa, để làm ngôn sứ cho Người với tất cả những cảm nhận tích cực lẫn tiêu cực của một người được chọn. Ngôn sứ nghiệm ra được tiếng Chúa bằng cách nhìn lại cuộc đời mình và cảm nhận ra rằng trong mọi biến cố, Thiên Chúa đã khôn khéo hướng dẫn mình tới nơi Chúa muốn mà vẫn tôn trọng tự do của mình, cho dù trong từng giai đoạn cuộc đời, mình không nhận ra bàn tay Thiên Chúa trên đời mình. Đó cũng là cảm nghiệm của Phaolô: x. Rm 1,1; Gl 1,15.

*Tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với ngôn sứ (1,5)

– “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ”: việc một con người được hình thành trong lòng mẹ là công trình hồng ân của Thiên Chúa chứ không phải cứ con người muốn là được (x. St 30,1-2), nhất là đối với những ai Chúa đã có một dự tính đặc biệt như Samson, Samuel… Việc mẹ họ thụ thai là một hồng ân của Thiên Chúa. Vậy cách nói trên hàm ý Chúa đã có một dự tính cho Giêrêmia.

– “Ta đã biết ngươi”: đây không phải là cái biết hạn hẹp, cục bộ của thân phận phàm nhân luôn bị giới hạn và điều kiện hóa bởi không gian và thời gian… Vì cái “biết” này đã có trong ý Chúa, đã hiện hữu từ trước khi ngôn sứ thành hình trong dạ mẹ. Cái “biết” này là cội nguồn của sự hiện hữu của mỗi người và đặt mỗi người vào đúng vị trí của mình trong toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cái “biết” đây chính là dự tính cứu độ của Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại ngang qua từng đối tượng mà Chúa đã tuyển chọn trong ý Người từ muôn thuở. Vì Chúa đã “biết” tường tận như vậy từ ngàn xưa, nên giờ đây, trong hiện tại, Chúa mới lên tiếng gọi Giêrêmia đi làm ngôn sứ cho Chúa.Vậy đừng đưa vào những lý do giới hạn trước mắt từ phía nhân loại để khước từ ơn gọi và sứ mạng Chúa trao ban.

– “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi, đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”: vế này đồng nghĩa với vế trên.

  • Lọt lòng mẹ”: việc được sinh ra đời và tồn tại cũng là một hồng ân vì hài nhi có thể bị chết trong dạ mẹ (x. G 10,18), bị chết yểu (x. G 3,11-16), bị truy sát như Môsê, Giêsu hoặc giết chết như các anh hài ở Bêlem. Và trong thế giới tự cho là văn minh, nhân đạo hôm nay, mỗi ngày hàng ngàn thai nhi bị phá hoặc hài nhi bị vứt bỏ. Vậy được Chúa gìn giữ cho tồn tại nghĩa là Chúa đã có một dự tính cho Giêrêmia rồi.

Dự tính đó là “thánh hóa” nghĩa là được Thiên Chúa để dành riêng ra cho một công việc đặc biệt của Người trong công trình cứu độ. Ở đây trong trường hợp Giêrêmia là “làm ngôn sứ” – tức là lãnh nhận rồi truyền đạt Thánh Ý Chúa cho mọi người. Đối tượng Chúa dành cho Giêrêmia là “cho chư dân” chứ không chỉ riêng gì cho Israel.

2/ Thái độ đáp trả phải có (1,17):

Sẵn sàng lên đường ngay tức khắc

*“Thắt lưng” là tư thế sẵn sàng lên đường (Xh 12,11a) để hành động, cương quyết trước mọi tình huống có thể xảy ra. “Hãy trỗi dậy”: mời Giêrêmia đứng lên, đi ra khỏi tình trạng nhát đảm thiếu tự tin của mình, để dấn thân vào sứ vụ mà Chúa trao phó. Giống như Môsê, ông Giêrêmia đã nại vào lý do “con không biết ăn nói” và thêm lý do “nhỏ tuổi” để từ chối sứ mạng (x. Gr 1,6 và nốt “g” CGKPV).

