CHÚA NHẬT 5A MÙA THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Is 58, 7 – 10  ;  Mt 5, 13 – 16
Chủ đề : Vai trò của người môn đệ Chúa giữa thế gian.

  • Is 58, 8 : Là ánh sáng : “ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông ”

  • Mt 5, 13 – 14 : anh em là MUỐI cho đời … là ánh sáng cho trần gian.

  Chúng ta bước vào  Chúa Nhật 5A Mùa Thường Niên, Đức Giêsu tiếp tục ngỏ lời cùng các môn đệ qua Bài Giảng Trên Núi. Người tín hữu, môn đệ là những người lãnh nhận được hồng ân NHẬN BIẾT và TIN vào Đức Giêsu, rồi phó thác, nhận Người là ÁNH SÁNG là LẼ SỐNG cho cuộc đời mình.

 Vì thế, đến phiên mình người môn đệ phải trở thành trung gian để hồng ân bao la, vô vị lợi, không phân biệt của Thiên Chúa cũng được trổ sinh hoa trái cứu độ nơi tha nhân.

Lời Chúa hôm nay quy hướng chúng ta về chủ đề VAI TRÒ của NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIỮA THẾ GIAN. Việc sống đúng vai trò, vị trí của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với THA NHÂN cùng lúc sẽ vừa là BỔN PHẬN, là LỜI TRI ÂN đối với Tình Yêu Thiên Chúa đã dành cho mình; vừa là một BẢO ĐẢM, một HOA TRÁI cho tương lai rằng hồng ân, Tình Yêu Thiên Chúa luôn tiếp tục rạng ngời hơn trong ta biến ta thành “ ánh sáng cho trần gian ” ( Mt 5, 14a ) và như thế, Thiên Chúa sẽ được tôn vinh qua cuộc sống tràn đầy ánh sáng rạng tỏ của kẻ tin ( Mt 5, 15 – 16 ).

Bài đọc 1 trích từ Isaia 58. Dân trách Chúa sao không đoái hoài gì đến Dân: họ ăn chay, hãm mình mà Chúa không hay biết ( Is 58, 3 ); Và Chúa phải lên tiếng phân tích cho họ thấy rằng : họ chỉ có đạo đức hình thức, hời hợt : ăn chay để rồi cứ cải vả, đánh đấm nhau, bóc lột người nghèo … ( 58, 3b – 5 ), nói chung là ăn chay không theo ý Chúa muốn.

Và bài đọc 1 là trích phần Chúa bày tỏ Thánh Ý, bày tỏ cho Dân biết phải sống như thế nào để xứng đáng với hồng ân được chọn làm dân riêng Chúa.

 Bài đọc 1 gồm 2 cặp ý tưởng xen kẻ nhau từng đôi một :

  • Điều Chúa muốn trong hiện tại ( câu 7 và 9b – 10a )

  • Và Lời hứa ban hoa trái ( câu 8 – 9a và 10b )

Hai cặp ý tưởng trên, về mặt văn chương trình bày dưới 2 dạng:

1/ Cặp thứ nhất: để diễn tả điều Thiên Chúa muốn, Isaia dùng mệnh đề XÁC ĐỊNH ( c.7 ), đi với hoa trái là câu 8 – 9a

2/ Cặp thứ hai dùng mệnh đề GIẢ ĐỊNH : “ NẾU ” ( cc. 9b – 10a ) và hoa trái là c. 10b.

 Nội dung điều Thiên Chúa muốn là:

  • Trong hiện tại: cho kẻ đói ăn, cho khách đỗ nhà, cho kẻ rách rưới ăn mặc ( c.7 ); VÀ NẾU “ loại khỏi nơi ngươi ở: gông cùm, cử chỉ đe dọa, lời nói hại người, nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục ( cc. 9b – 10a ), thì Thiên Chúa ban cho HẠNH PHÚC (và Giáo Hội khai triển những ý này trong Kinh “ Thương người có 14 mối ”).

  • Trong tương lai: ai sống theo các đòi hỏi trên sẽ được Chúa chữa lành, sẽ được Chúa ủng hộ, được Chúa nhận lời khi kêu xin ( cc. 8b . 9a ); Chúa sẽ làm cho họ được tỏa sáng ( 8a ), hơn nữa cuộc đời họ còn trở nên như ánh sáng xua lui bóng tối ( 10b ).

  Tóm lại, ai bác ái thương người sẽ được sống trong Tình Yêu bao dung của Thiên Chúa, được thông phần năng lực thần linh của Chúa trở nên ánh sáng xua đi bóng tối.

 Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói thẳng: môn đệ phải là “ MUỐI cho đời ” ( Mt 5, 13a ), là “ ánh sáng cho trần gian ” ( 5, 14a ). Đó là ƠN GỌI mà Thiên Chúa ban tặng cho kẻ tin trong Đức Giêsu. Để đáp lại ân tình đó của Chúa, người tín hữu phải giữ vững bản sắc của mình như đã được Chúa thương ban:

  • MUỐI THÌ PHẢI MẶN. Đó cũng là điều mà Đức Giêsu khao khát, đòi hỏi gắt gao nơi các môn đệ khi Người nặng lời ngăm đe : “ muối mà nhạt đi … nó thành vô dụng, chỉ còn việc vứt bỏ đi … ” ( 5, 13b )

  • ÁNH SÁNG thì phải TỎA SÁNG mà là tỏa sáng “ CHO TRẦN GIAN ” ( 5,14a ). Chúa muốn môn đệ thông phần VAI TRÒ của chính Chúa “ là ánh sáng soi đường cho dân ngoại … ” ( Lc 2,32 ).

  Vậy vai trò của kẻ tin mà Đức Giêsu mong ước là BIẾN ĐỨC TIN thành những hành động cụ thể TRONG ĐỨC ÁI. Nói nôm na là một khi ai đã tin vào Đức Giêsu rồi thì phải phục vụ tha nhân qua các việc lành phúc đức. Đó là cách thức tuyệt vời nằm trong tầm tay mà mọi tín hữu đều có thể làm để tôn vinh Thiên Chúa Cha ( 5,16 ).

Chút việc lành chúng ta làm không đổi thay được tình hình thế giới; Chút đạo đức gương sáng cá nhân không cải đổi được xã hội lẫn lòng người. Thế nhưng Chúa cần chúng, chúng được kẻ tin làm trong đức tin cậy mến, để làm DẤU CHỈ, làm NÚT KHỞI ĐỘNG cho dự tính cứu độ của Người.

Bài 2

       Chính anh em là muối cho đời…(c.13a). Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…(c.14a)… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. ( c.16 )

  Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm về vị trí, vai trò của người môn đệ Chúa giữa lòng thế giới. Hình ảnh được bài đọc một lẫn Tin Mừng sử dụng để diễn tả thực tại trên là ÁNH SÁNG. Ngoài ra Tin Mừng còn vay mượn thêm một hình ảnh thực tế từ cuộc sống: MUỐI một vật dụng quen thuộc, tuy nhiên cách dùng ứng dụng trong Tin Mừng thì có hơi lạ tai: “muối của đất” = “tô alas ten ges”.

*Ý nghĩa của “muối” và “ánh sáng”

  Trong thế giới cổ xưa, muối và ánh sáng được xem như là hai thực tại chẳng ai có thể bỏ qua: “ không gì ích lợi hơn muối và mặt trời ” ( Pline Trưởng Lão ). Cả hai cũng thường được nhắc đến trong Cựu Ước.

–  Muối là một sản phẩm cần thiết bậc nhất của dân Bédouin ( Ả Rập phiêu cư )
 ( x. Hc 39, 26 ):

. Nó tiêu hủy những cái gì xấu ( 2V 2, 19 – 21; Đnl 29, 22; Tl 9, 45; Gr 17, 6; Xp 2, 9; G 39, 6 ).

. Nó nên thực phẩm (G 6, 6; Cl 4, 6)

. và vì nó là thứ gia vị chủ yếu của mọi bữa ăn và mọi hy tế ( Xh 30, 35; Lv 2, 13; Ed 43, 24 ), nên muối trở thành biểu hiệu của sự hiếu khách, của minh ước và giao ước ( Lv 2, 13; Ds 18, 19 )

. Sau hết, muối là sự biểu tượng của sự khôn ngoan… bây giờ nó chỉ sự khôn ngoan hoàn hảo mà người hiền triết sẽ thủ đắc trong thời thiên sai.

 –  Ánh sáng cũng năng được sử dụng như là một biểu tượng trong Thánh Kinh, nơi nó thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Trong Isaia đệ nhị, “ Người Tôi Tớ Yavê ” được công bố là “ ánh sáng muôn dân ” ( Is 49, 6  ); “ Israel ” cũng phải là “ ánh sáng cho dân ngoại ” (Is 42, 6).

  Trong sách các giáo sĩ, tước hiệu “ ánh sáng thế gian ” được gán cho Thiên Chúa, cho Adam, cho Israel, cho lề luật, cho Đền Thờ và cho Giêrusalem. Trong Tân Ước, người ta xác quyết Đức Giêsu là “ ánh sáng thế gian ” ( Lc 2, 32; Ga 8, 12; 12, 35 ). Và theo gương Người, các môn đệ phải trở nên ánh sáng của nhân loại ( Pl 2, 15; so sánh với Ep 5, 8-14 ).

(x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật A Mùa Thường Niên).

* Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay:

  Nội dung bài đọc một cho thấy vinh dự được thông hiệp vào mầu nhiệm “ ánh sáng ” vừa là ân huệ của Thiên Chúa dành cho những người công chính đạo đức có lòng thương xót, đùm bọc tha nhân (bài đọc một). Còn Tin Mừng thì nhấn mạnh hơn khía cạnh đáp trả, nghĩa là bổn phận của môn đệ Đức Giêsu phải là ánh sáng chiếu tỏa cho trần gian đang còn bị tối tăm bao phủ. Nói cách khác vai trò chứng nhân của môn đệ, tức là sống đúng với ơn ban của Thiên Chúa là “ MUỐI CỦA ĐẤT ”, là “ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN ”, là yếu tố quan trọng từ phía các môn đệ để mọi người nhìn thấy lối sống của của môn đệ mà tôn vinh danh Chúa (Mt 5, 16).

  Bài đọc một đưa ra những lối sống, những chuẩn mực mà dân Chúa phải tuân thủ để trước tiên chính bản thân mình được thoát khỏi bóng phủ của đêm đen, và tiếp đó là trở nên được thông hiệp vào mầu nhiệm ánh sáng: “ bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông ” (c.8) và “ tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ ” (c. 16b)

  Những gì được hứa trong bài đọc một, Đức Giêsu bắt đầu thực hiện trước tiên là nơi nhóm môn đệ: “ chính anh em là muối cho đời ( = “ của đất ” : Mt 5, 13 ), “ là ánh sáng cho trần gian ” ( 5,14 ). Và một khi đã trở nên ánh sáng thì môn đệ phải là “ cánh tay nối dài ” của Đức Giê- su, phải là chứng nhân của Người để “ ướp mặn đời ” để “ soi sáng thế gian ”.

  Điều quan trọng nhất, trước tiên không phải là lo làm được việc gì, mà là phải giữ vững bản chất của mình là MUỐI, là ÁNH SÁNG đến từ Thiên Chúa, được Đức Giêsu mời gọi và sai đi với mục đích là cuộc đời mình là một lời tôn vinh Thiên Chúa. Hãy để các chân phúc thần linh (Mt 5, 1-12) ƯỚP MẶN, THẮP SÁNG cuộc đời mình hầu trở thành “ MUỐI CỦA ĐẤT ”, “ ÁNH SÁNG CỦA THẾ GIAN ” theo Ý Chúa đối với chúng ta.

BÀI ĐỌC I:    Is 58, 7 – 10

         Đoạn văn được chọn làm bài đọc một hôm nay được trích từ Isaia đệ tam ( Is 56 – 66 ) . Phần này được soạn thảo có lẽ ít lâu sau cuộc hồi hương đợt một ( năm 538 ), nhằm củng cố niềm tin và soi sáng cho dân đang rơi vào cơn khủng hoảng mới, khi họ đặt chân về đất hứa: Họ phải đối đầu với những đống đổ nát vẫn còn đó để xây dựng lại chứ không phải là một “ thiên đàng ” trong mơ có sẵn.

          Khi được lệnh của Kyrus, vua Ba Tư cho hồi hương với  nhiều ưu đãi, thuận lợi ( x. Er 1, 1- 11 ), một số người Do Thái đã hồ hởi lên đường. Nhưng về đến Giêrusalem thì họ vấp phải những thực tế nghiệt ngã: Hạn hán, mất mùa ( x. Kg 1, 10- 11 ); dân địa phương cản phá công việc tái thiết đền thờ ( x. Er 4, 1 – 5 )….Thực tế ấy khiến dân hồi hương nản lòng, bỏ cuộc ( x. Er 4, 4 – 5 ), quay sang chỉ lo cho phần của riêng mình ( x. Kg 1, 2 – 9 ). Thế  nhưng họ lại trở mặt đâm ra kêu trách Thiên Chúa tại sao để họ ra nông nổi này trong khi họ  vẫn thiết tha muốn xây nhà Chúa, muốn tìm kiếm Chúa, muốn trung thành giữ luật ( x. Is 58. 2 – 3a ) ? Để thức tỉnh họ, một ngôn sứ, thường được gọi là “ Isaia đệ tam ” đã được sai đến với họ. Ông chỉ cho họ thấy đâu là nguyên nhân của những khó khăn thất bại; chỉ cho thấy cái sai của họ khi họ tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ, phải trả công cho họ theo ý họ muốn khi họ tuân giữ lề luật mà thực ra họ chỉ giữ cái hình thức, còn nội tâm thì trống rỗng. Đoạn Isaia 58 cũng đi vào chiều hướng chung nói trên, như chỉ đề cập tới vấn đề ăn chay:

          Họ ăn chay mà lòng chứa đầy mưu mô gian ác, tìm kiếm lợi lộc tiền tài, đi lạc điều Thiên Chúa  mong muốn nơi họ ( x. Is 58, 3 – 5 ), nên ngôn sứ đến cảnh tỉnh họ và chỉ dạy cho họ phải ăn chay như thế nào mới là phù hợp ý Chúa ( x. Is 58, 6 – 12 ). Bài đọc một chỉ trích ra các câu 7 – 10 trong phần cuối này. Tuy nhiên một khi đã bị tách khỏi văn mạch thì đề tài nói về ăn chay bị biến mất khỏi đoạn văn. Như vậy chủ điểm còn lại và được làm nổi bật trong bài đọc một là:

  • Bổn phận phải thực thi bác ái đối với những hạng nghèo hèn bất hạnh;

  • Và Thiên Chúa sẽ làm cho những ai sống như thế được rực rỡ vinh quang; Người sẽ nhận lời kêu xin của họ.

  1. Điều Chúa mong muốn nơi Israel ( các câu 7.9b.10a )

  • Sống đức ái trên bình diện cá nhân : Chia sẻ, đùm bọc nhau:

   Câu 7 đưa ra những việc làm mà truyền thống Do Thái gọi là “ những hành động của lòng thương xót ” : Chia cơm cho người đói; cho kẻ nghèo vô gia ngụ nhờ; thấy ai mình trần thì cho áo mặc…Trong Matthêu  25,31- 46 thì đó là những tiêu chuẩn để xét thưởng phạt trong ngày chung thẩm, vì  Đức Giêsu  đã tự đồng hóa Người với những hạng nghèo túng bất hạnh này: Ai thi ân cho họ là làm cho chính Người.

