CÁC BẬC ĐẤNG THÁNH DÒNG THÁNH THỂ

ĐẤNG ĐÁNG KÍNH
CHA LODOVICO LONGARI, sss

Sống dưới ánh sáng của Thánh Thể

Tôi tớ Chúa, cha Lodovico Longari, sinh năm 1889 tại Mondine (giáo phận Cremona). Ngài là con thứ mười một trong gia đình mà cha mẹ là những Ki-tô hữu. Ngài gia nhập Chủng viện Crema ở tuổi 12 (1900). Vào năm 1912, ngài được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm thư ký cho Đức Giám mục giáo phận. Không lâu sau đó, ngài đã liên hệ với Dòng Thánh Thể và bị cuốn hút bởi linh đạo của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard, sau đó ngài đã gia nhập Tập viện của Dòng. Lúc bấy giờ, Thế Chiến thứ I nổ ra và ngài được triệu tập để nhập ngũ với quân hàm Binh nhì, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho quân đoàn tại tiền tuyến. Ngài tiếp tục làm công việc đó cho đến khi hiệp định đình chiến được ký vào năm 1918. Năm 1920, ngài tuyên khấn trong nhà tập tại Tây Ban Nha, nơi mà ngài đã sống hai năm sau khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, ngài trở lại Italia, nơi ngài được giao trọng trách thiết lập chủng viện của Hội dòng, chủng viện tạm thời đặt tại Lodigiano. Trong khoảng thời gian từ 1923 đến 1935, ngài sống tại Ponteranica, thuộc giáo phận Bergamo, nơi đây ngài đã dồn hết tâm huyết cho việc đào tạ o các tu sĩ trẻ , đầu tiên ngài giữ chức vụ Giám đốc Sinh viên, sau đó là làm Giáo tập.

Vào năm 1934, ngài được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Tỉnh, và đến năm 1937, ngài trở thành Bề trên Tổng quyền. Ngài đã giữ chức vụ này trong vòng 12 năm (1937-1949). Sau đó, ngài trở lại làm Giáo tập tại Ponteranica (Bergamo) trong cộng đoàn đào tạo, nơi ngài đã thiết lập và rất yêu mến. Chính tại đây ngài đã qua đời vào ngày 17 tháng 6 năm 1963.

Tầm ảnh hưởng của gia đình

Giám mục Giáo phận Crema, Đức cha Libero Tresoldi, đã đưa ra một lời nhận xét thích đáng khi nói rằng: “Nguồn mạch chính để hiểu được người Tôi tớ của Chúa này chính là mẫu gương nơi gia đình của ngài”. Hoạt động của Chúa Thánh Thần đã bắt đầu lan tỏa tầm ảnh hưởng trên ngài thông qua đức tin và đời sống Ki-tô hữu có chiều sâu của một gia đình và một cộng đoàn mặc dù nhỏ bé và không ai biết đến, nhưng đã ảnh hưởng rõ nét trên ngài. Là người con thứ mười một của cặp vợ chồng mà hằng ngày vẫn tham dự Thánh lễ và lần chuỗi Mân Côi, nên ngài đã biết được những hành vi tôn thờ Thánh Thể đầu tiên và tình yêu dành cho Rất Thánh Trinh Nữ từ nơi hai bậc thân sinh của mình.

Cùng với hai bậc sinh thành gương mẫu này, ngài cũng nhận thấy người chị gái Tê-rê-sa của mình quả đúng là một thầy dạy khôn ngoan và hiền lành. Chính chị gái của ngài đã giúp ngài thấm nhuần niềm say mê đối với Thánh Thể và dễ dàng đón nhận thánh ý Chúa.

Và tiếp đến là phải kể đến giáo xứ của ngài, nơi mà như Đức Giám mục đã chứng thực: “cho đến hôm nay, Thánh Thể và lòng sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh là những nhân tố nền tảng có sức truyền cảm của một đời sống Ki-tô hữu phong phú. Như thế, những gì vốn mãi là những giá trị chân thực, thì dù trong những hoàn cảnh khác nhau, vẫn có thể truyền cảm hứng cho các gia đình ngày nay.

Tính ưu việt của tình yêu

Nét đặc trưng mà chúng ta có thể nhận ra ngay nơi người Tôi tớ Chúa đó là việc trở thành một chứng nhân và một tông đồ của một linh đạo đưa đến một sự lan rộng của tinh thần nhờ tình yêu, một tình yêu vốn là một cảm nghiệm cá nhân, một tình yêu thân mật của Thiên Chúa. Người Tôi tớ của Chúa này đã nhận thức được tình yêu ấy, đã nhiễm thứ tình yêu ấy, và đã trở thành một người truyền bá về tình yêu ấy ngang qua lời nói và đời sống của mình. Tự nhiên lẫn ân sủng đã giúp ngài có được những ân huệ, để rồi cho phép ngài góp phần vào sự ra đời của nền văn minh tình thương mà Hội thánh đang mong đợi.

Một vài trang trong những trước tác của ngài, được viết ra khi ngài còn trẻ, giúp chúng ta nhận ra điều này: “Thực sự, Chúa đã ban cho tôi một con tim bén nhạy, vì Ngài muốn tôi trở nên thánh thiện. Sự thánh thiện chính là TÌNH YÊU. Chúa Giê-su đã làm cho tôi khổ sở bằng Tình Yêu của Ngài biết là dường nào! Đến độ mà tôi không còn có thể cưỡng lại được nữa và phải đầu hàng… Trước Chúa Giê-su nhân lành, tôi đã chấp nhận thua cuộc… Vì thế, Chúa Giê-su muốn tôi trở nên thánh thiện, nhưng Ngài luôn luôn sưởi ấm tôi bằng Tình Yêu của Ngài.” Vì thế, ngài đã trở thành một người học trò trong trường học của Đức Giê-su: “Suy cho cùng, quyển sách được các vị thánh nghiên cứu là chính Đức Giê-su Ki-tô. Các ngài đã biết được sự khôn ngoan đích thực, chứ không phải là sự khôn ngoan ở các trường học uyên bác, không phải sự khôn ngoan tìm thấy nơi những thư viện mơ hồ, nhưng là sự khôn ngoan có được khi quỳ gối cầu nguyện dưới chân Tượng chịu nạn, phủ lấp bởi những nụ hôn và giọt lệ dưới chân Thầy Chí Thánh”. Đối với ngài, chọn lựa sống đời sống thánh hiến giống như “một phép rửa thứ hai vậy. Tôi sẽ bước vào đời sống đích thực của tình yêu của Đức Giê-su…bước vào ơn gọi của tình yêu, của niềm vui, của niềm hạnh phúc trên Thiên Đường… Đức Giê-su đã đoái nhìn đến tôi, Ngài đã nói với tôi: Hãy đến, Ta sẽ cho con chỗ nương náu, bánh ăn… Ta yêu con vì Ta muốn yêu con…”. Ngài thổ lộ cõi lòng mình; lời nói và những cảm xúc tăng trưởng và hòa quyện vào nhau. Ngài nói về Thánh Thể, ngài nói về sự thanh khiết và sự mở lòng. Ngài để mình bị lôi cuốn bởi Bánh Thánh và Thập Giá. Những lời của ngài biểu lộ những tia sáng của huyền nhiệm. Những lời ấy đúc kết bằng một lời mời gọi của Đức Giê- su: “Hãy để mình bị thiêu đốt bởi tình yêu của Ta”. Dựa trên nền tảng này mà đời sống thiêng liêng của ngài được dựng xây

Một cuộc đời hoàn toàn “tràn ngập Thánh Thể”

Cuộc gặp gỡ của ngài với vị Tông đồ Thánh Thể, thánh Phê- rô Giu-li-a -nô Ê- ma, đã quyết định hướng đi mà cuộc đời ngài nhắm tới, đó là tâm điểm cho linh đạo của ngài, nguồn mạch sự sống của ngài. “Thánh Thể chính là điều mà tâm hồn tôi cần đến. Không có Thánh Thể, sự sống sẽ không thể có được”.

Việc quy hướng những ý nghĩ và lời cầu nguyện về Thánh Thể luôn luôn không thay đổi trong cuộc đời ngài và tiếp tục lớn lên, đơn giản hóa mọi hoạt động thiêng liêng của ngài. Dưới ánh sáng của Thánh Thể, ngài nhận ra mọi mầu nhiệm vĩ đại của ơn cứu độ theo một cách thức mới: Sáng Tạo, Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể, những phép lạ của Đức Giê-su, Phục Sinh. Chính khi hướng về Thánh Thể , ngài cũng quy hướng những bài suy niệm của mình về chức linh mục, về đức ái, về đức khiêm nhu. Từ đó, ngài rút ra được sức mạnh để có thể đối diện với khổ đau, những thử thách, những khó khăn, những việc bổn phận. Ngài nhận ra Thánh Thể chính là Sự Hiện Diện Thực của Chúa, được trao ban để được tôn thờ. Với một đức tin sống động, ngài đã liên kết việc tôn thờ Thánh Thể với bốn mục đích của hy tế: tôn thờ, tạ ơn, đền tội, xin ơn.

Rõ ràng là vẫn chưa có sự lan rộng và phong phú về giáo lý Thánh Thể của Công đồng Vaticano II: ngài chính là nhân vật của thời đại ngài. Tuy nhiên, mối tương quan sâu đậm của ngài với Thánh Thể, ngập tràn đức tin và đức mến, tiếp tục vang vọng trong những lời của ngài và được nuôi dưỡng bởi một cuộc đời cầu nguyện và tôn thờ, hình như là trong suốt thế chiến thứ nhất và khi đóng quân tại tiền tuyến, ngài đã quỳ trước một Bình đựng Mình Thánh đặt trong lều của ngài thì phải; hay hình như là, giai đoạn sau này, mỗi ngày ngài vướng mắc vào 1001 mối ưu tư và buộc phải thực hiện những chuyến công tác liên tiếp trong cương vị là Bề Trên Tổng Quyền.

Kiểu cách của ngài không phải là kiểu cách của một thần học gia dùng lý trí để phát triển sự phong phú về giáo lý của các mầu nhiệm được mạc khải, nhưng đúng hơn đó là kiểu cách của một con người có đời sống thiêng liêng, truyền giảng bằng chính gương sống của mình, bằng sức mạnh của một tình yêu được khơi gợi bởi việc chiêm niệm đức tin, và bằng chứng tá của một đời sống được định hình bởi sự thánh thiêng.

Cuộc đời của ngài, vốn quy hướng về Thánh Thể, làm bùng cháy lên ngọn lửa của một hoạt động tông đồ mà chúng ta có thể nhận ra trong ba bối cảnh chính: trong việc điều hành gia đình tu sĩ của ngài, trong việc đào tạo các tu sĩ trẻ và trong công việc thánh hóa các linh mục. 

Bề trên của hội dòng Thánh Thể

Ân huệ ngài có được chính là sở hữu một bản tính cương trực, nhưng rất ân cần, đậm tình phụ tử, cộng với một sự thấu hiểu tâm hồn của người khác, đã mau chóng trở nên có giá trị cho đường hướng của các cộng đoàn. Do đó, chúng ta nhận thấy nơi ngài trước tiên là một vị Bề Trên nhà, kế đến là Bề Trên Giám Tỉnh và cuối cùng là một vị Bề Trên Tổng Quyền của cả Hội dòng.

Người tôi tớ Chúa đã chấp nhận gánh lấy thập giá của trách nhiệm, với nhiều đau khổ cá nhân, trong một thời kỳ khó khăn khi chuyển giao từ việc quản trị tập trung sang một tiến trình phân chia thành các tỉnh. Ngài đã thực hiện việc đó một cách rất khéo léo và rất thoáng trong cái nhìn của mình.

Ngài đã rút cảm hứng từ gương của Đấng Sáng Lập. Ngài đã truyền đạt giáo huấn của Đấng Sáng Lập cho những anh em khác và đã canh tân tinh thần của Đấng Sáng Lập, cập nhật nó theo kịp với thời đại và giải thích nó sao cho phù hợp với những ân huệ cụ thể của chính mình. Ngài khao khát biết bao được hoàn trọn ơn gọi Thánh Thể qua sự hăng say nhiệt tình của mình để trở thành một phần của gia đình Thánh Thể: “Ơn gọi của chúng ta quả thực là một ơn gọi tuyệt vời, tuyệt vời như vẻ đẹp của Đức Giê-su, dịu dàng như sự dịu dàng của Đức Giê-su, nồng ấm như tình yêu của Đức Giê-su, không vết nhơ như Bánh Thánh tinh tuyền vậy!”

Ngài xem gia đình Thánh Thể như một ân huệ mà Thiên Chúa trao ban cho Hội thánh trong một kỷ nguyên thiếu hơi ấm, để từ đó làm cho Thánh Thể trở thành trung tâm, để đưa Thánh Thể ra khỏi nhà tạm qua việc đặt Mình Thánh trọng thể, trong một phong trào vốn đưa đến các Đại hội Thánh Thể và, dưới tri ều của Đức Giáo hoàng Pio X, ngài cổ võ việc rước lễ thường xuyên, việc rước lễ của trẻ em và việc Đặt Mình Thánh liên tục cũng như việc chầu đêm của giáo dân. Và ngài đã ra công làm việc để tìm kiếm những ơn gọi và mở rộng Hội dòng với 28 cộng đoàn nhà ở 14 quốc gia và ở những quốc gia truyền giáo. Thế nhưng trên hết, ngài say mê tìm cách để Hội dòng có thể sống tinh thần của mình với một sự hăng say cầu nguyện và trung thành với việc chầu Thánh Thể. Đối với gia đình Ê-ma, trước tiên là ở Italia và kế đến là trên khắp thế giới, ngài giống như một hơi thở của Mùa Xuân vậy.

Một nhà đào tạo thế hệ trẻ

Ngài đã dồn hết tâm huyết vào việc đào tạo các tu sĩ trẻ trong nhiều năm; trước hết, từ năm 1920 đến 1931 và kế đó là từ năm 1949 cho đến khi ngài qua đời. Phương pháp của ngài, cũng giống như phương pháp của thánh Gioan Bosco, đó là dẫn dắt lớp trẻ bằng chính gương sống và đánh thức lòng hăng hái, trình bày vẻ đẹp của lý tưởng và đem đến cho họ một sự cảm nếm về tình yêu Chúa, một sự quyến rũ trước nhân đức và các ân huệ nhằm đáp ứng những nhu cầu nơi các tâm hồn của người trẻ.

Bằng chứng được đưa ra về phương pháp đào tạo của ngài quả thực đáng tin cậy. “Ngài đã chinh phục chúng ta bằng sự nhạy cảm và sự dịu dàng. Ngài có một tâm trạng hướng về sự nhân lành hơn là sự ngặt nghèo. Và sự nhân lành ấy đã trở thành minh nhiên vào những thời điểm cụ thể, đặc biệt là sau Thánh lễ ban sáng của ngài hoặc sau những giờ Chầu Thánh Thể của ngài…” Mặc dầu dạy giới trẻ thực hành việc hãm mình ép xác, nhưng nơi ngài luôn luôn sáng lên tính ưu việt của tình yêu.

“Ngài là một vị Bề Trên nhân đạo, hiểu biết, chín chắn; ngài yêu thích việc thể dục thể thao, tiếng cười. Tình yêu của ngài được biểu lộ ra cho tất cả mọi người qua việc quan tâm đến những người trẻ, những người đang gặp đau khổ, bất cứ ai đang vướng mắc một vài khó khăn nào đó”.

“Ngài khuyên những ai đang mệt mỏi hãy nghỉ ngơi đôi chút; ngài động viên họ, quan tâm đến sức khỏe của người khác; ngài quan tâm đến đồ ăn thức uống, quan tâm đến những hoàn cảnh sống của họ, ngài chú tâm đến những ai cộng tác với ngài; ngài sẵn sàng giúp đỡ bất cứ gia đình nào đang gặp những khúc mắc”. Ngài thích một lối điều hành hài hòa và nhắm nhiều hơn đến việc thuyết phục một người nào đó, đồng thời giúp anh ta hiểu ra vấn đề hơn là tỏ thái độ áp đặt.

Một sự quan tâm đặc biệt dành cho các linh mục

Người tôi tớ Chúa đã nhận được một đặc sủng phục vụ các linh mục, những người mà như Đấng Sáng Lập nói: “những bội số”. Ngài yêu quí các linh mục, ngài giúp đỡ các vị mở lòng ra với Chúa, giúp các vị cảm thấy hạnh phúc trong ơn gọi của mình. Trong sứ vụ của mình, ngài luôn luôn cho thấy mối bận tâm ưu ái dành cho các linh mục. Không kể hết những đợt tĩnh tâm mà ngài đã giảng cho các linh mục trong khắp nước Ý, cả trong các Hội dòng lẫn các Chủng viện; chúng ta tìm thấy danh sách các Hội dòng: Biển đức, Ba-si-li-ô, Dehonians, Dòng các linh mục De Montfort, Dòng Trappist; trong số các Chủng viện thì có chủng viện Rô-ma cũng như Bộ Truyền Bá Đức Tin, chủng viện Venegono, Molfetta, Bergamo. Ngài luôn cảm thấy cần cầu nguyện và tình yêu dành cho Thiên Chúa. Ngài nói về Thánh Thể từ sự sung mãn của chính tâm hồn ngài và tìm cơ hội để đề cập đến Thánh Thể trong mỗi chủ đề mà ngài rao giảng. “Trong ký ức của mình, tôi không nhớ là đã từng nghe những bài giảng nào giống như những bài giảng của cha Longari, những bài giảng chứa đựng lòng đạo đức và giáo lý tràn ngập, hầu như là tỏa hương thơm từ Thánh Thể…”. Và thậm chí là còn hơn thế nữa, qua những lời của mình, ngài đã truyền đạt thông qua sự hiện diện rất thể lý của ngài.

Một nhân chứng giấu tên, một linh mục, đã miêu tả về ngài bằng những lời sau đây: “Vẻ bề ngoài của ngài là vẻ bề ngoài của một con người làm cho bạn cảm thấy bình tĩnh, vẻ bề ngoài ấy an ủi bạn, giúp bạn bước vào chính cõi lòng mình như thể để tự vấn lại lương tâm của mình vậy; đây giống như một lời mời gọi để noi gương bắt chước ngài. Từ nơi ngài phát tỏa ra một điều gì đó khó có thể định nghĩa nhưng lại tác động trên bạn thông qua sự soi sáng, sự thẩm thấu. Đó là một sự hiện diện, một bằng chứng. Những lời của ngài là một sự diễn tả về con người rất thực của ngài. Từ con người rất thực ấy mà những lời này có được sức thuyết phục. Khuôn mặt của ngài toát lên vẻ bình tĩnh và rạng rỡ, cái nhìn của ngài luôn luôn chứa đựng sự an bình và trong sáng, luôn luôn hướng đến tại đây và ngay lúc này nhưng cũng đồng thời hướng đến tương lai…” Và vị linh mục ấy tiếp tục lời miêu tả của mình bằng một phép loại suy đầy ý nghĩa: “Ngài đã là một linh mục, một người tôn thờ, nhưng lại giống một người mà tự nhiên sinh ra dường như đã là một nhà thơ hay một viên phi công rồi vậy!”

Vào những năm cuối đời, khi không còn đi đây đi đó được nữa, ngài đã không bỏ việc liên lạc với các linh mục, nhưng đã hân hoan chào đón các vị khi các vị đến thăm ngài; nhiều linh mục đang trải qua những giai đoạn thử thách hoặc đang cần khai sáng, đã đến gặp ngài chủ yếu là do sự giới thiệu của Đức Giám mục giáo phận Bergamo. Liều thuốc mà ngài đưa cho họ chính là: sống việc cử hành Thánh Thể như thời khắc trọng tâm của mỗi ngày sống. Và một toa thuốc hữu hiệu, đó là: “Hãy cảm thấy cần phải làm cho Chúa chiếm lấy gia sản là tâm hồn bạn!”.

“Ngài đã mang đến một cảm thức vui mừng về Thánh Thể”

Chính Đức Giám mục giáo phận Bergamo, Đức cha Giulio Oggioni, với lời nhận xét trên, đã tóm tắt hoạt động tông đồ của người tôi tớ Chúa trong giáo phận của ngài. Hoạt động này dường như là đáng kể đối với chúng ta và có thể vượt ra ngoài khuôn khổ giáo phận đối với một vài giai đoạn khó khăn trong cuộc đời ngài khi hoạt động tông đồ nhiệt thành của ngài bị ngăn cản, nhưng ngài vẫn tiếp tục biểu lộ niềm vui này.

Khi đã trở thành một linh mục và một tu sĩ Dòng Thánh Thể, ngài đã trải qua giai đoạn của Thế Chiến thứ I tại tiền tuyến trong tư cách là một sĩ quan chăm sóc y tế cho quân đoàn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra những khó khăn và nguy hiểm. Thế nhưng, ngài lại nhớ lại thời gian ấy như những giai đoạn tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Ngài đã sống giai đoạn ấy trong tư cách là một linh mục. Ngài đã biến túp lều chật hẹp của mình thành một nhà nguyện; vào ban sáng, một Thánh lễ ban mai và sau đó là một giờ Chầu Thánh Thể. Túi đựng đồ tư trang của ngài giống như một nhà tạm, nhưng nó được trang hoàng bằng những bông hoa và những cây nến… Mọi sự chung quanh ngài đều là sự hủy diệt: những cái hố được tạo nên bởi vỏ lựu đạn, mùi máu và tiếng rít của những viên đạn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra công việc mệt mỏi khi phải chăm sóc những người bị thương, giúp đưa họ đến bệnh viện, chôn kẻ chết. Vào một dịp nọ, ngài đã chăm sóc cho một Thiếu tá mà các đồng đội muốn bỏ rơi ông ta vì ông ta bị thương quá nặng đến nỗi không còn hy vọng sống sót. Ngài đã kịch liệt phản đối hành động này. Thái độ luân lý vây quanh ngài lúc đó chỉ toàn là những lời chế nhạo và coi thường các linh mục. Lời kết tội này phát xuất từ những người bạn đồng đội của ngài. Tự thâm tâm, ngài chỉ cảm thấy có một lời nhận xét như thế này: “Thật bình an và an toàn biết bao trong tâm hồn! Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn Người về Thánh lễ ! về tình yêu của Người! Xin giúp chúng con biết vận dụng khả năng mà Chúa đã ban cho chúng con nơi Thánh Thể, hầu đem lại ích lợi.”

Ngài đã trải qua một cuộc chiến tranh khác, đó là Thế chiến Thứ Hai, khi là Bề trên Tổng quyền. Sau ngày 18 tháng 9 năm 1943, khi không thể kinh lý các nhà, ngài đã tìm cơ hội để nhận giảng phòng. Có nhiều lời mời; cách cư xử đơn sơ và có sức thuyết phục của ngài đã đi vào lòng người. Để thánh hiến các linh hồn, ngài đã lần theo dấu vết của lối sống quảng đại. Nhiều tu viện và đan viện đã tìm sự trợ giúp của ngài. Ngài đã làm cho tâm hồn họ mở ra. Ngài thường nói: “trước khi đề xuất những thay đổi, cần phải sắp xếp tâm hồn bạn sao cho được bình an trước đã”.

Đây chính là lối giảng thuyết của ngài, cũng hướng về những nhu cầu thiết yếu của những người mà ngài đã liên lạc trong suốt giờ chầu “bốn mươi giờ” vốn do ngài thường xuyên cổ võ. Nơi đây, niềm vui của ngài là có được một chủ đề yêu thích: tình yêu đầy lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su, vì “từ tình yêu, Chúa đã thiết lập một bí tích, đó là Bí tích Thánh Thể”. “Chúng ta phải trở nên những thừa tác viên của lòng thương xót”. Và ngài đã dùng một ví dụ để thuyết phục họ: “Nếu ngườ i nào đó khám phá ra rằng chiếc váy mới và đẹp của chị ta bị rách, thì chị ta sẽ cảm thấy tiếc biết chừng nào. Thế nhưng, nếu trên chỗ rách đã được vá lại đó, một người thợ thêu tài ba thêu một bông hoa tuyệt đẹp để che lấp nó đi, thì bấy giờ chiếc váy sẽ còn trở nên đẹp hơn trước kia và sẽ có giá trị lớn hơn nữa. Chúng ta hãy để Chúa Giê-su thêu bông hoa của Người để che lấp những lỗi lầm của chúng ta”.

Chúng ta có thể tóm kết những lời động viên của ngài như sau. Với những ai đang cần được tha thứ: “Hãy chân nhận sự khốn nạn của mình rồi sau đó tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Người”. Với mọi tâm hồn: “Cuộc đời chúng ta là một trang giấy trắng trên đó Chúa không ngừng viết một từ: TÌNH YÊU”. Bằng cách này, cha Longari đã mở lòng mình ra với mọi người.

Một con người của Giáo hội

“Một vị thánh không sống cho riêng mình: ngài là một tặng phẩm tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành cho Giáo hội và cho anh em ngài”. Những lời này do thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma nói ra.

Vậy thì người Tôi tớ Chúa của chúng ta thuộc hạng người nào? Trên hết, ngài có thể được khắc họa như một con người của Giáo hội đáp cứu những nhu cầu của thời đại chúng ta. Ngài đã thực lòng đón nhận giáo huấn của Giáo hội và thông truyền giáo huấn ấy với lòng trung thành lớn lao.

Là một người con hết lòng tận tụy của Đức Thánh Cha Pi-ô XII, ngài đã thường thỉnh cầu một cuộc yết kiến riêng khi gặp phải vấn đề nghiêm trọng.

Ngài đã thổ lộ một bí mật cho chị gái của mình: “Đôi khi, em cảm thấy được linh hứng để làm điều này: tháng này em đã gửi một lá thư cho Đức Thánh Cha, trong đó em đã cầu xin ngài chấp nhận cuộc đời khó nghèo của em vì lợi ích của Giáo hội Công giáo và vì sự yên ủi cho tâm hồn ngài với tư cách là vị Đại diện Chúa Ki -tô. Em không thể giải thích cho chị về niềm vui của tinh thần mà em gửi gắm trong hành động này”.

Giai đoạn mà ngài đã sống vừa phức tạp lại vừa huy hoàng đối với Giáo hội. Đó là một kỷ nguyên của những sự tương phản: một mặt là sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật đáng ngạc nhiên: mặt khác là một sự thiếu hiểu biết đáng báo động liên quan đến những bổn phận về luân lý gây ra bởi việc đánh mất nhận thức minh nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thế nhưng, kế đó lại xuất hiện một phúc lành đó là Công đồng và đó là một sự ngạc nhiên. Người tôi tớ Chúa của chúng ta đã sống trong suốt những giai đoạn đầu của Công đồng mặc dù ngài không thể tận hưởng được những hoa trái của Công đồng ấy, cũng như đã không thể bước vào một bầu khí mới của đời sống mục vụ và phụng vụ. Ngài đã qua đời vào cuối khóa họp đầu tiên, vào tháng 6 năm 1963, đúng hai tuần lễ sau khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII qua đời.

Chứng từ của ngài có liên quan gì đến chúng ta hôm nay? Đó là để chuẩn bị cho các tâm hồn biết xây dựng, trên những nền tảng vững chắc, những đóng góp được mọi người dễ dàng và trung thành đón nhận; dạy họ sống bằng niềm tin, bằng sự vâng phục, bằng tình yêu dành cho Giáo hội, cũng như là để có một tâm hồn rộng mở biết hướng đến những sự kiện lịch sử được xem là thánh ý của Chúa, và để giữ họ trong một bầu khí tự do và bình an nội tâm khi phải đối diện với mọi cảnh huống của nhân loại. Những ai đạt đến sự hiểu biết về chính mình nhờ giáo huấn của ngài sẽ có thể đón nhận những biến cố và những thay đổi như những ân huệ, dưới một tia sáng siêu nhiên. Thiên Chúa rất tuyệt vời trong đường lối của Ngài, Ngài sẽ gửi những sứ giả để chuẩn bị đường lối của Ngài! Chúng ta xác tín rằng từ cõi trời cao, người tôi tớ Chúa, cha Longari, sẽ tiếp tục trợ giúp chúng ta qua lời khẩn cầu của ngài. Điều này cũng được xem là lợi ích mà ngài dành cho chúng ta ngày hôm nay!

* * *

Tôi thực sự ước mong và gửi lời động viên đến cha Cáo Thỉnh viên vụ phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa: cha Longari, để ngài có thể được nhiều tín hữu biết đến hơn.

Đây là một nhiệm vụ đáng ca ngợi vì nó cũng sẽ thổi bùng lên lý tưởng và tinh thần của Đấng Sáng Lập của chúng ta, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma.

Vì Tôi tớ Chúa là Bề Trên Tổng quyền của Hội dòng, do đó tôi hy vọng rằng các cộng đoàn của chúng ta sẽ cộng tác trong việc làm cho ngài được các anh chị em giáo hữu tại các quốc gia trên thế giới này biết đến.

Cha Norman B. Pelletier, sss, Bề trên Tổng quyền