Cảm Nghiệm Về Đại Dịch…

Quẳng mình trong một góc của cuộc đời tôi nhìn thấy nỗi hoang mang, lo lắng, sợ hãi của từng người đang chìm sâu trong đại ôn dịch Corona. Tôi cũng sợ nhưng đó chỉ là thời kỳ đầu của sự bùng phát, của những ngày nghe tin tức số ca nhiễm cứ tiếp tục tăng cao. Nhưng cho đến khi qua những đợt suy tư, những lúc nhìn lại chính mình trong chương trình của Thiên Chúa tôi mới bắt đầu vỡ òa…thì ra…

Ai đang là một Kitô hữu chắc cũng từng được nghe ít nhiều đến nhân vật Gióp trong Kinh Thánh. Ở đây không phải nêu Gióp ra để bàn cãi, cho bằng trong lúc này chúng ta cần nhìn đến ông để xem cách đối nhân xử thế ra sao, nhất là trong đại nạn Covid_19 đang hoành hành. Cùng chút suy tư, tác giả không hàm kích đánh đồng nhưng chỉ muốn nhắn gửi đến các bạn đọc về niềm hy vọng chứ không tuyệt vọng, về sự sống đích thực chứ không phải một cuộc sống tạm bợ ở đời này. Vì đã làm người thì ai cũng khao khát mình được sống, để đời một ý nghĩa, nhất là đối với những ai mang tước hiệu con Thiên Chúa.

Ngẫm nghĩ lại từng biến cố đang xảy ra trong năm 2019-2020, với biết bao thảm họa dồn dập xảy đến. Như tình hình đại họa đau lòng ở Úc, cánh rừng trong biển lửa mà hậu quả là hàng trăm ngàn gia đình phải di tản, và gần nửa tỷ động vật đã bị giết hại. Nạn cào cào châu chấu tàn phá dữ dội ở Đông Phi.

 Bên cạnh đó, các trận động đất xảy ra ở Đài Loan, Nepal v.v…và gần đây nhất là Croatia khiến hầu hết người dân hoang mang.

Đồng thời ở 5 tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. 

Một vấn nạn cao điểm hơn nữa khi nhắc đến ai cũng phải rùng mình kiếp sợ, đó là đại dịch Covid_19 đang bùng phát dữ dội.

 

Có thể nói lần lượt những tai ương đang vồ lấy mạng sống con người. Điều đó muốn nói lên điều gì cho con người ngày hôm nay? một câu hỏi được đặt ra cho muôn người.

Xét lại các đại nạn trong thế giới hiện thời chẳng khác gì với những cuộc khủng hoảng từng xảy ra trên cuộc đời ông Gióp. Khi nói đến Gióp, ta biết ông là một người thánh thiện và là người đầy lòng kính sợ Thiên Chúa. Ông có một gia tài kếch xù cùng với đoàn con ngoan ngoãn. Ấy thế, ông cũng chỉ là con cờ trong bàn cờ thế giới hay nói đúng hơn trong chương trình của Thiên Chúa. Tới đây xin được kể sơ lượt về Gióp. Trong dịp trình diện Đức Chúa, Xa-tan đã đến để thử thách Người. Xa-tan là kẻ thù nham hiểm, là thần khí xấu xúi dục làm điều ác. Nó muốn thử thách Đức Chúa bằng cách xin được phép đánh vào mọi tiện nghi của Gióp, và để bảo vệ danh dự của Đức Chúa, Người đã cho điều ấy xảy ra.

 

 

Về điểm này, tôi muốn nói ngay từ đầu con người không phải là trung tâm của vũ trụ, họ cũng không thể yêu cầu Thiên Chúa ngưng tiến trình lịch sử vì lợi ích của họ. Sự can thiệp của Xa-tan là một trong những cách mà các tín hữu tự ý dùng để biện minh cho Thiên Chúa. Bởi bao lâu chúng ta sống không có Thiên Chúa, không sống vì nhau, ngoại trừ chúng ta thì chúng ta phải lãnh trách nhiệm về sự dữ. Vậy, thử so sánh những cuộc thử thách của Gióp với các biến cố đương thời như nêu ở trên để xem có những điểm gì tương đồng, và qua đó ta cần rút ra điều gì đã và đang xảy ra cho thời đại hôm nay.

Qua lời thách thức của Xa-tan, Thiên Chúa đã cho phép giáng xuống những đau thương trên cuộc đời ông Gióp. Lần thứ nhất, Xa-tan can thiệp vào gia sản của Gióp “Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy, còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết…Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ;lửa đã thiêu rụi hết” (G1,14-17.)  

Ta thấy những điều mà con người lưu tâm nhất trong cuộc sống không gì ngoài lương thực, tài sản của mình. Người ta luôn xô bồ chạy theo công việc, bất chấp cả sức khỏe để tạo nên sự phồn thịnh cho đất nước, cho gia đình. Nhưng chẳng may nạn đại dịch cào cào châu chấu ùn ùn kéo đến, chúng tranh nhau ngấu nghiến hết tất cả những gì bao nay ta thức khuya dạy sớm vun trồng. Cuồn cuộn hơn khi biển lửa chưa biết rõ nguyên nhân tức giận bùng lên, làm cho hàng ngàn thực vật, hàng tỉ động vật phải chết chóc. Riêng ở Miền Tây-Việt Nam được mệnh danh vùng sông nước thì nay lại thèm khát bởi ngập mặn, rau củ héo húa, người dân đói kém…Ôi! biết đổ lỗi cho ai đây, do người hay do tay mình giáng tiếp gây ra?

Lần tiếp theo, Xa-tan đánh vào những người con trai, con gái của Gióp (G1,18-19.) Họ như là gia sản quý báu nhất cuộc đời ông, là tình yêu, là niềm vui sống trong tuổi già. Thật đau đớn làm sao khi những người thân cận của mình qua đời. Đó cũng là những vụ giết người như ngóe từ các thủ lĩnh tối cao của tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) đã gây ra. Hơn nữa trước cảnh đau thương hiện nay, tình trạng bị cách ly của dịch bệnh Corona, bị nhốt và sau đó là bị đốt đang được phòng rộ lên, khiến những ai đang nghi ngờ mình cũng không dám can đảm đến bệnh viện để xét nghiệm. Nhiều gia đình có những thân nhân nhiễm virus Covid_19 chắc hẳn sẽ đồng cảm với Gióp lúc bấy giờ. Điều đó cho thấy rằng virus không sợ cho bằng sợ thiếu vắng tình người, sợ cách thế đồng loại cư xử quá tệ với nhau, trong từng cái nhìn nghi ngờ với bộ mặt lạnh nhạt, tạo khoảng cách, hơn nữa là buông lời thiếu tế nhị trên người bệnh. Gióp cũng đã từng bị như thế bởi bà vợ của mình: “hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2, 9b.) Đó như là ý định của Xa-tan chống lại Thiên Chúa, xem Gióp có nguyền rủa Thiên Chúa thẳng mặt không ( G 1,11.)

Bây giờ đến thái độ của Gióp như thế nào với Thiên Chúa trước mọi thứ khổ nhục đổ xuống trên mình “Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mặt xuống đất sụp lạy và nói: Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,20-21.)  

Như thế vẫn chưa đủ cho lòng xảo trá của Xa-tan. Nó lại đến xin Thiên Chúa cho một cơ hội nữa để được thách thức Người, vì nó biết rằng những thứ bên ngoài còn có thể làm ra hoặc sinh ra, nhưng khi chính mạng sống mình mất đi thì nguy cơ chửi rủa Thiên Chúa  phần lớn là không thể tránh. Xa-tan lại xin Đức Chúa giơ tay đánh vào xương thịt của ông để thử thách Gióp có nguyền rủa Đức Chúa mà ông đã từng tôn thờ và cho là Đấng Đầy Quyền Năng không. Vậy, Xa-tan hành hạ ông Gióp khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân đến đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Giờ đây, vợ ông bảo: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”(G 2,7b-9.)

Đó là hình ảnh của nhiều người trong chúng ta cũng ít nhiều lần nguyền rủa Đấng mình tôn thờ, bởi những lần không may trái ý xảy đến “Tại sao Chúa, tại sao ông Trời lại để con khổ thế này?”, “tại sao Thiên Chúa không đoái nhìn đến dân thánh của Người đang phải chịu biết bao thiên tai, ôn dịch ngày ngày cướp đi tính mạng con người?”,  “tới khi nào Thiên Chúa mới ra tay ngưng những chuyện quái gỡ này đây?”v.v…bao nhiêu câu hỏi tại sao được đặt ra cho Thiên Chúa, ngay cả người không đạo đặt ra cho ông Trời…Thế đấy, Thiên Chúa vẫn im lặng, Trời vẫn lặng im.

Con người là thế, chỉ có thể nhìn vào nhãn quan của mình trong lăng kính thấp hèn vật chất hữu hình. Sống ở đời chỉ biết sống trong sự lao lung vất vả, đâu khác gì đời kẻ làm thuê. Vì thế, đừng nhìn với con mắt thể xác sẽ dễ làm ta lung lây nền tảng đức tin và sẽ làm cho những thực tại, những kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa ra khó hiểu. Trái lại, nên suy gẫm, đặt mình vào vị trí của Người, hãy tìm kiếm Thiên Chúa để hiểu được sự khôn ngoan chương trình cứu độ của Người. Hãy như Gióp, ông đã phản ứng với mọi biến cố đau khổ trong việc chúc tụng Thiên Chúa và đón nhận điều tốt cũng như điều xấu trên cuộc đời mình “chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10b.) 

Thật thế, nhìn lại cùng đích đời người:

“Đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng,

bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi,

và không ngớt đâm chồi nảy lộc,

dầu cho dưới đất rễ cây có già

và gốc cây nằm chết trong gốc bụi,

chỉ cần một chút nước là đã vội đâm chồi,

nhánh vươn dài như một cây non.

Còn con người chết là nằm bất động

sẽ ở đâu khi tắt thở rồi?” (G 14,7-10) 

“Hạn hán và nóng nực hút nước của tảng băng thế nào,

thì âm phủ cũng hút tội nhân như vậy.” (G 24,19)

Thật vậy, đời người chỉ như hoa sớm nở chiều tàn, nếu Xa-tan có đến xin Đức Chúa thử thách một lần nữa thì Gióp vẫn cứ vậy, mãi giữ đức tin của mình vào Đức Chúa, mãi giữ lòng mến nơi Người-không buông câu nguyền rủa nhưng luôn luôn chúc tụng Chúa của ông. Lý do không ngoài điều ông luôn biết suy tư, biết nhìn với đôi mắt tâm hồn để chiêm ngắm những biến cố của cuộc sống, của thế giới và những thực tại trong kế hoạch siêu việt của Thiên Chúa. Đồng thời đón nhận thực tại ấy như dấu chỉ tình yêu huyền nhiệm của Người, bằng lòng tín thác và sự bình an đích thực nơi Thiên Chúa và có thể nói như Vịnh gia: “Điều tốt lành của con là ở bên cạnh Chúa” (Tv 73,28.)

Còn chúng ta, đặc biệt những tín hữu Kitô giáo, qua dấu chỉ thời đại đang liên tiếp xảy đến trên địa cầu, chúng ta có những suy nghĩ gì về Thiên Chúa của chúng ta? suy nghĩ gì về con người?…Cần nhận ra dấu chỉ thời đại thiết nghĩ phải cảm nhận mình đang nằm trong ý định, chương trình của Thiên Chúa để mới có thể nghe được và hiểu được ý muốn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó là một cuộc đối thoại trong cầu nguyện, như thế mới giúp chúng ta đứng vững trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời.

Đặt mình vào biến cố vĩ đại của dịch Covid_19 ngày hôm nay, Thiên Chúa có vẻ đang thử thách về lòng Tin lẫn lòng Mến của chúng ta. So với những khốc hại đang diễn ra, con người dường như mới thấy mình bé nhỏ trước sự dữ, con người mới khiêm tốn nhìn nhận sự yếu kém của mình, biết sám hối ăn năn những lần gian ác trong sự độc tính của mình. Nói đi cũng phải nói lại, qua sự việc này ta mới biết ai là bạn trong lúc nguy nan, ai mới là người có một quả tim đúng chất của một con người hằng ngày được biểu lộ rõ nét nơi các bác sĩ, y tá, các nhân viên công lực ở tuyến đầu của dịch Corona ngày đêm miệt mài với các bệnh nhân,với sự cố công chế tạo thuốc men.

Thật thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể phục hồi và làm cho con người được sống. Cần hơn cả không nằm ở sự sống lại ở đời này, nhưng là cần đến sự sống thật ở đời sau. Sau cùng, chỉ có ĐỨC TIN-LÒNG MẾN của chúng ta được đặt nơi Thiên Chúa mới cứu nổi ta, mới vượt thắng những sợ hãi và làm chúng ta được BÌNH AN đích thật. Đó như là phương thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất và chắc chắn nhất cho cuộc thách thức này giữa Xa-tan với Thiên Chúa đang thể hiện trên nhân loại nói chúng và cuộc đời mỗi người nói riêng.

Vì thế, hãy đón nhận tất cả những gì biến động thế giới đang tác động, hãy tin tưởng, cậy dựa vào Thiên Chúa trong sự kiên trung-tín thác. Hãy nhận ra ý Chúa mà không tranh cãi, để rồi như Gióp sau khi Xa-tan rút lui vì bị thua cuộc, Gióp được Thiên Chúa công chính ân thưởng.

Tác giả: Vào Thu