  • Trên bình diện xã hội : Sống đức công bình giữa đồng loại ( c. 9b ):

Loại khỏi nơi mình ở những hình thức bất công, được diễn tả bằng:

  • “ Gông cùm ”: là biểu tượng của tù đày, nô lệ. “ Loại bỏ gông cùm ” có nghĩa là giải cứu người nô lệ, kẻ chịu tù đày bất công ra khỏi nỗi bất hạnh của họ. Theo luật Do Thái thì trong vùng đất mà Chúa ban cho họ, không một người Do Thái nào phải bị làm nô lệ suốt đời: họ chỉ phải làm nô lệ 6 năm, đến năm thứ 7 thì người chủ ( đương nhiên phải là Do Thái ) phải để họ ra đi không đòi tiền chuộc, vô điều kiện ( Xh 2,1-11 ); Luật còn dạy người chủ phải cung cấp một số vốn liếng ban đầu cho họ nữa. Đó là bổn phận phải làm vì Israel đã từng là nô lệ và đã được Chúa cứu chuộc cách nhưng không ( Đnl 15,12-15 ). Đi xa hơn nữa, luật quy định phải đối xư với nô lệ như người làm công chứ không được bạc đãi ( Lv 25,39 – 40 ).   

Ngoài ra khi có một người Do Thái, vì một lý do nào đó, phải bán mình làm nô lệ cho một người dân ngoại đang cư ngụ ở đất Do Thái, thì các thân nhân Do Thái khi có điều kiện phải đảm nhận bổn phận chuộc người ấy về lại (x. Lv 25,47-49 ).

“ Loại bỏ gông cùm” cũng còn có thể hiểu được rằng bản thân mình đừng là nguyên nhân gây nên tình cảnh nô lệ cho anh em mình. Cách hiểu trên được làm rõ nét hơn qua các lối diễn tả tiếp sau đây:

  • “ Cử chỉ đe dọa ” dịch sát chữ là “ dùng ngón tay ra hiệu ” có thể hiểu là chỉ điểm, vu cáo trước quan tòa gây hại trầm trọng cho tha nhân. Hàm ý đây là hành vi gian ác ném đá dấu tay nhằm hãm hại kẻ khác ( x. Cn 6,13 ).

  • “ Lời nói hại người ” có thể hiểu hai cách :

  • ám chỉ kẻ giả dối hại người, trước mặt thì lời hay ý ngọt nhưng sau lưng thì mưu hại. Hạng người này Thiên Chúa rất ghét ( Hc 27, 23-24 ).

  • ở đây còn ám chỉ những kẻ vu khống, bẻ cong công lý bằng cái lưỡi của mình ( x. Tv 12,3-5… ) gây hậu quả tai hại, bất công cho người khác ( x. Cn 16,28 ; Hc 28, 13-18 ).

  • Dám hi sinh thành toàn cho tha nhân ( c. 10a ):

  Chẳng những sống công bình, tử tế, Chúa còn muốn người của Chúa phải dám chịu thua thiệt, hi sinh những quyền lợi được coi là chính đáng mình được hưởng để giúp đỡ, thành toàn cho tha nhân.

Câu 10a: “ nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục ” có thể dịch sát là “ nếu ngươi cho kẻ đói linh hồn của ngươi ( để ) làm thỏa linh hồn người bị hạ nhục ” vì danh từ “ miếng ăn ”= NEFES ( Hipri ) là “ hồn ”, “ mạng sống ”, “ cổ họng ”, “ sự ao ước ” ( x. nốt Is 58, 10 của BJ và Cha Thuấn ). Từ đó phái sinh ý tưởng  “ hơi thở ”, “ sự sống ”. Ở đây có thể hiểu là ước vọng, khao khát. Phải chăng Thiên Chúa đã hé mở ở đây tư tưởng dọn đường cho khuôn vàng thước ngọc mà Đức Giêsu sẽ công bố sau này:  mọi điều các ngươi “ muốn ” người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta ”. ( Mt 7, 12 ).

Tóm lại c.10a như là đỉnh cao bao trùm hết những gì đã được đề cập đến trong cc.7-9b: hãy cho kẻ nghèo, kẻ bị hạ nhục ( nô lệ, gông cùm ) những gì các ngươi hiện đang hưởng thụ và vẫn hằng ao ước, vì đó cũng chính là những ao ước, khát vọng của người nghèo, bất hạnh.

  Như vậy qua các câu 7. 9b.10a, Chúa chờ đợi một điều nơi dân Chúa khi làm những việc đạo đức: đó là tinh thần chia sẻ huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau, bác ái yêu thương nhất là đối với những hạng người bất hạnh với cường độ ngày càng gia tăng:

  • Ở câu 7, đùm bọc yêu thương trong tình trạng bản thân mình còn đang đầy đủ, dễ dàng sẻ chia.

  • Ở câu 9b, điểm nhấn không chỉ là những việc tốt cá nhân, lẻ tẻ mà phải là việc của cả cộng đoàn dân Chúa để công lý ngự trị trong xã hội, nhân phẩm mọi người được tôn trọng, ai nấy bình đẳng là “ hình ảnh Thiên Chúa ”.

  • Ở câu 10a, mực độ cao nhất là ngay trong trường hợp ngặt nghèo, chính bản thân mình cũng đang cùng khốn thì vẫn bác ái sẻ chia “ lá rách đùm bọc lá tả tơi ” và cuối cùng nếu cần dám hi sinh cả mạng sống để cứu tha nhân.

  Những bước đó, chính Thiên Chúa đã thực hiện trong dòng lịch sử để đưa vũ trụ, nhân loại ra khỏi hỗn mang nguyên thủy đi vào sự sống rồi đồng hành cứu chuộc, rồi “ chính Con Chúa hi sinh mạng sống để đưa vũ trụ vào “ trời đất mới ”. Thật vậy:

  • Trong công trình sáng tạo, Chúa với quyền năng thần linh, dư dật, tràn đầy chia sẻ sự sống của Người cho nhân loại, vũ trụ: cho hiện hữu, “ Hãy có ”.

  • Trong công trình cứu độ, Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã đồng hành, gieo mầm sống thần linh vào tạo thành, từng bước tạo bình đẳng, nâng con người lên hàng con cái Thiên Chúa, dù lòng người không ngớt đảo điên, bội phản.

  • Cuối cùng Đức Giêsu hi sinh cả mạng sống để bảo đảm mầm sống thần linh phục sinh tất cả đưa công cuộc tạo thành vào “ trời đất mới ”.

    Như vậy qua các đòi hỏi ở cc.7.9b.10a, Thiên Chúa đang thực tập dân Chúa từng bước một, đón nhận làm của mình nên như bản năng của mình điều mà chính Thiên Chúa đang dần hoàn tất nơi nhân loại và vũ trụ. Nói cách khác đang khi làm những việc đạo đức trong tinh thần Chúa muốn: đùm bọc, bình đẳng, bác ái, sẻ chia thì con người đang thể hiện bản chất “ con người là hình ảnh Thiên Chúa ”.

  1. 2. Đáp lại: những điều Thiên Chúa thực hiện cho dân ( cc.8-9a.10b )

  Các việc bác ái thực hiện cho tha nhân chẳng những không làm cho các kẻ thi ân bị hao hụt mà còn làm cho họ thêm vinh quang rực sáng. Chính Thiên Chúa làm cho những hiệu quả tốt đẹp của những nghĩa cử ấy, tuôn đổ trở về lại một cách phong phú, giá trị hơn trên những người đã dám cho đi đó.

Những ân lộc ấy mà Thiên Chúa sẽ đáp đền dồi dào, được diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh:

  • Ánh sáng bừng lên … vết thương mau lành ( c.8a ):

  • “ Ánh sáng” là thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa, Nó được coi là bước mở đầu của công trình sáng tạo ( St 1,3 ). Do đó Nó liên kết chặt chẽ với sự sống sinh ra tức là: “ thấy ánh sáng ” ( G 3,16; Tv 58,9 ).

  • Ánh sáng là biểu tượng của sự ưu ái, phù trợ của Thiên Chúa ( x.Tv 4,7; 31,17; Ds 6, 24-25; Cn 16,15 )

  • Nó là biểu tượng của niềm vui, hồi phục, ơn cứu độ ( Is 9,1; Is 42,7; Mk 7,8 ).

“ Ánh sáng rạng đông ”: gợi lên một hình ảnh một ngày mới, gợi lên sức sống và hạnh phúc hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ. Ý tưởng đó còn được diễn tả bằng hình ảnh “ vết thương sẽ mau lành ” nghĩa là được Thiên Chúa thứ tha tội, chữa lành các thương tích do tội gây ra cho dân.

   Tóm lại việc thi hành đức ái theo đúng ý Chúa sẽ kéo xuống trên dân phúc lành của Người, giúp họ mau hồi phục và vươn dậy mạnh mẽ.

  • “ Đức công chính … bao bọc phía sau ngươi ” ( c. 8b )

“ Công chính ” là đặt mình vào đúng vị trí trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, ở đây là làm đúng lời Thiên Chúa dạy trong tương quan với việc thực thi bác ái ( x. Tv 112,9 ). Vậy “ đức công chính ” ở đây, xét theo văn mạch của  Isaia 58, có thể được đồng hóa với các hành vi đức ái, chia sẻ, đùm bọc nhau nói trên ( x. Hc 3,30; 7,10; 12,3; 29,12; Tb 4,7-11; 12,8 ).

“ Vinh quang Yavê bao bọc phía sau ngươi ”: câu này hàm ý gợi lên hình ảnh một đoàn hùng binh theo sau bảo vệ ( bản dịch của Cha Thuấn: “ và binh bọc hậu là vinh quang của Yavê ” và TOB ).

  Vậy câu 8b có thể hiểu rằng nếu ai trong hiện tại lẫn quá khứ có thực thi công việc bác ái cho anh chị em đồng loại cách quảng đại ( tức là sống công chính ) thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa phù trợ.

  • 9a lập lại một cách khác ý của c.8b: kẻ thực thi đức ái thì khi kêu lên cùng Yavê sẽ được Người đáp trả: “ có Ta đây ”. Yavê đã lên tiếng như thế có nghĩa là đã tha thứ, mối thân tình để được nối kết lại trọn vẹn.

*Không còn bóng tối nơi người có đức ái trọn hảo:

  Nơi câu 10a chúng ta đã thấy đỉnh cao của sống đức ái: hi sinh cả mạng sống vì ơn cứu độ của tha nhân – “ Cái chết ” là bóng tối tuyệt đối giờ đây lại trở nên “ ánh sáng ” đem lại ơn cứu độ cho tha nhân thì nơi người công chính ấy làm gì bóng tối còn tồn tại được: Câu 10b diễn tả: “…ánh sáng ngươi chiếu toả trong bóng tối và tối tăm ngươi chẳng khác nào chính ngọ ”.

  Như vậy đối với những ai dám kiên trì sống đức ái đến cùng, dám hi sinh cả mạng sống (c.10a) thì đối với họ: hạnh phúc và niềm vui của lòng chia sẻ vị tha, đùm bọc nhau của họ sẽ xua tan bóng tối khổ đau khỏi họ; Và cho dù họ vẫn còn bị mây đen che phủ thì cái tối tăm ấy ( kể cả cái chết ) cũng được Thiên Chúa hòa giải và họ xem đó như là “niềm vui”, “hạnh phúc” rực rỡ (x. Cv 5, 41 : hai tông đồ Phêrô và Gioan bị tù đày đòn vọt nhưng lại vui sướng được chịu khổ vì Đức Giêsu). Họ đọc được, nhận ra được bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong mọi biến cố và thấy trước được điểm đến chung cuộc là ơn cứu độ cho mọi người.

  1. Tóm kết:

   Bài đọc một ca ngợi và khích lệ thực hành những hành vi đức ái huynh đệ, lưu tâm đến những kẻ bất hạnh, bị bỏ rơi trên bình diện cá nhân cũng như xã hội, sẵn sàng ra tay trợ giúp, đùm bọc dù cho đôi khi có thể phải hi sinh cả đến mạng sống. Đây là hành vi thờ lạy Thánh Ý Chúa kéo xuống nhiều phúc lành của Chúa và làm cho bản thân người sống đức ái trở nên ánh sáng rạng chiếu vinh quang Thiên Chúa. Qua các hoạt động đức ái họ đang thể hiện bản chất ơn gọi làm người : “ hình ảnh của Thiên Chúa ”. Và đó là cách tốt đẹp nhất tôn vinh Cha trên trời (x. Mt 5, 16).

“ Ánh sáng ” mà Chúa hứa ban cho người sống đức ái không phải là những thoả mãn các khoái lạc trần gian mà là nguồn chân phúc được thể hiện ngay ở trần thế còn đầy tối tăm này:  ơn gọi  “ là hình ảnh Thiên Chúa ”, được làm con Thiên Chúa. Ngay tại thế này đã được gọi Chúa là Cha. Đó mới thật là “ ánh sáng ” và “ hạnh phúc thật ” mà Chúa hứa ban cho nhân loại và đã mang đến rồi trong Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giê- su. Phần còn lại là ta hãy mở lòng ra đón nhận.

TIN MỪNG  : Mt 5,13 – 16

  Đây là đoạn văn tiếp theo ngay sau bài giảng “ 8 mối phúc”. Sau khi công bố “ hiến chương Nước Trời” ( 8 phúc ) biến đổi các môn đệ nên những con người mới, đặt nền tảng cho Nước Trời tại thế, Đức Giêsu nói đến vị trí, sứ mạng của họ trong Vương Quốc mới này. Đây không là một sứ mạng hành chánh, cơ chế mà là tạo nên một mối tương quan nhân bản mới làm nền tảng nối kết tình người giữa mọi thần dân trong Nước Trời. Vai trò môn đệ mọi thời là “ Muối đất ”, là “Ánh Sáng trần gian ”. Mà “ Ánh Sáng trần gian ” là chính Đức Kitô Giêsu ( Ga 8,12 ). Vậy các môn đệ chính là Đức Kitô nối dài để lan tỏa “ chất Muối ” và “ Ánh Sáng ” bát phúc trong bóng đêm trần thế. Các môn đệ trở thành vừa là người rao giảng và đúng hơn vừa là người làm chứng cho thế gian này biết ơn cứu độ cho Đức Giêsu mang đến và cảm nghiệm được chân phúc của lộ trình phải theo để đạt được ơn cứu độ đó.

   Các môn đệ có một sứ mạng kép:

  • Với tha nhân: môn đệ là ánh sáng soi chiếu cho mọi người ở trong nhà ( 5,15 ). Đó là ý định của Đức Giêsu. Đấng đã thắp sáng các môn đệ là để dùng các ông mà soi sáng mọi người, phục vụ công trình cứu độ.

  • Trong tương quan với Thiên Chúa: “ Ánh Sáng môn đệ soi sáng cho mọi người ” là cách thức tuyệt vời để phụng thờ Chúa, tôn vinh Thiên Chúa giữa thế gian ( 5,16 ).

    Để hoàn tất được vai trò đó, người môn đệ phải đề phòng nguy cơ bị biến chất: nếu muối ra lạt thì chỉ còn vứt đi ( 5,13 ). Qua hình ảnh này, Đức Giêsu tỏ mình là Đấng đến hồi phục nhân phẩm, ơn gọi làm người là “ hình ảnh Thiên Chúa ”. Thật vậy, trong vườn Eđen, Eva đã phạm tội, đã biến chất, thay vì là người công tác lại trở thành kẻ cám dỗ Ađam, trở nên cánh tay nối dài của ma quỷ; thì giờ đây nhờ Đức Giêsu, trước mắt là con đường Bát Phúc nhân loại đã được hồi phục và trở thành “ Muối ”, thành “ Ánh Sáng ”, trở thành Đức Kitô nối dài, cùng với Đức Kitô phục hồi nhân loại, thờ lạy Thiên Chúa, tôn vinh Thiên Chúa là CHA.

    HỠI anh em, anh em là (câu 13):

* Nguyên văn tiếng Hi Lạp: “Humêis êstê” pres 2pl của êimi chữ “humêis” là ở hô cách (vocatip). Đức Giêsu đang nói với đám đông (“ những ai ”) nhưng đối tượng trực tiếp được nhắm tới là các môn đệ (“ anh em ”) mà Người vừa mới tuyển chọn ( Mt 4, 18-22 ) và trao ngay cho họ một sứ mạng đặc biệt ngay khi họ vừa mới được gọi (Mt 4, 19). Sứ mạng đi theo Người, tiếp tục công cuộc của Người: “Hỡi anh em, anh em là….”. Đó là một lời hiệu triệu, khích lệ, động viên, thúc đẩy CẢ NHÓM môn đệ (tính cộng đoàn) hãy trở thành…hãy là…Ở đây, khía cạnh được nhấn mạnh của ơn gọi là khía cạnh CỘNG ĐOÀN: Đức Giêsu gọi 4 anh em cùng một lúc và chỉ cho cùng một sứ mạng mà thôi: Theo Ngài làm ngư phủ chài lưới người.

 * Về mặt ý tưởng: “ Hỡi anh em, anh em là… ”: thành ngữ này có lẽ được vay mượn ở Xh 19, 6 (LXX): “ các ngươi sẽ là (=humêis êsêsthê = future, 2 pl của êimi) một vương quốc tư tế và là một dân thánh cho Ta ”. Điều xưa kia Yavê hứa sẽ ban cho dân Do Thái trong tương lai thì hôm nay, Đức Giê-su truyền trực tiếp cho các môn đệ của Người trong hiện tại.

  Với lời tuyên bố Xh 19,6 của Yavê, thân phận bé nhỏ mọn hèn của đám nô lệ vừa bước chân khỏi đất diệt vong Ai Cập đã được đổi mới: Họ nên thần dân của Vương Quốc Yavê, làm chứng cho Người trước chư dân bằng việc thờ phượng Người, dâng lễ tế cho Người và sống thánh thiện theo ý Người. Giờ đây cách nói “ Hỡi anh em, anh em là….”  lại vang lên! Thiên Chúa trong thân phận con người  đang tuyển và đào  tạo cho mình 1 dân mới để đảm nhận sứ mạng  làm MUỐI, làm ÁNH SÁNG giữa thế gian bằng cách sống đúng tinh thần Bát Phúc.

  1. Muối của đất: = tô halas ten ges, được dịch là “ muối của nhân loại ”. Vì “ đất ” = “ ges ” ( Hi lạp), trong tiếng Do Thái là “ àdàmàh ”. Trong St 2, 7, Thiên Chúa đã lấy “ bụi đất ” mà dựng nên “ Adam ” = “ loài người ”, “ nhân loại ”.

  • “ Muối ”: trong cuộc sống thường nhật, vai trò của muối ai cũng biết: giữ thức ăn được lâu khỏi hư thối, làm cho món ăn thêm đậm đà ngon miệng. Ngoài ra Kinh Thánh còn cho thấy nhiều vai trò quan trọng khác của muối trong cuộc sống:

  • Ngoài 4 chất được triết lý Hy Lạp xem là nền tảng cấu tạo nên vũ trụ: đất, nước, lửa, kim loại, thì muối được xếp đầu trong những thứ cần thiết nhất cho đời sống con người ( x. Hc 33,26 ).

  • Muối khử độc, làm nên trong sạch,chữa lành ( x. 2V 2,20-22 ).

  • Muối còn được dùng để kết giao ước ( x. Ds 18,19; Lv 2,13; 2Kg 13,5 ).

  Như vậy khi nói các môn đệ  là MUỐI CỦA ĐẤT, Đức Giêsu đã trao phó cho họ một sứ mạng quan trọng và khẳng định sự cần thiết của họ trong việc bảo toàn thế giới khỏi hư thối; khử độc trần gian, làm cho ý nghĩa cuộc đời thêm đậm đà; đồng thời làm vai trò xúc tác để giao ước của Thiên Chúa với nhân loại được mọi người tuân giữ vững bền, làm người ta hiểu và sống Lời Chúa.

  • “ Nếu muối ra lạt …”: cách nói khó hiểu đối với kinh nghiệm thực tế của chúng ta, làm sao mà muối ra lạt được. Có thể có hai cách hiểu:

  • Thời Đức Giêsu, người ở Palestin không dùng muối khô làm ra từ nước biển, nhưng là thứ muối rút ra từ một loại đất có nhiều ở quanh Biển Chết. Loại muối này màu xanh lợt, trộn lẫn trong thạch cao và vôi, dễ biến thành bùn vô dụng dưới tác dụng của độ ẩm cao.

  • Đúng hơn, có lẽ Đức Giêsu muốn dùng cách nói ngoa dụ, phóng đại ( ví dụ: “ lạc đà chui qua lỗ kim ” ) về một chuyện không thể có để cảnh tỉnh chúng ta cần lưu tâm hơn đến tính cách nghịch lý của một môn đệ đã đánh mất điều cốt lõi tạo nên bản chất môn đồ.

  • “ Thì lấy gì muối nó lại … chỉ còn ném nó ra đường ”:

   Một lời cảnh cáo cho các môn đệ rằng một khi họ đã đánh mất bản chất của mình, mất lý tưởng, sức sống … thì họ nên vô dụng trong kế đồ của Thiên Chúa. Điều Matthêu muốn nhấn mạnh ở đây là muối không chỉ là phẩm chất nội tại cần cho bản thân người môn đệ, song còn cần để chu toàn sứ mạng đối với nhân loại: bản thân và sứ vụ gắn liền với nhau.

“ Cho người ta chà đạp thôi ”: trong thực tế, không ai đổ muối đã dùng xong ra đường để dẫm đạp lên vì gây dơ bẩn. Tuy nhiên về mặt giáo huấn nhân bản, thì đây thật là một hình ảnh đầy ấn tượng: “ muối của đất ” lẽ ra phải truyền cái mặn của mình cho đất để nâng cao giá trị của đất lên, đằng này do đánh mất bản chất của mình, “ ra lạt đi ” nên nó bị chà đạp trở thành bụi đất, chịu chung số phận như là thân bụi đất.

Cũng vậy, khi người ki tô hữu không sống theo tinh thần Bát Phúc, đánh mất đi căn tính của mình, không chu toàn sứ vụ thì thay vì giúp ích cho những ai xa Chúa, chưa biết Chúa, tìm đến với Chúa, họ lại bị loại ra ngoài cùng chịu chung số phận như những người chưa hề biết Chúa (x. Mt 24, 51).

Hình ảnh suy thoái cùng tận này gợi nhắc hình ảnh đau thương của hai nguyên tổ Adam, Eva, sau sa ngã, đã ngã qụy về lại với bụi đất vì không giữ được vị  trí, sứ mạng của mình trong tương quan với Thiên Chúa và vũ trụ.

  1. “ Anh em là Ánh Sáng ” (cc. 14 – 16)

Ý tưởng trên được diễn tả qua hai hình ảnh:

*“ Một thành xây trên núi ”:

Theo thói quen, Đức Giêsu dùng ngay một thực tại ở Palestin để mình họa cho sứ điệp của mình “ anh em là ánh sáng ” : lối sống, niềm vui, hạnh phúc của người Kitô hữu được tỏ bày công khai phải là chứng từ sống động, hữu hiệu cho mọi người nhìn thấy được, chứ không phải chỉ là một tâm tình cá nhân giữ riêng giữa mình với Thiên Chúa. Thật vậy đây là hình ảnh của một xứ sở mà các thị trấn, thôn làng thường được xây trên các điểm cao ( là vị trí chiến lược thời đó để dễ phòng thủ trước mọi tấn công ). Điều này đặc biệt đúng với thành Giêrusalem: người ta có thể thấy nó được từ đằng xa. Trong trường hợp này không thể nào che dấu thành được.

* “ Thắp đèn…đặt trên đế ”:

Một hình ảnh cụ thể nữa trong đời sống thường nhật: người ta thắp đèn là để soi sáng cả nhà, nên không ai đặt đèn đã thắp sáng vào trong cái đấu (vật dụng dùng để đong, dung tích khoảng 8,75 lít, cũng được dùng úp lên ngọn đèn khi muốn tắt đèn để tránh khói un lên khắp nhà), nhưng đặt trên giá đèn. Cũng có cùng một ý nghĩa như “ánh sáng” :

Ngọn đèn được thắp lên là chiếu sáng cả nhà, là để cho mọi người hưởng dùng ánh sáng của nó chứ không để che dấu đi. Một lần nữa Đức Giêsu nhắc các môn đệ phải làm chứng công khai cho Tin Mừng bằng chính cộng sống của mình theo tinh thần Bát Phúc.

*Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ:

Thật ra các tín hữu chúng ta  không ai là ánh sáng cả, chính Đức Giêsu mới là ánh sáng thế gian đích thật ( Lc 2, 32; Ga 8,12; 12,35). Nhưng chúng ta cũng thực sự được trở nên ánh sáng khi được chịu phép rửa, lãnh nhận ánh sáng từ Đức Giêsu phục sinh. Do đó môn đệ phải sống sao cho xứng đáng với sứ vụ làm ánh sáng nhân loại ( Pl 2,15; Ep 5, 8 – 14 )

   “Để họ thấy mà tôn vinh Cha”: Làm việc lành cho người ta thấy không phải là để phô trương, tìm hư danh về cho chính mình, nhưng đó chính là bản chất, là sứ vụ của người tín hữu, của người con của Cha, là tỏ lộ bằng hành động điều thiện hảo, sự thánh thiện mà Thiên Chúa là Cha đã thông ban cho người tín hữu. Chính vì thế khi bày tỏ công khai các việc lành mình đã làm, là người tín hữu đã cho người khác nhận thấy cái cội của mọi thiện hảo là chính Cha và nhờ đó mọi vinh dự, suy tôn đều quy về Người.

   Hình ảnh “ MUỐI” cũng cho thấy tính vô vụ lợi của người chứng nhân  của Đức Giêsu :  Muối phải tan biến đi, phải thấm sâu vào tận bên trong những gì đã được ướp muối, để gìn giữ,  bảo quản và tăng giá trị hương vị cho những thứ nó ướp. Và chỉ khi chịu hòa tan như vậy , muối mới làm sáng tỏ, làm bật ra cái bản chất MẶN của mình.

  1. Tóm kết:

      Với hình ảnh MUỐI và ÁNH SÁNG được đưa ra ngay sau bài giảng về Bát phúc, Đức Giêsu vừa mời gọi động viên, vừa ngăm đe cảnh cáo các môn đệ phải giữ vững bản chất của mình bằng cách sống tinh thần Bát Phúc một cách nghiêm túc để dấn thân vào giữa dòng đời, trở nên những nhân chứng công khai hữu hiệu cho Đức Giêsu, cho Tin Mừng, cho Nước Trời ngang qua chính cuộc sống cụ thể của mình.

     Và để khỏi nguy cơ bị rơi vào con đường khoa trương, quị ngã, Tin Mừng nhắc lại các kẻ tin phải biết quên mình , noi gương Thầy Chí Thánh, không tìm hư lợi cho mình, nhưng chấp nhận thân phận tan biến mình để phục cụ của muối; chấp nhận đốt cháy mình quảng đại tỏa sáng của ánh sáng để phát sinh nhiều lợi ích cho tha nhân và qua đó ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC