CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – năm B

Bài 1

Is 61,1-2a.10-11; Ga 1,6-8,19-28

Chủ đề: NIỀM VUI: niềm vui ĐƯỢC CỨU ĐỘ, CÓ CHÚA Ở CÙNG.

* Is 61,10: Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

* Ga 1,26: Gioan làm chứng: “có một Đấng đang ở giữa các ông”.

Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Mùa Vọng, hôm nay là Chúa Nhật III Mùa Vọng. Truyền thống phụng vụ trong Hội Thánh gọi là Chúa Nhật HỒNG, Chúa Nhật của Niềm Vui. Niềm Vui được biểu lộ qua y phục phụng vụ: chủ tế có thể mặc lễ phục HỒNG thay cho TÍM…Thế nhưng trong thân phận phù du, mỏng dòn của con người thì thế nào là NIỀM VUI? Cũng là một sự việc, nhưng là Vui đối với người này, lại có thể là buồn lo đối với kẻ khác! Ngay cả đối với một cá nhân, cũng chỉ là một sự việc thôi mà vào thời điểm này là vui, rồi vào thời điểm khác lại thành âu lo!

Vậy NIỀM VUI mà Chúa muốn mang cho chúng ta là Niềm Vui nào? Niềm Vui ấy có trùng khớp với những khát vọng mà chúng ta mong mỏi đợi trông hay không? Nếu Niềm Vui Chúa mang đến và khát vọng của chúng ta chỏi nghịch nhau thì phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào?

Lời Chúa hôm nay, đặc biệt trong bài đọc một và hai mời chúng ta chiêm ngắm Niềm Vui mà Chúa mang đến; Còn Tin Mừng sẽ cho thấy thái độ đáp trả từ phía con người trước Niềm Vui Chúa mang đến ấy.

Niềm Vui trong bài đọc một là Niềm Vui của NGƯỜI MÔN ĐỆ, được Chúa tuyển chọn rồi tuôn ơn lành, trao sứ mạng sai đi phục vụ cho ơn cứu độ của dân Chúa: ĐỨC CHÚA trao ban Thần Khí của Chúa cho người môn đệ; Xức dầu tấn phong làm cộng sự viên của Chúa làm người phục vụ: “sai đi báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố NĂM HỒNG ÂN của Chúa”. Đó là Niềm Vui ra sức PHỤC VỤ dự tính cứu độ của Chúa trong tư cách là người môn đệ được Chúa chọn.

Trước ân huệ lớn lao được phục vụ công trình cứu độ của Chúa đó, người môn đệ HÂN HOAN diễn tả Niềm Vui thần linh mình được hưởng qua những cách nói truyền thống: được mặc áo hồng ân cứu độ, được choàng đức chính trực công minh…Niềm Vui của cô dâu chú rể trong ngày cưới…Niềm Vui được trúng mùa.

Cũng trong chiều hướng về ơn cứu độ, Niềm Vui trong bài đọc hai, Thơ một gửi Thêxalônica là Niềm Vui “cầu nguyện không ngừng”, “Tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”; Niềm Vui để Thần Khí Chúa bừng cháy trong mình để đón nhận ơn Chúa, biện phân tốt xấu hầu hưởng Niềm Vui “lánh xa điều xấu dưới mọi hình thức”; Niềm Vui gìn giữ xác hồn mãi vẹn sạch cho đến ngày Chúa quang lâm. Một Niềm Vui thánh thiện bao trùm cả hiện tại, tương lai.

Tiếc thay, đến Tin Mừng, Niềm Vui như bị chùn lại bởi thái độ nghi kỵ qua lời chất vấn mà các “người Do Thái từ Giêrusalem” đặt ra cho Gioan. Họ là những nhà lãnh đạo tôn giáo, thông luật, có phương tiện, quyền lực trong tay…lẽ ra họ phải là  những người nhận ra Đức Giêsu, hướng dẫn dân đến với Người, khi Người xuất hiện; Tiếc thay vì tư lợi, địa vị phe nhóm họ đã thành kẻ chống đối Đức Giêsu (x.Ga 11,46-53). Niềm Vui lại trở thành nỗi âu lo của họ. Vì thế khi thấy việc Gioan làm có nhiều nét như đe dọa quyền lợi của họ, họ sai người đến chất vấn Gioan.

Thật vậy với lời rao giảng, đời sống và việc làm phép rửa của mình, Gioan Tẩy Giả đã làm dấy lên cả một phong trào tôn giáo, có kèm theo những lễ nghi dựa trên việc chịu phép rửa, thú nhận tội lỗi (Mt 3,6) giục lòng sám hối (Mt 3,11) để được ơn tha tội (Mc 1,4b). Vai trò của các thủ lãnh tôn giáo như bị lu mờ trước con người và sứ điệp của Gioan. Họ phải có thái độ, phải bảo vệ quyền bính của mình, phải lấy lại uy tín…Họ sai người đến đặt ra cho Gioan ba câu hỏi về CĂN TÍNH của Gioan. Ông là ai mà dám làm phép rửa? Xúi dạy người ta phải thú tội để được ơn tha tội? Đó lại là dịp tốt để Gioan hoàn tất vai trò CHỨNG NHÂN của ông đã được loan báo trong Lời Tựa (Ga 1,6-8.15), và nhất là ông loan báo NIỀM VUI đã tới: “CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG MÀ CÁC ÔNG KHÔNG BIẾT” (Ga 1,26). “Có Chúa ở cùng” là ơn huệ lớn lao, là niềm vui vĩ đại mà Thiên Chúa hứa trao ban cho dân Chúa (x.Is 7,14).

Như vậy Niềm Vui mà Tin Mừng mang đến cho ta là giữa bao cảnh chống đối, tiêu cực, ác ý từ phía kẻ nghịch thì tín hữu vẫn VUI vì biết chắc rằng Đấng Thiên Sai, Vị Cứu Tinh cũng chính là Thiên Chúa ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA. Niềm Vui giáng sinh chính là Niềm Vui biết chắc rằng CHÚA GIÊSU NGỰ TRỊ LÒNG TA. LUÔN LUÔN.

Bài 2

“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,6-7).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật III B Mùa Vọng. Và theo lịch phụng vụ thì 25/12 này là “Chúa đến”. Hôm nay cũng được gọi là Chúa Nhật vui. Nhưng vui như thế nào? Thử xét mình một chút xem: 25/12 sắp tới đây có khơi lên được trong chúng ta chút niềm vui nào không? Hiện giờ chúng ta đang bận tâm điều gì; Và 25/12 có vị trí nào trong tâm hồn chúng ta hay không? Và yếu tố nào liên quan đến 25/12 đang chiếm ưu thế trong tâm hồn ta? Chúng ta chờ Chúa để mong có bánh ăn hay để nhận ra sứ điệp (ý nghĩa của dấu lạ) mà Người muốn gởi đến cho chúng ta (x.Ga 6,26). Cũng thế, chúng ta đang chờ Chúa đến! Nhưng chúng ta chờ điều gì nơi Chúa? Chờ Chúa trong tâm trạng nào? trong tư thế nào? Chúng ta có gặp Chúa bao giờ chưa? Nếu Chúa đột nhiên đến với chúng ta, làm sao nhận ra Người? và sẽ phản ứng, đối xử ra sao? “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho (đã không cho) Ta ăn…”

Người Do Thái đã từng miệt mài, khắc khoải chờ mong Đấng Mêsia tới. Họ đã được bao nhiêu ngôn sứ, hiền nhân nhắc nhở, dạy bảo. Họ thật lòng, họ chuẩn bị bằng việc hăng say tuân giữ Lề Luật (như Phaolô chẳng hạn). Thế nhưng rồi, khi Người đến trong “giáng sinh” thì họ thờ ơ lãnh đạm; khi Người đến trong sứ vụ để nói cho họ niềm vui Nước Trời đã đến thì họ nghi ngờ chống đối. Và chỉ trong ba năm nghe Người công bố “niềm vui” mà Người mang đến thì họ đã “bịt tai lại” và đóng đinh Người trên Thập giá.

