CHÚA NHẬT II B MÙA VỌNG

Bài 1

Is 40, 1-5.9-11; Mc 1,1-8
Chủ đề: HOÁN CẢI: hãy dọn ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA ĐẾN.

* Is 40,3: Hãy  mở một con đường cho YAVÊ, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.

* Mc 1,3: Hãy dọn sẵn con đường của CHÚA (kurios), sửa lối cho thẳng để Người đi.

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Ơn cứu độ đã đến gần, Đấng Cứu Tinh sắp xuất hiện; Vậy hãy hoán cải, sám hối, dọn lòng đón niềm vui cứu độ. Những ý đó luôn là chủ đề của Mùa Vọng.

          Đan chen vào các chủ đề trên, Chúa Nhật II Mùa Vọng năm B làm nổi bật lên dung mạo, vai trò của các nhân vật được Thiên Chúa chọn trao cho sứ mạng THÚC ĐẨY dân Chúa sống các tâm tình đợi trông, hoán cải, chuẩn bị đón tin vui cứu độ đang tới.

          Trong bài đọc một, người được Chúa chọn, sai đi chính là vị ngôn sứ thời Lưu Đày mà ta quen gọi là Isaia đệ nhị; Còn trong Tin Mừng, vị Tiền Hô, dọn đường cho Chúa chính là Gioan Tẩy Giả.

          Bài đọc một là một lời khích lệ nhằm vực dậy đức tin, phục hồi lại niềm hy vọng của đám dân đã bị lưu đày gần nửa thế kỷ. Dân Chúa thấy niềm hy vọng ngày càng xa mờ đi vì họ không nhìn ra được dấu chỉ nào giúp họ có chút hy vọng rằng họ sẽ được giải cứu khỏi ách Babylon. Thế nhưng rồi chính dòng lịch sử sẽ cho họ lời đáp: chỉ vào năm 538, vua Kyrô của đế quốc Ba Tư đã xóa sổ đế quốc Babylon một cách êm thắm; sau đó vua này đã cho phép dân Do Thái hồi hương và còn giúp cho việc xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem.

          Nhờ Chúa tuyển chọn, soi sáng, sai đi, các ngôn sứ đã đọc ra được ý nghĩa của các dấu chỉ thời đại, rồi được lệnh Chúa, họ đã loan báo ý định thần linh cho dân và mời gọi chuẩn bị tinh thần, tâm hồn lẫn thể xác để đón nhận hồng ân cứu độ Chúa sắp gởi tới.

          Trong cụ thể, trường hợp dân đang lưu đày được đề cập đến trong bài đọc một, Thiên Chúa khởi sự việc giải cứu BẰNG MỘT LỆNH TRUYỀN cho Ngôn Sứ của Người: “hãy an ủi, an ủi dân Ta”, hãy loan Tin vui cho thành Giêrusalem “thời phục dịch của thành đã mãn, tội của thành đã đền xong”. Chúa như phấn khích, hối thúc ngôn sứ của Chúa mau mau công bố Tin Mừng “hãy trèo lên núi cao, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh” báo cho dân Chúa biết rằng Chúa đến rồi. Người đến mang theo ân thưởng (c.10): Việc lưu đày vốn là một án phạt, nhưng khi dân hối cải và Thiên Chúa đã thứ tha thì những lao nhọc, ê chề của thời nô dịch lại được Thiên Chúa nhớ hết và coi như là công nghiệp.

          Kèm theo sứ điệp hi vọng hướng về tương lai “CHÚA SẮP ĐẾN”, là một sứ điệp cho hiện tại: HOÁN CẢI, chuẩn bị cho ngày Chúa đến: bạt đồi, lấp lũng, san bằng, sửa đường cho ngay…và điều quan trọng nhất là mở rộng lòng ra ĐÓN CHÚA ĐẾN.

          Thế rồi cuộc hồi hương đã được thực hiện, Đền Thờ đã được xây cất lại; Vua Ba Tư cũng qua đi, các đế quốc khác lại đến. Cuối cùng “số sót lại” của dân Chúa mới nhận ra giữa cảnh đô hộ của Rôma rằng Chúa giải cứu ta trên bình diện khác: “Cứu khỏi tội” (Mt 1,21) và Đấng Cứu Tinh chính là ĐỨC GIÊSU.

          Trong bài đọc Tin Mừng, vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai tới làm Tiền hô, dọn đường cho Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả. Sự xuất hiện và rao giảng của ông ứng nghiệm lời Is 40,3 được nói trong bài một. Vậy điều đã loan báo xưa trong Cựu Ước, giờ đã thực sự ứng nghiệm nơi con người và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả (Mc 1,2-4a). Ông là vị tiền hô đi trước dọn đường đúng như lời Kinh Thánh thì ĐẤNG mà ông loan báo đến sau ông chính là Đấng Mêsia. Đó chính là ĐỨC GIÊSU.

          Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chưa công khai xuất hiện, nhưng qua vai trò của vị tiền hô Gioan, chúng ta cũng nhận ra Người là Đấng Cao Trọng, Người sẽ là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần (Mc 1,8).

          Trong tâm tình của chủ đề Mùa Vọng II B, Lời Chúa mời mọi tín hữu hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa bằng cách đảm nhận vai trò TIỀN HÔ (như Gioan) cho con người thời đại chúng ta; nghĩa là sống Mùa Vọng không chỉ là chuyện RIÊNG TƯ một mình tôi với Chúa mà tôi phải như Gioan, giúp đỡ cộng đoàn, cùng với cộng đoàn, với Giáo Hội, với nhân loại dọn lòng đón CHÚA CỦA TẤT CẢ CHÚNG TA.

Bài 2

Is 40, 1-5. 9-11
Mc 1, 1-8

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa…..Mọi người từ khắp miền……kéo đến với Gioan. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan (Mc 1, 3.5)

      Mùa vọng là thời gian mà nhân loại tội lỗi, thất sủng của chúng ta sống niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa hồi phục và hoàn tất lời hứa cứu độ của Người nơi chúng ta. Trong Mùa Vọng, qua nhiều nỗ lực, chúng ta bày tỏ lòng tin, lòng trông cậy của mình đối với lời hứa cứu độ, tha thứ: ban cho nhân loại một hậu duệ, một “Đấng Đạp Đầu Rắn” (St 3, 15); Đồng thời Mùa Vọng cũng là thời gian chúng ta đổi mới tương quan nhân loại với nhau, sống thật và mãnh liệt hơn đức ái đối với nhau để chuẩn bị cho nhân tính của chúng ta xứng đáng trở thành công cụ cho Ngôi Lời nhập thể.

      Vậy Mùa Vọng là thời gian nhân loại chờ mong Thiên Chúa đến vì tin vào lời hứa thần linh của Người. Chúa là Chúa, nhưng Người lại đến với nhân loại như một con người. Đó là nét “bất ngờ” của việc Chúa đến mà nhân loại phải luôn tỉnh thức, biện phân để nhận ra và đón tiếp Người. Người đến để chia sẻ phận người, đồng hành với con người và cứu độ nhân loại bằng thân phận làm người. Thực tế đó, qua phụng vụ Mùa Vọng, Giáo Hội đang mời đoàn tín hữu tham dự vào:

  • Thiên Chúa đã đến rồi trong biến cố giáng sinh của Đức Giêsu, cách nay khoảng 2.000 năm. Giáng sinh là lời đáp của Thiên Chúa cho lời hứa tiên khởi mà Người đã hứa cho toàn nhân loại (x. St 3,15). Đấng đó đã đến, đã “đập vỡ đầu Rắn” bằng Thập Giá và phục sinh của Người. Nọc độc của Rắn đã bị vô hiệu hóa; Tuy nhiên “Rắn” vẫn còn tồn tại và nguy cơ bị chết vì Rắn và nọc độc của nó vẫn còn luôn rình rập vồ bắt những ai không “nhìn lên Con Rắn Đồng” (x. Ds 21, 4-9). Lần đến thứ nhất này, Chúa đến như một con người, trong sự yếu đuối của con người để khởi đầu công cuộc thần linh là cho con người thông phần thiên tính, thông ban sự sống thần linh cho nhân loại.

Thiên Chúa sẽ đến trong thời điểm Quang Lâm cũng trong tư cách là “một Con Người” nhưng là “con người đã được tôn vinh là Chúa” (x. Pl 2, 11). Và Người đến là để hoàn tất công trình mà Người đã khởi sự trong lần đến thứ nhất.

  • Thiên Chúa đang đến trong giây phút của hiện tại, của cuộc đời từng tín hữu và của cả dòng lịch sử nhân loại: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn…”. Với biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã là “Emmanuel”, vĩnh viễn ở cùng chúng ta. Với Thánh Thể thì Bánh Rượu là vật chất của vũ trụ này, đã trở thành công cụ để Chúa dưỡng nuôi ta và “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”, mọi nơi, mọi lúc. Với Phục Sinh và Thăng Thiên, nhân tính của con người đã được tôn làm Chúa trong Đức Giêsu. Và với hồng ân Chúa Thánh Thần được trao ban cách dồi dào, Thiên Chúa cũng đang từng bước một đưa nhân tính của toàn nhân loại, của từng người chúng ta, được kết hiệp mật thiết và vĩnh viễn với thiên tính của Thiên Chúa.

Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu trên TRONG DÒNG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI, với điểm khai mạc là Giáng Sinh và điểm kết thúc là Quang Lâm. Trong thân phận giới hạn của kiếp làm người, nhân loại không thể sống cùng một lúc tất cả mọi chiều kích của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội ngang qua năm phụng vụ và qua sự phân chia ra từng “Mùa”, tạo điều kiện giúp tín hữu thông hiệp mãnh liệt, cụ thể hơn vào từng khía cạnh của lịch sử cứu độ. Mùa vọng mời chúng ta thông hiệp vào công cuộc của Thiên Chúa qua tâm điểm cụ thể là biến cố Giáng Sinh, Phụng vụ, nhất là Lời Chúa hướng tất cả về Giáng Sinh:

  • Toàn bộ Cựu Ước và cả nhân loại nữa kể từ St 3, 15 quy hướng về biến cố Giáng Sinh như điểm đến xuôi thuận theo dòng thời gian. Đó là Mùa Vọng Cựu Ước. Phụng vụ diễn tả chiều “xuôi thuận” này trong các bài đọc 1 của Mùa Vọng.

  • Còn Mùa Vọng của Tân Ước, tức thời chúng ta đang sống hôm nay thì Lời Chúa trong 4 bài đọc Tin Mừng của 4 Chúa Nhật Mùa Vọng được trình bày theo chiều đi ngược dòng thời gian: Chúa nhật I nói về biến cố Quang Lâm; Chúa nhật II và III nói về giai đoạn Đức Giêsu đã 30 tuổi, sắp xuất hiện rao giảng công khai; Còn Chúa nhật IV trước ngày 25 tháng 12 lại đề cập đến những biến cố cận kề ngay trước ngày Giáng Sinh.

Vậy Mùa vọng trong quá khứ, hiện tại hay tương lai đều quy hết về biến cố Giáng Sinh lịch sử, như là định hướng cho chúng ta. Giây phút hiện tại của chúng ta phải được soi sáng và định hướng bởi biến cố CHÚA ĐẾN: đến trong Giáng Sinh để khai mạc, vạch chương trình, trao ban phương tiện hành động; và đến trong Quang Lâm để hoàn tất. Giữa hai lần đến là cuộc sống hiện tại của chúng ta. Trong giai đoạn này Chúa vẫn đến với TỪNG NGƯỜI CHÚNG TA, đến như một con người nhưng đồng thời cũng đến như một vị Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mặc khải rõ như thế: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

Vậy theo phụng vụ, Tin Mừng tuần II và III Mùa Vọng là một chuẩn bị cho việc Đức Giêsu sắp xuất hiện công khai, sống với dân Do thái ngay trong hiện tại của cuộc sống hằng ngày. Tin Mừng của hai tuần này chuẩn bị cho chúng ta gặp và đón một Giêsu khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên Đức Giêsu chưa ra gặp trực tiếp dân, Người chỉ mới được Gioan giới thiệu là “Đấng Sẽ Đến”. Do đó có nhiều người, vì ít biết về giáo lý, đã cứ tưởng rằng Tin Mừng Chúa Nhật II và III Mùa vọng là Gioan Tẩy Giả giới thiệu về HÀI NHI GIÊSU; Và như thế kéo theo sai lầm nữa là tưởng rằng Gioan lớn hơn Đức Giêsu đến 30 tuổi.

Vì sau đó, Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa vọng lại nói về “truyền tin cho Giuse” (năm A), “Truyền tin cho Maria” (năm B), “Maria đi viếng Bà Êlisabet” (năm C); rồi đến 25/12 là Giáng Sinh. Thật ra, Giáo Hội không sao chép lại lịch sử theo thứ tự thời gian như những biến cố chết. Giáo Hội đang hiện tại hoá một mầu nhiệm, một sự sống (đã được Thiên Chúa dự tính và sẽ thực hiện dần trong suốt dòng lịch sử) cho một nhân loại cụ thể đang sống cái hiện tại của “ngày hôm nay”, trong phận làm người hữu hạn.

Chủ điểm phụng vụ

Trọng tâm Lời Chúa hôm nay là lời loan báo Tin mừng: ơn cứu độ đã tới gần rồi. từ đó Lời Chúa mời gọi con người, để hưởng nhờ được trọn vẹn ơn tha thứ và phục hồi ấy, phải hoán cải, thay đổi lối sống cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa, phải chuẩn bị dọn đường đón Chúa đến.

Bài đọc 1 trích phần mở đầu Sách An Ủi Israel, tức Isaia đệ nhị (ch.40-45) loan báo thời tha thứ đã tới, tội vạ đã đền xong (cụ thể là dân Chúa sắp được hồi hương). Vậy Giêrusalem hãy tưng bừng dọn đường khai lối đón Yavê đến tỏ lộ vinh quang. Ngôn sứ, người được Thiên Chúa sai phái, hãy loan Tin Mừng này trên Núi đồi Sion, mạnh tiếng công bố Chúa như Mục tử đến tụ họp ấp ủ dân. Đáp lại dân hãy lấp hố sâu, san cho bằng đồi núi nghênh Chúa đến.

Bài đọc Tin Mừng là phần mở đầu của Tin Mừng Marcô. Sau lời dẫn nhập giới thiệu Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (c.1), Marcô đi ngay vào sứ vụ Gioan. ứng nghiệm lời ngôn sứ xưa, Gioan Tẩy Giả xuất hiện mời gọi dân sám hối, đổi đời, dọn đường, sửa lối để đón nhận ơn tha tội, vì Đấng Cứu Độ tới rồi. Đó là Đấng đến sau Gioan nhưng quyền thế hơn ông và sẽ thanh tẩy dân bằng Thánh Thần. Dân đã đáp lời một cách tích cực: họ lũ lượt kéo đến với ông, thú tội và nhận phép rửa dọn lòng sám hối tại sông Giođan.

Cả hai bài đọc đều chuẩn bị cho lần đến thứ nhất của Đức Giêsu: Người xuất hiện như là Mục Tử quy tụ đàn chiên, như Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.

BÀI ĐỌC 1: Is 40, 1-5. 9-11

Văn mạch

Các chương 40-55 của sách Isaia gồm những sấm ngôn của một tác giả vô danh tạm gọi là Isaia đệ nhị, được hình thành vào những năm cuối của thời lưu đày (550- 538). Được chứng kiến sự lớn mạnh mau chóng của Kyrus, vua Ba tư (554 chiếm đế quốc Mêđi; 546 chiếm Lydya), ngôn sứ đoán chắc rằng ngày tàn của Babylon cũng không xa. Ông đọc thấy trong các biến cố đó ý định của Yavê trên Israel sắp thành tựu, từ đó xác tín hơn rằng Yavê, Đấng Tạo Hoá dựng nên muôn loài, cũng là Đấng điều khiển dòng lịch sử, còn các thần Babylon chỉ là hư không, đồ giả. Ông còn có cái nhìn phổ quát về ơn cứu độ: Yavê cứu thoát Israel nhưng qua đó, Người còn cứu độ cả muôn dân nữa.

         Bài đọc 1 hôm nay là trích đoạn từ phần mở đầu của sách Isaia đệ nhị này. Sách này còn gọi là “Sách An Ủi Israel” vì được mở đầu bằng lệnh truyền của Yavê “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”, và lời này còn được lặp lại 9 lần trong suốt sách, tạo âm hưởng sắc thái cho toàn bộ cuốn sách. Phụng vụ mời gọi chúng ta hôm nay lắng nghe hai bài ca mở đầu của sách này:

  • 1-8: Ngôn sứ được lệnh an ủi bằng việc loan báo một cuộc xuất hành mới rời đất lưu đầy Babylon về lại Đất Hứa, băng qua sa mạc, do đích thân Thiên Chúa lãnh đạo. Dân Chúa được mời gọi góp phần chuẩn bị cho biến cố ấy bằng hoán cải, lấp hố, bạt đồi…

  • 9-11: Thúc dục kẻ loan tin vui, gây niềm tin và hy vọng cho dân bằng loan báo Thiên chúa sẽ hùng dũng ngự đến giải cứu dân và chăn dắt dân như Mục Tử nhân lành.

           Bản văn phụng vụ bỏ đi cc. 6-8 là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa (có tiếng nói) và ngôn sứ (tôi) (hoặc Giêrusalem = tôi, theo TOB). Qua hình ảnh cỏ nội và hoa đồng, 3 câu này cho thấy sự mỏng dòn của toàn thể vẻ đẹp và vinh quang nhân loại khi Thiên Chúa xuất hiện. Ý tưởng này không đi vào tâm điểm của phụng vụ, nên bài đọc 1 của Chúa Nhật MV 2B không sử dụng.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Thiên Chúa trao sứ mạng cho ngôn sứ: Loan tin hy vọng vui mừng cho dân: (Is 40, 1-2):

  • Ngôn sứ nhận từ Thiên Chúa của Israel một sứ mạng: “Thiên Chúa của anh em phán”

  • Sứ mạng khơi lên hy vọng: “Hãy an ủi, an ủi dân ta” và khuyên bảo ngọt ngào.

  • Lý do (nội dung sứ điệp): thời tha thứ, giải phóng cho dân đã tới:

  • Thời phục dịch đã mãn

– Tội đã đền xong, đã chịu phạt tương xứng: “phạt gấp 2 lần tội phạm”

        Cách loan sứ điệp của ngôn sứ hàm ý Thiên Chúa đã thứ tha, giao hòa lại với dân, nối lại giao ước: “Thiên Chúa của ANH EM”, đối lại với cách nói lẫy khi dân phạm tội “Thiên Chúa của tôi” (Is 7, 13). Đây cũng là câu trả lời cho dân đang thất vọng vì lưu đày: Chúa không hề bỏ dân, dân luôn là dân của Chúa.

       An ủi: dịch sát nghĩa theo bản Hipri là “làm cho thở phào, nhẹ nhõm” (TOB). Đây cũng là câu trả lời cho dân đang thất vọng vì lưu đày: Chúa không hề bỏ dân, dân luôn là dân của Chúa. Cách nói diễn tả tâm trạng nhẹ nhõm của một ai đó vừa trút được một gánh nặng từng làm cho mình hằng khắc khoải âu lo. Cụ thể là dân sắp thoát khỏi cảnh nô lệ lưu đày, sắp được giải cứu và hồi hương.

       Hãy nói vào TIM của Giêrusalem: “Tim” là cội nguồn mọi năng lực tinh thần của một con người, nó biểu thị cả con người. Nói vào tim nghĩa là phải nói sao cho lọt tai, cho thấm vào tận nơi thâm sâu nhất của con người để tin, để sống chứ không chỉ là loan báo hời hợt bên ngoài. Cụ thể là dân đang ở trong cảnh cơ cực lưu đày, hãy nói sao để cho dân tin là Chúa yêu dân và sắp cứu dân. Và chỉ khi tin rồi thì dân mới đáp ứng lại những lời mời hoán cải tích cực cộng tác: lấp hố, bạt đồi…

        Thời phục dịch: cách nói này vay mượn ở ngôn ngữ binh nghiệp. Giai đoạn phục dịch đã xong, sắp được quay về lại với gia đình, với đời sống an bình của một công dân. Hàm ý sắp hồi hương.

         Nhìn xa hơn lịch sử của người Do Thái, “thời phục dịch” là thời con người sống trên trần gian, tạm xa lìa Thiên Chúa phải lao lung vất vả (G 7, 1) vì phạm tội bị đuổi khỏi Eđen, lao động cực khổ. Thời đó qua rồi, nay Thiên Chúa thứ tha cho sống lại trong ân tình với Người.

         Giáng phạt gấp đôi tội phạm: cách nói hàm ý việc đền tội xong rồi, dư để đền bồi; như vậy phần phục hồi sẽ vượt xa hơn tình trạng lúc chưa phạm. Thật vậy việc hồi hương được trình bày như một can thiệp của Thiên Chúa còn lớn hơn cuộc xuất hành Ai Cập (x. Is 43; 16-21) và nốt “n” CGKPV). Dân hãy chuẩn bị đón nhận hồng ân mới này.

  1. Sứ điệp cho dân (Is 40,3-5):

  • Tác giả: “có tiếng hô” kêu mời dân

  • Nội dung: – Hãy mở một con đường cho Yavê, hãy vạch một con lộ thẳng băng

  • Nơi chốn: Trong sa mạc, nơi hoang địa

  • Cụ thể: Lấp thung lũng, bạt núi đồi, san phẳng.

  • Bấy giờ Yavê biểu lộ vinh quang.

Ngôn sứ nghe một tiếng hô loan báo ơn cứu độ đã gần kề nhưng không cho biết là tiếng của ai. Tuy nhiên, tính cách huyền bí của “tiếng hô”, cộng thêm nội dung là dọn đường cho Yavê biểu lộ vinh quang cũng cho phép ta đoán được nó đến từ trời, là sứ giả của Thiên Chúa được Người sai đến loan báo cho dân ý định của Người. Trong các sách Tin Mừng áp dụng “tiếng hô” này cho Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1,6-7)

Mở một con đường trong sa mạc: về địa lý, để đi từ Babylon về lại Palestin, dân Do Thái phải băng qua một sa mạc lớn ở Syri. Làm một con đường ngay thẳng, bằng phẳng giữa sa mạc hoang vu hàm ý là Chúa chuẩn bị chu đáo cho việc hồi hương của dân Do Thái thật suôn sẻ với nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên bản văn không nói dọn đường để dân hồi hương, mà là để Chúa đến tỏ lộ vinh quang. Do đó việc dọn đường cũng như lấp lũng, bạt đồi là lời mời dân hãy dọn hết mọi chướng ngại trong con tim mình để Chúa thong dong dễ dãi đến với dân. Lúc ấy việc hồi hương của dân mới làm rõ nét vinh quang của Chúa.

  1. Sứ điệp cho Giêrusalem và cho các thành Giuđa (Is 40, 9-11)

  • Lệnh truyền cho “kẻ loan Tin Mừng”: “trèo lên núi cao”, “nói thật mạnh”, “đừng sợ”.

  • Nội dung sứ điệp:

  • Chúa đến: “kìa Thiên Chúa các ngươi” (9g).

  • Chúa đến trong uy quyền để ân thưởng (10)

  • Hình ảnh minh hoạ: Mục Tử chăn dắt đàn chiên (11).

“Kẻ loan tin Mừng” là ai? Theo cách dịch của nhóm CGKPV thì đó là vị ngôn sứ được Chúa sai đi loan Tin Mừng cho các thành Giuđa và cho cả Giêrusalem. Theo TOB và cha Thuấn thì chính Giêrusalem lãnh trách nhiệm này.

Cách nói trèo lên núi cao, đừng sợ hàm ý rao giảng công khai bất chấp những chống đối bách hại; cũng hàm ý có Thiên Chúa nâng đỡ, ủng hộ. Không thể dành riêng Tin Mừng cho mình được.

Nội dung: Thiên Chúa có mang theo ân thưởng (công lao lập được), tiền lương (sự nghiệp làm nên) với uy quyền của Yavê. Cách nói này gợi lại những can thiệp của Yavê trước khi dân ra khỏi Ai Cập. “Yavê” là tên của Thiên Chúa mặc khải cho Môsê  và sau đó là Chúa can thiệp mạnh để giải cứu dân; dân trước khi ra đi đã mượn tiền dân Ai Cập và được nhận hậu hỹ: thời lưu đầy phục dịch lại trở thành thời tích luỹ tiền công để giờ đây khi Thiên Chúa can thiệp thì dân được hưởng trọn vẹn cả vốn lẫn lời. Phạt gấp đôi thì cũng được thưởng lại gấp đôi. Thời phục dịch vốn là án phạt, nhưng khổ nhọc phải chịu vì tội nay được Thiên Chúa ngự đến biến thành công lao, ân thưởng: dân lưu đầy chẳng những được hồi hương mà còn được giữ luật riêng, được ưu đãi xây lại đền thờ, có quan tổng trấn Nêkhêmia là người Do Thái.

Áp dụng vào Đức Giêsu: là Thiên Chúa, Đức Giêsu đến đảm nhận phận con người tội lỗi của ta với tất cả mọi hệ luỵ kể cả cái chết. Nhưng với uy quyền thần linh, Người đã biến những khổ đau kiếp người vốn là án phạt, biến cuộc sống con người thành phần thưởng nhờ Phục Sinh, để tất cả những ai tin vào Người, chấp nhận thập giá khổ đau kiếp người thì sẽ được Người coi đó là công lao và ban cho phần thưởng Phục sinh nên một với Người.

          Để minh họa cho cuộc can thiệp biến đổi kỳ diệu ấy, hình ảnh Thiên Chúa Mục tử được sử dụng: dưới sự chăm sóc của Chúa, cả đàn chiên được vui tươi hạnh phúc.

  1. TÓM KẾT

          Dân trong cảnh lưu đày, được nghe công bố tin vui: thời phục dịch qua rồi, ngày thứ tha ân sủng đã tới. Thiên Chúa sắp đến can thiệp cứu dân bằng ơn tha thứ, biến các khổ cực vốn là án phạt của tội, thành công lao, thành cớ để Người ân thưởng. Đối với dân, Người là mục tử nhân lành chỉ muốn tìm điều tốt cho dân. Về phần đáp trả của dân, sấm ngôn kêu mời hoán cải, chuẩn bị thích đáng để đón chờ Chúa đến cứu.

          Trong đường hướng đó, các Kitô hữu hôm nay sống tâm tình Mùa Vọng: Với Đức Giêsu, chúng ta đã bước vào thời ân sủng: trong thập giá của Người, Thiên Chúa đã thứ tha cho ta; mọi cơ cực kiếp người được sống theo gương Đức Giêsu, cho Đức Giêsu, đều là “có công lao lập được” mang lại cho ta ân thưởng cánh chung. Vậy ta hãy hoán cải bằng cách sống đời sống mới do Đức Giêsu mang lại.

TIN MỪNG: Mc 1, 1-8

  1. Văn mạch

Tin Mừng Macco có 5 phần:

  1. Chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu: sứ vụ của Gioan Tẩy Giả (1,1-13)

  2. Sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê (1,14-7,23)

III. Các cuộc hành trình của Đức Giêsu ở bên ngoài Galilê (7,24-10,52)

mà cuối cùng là cuộc hành trình lên Giêrusalem (10,32-52)

  1. Sứ vụ Đức Giêsu tại Giêrusalem (11, 1-13,37)

  2. Thương khó và phục sinh (14, 1-16, 20)

     Phần mở đầu Tin Mừng gồm các câu đề tựa (1,1), tiếp đó là Gioan xuất hiện rao giảng làm tiền hô cho Đức Giêsu (1,2-8); Đức Giêsu xuất hiện chịu phép rửa, được tấn phong Mêsia, là Đấng nối lại trời với đất: “trời xé ra” (9-11). Cuối cùng Đức Giêsu chịu cám dỗ và đã thắng, hồi phục nhân loại và công trình sáng tạo (12-13).

Tin Mừng hôm nay gồm lời đề tựa và lời rao giảng của Gioan dọn đường cho Đức Giêsu xuất hiện (1-8).

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Giới thiệu Tin Mừng

  • Tin Mừng chính là Đức Giêsu, Người là Đấng Kitô, con Thiên Chúa

Câu đầu tiên giới thiệu tổng quát nét chính yếu Tin Mừng Marco. Cùng đích Tin Mừng Marco là chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia và chính là Con Thiên Chúa. Danh xưng Giêsu ám chỉ nhân vật lịch sử, cụ thể, xuất thân từ Nazareth miền Galilê. Tin Mừng chính là nhận ra Giêsu đó chính là Đấng Kitô (dịch “Mêsia” của Do Thái), Đấng được Thiên Chúa xức dầu sẽ đến phục hưng thế giới và cứu nhân loại như lời các ngôn sứ đã loan báo, chẳng những thế, Giêsu còn là Con Thiên Chúa ngang bằng Thiên Chúa. Và toàn bộ sách Tin Mừng thứ hai là cố gắng chứng minh điều đó: Lời tuyên tín của Phêrô đã xác tín Đức Giêsu chính là Đấng Kitô (8,29). Cái chết thập giá đã mặc khải Người là Con Thiên Chúa (15,39).

  1. Ứng nghiệm lời ngôn sứ: Gioan chính là vị tiền hô dọn đường cho Chúa (Mc 1, 2-5)

  • Lời ngôn sứ:

  • Này ta sai sứ giả của ta: + đi trước mặt con (x.Xh 23,20)

       + người sẽ dọn đường cho con (Ml 3,1)

  • Có tiếng người hô… sửa lối cho thẳng để Người đi (Is 40,3)

  • Ứng nghiệm nơi Gioan

  • Sứ giả là Gioan: “đúng theo lời đó, ông Gioan đã xuất hiện”

  • Nơi chốn: trong hoang địa

  • Rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội

  • Đáp trả của dân:

– Kéo đến với ông, thú tội, ông làm phép rửa cho họ.

     Lời ngôn sứ mà Mc 1,2-3 trích dẫn thực ra được ghép lại từ 3 lời trong Cựu Ước:

  • Xh 23,10 là lời Yavê ngỏ cùng dân Do Thái, trước khi dân rời đất Ai Cập, hứa bảo vệ họ trên đường lữ hành và sẽ đưa họ vào Đất Hứa. Tuy nhiên khi sử dụng câu Xuất hành thì Marcô đã đổi “ngươi” tức dân Do Thái, thành “Con” tức Đức Giêsu. Vậy Đức Giêsu như là dân mới của Thiên Chúa, Người sắp thực hiện một cuộc xuất hành mới đưa dân mới về “trời mới đất mới”.

  • Ml 3,1 “…dọn đường trước mặt TA”: lời Thiên Chúa hứa sẽ trở lại ngự nơi đền thờ vào thời thứ tha. Sứ giả sẽ đi trước dọn đường, rồi CHÚA sẽ ngự đến đền thờ thanh luyện tế tự, tẩy luyện dân. Marcô đổi “TA” thành “Con” (Đức Giêsu). Vậy Đức Giêsu chính là Yavê lại quay về nhà của Người để thực hiện lời hứa tẩy luyện tha thứ chung cuộc.

  • Is 40,3 Lời sấm về “Tiếng kêu”. Nhưng Marcô đã đổi chi tiết này: cụm từ “trong hoang địa” được gắn với “tiếng hô”. Như thế thì “tiếng hô” rõ ràng ám chỉ Gioan (4) và Mar cô cũng đổi “cho Thiên Chúa chúng ta” thành “để Người (Đức Giêsu) đi”. Vậy Đức Giêsu chính là Thiên Chúa của Israel đến để giải cứu dân khỏi lưu đày.

Tóm lại, Mc 1,2-3 ngầm bảo chúng ta, qua lời tổng hợp, loan báo trước cách mặc nhiên Đức Giêsu chính là Thiên Chúa của Israel, là Yavê đích thân trở lại với dân Người, hoàn tất mọi lời hứa Cựu Ước, dẫn dân làm một cuộc “xuất hành” mới, tuôn ban ơn tha thứ đưa dân về lại quê hương vĩnh cửu.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện với những nét đặc biệt: “trong hoang địa”, đi trước dọn đường (7), rao giảng hoán cải…làm ứng nghiệm các sấm ngôn trên. Gioan xuất hiện là dấu chỉ rõ ràng thời thiên sai tới rồi.

Sứ điệp của Gioan: kêu mời người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Phép rửa của Gioan không tha được tội, nó chỉ là một cách biểu lộ long sám hối nhìn nhận mình là tội nhân, dọn lòng chờ Chúa đến thứ tha. Phép rửa là biểu lộ bên ngoài của một trạng thái nội tâm sâu xa: HỐI CẢI= “mêtanôia” đến từ động từ “mêtanôêo” nghĩa là “thay đổi ý kiến, não trạng”, dẫn tới ý nghĩa “ăn năn”, “hối cải”, nói lên việc thay đổi hẳn, toàn diện, đi từ tình trạng này qua tình trạng khác, tựa như một mảnh đất đầy cỏ được lưỡi cày lật úp lại nên sạch sẽ chuẩn bị gieo cấy. Việc thay đổi này phải được biểu lộ ra trong toàn thể thái độ sống, bao gồm hai khía cạnh: tiêu cực tức bỏ đàng xấu xa tội lỗi, và tích cực là hướng cả con người mình về với Chúa.

Để được ơn tha thứ: đó là mục đích của “hối cải”, của sứ mạng Gioan. Ông không có quyền tha tội, ông chỉ thúc giục con người “hối cải” (đây là điều cơ bản để được hưởng ơn tha thứ), dọn đường cho Chúa đến và dân ở tư thế sẵn sàng hưởng ơn thứ tha.

Đáp trả của dân: thú tội. Hàm ý họ tin vào sứ điệp của Gioan.

Và Gioan làm phép rửa cho họ: có lẽ đây là phép rửa của nhóm tẩy giả. Tên của Gioan giúp nhận điều ấy: Gioan Tẩy Giả. Phong trào tẩy giả xuất hiện tại Palestin khoảng thế kỷ thứ nhất, phát triển trong giới bình dân đại chúng. Họ không để lại sách vở gì. Họ muốn cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người kể cả tội nhân lẫn dân ngoại (Lc 3,7-14). Nghi lễ thanh tẩy, nhận chìm xuống nước, chỉ cử hành một lần duy nhất với mục đích là xin Chúa thứ tha tội lỗi. Phép rửa sám hối này dành cho mọi người, chuẩn bị và loan báo Đức Mêsia sắp tới (Từ điển Đức Tin Kitô giáo- Pháp Việt- “BAPTEME”

  1. Giới thiệu Đấng Mêsia (Mc 1,6-8):

  • Qua lối sống: Y phục và lương thực (6)

  • Qua lời rao giảng so sánh với bản thân ông

  • Đến sau ông, quyền thế hơn ông, ông không đáng cúi xuống cởi quai dép (7)

  • Ông làm phép rửa bằng nước, Đấng ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (8)

Cách ăn mặc của Gioan ám chỉ ông thuộc hàng ngôn sứ (Dcr 13,4) và nhất là hiện thân của Elia (2V 1,8). Theo truyền thống do thái, Elia đã được đưa lên trời và sẽ trở lại làm tiền hô cho Ngày Cánh Chung (Ml 3,23). Với chi tiết về y phục của Gioan trong Mc 1,6. Thánh Ký ngầm bảo Gioan chính là Elia và xác định rõ hơn trong Mc 9,11-13 (CGKPV Kinh Thánh Tân Ước 2008 trang 220 nốt y). Khi xác định Gioan là Elia, là vị tiền hô của thời cánh chung, Marco đã giới thiệu trước, ngay lúc Đức Giêsu chưa xuất hiện, Người là Mesia, là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người thời chung cuộc. Và như thế việc Gioan thi hành sứ vụ cũng đã là “khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Con Thiên Chúa” rồi.

     Loan báo Đấng Mêsia; từ c.1 đến c.6, Marco thuật truyện. Gioan vẫn ở thế thụ động, được mô tả ở ngôi 3 số ít. Đến c.7-8, Gioan bắt đầu nhập cuộc, ông chính thức lên tiếng. Câu nói đầu tiên cuả ông là một lời chứng về Đức Giêsu: một lời loan báo về sự cao cả của Người và về công cuộc mà Người sẽ thực hiện là làm phép rửa trong Thánh Thần.

     So với Mt 3,1-12 và Lc 3,1-18, trong Marco, Gioan kêu mời hối cải, vậy mà ông không hề mở miệng nói một lời nào về luân lý đạo đức, ông chỉ nói về Đức Giêsu.

     Mặc dù lúc này mọi chú ý, vinh quang, thành công đang dồn về phía ông, Gioan vẫn khiêm nhường hạ mình xuống trước Đấng Mêsia: Ông không đáng làm nô lệ cho Người, qua cách nói “không đáng cúi xuống cởi quai dép”. Cởi dép cho chủ, vào thời Đức Giêsu, là một dịch vụ rất hèn hạ đến nỗi không một người nô lệ do thái nào, theo sách Mishna, bị ép buộc phải làm (J.M. Lagrange).

    Chứng từ của Gioan còn cho thấy sự vượt hẳn của Đức Giêsu ngang qua phép rửa trong Thánh Thần mà Người sẽ thực hiện. Cách nói này ám chỉ việc trao ban Thần Khí mà Đức Giêsu sẽ trao ban cho đoàn môn đệ sau phục sinh (Lc 24,49;  Cv 1,5; 11,16; 19,1-7). Phép rửa trong Thánh Thần đã hoàn tất lời mà Ge 3,1; Is 44,3; Ed 11,19; 18,31; 36,25-26 đã từng loan báo. Chi tiết “làm phép rửa trong Thánh Thần” còn gợi lên ý niệm Đức Giêsu là Thiên Chúa của giao ước, giao ước mới mà Ed 36,25-27; 37,14 đã loan báo. Vậy Marco một lần nữa báo trước Đức Giêsu không chỉ là Mesia, mà còn là Thiên Chúa (x. 1,1)

  1. TÓM KẾT:

    Tin Mừng hôm nay là trình thuật về sứ vụ Gioan, vị Tiền Hô của Đức Giêsu, dọn đường cho Người đến lần 1 trong xác phàm hữu hạn. Việc lời Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi con người, lối sống và sứ điệp của Gioan đã là một dọn đường, một chỉ bảo tuyệt hảo giúp nhận ra Đức Giêsu, Đấng đến sau Gioan, chính là Mesia mà dân mong đợi; và còn hơn nữa là chính Thiên Chúa đến ở giữa dân Người như lời bao Ngôn Sứ loan báo. Về phía con người, để ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới được đón nhận và sinh hoa trái tốt. Tin Mừng mời mỗi người phải hối cải và phải biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động cụ thể là thú tội và chịu phép rửa xin ơn tha thứ.

          Trong tâm tình Mùa Vọng, sống lại niềm đợi trông của dân Chúa và sám hối để đón rước Người, mỗi tín hữu đều được mời gọi hãy là Gioan biết dùng chính cuộc đời, lối sống và Lời Chúa để làm chứng cho thế giới hôm nay nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ thế giới, là Thiên Chúa đến ngự giữa chúng ta, đồng thời cùng sống ơn sám hối để chuẩn bị cho lần đến thứ hai của Đức Giêsu.

Frère Pierre Đình Long FSC