CHẤP NHẬN và TÌNH YÊU CÓ THỂ MANG ĐẾN NHỮNG PHÉP MẦU

CHẤP NHẬN

THIÊN CHÚA NHÂN TỪ BAN ƠN CỨU ĐỘ
THẾ NHÂN TỤC LỤY HƯỞNG PHÚC BÌNH AN

Cuộc sống luôn nhiêu khê, phức tạp hơn người ta tưởng. Vì thề, cần hiểu biết quá khứ, tin tưởng vào tương lai, chấp nhận chính mình và người khác để có thể “nhẹ lòng” mà sống hết phần đời mình. Biết chấp nhận mình là tự tặng món quà cho mình, biết chấp nhận người khác là trao tặng món quà cho họ. Thật vậy, Brian Tracy (Canada) nói: “Món quà lớn nhất mà bạn có thể trao cho người khác là món quà của tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện – The greatest gift that you can give to others is the gift of unconditional love and acceptance”.

Đó là điều phù hợp với Mùa Vọng vì Mùa Vọng là mùa chia sẻ yêu thương – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cả cụ thể lẫn trừu tượng. Sắc Tím Mùa Vọng không phủ màu tím “buồn” mà là sắc tím thủy chung khi mong đợi Đấng Thiên Sai đến cứu độ nhân loại.

Hai ngọn nến tím đã được thắp lên, ngọn nến thứ ba được thắp lên mang sắc hồng vui mừng vì chúng ta đã kiên trì chờ đợi Chúa được nửa chặng đường Mùa Vọng, cũng đồng nghĩa rằng Ngài sắp đến: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4:4).

Mùa Vọng càng rút ngắn thì niềm hân hoan vui mừng càng dâng cao vì nhân gian sắp được đón Chúa Giêsu đến giải thoát nhân gian khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi, vì được lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Niềm hy vọng ấy không mơ hồ, mà chắc chắn được toại nguyện.

VUI VẺ CHẤP NHẬN

Chấp nhận trái ngược với khước từ, nhưng chấp nhận cũng có hai kiểu khác nhau: chấp nhận vì yêu thích thì vui mừng, còn chấp nhận vì miễn cưỡng thì chẳng vui chi. Điều không vui hoặc điều buồn thì người ta thường muốn giữ kín, chỉ muốn ngồi một mình và tự gặm nhấm nó, nhưng niềm vui thì người ta muốn người khác cũng biết, đó cũng là một dạng chia sẻ – chia sẻ trong niềm vui nỗi mừng.

Thuở xưa, ngôn sứ Xôphônia phấn khởi mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi!” (Xp 3:14). Sao lại thế nhỉ? Lý do rất đơn giản mà kỳ diệu: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Ngài đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ” (Xp 3:15). Và rồi vào chính ngày ấy, người ta sẽ nói với Giêrusalem: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời” (Xp 3:16). Thật vậy, chớ hoang mang hoặc run sợ vì Thiên Chúa của chúng ta đang ngự giữa chúng ta, chính Ngài là Vị Cứu Tinh, là Đấng Anh Hùng. Không ai lại sợ hãi khi ở bên một vị oai phong lẫm liệt như vậy.

Mạnh mẽ xác định, ngôn sứ Xôphônia cho biết: “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa” (Xp 3:17-18). Đó cũng là lời dành cho mỗi chúng ta – đặc biệt là ngay ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta vui mừng có Chúa, và Ngài cũng vui mừng ở giữa chúng ta để chia vui sẻ buồn với chúng ta, dù chúng ta hoàn toàn bất xứng. Niềm vui tột đỉnh, hạnh phúc dạt dào. Thật tuyệt vời biết bao!

Trong niềm vui khôn tả đó, ngôn sứ Isaia quả quyết: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Is 12:2). Và ông cũng nói với tất cả chúng ta: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Ngài, vĩ nghiệp của Ngài, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Ngài siêu việt” (Is 12:3-4). Như vậy, chúng ta cũng phải thể hiện cho mọi người biết niềm vui đang rạo rực trong lòng mình: “Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công. Hãy reo hò mừng rỡ, vì Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại!” (Is 12:5-6). Chắc chắn không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng đó.

Người ta nói rằng “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, thế nhưng chúng ta đang có những niềm vui trùng lặp – không chỉ theo cấp số cộng mà là cấp số nhân. Niềm vui nối tiếp điều mừng, Thánh Phaolô cũng chẳng giấu được nên phải lặp đi lặp lại lời động viên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Thế nhưng không thể nói suông, mà phải thể hiện niềm vui đó qua cách sống “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4:5), lý do chính xác là “vì Chúa đã gần đến”. Lý do đơn giản mà to lớn và đặc biệt lắm.

Như đoán biết chúng ta còn e dè, ngần ngại, Thánh Phaolô tiếp tục động viên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7). Niềm vui của Kitô hữu khác hẳn niềm vui của người không có niềm tin tôn giáo. Đạo Chúa là đạo của tình yêu thương, đạo của niềm vui mừng. Và dù có thế nào cũng vẫn vui, vui vì có Chúa, vui cả ngay trong nỗi buồn, vui vì luôn hy vọng và tin tưởng – tích cực chứ không tiêu cực.

TIN TƯỞNG CHẤP NHẬN

Chấp nhận là điều không dễ, cũng là dạng quyết định, càng khó hơn khi phải chấp nhận điều gì đó quan trọng, và lại càng khó hơn gấp bội khi điều đó cần có niềm tin. Thánh Bernadette lý luận đơn giản mà chí lý: “Đối với người tin thì không cần giải thích, đối với người không tin thì giải thích cũng vô ích”.

Xã hội Việt Nam ngày nay khiến dân chúng mất niềm tin, bởi vì những người hữu trách chỉ nói mà không làm – nói thẳng ra là “lừa đảo đúng quy trình”. Cướp giỏi mà hèn hạ khi phải đối mặt với sự thật. Nói hay mà làm dở thì quá tệ, hoàn toàn vô ích, không có tác dụng. Tân Ước nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10). Cựu Ước nói: “Con chó quay lại chỗ nó mửa, đứa ngu lặp lại chuyện ngu đần. Nếu con gặp một kẻ tự cho mình là khôn, thà hy vọng vào đứa ngu còn hơn” (Cn 26:11).

Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả là con ông Dacaria, và mệnh danh là Tiếng-Hô-Trong-Hoang-Địa, nhưng ông là người đầy uy tín. Khi đám đông hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Ông trả lời ngay: “Ai có hai áo thì CHIA cho người không có; ai có gì ăn thì cũng LÀM như vậy” (Lc 3:11). Ui da, sao mà khó quá! Ông này đúng là dị nhân chính tông đây. Ấy thế mà vẫn có những người thu thuế đến chịu phép rửa, và tôn ông là Sư phụ. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Ông bảo họ: “ĐỪNG ĐÒI HỎI gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3:13). Ngay cả binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì PHẢI LÀM GÌ?”. Ông bảo họ: “CHỚ hà hiếp ai, cũng ĐỪNG tống tiền người ta, HÃY an phận với số lương của mình” (Lc 3:14). Một câu ngắn mà có ba mệnh lệnh – hai xác định, một phủ định.

Ông Gioan chấp nhận “sống bụi” và muốn chia sẻ cách sống giản dị với mọi người – nghĩa là ông muốn chúng ta hành động như ông vậy: Chấp nhận đức tin và chia sẻ đức tin. Đó là sống theo chân lý, công bình, bởi vì mọi người có thể hiện công lý thì xã hội mới khả dĩ có nền hòa bình đích thực. Thể hiện công lý là tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của người khác. Những điều ông Gioan kêu gọi ngày xưa thì ngày nay là những điều thuộc lĩnh vực Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Ngày xưa “dị ứng” với chính trị, nhưng ngày nay đã có cách nhìn khác. Thánh GH Phaolô VI nói: “Chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất”. Chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2019 (ngày 1-1, tết dương lịch) đề cập mối quan hệ giữa chính trị và hòa bình: “Chính Trị Tốt Phục Vụ Hòa Bình”.

Ngày xưa, trong khi tha thiết trông mong Đấng Cứu Thế, dân chúng thấy ông Gioan có phong cách lạ nên họ đặt vấn đề: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia?” (Lc 3:15). Thế nhưng ông xác định với mọi người thẳng thắn và rạch ròi: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi KHÔNG ĐÁNG cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: THÓC MẨY thì thu vào kho lẫm, còn THÓC LÉP thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3:16-17). Mùa Vọng là cơ hội tốt, là dịp may để thóc lép “hút” các dưỡng chất tâm linh mà có thể trở nên thóc mẩy.

Là người được Thiên Chúa đề cao, nhưng ông Gioan khiêm nhường nhận mình bất xứng, không đáng “cởi quai dép” chứ đừng nói chi là “xách dép” cho Chúa Giêsu. Ông biết người và biết mình nên ông chấp nhận. Vả lại, chính ông cũng đang mong đợi Đấng đến sau ông, vì người đó mới đích thực là Đấng Thiên Sai – Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.

Bất cứ lúc nào chúng ta mong chờ ai đó thì cũng chỉ vì quý mến người đó. Mong đợi Chúa, chắc chắn chúng ta cũng phải yêu mến Ngài, nếu không thì… “kẹt” lắm! Thật vậy, Thánh Phaolô đã khẳng định: “Nếu ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22). Rất rõ ràng, rất rạch ròi.

Lạy Thiên Chúa, hôm nay chúng con hân hoan vì Ngôi Lời sắp sửa đến ở với chúng con, để chia vui sẻ buồn, đồng lao cộng khổ, thông phần số phận với chúng con, và dạy chúng con những điều tốt lành. Xin giúp chúng con biết yêu mến Con Chúa, hiện thân của Chúa, mà dám sống “khác người”, đồng thời can đảm chấp nhận và chia sẻ mọi thứ với bất cứ ai – nhất là với những người hèn mọn nhất. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mạng Lưới Cầu Nguyện

TÌNH YÊU CÓ THỂ MANG ĐẾN NHỮNG PHÉP MẦU

Cuộc đời luôn tồn tại những phép nhiệm màu, chỉ cần chúng ta có tình yêu thương thì tất cả khoảng cách về địa lý, thời gian, hay thậm chí giữa sự sống và cái chết, số phận cũng sẽ an bài cho ta gặp lại nhau.

Trong Thế Chiến thứ hai, có một người đàn ông họ Wall tên là Martin. Martin Wall là một tù nhân chiến tranh, bị giam tại trại tù binh ở Siberia, từ đó phải rời xa quê hương Ucraina, bỏ lại người vợ là Anna và cậu con trai Jacob.

Vài năm sau đó, anh ta và gia đình mỗi người một phương, bặt vô âm tín, thậm chí sau khi anh ta bị bắt một thời gian, đến cả việc người vợ Anna sinh thêm một đứa con gái tên là Sonia mà anh ta cũng không hề hay biết.

Thêm một vài năm nữa, Martin được trả tự do, lúc này anh ta kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, nhìn bề ngoài như một ông già lọm khọm. Không chỉ có vậy, trên tay và chân của anh còn lưu lại nhiều vết sẹo, điều khiến anh đau lòng hơn nữa, là anh không còn khả năng sinh con.

Sau khi được ra tù, chuyện đầu tiên mà Martin làm là tìm kiếm cô vợ Anna, và cậu con trai Jacob. Cuối cùng, anh cũng nghe ngóng được tin tức của họ từ hội Chữ Thập Đỏ, người ta nói rằng vợ con của anh đã chết trên đường đi tới Siberia. Martin đau khổ tột độ. Đương nhiên, anh vẫn không hề biết rằng mình còn có một cô con gái trên thế gian này.

Thật ra thì, không lâu sau khi Martin bị bắt, Anna đã may mắn đưa được con trai Jacob chạy trốn đến nước Đức. Cô gặp được một đôi vợ chồng nông dân tốt bụng tại đó, đôi vợ chồng này đã giữ mẹ con họ ở lại. Vì vậy, Anna sống yên ổn tại đó, đồng thời cô cũng giúp họ làm việc đồng áng và dọn dẹp nhà cửa.

Cũng vào thời gian này, cô sinh đứa con gái Sonia. Anna tin rằng, chỉ cần Martin còn sống, họ nhất định sẽ trùng phùng, nhất định có thể tạo lập một cuộc sống mới. Nhưng, đời không là mơ. Vài năm sau đó, cuộc chiến tranh tàn khốc đã đưa nước Đức đến bờ vực của sự thất bại. Anna và hai đứa con vô cùng vui mừng, họ cho rằng sẽ có cơ hội để đoàn tụ với Martin.

Tuy nhiên, điều họ không ngờ là, Hồng Quân CS Liên Xô đã tập trung những người dân di cư như họ lại, đưa họ lên một con tàu đông đúc như tàu chở súc vật, nói rằng đưa họ về nhà, nhưng thực chất là đưa họ đến trại tập trung đầy chết chóc ở Siberia.

Hy vọng của Anna vụt tắt, cô cảm thấy tuyệt vọng, rồi sinh bệnh nặng. Cô cảm thấy mình sống không được bao lâu nữa, chỉ ngày qua ngày cầu nguyện: “Cầu xin ông trời, hãy phù hộ cho hai đứa trẻ bất hạnh của con!”.

Một ngày nọ, Anna gọi Jacob đến bên cạnh và nói: “Con trai của mẹ, mẹ bệnh nặng lắm rồi, có lẽ không sống được bao lâu. Mẹ sẽ ở trên trời phù hộ các con. Jacob, con phải hứa với mẹ, không bao giờ được bỏ rơi em gái Sonia”.

Sáng sớm hôm sau, Anna qua đời. Người ta đem thi thể của cô chất lên xe hàng và chở đến một khu nghĩa địa đầy rẫy những ngôi mộ vô danh. Còn hai đứa trẻ thì bị đem lên tàu hỏa, đưa đến một cô nhi viện gần đó.

Còn Martin – người đang chìm đắm trong tuyệt vọng, lúc này đang làm việc như cỗ máy trong một nông trang. Một buổi sáng, Martin gặp Greta – một cô gái làm cùng nông trang với anh. Greta luôn mỉm cười để ý đến anh.

 Martin không ngờ rằng, cô gái luôn lạc quan yêu đời, thông minh lanh lợi này lại là bạn học hồi xưa của mình. Bôn ba nhiều nơi, trải qua thời gian thăng trầm, xảy ra vô số sự việc, mà họ lại có thể gặp nhau ở đây, thật là thần kỳ!

Chẳng bao lâu sau, họ tổ chức hôn lễ. Martin cảm thấy cuộc sống của mình tìm lại được ánh mặt trời, cuộc sống lại trở nên có ý nghĩa. Greta cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng cô luôn mong mỏi bản thân có một đứa con để yêu thương, chăm sóc.

Đến một ngày, Greta khẩn cầu với chồng: “Martin, có nhiều đứa trẻ trong cô nhi viện, chúng ta hãy nhận một đứa về nuôi có được không?”Martin phản bác: “Greta, sao em lại có ý nghĩ như vậy, anh không thể chịu thêm bất cứ sự đả kích nào nữa, em có hiểu không?”. Greta vô cùng buồn bã.

Nhưng cuối cùng tình yêu mãnh liệt của cô dành cho trẻ em đã thuyết phục được Martin. Vào một buổi sáng, Martin nói với Greta: “Đi nào, chúng ta đi đến cô nhi viện nhận nuôi một đứa trẻ”. Greta vui mừng khôn xiết, lập tức lên tàu đi đến cô nhi viện. Greta bước trên hành lang tối tăm của cô nhi viện, nhìn về phía lũ trẻ đang xếp thành hàng, chăm chú quan sát, cân nhắc. Nhìn thấy những khuôn mặt trầm mặc, những ánh mắt cầu xin của lũ trẻ, Greta chỉ muốn mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả chúng vào lòng và đưa về nhà. Nhưng cô biết rằng, điều đó là không thể.

Đúng vào lúc này, có một đứa trẻ cười thẹn thùng bước về phía cô. Greta quỳ xuống, xoa đầu đứa trẻ: “Cháu à, cháu có đồng ý đi theo cô không? Đến một nơi có cả cha lẫn mẹ?” – “Đương nhiên cháu đồng ý, nhưng cô đợi chút, cháu đi gọi anh trai. Chúng cháu phải đi cùng nhau, cháu không thể bỏ lại anh trai mình được”.

Greta cảm thấy vô cùng băn khoăn, bất lực lắc đầu: “Nhưng cháu à, cô chỉ có thể đưa một mình cháu đi thôi”. “Không, cháu muốn đi cùng anh trai mình. Trước đây chúng cháu cũng có mẹ, khi mẹ qua đời đã dặn dò anh trai không được bỏ rơi cháu”.

Lúc này, Greta cảm thấy bản thân không muốn chọn bất kỳ đứa trẻ nào khác, bởi vì đứa trẻ trước mặt cô vô cùng đáng yêu, đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cô. Tuy nhiên, cô nghĩ rằng mình phải về thương lượng lại với Martin.

Khi về đến nhà, Greta lại khẩn cầu Martin: “Martin, có một chuyện em muốn thương lượng với anh. Em phải nhận nuôi hai đứa trẻ, bởi vì đứa trẻ mà em chọn có một người anh trai, nó không thể rời bỏ anh trai của mình. Em mong anh đồng ý nhận nuôi đứa trẻ này được không?”

“Greta, vậy sao em không chọn đứa trẻ khác, mà lại nhất quyết là bé gái này? Theo anh thấy thì tốt nhất đừng chọn đứa nào cả”. Lời nói của Martin Wall, khiến Greta vô cùng đau lòng, cô thậm chí còn không muốn đi cô nhi viện nữa. Nhìn thấy bộ dạng buồn bã của Greta, trong lòng Wall chợt trào dâng niềm thương cảm. Tình yêu rốt cuộc lại giành chiến thắng.

Lần này, Martin và Greta cùng đi đến cô nhi viện, Martin cũng muốn gặp đứa bé gái đó. Đứa bé gái ra ngoài hành lang tiếp đón họ, lần này, cô bé nắm chặt tay cậu bé đi cùng. Đó là một cậu bé gầy gò, trông rất yếu ớt, nhưng cặp mắt của cậu bé lại ngập tràn sự dịu dàng và lương thiện. Lúc này, cô bé mở to đôi mắt sáng lóng lánh, nhẹ nhàng hỏi Greta: “Cô đến đón chúng cháu phải không?” Greta chưa kịp trả lời, thì cậu bé đứng bên cạnh đã mở lời: “Cháu đã đồng ý với mẹ là sẽ không bao giờ bỏ rơi em gái. Khi mẹ cháu mất, cháu đã hứa như vậy. Vậy nên, đáng tiếc là em gái cháu không thể đi cùng với hai người”.

Martin âm thầm quan sát hai đứa trẻ vừa đáng yêu lại đáng thương này. Một lát sau, anh tuyên bố đầy quả quyết: “Chúng tôi nhận cả hai đứa trẻ này”. Martin đã bị cậu bé gầy gò ốm yếu trước mắt thu hút đến nỗi không thể kháng cự nổi nữa rồi.

Vậy là Greta đưa hai anh em đi thu dọn quần áo, Martin đến văn phòng làm thủ tục nhận nuôi. Sau khi Greta thu dọn đồ đạc, đưa hai đứa trẻ đến văn phòng, liền thấy Martin bần thần lúng túng đứng ở đó. Gương mặt trắng bệch, đôi tay run rẩy, dường như không dám ký vào thủ tục nhận nuôi. Greta sợ hãi hỏi: “Martin! Anh làm sao vậy? Martin?”

“Greta, em nhìn những cái tên này xem!” Greta nhận lấy tờ thủ tục nhận nuôi có ghi tên hai đứa trẻ: “Jacob Wall; Sonia Wall, Mẹ: Anna (Bartel) Wall; Cha: Martin Wall” – “Em có biết không Greta, hai đứa trẻ này là con ruột của anh! Một là đứa con trai mà anh tưởng rằng đã chết từ lâu, một là đứa con gái mà anh chưa từng gặp mặt!”

Martin xúc động đến nỗi nước mắt nhạt nhoà, anh vừa nói vừa quỳ xuống, ôm chặt hai đứa trẻ vào trong lòng, thán phục nói: “Kỳ tích, thật là kỳ tích! Ôi! Cảm ơn trời đất đã phù hộ chúng tôi, ôi! Greta, nếu như không phải em đã thỉnh cầu anh nhận nuôi chúng, nếu như không có trái tim nhân ái của em, có lẽ anh đã không thể gặp được kỳ tích này mất rồi”.
Đúng vậy, dưới sự vẫy gọi của tình yêu, mọi kỳ tích đều có thể xảy ra!

TUỆ TÂM, theo One Site World, tinhhoa.net

Theo Ephata