Giữa bầu trời tối đen đó, “ngọn lửa tình yêu” của Thiên Chúa đã thắp lên các đốm sáng nhỏ của “Số Còn Sót lại”, đặc biệt là của Gioan Tẩy Giả, của Đức Mẹ Maria và của Thánh Giuse. Đó là những con người đã đón nhận “niềm vui” của Chúa làm thành “niềm vui” của mình. Họ trở thành những người cưu mang lời Chúa, đem lời Chúa đến cho mọi người bằng cả cuộc đời họ.

Tin Mừng hôm nay gồm hai phần tách biệt nhau ghép lại: phần đầu gồm ba câu của Lời tựa (1,6-8), nói về vai trò chứng nhân của Gioan Tẩy Giả trong ý định từ thuở đời đời của Thiên Chúa, phối hợp với trích đoạn nói về ngày thứ nhất của Tuần Sáng Tạo đề cập đến sứ mạng chứng nhân của Gioan trong dòng lịch sử vào thời điểm Đức Giêsu sắp xuất hiện rao giảng công khai (1,19-28). Đây là niềm vui lớn cho dân, vì những gì Thiên Chúa dự tính nay đã thể hiện. Đó là dấu chỉ thời thiên sai đã tới.

  1. Vai trò của Gioan trong dự tính từ muôn đời của Chúa (1,6-8):

Về con người: ông tên là Gioan – là “người được Thiên Chúa sai đến” – “ông không phải là ánh sáng”.

Về sứ mạng: “làm chứng về ánh sáng” – mục đích là để mọi người nhờ ông mà tin.

Phần này cho thấy sứ mạng của Gioan là sứ mạng thần linh đã nằm trong dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa. Khác với Nhất Lãm, trong Tin Mừng thứ tư, sứ mạng của Gioan là làm chứng nên Tin Mừng thứ tư không nhấn mạnh đến việc làm và lời rao giảng dọn đường của Gioan: không kể lại các chi tiết việc Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu, không kể lại lời rao giảng kêu mời dân sám hối, thú tội và chịu phép rửa. Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh đến chứng từ của Gioan.

Từ muôn đời, ý định của Thiên Chúa đối với Gioan rất rõ: Người sai ông đến LÀM CHỨNG về ánh sáng. Với ông, giai đoạn cụ thể Thiên Chúa thi ân giáng phúc bắt đầu: ông được chào đời là một ân huệ đặc biệt của Chúa ban cho gia đình son sẻ Dacaria và Ysave; tên của ông, do Thiên Chúa đặt, là một biểu lộ nữa, tỏ tường tình yêu của Thiên Chúa.

GIOAN: trong tiếng Do Thái là yơhôkhânân hoặc yôkhanân có nghĩa là “Yavê thi ân, thương xót”. Ông chính là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhân loại để làm sứ mạng “làm chứng về ánh sáng”.

Mục đích của chứng từ là “để mọi người nhờ ông mà tin”. Việc nhấn mạnh “chứng từ” như là điều kiện cần thiết để tin vào Đức Giêsu là một trong những nét đặc sắc nhất của Tin Mừng thứ tư. Trong thế giới cổ hi lạp, “chứng nhân” được gọi là MARTUS: đó không chỉ là người chứng kiến đơn thuần, có bổn phận phải đưa ra bằng chứng, mà đương sự còn phải bảo đảm cho kết cục của vụ kiện mà mình đã tham gia vào, kể cả phải lấy mạng sống mình để làm chứng (xem Sđd 66). Từ đó mới phát sinh ra danh từ “martyr” = “người tử đạo”.

2. Ý định từ đời đời của Thiên Chúa nay được thể hiện trong dòng lịch sử qua con người của Gioan: Gioan xuất hiện và thực thi trong dòng lịch sử sứ vụ mà Thiên Chúa đã dự tính cho ông từ đời đời (1,19-28). Ông không phải là ánh sáng: nhiều lần ông khẳng định rằng ông không phải là Đức Kitô (1,20; 3,28). NIỀM  VUI của Gioan là nói lên, làm chứng cho sự thật đó (3,29).

Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng chưa xuất hiện. Những lời chứng của ông hôm nay là làm chứng về bản thân ông. Tuy nhiên các lời chứng ấy đủ là NIỀM VUI cho những ai chân tâm mong đợi: – Đấng ấy đến rồi “đang ở giữa các ông” mà các ông chưa nhận ra đó thôi – Đấng ấy “đến sau tôi”: đọc trình thuật “Tuần khai mạc”, ta thấy Đức Giêsu xuất hiện sau Gioan và được Gioan giới thiệu và làm chứng.

Như vậy dung mạo Đấng Cứu Tinh không còn xa xôi, mơ hồ nữa, mà đã lộ ra những nét cụ thể. Đó chính là niềm vui của Gioan và của toàn dân.

Chứng từ của Gioan trong Tin Mừng hôm nay gồm ba phần:

  • Xác nhận căn tính dưới lời đáp phủ nhận (1,19-21).

  • Một khẳng định dựa theo lời ngôn sứ (1,22-23).

  • Hé mở vài nét dung mạo Đấng Mêsia bằng cách so sánh sứ mạng của mình với sứ mạng của Đấng Mêsia (1,24-27).

  • Ba lời phủ nhận:

Đối tượng của cuộc đối thoại này là một số tư tế và lêvi được các quan thầy của họ từ trung tâm tôn giáo Giêrusalem cử tới. Câu hỏi chủ yếu là muốn xác định căn tính của Gioan: “ông là ai?”

Gioan khẳng định ngay: ông không phải là Đức Kitô. “Kitô” tức là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong sai đến thực hiện niềm ước mơ thiên sai từ bao đời của dân Chúa. Niềm ước mơ này ít nhiều bị lệch lạc bởi nhãn giới chính trị: Người sẽ đè bẹp các dân khác bằng bạo lực để dân Chúa được ngẩng cao đầu như thời Đavít – Salomon. Trong tâm tình đó thì nhóm Xađốc, tư tế, nhất là ở Giêrusalem rất âu lo nếu vị vua Mêsia xuất hiện. Bởi vì quyền lợi của họ sẽ bị đe dọa: họ có khuynh hướng thân Rôma, được Rôma đỡ đầu, hưởng lợi từ nhũng ưu đãi mà chính quyền Rôma dành cho họ. Nếu Đấng Kitô tới giải phóng rồi thống trị cả Rôma thì số phận của họ ra sao đây?

  • Ông cũng phủ nhận mình là ÊLIA: người do thái tin rằng lời thiên sai được khai mở bằng sự xuất hiện của một sứ giả đi trước dọn đường cho Đấng Mêsia tới, và vị sứ giả ấy chính là Êlia (Ml 3,1.23-24). Qua câu hỏi này họ muốn truy tìm tung tích Đấng Mêsia để tìm phương thế đối phó hầu bảo vệ địa vị của họ.

  • Ông là “vị ngôn sứ?”: ở đây ám chỉ vị ngôn sứ được nói đến trong Đnl 18,8, vị ngôn sứ vĩ đại như Môsê sẽ được Thiên Chúa gởi đến vào thời cuối cùng để nói lại cho dân tất cả mọi điều Chúa muốn.

Sau Malaki, người do thái cho rằng Thiên Chúa không còn nói với dân qua các ngôn sứ nữa (x.Đn 3,37-39; Mcb 9,27); như vậy Chúa như im tiếng, cắt đứt tương giao. Do đó, dân ngóng chờ ngày Chúa nguôi cơn giận nối lại tình thân với dân bằng cách lại gởi ngôn sứ đến. Sự tái xuất hiện của ngôn sứ là dấu hiệu Thiên Chúa thứ tha, thời ân sủng khai mạc.

Đó là lý do dân chúng hân hoan, náo nức khi thấy Gioan xuất hiện với những nét đặc thù của một ngôn sứ. Tuy nhiên các tư tế, cũng như dân Giêrusalem dường như không mong Đấng Mêsia (x.Mt 2,1-5); Họ chỉ tìm bảo vệ cái an toàn họ đang có, nếu cần thì hủy diệt Người (x.Ga 12,47-51). Họ không hưởng được niềm vui Đức Giêsu mang đến.

  • Một lời khẳng định: tuần trước đã chia sẻ ý tưởng này: là ngôn sứ ứng nghiệm nghĩa là ý định từ bao đời của Thiên Chúa nay thể hiện; Đó là dấu chỉ thời thiên sai đến. Đó là sứ điệp vui mừng Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta. Phải thường xuyên tiếp xúc với Lời Chúa để nhạy cảm trước các ám hiệu của Chúa hầu hoán cải, đón nhận NIỀM VUI thiên sai.

  • Hé mở dung mạo Đấng Mesia (1,24-27)
    Nhóm Pharisêu là các chuyên gia về luật, họ chuyển câu hỏi từ căn tính của Gioan qua tư cách pháp nhân của ông khi ông tụ tập dân chúng lại, đòi họ phải sám hối, thú tội và nhận phép rửa của ông. Gioan không là Kitô, Êlia, Vị ngôn sứ tại sao lại dám làm phép rửa? Dưới cặp mắt vụ luật, đó là tội lạm quyền, phạm thượng (x.Mt 9,3; Mc 2,7; Lc 5,21). Chắc là họ nghĩ rằng Gioan làm phép thánh tẩy đặc biệt sẽ tẩy sạch, thanh lọc toàn dân và ban cho dân Thần Khí thánh thiện của Người (xem “Thủ bản môn đồ” của cộng đoàn Qumrân cột IV hàng 20-21) (xem sđd 77).

Gioan đã đính chính rằng ông chỉ làm phép rửa bằng nước giục lòng thống hối, còn việc làm phép rửa tha tội và ban Thần Khí là công trình của Đấng Mêsia.

Tuy nhiên, Gioan đã lợi dụng thắc mắc đó để hé mở cho thấy vài nét về Đấng Mêsia:

  • Đấng ấy đã có mặt rồi, “đang ở giữa các ông”. Thời đợi trông chấm dứt; Bây giờ là giai đoạn biện phân, nhận ra và tiếp đón Người.

  • Một dấu giúp biện phân: Đấng ấy “ĐẾN SAU TÔI”
    “Ô PISO MOU” (Mt 4,19; 16,23) nơi người do thái, đó là cách diễn tả truyền thống để ám chỉ một môn đệ của một rabbi. Thật vậy, trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu được trình bày như một thành viên của Nhóm Tẩy Giả: Người cũng làm phép rửa như Gioan và làm sau Gioan nhưng thu hút nhiều người hơn (x.Ga 3,22-26;4,1). Đó là chuyện thường tình: Trò vượt hơn Thầy. “Ngôi Lời làm người” đã từng bước một sống kiếp con người.

Tuyệt vời là Gioan cũng đã sống trọn phận người: không bám vào địa vị “người đi trước” nhưng khiêm tốn, vui mừng làm chứng cho sự thật “Đức Giêsu mới là chàng rể” “Người phải nổi bật lên còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

Niềm vui của Gian cũng sẽ là niềm vui của chúng ta, theo tinh thần Chúa Nhật III B Mùa Vọng khi chúng ta nhận ra Đức Giêsu ngay giữa đám đông nhân loại và khiêm tốn phục vụ Người (x.Mt 25,31-46) và sẵn sàng LÀM CHỨNG về Người cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Niềm vui của Kitô hữu là niềm vui được Chúa tiền định cho ta được góp phần vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC