CHẾT ĐÂU PHẢI LÀ HẾT

Là Kitô hữu, Giáo hội mời gọi ta luôn nhớ tới, hiệp thông và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Tại sao vậy? Vì đó là đức tin và lời tuyên xưng sống động của ta trong kinh Tin kính: “Tôi tin các thánh thông công”. Các Thánh thông công có nghĩa là các thánh trên Thiên đàng cầu bầu cùng Chúa cho ta, còn ta là hội thánh lữ hành cầu nguyện cho các linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục sớm được vào dự yến tiệc Con Thiên Chúa trên Thiên đàng. Cho nên, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Tất cả những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, chắc chắn họ sẽ được cứu độ đời đời, nhưng còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, nhằm đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phước Thiên Ðàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn nơi luyện ngục” (số 1030-1031).

Vậy ta có thể làm gì cứu giúp các linh hồn? Lời Chúa trong sách Macabêô II dạy rằng việc nhìn nhận phần thưởng dành cho những người an nghỉ cách đạo đức mang ý nghĩa lành thánh; do đó, ông Yuda “đã xin dâng lễ tế cầu ơn xá tội cho những linh hồn người chết để họ được tha thứ tội lỗi”. Và mỗi người đều có những người thân yêu hay nhiều người đã ly trần. Họ chỉ mong chờ ta nhớ đến họ bằng việc thắp hương trước di ảnh, nhìn hình ảnh đề thấy họ đang sống giữa ta, đừng để hình bóng họ quên lãng trong dĩ vãng hay cũng đừng để họ là những kẻ vô danh. Là Kitô hữu, ta càng phải luôn cầu nguyện cho những người qua đời bằng lời kinh, xin lễ cho họ. Vì chưng, Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: “Ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (G 1,5), vậy tại sao ta còn nghi ngờ là những lễ tế của ta dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho người quá cố, lại không đem đến cho họ một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời”. Thật ra, cầu nguyện, xin lễ, thắp hương không phải để cầu cho người “chết”. Nếu chết là hết đời, hết chuyện thì cầu nguyện làm gì và ích lợi gì? Nhưng có nhiều người nói chết là hết, mà thực tế họ vẫn thắp hương, thờ lạy trước di ảnh hay mồ mả vì họ tin rằng chết không phải là hết mà có một đời sống khác, họ gọi là kiếp sau.

Vì vậy , chết đâu phải là hết, chết chỉ là thay đổi thôi, sự sống thay đổi chứ không mất đi. Vì vậy, giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy: phải kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện trong luyện ngục họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa.  Vì vậy, cầu nguyện cho những người đã khuất là một bổn phận không thể xao lãng của ta, chúng ta phải có tinh thần hiệp thông giữa người sống và người chết trong đời này, nên ta phải cầu nguyện cho họ. Bởi thế, cứ vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội mở kho tàng ơn thánh để con cái mình lãnh nhận và nhường ơn ích đó cho các linh hồn. Vì thế, tháng 11 được coi là tháng yêu thương và cũng là “mùa báo hiếu” của người Công Giáo. Đây là dịp tốt để từng người thể hiện tình yêu thương với tất cả các linh hồn và thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ là những người đã dày công sinh thành dưỡng dục nên ta. Và không chỉ trong suốt tháng 11 này, mà mọi ngày trong năm, Giáo Hội dâng lễ nài xin ơn tha thứ cứu độ của Chúa Giêsu cho những người đã qua đời để họ mau hưởng phúc Thiên Đàng, vì chưng họ là những người đã tin vào Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”(Ga 11, 25).

Vậy, ước mong từng người đừng bao giờ quên cầu nguyện cho những người đã qua đời; vì người ta nói rằng: “Không nhớ đến những người đã qua đời là giết chết họ thêm một lần nữa”. Với tâm tình đó, ta hãy tích cực lãnh ơn đại xá trong dịp này để nhường lại cho các linh hồn đang được thanh luyện trong luyện tội, nhất là những linh hồn người nhân yêu của ta nhé.

Maria Hồng Thắm, SSS