Chúa giải quyết vấn đề: ở đây bản văn không nói tới nội dung sứ mạng phải làm công việc gì; bản văn nhấn đến thái độ phải có là hãy sẵn sàng lên đường và đừng sợ. Về việc làm chỉ nói gọn: “cứ đi nói với dân những gì Ta sẽ truyền cho ngươi”. Thái độ Chúa chờ đợi nơi ngôn sứ là tin tưởng, phó thác và trung thực; dám can đảm đối đầu với thực tại, nói rõ cho dân điều mình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, không sợ hãi.

*Vậy “run sợ” ở đây không là phản xạ tự nhiên trước một nguy cơ, một đe dọa. “Sợ” là vì thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, là vì chỉ cậy dựa vào sức lực, sự khôn ngoan, vào binh xa chiến mã của mình (1Sm 17,11 vua Saul với cả binh đội lại sợ Goliat, trong khi cậu chăn chiên Đavit chỉ với chiếc ná ném đá đã hạ gục Goliat nhờ tin vào Chúa. 1Sm 17,45). Và Chúa khích lệ Giêrêmia.

“Đừng sợ”: là lời trấn an của Chúa dành cho những kẻ được chọn đang có nguy cơ chùn bước trước các khó khăn vây bủa. Lời trấn an này luôn kèm theo lời hứa “có Chúa ở cùng” là một bảo đảm cho kẻ được gọi sẽ vượt qua được khó khăn và hoàn tất được sứ mạng bất chấp những chống đối, cản trở (x. St 46,3-4; Xh 3,11-12; Gs 1,9; 8,1).

3/ Thiên Chúa can thiệp giúp thực thi sứ mạng (1,18-19)

*Thiên Chúa đặt người được chọn vào một tình huống “trên đe dưới búa”: “chính Chúa buộc Giêrêmia phải đứng vào vị thế ra mặt trực diện chống lại cả xứ: vua… thủ lãnh… tư tế và toàn dân”. Hệ quả là cả xứ sẽ giao chiến với ông. Nếu ngôn sứ vì sợ mà không thi hành lệnh Chúa thì Chúa sẽ phạt làm cho ngôn sứ nên run sợ luôn (c.17). Tuy nhiên Chúa cũng hứa luôn hộ phù Giêrêmia “chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng”. Như vậy chính Chúa cùng chiến đấu với Giêrêmia và qua Giêrêmia.

*Và kết quả là chúng không làm gì được vì có Chúa ở cùng Giêrêmia. Trong thực tế, Giêrêmia đã bị vua dân đối xử tàn tệ: sứ điệp của ông viết ra bị vua Giơhôyakim quăng vào lửa và ông bị vua truy bắt (Gr 36,21-26); ông bị truy sát, suýt chết (38,4-6). Họ xin ông hỏi ý kiến Chúa, nhưng khi ông nói ra sự thật, họ lại không tin và rồi bắt ông chạy theo họ sang Ai Cập (43,1-8).

Vậy “chúng không làm gì được ông” phải hiểu là “chúng không thể chiến thắng Giêrêmia được” (BJ) nghĩa là cho dù kẻ chống đối có dùng trăm mưu ngàn kế, dùng bạo lực mong bịt miệng ông hoặc xuyên tạc lời ông thì cuối cùng ông vẫn cứ tuyên sấm và sấm ngôn của ông vẫn ứng nghiệm. Chúa vẫn ở với ông, công bố ông là ngôn sứ đích thật của Chúa.

Cuộc đời của Đức Giêsu là minh họa rõ nét nhất đường lối bảo vệ lạ lùng của Thiên Chúa: cả cuộc đời Đức Giêsu chỉ nói Ý Cha, làm theo ý Cha… thế nhưng Người bị mọi người chống đối, gán tội phạm thượng rồi giết Người… Bất chấp những ác ý đó… Người vẫn nói, làm ý Cha cho tới chết. Nhưng chính lúc Người gục đầu tắt thở, thì Thiên Chúa bảo vệ Người, công bố Người là Con Thiên Chúa và kẻ giết Người cũng phải nhìn nhận (Mc 15,39).

TIN MỪNG: LC 4, 21 -30

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là phần tiếp ngay sau trích đoạn Tin Mừng tuần trước: Đức Giêsu đang hoạt động tại Nadaret, nơi Người được dưỡng dục và lớn lên. Tuy nhiên hai trích đoạn trên gối đầu nhau: bài đọc Tin Mừng tuần trước Mùa Thường Niên III C kết thúc ở câu 4,21 thì hôm nay câu đó lại được dùng làm câu mở đầu cho bài đọc Tin Mừng Mùa Thường Niên IV C.

Chủ đề tuần trước là đòi hỏi phải loan báo công khai Lời Chúa nên bài đọc Tin Mừng kết ở câu 21: Đức Giêsu loan báo Tin Mừng thời Mêsia đã đến cho dân làng Nadaret. Vậy Tin Mừng đã được loan báo công khai! Nhưng người nghe có phản ứng thế nào, có chịu đón nhận không lại là chuyện khác. Đức Giêsu đã về đến tận làng quê của Người để loan báo trước tiên cho những bà con lối xóm của Người Tin Mừng đã tới. Người chính là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa bao đời nay đã đến trong con người đồng hương đang đứng trước mặt họ. Tiếc thay họ đã khước từ Người. 

Trích đoạn Tin Mừng lời Chúa hôm nay gồm hai yếu tố chính: – Những mặc khải của Đức Giêsu; – vài đáp trả của cư dân làng Nadarét trước những mặc khải đó. Điều đáng kinh ngạc là sự thay đổi thái độ quá đột ngột, mau chóng của cư dân Nadarét: khởi đầu họ tán thành, thán phục những lời ân sủng từ miệng Người phán ra; Thế nhưng trình thuật lại kết thúc bằng thái độ giận dữ đến độ quyết giết Đức Giêsu của những con người vừa mới tán dương Người.

Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy những nguyên nhân nào đã khiến cho cư dân Nadarét đổi thay thái độ đến như vậy.

1/ Mặc khải của Đức Giêsu: thời ân sủng đã tới; và thuận lợi ban đầu (1,21-22a) 

*“Hôm nay đã ứng nghiệm lới Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (1,21) : trong Luca, lời nói đầu tiên Đức Giêsu ngỏ cùng dân chúng là lời công bố khai mạc thời ân sủng. Mọi sự mở đầu ngay thời điểm “Hôm nay” với sự xuất hiện của Đức Giêsu: những gì Is 61,1-2 loan báo từ ngàn xưa thì nay Đức Giêsu đảm nhận thực hiện và hoàn tất, Vậy Người chính là Đấng Mêsia, là Vị Ngôn Sứ đã được sách luật và các Ngôn Sứ báo trước (x. Ga 1,45) 

*Đáp trả ban đầu: “mọi người đều tán thành và thán phục…”( 1,22)

Câu 22 khiến ta phải nghĩ rằng lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu cũng đạt được một số thành công. Người ta nhận ra được rằng những lời Người nói ra là “những lời ân sủng”.

Mà “Ân sủng” là một đặc tính của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tự định nghĩa: “Yavê, Thiên Chúa âu yếm và ân sủng, chậm giận dữ, giàu lòng nhân từ và trung tín” (Xh 34,6). Ân sủng nơi Thiên Chúa là lòng nhân từ đoái xuống cảnh bần cùng, đồng thời là lòng trung thành quảng đại với dân mình, là sự vững chắc không lay chuyển trong những cam kết của Người, là lòng âu yếm của con tim và sự liên kết bản thân với những kẻ Người yêu, là sự công chính vô tận có khả năng đảm bảo cho tất cả tạo vật sự viên mãn quyền lợi, và thỏa mãn mọi khát vọng của họ. (ĐN TH TK “Ân sủng” II,1).

Và tất cả hồng ân ấy Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu: Người là “Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14) và theo dòng lịch sử cứu độ thì “Lề Luật được Thiên Chúa qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17)

Như vậy trong chừng mực nào đó, bước đầu người dân Nadaret đã nhận ra trong Đức Giêsu, hôm nay lời Kinh Thánh ứng nghiệm và cũng nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa đến mang ân sủng cho họ; Thời thiên sai tới rồi. Thế nhưng tại sao đột nhiên họ lại thay đổi thái độ quá nhanh như thế?

2/ Nguyên nhân đổi thay thái độ (4,22b-30)

*Họ muốn áp đặt lên Đức Giêsu ước muốn riêng tư của họ:

– “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (4,22b): Trong các đoạn song song ở Mc 6,1-6 và Mt 13,53-58, việc Đức Giêsu về thăm Nadaret và giảng dạy chỉ không được dân làng tiếp đón mặn mà chứ không căng thẳng đến độ họ quyết giết Người. Họ chỉ coi thường, “rẻ rúng” Người (Mt 13,57; Mc 6,4), không tin Người vì cho rằng đã biết quá rõ về con người, gia thế của Người. Kết cục chỉ là Đức Giêsu không làm được nhiều phép lạ.

Còn trong Luca, họ không coi thường Đức Giêsu, trái lại họ tán thành, thán phục nhận ra lời của Người là “những lời ân sủng”. Do đó câu nói Lc 4,22b không phải là một lời nghi ngờ quyền năng của Đức Giêsu, không có ý chê bai gia tộc của Người, nhưng là một lời diễn tả một tâm tình khác, có thể tạm diễn tả như sau:

Họ hãnh diện vì làng họ có được một vĩ nhân tài ba như thế, và rồi họ muốn giữ Người lại để phục vụ riêng làng xóm của họ thôi (x. Lc 4,42-43). Muốn chiếm đoạt Thiên Chúa làm “của riêng mình” là một cơn cám dỗ không ngơi nơi người Do Thái. Họ muốn giữ riêng Người cho họ, chỉ phục vụ cho họ mà thôi (x. Lc 4,42).

Đức Giêsu không tán đồng quan điểm đó (x. Lc 4,43) và tại Nadaret, Người đã vạch trần ra mưu đồ của họ qua Lc 4,23-27. Lời phát biểu đó là yếu tố chính làm xoay chuyển tình thế từ “tán thành, thán phục” chuyển sang phẫn nộ đến độ quyết giết Đức Giêsu.

  • “Thầy lang ơi hãy chữa lấy mình”: có lẽ đây là một lập luận nhằm ép Đức Giêsu phải suy nghĩ và hành động theo ý họ: một toan tính sặc mùi địa phương, quốc gia chủ nghĩa, sặc mùi do thái phiệt mang tính cuộc bộ. Nói cách khác họ muốn biến cuộc về làng hôm nay của Đức Giêsu thành một cuộc “vinh quy bái tổ” của Đấng Mêsia mà họ lầm tưởng là “người Nadaret” để khai mở thời kỳ “Nadaret trị”.

Vậy “hãy chữa lấy mình” ở đây có thể hiểu là họ muốn làm áp lực buộc Đức Giêsu phải bày tỏ vinh quang, lột bỏ đi cái thân phận tối tăm (mà chóp đỉnh là Thập giá xuất hiện ở cuối Tin Mừng) của một người dân quê làng vô danh Nadaret: hãy làm như Đavit, thống trị Israel, và hơn nữa, thống trị cả thế giới, và làm cho Nadaret nên rực sáng danh tiếng như Đavit đã làm cho Bêlem. Lời thách thức này, và cuối Tin Mừng, cũng được lập lại như cơn cám dỗ quyết liệt mà Ma Qủy tung ra hầu hất Đức Giêsu ra khỏi cây Thập Giá (Lc 23,35.37; Mc 15,30.31; Mt 27,39.42)

  • “Hãy làm tại quê hương những gì ông đã làm ở Capharnaum”.

Theo văn mạch, dân làng muốn Đức Giêsu cho họ được ưu tiên hưởng những đặc quyền, hoa trái của quyền lực thiên sai đang hiện diện nơi Đức Giêsu, những thực tại tốt lành mà Người vừa tuyên bố “hôm nay ứng nghiệm”. Họ muốn được nở mày nở mặt, “ngồi hai bên tả hữu” của Đấng Mêsia là người đồng hương Nadaret với họ.

*Nhưng Đức Giêsu từ chối tham vọng của họ

– “Không một ngôn sứ nào được CHẤP NHẬN tại QUÊ HƯƠNG mình”. Hai câu song song Mc 6,4 và Mt 13,57 có chút khác biệt: “ngôn sứ có BỊ RẺ RÚNG thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa gia đình, thân nhân mình mà thôi”. Mathêu và Marcô diễn tả thái độ coi thường Đức Giêsu vì họ coi Người chỉ là một người hàng xóm của họ. Còn trong Luca, họ vẫn tán thành, thán phục Người nhưng họ không chấp nhận Người vì Người hành động không theo như ý họ muốn. Thật vậy Ga 6 là minh họa: đám đông thán phục Người, vẫn ùn ùn kéo đi tìm kiếm Người, nhưng họ không chấp nhận Người; Vì họ theo Người để tôn Người làm vua, để kiếm bánh ăn… đó là điều Đức Giêsu không muốn nên họ không chấp nhận đường lối đó của Người và bỏ Người. Đức Giêsu từ chối tham vọng của họ lại còn chỉ ra cho họ thấy bộ mặt thật của họ nên họ căm hận Người.

– Hai điển tích trong Cựu Ước: thái độ của Đức Giêsu còn quyết liệt hơn khi Người trích dẫn ra hai điển tích Cựu Ước để minh chứng cho họ thấy rằng cách hành động của họ là đi sai đường lối Thiên Chúa nên Chúa không thể đáp cứu họ được. Người Do Thái muốn dành riêng Người cho họ thôi, họ muốn thao túng Người theo ý họ. Đáp lại Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh minh họa nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ do Người mang đến; Đồng thời cũng cho thấy yếu tố cần để được cứu không phải là chủng tộc, huyết thống mà là TIN: bà góa Sarepta và quan Naaman đã tin và làm theo lời ngôn sứ, còn Israel thời đó cứng lòng chạy theo thần Baal nên đã bị phạt, không hưởng được hồng ân phép lạ. Lời từ chối ngang qua lập luận trên của Đức Giêsu đã làm dân Nadaret điên lên và họ đã thay đổi thái độ từ chỗ “tán thành, thán phục” chuyển sang phẫn nộ tìm giết Người.

Cơn cám dỗ sa mạc được ma quỷ trá hình lập lại ở đây với tầm cỡ nhỏ hơn nhưng tinh vi hơn: Đức Giêsu bị cám dỗ giống như trong sa mạc là đi trệch đường lối của Cha, cụ thể ở đây là chỉ lo riêng cho dân tộc, bà con của mình; Trong khi đó, Người được sai đến để làm Ý Cha, thực hiện ơn cứu độ phổ quát, cứu toàn thể nhân loại.

3/ KẾT:

*Người Nadaret phẫn nộ khi nghe các lời Đức Giêsu (4,28) và lôi Người ra khỏi thành được xây trên đồi cao để xô Người xuống vực (4,29).

Phản ứng của họ quá đột ngột! có lẽ đây là một biến đổi của cả một quá trình lâu dài trong mối tương quan giữa Đức Giêsu và người Do Thái, nhưng được Luca tóm lại trong một trình thuật ngắn và súc tích này để làm phần dẫn nhập vào sứ vụ của Đức Giêsu:

Luca muốn giới thiệu trước ở ngay giây phút khai mạc, con đường Thập Giá của sứ vụ Đức Giêsu. Đường Thập Giá không gì khác hơn là trung tín với đường lối của Cha đến cùng, đi cho trọn phận làm con người như ý Cha trong công trình sáng tạo. Thật vậy, trong cơn cám dỗ chiến đấu đầu đời trước khi thi hành sứ vụ, Qủy đã dụ Đức Giêsu hãy sử dụng quyền năng Thiên Chúa, đừng đi con đường làm người để hoàn tất sứ vụ. Đức Giêsu đã từ chối! Qủy thua! Nhưng Nó chưa bỏ cuộc (x. Lc 4,13). Và đây, ngay tại Nadaret, với những con người thân thương nhất của Đức Giêsu, Qủy đã chộp ngay thời cơ này để dụ Đức Giêsu rời xa đường lối Thiên Chúa, thỏa mãn những đòi hỏi thoáng nhìn qua là hợp lý của con người. Nhưng Đức Giêsu đã giữ vững lập trường tới cùng. Vấn đề không nằm ở chỗ chết hay sống, sướng hay khổ mà là Ý Cha.

Họ muốn giết Đức Giêsu, nhưng GIỜ Cha chưa đến, Người băng qua giữa họ mà đi (4,30); Còn khi giờ đã đến, Người hiến mình cho Cha làm hy lễ, mọi tội lỗi của họ Người tha hết (Lc 23,34). Và lộ trình Thập Giá thần linh đó Người truyền lại cho môn đệ (24,46-48).

Hãy mạnh dạn, can đảm công bố Lời Chúa, không sợ hãi. Vì Chúa ở cùng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC