Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

  • “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Lc 3,22)

Chúa Giê-su vô tội! Vậy tại sao Người lại chịu phép rửa sám hối xin ơn tha thứ? Vì Chúa Giê-su muốn  nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ một điều: Người không phạm tội. (x.Dt 4,15)

Giống như bậc cha mẹ yêu thương những đứa con dại khờ của mình đang sa lầy hư hỏng, đã sẵn sàng  đảm nhận tất cả những hậu quả của những sai trái do con mình gây ra, để kéo con mình ra khỏi vũng lầy, hồi phục phẩm giá con mình.

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã nhận mọi hậu quả của tội hai nguyên tổ làm  của mình bằng cách cho  Con Một Ngài bỏ thiên cung, đi theo con người tội lỗi, mang lấy mọi hậu quả của phận con người tội lỗi như chúng ta hầu kéo ta ra khỏi vũng lầy đó.

Như một người con đích thực của nhân loại, Chúa Giê-su dù vô tội đã tự nguyện nhận lấy về cho mình những hậu quả do tội con người gây ra; Đổi lại Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. (x.Ga 1,12) Một cuộc trao đổi lạ kỳ: Con Thiên Chúa nhận lấy phận người tội lỗi để ban cho tội nhân quyền làm con Thiên Chúa.

Như vậy, việc Chúa Giê-su chịu phép rửa cũng là một cách biểu lộ khác của Mầu Nhiệm Thiên Chúa hiển linh. Thật vậy, chính lúc Chúa Giê-su tự nguyện nhận phép rửa của Gioan như một tội nhân, thì mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa- con người được nối lại: Chúa Giê-su cầu nguyện (theo Lc 3,21 đây là việc làm công khai đầu tiên của Chúa Giê-su); Và ngay tức khắc sau đó là  “TRỜI MỞ RA” . Chúa Giê-su đã khắc phục được hậu quả của việc TRỐN CHÚA và CHỐI TỘI của hai nguyên tổ. Tội nhân Adam đã trốn Chúa, chối tội khiến cửa vườn Eden đóng lại; Giờ đây Giê-su vô tội chịu phép rửa thống hối như một tội nhân thì con người lại được gặp gỡ Chúa (cầu nguyện) và Trời mở ra: con đường trở về với Thiên Chúa được khai thông trở lại, nhân loại được phục hồi.

Việc Chúa Giê-su chịu phép rửa mở ra một kỷ nguyên mới: thú nhận tội lỗi không đưa tội nhân tới chỗ bị kết án nữa mà một khi THÚ TỘI CHÂN TÌNH thì kết quả là TRẮNG ÁN: THA! Đó là ý nghĩa, hoa trái của  bí tích Hòa Giải.

Một khi đã phục hồi nhân tính rồi thì Thiên Chúa hiển linh đưa nhân loại vào trong Mầu nhiệm cao siêu nhất của Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ mình là  cộng đoàn có Ba Ngôi: Thánh Thần lấy hình bồ câu ngự xuống; Chúa Cha lên tiếng công khai xác nhận rằng con người vừa mới khiêm tốn đón nhận phép rửa đó chính là Con Thiên Chúa.

Với việc tự nguyện chịu phép rửa, chấp nhận phận làm người đến cùng, đảm nhận mọi hậu quả, Chúa Giê-su đã đưa nhân tính vào cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó, con người dù còn bị bóng đen tội lỗi vây bủa, thì con đường “được quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1,12) đã mở rộng thênh thang cho toàn nhân loại.

Qua việc Chúa Giê-su tự xếp mình vào hàng tội nhân đang sám hối, Thiên Chúa giao hòa lại với nhân loại, đặc biệt là với “số sót lại” dám nhận ra điều sai trái của mình và thật lòng sám hối. Họ được Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình, hưởng niềm vui được tha thứ, niềm vui vì được về lại với Thiên Chúa và nhất là niềm vui vì được Chúa nhận là Con. Vòng tay Ba Ngôi đã mở rộng, hãy can đảm trao phó tất cả cho Ngài trong tâm tình của người con hiếu thảo, tín thác tất cả cho Thiên Chúa.

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC.