Canh Tân Việc Tham Dự Cử Hành Thánh Thể Tại Giáo Xứ.

CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS 

Giáo Hội cần phải được canh tân. Thế nên, trong Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội trước hết đã tiến hành canh tân phụng vụ. Điều này bao hàm luôn việc canh tân cử hành Thánh Thể. Giáo Hội ý thức rằng, chỉ khi có canh tân phụng vụ thì các tín hữu mới được canh tân và kéo theo sự đổi mới trong xã hội cũng như giúp họ ứng phó với những vấn đề của xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Nhờ phụng vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Thánh Thể không những làm nên Giáo Hội mà còn là chính Giáo Hội. Cử hành Thánh Thể là trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu.

Tuy nhiên, những vấn đề căn bản của cuộc canh tân còn bị lơ là và việc áp dụng những điều Công đồng hy vọng vẫn còn thiếu sót, nhất là trong khía cạnh tham dự Thánh lễ. Trong bối cảnh đó, canh tân cử hành mầu nhiệm Thánh Thể tại các giáo xứ vẫn hết sức cần thiết. Việc canh tân này nhắm chủ yếu tới khía cạnh tham dự của tín hữu hầu giúp họ tham dự một cách tích cực vào phụng vụ Thánh lễ được thể hiện ở cả bên ngoài lẫn bên trong.

  1. Canh tân phụng vụ đi liền với đổi mới cách tham dự phụng vụ

Trong Công đồng Vaticanô II, một trong những văn kiện ra đời sớm nhất chính là Hiến chế Phụng vụ Thánh[1] (04/12/1963) vì Giáo Hội sớm xác tín rằng muốn canh tân Giáo Hội thì trước hết phải canh tân phụng vụ.[2] Hiến chế Phụng vụ Thánh đặc biệt nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc “sự tham gia tích cực” (actuosa participatio) của tín hữu vào cử hành phụng vụ đến độ có thể nói đây là mục tiêu của toàn bộ cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.[3] Thật vậy, cả 7 chương của Hiến chế Phụng vụ Thánh đều sử dụng từ “tham dự”; và hạn từ này được nhắc đi nhắc lại tới 26 lần,[4] đặc biệt trong những đoạn sau:

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động.[5]

Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động…[6]

Thật ra, việc Giáo Hội mong ước các tín hữu tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ đã được nhắc đến trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội trước khi Hiến chế Phụng vụ Thánh ra đời.[7]

Những thay đổi trong phụng vụ nhằm lôi kéo các tín hữu “tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và linh động” trong phụng vụ là: 1] Sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ;[8] 2] Đưa bàn thờ tách biệt khỏi bức tường đầu cung thánh hầu vị tư tế có thể cử hành Thánh lễ đối diện với dân chúng (versus populum) và tái thiết lập một cuộc đối thoại thực sự giữa chủ tế và các tín hữu tham dự;[9] 3] Cho phép các tín hữu công bố Lời Chúa thay vì vị tư tế đọc tất cả các Bài đọc Sách Thánh. Do vậy các Bài đọc được tách ra khỏi Sách lễ để đưa vào cuốn Sách Bài đọc và Sách Phúc Âm…[10]

Theo nhận định của Đức Tổng Giám mục Malcolm Ranjith đăng trên L’Osservatore Romano (21/07/2004), hiện nay các tín hữu đã đáp lại và tham dự vào những lời nguyện và khẩn cầu khác nhau, họ hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trên bàn thờ, họ sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ và không còn ứng xử như những người quan sát thụ động, họ tham gia vào những vai trò khác nhau trong Thánh lễ… Tuy nhiên vẫn còn những bước thụt lùi cản trở công cuộc canh tân đích thực của Giáo Hội. Điều này được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là những “bóng râm” hay những “lạm dụng” làm lu mờ đức tin chắc chắn vào các Bí tích của Giáo Hội. Đó là kết quả từ cảm thức sáng tạo và thích ứng bị hướng dẫn một cách sai nhầm.[11]


[1] Sacrosanctum Concilium (= PV).

[2] Đây cũng chính là tư tưởng và lập luận của Đức Giáo hoàng Piô X. Phụng vụ vốn là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh; và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (Xc. PV 7; 10); “Cử hành Thánh Thể là trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (Nghi thức Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, số 1)

[3] Bởi vì trong một thời gian rất dài trước đó, kể từ thời Trung cổ, các tín hữu không còn tham gia tích cực như thời Giáo Hội sơ khai nữa, họ đã trở nên thụ động hơn trong cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ, và càng ngày phụng vụ càng trở nên như hành động của hàng giáo sĩ.

[4] Những hạn từ được sử dụng cùng với từ tham dự là sciens, actuosa, fructuosa, conscia, plena, pia, facilis, interna, externa trong PV 10-12, 19, 21, 30-31, 36, 38, 40, 54, 63, 78-79, 101, 104.

[5] PV 14.

[6] PV 48.

[7] Tự sắc Tra le sollecitudini (1903) của Đức Piô X; Sắc lệnh Quam singulari (1910) của Thánh Bộ Kỷ luật Bí tích; Thông điệp Mediator Dei (1947) và Musicae sacrae (1955) của Đức Piô XII; De musica sacra et sacra liturgia (03/09/1953) của Bộ Phụng tự. Gần đây nhất, chủ đề về sự tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ cũng được bàn đến trong Tông huấn Sacramentum caritatis (22/02/2007) của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI.

[8] Xc. PV 36; 54.

[9] Như đã được thực hành trong những thánh đường ở Rôma cổ xưa.

[10] Xc. PV 33; 35.

[11] Xc. Malcolm Ranjith, “The Eucharistic Spirituality of the Church: Formation, catechesis – and assessment of results – are essential for true liturgical reform”, Adoremus Online Edition – April 2006, Vol. XII, No. 2.