CHÚA NHẬT 4A MÙA THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Xp  2,3; 3,12 – 13   –   Mt 5, 1 – 12

Chủ đềBậc thang giá trị, chuẩn mực mới của hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu được dần hé mở ra cho nhân loại.

  • Xp 2,3: Hỡi tất cả những ai nghèo hèn … những kẻ thi hành mệnh lệnh của Yavê … sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Yavê.

  • Mt 3,2: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ …

Lời Chúa tuần này tiếp tục chủ đề tuần trước: Chủ đề HẠNH PHÚC; Hạnh phúc vì cuộc đời được đổi mới nhờ có Chúa là Ánh Sáng đến giải cứu kẻ tin khỏi sự khống chế của bóng tối cho dù đêm đen vẫn còn và vẫn đang bao trùm thế giới.

Thế nào là HẠNH PHÚC ? Cái hạnh phúc mà Lời Chúa mang đến có đáp trả lại được những khát khao mà con người đang đợi trông và tìm kiếm ?

Điều mà đối tượng này cho là hạnh phúc thì có thể lại là bất hạnh cho đối tượng khác. Điều mà hôm nay là hạnh phúc thì về sau lại là căn nguyên của mọi bất hạnh. Và có nhiều yếu tố tác động lên cái mà con người cho là hạnh phúc. Thêm nữa, do tầm nhìn phàm nhân luôn là giới hạn và bị tội, đam mê làm cho sai lệch, người ta dễ lầm hạnh phúc với những khoái lạc, sung sướng trước mắt, lầm với những đam mê được thỏa mãn ngay lập tức, trước mắt. Và phải luôn ý thức rằng là ma quỷ luôn có mặt rình rập để xúi con người làm bậy, đi lạc xa cái chân phúc mà Chúa muốn con người được hưởng: thay vì vui hưởng đón nhận cái hạnh phúc được là “ hình ảnh của Thiên Chúa ”, được sống bằng “ hơi thở ” của Người, thì nhân loại đã muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, muốn tự mình tạo cho mình một thứ hạnh phúc ảo tưởng theo lời xúi dại của Con Rắn bằng cách tự mình hái ăn Trái Cấm, chống lại dự tính của Thiên Chúa đối với mình.

 Cuộc thất bại của cuộc chiến trong vườn Eđen của hai tổ tông phải luôn là bài học gối đầu cho nhân loại mọi thời trên con đường đi tìm hạnh phúc thật mà Thiên Chúa muốn ban cho.

Lời Chúa hôm nay hé lộ ra một vài nét về hạnh phúc mà Thiên Chúa đang mang đến cho con người. Với tầm nhìn phàm trần, những gì mà Lời Chúa hôm nay đề cập đến, đúng là những nghịch lý, khó hiểu: Điều mà đa số nhân loại cho là hạnh phúc và tìm đủ mọi cách để thủ đắc, chiếm đoạt cho kỳ được thì Lời Chúa lại cảnh cáo đó là tai họa; còn những ai đang “bị tai họa” thì lại tuyên bố rằng “có phúc”.

Lời Chúa tuần trước cũng đã đưa ra một lời cảnh báo: Thiên Chúa đến không để dùng quyền lực thần linh của một vị Thiên Chúa, chỉ bằng một lời, một lệnh “ hô biến” là đổi thay ngay thế giới. Thực ra Chúa đến trước tiên là để đánh thức con người, sau khi vô hiệu hóa nọc độc của ma quỷ và sự dữ dù chúng vẫn còn đó, giúp  con người ra khỏi cơn mê, thay đổi não trạng, đổi mới tầm nhìn, mở rộng tâm hồn đón Chúa đến và trao cho Chúa quyền làm chủ cuộc đời chúng ta. Cũng vậy, Lời Chúa 4A Mùa Thường Niên mời gọi tín hữu đổi mới tầm nhìn đón nhận hạnh phúc mà Chúa mang đến.

 Trong bài đọc 1, đối tượng được Chúa gọi mời đón nhận hạnh phúc là “ những ai nghèo hèn trong xứ ” ( 2,3a ), là “ một dân nghèo hèn và bé nhỏ ” ( 3,13), là số còn sót lại sau những bách hại, thanh luyện  ( 3,13 ). Hạnh phúc mà Chúa mang đến cho họ, không phải là thỏa mãn những khoái lạc trần thế mà là cái hạnh phúc biết chắc rằng mình được Thiên Chúa chở che, được Chúa giữ gìn trong ngày thịnh nộ của Thiên Chúa ( 2,3 ), được Thiên Chúa quan phòng chăn dắt, khỏi mọi tai họa ( 3,13 ). Đó là một hạnh phúc được đi vào trong tương quan ân tình với Thiên Chúa. Nói theo thánh Phaolô:

Hạnh phúc đó chính là xác tín rằng: “ Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” ( Rm 8,39 ); Và hoa trái là chúng ta được sống, được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu ( Rm 5, 18-19 ), được Thánh Thần thánh hóa nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “ Abba ”, được đồng thừa kế với Đức Giêsu ( Rm 8,14-17 ). Tương quan đó không phải là một điều đến từ bên ngoài và có ngay, mà là một điều cần phải xây dựng từ từ ngay từ phút giây hiện tại. Cụ thể trong hiện tại, bài đọc I mời các đối tượng nghèo hèn mà Thiên Chúa đang nhắm tới hãy thi hành mệnh lệnh Yavê, tìm kiếm Người, sống công chính khiêm nhường ( Xp 2,3 ), chỉ cậy dựa vào Chúa là nơi tựa nương duy nhất ( 3,12 ), không làm điều gian ác, không dối gian ( 3,13 ).

Còn trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra các mối phúc đầy những nghịch lý. Mỗi mối phúc Đức Giêsu đưa ra đều có 2 vế  “ phúc thay … ” là vế 1, và  “ vì …” là vế 2. Cái phúc nằm ở vế 2; Còn những gì được liệt kê trong phần các vế 1 là những bất hạnh của kiếp người tội lỗi. Nếu không có Đức Giêsu đến giải cứu thì những bất hạnh được kể ra trong vế 1 sẽ đưa con người tới ngỏ cụt diệt vong. Đức Giêsu đến biến những ngỏ cụt ấy thành THÔNG LỘ, thành ngưỡng cửa, CỬA KHẨU phải bước qua để đi vào một cuộc sống mới, miễn là tin vào Người, sống theo những hướng dẫn mà Người sắp khai triển rao giảng trong  giai đoạn thi hành sứ mạng công khai.

Sống trên đời, ai cũng mong được hạnh phúc. Và đức tin Công Giáo xác tín rằng con người đã được Thiên Chúa dựng nên và dựng nên là để được hưởng hạnh phúc. Vì vậy, hạnh phúc  đích thực và vĩnh cửu của con người đến từ Thiên Chúa. Nên khi đi lạc xa đường lối của Thiên Chúa, con người đánh mất nguồn chân phúc vĩnh cửu. Mọi nỗ lực tự sức mình tìm kiếm của nhân loại đều dẫn tới ngỏ cụt bế tắc, chỉ tìm thấy được những khoái lạc phù du nhất thời để rồi điểm tới là cái chết hủy diệt.

Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đang dần mở ra lại con đường chân phúc vĩnh cửu đó cho chúng ta, cho dù thực tại trước mắt vẫn còn đầy tối tăm, khốn khó: “ Phúc thay ai … vì Nước Trời là của họ ”.

Bài 2

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó … hiền lành … sầu khổ … khát khao nên người công chính … xót thương người … có tâm hồn trong sạch … xây dựng hòa bình … bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ ( Mt 5, 3.10 ).

Chúng ta đang ở thời gian chung quanh dịp Tết Nguyên Đán. Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật 4A Mùa Thường Niên cũng chính là bài đọc Tin Mừng của Thánh Lễ Giao Thừa ABC cầu bình an cho Năm Mới. Người người đang vui vẻ cầu chúc nhau những gì tốt đẹp nhất. Chủ đề HẠNH PHÚC nổi bật. Và những yếu tố được nêu lên để biểu hiện hạnh phúc đó là : phúc, lộc, thọ, khang, ninh, thành công, may mắn, được như ý, sức khỏe … Nhưng những cái mà người đời coi là “ phúc ” đó sẽ là thảm họa cho con người khi chúng bị mất đi; Và điều “ sẽ mất đi ” ấy chắc chắn sẽ đến với cái chết.

Lời Chúa của Chúa Nhật 4A Mùa Thường Niên cũng như của ngày mồng một Tết ( Giao Thừa ) mời gọi các tín hữu Kitô giáo xây dựng cuộc sống của mình trên một bậc thang giá trị mới về “ hạnh phúc ”. Đức tin Công Giáo xác tín rằng: hạnh phúc đích thực và bền vững đến từ Thiên Chúa. Đó là quà tặng yêu thương mà Chúa ban cho con người khi sáng tạo nên họ và vũ trụ. Thật vậy theo St 2, 46 – 3, 24, Yavê Thiên Chúa nặn ra “ con người ” ( Ađam ) và chỉ trở nên sinh vật nhờ “ hơi thở ” của Thiên Chúa. Và rồi để cuộc sống của con người được thực sự tốt lành, hạnh phúc, Thiên Chúa Quan Phòng đã dựng nên vũ trụ, ban tặng cho con người, nhưng Nó vẫn chưa hạnh phúc trọn vẹn vì chưa tìm ra được “ cho mình một trợ tá tương xứng ” ( St 2, 18 – 20 ). Rồi chính Thiên Chúa mới hoàn thiện hạnh phúc cho con người ( 2, 21 – 24 ).

Như vậy, theo Kinh Thánh, hạnh phúc đích thực của con người là quà tặng nhưng không của Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa; Và hạnh phúc ấy chỉ thực sự nên bền vững nơi con người khi biết tín thác hoàn toàn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa ( ý nghĩa tích cực của St 2, 17 ).

Tiếc thay nhân loại đã đồng lòng với nhau khước từ Tình Yêu Thiên Chúa trên cuộc đời mình : Thay vì tín thác, cậy dựa vào Lời Chúa ( x. St 2, 17 ) thì hai nguyên tổ lại đem đặt cọc hạnh phúc, vận mạng đời mình vào “ Trái Cấm ” theo lời xúi dại của ma quỷ. Hậu quả là mất tất cả : biến chất thành kẻ cám dỗ  ( x. St 3,6 ), tự thấy xấu hổ với chính bản thân mình, mọi tương quan, hạnh phúc tốt đẹp đều đổ vỡ và nhất là bị đuổi ra khỏi Eđen, sống ngoài vòng bao bọc chở che của Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. May thay, Thiên Chúa đã yêu thương hứa đi tìm và ban lại hạnh phúc cho con người ( St 3,15 ). Và từng bước một, Thiên Chúa đã thực hiện việc đồng hành với nhân loại trong kiếp làm người để tìm lại hạnh phúc đích thực cho nhân loại là quyền làm con Thiên Chúa ( x. Gl 4, 4 – 7 ).

Lời Chúa hôm nay là một trong những bước Đức Giêsu giúp con người nhận chân được thế nào là phúc thật, rồi từng bước kiên trì phục hồi.

Một chuẩn mực, một thang giá trị mới ra đời vào thời Chúa đến; Từ đó kéo theo một cuộc đổi đời: những người nghèo, thường bị coi là do Chúa phạt, nên không hy vọng gì được cứu độ, thì nay sẽ được ưu đãi, được mời gọi, hướng dẫn lối sống hầu thoát được cơn thịnh nộ thần linh trong ngày của Chúa.

Đáp lại lòng ưu ái ấy người nghèo cũng phải có một cuộc sống thích hợp chỉ cậy dựa vào Chúa mà thôi, thì họ mới hưởng được hạnh phúc Chúa mang đến trong Ngày của Người.

bài đọc 1: Những người nghèo được Xô-phô-ni-a quan tâm, loan báo cho họ hãy kiên trì tìm Chúa, tìm sự công chính, tìm đức khiêm nhường hầu được Thiên Chúa chở che trong Ngày thịnh nộ của Người. Là Số Sót Lại của Thiên Chúa, họ phải có lối sống thích hợp: nhân hậu, ngay thực, chỉ cậy dựa vào Chúa mà thôi; và hạnh phúc của Chúa sẽ tuôn tràn trên họ.

Tin Mừng là phần mở đầu của Bài Giảng trên núi của Matthêu, nói về các mối phúc thật, như thang giá trị mới được Đức Giêsu công bố: những kẻ trước kia bị thua thiệt, bỏ rơi thì nay nghe được lời hứa thần linh bảo đảm hạnh phúc chân thật cho họ, hạnh phúc được Chúa đoái thương và ban tặng ơn cứu độ cho dù hoàn cảnh trước mắt của họ là gì đi nữa.

BÀI ĐỌC I :  Xp 2, 3.12 – 13

Xô-phô-ni-a thi hành sứ vụ vào khoảng 640 – 622 dưới triều vị vua đạo đức, canh tân tôn giáo Giôsigiahu ( 640 – 609 ). Nhưng vào lúc ông khởi sự, tân vương còn quá nhỏ : 8 tuổi ( 2V 22,1 – 2 ); nên ảnh hưởng xấu của hai triều vua trước còn đè nặng trên Giuđa : triều Mơnassê ( 687 – 642 ) và Amôn (642 – 640 ).

Người ta chạy theo các ngẫu tượng do hai vua trước du nhập vào Giuđa (1,4 – 7 ); bắt chước lối sống và văn hóa ngoại bang ( 1,8 – 9); cậy dựa vào tiền của, thế quyền, không tin vào Thiên Chúa ( 1,10 – 13 ); Ngay cả tư tế, ngôn sứ, quan chức tại Giêrusalem cũng đầy dẫy những hành vi sai trái ( 3,3 – 4 ). Trong bối cảnh đó, Xôphônia được Thiên Chúa sai đến để cảnh tỉnh, kêu gọi mọi người thay đổi và canh tân đời sống may ra sẽ thoát được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong Ngày của Người. (1, 4 – 2, 3).

Bản văn phụng vụ hôm nay gồm hai trích đoạn, với nội dung liên quan tới hai chủ đề chính:

  • Trước viễn cảnh ngày thịnh nộ của Yavê sẽ ập tới, ngôn sứ kêu mời hoán cải ( 2,3 ).

  • Lời báo trước nổi tiếng về “ Số Sót Lại ” của Israel ( 3,12 – 13 ).

  1. Lời kêu mời cảnh báo ( 2,3 )

  • Đối tượng: những ai nghèo hèn trong xứ sở tức là những kẻ thi hành mệnh lệnh của Yavê.

  • Nội dung: “ hãy tìm kiếm ”

  • Yavê – sự công chính – đức khiêm nhường .

  • Mục đích: MAY RA sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Thiên Chúa.

Tìm kiếm Yavê trong Kinh Thánh, có nghĩa là tham khảo ý kiến Người qua trung gian tư tế hoặc ngôn sứ của Người: khi gặp một vấn đề quan trọng ( 1V 22, 5-8 ); khi cần giải quyết những tranh chấp lớn lao ( Xh 18,15.16.26 ); khi tìm thoát khỏi một tình trạng nguy kịch ( 2Sm 21,1 ; 2V 3,11 ; 2V 8,8 ; 22,18 ).

   Mục đích tìm Thiên Chúa: Không vì tư lợi vật chất trần thế, hoặc có được sự an tâm theo kiểu mê tín hoặc để kéo Thiên Chúa về phe mình; nhưng đó là cách biểu lộ mối tương quan tùy thuộc vào Thiên Chúa, muốn biết Ý Người để có thể xử sự theo đúng đường lối của Người hầu được núp bóng yêu thương của Người trong “ ngày thịnh nộ ”. Vì thế việc tìm kiếm Đức Chúa phải đi đôi với con tim đơn sơ ( Kn 1,1 ), với tinh thần khiêm nhu nghèo khó ( Tv 22,27 ) trong một tâm hồn tan nát khiêm cung ( Đn 3,39 – 40 ).

Vậy “ tìm kiếm Yavê” là hoán cải tận căn, là mặt tích cực chóp đỉnh của sám hối ( mặt tiêu cực là bỏ đi điều xấu ), là đến trao phó cho Chúa trọn vẹn vận mạng của mình trong tin yêu, phó thác, hy vọng.

Hãy tìm kiếm sự công chính, đức khiêm nhu ”: Hai đức tính trên là hoa trái luân lý hiển lộ ra trong cuộc sống của những người “ tìm kiếm Yavê ”. Một khi đã tìm kiếm Yavê thì phải có lối sống phù hợp rõ ràng với thánh ý Chúa. Theo Cựu Ước, cụ thể là phải trung thành giữ Luật ( công chính ) và luôn có một tương quan tùy thuộc, biết ơn đối với Chúa ( khiêm nhu ) cho dù bản thân đã thực hiện được nhiều điều thiện hảo. Đây là dung mạo một ANWIM = “ người nghèo của Yavê ”.

Đối tượng ngôn sứ nhắm tới là “ những người nghèo hèn trong xứ sở ” tức là “ những ai thi hành mệnh lệnh Yavê ” (2,3). Nơi Xôphônia, những “ người nghèo hèn ” được đặt đối nghịch với những kẻ tìm thấy sức mạnh nơi chính mình.

Đó là những quan chức ( 1,8-9 ), những hạng giàu có (1,10 – 11), những kẻ không cần đến Thiên Chúa (1,12). Sấm ngôn của Xôphônia làm đảo lộn thang giá trị: thái độ duy nhất có thể giữ vững duy trì con người trong sự sống là TÌM KIẾM TRỞ LẠI VỚI THIÊN CHÚA, đặt tất cả vận mạng mình trong tay Chúa. Đây là nền tảng sau này được Đức Giêsu khai thác để công bố BÁT PHÚC.

Dường như sấm ngôn không nhắm vào toàn thể Israel mà chỉ vào một số được gọi là “ những người nghèo trong xứ ”. Chúa bỏ dân? Chúa chỉ chờ đến giờ là đổ cơn thịnh nộ trên dân? Thực ra đây là cách diễn tả quen thuộc trong Cựu Ước nhằm nói lên sự thật này:

  • Thiên Chúa sắp can thiệp, thanh luyện mạnh mẽ để đưa công trình cứu độ của Người lên một mức độ cao hơn bất chấp những  phản bội từ phía nhân loại. Lẽ ra nhân loại ( hoặc dân Chúa ) phải bị tiêu diệt vì tội lỗi của mình; nhưng Thiên Chúa luôn thương xót, nên thay vì tận diệt thì Người muốn sửa chữa bằng cách tìm ra vài nét son nơi dân – tức Số Sót Lại – rồi bồi dưỡng, khích lệ nhóm nhỏ ấy biến họ nên những hạt nhân công trình tái thiết về sau của Người.

  • Tuy nhiên đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho hậu thế: một khi tội đã quá nhiều thì Thiên Chúa phải can thiệp biến lời cảnh báo thành án phạt là điều cần thiết để thức tỉnh dân và làm bài học cho hậu thế. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là vô hạn, nhưng thân phận con người là hữu hạn vì thế tình trạng tội lỗi cứ chất chồng thì đến lúc nào đó phải sụp đổ là chuyện dĩ nhiên. Tuy nhiên, giữa đống đổ nát đó, Thiên Chúa vẫn tìm ra được những cái “ còn dùng tạm được ” để từ đó tái thiết.

  1. Số Sót Lại ( 3,12 -13)

  • Cội nguồn hiện hữu; là công trình của Thiên Chúa “ Ta sẽ cho sót lại … ” (12a )

  • Đặc điểm: “ là một dân nghèo hèn và bé nhỏ ” (12b);

  • chỉ có Chúa làm nơi nương tựa ( 12c)

  • Cách ứng xử luân lý: – nhân hậu ( 13b )

                                           – ngay thẳng (13cd )

  • Hệ quả: được Thiên Chúa chăm sóc bảo vệ nên không còn khiếp sợ ai nữa ( 13đe )

Cội nguồn:  Số Sót Lại chính là thành phần của đám dân tội lỗi; Tuy nhiên trong họ vẫn còn chỗ cho tình yêu và tiếng nói của Chúa, nên Người đã sử dụng họ như những hạt mầm để tái thiết, tiếp tục dự tính cứu độ. Người giữ gìn, quy tụ, xây dựng nên Số Sót Lại chuẩn bị cho công cuộc hồi phục, tái thiết của Người khi đến thời đến buổi.

Đặc điểm xã hội, tôn giáo của Số Sót Lại ( c.12 ): họ là một dân nghèo hèn và bé nhỏ, chỉ còn một nơi trú ẩn nương tựa duy nhất là Danh Thánh Chúa.

   Theo dòng lịch sử, lời sấm này ứng nghiệm vào nhóm hồi hương sau thời lưu đày: quả thật họ quá bé nhỏ và nghèo hèn ( so với Xh 12,37 : lúc rời Ai Cập, dân số là 600.000 bộ binh chỉ kể đàn ông; còn Er 2,64.65: chỉ có khoảng 50.000 hồi hương ). Động lực thúc đẩy họ hồi hương không gì khác hơn là vì họ muốn trung thành với Thiên Chúa, muốn sống trong vùng đất mà Chúa đã ban cho cha ông họ dù nó nghèo hơn đất lưu đày, và nhất là muốn xây lại Đền Thờ để có thể tự do ca ngợi danh Chúa đúng theo tinh thần Luật dạy, một cách công khai.

Đặc điểm luân lý và cánh chung ( c.13 )

  • Trong tương quan với bản thân: họ là những người ngay thẳng.

  • Với Thiên Chúa: họ được Thiên Chúa chăn dắt, cho nghỉ ngơi.

  • Với tha nhân: họ không còn bị ai làm khiếp sợ.

 Tóm lại, họ là những người sống được nơi chính bản thân mình sự thái hòa nguyên thủy của vườn địa đàng cho dù ngoại cảnh vẫn còn đầy gian trá.

 Vào thời Xôphônia, khái niệm về sự sống đời sau chưa rõ nét. Số phận mọi người đều kết thúc ở Shéol. Nếu thế thì cuộc đời quả là phi lý, vì cuối cùng ra thì số phận kẻ ác người lành đều như nhau. Do đó dường như qua c.13, Xôphônia nhắm tới một số phận khả quan, tươi sáng, hạnh phúc hơn ở tại thế này cho những người nghèo đã được thanh luyện, những ANAWIM của Yavê. Những gì Xôphônia chỉ mới loan báo thì Đức Giêsu sẽ công bố như một thực tại ngay tại thế này trong Tin Mừng hôm nay.

  1. Tóm kết:

Bài đọc I giới thiệu vài nét về dung mạo của Số Sót Lại và ơn cứu độ, hạnh phúc chung cuộc được dành cho họ. Sự hiện hữu và tồn tại của họ là kết quả vừa của tình yêu trung tín của Thiên Chúa với dân Người, vừa của chính cuộc sống nghèo hèn, khiêm hạ, ngay thẳng của họ theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Họ thực sự là những người hạnh phúc, mặc dù thực tại trước mắt theo nhãn giới phàm nhân, họ còn chịu nhiều mất mát, thua thiệt; Bởi lẽ họ sẽ được Thiên Chúa chăn dắt, cho nghỉ ngơi, và được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa trong ngày thịnh nộ của Người. Dung mạo và hạnh phúc của Số Sót Lại này sẽ được minh họa rõ nét hơn và trở nên hiện thực nhờ Con Thiên Chúa giáng trần mang lấy nhân tính nghèo hèn, khiêm nhu như họ.

TIN MỪNG : Mt 5, 1 – 12

Tin Mừng Matthêu mở đầu bằng Tin Mừng thời thơ ấu ( ch 1 – 2 ) và kết thúc bằng thương khó và phục sinh  (ch. 26 – 28 ). Phần giữa được chia làm 5 phần dựa trên 5 bài giảng lớn của Đức Giêsu và đi trước mỗi bài giảng đều có một số trình thuật kể lại các hoạt động của Đức Giêsu. Bài giảng đầu tiên được gọi là Bài giảng trên núi (ch.5 – 7), Đức Giêsu được trình bày như Môsê mới, như vị tôn sư thần linh công bố cương lĩnh của Luật mới khai mở Nước Trời tại thế.

Tin Mừng hôm nay là mở đầu của bài giảng số 1. Đức Giêsu đưa ra một chuẩn mực mới: các mối phúc thật. Đây là bậc thang giá trị mới của Vương quốc do Đức Giêsu mang tới, ai muốn vào phải quy chiếu cuộc sống mình theo chuẩn mực này. Mọi sự đảo lộn: những người bị phàm nhân coi là bất hạnh: nghèo, khóc, đói … nay lại được Đức Giêsu công bố là có phúc, bởi vì từ nay trong Đức Giêsu, họ được chính Thiên Chúa đứng ra bao bọc chở che, họ có Chúa là nơi ẩn thân, nương tựa.

  1. Bối cảnh và các nhân vật của trích đoạn ( cc.1 – 2 )

  • Đám đông ( đang kéo đến với Đức Giêsu vì phép lạ: 4,23 – 25 )

  • Đức Giê su phản ứng khi “ thấy đám đông”: lên núi – ngồi xuống

  • Môn đệ : đến gần Đức Giêsu

  • Đức Giêsu mở miệng dạy

Phần kết của các trình thuật đi trước bài giảng 1 đã cho thấy sự nổi tiếng của Đức Giêsu và đám đông từ khắp nơi lũ lượt kéo đến với Người ( 4,25 ). Động lực ? Chắc là để được hưởng nhờ các phép lạ ( 4,24 ).

Thấy đám đông:  đám đông dịch sát là dân chúng. Toàn bộ Bài giảng trên núi được bao hàm bởi từ  “ dân chúng ” ( 5,1 và 7,28 ). Vậy sứ điệp được gởi cho mọi người. Cụ thể nhắm vào dân chúng lúc này đang kéo đến với Đức Giêsu chỉ vì phép lạ. Cần phải đưa dân đi xa hơn, tiếp cận với mầu nhiệm Nước Trời, hoán cải con người chứ không nhằm hưởng phép lạ vật chất. Vì phép lạ không đưa tới ơn cứu độ. Và ý tưởng này, sứ điệp quan trọng này được Matthêu long trọng nhắc lại vào cuối Bài giảng trên núi ( 7, 22- 23 ), để được cứu phải thi hành ý Cha ( 7,21b ) bằng cách lắng nghe sứ điệp Đức Giêsu mang tới và đem ra thực hành ( 7,24 ). Chính vì “ thấy ” được lợi ích cứu độ của dân nên Đức Giêsu mở lời DẠY.

“ Thấy ” ở đây không chỉ là hành động của con mắt xác thịt nhưng là cái nhìn cứu độ nhận ra nhu cầu thâm sâu của dân. Ở đây vọng lại cái “ thấy ” của Thiên Chúa trong Cựu Ước ( x. Xh 3,7 ) để rồi từ đó, Người ra tay giải cứu dân khỏi Ai Cập, ban Luật Sinai và khai sinh dân Do Thái. Cũng vậy ở đây với cái “ thấy thần linh ” của mình, Đức Giêsu muốn cứu dân khỏi nô lệ vào phép lạ tức là nô lệ hình ảnh một Mêsia quyền bính thế trần, thống trị; Đồng thời Người ban cho dân Luật mới và khai mở Nước Trời tại thế.

Người lên NÚI:   “ Núi ” là nơi Thiên Chúa mặc khải, ban Luật. Hình ảnh này chắc là được gợi hứng từ biến cố Sinai trong thời Xuất Hành. Với biến cố đó, Đức Chúa đã quy tụ, nối kết, biến đám nô lệ ô hợp thành một DÂN; Giờ đây, với Bài giảng trên núi Đức Giêsu đã thiết đặt nền tảng cho DÂN MỚI, chuẩn bị cho việc lập VƯƠNG QUỐC MỚI là Nước Trời ngay tại thế. Vậy Matthêu kín đáo giới thiệu Đức Giêsu là Môsê và còn hơn nữa Người chính là Thiên Chúa, vì uy tín Người còn lớn hơn Luật Cựu Ước ( 5,21 – 48 ).

Người ngồi xuống … môn đệ đến gần: Matthêu mô tả Đức Giêsu trong tư thế đang giảng dạy Luật, Kinh Thánh của một bậc thầy Do Thái. Cử chỉ này Matthêu thường hay nhắc tới ( 13,1; 15,29; 23,2; 24,3 ). Vậy Đức Giêsu chính là vị Tôn Sư duy nhất ( 23,8 ) chỉ cho ta thấy đường lối của Thiên Chúa. Ở đây các môn đệ ở vị trí trung gian giữa Đức Giêsu và dân chúng.

Đức Giêsu dạyĐộng từ DẠY ở imparfait: Việc dạy đã bắt đầu và chưa chấm dứt. Hàm ý Người còn tiếp tục dạy và sau đó môn đệ cũng tiếp tục dạy.

  1. Tám mối phúc ( 3 – 10 ): được trình bày theo một công thức:

  • Lời chúc phúc: “ phúc thay …”

  • Đối tượng được chúc phúc: mọi người: “ AI”

  • Tình cảnh hiện tại của đối tượng:

  • có tinh thần nghèo – hiền lành – sầu khổ – khát khao nên công chính.

( 4 mối phúc này nhấn mạnh trạng thái nội tâm của đối tượng )

  • xót thương người – có tâm hồn trong sạch – xây dựng hòa bình – bị bách hại …

( nhấn mạnh tương quan luân lý và xã hội )

  • Lý do được chúc phúc: “ vì … ” và cũng là nội dung của hạnh phúc mà đối tượng được hưởng.

Tám mối phúc này được viết theo một công thức và được đóng khung nhờ một yếu tố bao hàm: “ vì Nước Trời là của họ ” ( cc.3 và 10 ). Đối tượng được nhắm tới: cho mọi người, được diễn tả bằng từ “ AI ” ở ngôi 3 số nhiều.

 Phúc thay những AI = “ makarioi hoi …”: Đây là một hình thức văn chương quen thuộc trong Cựu Ước ( x. Đnl 33,29; Tv 1,1; 41,2 …). Nó diễn tả việc mặc khải hoặc khám phá một hạnh phúc sâu xa, căn bản mà con người trong Kinh Thánh quy về cho Thiên Chúa. Ở đây khi đặt những lời “ phúc thay ” trên môi Đức Giêsu, Matthêu ngầm bảo: Người chính là Thiên Chúa và một chuẩn mực, một thang giá trị mới đã được hình thành mở đầu cho một kỷ nguyên mới của nhân loại. Bộ mặt thế giới sẽ đổi thay, lẽ sống của nhân loại được tái định hướng: từ nay những hạng người bị thế gian cho là bất hạnh thì chợt nhận ra rằng họ chính là những người hạnh phúc nhờ Đức Giêsu đã đến cho họ và họ đã tin, gắn bó với Người.

 Người nghèo khó trong tinh thần và người hiền lành:  “ người nghèo ” và “ người hiền lành ” là hai cách dịch của từ ANAWIM. Trong tiếng Do Thái, ANAWIM là những người bị coi khinh, hạ thấp, là người không có khả năng bắt kẻ khác tôn trọng quyền lợi của mình. Matthêu nhìn ANAWIM dưới góc cạnh luân lý hơn là vật chất: những người nghèo trong tinh thần. Đây là những người tự hạ, không nổi loạn, có một thái độ tâm linh vững vàng, vừa khiêm tốn, vừa nhẫn nhục hiền hòa. Họ có thái độ như thế không phải vì nhu nhược, nhưng vì họ chọn lựa cái tốt nhất mang tính Kinh Thánh: tựa nương vào một mình Thiên Chúa trong niềm xác tín rằng khi họ sống nghèo khó trong tinh thần, sống hiền từ thì họ sẽ được phần tốt nhất do chính Thiên Chúa ban tặng. Trong Matthêu, sống hai thái độ đó, chính là sống như Đức Giêsu ( x. Mt 11, 29 ).

 Người sầu khổ = penthountes do động từ penthein. Động từ này nói lên sự đau đớn biểu lộ ra bên ngoài qua những tiếng rên rỉ kêu la. Matthêu dùng từ này chỉ có hai lần: ở đây, và 9,5 nói về việc các môn đệ sẽ than khóc như bị tang chế khi Tân lang bị đem đi khỏi họ.

 So với những chỗ khác trong Tân Ước có dùng từ penthein như 1Cr 5,2; 2Cr12,21; G 4,9, ta có thể nghĩ được rằng “ sầu khổ ” ở đây ám chỉ thái độ của người Kitô hữu than khóc vì cảm thấy phải chia lìa Thiên Chúa do tội lỗi của mình: họ ý thức một cách đau đớn tội mình đã phạm và nỗi khổ tinh thần do chúng gây nên. Vậy niềm “ an ủi ” mà Chúa ban chính là ơn tha thứ được thể hiện trọn vẹn nhất trong Đức Giêsu ( x. Mt 4,17b: mời sám hối … ). Trong nhãn giới cánh chung, “ an ủi ” chính là được Thiên Chúa đối xử nhân hậu trong ngày thịnh nộ của Người ( x. Bài đọc 1 ).

 Người đói khát sự công chính:  “ công chính ” là sống phù hợp với ý Chúa, đặt mình đúng vị trí trong tương quan với Chúa, với mọi người, mọi vật. Vậy “ đói khát sự công chính ” là nhiệt thành ao ước sống theo ý Chúa như đã được Đức Giêsu truyền dạy. Trong thực tế, cơn đói khát này không thể thỏa đáp được bao lâu chúng ta còn sống trong xác phàm hữu hạn, nhưng kẻ tin vẫn thấy hạnh phúc vì biết chắc rằng chính Thiên Chúa sẽ bù đắp và hoàn tất cho ta trong ngày của Chúa.

 Người biết xót thương:  ở đây “ xót thương ” không chỉ là một tình cảm mà là một hành động cụ thể đối với tha nhân. Đối với Matthêu, “ xót thương ” là:

  • Tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ: Kinh Lạy Cha, dụ ngôn tên đầy tớ không biết xót thương không tha nợ cho anh em mình.

  • Nâng đỡ tất cả những ai lâm cảnh khốn cùng: dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng (  25,31 – 46 ). Mặc dù trong dụ ngôn không có từ “ xót thương ”, nhưng những hành động được nêu ra trong đó, theo truyền thống Do Thái giáo đều là “ những hành động của lòng xót thương ”.

Hạnh phúc của họ là được Thiên Chúa xót thương tha thứ những lỗi phạm, bù đắp những thiếu sót của họ để họ đáng được vinh phúc đời đời của Chúa.

 Người có tâm hồn trong sạch:  “ trong sạch ” gợi lên quan niệm sạch dơ theo Luật Do Thái; Nó cũng gợi lên sự khiết tịnh thể xác. Tuy nhiên, Matthêu muốn nói lên tính nội tâm của từ này và có lẽ Matthêu được gợi hứng từ Tv 14,2-5; 23, 3 – 6. Vậy “ trong sạch ” ám chỉ sự ngay thẳng của lương tâm: tâm, ngôn, hành nhất quán. Người có tâm hồn trong sạch là người phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, hết mình, không giả bộ đạo đức, không tính toán tư  lợi.

 Hạnh phúc của họ là được “ thấy Thiên Chúa ”. Trong Cựu Ước, “ thấy Thiên Chúa ” đồng nghĩa với sự chết. Chỉ vài tuyển nhân đặc biệt mới thấy được cái “ dáng ” của Thiên Chúa thôi: Môsê, Êlia …. “ Thấy Thiên Chúa ” diễn tả lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với những người ấy, họ được sống thân tình với Chúa: tương quan địa đàng được tìm lại. Vào những thời có Đền Thờ thì “ thấy Thiên Chúa ” có nghĩa là trình diện trước nhan Người tại Đền Thờ ( Tv 24,6; 17,15 … ).

Vậy “ thấy Thiên Chúa ” ám chỉ hạnh phúc được sống thân tình với Thiên Chúa trong nơi thánh của Người mà hình ảnh buổi phụng tự trước nhan Chúa là một biểu tượng ( x. Kh 22,3-4; Dt 12,14… ).

Người xây dựng hòa bình: Tất cả mối tương giao tốt đẹp nơi kiếp người: vợ chồng, cha mẹ con, bạn hữu … đều là ân huệ Chúa ban để con người được hạnh phúc. Thế nhưng con người đã phạm tội nên các tương giao ấy bị xáo trộn. Chúa vẫn yêu thương, tha thứ và tái tạo trong Con của Người ( St 3,15 ). Vậy Đức Giêsu đã đến tái lập bình an, ổn định lại mọi sự và đưa nhân loại đến chóp đỉnh của sáng tạo là được làm con Thiên Chúa.

Vậy “ xây dựng hòa bình ” là hòa giải những bất hòa, xây dựng và nâng cao các tương giao tốt đẹp tạo nên giềng mối đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội. Trọng tâm sứ vụ này là được Thiên Chúa gọi làm con. Chính tương quan Cha – Con  này với Thiên Chúa là nền tảng của an bình, hiệp nhất. Trong thế giới hiện tại, hạnh phúc được là con Thiên Chúa còn bị che lấp bởi bạo lực, hận thù … các tín hữu phải nỗ lực xây dựng trong xác tín rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi sự vào giờ của Người ( x. Kh 21,7 ).

Người bị bách hại vì lẽ công chính:  “ công chính” là trung tín với Thiên Chúa, Lề Luật, hết lòng tuân giữ giao ước mọi nơi mọi lúc. Đó là khía cạnh ngoại giới. “ Công chính ” chủ yếu là một thái độ nội tâm: hết lòng phó thác cho Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa, vào đường lối của Người cho dù thực tế trước mắt phũ phàng ( St 15,6 ) hoặc lý trí không sao hiểu được ( St 22, 1-2 ).

“ Bị bách hại vì lẽ công chính ” gợi lại sự việc các tín hữu Do Thái thời Macabê, bị bách hại vì trung thành với Thiên Chúa, với truyền thống tổ tiên, với lề Luật ( 1Mcb 1,41 – 64 ; 2, 29 – 38 ) trong niềm xác tín rằng Chúa sẽ ân thưởng đền bù lại xứng đáng ( 1Mcb 2,49-64; 2Mcb 7,2.9.11.14.23b.29 … ). Niềm cậy tin ấy đã được đáp trả: cuộc kháng chiến của nhà Macabê  đã đưa Israel tới độc lập và dựng nên vương triều Hasmônê. Sự thành công ngắn ngủi trong lịch sử của nhà Macabê là một dấu chỉ bảo chứng cho niềm tin vào đời sau, vào đời sống vĩnh cửu mà các thánh tử đạo đã tuyên xưng.

Đối với Đức Giêsu, lẽ công chính là Ý Cha được thể hiện nơi con người, sự nghiệp, sứ điệp của Đức Giêsu ( Mt 3, 15 so với 3,17 ). Vậy chịu bách hại vì lẽ công chính ở đây là sẵn sàng thực thi Ý Cha trong mọi lúc mọi nơi, cụ thể dám chấp nhận mọi thua thiệt có thể có để sống theo lời dạy, gương sống của Đức Giêsu (7,24-25 ). Đó là điều bảo đảm được hưởng phúc vinh Nước Trời ( 7,21 ).

  1. Phúc thứ 9 ( cc.11-12 )

  • Đối tượng: anh em ( ngôi 2 số nhiều )

  • Lý do được phúc: bị sỉ vả, bách hại, vu khống vì Đức Giêsu

  • Mời gọi thái độ phải có: hãy vui mừng hớn hở

  • Lý do vui: vì được dành cho phần thưởng lớn lao trên trời.

Mối phúc thứ 9 không được diễn tả theo công thức ngắn gọn như 8 phúc trên. Nó dài hơn và đối tượng được diễn tả ở ngôi thứ 2 số nhiều. Nó được nói thẳng cho các môn đệ, với người nghe. Đây là đối tượng của phần tiếp theo của Bài giảng trên núi.

 Phúc thứ 9 này phản ánh thực tế của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: họ bị bách hại vì danh Đức Giêsu dù họ làm việc tốt ( Cv 4,1-22 ), nhưng đó lại là nguyên nhân khiến họ hân hoan vui mừng ( Cv 5,41 ), bởi vì sự đau khổ này thắt chặt tình liên đới giữa họ với Đấng có quyền quyết định ơn cứu độ của họ trong ngày sau hết ( 1Pr 4,13-14;  Pl 3,10-11;  Rm 8,17 … ).

  1. Tóm kết

Nền tảng của các mối phúc thật là chính Thiên Chúa, chính Đức Giêsu. Thiên Chúa là phần thưởng chung cuộc cho những ai dám sống đúng theo lời giáo huấn của Đức Giêsu. Họ hạnh phúc vì họ tin rằng Đấng mà họ đang liên đới số phận sẽ bênh vực họ trong ngày chung thẩm và cho họ được thông phần vinh phúc với Người.

Cuối cùng ra, chân phúc không phải là được cái này, cái nọ, nhưng là được nối lại mối thân tình với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu. Việc sống các mối phúc là bước khởi đầu cho sự nối kết vĩnh viễn đó. Vì thế mặc dù bị thua thiệt ở trần gian, nhưng cái tương lai xán lạn đã làm cho kẻ tin thấy hạnh phúc, đầy nghị lực. Đây không phải là một ảo giác hay một phóng chiếu những mơ ước không tưởng vào tương lai, bởi vì kẻ tin đã có một bảo chứng lịch sử: Đức Giêsu ĐÃ PHỤC SINH. Cái hiện tại, cái hạnh phúc mà họ đang sống là hoa trái của biến cố phục sinh ấy. Hoa trái này đang lớn lên nhờ ân sủng và đức tin đang chờ mùa gặt. Đó chính là hạnh phúc mà Đức Giêsu mang tới và kẻ tin đang sống.

Nối kết

  1. Lời mời gọi sống tinh thần, thang giá trị mới

b1: hãy sống nghèo, tìm kiếm Thiên Chúa, sống công chính khiêm nhu

TM: lời mời ở vế đầu của mỗi mối phúc

  1. Phần thưởng cho lối sống mới

b1: được Thiên Chúa chở che trong “ ngày thịnh nộ ” của Người và câu 13

TM: vế thứ 2 của các mối phúc

  1. Cộng đoàn thiên sai, những người sống thang giá trị mới

b1: đó là Số Sót Lại

TM: những người theo Đức Giêsu, vui mừng vì bị bách hại Vì Danh Người, cộng đoàn dân Nước Trời.

Frère Pierre Đình Long FSC