CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B

Is 63,16-17.19b; 64,2b-7; Mc 13,33-37

Chủ đề: ĐỢI TRÔNG CHÚA ĐẾN.

* Is 63,19b: phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống.

* Mc 13,33: Anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến.

          Hôm nay là ngày “TẾT” của năm Phụng Vụ; Chúng ta bước vào năm phụng vụ mới: MÙA VỌNG năm B. Tâm tình khát khao mong chờ Chúa đến và thái độ luôn ở trong tình trạng TỈNH THỨC sẵn sàng để khi Chúa đến, chúng ta đừng bị rơi vào tình trạng bất ngờ chưa kịp chuẩn bị; Đó là hai chủ đề được Hội Thánh kiên trì, ân cần nhắc nhở con cái mình trong suốt Mùa Vọng nhất là Chúa Nhật thứ nhất.

          Sở dĩ chúng ta can đảm đợi trông vì CHÚA ĐÃ ĐẾN RỒI và Chúa cũng hứa Người sẽ LẠI ĐẾN để hoàn tất công cuộc của CHA. Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng luôn hướng về hai lần ĐẾN của Đức Giêsu:

  • Bài một nói về tâm tình chờ mong của dân Cựu Ước khắc khoải chờ mong Đấng Thiên Sai, Mêsia đến giải cứu họ.

  • Bài Tin Mừng là lời cảnh cáo của Đức Giêsu nói về lần đến thứ hai của Người. Yếu tố được nhấn mạnh là tính BẤT NGỜ của quang lâm và thái độ phải có để luôn sẵn sàng khi quang lâm đến, đó là TỈNH THỨC.

Bài đọc một mời chúng ta rút ra bài học cho mình từ hai tâm tình chờ Chúa của dân Cựu Ước:

  • Chờ Chúa với tất cả niềm khao khát, khắc khoải đợi trông: “phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống” (63,19b). Lời khẩn cầu như thôi thúc Chúa đến mau; như giận dỗi, ấm ức vì sao Chúa chậm đến.

  • Và tâm tình tỉnh ngộ, sám hối ăn năn: ban đầu, khi chịu cảnh khổ cực lưu đày, Dân Chúa mang tâm tình như trách Chúa vì sao Chúa lại để cho dân đi lạc xa đường lối Chúa (63,17) để rồi bị phạt. Thế nhưng, với ơn Chúa, khi bình tâm nhìn lại, dân nhận ra đó là đường lối Chúa dùng để sửa dạy dân, tập dân sống tự do (64,3-4) giúp dân thực sự nhận ra lầm lỗi của mình và thật lòng thống hối về lại với Chúa (64,5-6).

Qua trường học khổ đau ấy, dân mới dần nhận ra sự ngỗ ngáo của mình và chân nhận Chúa thật sự là người CHA đầy yêu thương. Thật vậy, Chúa đã nhận dân là con đầu lòng của Chúa (Xh 4,22-23); Rồi khi dân quên Chúa, suýt bị diệt vong bên Ai Cập thì Chúa đã giải cứu dân; Chúa thật sự đã khai sinh dân khi ban cho dân Luật (x.Is 63,16b; 64,7).

Chính khi tỉnh ngộ, nhờ ơn Chúa, khám phá ra tình thương của Chúa như thế, Dân trở về nài xin Chúa đến cứu; Van xin với tất cả lòng khát khao, sám hối, hối thúc Chúa: “phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống”. Để thực sự sống Mùa Vọng, chúng ta phải bắt chước Dân Do Thái sống lại nơi bản thân ta kinh nghiệm về Thiên Chúa là CHA, là ĐẤNG GIẢI THOÁT, là Đấng SÁNG TẠO nên ta. Chưa sống được mối tương quan này với Chúa nơi ta thì Mùa Vọng chỉ mới là hình thức.

Tin Mừng hôm nay trích từ bài giảng của Đức Giêsu về ngày quang lâm. Mc 13 là bài giảng Đức Giêsu dành riêng cho các môn đệ, đặc biệt là cho bốn ông: Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê (13,3). Bài giảng nói nhiều điều nhưng có thể tóm vào vài nét chính:

  • Chắc chắn là có ngày quang lâm (13,28-31).

  • Tuy nhiên ngày giờ rõ ràng là bí mật của Chúa Cha (13,32).

Khi nói về ngày quang lâm là một biến cố trong tương lai, thì SỨ ĐIỆP mà Đức Giêsu muốn gởi tới cho các tông đồ lại là một SỨ ĐIỆP HIỆN TẠI: sứ điệp đó là PHẢI TỈNH THỨC “anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Sứ điệp lúc đầu chỉ nói cho bốn môn đệ, cuối cùng Đức Giêsu cũng mở ra cho hết thảy mọi người: PHẢI CANH THỨC.

Theo Marcô, canh thức đối với chung cho mọi người là chu toàn việc được chủ trao là đủ (c.24a); Riêng đối với NGƯỜI GIỮ CỬA thì trách vụ chính là PHẢI CANH THỨC. Vậy đây là lời Chúa nhắc nhở đặc biệt cho hàng lãnh đạo Hội Thánh (4 vị), sau là cho toàn tín hữu phải đóng vai trò NGƯỜI CANH ĐÊM để nhắc nhở, giúp mọi người hãy lo chu toàn bổn phận mà Chủ đã giao phó cho TỪNG NGƯỜI (câu 34a). Người tín hữu cần xác tín rằng nhân loại đang ở dưới ách bóng tối, nhưng ngày Chúa đến không có gì đáng sợ cả, vì Chúa đến là để chấm dứt đêm đen, chuẩn bị đưa nhân loại vào một ngày mới. Trong ngày mới, những gì là “ngái ngủ” của đêm không thể tồn tại. Phải chuẩn bị cho nhân loại bước vào “NGÀY MỚI” một cách tốt đẹp. Đó chính là sứ mạng của Hội Thánh, của từng tín hữu kitô giáo: canh thức cho chính bản thân mình và cho cả nhân loại nữa.

SUY NIỆM MÙA VỌNG 1B

Is 63, 16b.17.19b; 64, 2b -7

Mc 13, 33 -37

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức (c.33), phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến…Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết mọi người là: phải canh thức” (Mc 13, 35.37)

Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào một năm phụng vụ mới. Dòng lịch sử cứu độ với những biến cố chính yếu được Giáo Hội tưởng niệm, tái hiện lại trong thời gian một năm phụng vụ để mời gọi và trợ giúp con cái mình đón nhận, hiệp thông làm thành của mình và sống ngay tại thế này, hôm nay, ở đây, hồng ân cứu độ mà Chúa “đã dọn sẵn cho tất cả những ai tin, được chúc phúc từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25,34).

Khi cử hành hàng năm Phụng Vụ Mùa Vọng, Giáo Hội hiện tại hoá niềm mong đợi Đấng Mêsia của tuyển dân Do Thái, mặc dù đức tin dạy rằng Đấng Cứu Tinh ấy đã đến rồi trong Đức Giêsu. Trong khi hiệp thông và sống tâm tình khát khao, chuẩn bị lâu dài đó, các tín hữu Kitô giáo canh tân lòng sốt sắng của mình đón chờ Người ngự đến lần thứ hai. Và điều quan trọng hơn hết là giữa hai lần Chúa đến (trong quá khứ, trong tương lai) đó, tín hữu phải làm sao nhận ra Người đang đến trong từng phút giây hiện tại. Như vậy, Mùa Vọng Kitô giáo bao hàm cả ba chiều kích của lịch sử cứu độ.

  • Quá khứ: nhìn lại lộ trình khát vọng mong chờ Chúa đến của tuyển dân Cựu Ước để rút ra cho mình bài học tiếp đón Chúa khi Người đến. Thật vậy, dân Do Thái đêm ngày khát khao chờ mong Chúa đến, họ hối thúc van nài: “phải chi Chúa XÉ TRỜI mà ngự xuống” (x. Is63, 19b: bài đọc 1). Thế nhưng Đức Giêsu đến họ đã khứơc từ Người. họ khắc khoải chờ mong hàng ngàn năm thời Chúa đến; Nhưng khi đã gặp Người, chỉ cần ba năm, họ đã đóng đinh Người vào Thập Giá. Và hôm nay, thay vì họ chờ Chúa thì Chúa đang chờ họ: Người chờ họ mở mắt nhận ra Người đang ở giữa họ. Vậy đi lại lộ trình của người Do Thái là cần thiết để sống tốt Mùa Vọng hôm nay.

  • Hiện tại: qua Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc nhở tín hữu Kitô giáo: Chúa đã đến rồi. Và Chúa đang chờ chúng ta nhận ra và tiếp đón Chúa. Ước gì Mùa Vọng của Thiên Chúa và Mùa vọng của chúng ta “gặp nhau” trong cuộc sống của Giáo Hội, của mỗi tín hữu hôm nay. Đó là điều Giáo Hội mong chờ và hướng chúng ta đến biến cố lịch sử: Giáng Sinh của Đức Giêsu cách nay 2000 năm.

  • Tương lai: Một khi đã tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa làm người thì chúng ta không dừng cuộc sống ở thế trần nay nữa. Cuộc sống hiện tại của chúng ta mang một ý nghĩa mới nhờ nhìn mọi biến cố thế trần theo nhãn giới Giêsu “vì xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn” (x. Mt 25, 31 -46). Nhãn giới mới đó đưa ta hướng về “Trời mới Đất mới”. Giáo Hội mời chúng ta sống chiều kích tương lai của Mùa Vọng qua việc chuẩn bị hiện tại để nghênh đón “Đấng đã Giáng Sinh” sẽ đến lần thứ hai hoàn tất công trình cứu độ.

         Để giúp tín hữu ý thức được ba chiều kích trên của Mùa Vọng, Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng đã trình bày hai đoạn Lời Chúa đề cập đến hai lần đến của Đức Giêsu: Bài đọc một mời tín hữu hiệp thông với dân Do Thái trong tâm tình khắc khoải chờ mong Chúa đến: “phải chi Chúa xé trời ngự xuống” (x. Is 63,19b), thật lòng sám hối ăn năn, nhận ra sai lỗi của mình (63, 17), muốn quay về cùng Thiên Chúa là Cha (63,16; 64,17). Đáp lại lòng mong đợi đó, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể vào cung lòng Đức Maria, được sinh ra làm người trong biến cố Giáng Sinh, cách nay hơm 2000 năm. Trong thời gian cư ngụ nơi trần thế, Người đã chỉ dạy, ban phương tiện giúp con người trở về và nhận ra, rồi được quyền làm con Thiên Chúa (bài đọc 1).

              Nhờ đó, ngay trong hiện tại, người môn đệ đã là con, được sống mối tương quan phụ tử thần linh với Thiên Chúa (1 Cr 1,3), nhờ được nghe Lời Chúa, được hiểu biết mầu nhiệm của Người. Do đó cho dù còn đang sống trong trần thế, còn trong giai đoạn chờ đợi Đức Giêsu quang lâm thì người môn đệ cũng đã được hưởng đầy đủ mọi ân huệ trong Đức Giêsu rồi (bài đọc 2)

            Như vậy với tâm tình và kinh nghiệm của dân Cựu Ước, người tín hữu Kitô giáo hướng về ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai trong thái độ tuân phục lắng nghe và hiểu Lời Chúa (1 Cr 1, 5b). Mỗi tín hữu đều ý thức rằng mỗi người đã được chủ chỉ định cho một công việc, đồng thời cũng được chủ trao cho quyền bính cần thiết để hoàn tất công việc. Bổn phận của họ là phải tận dụng những ân ban đó để chu toàn bổn phận đã được trao phó. Đó là chủ ý của bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Vọng. Tin mừng hướng chúng ta về lần đến thức hai của Đức Giêsu. Khía cạnh “bất ngờ” của Quang Lâm được nhắc lại; Và phần tín hữu là phải “canh thức”.

       Như vậy “bài giảng cánh chung” của Đức Giêsu vốn là lời loan báo cho các môn đệ về Ngày Tận Thế, mang nặng tính cảnh báo và ngăm đe, thì giờ đây, trong đức tin, khi được sử dụng trong phụng vụ Mùa Vọng, thì những nét đặc thù của cánh chung (bất ngờ – chớp nhoáng…) lại trở thành đối tượng của đức cậy trông của người tín hữu: kẻ tin ngong ngóng chờ mong Chúa đến. Đó không phải là ngày xét phạt, hủy diệt, mà là “ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến mặc khải vinh quang của Người, ngày Thiên Chúa lấp đầy trọn vẹn mọi ơn lành cho ta (bài đọc 2: 1Cr 1,7).

BÀI ĐỌC I: Is 63, 16b.17.19; 64, 2b-7)

       Mùa Vọng là mùa trông đợi và dọn lòng chuẩn bị mừng Chúa đến. Giáo hội mời tín hữu sống lại tâm tình của tuyển dân Cựu Ước, đồng thời thích nghi, hiện tại hóa tâm trạng ấy cho chúng ta hôm nay, chuẩn bị cho ngày Đức Giêsu quang lâm. Do đó chủ đề chính của Mùa Vọng là CHÚA ĐẾN (Adventus ß Avenire: “đến”); từ đó phát sinh thái độ đáp trả phải có từ phía con người: khát khao chờ đợi (vọng) và nhất là chuẩn bị đón Chúa.

       Thực ra Chúa đã đến rồi trong Đức Giêsu; Nhưng Người đã thăng thiên đi dọn chỗ cho chúng ta và hứa sẽ lại đến để “Người ở đâu chúng ta cũng ở đó với Người”. Nhờ đó, chúng ta xác tín được rằng ý nghĩa của dòng lịch sử nhân loại cũng như của cuộc đời mỗi người chúng ta đều tùy thuộc vào hai lần ĐẾN của Đức Giêsu. Nhằm giúp chúng ta ý thức lại điều đó và định hướng cho cuộc đời mình, trong Chúa Nhật khởi đầu năm phụng vụ, Giáo Hội luôn nhắc cho ta hai lần đến của Đức Giêsu cũng như thái độ đáp trả tương ứng phải có của chúng ta.

       Bài đọc 1 gián tiếp đề cập tới lần ĐẾN thứ nhất của Chúa ngang qua lời cầu xin khắc khoải của dân đang khốn khổ dâng lên Thiên Chúa là Tạo Hóa, là Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ: “Xin Người mau trở lại, phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống”. Và thái độ của dân đang khi kêu nài Chúa đến là nhận ra mình sai lỗi, sám hối ăn năn và thú nhận tội lỗi.

       Ngang qua bài dụ ngôn ông chủ đi xa, giao việc nhà cho từng tôi tớ, bản văn Tin Mừng đề cập tới lần ĐẾN thứ hai của Đức Giêsu và nhấn mạnh tới tính bất ngờ của ngày Người đến, do đó thái độ phải có của tín hữu là phải canh thức đừng để bị Chủ về bắt gặp đang ngủ.

  1. Văn mạch:

       Chương 63 và 64 thuộc về phần cuối của Isaia đệ tam (56-66) và cũng là phần cuối của cả sách Isaia. Nội dung có thể tóm lược như sau: thưởng lành, phạt ác.

  • Loan báo Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp: là “ngày báo phục” đối với kẻ áp bức dân Chúa, nhưng sẽ là “năm cứu chuộc” đối với dân Người (63, 1-6)

  • Tiếp đến bài 1 là bài suy niệm về lịch sử Israel: hồi tưởng những ân huệ Thiên Chúa đã ban trong quá khứ (63, 7-14); rồi trong tâm tình sám hối thú nhận tội lỗi (64, 4-6), dân Chúa dâng lên Người lời than van về các thống khổ đang phải chịu (63, 15-19a; 64, 8-11). Từ đó dân nài xin Chúa là Cha, là Tạo Hoá, là Đấng Cứu Độ (63, 16b; 64,7) “hãy xé trời mà xuống (63, 19b), ra tay cứu chuộc dân (64, 1-3)

  • Chương 65-66 là một khối thuộc văn thể khải huyền có nội dung:

          – Thiên Chúa che chở các tôi tớ, phạt kẻ bất trung (65, 1-12)

           – Kết quả là kẻ bất trung chịu cực hình, còn tôi tớ Thiên Chúa no đầy ân huệ (63, 13-25)

          – Trong tương quan với Đền Thờ (66, 1-2a), ai thờ Chúa thật lòng sẽ được Chúa đoái nhìn (2b), còn ai chỉ giữ hình thức mà tâm hồn xa Chúa sẽ bị lãnh tai ương (3-4)

          – Tất cả kết thúc bằng một lời loan báo Giêrusalem được hồi phục trở thành nguồn an ủi, niềm vui cho muôn dân (66, 5-17), nơi Thiên Chúa quy tụ chư dân để tất cả phụng sự Người và một số Người trong họ còn được chọn làm tư tế, Lêvi của Đức Chúa như dân Israel, còn Israel sẽ muôn đời tồn tại (66, 18-24)

           Bài đọc 1 là phần trích không liên tục một số câu trong chương 63 và 64 mà ý chính của chúng là lòng khát khao của dân mong Chúa đến cứu trong tâm tình sám hối, thú tội cùng Chúa.

  1. CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM

      Bản văn phụng vụ có cấu trúc ABA’

      A: Tâm tình sám hối (63, 16b-17)

      B: Khao khát Chúa đến (63, 19b; 64, 2b-3_

     A’: Tâm tình sám hối (64, 4-7)

 Tâm tình sám hối:

A: 63, 16b-17                                              A’: 64, 3-7

v Kêu cầu Thiên Chúa như là Cha là Đấng cứu dân (16b)  

 

v Xưng thú tội: hối tiếc đã phạm để sự dữ xảy ra (17a)   

 

v Bản chất Thiên Chúa: nài xin Chúa mau trở lại vì tình thương đối với tôi tớ (17b)

 

v Kêu cầu Thiên Chúa như Cha là Đấng sáng tạo sáng tạo

 

v Xưng thú tội: nhận ra những hậu quả của tội (5-6)

 

v Bản chất Thiên Chúa: ai theo lối Chúa sẽ được cứu vì Chúa đón gặp kẻ sống đời công chính (3-4)

 

        Chúa là Cha (c.16a): Chúa chọn gọi Israel là con đầu lòng của Chúa: Xh 4, 22-23. Khi dân phản bội làm điều bất xứng, chạy theo tà thần là cách chối từ tình Cha. Vậy khi nói  “Yavê mới là Cha” hàm ý dân hoán cải, trở lại với Yave, xé bỏ màn ngăn cách, nối lại mối thân tình, và còn được nâng lên hàng con cái Chúa.

         Đấng Cứu Chuộc (c.16b): tiếng Do Thái “goel” dịch là “cứu chuộc” từ ngữ đó ám chỉ sự can thiệp của người họ hàng gần nhất để cứu giúp một người bà con lâm nạn: để trả dùm nợ nếu người lâm nạn nghèo đói hay bị bắt làm nô lệ, để báo thù nếu người thân bị giết chết, hoặc để lấy người vợ góa và sinh con nối dõi cho người họ hàng đã chết. Vậy khi nói Đức Chúa là Đấng cứu chuộc là ám chỉ Đức Chúa tự coi mình là người thân nhất của dân Người, để phù trợ và giải thoát. Tân Ước sẽ mượn lại chủ đề này và ứng dụng cho Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc loài người (CGKPV “các sách ngôn sứ trang 143, nốt “s”)

     Đấng sáng tạo Israel: mượn hình ảnh của St 2, Chúa lấy bùn đất nặn nên con người. Trong cơn cùng khốn, dân Chúa thú tội và nhớ lại “chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con”: Thiên Chúa đã khai sinh dân, cho dân lớn lên và Thiên Chúa luôn trung tín với dự tính của Người. Đó là động lực giúp dân luôn dám cầu xin Chúa thứ tha dù dân đầy tội lỗi.

          Thú tội: ở cc.17, lời lẽ tựa như than trách Chúa: vì Chúa không chịu can thiệp nên chúng con mới lạc xa đường lối Chúa, lòng chúng con mới nên chai đá. Trong Cựu Ước mọi sự người ta đều gán cho Thiên Chúa là nguyên do. Tuy nhiên con người có tự do, người ta đã quên điều đó. Giờ đây khi tỉnh khỏi cơn mê, dân đã nhận ra lại Thiên Chúa là Cha thì c.17 lại mang ý nghĩa một lời sám hối, ân hận, thú tội: mình đã lạc xa đường lối Chúa, mình đã cứng lòng rời xa Chúa nên ăn năn cầu xin Chúa mau trở lại vì tin rằng Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu với tôi tớ Người. Lòng tin này là có nền tảng, vì nhìn lại quá khứ dân đã thấy Chúa tha tội “thờ Bò Vàng”, Chúa cứu khỏi lưu đày…

          Còn ở cc.5-6, lời thú tội ẩn sau những kể lể về hậu quả do tội mang lại: một khi đã phạm tội, rời xa Chúa (c.6) thì việc lành cũng không còn ý nghĩa, chỉ là “chiếc áo dơ”, thân phận thì “héo tàn như lá úa” (c.5).

          Chính trong tâm trạng ấy, dân tái khám phá Thiên Chúa là tình thương (63, 17b), là công minh trung tín (64,3-4) là Cha và dân chỉ thực sự hạnh phúc khi sống tùy thuộc vào Chúa như “đất sét trong tay thợ gốm” (64,7). Và dân đã nài xin Chúa đến.

B- Khao khát Chúa đến (63,19b; 64,2b).

  • Cầu xin: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước thánh nhan”.

  • Và trong thực tế: “Ngài (đã) ngự xuống và núi non rung chuyển trước thánh nhan”.

Đây là trung tâm của đoạn văn đọc trong phụng vụ. Dân nài xin Chúa xuống… và Chúa đã đáp lời ngự xuống. Dân khám phá được điều này và dám xác tín là vì chiêm ngắm lại các kỳ công Chúa đã làm ( 64,1-2a).

   “Xé trời ngự xuống” : cách nói biểu tượng diễn tả việc nối lại ân tình giữa trời với đất, đổi lại với việc Thiên Chúa đuổi con người khỏi vườn địa đàng và đóng cửa lại không cho con người tiếp xúc với cảnh vực thần linh nữa : x.St 3,23-24. Theo quan niệm xưa : bầu trời là “màn ngăn cách”thế giới phàm trần bên dưới với thế giới thần linh bên trên: Giờ đây Chúa “xé trời ngự xuống” nghĩa là xóa bỏ màn ngăn cách, nối kết lại tương giao đất trời. Sau này, khi Đức Giêsu tắt thở trên Thập Gía thì màn trong Đền Thờ, màn ngăn cách cách Hòm Bia Thiên Chúa với cộng đoàn dân Chúa được “xé ra làm hai”, và nhờ đó con người nhận ra được “ quả thật chính con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,38-39)

     “Núi non rung chuyển” : cách nói diễn tả Chúa biểu lộ uy phong, gợi hứng từ biến cố thần hiện ban Giao Ước Sinai. Đây là lời cầu xin và cũng là tuyên tín, hàm ý tin rằng Chúa sẽ lại tỏ lộ vinh quang nghĩa là sẽ cứu dân khỏi cảnh khốn cùng hiện tại cũng như xưa Chúa đã cứu cha ông dân khỏi nô lệ Ai Cập. Việc lập lại y chang cùng một tư tưởng và  được phụng vụ chọn xếp kề nhau hàm ý lời cầu xin (19b) chắc chắn được nhận lời (2b). Đây cũng là chủ đề trung tâm của phụng vụ Mùa Vọng)

  1. TÓM KẾT :

    Trong cảnh khốn cùng hiện tại, dân than vãn. Nhưng nhờ lời ngôn sứ cảnh tỉnh, dân đọc lại lịch sử và nhận ra những sai lỗi của mình và nhất là khám phá lại tình yêu của Thiên Chúa cũng như cách hành động của Thiên Chúa. Do đó dân thức tỉnh, hối lỗi thú nhận tội mình đã phạm và xin Chúa xé bỏ màn ngăn cách (xé trời) mà đến với dân và cũng nhờ đọc lại lịch sử, dân xác tín chắc chắn Chúa đến và biểu lộ vinh quang.

    Trong mùa Mùa Vọng, Giáo Hội mong tín hữu thích nghi, hội nhập tâm tình kép của dân cựu ước, trong khi chờ mong Đức Giêsu Quang Lâm và sống tâm tình đó. Cụ thể trong Mùa Vọng này, cho dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, mỗi tín hữu phải:

     Hết lòng khát khao Chúa đến với mình.

      Dọn lòng để chuẩn bị đón Chúa : nhận ra điều sai trái nơi bản than mình rồi điều chỉnh với ơn Chúa giúp : tha thiết nài xin.

TIN MỪNG: Mc 13, 33-37

Văn mạch:

     Sứ vụ rao giảng công khai của Đức Giêsu kết thúc ở chương 12. Chương 13 là bài giảng riêng cho môn đệ , đặc biệt là 4 ông: Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê (13,3). Nội dung nói về thời cánh chung: chương 13 mở đầu bằng lời trầm trồ của các môn đệ về sự lộng lẫy của Đền Thờ. Đáp lại Đức Giêsu loan báo Đề Thờ bị phá hủy. Bốn môn đệ hỏi chệch đi về thời điểm, điềm báo Quang Lâm (13,1-4). Câu đáp của Đức Giêsu là không trực tiếp, khá phức tạp bao gồm:

     1/ Loan báo những thử thách, khổ đau, các cơn bách hại, gian nan xảy ra trước thời Quang Lâm của Con Người (13,7-20). Bản văn không muốn nói là sau những hiện tượng ấy là Quang Lâm ngay tức khắc. Điều muốn nói là thế giới này quá nhiều tiêu cực, bất ổn nên không tồn tại mãi được, chắc chắn có ngày Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu độ những ai bền chí, những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Phần này được đóng khung bởi một bao hàm với nội dung là lời cảnh cáo các môn đệ, hãy coi chừng các kitô giả, đừng để bị chúng lừa gạt (13,5-6 và 13, 21-23).

     2/ Đức Giêsu loan báo trời đất sẽ qua đi bằng thể văn khải huyền (24-25) và chắc chắn có Quang Lâm (26-27).

     3/ Qua thí dụ cây vả, Đức Giêsu dạy các môn đệ hãy biết nhìn các biến cố và tin vào Người để có thái độ sống sao cho thích hợp trong hiện tại, còn về ngày giờ Quang Lâm là bí mật riêng của Cha (28-32).

     4/ Thái độ sống cụ thể trong hiện tại là TỈNH THỨC và CANH THỨC (33-37). Đoạn văn này kết thúc chương 13 và được phụng vụ trích đọc trong Chúa Nhật 1B Mùa Vọng.

Đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay là phần cuối của “Bài giảng cánh chung” theo Thánh Marcô. Đây là cây trả lời của Đức Giêsu cho bốn môn đệ về thắc mắc thời điểm và điềm báo của biến cố thành Giêrusalem bị huỷ diệt (x.Mc 13, 1-4). Trong phần trả lời (Mc 13, 5- 37), Đức Giêsu đã dịch chuyển trọng tâm từ biến cố Giêrusalem bị tàn phá qua biến cố Quang lâm (13, 28-30); Nhưng thời điểm điềm báo là bí mật của Chúa Cha (13.32); Điều quan trọng mà Người muốn nhấn mạnh là thái độ mà người môn đệ phải có trong  hiện tại để không bị bất ngờ khi Quang Lâm thình lình ụp tới: phải tỉnh thức, phải canh thức! Đó là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gửi tới các môn đệ (13,33) lẫn mọi người (13,37).

Bài đọc Tin Mừng có thể chia làm hai phần:

  1. Câu 33 và 37 tạo thành một bao hàm với chủ đề chính là TỈNH THỨC (c.33) hay là CANH THỨC (c.37). Thái độ nay được gửi đến cho mọi người. Lý do phải canh thức vì không ai biết biến cố Quang Lâm đến lúc nào. Marcô chỉ đề cập đến tính BẤT NGỜ của Quang Lâm (lặp lại 2 lần c.33 và 35. Yếu tố đó cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc tới.

  2. Nhưng thế nào là “canh thức”? Mỗi tác giả sách Tin Mừng đều có cái nhìn đọc đáo của mình. Với Marcô “canh thức” được mô tả trong dụ ngôn ngắn ngủi chỉ có ba câu: Mc 13, 34-36.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Lời cảnh báo của Đức Giêsu: thái độ phải có đang khi chờ Quang Lâm (Mc 13, 33)

  • Đối tượng: môn đệ, đặc biệt 4 vị

  • Nội dung: hãy coi chừng, hãy TỈNH THỨC.

  • Lý do: không biết khi nào Quang Lâm đến.

Thế nào là tỉnh thức và tính bất ngờ của Quang Lâm, chúng ta đã thấy trong các Chúa Nhật cuối của năm A trong Tin Mừng Matheu. Còn với Marco, thế nào là tỉnh thức? Bài dụ ngôn tiếp theo sẽ cho câu trả lời: tỉnh thức chính là CANH THỨC, kèm lý do là đừng để lúc chủ đến bất ngờ vào BAN ĐÊM bắt gặp anh em ĐANG NGỦ. Vậy ở đây, tỉnh thức là không ngủ, làm cho xong bổn phận, chờ chủ đến. Tuy nhiên ta cũng không nên hiểu “không ngủ” theo nghĩa thể lý, mà theo nghĩa thiêng liêng áp dụng vào đời sống đạo: luôn tinh luyện tâm hồn, làm tốt nhiệm vụ chủ trao (34) trong tâm tình thiết tha chờ chủ đến.

  1. Dụ ngôn minh họa: Tỉnh thức chính là « canh thức » (Mc 13,34-37)

  • Dụ ngôn (c.34)

– Người kia đi xa, để nhà lại.

– Phân phối công việc :

  • Trao uy quyền cho các đầy tớ mình, mỗi người một việc

  • Lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.

(Vậy trước tiên, canh thức là nhiệm vụ, quyền riêng của người giữ cửa.)

  • Ứng dụng dụ ngôn cho tất cả các môn đệ (cc. 35-36)

  • Vậy ANH EM hãy canh thức.

  • Lý do: không biết khi nào chủ nhà đến: bất kỳ lúc nào vào ban đêm: chập tối/ nửa đêm/ gà gáy/ tảng sáng.

– Cảnh cáo về tính bất ngờ của việc chủ đến: “kẻo ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”.

  • Mở rộng việc “canh thức”cho mọi người (c.37)

  • Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với mọi người

  • Hãy canh thức

“Người giữ cửa” ám chỉ ai? Trước khi đi xa, chủ trao cho tôi tớ mỗi người việc của mình, chỉ nói cách chung chung tổng quát; Riêng đối vơí “người giữ cửa”, chủ trao đích danh công việc đặc biệt: phải canh thức. Đến c.35 công việc này được mở rộng ra cho các môn đệ và ở c.37, trách vụ này là của tất cả mọi người. Nhưng trước tiên nó thuộc về người giữ cửa; và trong dụ ngôn này là trách vụ chính yếu. Vậy “người giữ cửa là ai?”

Theo Marcô, chương 13 là lời Đức Giêsu dành riêng cho 4 môn đệ (cc.3-5). Đây là 4 môn đệ đầu tiên của Người. Ba trong bốn (trừ Anrê) đã được Đức Giêsu cho thông dự vào những lần mạc khải riêng biệt: Biến hình, dẫn riêng đi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Mặt khác chúng ta đừng quên Marcô là thư ký và con thiêng liêng của Phê rô (1Pr 5,13). Do đó toàn bộ sách Tin Mừng thứ 2 đều chịu ảnh hưởng bởi cái nhìn của vị thủ lãnh tông đồ. Từ các nhận định trên, chúng ta đi vào chi tiết của bản văn để xem “người giữ cửa” là ai.

Hãy tỉnh thức và CẦU NGUYỆN: trong bản văn Vulgata, c.33 có thêm “và cầu nguyện”. Chi tiết này vọng lại lời Đức Giêsu trách Phêrô trong Vườn Cây Dầu đã ngủ lúc Người cầu nguyện: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38).

“…và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”: Có lẽ khi giảng dạy cho người khác phải tỉnh thức, Phê rô đã nhớ lại trách nhiệm đặc biệt mà Thầy đã trao cho riêng ông:

– Mt 16,19: “Thầy sẽ trao cho anh CHÌA KHÓA (giữ cửa) Nước Trời…”.

– Lc 22,31-32: “Simon, Simon ơi…phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh”.

– Ga 21,15-17: Sau khi phục sinh, Đức Giêsu hiện ra cho các tông đồ ở biển hồ Tibêria, lúc đó Người hỏi Phêrô 3 lần “anh có yêu mến thầy không…?” và 3 trao cho ông sứ mạng chăm sóc đoàn chiên của Người.

– Cả 3 thánh ký, mỗi người mỗi cách đều có đề cập đến một trách nhiệm riêng biệt Chúa đã trao cho Phêrô. Vậy Mc 13,34b là cách thức của Marco dùng để diễn đạt cùng 1 ý với 3 thánh ký kia.

Chập tối/ nửa đêm/ gà gáy/ tảng sáng: Theo Rôma, đêm được tính từ 6 giời chiều đến 6 giờ sáng, chia làm 4 canh, mỗi canh 3 giờ. Maccô chọn cách phân chia này vì Tin Mừng 2 được viết cho các Kitô hữu gốc dân ngoại mà phần đông có lẽ là người Rôma. Tuy nhiên trong cách phân chia này có từ “gà gáy”, có khả năng là nhằm gợi lại một kinh nghiệm đau thương của Phêrô: ông vừa lên tiếng chối thầy lần thứ 3 thì “gà liền gáy” (Mt 26,74-75//). Riêng Mc 14,71-72 còn nói gà gáy đến 2 lần.

Bắt gặp anh em đang ngủ”: c.36 cũng nhắc tới 1 kinh nghiệm đau xót nữa của Phêrô. Trong Vườn Cây Dầu, khi Đức Giêsu cầu nguyện đón nhận thập giá thì 3 môn đệ “cưng” của Người ngủ ngon lành, vô tâm. Cầu nguyện xong, quay lại “thấy các ông đang ngủ, Người liến nói với Phêrô…”. Ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại chuyện này, nhưng việc gọi đích danh Phêrô để trách cá nhân ông thì chỉ có mỗi Mc 14,37 thuật lại “Simon, anh ngủ à?”

So sánh Nhất Lãm, đi vào chi tiết của cảnh Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu ta còn thấy: Luca nói Đức Giê su cầu nguyện chỉ một lần, đánh thức các tông đồ 1 lần và sau đó là Giuđa kéo lính đến bắt Người; Matthêu nói tới 3 lần cầu nguyện, 2 lần đánh thức các tông đồ và sau lần 2, Người để các ông ngủ; Marco nói 3 lần cầu nguyện kèm 3 lần đánh thức, vậy mà các ông vẫn cứ ngủ. Maccô cho thấy cái nặng nề, yếu đuối của xác phàm: không sao TỈNH THỨC, CANH THỨC nổi. Ba lần mê ngủ: chắc chắn đây là kinh nghiệm của chính Phêrô và Marco đã thuật lại trung thực.

Qua những nét trình bày trên, ta thấy mỗi câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay đều gợi lại một ký ức nào đó của chính Phêrô đối với Thầy mình, đối với sứ mạng riêng mà Thầy đã trao phó. Và mỗi ký ức đều có kèm theo một kinh nghiệm đau xót, thất bại của chính mình. Chính vì thế lời cảnh cáo phải CANH THỨC được lặp lại 3 lần (so với 3 lần ngủ, 3 lần chối Thầy) với tất cả sức nặng của cả một kinh nghiệm xương máu của vị tông đồ trưởng.

Tóm lại, “người giữ cửa” là Phêrô. Và trong tinh thần của Tin Mừng, trách nhiệm ấy được mở rộng cho các tông đồ và những người kế vị, và cuối cùng là cho tất cả mọi người. đối với cộng đoàn nhân loại thì đó là vai trò của Giáo Hội. ở một tầm cỡ nhỏ hơn, vai trò này có thể được mở rộng cho tất cả các chủ chăn, cho tất cả những ai có trách nhiệm chăm lo hướng dẫn kẻ khác: các bề trên, cha mẹ, thầy cô, ca trưởng hội đoàn hay nhóm, các giáo lý viên… Qua việc sắp xếp trong năm phụng vụ để nhắc nhở con cái mình, Giáo Hội đang thi hành sứ mạng “người giữ cửa”.

Chủ đến trong ĐÊM: trong văn chương Do thái thời Đức Giêsu, người ta thường gặp ý tưởng bóng tối ngự trị trong thế gian. Theo quan điểm này, cuộc sống hiện tại bị đặt dưới quyền lực của BÊLIAL (quyền lực của bóng tối). Đối với các kẻ tin quyền lực này tỏ hiện dưới dạng những cám dỗ, những nguy hiểm, những thử thách đủ loại. Tuy nhiên tình trang tăm tối một ngày nào đó sẽ phải chấm dứt đối với những ai được chọn. Vào thời cánh chung, bóng tối cũng trở thành ánh sáng cho họ. Cuộc sống tương lai đối với các tín hữu của Chúa, là một cuộc sống tràn ngập ánh sáng vĩnh cửu (Feu nouveau- “Paroles sur le/chemin” B p.15)

Như vậy theo quan niệm Do thái, giai đoạn hiện tại được biểu trưng như một đêm tối, còn tương lai như MỘT NGÀY hoặc MỘT BUỔI SÁNG (x.Isaia 9,1). Chính trên nền tảng này mà lời cảnh báo PHẢI TỈNH THỨC được đưa ra. Trước mọi cám dỗ, cạm bẫy, quyến rũ của đêm đen, ta phải tỉnh thức nghĩa là cầm lấy khí giới sự sáng mà chiến đấu (Rm 13,12). Cuộc chiến này gồm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: con người đang ngủ vì là “đêm” mà, được mời gọi, lay động “hãy tỉnh thức” nghĩa là thức dậy, đừng ngái ngủ, mê ngủ nữa.

  • Giai đoạn 2: sau khi được tỉnh thức (được đánh thức dậy) thì dù vẫn còn là ban đêm là thời gian để ngủ, nhưng đừng ngủ nữa mà hãy CANH THỨC vì “ngày” sắp tới rồi. Vậy:

  • Tỉnh thức = agrupnêitê = lay động, làm cho kẻ đang ngủ phải thức dậy.

  • Canh thức = grêgôrêitê = một khi đã thức dậy thì tiếp tục tỉnh thứuc, không ngủ trở lại nữa.

Cả 2 động từ đều ở mệnh lệnh cách, hiện tại nên đây là lời mời cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc.

Phần Thiên Chúa, Người “đến” vào ban đêm là để chấm dứt đêm đen bằng ánh sáng cứu độ, biến bóng đêm thành ánh sáng vĩnh cửu cho kẻ tin đang kiên trì canh thức. Vậy đêm đen là thời gian trong đó lịch sử cứu độ diễn tiến cách đặc biệt (ĐNTHTK- “Đêm”)

Như vậy, ta có thể kết luận rằng: Khi nhắc đến “ban đêm” và “canh đêm, liên tục”, Maccô muốn ám chỉ thời gian hiện tại và bản chất tối tăm của nó. Chính trên cái nền này mà lời cảnh báo “PHẢI CANH THỨC “được nỗi bật.

          Đời sống hiện tại là đêm tối với tất cả mọi cạm bẫy, quyến rũ của nó, sẽ phải canh thức nghĩa là phải “cầm lấy khí giới sự sáng mà chiến đấu (x.Rm 10,12) chống lại mọi thế lực của đêm đen. Còn việc Chúa đến vào ban đêm là để, “CHẤM DỨT ĐÊM ĐEN” bằng ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ, biến bóng đêm thành ánh sáng vĩnh cửu cho những kẻ tin, kiên trì sống trong CANH THỨC.

          Đi sâu thêm một bước nữa: trong đức tin Kitô giáo, Đức Giêsu là VẦNG BÓNG CHÍNH NGỌ, là NGÀY đã đến rồi, nhưng đang sống giữa ban ngày rồi, vậy cần gì phải CANH THỨC nữa.

          Thật vậy, Tân ước trình bày sự trở về với Đức Kitô như là cuộc vượt qua từ tối tăm đến ánh sáng (x. Yn 3, 19; Cv 26,28; Cl 1, 13; 1Pr 2,9…) “Xưa anh em là tối tăm. Nhưng nay trong Chúa anh em là ánh sáng” (x. Ep 5, 8). Tuy nhiên điều trên chưa có nghĩa là người tín hữu đã vĩnh viễn đi vào trong phạm vi của sự sáng, hoàn toàn tách biệt với bóng tối, không có nghĩa là người đó chẳng còn tiếp xúc gì với bóng tối nữa. Bởi vì, mặc dù đã được rút ra khỏi quyền lực của tối tăm (x. Cl 1, 13), đã trở thành một người con của ánh sáng và của ban ngày (x. 1Tx 5, 5) kẻ tin vẫn còn sống trong dòng lịch sử trần thế, nghĩa là vẫn còn bước đi trong thời gian của ban đêm, nghĩa là vẫn còn ở trong một tình trạng bị thử thách cám dỗ và có thể bị vấp ngã, nhượng bộ các quyền lực tối tăm, bị sự ác của thế giới hiện chiếm đoạt trở lại. Mặc dù ÁNH SÁNG đã có, nhưng nếu không để cho cho những gì thuộc thế gian này chiến thắng hay quyến rũ, đó là nhưng đã rơi vào tình trạng “MÊ NGỦ”. Vì vậy lời cảnh bào của Đức Giêsu “PHẢI CANH THỨC” vẫn còn nguyên giá trị cho đến Tận Thế, mặc dù NGƯỜI đã đập tan quyền lực bóng tội, đã chiến thắng thế gian.

  1. TÓM KẾT

          Sứ điệp chính của bài đọc Tin Mừng là “tỉnh thức”, “canh thức” trong khi chờ Quang Lâm: Phải chu toàn bổn phận; đừng để chủ khi đến bất ngờ trong đêm đen, bắt gặp ta đang ngủ mê mà bổn phận thì chưa hoàn tất. Những kinh nghiệm thất baih của Phêrô là bài học quý giá cho chúng ta hôm nay.

          Trong tinh thần Mùa Vọng, Giáo Hội mời tín hữu tuỳ theo cương vụ mỗi người, sống trọn vai trò “người giữ cửa” để chẳng những giúp cho bản thân mình, giúp cho những người có trách nhiệm chăm sóc, mà còn góp phần giúp thế giới đừng bị bắt quả tang “ngủ mê” khi Chúa đến.