CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – năm C

Bài 1

Xp 3,14-18; Lc 3,10-18
Chủ đề: Niềm vui cứu độ: Chúa đang ở giữa chúng ta.

* Xp 3,14.17: Reo vui lên hỡi Thiếu Nữ Xi-on. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi.

* Lc 3,16.17: có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần… sẽ thu thóc mẩy vào kho.

Hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta đã vượt qua hơn phân nửa chặng đường của thời gian chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh. Trong suốt hai tuần qua, màu tím của sám hối, ăn năn; bầu khí trầm lắng của tâm trạng khắc khoải chờ mong đã thống trị trên Mùa Phụng Vụ. Hôm nay, bầu khí có chút gì đổi khác dường như khởi sắc, vui tươi hơn: chủ tế mặc lễ phục màu hồng thay cho màu tím và phụng vụ gọi Chúa Nhật III Mùa Vọng là Chúa Nhật GAUDETE. “Gaudete” có nghĩa là “anh chị em hãy vui lên”. Đây là cụm từ mở đầu của CA NHẬP LỄ trích mượn từ bài đọc 2, thơ gởi cho tín hữu Philipphê (x. Pl 4,4b).

Tuy nhiên đây chưa phải là niềm vui trọn vẹn, niềm vui gặp được điều mà ta đang kiếm tìm. Đó là niềm vui của ngày Giáng Sinh. Niềm vui hôm nay là niềm vui của HY VỌNG: nghĩa là hậu quả cùng khốn do tội gây ra vẫn còn; Đấng Cứu Tinh vẫn chưa thấy tận mắt; nhưng vui vì những dấu chỉ của ơn cứu độ đang dần hiện ra rõ nét và tín hữu vui vì nhận ra được ý nghĩa của các dấu chỉ đó.

Niềm vui trong hy vọng đó phải làm thay đổi nếp sống của kẻ tin trong hiện tại, phải có một phản ứng khác trước các thực tại còn nhiều tiêu cực của cuộc sống. Thực tại trần thế chưa biến đổi ngay một lúc được; Cái phải biến đổi là tương quan phải có giữa người tín hữu với Thiên Chúa và với thực tại của cuộc sống:

Đau buồn, vì nhờ ơn Chúa, tín hữu ý thức được rằng mọi bất hạnh ta đang gánh chịu là hậu quả của tội.

Nhưng vui mừng vì giờ này đã được Chúa thứ tha.

Vậy niềm vui mà Chúa Nhật III C Mùa Vọng nhấn tới là: ĐỪNG SỢ (x. Xp 3,16), là can đảm dấn thân đảm nhận nhiệm vụ của mình trong hiện tại “chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10).

Bài đọc 1 trích từ Xp 3 phần cuối, loan báo niềm vui sẽ được Thiên Chúa can thiệp cứu dân. Phần đầu của sách Xôphônia là những lời ngăm đe nặng nề dành cho những kẻ sống theo thói vô đạo: ngôn sứ hạch tội dân Chúa (1,4-13); Công bố án phạt sẽ đến vào Ngày của Chúa (1,14-18); Kêu gọi dân mau sám hối (2,1-3); Chư quốc dân ngoại cũng không thoát khỏi bàn tay công minh của Thiên Chúa (2,4-15). Vậy án phạt là không tránh khỏi, nhất là những kẻ được trao quyền lãnh đạo dân (3,1-8). Tuy nhiên tiếng nói chung cuộc của Chúa luôn là THA THỨ, là hồi phục. Chúa muốn dân Chúa sống niềm vui cứu độ do Chúa mang đến.

Bài đọc 1 mở đầu bằng một lời khích lệ đầy phấn khởi mời dân Chúa “hỡi thiếu nữ Xi-on”, “hỡi nhà It-ra-en”, “hỡi thiếu nữ Giêrusalem” hãy nhiệt liệt bày tỏ niềm vui tột cùng đầy phấn khích: “reo vui lên”, “hò vang dậy đi nào”, “hãy nức lòng phấn khởi” (3,14). Niềm vui đó không riêng gì cho dân mà còn là niềm vui của chính Chúa nữa: “Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ”, “Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” như trong ngày lễ hội (3,17-18).

Nguyên do của niềm vui: Dân vui vì được biết “án lệnh phạt dân đã được Chúa rút lại, thù địch của dân, Chúa đã đẩy lùi xa” (3,15); Dân vui vì được Chúa thứ tha, Người đến nối lại tình thân: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi” (3,15b.17a). Còn niềm vui của Chúa là gì? Câu đáp còn mở rộng cửa: Chúa vui là “vì dân”. Chúa “sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới dân” (3,17d). Điều này hàm ý Chúa vui hay không là tùy thái độ đáp trả của Dân có đồng ý để Chúa đổi mới hay không. Cụ thể cái “đổi mới” mà Chúa đang đợi dân theo Xôphônia là gì? “Này Xi-on đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời” (3,16) sẽ chẳng còn tai ương nào khiến các ngươi phải sợ vì có ĐỨC CHÚA ở cùng ngươi (3,15b). Thực tế trước mắt cho dù là gì đi nữa thì cũng ĐỪNG SỢ vì có CHÚA Ở CÙNG. Đó là sứ điệp chính của Chúa Nhật III C Mùa Vọng.

