CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Is 6,1-2a.3-8; Lc 5,1-11
Chủ đề: Lời mời gọi của Thiên Chúa  và sự đáp trả của con người.

* Is 6,8: Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây?”
Tôi thưa: “dạ con đây, xin sai con đi”.

* Lc 5,10-11: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta. Thế là họ… bỏ hết mọi sự mà theo Người.

 Chúng ta bước vào Chúa Nhật V C Mùa Thường Niên. Lời Chúa tập trung vào chủ đề: “Lời mời gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người”. Mục đích của việc Chúa gọi mời và mong con người đáp trả là nhằm thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại, biến người được gọi thành “người thu phục người ta” (x. Lc 5,10) về cho Chúa. Cứu độ con người là công trình, là dự tính của Thiên Chúa! lẽ ra với uy quyền thần linh, Thiên Chúa có thể cứu con người chỉ bằng một lệnh truyền như trong công trình sáng tạo (x. St 1). Mọi sự sẽ hoàn tất chớp nhoáng, không có sự cố bất ngờ, không chút trục trặc… Thế nhưng Thiên Chúa lại muốn con người cho Chúa “mượn lại” những gì Chúa trao ban để được Chúa làm trở thành những cộng tác viên hữu hiệu của Chúa trong công cuộc cứu độ thế giới của Chúa. Trong mọi công trình của Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, chỉ có một lần duy nhất Chúa dựng nên mọi sự từ hư vô: đó là công trình Sáng Tạo. Từ đó về sau, mỗi lần làm công cuộc gì, Chúa đều khởi sự từ một yếu tố đã có sẵn trong công trình sáng tạo: để dựng nên Adam, Chúa cần “bụi đất”; Eva, Chúa cần xương sườn của Adam…; và ngay cả việc Con Chúa nhập thể, Chúa cũng cần tới con người và tiếng “xin vâng” của Maria, cần đến thái độ thần phục, đồng tình của Giuse. Chúa không chấp nhận thái độ Ỷ LẠI và ĐÙN TẤT CẢ CHO CHÚA hoặc đùn đẩy cho nhau.

Chúa muốn mỗi tín hữu hãy như là một “cổ đông” nhiệt thành, năng động sẵn sàng đóng góp những “cổ phần” hậu hỉ, quảng đại theo lời Chúa kêu mời vào “công ty” cứu độ của Chúa. Đường lối đó, Chúa vẫn tiếp tục cho đến tận thế. Và Chúa luôn dành phần sáng kiến, đi bước trước là của Người: Đấng Sáng Lập, Chủ công ty là Chúa. Chúa biết rõ từng con người, Chúa luôn đi bước trước đến gặp đích danh; Từng bước một cho họ trải nghiệm được một phần vinh quang, quyền năng, đường lối hành động của Người; bày tỏ cho họ biết Thánh Ý, dự tính của Người trên cuộc đời họ, và mời họ đi theo Người; Nhất là BAN ƠN. THÔI THÚC HỌ. THANH LUYỆN HỌ, để dù biết mình bất xứng, giới hạn, họ vẫn tín thác ĐÁP LỜI.

Nét đặc thù của Lời Chúa hôm nay là thái độ đáp trả TỰ NGUYỆN kể cả XUNG PHONG nhận lời Chúa mời gọi.

Trong Bài đọc 1, Isaia thuật lại ơn gọi của mình: Thiên Chúa đã đi bước trước đến gặp ông ngang qua một cuộc thần hiện ngay trong Đền Thờ. Chúa đến với ông, cho ông thấy vinh quang thần linh của Chúa: Người uy linh ngự giữa triều thần thánh; Nghe được tiếng tung hô ca khen Thiên Chúa ba lần Thánh vang lên làm rung chuyển cả Đền Thờ. Trước nét uy dũng thần linh, Isaia nhận ra mình bất xứng, ô uế và nghĩ rằng mình phải chết vì đã nhìn thấy Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp, trấn an và thanh tẩy ông bằng than lửa thần linh lấy từ bàn thờ, đặt vào miệng lưỡi ông; Tiếp đó, Người gợi ý mời ông: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Với một con người vừa được đổi mới nhờ Chúa thứ tha thanh tẩy, Isaia mau mắn XUNG PHONG: “Dạ con đây, xin sai con đi!”.

Còn theo Tin Mừng Luca, ơn gọi của Simon và các môn đệ tiên khởi diễn ra trên “con thuyền của Simon” vâng lời Thầy Giêsu ra khơi đánh cá vào một thời điểm mà kinh nghiệm ngư phủ cho thấy là không thể bắt cá được.

Thật vậy, sau một đêm lao nhọc, dù thời tiết thuận lợi, Simon và các bạn đã hoàn toàn thất bại: họ “không bắt được gì cả”. Simon đưa thuyền vào bờ giặt lưới chuẩn bị nghỉ ngơi thì gặp Đức Giêsu. Người mượn con thuyền của ông làm nơi ngồi giảng dạy dân chúng. Dạy xong, Người truyền ra khơi thả lưới. Dù đã thất bại, dù kinh nghiệm thấy không thuận lợi, nhưng tuân lệnh Đức Giêsu và nhất là lúc ấy ĐANG CÓ NGƯỜI TRÊN THUYỀN nên Simon đã ra khơi. Kết quả thật bất ngờ: các ông được một mẻ cá bội thu. Trước dấu lạ đó SIMON – PHÊRÔ (ông trở nên con người mới với tên mới) được soi sáng nhận ra vinh quang thần linh của Đức Giêsu đồng thời cảm nhận được sự bất xứng, tội lỗi của mình, ông SẤP MẶT dưới chân Đức Giêsu và tuyên xưng: “LẠY CHÚA (“Thầy” đã thành “CHÚA”) xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”; Nhưng CHÚA trấn an và biến đổi ông: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ là kẻ thu phục người ta”. Vào bờ, ngay lập tức họ bỏ tất cả mà theo Người.

Thiên Chúa luôn mời gọi! luôn đầy sáng kiến! Tất cả mọi người đều được Chúa gọi mời, không trừ ai. Và một khi đã gọi, Chúa có đủ phương thế để làm cho kẻ được gọi trở nên môn đệ đích thực, hữu hiệu của Chúa. Biết vậy rồi thì chúng ta hãy luôn sẵn sàng để khi nghe tiếng Chúa mời thì mau mắn đáp “Dạ, con đây!”

Bài 2

Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (5,4) … Vâng lời Thầy (5,5b) …  Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá (5,6) … Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta như bắt cá (5, 10c).

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm về chủ đề ƠN GỌI, nhìn từ phía Thiên Chúa và Lời ĐÁP TRẢ từ phía con người, theo Tin Mừng Luca.

Trong Matthêu và Marcô: Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy những ngư phủ mà Người muốn chọn đang làm việc, Người cất lời gọi họ chỉ một câu “hãy theo Ta” tức thì họ bỏ tất cả lại, rồi đi theo Người ngay tức khắc. Ơn gọi và lời đáp diễn ra trực tiếp giữa Đức Giêsu và người được gọi.

Còn theo Gioan, hầu hết các môn đệ đến với Đức Giêsu đều qua một trung gian và với lời mời gọi là “hãy đến mà xem”. Ơn gọi và lời đáp diễn ra qua trung gian của một chứng nhân; Trừ trường hợp Philipphê (Ga 1,43).

Trong Matthêu, Maccô và Gioan, trước khi được Đức Giêsu gọi dường như các môn đệ không biết gì về Người. Ơn gọi đến một cách đột ngột. Còn trong Luca, trước khi được gọi, Simon lẫn các môn đệ đã được nghe Đức Giêsu giảng, đã chứng kiến các việc lạ Người làm, đặc biệt Simon còn được Người làm phép lạ chữa lành bà mẹ vợ của ông ngay tại nhà ông (Lc 4,38-39). Rồi để lôi cuốn ông làm môn đệ, Người đã tỏ cho ông thấy vinh quang thần linh của Người qua dấu lạ “mẻ cá tuyệt vời”. Phêrô nhận ra mình bất xứng, tội lỗi không thể ở gần được Thiên Chúa thánh thiêng, nhưng rồi Đức Giêsu đã trấn an, biến đổi ông thành môn đệ Người.

Tuy nhiên mọi ơn gọi cho dù là theo tác giả nào đi nữa thì đều có một điểm chung: đó là Thiên Chúa muốn mời con người làm cộng tác viên của Người trong mọi công trình Người muốn thực hiện.

Đọc lại trình thuật Sáng Tạo, Thiên Chúa dựng nên con người là “hình ảnh Chúa”, Chúa muốn con người là cộng tác viên của Chúa để cùng Chúa hoàn tất công trình sáng tạo. Và rồi cho dù con người sa ngã, Chúa vẫn cứ tiếp tục công trình ấy trong dòng lịch sử. Mọi việc Chúa làm, sau khi sáng tạo, Chúa đều muốn có con người cộng tác; điều đó được Thiên Chúa biểu lộ rõ ràng ngay trong lời hứa cứu độ đầu tiên (x. St 3,15). “Đấng Đạp Đầu Rắn” vừa là hoa trái công trình của Thiên Chúa, vừa là hoa trái của sự cộng tác của con người. Người vừa là Con Thiên Chúa vừa là hậu duệ của nhân loại, cho dù đó là nhân loại đã sa ngã, đã phạm tội. Và suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn chọn giữa nhân loại những cộng tác viên đặc biệt để cùng Người, qua từng giai đoạn, từng biến cốlịch sử, hoàn tất công trình của Chúa. Và rồi Đấng Đạp Đầu Rắn đã xuất hiện như một con người thật, như một hữu thể xã hội nhân loại đúng nghĩa nhờ và với sự đáp lại lời mời của Chúa, cộng tác của Maria, Giuse, của Luật, của xã hội…

Và Đấng ấy là Đức Giêsu, hôm nay Người vẫn tiếp tục dự tính của Chúa Cha: Đức Giêsu kêu mời những con người cộng tác với Người trong sứ vụ cứu độ mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha.

Thiên Chúa luôn là Đấng khởi sự, đi bước trước … nhưng cách hành động cụ thể của Chúa luôn “đầy sáng kiến, đưa người được gọi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và vì thế phải luôn tỉnh táo lắng nghe đáp lại từng giây phút những sáng kiến, hồng ân vừa đủ và đúng lúc của tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa mời những ai được gọi theo sát Chúa từng giây phút.

Lời Chúa hôm nay mời ta suy ngắm một tiến trình mời gọi của Chúa và sự đáp trả của con người:

  • Thiên Chúa đi bước trước đến gặp con người và bày tỏ vinh quang. Trong Mùa Thường Niên V C, vinh quang được biểu lộ qua biến cố đặc biệt của cuộc sống.

  • người được gọi nhận ra được vinh quang đó và thấy mình tội lỗi, bất an.

  • Thiên Chúa trấn an và thánh hóa.

  • Thiên Chúa bày tỏ ý định muốn chọn ngươi đó vào công cuộc của Người, và trao ban sứ mạng.

  • người được chọn đáp lời, tuân phục trở thành môn đệ.

BÀI ĐỌC I: Is 6,1-2a.3-8

Isaia chương 6 nói về ơn gọi của Isaia. Chương này mở đầu cho một tổng thể văn chương gồm 7 chương từ chương 6 đến chương 12 gọi là “Sách về Đấng Emmanuel”. Như vậy Chúa mời gọi ngôn sứ để nhân danh Chúa nói cho dân về Đấng Emmanuel và dọn lòng dân để đón nhận Người. Tổng thể này có ba bài nói về Đấng Thiên Sai giúp ta phần nào nhận ra vài nét dung mạo của Người. Ba bài đó là Is 7,10-17; 9,1-6 và 11,1-9. Bài đọc 1 là trích đoạn phần đầu chương 6 nói về ơn gọi của ngôn sứ Isaia. Trong một thị kiến tại Đền Thờ, Chúa cho ngôn sứ chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa. Đứng trước cuộc tỏ mình hùng tráng đó của Thiên Chúa, Isaia nhận ra thân phận tội lỗi, bất xứng của mình. Tuy nhiên một khi Thiên Chúa đã muốn chọn ai thì Người làm cho kẻ ấy nên xứng đáng: trong Isaia, Chúa đã đoái thương thanh luyện ông, mời gọi ông cộng tác vào công cuộc của Người để Người sai đi. Ông đã xung phong đáp lời.

1/ Cuộc thần hiện: Thiên Chúa tỏ bày vinh quang cho Israel (Is 6,1-4):

*Sự việc xảy ra vào “năm vua Utdigiahu băng hà (câu 1a) tức là khoảng năm 742 hay 740. Nơi chốn xảy ra sự việc là Đền Thờ. 

Trong tiếng Do Thái, “đền thờ” ở đây là “Hêkhal” tức là NƠI THÁNH, phần sát ngay trước nơi “cực thánh” = “Đơbia”.

Vinh quang Thiên Chúa bày tỏ cho Isaia là “Chúa Thượng” = ‘Adônai dịch sát nghĩa là “Chúa của tôi”, “ông chủ của tôi”.

Trong văn hóa Do Thái, ‘Adon là người có quyền an bài, sắp xếp, sử dụng một ai đó, một vật nào đó theo như ý mình muốn một cách hợp pháp. Tự nó, từ này không mang ý nghĩa tôn giáo. Đó là cách xưng hô của một nô lệ đối với chủ, của thần dân đối với vua của mình.

Isaia gọi Thiên Chúa là ‘Adônai vì Người đã tạo nên dân, cứu dân khỏi Ai Cập, ban Luật hướng dẫn dân. Rồi dần dần họ khám phá ra rằng Người là ‘Adon của toàn cõi đất (Gs 3,11.13; Mk 4,13); là Đấng Sáng Tạo vũ trụ (St 1); là Chúa các chúa, Thần các thần (Đnl 10,17; Tv 136, 2-3). Theo J. Dheilly, sau lưu đày tên “Yavê” được thay thế bằng “ ‘Adonai” để tránh phạm húy và tránh làm phàm tục hóa danh Yavê. Vậy với tư cách là chủ tể vũ trụ, là Thần Linh siêu vượt trên mọi thần linh, Thiên Chúa đã đến với Israel.

*Vinh quang thần linh của ‘Adonai càng rực rỡ hơn qua sự hiện diện của các thần Sêraphim đứng chầu (Is 6,2a). Họ là các Thần Sốt Mến có nhiệm vụ chầu hầu, ca ngợi danh thánh và các phẩm tích của Thiên Chúa (x. Từ điển Công Giáo – “Sêraphim”). Họ tung hô Thiên Chúa “ba lần Thánh”:

“THÁNH”, ở trong Kinh Thánh, là từ đặc biệt dùng để chỉ phẩm tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là “Đấng Thánh của Israel” (Is 1,4); Danh của Người là “Chí Thánh” (Is 57,15); Chỉ có mình Người là Thánh (Hs 11,9).

“THÁNH” = qadôs (tiếng Hipri) = hagios (tiếng hy lạp) có nghĩa là “tách biệt”, “đặt riêng ra”, tách khỏi những gì phàm tục, thuộc về thần linh (x. Từ điển Công Giáo – “Thánh”)

“THÁNH” hàm ý Thiên Chúa là Đấng khác hẳn mọi tạo vật, ám chỉ phẩm tính tối thượng, sự hoàn hảo bất biến của Người. Còn đối với các tạo vật, “Thánh” ám chỉ những con người, những vật được đặt riêng ra vì một mục đích tôn giáo, nghĩa là “được hiến thánh” ngược lại với “tầm thường”, với “phàm tục” (Bible annotée AT 7 p.68, c.2). Vậy “Thánh” nói lên sự siêu việt củaThiên Chúa đối với loại thọ tạo:

  • Người vượt trên tất cả, Người là “Đấng Khác Hẳn” = le Tout-Autre, không ai giống, không ai được như Người.

  • Nhưng đồng thời Người cũng ở trong tất cả mọi sự để tất cả được hiện hữu và tồn tại.

Tung hô ba lần thánh là lối diễn tả tính cách tuyệt đối của sự thánh thiện của Thiên Chúa, đến độ Người tiếp xúc, chọn ai thì kẻ ấy được tẩy luyện nên thánh như trường hợp của Isaia trong Is 6,7, hơn nữa còn biến ông thành sứ giả của Chúa (Is 6,8). Điều ấy hàm ý những ai thuộc về Chúa đều phải có lối sống phù hợp với sự thánh thiện của Chúa. Đó là nền tảng của sự thánh thiện luân lý.

Từ kinh nghiệm căn bản “Thiên Chúa là Thánh” này, nền thần học căn bản của Isaia về tương quan giữa Yavê và dân được xây dựng: “Yavê là Đức Thánh của Israel” (Is 1,4; 5,19.24; 10,20; 12,6; 17,7; 29,19; 30,11.15; 37,23). Ngoài Isaia, danh hiệu “Đức Thánh của Israel” chỉ còn gặp ở 2V 19,22; Gr 50,29; 51,5; Tv 70,22; 77,41; 88,19.

*Thiên Chúa cũng tỏ mình cho Isaia Người là Yavê Sabaốt = “Yavê các đạo binh”. Israel gọi Thiên Chúa là Yavê Sabaốt trước tiên vì Người là tổng chỉ huy quân lực Israel (Xh 12,41), là chiến sĩ đem lại chiến thắng cho dân Người (Xh 13,4-21; 1Sm 17,45; 2Sm 5,10). Và khi Chúa chiến thắng kẻ thù của dân thì cũng có nghĩa là quyền lực của tà thần bị khuất phục. Do đó danh “Yavê Sabaôt” mang một ý nghĩa mới: Yavê thật là Thiên Chúa các cơ binh, nghĩa là Thiên Chúa của mọi quyền năng trong vũ trụ, của các đạo binh tinh tú (St 2,1; Is 40,26; Tv 147,4) và là Thiên Chúa của các đạo binh thiên thần (Tv 130,20-22; 148,2). Vậy YAVÊ là Thiên Chúa duy nhất, Người an bài mọi quyền lực vũ trụ: “cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa”.

Vậy khi tỏ cho Isaia biết Người là “Yavê Sabaôt”, là Đấng Tạo Hóa, cũng là Đấng Cứu Độ, thì Người đã tỏ lộ vinh quang thần linh, đồng thời cho biết rằng Người sắp can thiệp để cứu dân và mời Isaia cộng tác vào công trình cứu độ đó của Người.

2/ Phản ứng tức thời của ngôn sứ (Is 6,5)

*“Sợ”: “bấy giờ” Isaia thốt lên: “khốn thân tôi, tôi chết mất”. Trước uy linh thánh thiện của Thiên Chúa, ngôn sứ nhận ra mình tội lỗi, nhơ uế, bất xứng. Và theo tầm nhìn của Cựu Ước, ngôn sứ nghĩ rằng mình sẽ phải chết vì đã thấy Chúa (Xh 33,20; Tl 13,22):

*“Môi miệng tôi ô uế” … thế mà mắt tôi lại thấy Đức Vua…: không phải chỉ có MÔI MIỆNG ô uế! Đó là cách nói dùng một phần thân thể để ám chỉ cả con người. Ở đây, khung cảnh nền là nói về ơn gọi làm ngôn sứ, nên cái miệng được dùng để làm hình ảnh biểu tượng. 

3/ Thiên Chúa Can thiệp đổi mới ngôn sứ

*Thanh luyện: Theo Cựu Ước, ai thấy Thiên Chúa là phải chết! Tuy nhiên đối với những ai Thiên Chúa đã chọn thì việc được thấy Thiên Chúa là một hồng ân làm thay đổi cuộc đời: Người sẽ thanh luyện rồi sai đi.

Một Sêraphim gắp than hồng trên bàn thờ, chạm vào miệng ngôn sứ và nói: … ngươi đã được tha lỗi và xá tội (6,6 -7).

“Than hồng” có lẽ là hòn đá đã được nướng đỏ đặt trên bàn thờ thượng hương ngay trước cửa dẫn qua Nơi Cực Thánh.  Trầm hương đổ trên hòn đá này sẽ được hun cháy tạo thành khói thơm bay lên nhan Chúa quyện theo lời thỉnh cầu, tâm tình của tín hữu.

Vật thánh này đã được một Sêraphim mang chạm vào môi của Ngôn Sứ: tội ông được tha; Ông được thánh hiến cho một sứ mạng.

*Trao Sứ Mạng: (6,8a) 

Bấy giờ” tức là ngay sau thanh luyện, Thiên Chúa ban sứ vụ cho Isaia. Thay vì sai đi trực tiếp như trong trường hợp của Giêrêmia (x. Gr 1), đối với Isaia, Chúa dường như bàn thảo với nhau rồi ngỏ lời gợi ý với ông hơn là ra lệnh: “Ta sẽ sai ai? Ai sẽ đi cho chúng ta?”.

Thiên Chúa đang bàn thảo với nhau như chưa biết phải nhờ ai đi giúp dùm công việc của Chúa. Chúng ta lưu ý cách Thiên Chúa tự xưng về bản thân Người: vừa là ngôi thứ nhất số ít “TA”; vừa là số nhiều “CHÚNG TA”. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng không phải là một cá thể cô đơn; Ngay trong Cựu Ước, mầu nhiệm Thiên Chúa là một cộng đoàn cũng đã được hé mở.

*Isaia xung phong đáp lời cách tự nguyện (6,8b)

Ngôn Sứ mau mắn đáp lời: “dạ con đây, xin sai con đi”. Isaia là trường hợp đặc biệt và có lẽ là duy nhất trong Cựu Ước: ông tự nguyện, xung phong đáp lời; Các ơn gọi khác như Môsê, Giêrêmia, Êdêkien, Giona, Amos… tất cả đều tìm cách thoái thác. Nơi Isaia không có chút đối kháng nào giữa ơn gọi và lời đáp trả. Trước lời dò ý của Thiên Chúa, ông bộc trực đáp lời ngay với thái độ đầy niềm vui: “dạ con đây!” “xin sai con đi”. Tại sao, nguyên cớ nào lại có sự khác biệt ấy so với các ơn gọi khác.

Vì được Thiên Chúa bày tỏ vinh quang; Vì được Thiên Chúa cho ông thấy được những yếu đuối của mình; Và vì Chúa đã tẩy luyện ông, làm ông nên con người mới, “con người đã được tha lỗi và xá tội” (6,7c). Chính với con người vừa được Thiên Chúa đổi mới đó, ông phấn khởi đáp lời.

Thiên Chúa có đầy sáng kiến! Trong ơn gọi, Chúa có nhiều cách bất ngờ để tuyển chọn cộng tác viên của Người. Tuy nhiên điểm chung của các ơn gọi đạt tới mức thành công, chính là

– Lòng trung tín của Thiên Chúa: Chúa đã chọn ai thì Người trung tín cho đến cùng, không bỏ cuộc giữa đường.

– Phần người được chọn, một khi đã được Chúa giúp, lên tiếng đáp lời thì cho dù gặp bao khó khăn, trở ngại vẫn một lòng trung tín đến cùng với lời đã đáp trả muốn làm cộng tác viên của Chúa. Khi trung tín với lời đáp, con người đã để ơn tha thứ của Thiên Chúa hoạt động trong mình, để Thiên Chúa hoàn thiện nơi ta ý định từ muôn thuở “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”; và mỗi tín hữu đều là cánh tay nối dài của Chúa để cùng Chúa hoàn tất công cuộc của Người.

TIN MỪNG: Lc 5, 1 -11

 Bài đọc Tin Mừng hôm nay nói về việc Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ tiên khởi và cách đáp trả của họ theo bút pháp của Luca. Theo Luca Đức Giêsu đã đi rao giảng một khoảng thời gian rồi, cũng đã làm một số phép lạ và đạt được một số thành công rồi trong sứ vụ và kể cả đã gặp chống đối (Lc 4).

Riêng phần người được gọi – vai chính trong các đối tượng Đức Giêsu gọi – là Phêrô cũng đã quen biết Người trước khi được gọi: Người đã vào nhà ông và chữa lành cho mẹ vợ của ông (Lc 4, 38–39 so với Mt 8,14–15 và Mc 1,29–31). Sự quen biết nhau trước tương đối thân thiết như thế, nên khi rao giảng hôm nay, Chúa đã chọn con thuyền của ông để làm nơi ngồi rao giảng. Và sau đó NGAY TRÊN CON THUYỀN NÀY CỦA SIMON, Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ và KÊU GỌI SIMON, thanh luyện, biến đổi ông, và các bạn khác nữa thành môn đệ của Người.

Ơn gọi không diễn ra trên bờ biển hồ như trong Mathêu và Maccô, nhưng diễn ra ngay trên con thuyền của Simon.

1/ Khung cảnh ban đầu của sự việc (5,1-3)

*Đức Giêsu đang đứng trên bờ “HỒ” (Luca không gọi Ghennêsaret là “biển” vì ông là gốc dân vùng Địa Trung Hải đã thấy biển cả mênh mông nên không gọi “HỒ” Ghennêsaret là “biển”), chắc người sắp giảng dạy nên đám đông kéo đến chen lấn nhau đến gần Người để nghe Lời Thiên Chúa (câu 1).

Trong khi đó, dọc bờ hồ, các ngư phủ đã xong việc, họ đã ra khỏi thuyền, đang giặt lưới chuẩn bị nghỉ ngơi (câu 2). Thế nhưng Đức Giêsu đã phá vỡ nhịp sống đơn điệu bình thường ấy của họ; Người sắp đưa cuộc đời họ vào một bước ngoặc mới: cùng họ bắt đầu một “vụ chài lưới” mới, hướng nghề nghiệp của họ vào một đối tượng mới: “lưới người”.

Họ đang giặt lưới”: chỉ một mình Luca nói tới chi tiết “giặt lưới”; Và một trong các lối viết của Luca là thường khép lại câu chuyện đang kể trước khi bước qua một chủ đề khác. Vậy chi tiết “giặt lưới” hàm ý rằng: cuộc đời, sự nghiệp làm ngư phủ của họ sắp chấm dứt; cuộc gặp gỡ Đức Giêsu sắp đưa cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới. Từ nay họ không còn là ngư phủ đánh bắt cá cho bản thân, gia đình nữa mà là kẻ “chài lưới bắt người” cho Thiên Chúa.

*Đức Giêsu xuống thuyền của Simon, và XIN ông… (câu 3):

Đức Giêsu đi bước trước đến với Simon, Người cần đến sự giúp đỡ của ông, cần con thuyền của ông, Người XIN ông. Đức Giêsu đi bước trước, nhưng Người thật sự tôn trọng con người, muốn đối tượng được gọi cộng tác, cho Người mượn tất cả hành trang của mình. Người xin ông Simon chèo thuyền tách ra khỏi đám đông một chút. Qua lời xin ấy, Đức Giêsu ngầm bảo rằng Người muốn “đồng hội đồng thuyền” với Simon để dạy dân chúng.

Rồi Người ngồi trên thuyền của Simon giảng dạy đám đông.

Như vậy Simon và thuyền của ông đang tham dự, được thông hiệp vào sứ vụ của Đức Giêsu, thông qua việc cho Người mượn thuyền và cùng người tách ra khỏi đám đông đang ồn ào chen lấn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rao giảng. “Con thuyền” của Simon trở thành nơi Chúa ngự đó để rao giảng, thành nơi lưới cá và chứa cá, thành nơi Chúa gọi môn đệ đi theo Người.

2/ Đức Giêsu hiển lộ vinh quang cho những người được chọn (6,4-7)

*Những điểm chính của đoạn văn này: 

– Việc thả lưới chỉ đạt kết quả mỹ mãn SAU KHI GIẢNG XONG. Chi tiết đó hàm ý là nền tảng của sứ vụ và sự thành công của việc tông đồ phải đặt nền trên LỜI CHÚA.

– Vai trò nổi bật, chính yếu của Simon: lệnh truyền được Đức Giêsu nói với Simon: “giảng xong, Người bảo ông Simon” (5,4a).

– Nhưng kết quả đạt được không phải là việc làm riêng rẻ của Simon, mà là nhờ “HỌ đã làm như vậy” (5,6a). Vậy yếu tố thứ hai bảo đảm cho sứ vụ thành công là sự hiệp nhất của cộng đoàn trong đức tin của Simon.

*“Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”: lệnh truyền này Đức Giêsu nói riêng với Simon. Đức Giêsu đang từng bước một đưa ông đi sâu hơn vào trong tương quan thân tình với Người: vào nhà chữa lành mẹ vợ; nhờ ông giúp coi thuyền để ngồi giảng… và giờ đây Người sắp nhờ chính bản thân ông.

Thật vậy, lệnh ban ra vào lúc ông và các bạn chài đã ra khỏi thuyền giặt lưới, sắp nghỉ. Rồi thời điểm thuận lợi để đánh cá, theo kinh nghiệm của họ, cũng đã qua rồi. Thế nhưng sau khi được Đức Giêsu vào thuyền, rồi được nghe lời giảng của Người thì Simon đã TIN VÀO LỜI Đức Giêsu hơn là tin vào kinh nghiệm nghề nghiệp của mình về tay nghề lẫn thời điểm ra khơi đánh cá.

*Một giai đoạn mới bắt đầu: Simon ra khơi lần này không vì sinh kế, không vì kinh nghiệm nghiệp vụ, không vì thời điểm thuận lợi nhưng chỉ vì CÓ ĐỨC GIÊSU TRONG THUYỀN, đồng hành; chỉ vì TIN VÀO LỜI NGƯỜI, muốn làm theo lệnh Người. Mẻ cá ông sắp thực hiện, được làm với tư cách “người được sai đi” bởi Đức Giêsu, chứ không theo kinh nghiệm cá nhân nữa.

Nhưng dựa vào đâu để Simon có một chọn lựa như thế? Ông có chọn lựa cách hấp tấp, theo một cảm tính bốc đồng nhất thời? chắc chắn là không! Thật ra, theo Luca, Simon trong quá khứ cũng đã có một số kinh nghiệm về quyền năng của Đức Giêsu, mang đậm nét thần linh, qua các lệnh truyền của Người: Qủy phải vâng lệnh Người (Lc 4,36b); Người có quyền tuyệt đối trên mọi bệnh tật (4,40); ông cũng thoáng nghe được lời tru tréo của quỷ khi bị Đức Giêsu khu trừ “ông là Con Thiên Chúa” (4,41); Và chính bản thân ông, ngay tại nhà của mình, Simon tận mắt thấy Đức Giêsu “ra lệnh cho cơn sốt và nó phải biến mất” biến mẹ vợ ông từ một kẻ bất lực ăn hại trở thành người phục vụ cộng đoàn cách hữu hiệu (4,38-39).

Giữa hai kinh nghiệm bản thân: kinh nghiệm cũ về nghiệp vụ của cá nhân tích lũy cả đời và kinh nghiệm mới về con người của Đức Giêsu, Simon đã chọn theo kinh nghiệm mới: kinh nghiệm tin vào lời quyền năng của Đức Giêsu. ƠN HUỆ dám chọn tin vào kinh nghiệm mới là ơn chung Chúa ban cho mọi người chứ không riêng gì cho Simon đâu. Thật vậy, toàn thể nhân loại ai cũng có một kinh nghiệm về tình yêu gia đình từ lúc mới sinh cho tới lúc “gặp được người ấy”; Ngay từ lúc đó phát sinh nơi bản thân đương sự một kinh nghiệm tình yêu mới… Và nếu phải chọn lựa thì tất cả nhân loại đều chọn theo “kinh nghiệm tình yêu mới”.

*Kết quả của chọn lựa theo “kinh nghiệm mới” là “thuyền đầy cá”. Cuộc đời của Simon bước vào một bước ngoặc quyết định: đổi nghề, “đi thu phục người” thay vì “đi chài lưới bắt cá”. Từ nay Simon sống theo kinh nghiệm mới, chuẩn mực mới: làm mọi sự trong niềm tin vào Lời quyền năng của Đức Giêsu. Chúa tiếp tục gọi mời! Hãy kiên trì đáp trả!.

*HỌ làm như vậy và bắt được rất nhiều cá (4,6): Đức Giêsu truyền lệnh ra khơi cho Simon, nhưng thuyền kia của bạn chài cũng đi theo và tác nhân thi hành lệnh là HỌ.

Luca nhấn mạnh đến tính cộng đoàn của sứ vụ, yếu tố nền để đưa sứ vụ đến thành công là tính hiệp nhất, liên đới nên như một giữa người thủ lãnh (nhận lệnh từ Đức Giêsu) với những người cùng được nghe Đức Giêsu giảng.

Đức Giêsu truyền lệnh cho Simon và cũng chỉ có một mình Simon đối thoại với Người, nhưng tác nhân thi hành là HỌ: Như vậy, qua trung gian của Simon, lệnh truyền là CHO GIÁO HỘI. Phép lạ là để dọn đường đưa vào ơn gọi và sứ vụ của các môn đệ, đặc biệt là của Simon. Tất cả mọi sự tốt đẹp bất chấp tình thế không thuận lợi, bất chấp những kinh nghiệm thất bại trước đó. Chỉ cần một điều: làm mọi sự vì TIN VÀO LỜI THẦY.

3/ Phản ứng của Simon – Phêrô trước dấu lạ (5,8)

*Thấy vậy ông Simon – Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu…: Luca có một chút thay đổi trong tương quan với Simon: gọi ông với một tên kép Simon – Phêrô (lần duy nhất trong Tin Mừng Luca). “Phêrô” là tên mà Đức Giêsu gọi Simon khi chọn 12 tông đồ (6,14). Luca muốn nhấn mạnh đến ơn gọi làm thủ lãnh mà Đức Giêsu sẽ ban cho Simon: ông được chọn, được đổi tên để được đặt làm thủ lãnh, làm nền tảng cho Giáo Hội (so với Mt 16,16-19).

Lúc thì gọi là Simon, lúc thì gọi là Phêrô sẽ được gặp lại ở Lc 22,31-34, Đức Giêsu loan báo ông sẽ sa ngã nhưng sẽ chỗi dậy và nhận sứ mạng củng cố đứng tin của anh em (xem thêm CGKPV, “Tân Ước” 367, “e”). Đọc Lc 5,8b và 22,31.34, ta thấy Đức Giêsu quá biết Simon là con người tội lỗi, yếu hèn (22,31), nhưng Người vẫn chọn ông làm Phêrô (22,34), làm thủ lãnh, nền tảng cho đức tin của Giáo Hội.

Ơn gọi, sứ mạng và con đường mà Simon – Phêrô phải đi, đã được Luca giới thiệu và phác thảo trước những nét chính ở Lc 5,1-11 này.

*Và thưa: “LẠY CHÚA” = Kuriê. Luca đã gán cho Simon – Phêrô ngay lúc này, cái nhìn đức tin của cộng đoàn tín hữu tiên khởi sau biến cố phục sinh: ở đây Simon gọi Đức Giêsu bằng tên của Yavê. Ông không xưng hô với Đức Giêsu là “Thưa Thầy” nữa (5,5) mà là “Lạy Chúa” (5,8). Ông nhận ra căn tính thần linh của Đức Giêsu. 

*“Xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”: một khi nhận ra vẻ uy linh, thánh thiện của Thiên Chúa, thì nơi con người luôn phát sinh tâm tình SỢ HÃI và thấy mình TỘI LỖI, BẤT XỨNG.

Đó cũng là tâm trạng của Isaia trong bài đọc 1. Tuy nhiên Simon – Phêrô không như Isaia, nghĩ mình phải chết, cũng không tìm cách trốn chạy như Adam… ông phó thác tất cả cho lòng nhân lành của Thiên Chúa: ông phủ phục trước Đức Giêsu, thú nhận mình tội lỗi và chỉ xin Người lánh xa ông.

Về phía Thiên Chúa, cho dù con người có phản ứng khác nhau như Adam, Isaia hay Phêrô thì Thiên Chúa trước sau vẫn như một: Người tha thứ, an ủi, trấn an, hoán cải, nâng cao và trao ban sứ mạng, hợp tác với con người, mời con người cộng tác.

4/ Ơn gọi và đáp trả (5,10b-11)

*Trấn an: “Đừng sợ” là tiếng nói đến từ trời cao, trong các cuộc thần hiện, thường là để trấn an những người được Thiên Chúa chọn vào một công việc đặc biệt nào đó của Người. Kèm theo sau lời trấn an này là một sứ mạng được trao ban (x. Gs 8,1; Tl 6,14.23; Gr 1,17…), hoặc một lời hứa giúp hoàn tất vai trò đang đảm nhận (St 15,1; 26,24; Gs 1,19).

Luca thường dùng tiếng “đừng sợ” này (x. Lc 1,13.30; 2,10; 8,50; 12,7.32). Ở đây ý nghĩa trấn an và trao sứ mạng được Luca làm rõ nét. Vậy Đức Giêsu chính là ĐỨC CHÚA đang tuyển chọn và trao sứ mạng cho Simon. Trong câu 8, Simon cũng đã gọi Người là KURIÊ.

*Trao sứ mạng: “từ nay ngươi sẽ là người bắt sống người ta”. Thay vì đánh bắt cá, Simon thành tay chài “đánh bắt con người”. Từ nay Simon đi thu phục nhân loại về cho Thiên Chúa, đưa con người ra khỏi biển nước (tượng trưng cho hỗn mang nguyên thủy) đem về cho Thiên Chúa. Vậy cách nói “đánh bắt sống con người như bắt cá” hàm nghĩa tái sinh, như một sáng tạo mới đưa vũ trụ ra khỏi hỗn mang nguyên thủy (x. St 1).

*Đáp trả: “họ bỏ hết mọi sự mà đi theo Người”: Đức Giêsu chỉ ngỏ lời sới Simon, nhưng những ai được chứng kiến mẻ cá lạ đều theo Đức Giêsu. Ơn gọi được ngỏ cho Simon, nhưng không dành riêng cho Simon, mà là qua Simon, Đức Giêsu ngỏ lời với mọi người.

“Bỏ hết mọi sự”: trước tiên, họ bỏ cái kinh nghiệm ngư phủ lành nghề để nghe lệnh ra khơi của một anh thợ mộc.

Tiếp theo giờ đây là bỏ thuyền, bỏ mẻ cá (tức những thành công vừa đạt được), bỏ luôn nghề từng nuôi sống họ để từ nay dấn thân vào một cuộc sống mới với những thách đố mới.

“Biển Hồ” của họ giờ đây là thế giới, là vực sâu sự dữ, với “con thuyền” là Giáo Hội có Đấng Phục Sinh ở giữa, với thủ lãnh hữu hình là Phêrô, họ đang quăng lưới kéo nhân loại ra khỏi ách ma quỷ đưa tất cả về lại cho Thiên Chúa.

Tất cả mọi tín hữu đều được Chúa mời gọi, không trừ ai và Chúa có đủ cách giúp ta đáp trả. Hãy đón Chúa vào thuyền của mình để Chúa rao giảng, điều khiển thuyền đời theo lệnh Chúa với tất cả lòng phó thác tin tưởng… Thiên Chúa sẽ thực hiện kỳ công nơi thuyền đời chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC