CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN C

Xh 32,7 – 11.13 – 14 ; Lc 15,1 – 32

Chủ đề: Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với phàm nhân tội lỗi

* Xh 32,14 : ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

* Lc 15,20b : Người cha chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.

          Phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật XXIV Mùa Thường Niên mời gọi chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với phàm nhân tội lỗi. Lòng thương xót ấy biểu lộ ra bằng tình yêu tha thứ vô điều kiện ; Và còn hơn nữa, Thiên Chúa ban cho tội nhân những phương tiện, cơ hội để họ được phục hồi lại phẩm giá mà Thiên Chúa đã muốn tặng ban cho họ. Tình yêu Chúa là nhưng không, vô điều kiện và luôn lớn hơn so với tội lỗi của con người. Cả hai bài đọc đều cho thấy tội lỗi con người là tày đình, đáng phải lãnh những án phạt nặng nề nhất ; nhưng rồi Thiên Chúa cũng tha thứ tất cả, ngay cả khi từ phía con người chưa có một chút dấu hiệu rõ nét nào của lòng hối hận, sám hối. Chúa hành động như thế vì Chúa là Tình Yêu, là Đấng Trung Tín luôn trung thành với những gì Người đã dự định và nhất là trong mặc khải Tân Ước : Thiên Chúa là CHA. Trong thâm tâm của Thiên Chúa, con người có ứng xử như thế nào đi nữa thì Người vẫn coi tất cả là con ; Tất cả đều đáng hưởng lòng thương xót của Người.

          Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành, thuật lại một lỗi phạm tày đình của dân Chúa : vi phạm Giao Ước, lãng quên Thiên Chúa, cúi lạy Bò Vàng. Thực vậy, nghi thức kết Giao Ước vẫn còn đang diễn ra : Môsê đang ở trên Núi Thánh để nhận Bia Giao Ước do Chúa viết ra (x. Xh 31,18), thì ở chân núi, dân đã làm loạn : họ ép Aharon phải đức Bò Vàng theo như sở nguyện lệch lạc của họ, rồi họ sụp lạy tôn thờ tượng đó, tuyên xưng rằng đó là “vị thần đã giải cứu, đưa họ ra khỏi Ai Cập” (x. Xh 32,8). Việc kết Giao Ước chưa hoàn tất thì đám dân nô lệ đã xé bỏ Giao Ước, họ chối từ Thiên CHúa chân thật rồi vẽ ra một thiên chúa theo những dục vọng thấp hèn, riêng tư của họ. Ngay khi vừa kết Giao Ước mà đã phản bội tức thời như thế, thì trong tương lai xa sẽ còn tệ hại như thế nào nữa ?

          Theo tinh thần, ý nghĩa của một giao ước được ký kết bằng máu (x. Xh 24,6 – 8) là kẻ nào vi phạm giao ước thì máu nó sẽ đổ ra, số phận kẻ ấy sẽ ra như con vật đã bị sát tế để ký giao ước. Nguy cơ tiêu diệt đang treo lơ lửng trên đầu dân tội lỗi. Dân không biết cái chết cận kề, cứ vô tư dấn thân sâu vào tội lỗi, ăn chơi đú đởn (x. Xh 32, 6). Môsê đang ở trên núi cũng chẳng hay biết chi! Chỉ có Chúa là thấu rõ mọi hệ quả căn nguyên. Chúa báo cho Môsê biết tội phạm của dân và số phận phải bị hủy diệt của họ và chính Chúa sẽ thi hành lẽ công minh theo Giao Ước (x. Xh 32,7 – 10)

          Thoạt nhìn ta tưởng rằng Thiên Chúa là vị quan tòa mặt sắt, cứ luật mà xử. Thật ra, Chúa là Thiên Chúa của lòng xót thương. Vì nếu Chúa cứ thinh lặng thực thi công lý ngay lúc đó thì dân đã bị tiêu diệt. Việc Chúa nổi cơn thịnh nộ bày tỏ ý muốn phạt dân cho Môsê lại là cách thức khéo léo Chúa nhắc nhở Môsê (sau này khi xuống núi, Môsê đã trị tội ba ngàn tên đầu sỏ : x. Xh 32,25 – 28) nhờ đó Môsê đã năn nỉ Chúa cho dân và cuối cùng Chúa đã tha thứ. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa là cơn thịnh nộ của một người cha rất mực yêu con mình : Ông không thể dằn lòng trước sự dại khờ của đứa con cứ đâm đầu vào chỗ chết, nên ông phải nặng lời, can thiệp mạnh để giải cứu con.

          Mặt khác, lý do Môsê đưa ra để nài nỉ Chúa là dựa vào danh dự, lời hứa của Chúa với các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob (x. Xh 32,11 – 13 ; Ds 14,13 – 16…). Sự tha thứ chính là cách tuyệt vời Thiên Chúa biểu lộ sự công chính, lòng trung tín của Người. Đó là đường lối thần linh mà Chúa đã chọn ngay khi tổ tông vừa phạm tội (x. St 3,15). Cuối cùng, vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã tha thứ (Xh 32, 14).

          Qua bài đọc Tin Mừng Lc thuật lại ba dụ ngôn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Hai dụ ngôn đầu cho thấy động cơ của việc tha thứ hoàn toàn phát xuất từ nơi ông chủ. Không cần ai lý luận, nài xin, ông Chủ tự ý đi tìm cái đã bị mất, và tìm với quyết tâm “tìm cho kỳ được” (15,4b. 8b). Tìm được rồi, không một lời trách mắng mà còn “vác lên vai”, còn vui mừng… Niềm vui đó không là niềm vui cá nhân mà còn là niềm vui cho cả cộng đoàn, cho toàn triều đình thiên quốc (15,8.10). Điểm nhấn là cả cộng đoàn vui với chủ vì đã tìm được cái đã mất.

          Qua bài dụ ngôn ba, lòng thương xót của Chúa được biểu lộ qua NGƯỜI CHA. Theo chủ đề của Chúa Nhật XXIV là lòng thương xót và tha thứ của Chúa thì vai trò của người cha trong dụ ngôn là điểm suy tư chính yếu hôm nay.

          Đây là một người cha bất hạnh : ông mất cả hai đứa con : con thứ bỏ nhà ra đi biền biệt; con trưởng chăm chú làm ăn, ở riết trong nhà nhưng sống như một nô lệ (15, 24). Bỏ qua mọi chi tiết nhỏ, chỉ chú trọng đến một tội : hai đứa con cho dù cách sống khác nhau nhưng đều nuôi trong mình một tội ĐẠI BẤT HIẾU. Tội này là căn nguyên của mọi cách ứng xử bất hiếu với Cha. Đó là tội tự coi mình là nô lệ chứ không là CON.

* Nơi đứa con thứ, tội này lộ ra rõ lúc nó quyết định quay về với cha. Nó quay về với một toan tính: xin cha nhận nó làm KẺ LÀM THUÊ độ nhật (x. Lc 15,19b). Anh không muốn về ở với Cha, anh chỉ muốn làm thuê độ nhật: sáng đến làm, chiều nhận lương ra về (x. mt 20,14).

* Còn đứa con trưởng khi Cha ra năn nỉ, anh đáp “… đã bao năm trời, tôi làm nô lệ “(15,29a). Ở bên Cha mà sống như một nô lệ.

          Cha hồi phục hai con: muốn chúng phải sống như con của Cha và như anh em nhau. Chỉ có lòng thương xót Chúa mới đưa ta vào hạnh phúc thật mà Chúa muốn dành cho ta.

12Frères Đình Long FSC