Bài Tin Mừng: dân Chúa đang còn là nô lệ của Rôma. Nhưng việc Gioan Tẩy Giả xuất hiện với lối sống và lời rao giảng của ông đã khiến dân nhận ra ông là ngôn sứ (x. Mt 3,4 và nốt p của CGKPV; L c 3,15). Vì thế họ đã nô nức kéo đến với ông và xin ông tư vấn: “chúng tôi phải làm gì?” (3,10). Dân đã tỏ bày lòng sám hối và sẵn sàng đổi mới cuộc sống theo lời khuyên của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả. Không hạng người nào, nghề nghiệp chính đáng nào bị loại khỏi Tình Yêu Thiên Chúa. Điều Gioan khuyên nhủ là hãy sống đúng chức năng, vị trí của mình để phục vụ thực thi công bình bác ái (x. Lc 3,10-14).

Sau đó ông làm phép rửa sám hối chuẩn bị họ đón nhận “Đấng quyền thế hơn ông”. Và loan báo cho họ NIỀM VUI: Đấng đó đang đến (Lc 3,16), đang ở giữa các ông (x. Ga 1,26b).

Vậy niềm vui của Chúa Nhật III C Mùa Vọng là niềm vui can đảm đương đầu với mọi thăng trầm trong cuộc sống hiện tại với niềm xác tín CHÚA ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA.

Bài 2

(3,7: Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa), họ hỏi ông rằng: “chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Ông trả lời: … “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến… Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa…” (3,16b).

Mùa Vọng là khoảng thời gian cao điểm nhắc các tín hữu hãy tích cực chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến. Và hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Vọng rồi. Hội Thánh khích lệ, động viên tín hữu HÃY VUI LÊN vì Chúa đang đến, đang ở kề bên chúng ta lắm rồi. Hãy phấn khởi! Hãy vui lên!

Thế nhưng chúng ta có ý thức được mục đích Chúa đến để làm gì hay không? Điều mà Chúa muốn mang đến để ban tặng cho chúng ta là gì? Rồi mỗi tín hữu phải can đảm để dành ra chút thời giờ thành thực tự vấn lương tâm xem mình đang mơ ước điều gì? Mình muốn Chúa cho mình cái gì? Điều mà mình thao thức ước ao và điều mà Chúa muốn mang đến ban tặng có trùng khớp, ăn nhịp với nhau không? Tuần trước chúng ta cũng đã nói thoáng qua: người Do Thái thật lòng chờ mong Chúa đến đem “ơn cứu độ” đến cho họ; Thế nhưng khi Đức Giêsu đến mang “ơn cứu độ của Thiên Chúa” cho họ thì họ chối từ và đóng đinh Người. Ở đây cũng nên nhắc lại vài chuyện để suy gẫm:

  • Đám đông Do Thái ùn ùn kéo nhau đi theo Đức Giêsu, nhưng điều họ ao ước là có một ông vua chuyên làm phép lạ để cho họ ăn bánh mì, chữa lành họ miễn phí, với một hậu ý: biến họ thành đế quốc và Rôma thành chư hầu của họ. Chỉ là một trò đổi vai giữa Tớ và chủ, thế giới vẫn như cũ. Còn Đức Giêsu thì muốn họ tin vào Lời Người để đón nhận THỊT VÀ MÁU Người. Họ đã bỏ đi tất cả (Ga 6).

  • Các tông đồ theo Chúa, dù được dạy dỗ nhiều, nhưng vẫn không bỏ được khát vọng được ngồi hai bên tả hữu của Người; Chúa lại muốn mang tặng các ông cây Thập Giá kèm theo lời mời hãy vác mỗi ngày mà theo Người. Các ông đã khước từ đường lối của Người bằng một sự thinh lặng đáng sợ và kết quả là: một bán Thầy, một chối Thầy và khi Thập Giá giương cao thì tất cả đều bỏ trốn.

Nếu không thanh luyện đối tượng, động cơ, mục đích của việc chờ Chúa đến thì chúng ta có nguy cơ chối từ Người khi Người đến gõ cửa nhà chúng ta hoặc khi chúng ta gặp Người trong cuộc sống. Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng tiếp tục cảnh báo chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện để nhận ra và đón Chúa đến trong mọi biến cố của cuộc sống thường ngày cho dù vẫn còn đầy những khắc khoải, lo toan. Chúa không đến để kéo ta ra khỏi trần gian, trốn chạy những tiêu cực, khổ tâm trần thế; Chúa đến để cùng chúng ta đảm nhận những xáo trộn, bất an đó rồi giúp ta ổn định lại trật tự, biến cái đống hỗn mang rối bời do tội gây ra thành công trình sáng tạo mới bằng sự thứ tha, bằng sự đồng hành đến cùng với ta trong phận người, ổn định lại mọi sự bắt đầu ngay giữa thế gian này.

Bài đọc 1 cho thấy, ngay tại chốn lưu đày, dân Chúa đã bắt đầu nghe vang lên những lời an ủi, trấn an, khích lệ: đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời, hãy vui lên… Lời Chúa mời gọi hãy cởi bỏ áo tang chế (bài 1 tuần trước) thay thế thở than ai oán bằng thái độ mừng vui vì Thiên Chúa đã thứ tha “án lệnh phạt ngươi Thiên Chúa đã rút lại” (Xp 3,15a); Và còn hơn nữa, Thiên Chúa còn hạ cố ngự đến ở giữa họ như vị minh quân quan tâm đến chăm sóc thần dân (3,15c). Hình ảnh đó báo trước ý nghĩa thần linh và thâm sâu của mầu nhiệm giáng sinh mà Luca sẽ được linh hứng tường thuật lại trong khung cảnh Bêlem của mầu nhiệm nhập thể: cả triều đình thiên quốc tụ hội lại tại Bêlem để ca ngợi Thiên Vương giáng thế; Hang chiên cừu trở thành cung điện chào đón Vua Vũ Trụ đến ở giữa dân Người.

Tin Mừng cũng cho ta thấy niềm vui tràn trề hy vọng của dân Israel, nhưng là niềm vui hồi hộp, băn khoăn, còn nhiều phân vân chưa rõ thực hư trước “hiện tượng Gioan”: “biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia!”

Chính trong bầu khí còn tranh tối tranh sáng đó, Tin Mừng cũng mạnh mẽ cảnh cáo tín hữu hãy coi chừng cơn cám dỗ đem gán cho Chúa và chờ đợi nơi Chúa những ước mơ, suy nghĩ phàm tục của mình:

Đó là lời mời gọi hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến làm chủ vĩnh viễn cuộc đời mình, đã bị chính con người xuyên tạc, sách động, ngụy biện thành những dịp, những biến cố hoành tráng nhất thời để phô trương trong chốc lát những thứ phù du, lòe mắt thiên hạ của mình và rồi sau đó là rút lui ẩn nấp sau cái tên mỉa mai “vũ như cẫn”. Và Chúa vẫn bị ta cho đứng chờ ngoài cửa nhà ta.

Tin Mừng hôm nay lại nhắc chúng ta đừng quên sự thật này: Chúa vẫn hằng đến từng ngày với chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Chúa vẫn vui mừng chờ chúng ta dọn lòng đón Chúa bằng một cuộc sống công chính, huynh đệ. Mỗi người từng ngày hoàn tất đúng cương vị, nhiệm vụ của mình như đã được trao phó.

BÀI ĐỌC I: Xp 3,14-18

Ngôn sứ Xôphônia hoạt động trong giai đoạn đầu của triều ông vua đạo đức Giosia, nghĩa là trước khi có cuộc cải cách tôn giáo của ông vua này. Trước vua này là triều của hai ông vua vô đạo: Manassê (687-642) và Amôn (642-640). Và vì khi Giosia lên ngôi chỉ mới tám tuổi, nên triều chính gần như nằm trong tay các đại thần của hai vua trước (x. 2V 21,26 – 22,1; Xp 1,8-9; 3,1-5) nghĩa là vẫn còn chịu ảnh hưởng của nếp sống vô đạo (x. Dẫn nhập Xôphônia – CGKPV). Chính trong bối cảnh đen tối ấy, Xôphônia được Chúa sai đến để ngăm đe, cảnh cáo. Ông cảnh cáo Israel (Xp 1,2-13; 3,1-5) lẫn chư dân (2,4-15) rằng sẽ đến ngày Yavê can thiệp trừng phạt các tội phạm (Xp 1,14-18; 3,6-8). Đoạn trung tâm của phần cảnh cáo này là Xp 2,1-3: ngôn sứ mời hãy trở về tìm kiếm Yavê.

Tiếc thay dân Chúa đã không nghe! Hậu quả là lưu đày, các tiểu quốc chung quanh cũng suy kiệt, đế quốc cũng suy tàn (x. 2,13; 3,6.8). Thế nhưng tiếng nói chung cuộc của sứ điệp ngôn sứ luôn là tha thứ, hồi phục. Đoạn cuối Xp 3,9-20 nói về các lời hứa và hồi phục có lẽ được viết sau biến cố 587, dân đã bị lưu đày để an ủi, khích lệ, mời gọi dân hãy vui lên vì Yavê sẽ đoái thương ban ơn giải cứu.

Trong tâm tình vui mừng của Chúa Nhật III Mùa Vọng, một trích đoạn trong phần cuối của sách Xôphôni, nói về các lời hứa hồi phục Israel đã được chọn làm bài đọc 1. Nội dung lời mời gọi là “Reo vui lên”, “hãy hò la”. Niềm vui được bộc lộ rỡ ràng ngay trong cảnh lưu đày, và tuyệt vời hơn nữa là chính Chúa cũng cùng chung vui với dân.

ĐIỀU THIÊN CHÚA MUỐN DÂN SỐNG: ĐỪNG SỢ

*Sống ngay trong hiện tại tâm tình: “ngươi không còn phải sợ nữa tai ương bất hạnh” (15d)

*Mà tương lai, Chúa sẽ thực hiện “trong ngày ấy” (16)

1/ Kêu mời biểu lộ niềm vui (3,14)

*Đối tượng là Israel

Hình ảnh diễn tả là “THIẾU NỮ Sion”, “Thiếu nữ Giêrusalem”.

THIẾU NỮ: trong Kinh Thánh, mối tương giao “Thiên Chúa – dân” được biểu lộ bằng hình ảnh hôn nhân, nhưng khốn thay, “cô vợ Israel” thường bất trung, “Thiếu Nữ” ở đây gợi lại tương quan “vợ chồng” đầy sóng gió giữa Israel và Thiên Chúa, nhưng cuối cùng tình yêu Thiên Chúa luôn thắng vượt tất cả mọi bất trung của dân (Hs 2,4.9.18.25; Gr 2,1; 3,1; 4,1; Ed 16; Is 54,6.10…).

“Thiếu Nữ Xion”, “Thiếu Nữ Giêrusalem” mà lời mời này nhắm tới ám chỉ “Số còn sót lại”: cứ mỗi lần dân bất trung, Thiên Chúa tha thứ hồi phục thì Israel lại được lọc lựa, để rồi số còn trung thành đến cùng sẽ là số đảm nhận toàn bộ lời Thiên Chúa hứa với tiền nhân: Đó là Số Còn Sót Lại.

Cách thức biểu lộ niềm vui: “reo vui”, “hò vang dậy”, “nức lòng phấn khởi”. Có lẽ đây là thái độ của một cộng đoàn phụng vụ, biểu lộ sự đồng tâm nhất trí. Trong đất lưu đày, không còn Đền Thờ, không còn lễ dâng cho Yavê… lấy gì biểu lộ niềm vui phụng vụ? Đường lối Chúa diệu kỳ: Chúa giải phóng nội tâm trước khi ra tay hành động cụ thể: Nhớ thời Xuất Hành? Khi còn đang nô lệ trong Ai Cập, Chúa đã truyền phải mừng lễ Vượt Qua xem như đã được giải phóng rồi; mừng lễ xong thì mới lên đường rời Ai Cập.

Nhờ sự nâng đỡ tinh thần của ngôn sứ, tư tế mà dân lưu đày đã tìm ra được phương thức tụ họp ca ngợi, thờ lạy Thiên Chúa không cần Đền Thờ, và tuyệt vời hơn nữa là phương thức này còn cho phép toàn dân, cả cộng đồng lẫn từng người thờ lạy Chúa MỖI TUẦN thay vì chỉ lên Giêrusalem vào vài dịp lễ lớn như trước: Thể chế HỘI ĐƯỜNG. Quả thật, nhờ ơn Chúa, khổ nhục, án phạt đã được thăng hoa thành niềm vui.

*Thiên Chúa vui mừng với và vì Israel (c.17c.e và 18a)

Israel chấp nhận hoán cải và vui hưởng ơn cứu độ, đó cũng là niềm vui của chính Thiên Chúa: Thật vậy con người háo hức mong chờ ngày Chúa đến cứu độ thì Thiên Chúa cũng nóng lòng, hồi hộp chờ tiếng “xin vâng” của con người; Chúa cũng sống “mùa vọng” chờ giây phút con người hối cải. Người cha cũng day dứt, mỏi mòn chờ đứa con hoang trở về để mở tiệc mừng (Lc 15). Cách diễn tả trên cho thấy Chúa đảm nhận vận mạng của dân, hòa chung số phận với dân.

2/ Lý do biểu lộ niềm vui:

Vì nhờ lời ngôn sứ nhắc nhở, dân Chúa nhận ra bàn tay Thiên Chúa điều khiển lịch sử nhờ đó tin vào Thiên Chúa trong hiện tại và tương lai: Thật vậy, đọc và suy gẫm lại lịch sử của dân tộc mình, Israel nhận ra rằng việc Thiên Chúa cứu hay phạt dân không phải là do những hứng khởi thất thường, nhưng đó là những quy luật đã được Chúa báo trước qua Luật, qua các ngôn sứ, Hiền nhân: phạt là để dân tỉnh ngộ, ý thức được sai lỗi của mình mà sám hối, để rồi tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa luôn là thứ tha và hồi phục: Tình Yêu Thiên Chúa luôn vượt thắng sự cứng lòng của con người!

Và trước mắt, dù dân còn đang trong cảnh khốn cùng, nhưng Thiên Chúa đã tỏ lộ sự can thiệp bênh vực dân: “án lệnh của ngươi (dân) Yavê ĐÃ rút lại”, “thù nghịch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa” (c.15). Chúng ta có thể đọc ra được nhiều tầng lớp biến cố lịch sử trong câu 15 này: – lúc dân Giuđa chưa bị lưu đày năm 587, họ đã chứng kiến đế quốc Assyri bị hủy diệt năm 612; họ thấy vua Giosias cải cách thành công; rồi họ cũng thấy những sai lầm của vua, dân đưa tới lưu đày… – Và khi đang trong đất lưu đày họ cũng được các ngôn sứ thời lưu đày an ủi (Isaia đệ nhị – Edêkien…) cho họ thấy những dấu chỉ khơi mào cho sự suy tàn của đế quốc Babylon.

Rồi lý do chính của niềm vui đó là lời công bố chứa chan hi vọng: Thiên Chúa “đang ngự giữa ngươi” (c.15 và 17). Và Chúa ngự giữa dân lần này không phải để phạt, không phải với tư cách là Thẩm Phán đến vạch tội; nhưng mà với tư cách là “Đức Vua”, “Vị Cứu Tinh”, “Đấng Anh Hùng”. Người đến là để cứu dân, “sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới dân”.

Ngôn sứ giúp dân nhìn ra ý nghĩa của hành động của Thiên Chúa trong quá khứ để nhờ đó nhận ra các dấu chỉ của Chúa ngay trong cảnh cùng khốn của hiện tại và tin tưởng vào tương lai tươi sáng mà Chúa sẽ làm cho dân. Đó là cội nguồn của niềm vui thiên sai, niềm vui của Mùa Vọng.

3/ Điều Chúa mong đợi dân trong hiện tại: ĐỪNG SỢ (c.15d.16)

Cái “hiện tại” mà Xp 3,9-20 đang đề cập đến là thời điểm nào trong dòng lịch sử Israel? Có thể đọc theo hai tầng lớp lịch sử:

*Lúc Xôphônia thi hành sứ vụ (khoảng chung quanh năm 630): Trước khi Giosias lên ngôi (640-609), miền Bắc đã mất, miền Nam đang sống trong nỗi kinh hoàng trước hiểm họa đế quốc Assyri: những đe dọa thời vua Êdêkia (tức Khitkigia: 2V 18 – 20);  Vua Mơnasê kế vị bị bắt trói điệu về Babylon (2Sb 33,11); Vua kế tiếp là Amôn bị ám sát, trong xứ nổi loạn (2V 21,23.24).

*Hoặc lúc dân đã bị lưu đày Babylon: có một số tác giả cho rằng Xp 3,9-20 được soạn thảo thời lưu đày hoặc sau đó thì hợp lý hơn (x. Cha Thuấn chú thích trang 2287; TOB “dẫn nhập Xôphônia số IV”). Nếu vậy thì toàn dân đang ở trong bóng tối: không còn quốc gia, không còn Đền Thờ, không còn tế tự…

*Đừng sợ

Như vậy cả hai trường hợp thì dân đều đang ở trong tình trạng tối tăm, ảm đạm. Dân đang bị đe dọa rơi vào cơn cám dỗ: Chúa bất lực trước các thần linh ngoại bang hoặc là Chúa đã làm ngơ, bỏ dân rồi. Trước bối cảnh khổ đau như thế, điều Chúa muốn là dân hãy vững tin vào Thiên Chúa: cụ thể là tin rằng Chúa vẫn đang ở giữa dân; Do đó đừng sợ hãi nữa cho dù quá khứ lẫn hiện tại vẫn còn là bóng đêm. Không sợ vì tin chắc Chúa đang ngự giữa dân và sắp ra tay cứu độ “trong ngày ấy”.

Niềm vui Mùa Vọng: Chúa không dẹp bỏ cảnh khốn cùng nơi trần thế, trái lại, Chúa hội nhập vào trần thế cùng gánh vác khổ nhục với ta và đề ra phương thức khắc phục rồi cùng ta thể hiện. Khổ cực đưa tới sợ hãi và tê liệt. Mùa Vọng mời ta ĐỪNG SỢ và bứt ra khỏi cái tê liệt bằng những tỏ lộ ra bên ngoài: “reo vui”, “hò vang dậy”… Nội tâm, hình thức phải phối hợp chặt chẽ, ăn khớp với nhau. Đó là điều phụng vụ mời ta sống trong Mùa Vọng để chuẩn bị cho niềm vui Giáng Sinh.

TIN MỪNG: Lc 3,10-18

Đối với Do Thái giáo, Malaki là vị ngôn sứ cuối cùng (DEB 2002 “Malachie”): sau ông, ngôn sứ vụ lụi tàn dần và chấm dứt. Người Do Thái không nhận Đaniel là sách ngôn sứ. Vì trong Đaniel, Chúa không nói qua sấm ngôn nữa mà qua giấc mơ, thị kiến, trở về lại cách thức Thiên Chúa mặc khải trước khi xuất hiện ngôn sứ vụ, tức là thời các tổ phụ.

 Chúa im tiếng thì dân chỉ còn biết đợi chờ. Trong đoạn chót, Ml 3,23.24 loan báo rằng khi Chúa cho Elia xuất hiện (Elia được xem là biểu tượng của trào lưu ngôn sứ, Môsê biểu tượng của Luật: CGKPV Tân Ước 1995 Mt 17,3 nốt “u”) thì đó là dấu chỉ cho biết thời Mêsia đã đến. Sứ điệp của Gioan vọng lại các sấm ngôn của các ngôn sứ tiền nhân: Is 58,7; Mk 6,6-8; Ed 18,7-16… Tiếng ngôn sứ đã tái xuất hiện! Phải chăng thời Mêsia đã tới và có người còn nghĩ rằng phải chăng Gioan chính là Mêsia?

Được thúc đẩy bởi niềm khát vọng mong chờ Đấng Cứu Tinh, dân chúng đã kéo đến với Gioan xin được tư vấn. Tiếp nối Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói về sứ mạng dọn đường của Gioan. Tuy nhiên phụng vụ đã bỏ các câu 7-9 là những lời ngăm đe của Vị Tiền Hô đối với đám dân Do Thái: “nòi rắn độc”, “rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây”. Phụng vụ muốn nhấn mạnh đến tâm tình tích cực: những điều tốt đẹp cần phải làm để chuẩn bị đón “ơn cứu độ của Thiên Chúa” (c.6).

1/ Lời khuyên bảo của Gioan cho đám dân muốn sám hối (Lc 3,10-14):

*Xin Gioan tư vấn sám hối: đám đông đến gặp Gioan và xin ông tư vấn phải làm gì để đáp lại lời rao giảng của ông (3,3-9). Chi tiết này cho thấy Gioan được trình bày như một ngôn sứ: như các ngôn sứ xưa, Gioan được xem như một nhân vật mà người ta có thể bàn hỏi để tìm ra được Thánh Ý Thiên Chúa, và là người trả lời cho họ biết giáo huấn của Chúa (x. Ed 8,1; 14,1; 20,1.31…)

Chúng tôi phải làm gì? Theo Luca, đây là cách diễn tả tấm lòng của những người nhận ra tội lỗi mình và thật lòng muốn sám hối; Và thái độ nội tâm phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành vi cụ thể (x. Cv 2,37; 16,30; 22,10).

*Đối tượng đến xin tư vấn

Đám đông: ám chỉ toàn dân. Họ đang khát vọng mãnh liệt chờ mong Đấng Mêsia. Dưới cái nhìn của các thủ lãnh tôn giáo, họ là đám dân đen, thứ người không biết Lề Luật đáng bị nguyền rủa (Ga 7,48-49). Kế đến Luca kể ra hai hạng người bị truyền thống tôn giáo Do Thái loại trừ cho rằng họ không hy vọng gì được ơn cứu độ.

Thu thuế: bị coi là do thái gian, bán nước cầu vinh, cộng tác với đế quốc bóc lột dân chúng.

Binh lính: là những người được tuyển hoặc được thuê vào phục dịch trong đội quân của Hêrôđê thôi. Người Do Thái không có quyền đi lính lập binh đội, vì chính quyền Roma sợ họ làm loạn. Do đó binh lính cũng là hạng chạy theo đế quốc giống như hạng thu thuế, không hy vọng gì hưởng được ơn cứu độ thời Mêsia.

Vậy khi đưa ra ba hạng người như trên, những người bị khinh dễ, bị truyền thống tôn giáo coi là không được cứu độ, Luca hàm ý rằng ơn cứu độ do Đấng Mêsia mang đến là phổ quát, không loại trừ ai. Vấn đề là đương sự phải thay đổi não trạng, sống trong hiện tại sao cho phù hợp với đường lối cứu độ do Đấng Mêsia mang đến (xem thêm CGKPV – “Tân Ước” 1995 trang 264 nốt “l”, “m”).

*Lời khuyên của Gioan: ông không chủ trương loại bỏ cơ cấu, tổ chức; Gioan không xúi giục binh lính, thu thuế bỏ nghề, ông chỉ mời thay đổi tương quan, não trạng. “Không phải việc chúng ta làm khiến ta trở thành môn đệ hay không là môn đệ Chúa Kitô, nhưng là cách thế ta làm… Chúa đòi chúng ta phải sống nghề nghiệp mình theo Phúc Âm: nghĩa là phục vụ anh em trong yêu thương và công bằng, chú ý đến kẻ khác… sao cho nhờ và qua nghề nghiệp của chúng ta – cho dù khiêm tốn mấy đi nữa – mà người khác “sẽ thấy ánh sáng và sẽ ca tụng vinh quang Chúa” (Mt 5,16) (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C trang 56-57).

Với đám đông: ông mời gọi chia sẻ. Lời khuyên này gợi lại Is 58,7, mời gọi sống tinh thần Luật và làm các việc đạo đức đúng như ý Chúa: sự việc không đổi nhưng làm với con người mới, tinh thần mới trong Đức Kitô.

Với binh lính và hạng thu thuế: ông mời gọi sống trung thực, đúng chức năng và quyền hạn được trao, không lạm dụng quyền lực mà sách nhiễu dân chúng. Mỗi người hãy sống đúng vị trí, cương vị của mình (x. 1Cr 7,17).

Tóm lại, lời khuyên của Gioan, thoạt đầu làm chúng ta hơi bất ngờ; vì khi chuẩn bị cho một điều gì đó lớn lao thì người ta thường nghĩ đến phải có những phương tiện, cách thức hành động sao cho tương xứng với tầm cỡ của công việc. Ở đây mọi người đang chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai đến để đổi mới thế giới… thế mà việc chuẩn bị gần như, về bề ngoài, không có gì: mọi người vẫn giữ đúng vị trí của mình, hoàn tất nhiệm vụ như đã được trao phó với một tư cách mới (làm mọi việc không như kẻ có quyền thế hống hách mà như người khiêm nhu phục vụ), động cơ mới (làm không vì sinh kế, tích lũy cho bản thân mà vì sẻ chia, tạo công bình hạnh phúc cho cộng đồng…), mục đích mới (biến đổi trần thế này thành vương triều Mêsia, biến trần gian đầy mưu mô tranh chấp này thành một gia đình tràn đầy yêu thương trong tình Cha của Thiên Chúa).

Như vậy những gì Gioan khuyên phải làm ở đây chưa phải là cùng đích. Đó chỉ mới là khởi điểm, bắt đầu từ những cái mình đang có: đó là luật Cựu Ước, đó là tình người; Cố gắng chỉnh sửa và hoàn thiện mình với lòng nhân hậu, công bằng của người con dân của Chúa. Những gì Gioan dạy thực ra chỉ lập lại những đòi hỏi của Cựu Ước (x. Is 58,7; G 31,17.19.21; Ed 18,7-16…), sống theo tình người như đã được khắc ghi trong lương tâm lành mạnh của nhân loại: Điều Gioan dạy, con người của Gioan chỉ là trung gian. Điều phải nhắm tới là dám bỏ Gioan, gặp gỡ Đức Giêsu, đến mà xem, ở lại với Người, thành môn đệ và cánh tay nối dài của Đức Giêsu (Ga 1,35-51).

2/ Sứ điệp của Gioan liên quan tới Đấng Mêsia (Lc 3,15-18)

a/ Chứng kiến những việc Gioan làm, dân chúng tự hỏi “biết đâu ông Gioan này là đấng Mêsia?” (c.15). Gioan đính chính qua hai hình ảnh so sánh cho thấy sự trổi vượt của Đấng Mêsia so với ông:

*Hai phép rửa: Gioan làm phép rửa bằng nước. Đó là dấu chỉ bày tỏ lòng sám hối mà thôi. Nó chẳng tha được tội và cũng chẳng ban được ân sủng có hiệu quả biến đổi con người nên mới; Nó chỉ có vai trò mời gọi, thúc đẩy, khơi dậy khả năng sám hối thật lòng nhờ đó tâm hồn được ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ do Đấng Mêsia mang tới.

 Còn Đấng Mêsia sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Có lẽ phải đến sau Phục Sinh thì ý nghĩa của lời mặc khải này mới lộ rõ. Thật vậy, chỉ sau khi nhận được Thánh Thần của Đấng Phục Sinh dưới hình lưỡi lửa thì các môn đệ mới thực sự tin vào Đức Giêsu, mới thực sự được đổi mới, được thanh luyện tận căn trở thành chứng nhân môn đệ của Đức Giêsu (x. CGKPV Sđd 246 “q” “r”)

Còn phép rửa Công Giáo thực ra cũng dùng “nước”, nhưng nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh, “nước” ấy có khả năng tinh luyện, tha tội và nhất là ban cho ta ơn làm con Thiên Chúa nhờ việc thông ban cho ta ơn Thánh Thần để ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8,15).

*Hình ảnh “chủ – tớ”: để nói lên sự thua sút về mặt phẩm giá, thân phận, tư cách của mình đối với Đấng Mêsia. “Tớ” ở đây ám chỉ một nô lệ dân ngoại chứ không là người Do Thái (x. CGKPV Sđd 264 “p”). Cụ thể là, vào thời đó, lúc tham dự các buổi tiệc, chủ sẽ lên giường, ăn uống trong tư thế nằm, nên người nô lệ phải cúi mình xuống để cởi giày cho chủ (Mc 1,7), rồi trong suốt bữa tiệc, người nô lệ đứng bên ngoài tay cầm giữ giày cho chủ (Mt 3,11) (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C trang 50).

b/ Dung mạo Đấng Mêsia:

*“Đấng mạnh hơn”: cụm từ này chỉ có Luca sử dụng (được lập lại một lần nữa ở Lc 11,22), Mt 12,29 và Mc 3,27 là hai đoạn song song với Lc 3,16 không có. Luca muốn nói Đức Giêsu là “người mạnh hơn” Satan, đến vô hiệu hóa mọi quyền lực Satan để giải cứu con người và khai mạc triều đại Thiên Chúa giữa loài người (Lc 11,20). Đấng ấy ĐANG ĐẾN.

*Vị Thẩm Phán cánh chung: hình ảnh “rê lúa” ngày mùa và “Lửa không hề tắt” gợi lên khía cạnh phán xét cánh chung của dung mạo “Mêsia – Thẩm Phán” (Sđd 265 “s”). Vậy Gioan nhấn mạnh đến sứ điệp cánh chung hơn là đạo đức: Gioan mời gọi người ta chịu phép rửa sám hối, thực thi bác ái công bình LÀ ĐỂ được AN BÌNH, MỪNG VUI hân hoan RA ĐÓN TIẾP Vị Thẩm Phán khi Người ngự đến.

Có lẽ vì Gioan quá chú tâm đến nét “thẩm phán công minh” của Đấng Mêsia, nên khi Đức Giêsu xuất hiện công khai thì nét “Thẩm phán” ấy lại không thấy thể hiện rõ nét nơi lời giảng, hành động của Người; Do đó Gioan đã hoang mang (Lc 7,18-23; Mt 11,2-6).

Mầu nhiệm về Đấng Mêsia luôn vượt quá tầm hiểu biết cao siêu nhất của con người. Phải làm những gì cần phải làm trong tâm tình tín thác để Thiên Chúa hoàn tất nơi ta dự tính của Thiên Chúa (x. Lc 1,38).

3/ Phương thức Gioan thực thi sứ mạng (Lc 3,18)

Gioan loan báo Tin Mừng bằng nhiều lời khuyên dân chúng. Câu đó hàm ý rằng sứ vụ, sứ điệp của Gioan cũng là tin mừng rồi. Vậy tất cả những gì liên quan đến Đức Giêsu, dù chỉ mới là một lời khuyên bảo gián tiếp, dọn đường cho Người thôi, đều là Tin Mừng.

Khi đã hiểu được như thế thì – hãy đọc lại bài Tin Mừng – chúng ta có thể nói rằng mỗi khi tín hữu chu toàn bổn phận thường nhật của mình trong tâm tình mến yêu thờ lạy Thánh Ý Chúa trên cuộc đời mình thì đã ĐANG LOAN BÁO TIN MỪNG rồi vậy. Nhờ tình yêu và quyền năng của Ba Ngôi, mọi công việc thường nhật của tín hữu (dù chỉ “hai đồng tiền kẽm”: Lc 21,1-4; Mc 12,41-44) khi được làm trong tâm tình người con thảo hiếu của Chúa thì đều là những đóng góp giá trị vào chương trình cứu độ của Ba Ngôi.

Bản thân biết mình được Thiên Chúa thứ tha!

Biết mình được mời gọi làm cộng tác viên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa ngang qua những việc bổn phận thường ngày!

Biết rằng mọi nỗ lực, thiện chí của mình đều được Thiên Chúa quan tâm, trân trọng.

Đó là niềm vui mà Lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC