CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – năm B

Bài 1

Xh 20,1-17; Ga 2,13-25
Chủ đề: Phải thờ phượng Chúa, tôn trọng sự thánh thiện của Người

* Xh 20,1-17: Chúa ban cho dân mười điều răn và dân phải thờ phượng Chúa bằng cách tuân giữ Luật ấy. 

* Ga 2,16: Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ “…đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.

Giữa Thiên Chúa chí thánh, tinh tuyền và con người phàm hèn tội lỗi, có một vực thẳm ngăn cách sức người không thể vượt qua được (x.Xh 3,5-6; 19,21-20,19 …); Không ai nhìn thấy vinh quang Chúa mà còn sống (Xh 33,20), những ai được Thiên Chúa thương chọn mới được Người cho thấy những nét cụ thể mà Người đã dùng để biểu lộ vinh quang của Người thôi (x.Xh 3,2-3; 33,18-23…)

Chúa Nhật III B Mùa Chay trình bày cho chúng ta hai cách thức cụ thể mà Thiên Chúa đã dùng trong Cựu Ước để biểu lộ vinh quang thần linh của Người và để Người ngụ lại giữa Dân: đó chính là LỜI CHÚA tức là mười giới răn, Thiên Chúa đã ban cho Dân Chúa để trở thành cương lĩnh của cuộc sống; DÂN Chúa phải gìn giữ nghiêm chỉnh để biểu lộ lòng thần phục, tôn vinh Thiên Chúa. Điều này được thuật lại trong bài đọc một. Còn trong Tin Mừng, nơi Chúa biểu lộ vinh quang và ngụ giữa dân Người là ĐỀN THỜ. Đó là nơi con người đến cầu nguyện, gặp gỡ Chúa, kính tôn, thờ phượng Người.

Giữa mười LỜI CHÚA tức mười ĐIỀU RĂN và ĐỀN THỜ có sự liên hệ mật thiết với nhau: Trong thời gian Dân còn lưu lạc trong Hoang Địa, lúc còn trong thân phận lữ hành, mười LỜI CHÚA đồng hành với Dân trong một chiếc LỀU di động gọi là LỀU HỘI NGỘ (Xh 33,7-10), Dân có thể chiêm ngắm vinh quang Chúa nơi LỀU này (Xh 33,10); Và vinh quang Chúa xuất hiện hữu hình nơi Lều là hình thức Chúa dùng để điều động, đồng hành và hướng dẫn lộ trình, đường đi nước bước cho Dân tiến về Đất Hứa (x.Xh 40,36-38). Rồi khi Dân đã an cư trong Đất Hứa, thì Thiên Chúa đã bằng lòng để vua Salomon xây cho HÒM BIA LỜI CHÚA một ĐỀN THỜ. Từ đó Đền Thờ là nơi Chúa ngự, biểu lộ vinh quang và là nơi Dân đến tôn vinh thờ lạy Chúa, Chúa hứa đó là nơi Chúa ngự trị đến muôn đời (x.1V 8,13). Tuy nhiên Thiên Chúa không bị nhốt trong Đền Thờ, nhất là khi con người tỏ ra bất xứng, lạm dụng Đền Thờ, biến Đền Thờ thành nơi buôn bán (Ga 2,16).

Nơi Đức Giêsu, sự liên kết giữa LỜI CHÚA và ĐỀN THỜ trở nên trọn hảo: Người chính là NGÔI LỜI THIÊN CHÚA và Thân Thể Người chính là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa và Đền Thờ đan quyện nên một.

Trong bài đọc một, cách thức Thiên Chúa dùng biểu lộ vinh quang là LỜI CHÚA. Mười điều răn Chúa ban cho Dân chính là cách thức Chúa dùng để đồng hành, dạy dỗ, giáo dục đám nô lệ thành dân thánh của Chúa (x.Xh 19,5-6). Nhưng đó cũng là một GIAO ƯỚC, một đòi buộc. Đòi dân phải giữ Luật Chúa. Đó là cách tôn vinh thờ phượng Chúa mà Chúa mong đợi nơi dân Chúa.

Mười lời Chúa gồm ba lời nói về bổn phận đối với Chúa: 1. Chỉ thờ phượng một mình Chúa thôi; 2. Không được dùng TÊN Chúa cách bất xứng; 3. Giữ ngày Sabat. Còn bảy điều liên quan đến bổn phận của con người đối với nhau có thể chia làm hai nhóm:

  • Những việc làm biểu lộ ra bằng hành động: 4. Thảo kính cha mẹ; 5. Chớ giết người; 6. Chớ ngoại tình; 7. Chớ trộm cắp; 8. Bằng lời nói: Chớ làm chứng dối.

  • Những việc liên quan chỉ mới trong ý nghĩ: CHỚ THAM 9. Nhà cửa, đất đai; 10. Vợ con, tài sản kẻ khác.

Trong Tin Mừng: nơi chốn Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và cũng là nơi mà con người đến để thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa là ĐỀN THỜ. Mặc dù vào thời của Đức Giêsu thì trong Đền Thờ không còn hai BIA ĐÁ LỜI CHÚA nữa, nhưng đó vẫn là nơi linh thánh, nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng Dân Chúa đã coi thường vinh quang Thiên Chúa; Họ không tôn vinh thờ phượng Chúa như Lời Chúa đã dạy; Họ đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán: việc dâng lễ vật, cúng tiền cho Chúa bị biến thái thành dịch vụ kinh doanh. Sự linh thánh của Đền Thờ không còn nữa, mục đích để Đền Thờ được xây nên đã mất thì Đền Thờ không còn lý do tồn tại. Đức Giêsu mặc khải một ĐỀN THỜ MỚI: đó là nhân tính được tôn vinh của Người sau khi chịu khổ hình thập giá và phục sinh: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây lại”. Từ nay, với Thập Giá và phục sinh, Đức Giêsu vừa là Đền Thờ, là lễ vật, là Thượng Tế; Người biểu lộ vinh quang và Tình Yêu của Thiên Chúa; Đồng thời Người cũng tôn vinh Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa thay mặt toàn thể nhân loại cách hoàn hảo. Chỉ trong Đức Giêsu, ta mới thờ Chúa cách PHẢI ĐẠO.

Bài 2

“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” … Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người (Ga 2,19.21).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật III B Mùa Chay. Lời Chúa mời tín hữu tiếp tục suy gẫm về chủ đề CHIẾN ĐẤU. Chiến đấu để làm mới lại những ân huệ Chúa ban đã bị bụi bặm thời gian và nhiều yếu tố khác làm ra hoen ố, rỉ sét, giảm sút (lắm khi mất luôn) sức sống thần linh, khiến con người chỉ còn sống theo hình thức, đua đòi khoe khoang những hào nhoáng bên ngoài. Do đó “canh tân, đổi mới” là một trong những nét mà Giáo Hội khích lệ con cái mình hãy chiến đấu để đạt được trong Mùa Chay.

Thật vậy, sau ba thế kỷ bị bách hại, Giáo Hội bắt đầu bước vào giai đoạn hưng thịnh, được đế quốc Rôma nhìn nhận ưu đãi; Do đó được tự do giữ đạo, truyền bá niềm tin và diễn tả ra bằng những hình thức, nghi lễ huy hoàng. Các hình thức đạo đức cũng được phát huy và lan rộng đa dạng khắp các giáo đoàn.

Lễ Phục Sinh biến thành một đại lễ, với bốn mươi ngày chuẩn bị gọi là Mùa Chay. Đây là thời gian Giáo Hội thôi thúc, hướng dẫn đoàn con hãy lo sám hối, đổi mới não trạng, canh tân cuộc sống qua phụng tự lẫn những việc đạo đức: ăn chay, bố thí, cầu nguyện. Giáo Hội quyết noi gương Chúa của mình (Đức Giêsu) CHIẾN ĐẤU quyết liệt suốt bốn mươi ngày trong hoang địa chống lại những mãnh lực sự dữ luôn tìm cách ngăn trở, chống lại sứ mạng của Người. Như vậy các Kitô hữu được khuyến khích giũ bỏ những mê muội, đờ đẫn của mình và đổi mới lại đức tin, khơi bùng lại sức sống thần linh. (x. Theo Nouvelle encydopedie catholique p.924 a,b)

Trong Tin Mừng Chúa Nhật I B Mùa Chay, Đức Giêsu đã chiến đấu đạp đầu “Rắn” đem lại cho nhân loại sự tự do, hồi phục nhân phẩm để có thể tự quyết được về vận mạng của mình mà không còn bị khống chế bởi ma quỷ và mãnh lực sự ác hay sợ hãi nào.

Qua Chúa Nhật II B, các môn đệ được đào tạo để chiến đấu chọn con đường Thập Giá, trong xác tín đó là Ý Cha, là con đường đưa tới vinh quang đích thực: đừng để rơi vào cơn cám dỗ bám víu vào cái vinh quang nhất thời mà quên đi phận làm người, quên đi con đường Thập Giá.

Tin Mừng hôm nay tiếp tục mời gọi các kẻ tin hãy tiếp tục chiến đấu: chiến đấu để đổi mới, để canh tân, làm rực sáng lại đức tin, hồi phục lại sức sống thần linh ẩn tàng trong các giáo điều (mười điều răn trong bài đọc một), trong các cơ chế (Đền Thờ trong Tin Mừng) của  kitô giáo, nhưng lâu ngày đã bị bụi bặm thời gian trần thế bám vào làm hoen ố, rỉ sét, nguy cơ trở thành một mớ lề luật, một khối cơ cấu nặng nề không ai vác nổi (x.Cv 15,10; Mt 23,1-32). Cần phải có ơn Chúa trợ giúp để chiến đấu, biện phân, nhận ra trong cuộc sống và trong đức tin, đâu là những yếu tố đến từ Thiên Chúa, đâu là những cặn bã, uế tạp của trần thế bám vào làm biến chất đức tin.

Bài đọc một là trích đoạn Xh 20,1-17: nội dung là mười Lời của Giao Ước được Thiên Chúa ban cho dân Israel qua trung gian Môsê tại núi Sinai. Mục đích của ân huệ thần linh này là để Israel trở thành dân tư tế, dân riêng của Thiên Chúa (x.Xh 19,5-6). Với Giao Ước này, họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thế nhưng qua dòng lịch sử, các tập tục, các lối ứng xử phàm nhân do họ bịa thêm vào, đã biến Giao Ước mười lời thành bộ luật gồm sáu trăm mười ba điều khoản, mà khốn thay, không phân biệt đâu là khinh đâu là trọng, cào bằng tất cả đến độ toàn dân qua bao thế kỷ cũng không rõ “điều răn nào là lớn nhất?” (Mt 22,36), “điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28). Họ đã ù lì, đờ đẫn để cho bụi bặm thời gian, những uế tạp của môi trường xã hội của dòng lịch sử bám vào, che lấp mất tinh thần của Luật, biến Luật Chúa thành những gánh nặng chất lên vai dân, không ai gánh nổi (x.Lc 11,46): Việc thờ phượng, ngợi khen Thiên Chúa chỉ còn là những lời giả dối đầu môi chót lưỡi (x.Mc 7,6b-7); Những lời Chúa nhằm giúp chu toàn bổn phận đức ái đối với tha nhân, chữ hiếu đối với cha mẹ đã bị chúng “phù phép” thành những rào cản kiên cố ngăn chận tình người, thành “mồ mả tô vôi” chôn vùi đạo hiếu (x.Mc 7,8-13; Mt 23).

Như vậy, hồng ân được Thiên Chúa trao ban để giúp Israel trở thành dân tự do, triển nở lại bị họ làm thành hủ hóa, biến chất nên xiềng xích trói buộc họ. Vì tình yêu, Thiên Chúa phải can thiệp khôi phục lại giá trị của Giao Ước: ngay khi vừa nhận Luật, họ đã vi phạm Giao Ước, thế là “Bia Đá” bị phá hủy (x.Xh 32,19b); Rồi Chúa vẫn trung tín ban “Bia Đá” mới (x.Xh 34,1), vẫn đưa dân vào Đất Hứa, kiên trì giáo dục họ theo tinh thần Giao Ước, và còn ban cho họ Đền Thờ. Thế nhưng dân vẫn cứng lòng đi lạc xa đường lối Chúa. Thế là với biến cố lưu đày, Chúa thu hồi lại “Bia Lề Luật”, phá hủy Đền Thờ … Chúa thu hồi “Bia Đá” nhưng Chúa KHÔNG HỦY BỎ GIAO ƯỚC! Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện một kỳ công: ghi khắc Luật, Giao Ước của Chúa vào con tim bằng thịt của nhân loại (x.Gr 31,31-34). Lời Chúa trở nên huyết mạch, lẽ sống cho nhân loại. Trên cái nền “mười lời” đó, đến thời Tân Ước, Đức Giêsu giáo huấn về con đường nên hoàn thiện của Người (x.Mc 10,19; Mt 19,18-19; Lc 18,20: đó là phần thứ hai của “mười lời” nói về bổn phận đối với tha nhân). Rồi Đức Giêsu canh tân “mười lời” đó bằng một lời mời triệt để: bán tất cả những gì đang có, cho người nghèo, rồi đến theo tôi (x.Mc 10,21 và //). Để đáp trả được yêu sách đó phải CHIẾN ĐẤU, dám từ bỏ tất cả để theo Đức Giêsu. Vậy phải CHIẾN ĐẤU để từ bỏ con người cũ nô lệ của tội, của sự dữ; Rồi CHIẾN ĐẤU để sống theo Luật Chúa, sống như một dân tự do, dân riêng của Chúa; Nhưng đó chưa phải là cùng đích: cái đích là THEO Đức Giêsu nghĩa là phải CHIẾN ĐẤU đừng để bị ràng buộc bởi các điều tốt lành cuộc bộ mà mình đã tích lũy được, để hoàn toàn thanh thản không gì bận vướng nhẹ nhàng theo Đức Giêsu.

Tin Mừng hôm nay thuật lại một phản ứng khá bất ngờ của Đức Giêsu, đã từng tự xưng là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (x.Mt 11,29). Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại sự việc Đức Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ, Người muốn khôi phục lại sự trang nghiêm, linh thánh của nơi thờ phượng Thiên Chúa, muốn đưa nền phụng tự Do Thái giáo tới mức tốt đẹp hơn. Biến cố này cùng là dấu chỉ mang tính ngôn sứ, báo trước sẽ có “Đền Thờ” mới, có nền phụng tự mới thay thế cái cũ đã bị biến chất, xuống cấp.

Chỉ có Tin Mừng thứ tư đặt biến cố này vào đầu giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu, diễn ra vào dịp lễ Vượt Qua thứ nhất lúc Đức Giêsu khởi sự sứ vụ. Sau “tuần lễ khai mạc”, hoạt động rộng mở từ nam ra bắc, khá thành công, Đức Giêsu đã kêu gọi, qui tụ được cộng đoàn thiên sai (x.Ga 1,19-51) đồng thời hé mở cho các ông thấy dấu chỉ của Nhiệm Cục cứu độ mới: Nước hóa thành Rượu (x.Ga 2,1-12). Qua đó, Đức Giêsu đã tỏ mình là Đấng phải đến để đổi mới mọi sự: thay thế Đền Thờ cũ; thay thế lễ vật chiên bò, tiền bạc; thay thế cả hệ thống lãnh đạo, hàng tư tế của Giao Ước cũ… bằng chính con người của Người. Đây là cuộc đổi mới toàn diện, canh tân tận căn. Cuộc đổi mới toàn diện đòi hỏi có tầm nhìn bao quát, dũng cảm và lòng can trường nhiệt thành sẵn sàng  CHIẾN ĐẤU, chiến đấu tới cùng.

  1. CHIẾN ĐẤU phá vỡ cái cơ chế tục hóa đang lấn chiếm Đền Thờ:

Trong các dịp lễ hành hương cũng như các dịp tế tự khác, việc dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa là điều thiết yếu. Lễ vật dâng Chúa phải tinh tuyền, không tì vết (x.Lv 22,20-24; Đnl 15,21). Những người ở xa, việc đem các con vật dâng làm hy lễ đi đường là cả một vấn đề: đường xá xa xôi dễ làm con vật bị tì vết, ốm đau. Vì vậy mới nảy sinh dịch vụ bán lễ vật hiến tế ngay tại Đền Thờ do chính các tư tế cung cấp.

Còn vấn đề tiền bạc: vào thời Đức Giêsu, trong các cộng đồng Do Thái có lưu hành hai loại tiền: – tiền đế quốc có hình và huy hiệu của hoàng đế, được dùng trong giao dịch xã hội hằng ngày; Đó là tiền ô uế không dùng để dâng cúng trong Đền Thờ trong tế tự được; – và tiền Do Thái được dùng trong nội bộ dân Chúa, nhất là trong dâng cúng tôn giáo; Tiền này lại không có giá trị trong cuộc sống xã hội. Do đó cần dịch vụ đổi tiền để hoán đổi tiền bạc khi cần thiết. Đây là những dịch vụ béo bở làm giàu cho các tư tế tại Giêrusalem. Dần dần các lợi nhuận thương mại đã che mờ nét linh thánh của Đền Thờ.

Theo sách “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật” các mùa năm B, trang 334-335: “việc khách hành hương phải dâng hi lễ (bò, chiên hay bồ câu tùy giàu nghèo) và nạp nửa đồng tiền thuế cho Đền Thờ (phải dâng bằng tiền Do Thái) đã gây ra một cảnh bán buôn trâng tráo. Hàng quán của các lái buôn súc vật dựng ngay dưới trụ hành lang, và bàn của các người đổi tiền đặt ngay ngoài trời đã làm cho khuôn viên Đền Thờ trở thành một cái chợ lớn kiểu đông phương. Thay vì chống lại sự tục hóa này, các tư tế đã xem đó là một nguồn lợi đáng kể”.

Nơi diễn ra cái chợ bát nháo ấy, Ga 2,14 gọi là “trong Đền Thờ”. trong tiếng hi lạp là “en tôi hiêrôi”, thực ra đó là khoảng đất rộng bao quanh khuôn viên đền thờ. Dân ngoại có thể vào được tới đây mà không vi phạm sự linh thánh của Đền Thờ. Còn “Đền Thờ” đúng nghĩa chỉ bao gồm Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh thì tiếng hi lạp gọi là “naos” (sđd 334)

2. ĐỘNG LỰC CHIẾN ĐẤU: “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa”

Trong suốt “tuần lễ khai mạc”, dung mạo thiên sai và thần linh của Đức Giêsu được tỏ lộ qua các tước hiệu kitô học. Chính trong tư cách là “Đấng hóa nước thành rượu”, là “Đấng khai mạc nhiệm cục mới” mà Đức Giêsu đã tiến vào Giêrusalem; Và với tư cách là “quản lý”, là “chủ nhân” của Đền Thờ mà Đức Giêsu đã can thiệp, đã hành động cách dữ dội. Người muốn khôi phục lại cho Đền Thờ, cho việc tế tự, phụng thờ Thiên Chúa tính cách trang nghiêm, linh thánh của chúng. Thật vậy hành động quyết liệt, như sét đánh ngang tai của Người gợi nhớ lại sấm ngôn Ml 3,1-3: “…bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa vị sứ giả của Giao Ước mà các ngươi đợi trông đang đến … ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? …Người như lửa của thợ luyện kim…: Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi.” (sđd 335). 

Hành động của Đức Giêsu còn hoàn tất lời sấm: “ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Yavê các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). Đức Giêsu đang thực hiện việc thanh luyện con cái Lêvi, tẩy uế Đền Thờ, phục hồi sự linh thánh của phụng tự. Người là Chúa Thượng đang đến trong Thánh Điện của Người. (sđd 336).

Mà tôi đây SẼ thiệt thân:  nhờ Lời Chúa (x.Ga 2,17a) mà các môn đệ nhận ra động lực, ý nghĩa của hành động Đức Giêsu. Tv 69,10 thuộc về nhóm các Thánh Vịnh nói về người công chính đau khổ: vì lo việc Nhà Chúa mà Người Công Chính phải gánh lấy khổ đau. Như vậy các hành vi ở đây của Đức Giêsu sẽ là căn nguyên của những đau khổ của Người. Động từ “thiệt thân” được Gioan sửa lại ra thì tương lai “SẼ” để ám chỉ Thập Giá của Đức Giêsu cũng như vinh quang phục sinh của Người. Những gì Đức Giêsu phá đổ trong dịp lễ Vượt Qua thứ nhất này (Đền Thờ, lễ vật, nền tế tự) sẽ được chính bản thân Người thay thế: Người là tư tế mới, hi lễ mới và là Đền Thờ mới.

3. Phản ứng chống đối của người Do Thái: CHIẾN ĐẤU để mặc khải chân lý

  • Đức Giêsu gọi “Đền Thờ” là “Nhà Cha tôi”. Qua lời đó, Đức Giêsu tỏ lộ Người là Con Thiên Chúa, là chủ nhân của đền thờ, của nền tế tự truyền thống Do Thái đến từ Thiên Chúa, Người đến để xét xử các quản lý bất trung. Từ đó, hành vi của Đức Giêsu là một lời tiên báo: Đền Thờ sẽ bị phá hủy; các tư tế của Giao Ước cũ sẽ không còn tồn tại nữa (biến cố năm 70); Các hi tế bằng máu chiên bò sẽ được thay thế bằng hiến lễ mới là chính bản thân Người.

Việc làm chấn động của Chúa Giêsu nhanh chóng tới tai các thủ lãnh phụ trách Đền Thờ. Họ bị sốc và kích động bởi hành vi đột xuất, khác thường và đầy tính cách mạng của Đức Giêsu.  Đứng trên quan điểm của họ, việc buôn bán các con vật để làm lễ tế và đổi tiền là để phục vụ cho việc tôn thờ Thiên Chúa, thi hành luật Môsê; Giờ đây bị Đức Giêsu đuổi đi, phá đổ tất cả. Dựa vào đâu mà Người làm như vậy? Người không phải là tư tế cũng chẳng có trách vụ nào trong Đền Thờ, trong việc tế tự. Rồi Người còn gọi Đền Thờ là “Nhà của Cha tôi” hàm ý tự xưng Người là Con Thiên Chúa, nghĩa là Người tự cho mình có một quyền bính thần linh và đã hành động nhân danh quyền đó. Chính vì thế các thủ lãnh Đền Thờ cật vấn Người, đòi Người đưa ra một dấu lạ từ trời để minh chứng rằng Người có quyền làm như thế.

  • Dấu lạ từ trời :có nghĩa là dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Các luật lệ, tập tục hiện hành là do Môsê được Thiên Chúa ủy nhiệm làm ra và quyền của ông được Thiên Chúa đóng ấn bằng “dấu lạ từ trời”: Manna và các dấu lạ khác trong thời Xuất Hành. Bây giờ Đức Giêsu muốn thay đổi, muốn làm cách mạng? Dấu lạ đâu?

Các ông hãy phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi xây dựng lại : lại một câu nói nữa của Đức Giêsu gây sốc cho người nghe. Dựa trên thực tế lịch sử, hiểu theo lý trí phàm nhân thì Đền Thờ này đã được Hêrôđê cả trùng tu từ năm hai mươi trước công nguyên, và cho đến nay ( lúc Đức Giêsu công bố xây lại chỉ trong ba ngày) là bốn mươi sáu năm rồi vẫn chưa xong thế thì làm sao chỉ trong ba ngày, Người xây lại được? Tuy nhiên điều mà Đức Giêsu muốn mặc khải không pải là chuyện ngôi Đền Thờ bằng gỗ đó mà là Người muốn nói về Thập Giá và Phục Sinh thân xác Người ngay lúc vừa khởi đầu sứ vụ, lúc mà tưởng chừng mọi sự đều thành công tốt đẹp ( lưu ý là theo Tin Mừng Gioan, năm hoạt động thứ nhất của Đức Giêsu rất thành công; môn đệ tin (2,4); dân chúng tin (2,23); Nicôđêmô, là người pharisêu, nhìn nhận Đức Giêsu là “vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” (3,2); Đức Giêsu làm phép rửa thành công hơn hẳn Gioan (3,26); người phụ nữ và dân samaria tin vào Đức Giêsu và đón tiếp Người (4,1-42); cả dân ngoại cũng tin vào Người (4,53) ).

Thập Giá và Phục Sinh chính là dấu lạ lớn nhất mà Đức Giêsu muốn mang đến cho nhân loại. Và Người muốn mọi người tin vào đó mà được cứu độ. Người báo trước biến cố là để giúp người nghe tin vào Người khi biến cố xảy đến (2,22 xem thêm Ga 14,19).

Thập Giá và Phục Sinh thì chưa xảy ra, nhưng cuộc CHIẾN ĐẤU trong hiện tại phải là THANH TẨY ĐỀN THỜ, hồi phục giá trị kinh thánh của việc phụng thờ Thiên Chúa.

4. Điều Đức Giêsu khao khát  (2, 23-25).

Tẩy luyện Đền Thờ là cần thiết nhưng không phải là cùng đích. Mọi việc Đức Giêsu làm phải đưa con người tới niềm tin đích thực. Tin các dấu lạ (2,23) chưa đủ. Phải hoán cải tận đáy thẳm tâm hồn.

Với cuộc chiến đấu của Đức Giêsu, chúng ta đã có Đền Thờ mới là THÂN THỂ Đức Giêsu (2,21) và trong sự kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu, mối tín hữu cũng là ĐỀN THỜ của Thiên Chúa (x.1Cr 3,16-17). Chúng ta phải theo gương Đức Giêsu, liên tục CHIẾN ĐẤU để mỗi người thật sự là Đền Thờ là nơi Thánh Thần Chúa ngự trị trong chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC