Bài Giảng Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên C.

Bài giảng của linh mục Jean Compazieu  (Lc 17, 11-19)

Mười người phong hủi

ĐGH Phanxicô không ngừng mời gọi chúng ta hãy đi đến những « vùng ngoại vi ». Năm nay, Người đã kêu gọi Giáo Hội hãy sống « một tháng truyền giáo ngoại thường » . Tin Mừng của Phúc Âm phải được loan báo cho toàn thế giới và đến mọi nơi mọi chốn. Hiệp thông với cả Giáo Hội, những người công giáo chúng ta đã chịu phép rửa và được thêm sức đều được sai đi làm sứ giả cho tin mừng ấy. Phúc Âm của Chúa Giê su Ki Tô là dành cho tất cả mọi người.

Đó cũng chính là sứ điệp mà chúng ta tìm thấy trong các bài đọc của Chúa nhật này. Dân Israel là dân đầu tiên được hưởng nhờ việc loan báo Lời Chúa. Nhưng trong sách Các Vua ở bài đọc thứ nhất, chúng ta nhận thấy là kho báu này cũng được gửi đến các dân ngoại. Ông tướng Naaman người xứ Siri lúc ấy không nhận biết Đức Chúa của Israel. Nhưng ông ta đã tin vào lời của ngôn sứ Élisée. Chính lòng tin này đã là khởi điểm của việc ông được chữa lành và việc ông trở lại. Thế là ông đã quyết định từ bỏ các ngẫu tượng để chỉ còn thờ phượng Thiên Chúa của Israel. Vị Thiên Chúa này không phải là thiên chúa của một dân tộc mà là của cả thế giới. Đó là điều mà chúng ta phải làm chứng.
Đó cũng là điều mà thánh Phaolô đã hiểu: Người đã từ bỏ quê hương xứ sở của mình để đi loan báo Phúc Âm cho cả thế giới. Lúc người viết lá thư này thì Người đang bị giam cầm trong ngục thất. Sứ điệp của Người đã gây phiền hà cho rất nhiều người. Những kẻ đã bắt Người thì nghĩ rằng họ đã trừ khử việc phổ biến Phúc Âm được đi khắp nơi. Nhưng thánh Phao lô nói rằng «người ta không thể trói buộc Lời Chúa».Không có gì và cũng không ai có thể ngăn cản Lời Chúa được hiệp thông với toàn thế giới. Chứng tá của các vị tử đạo luôn là nguồn gốc của sự trở lại. Khi nhìn thấy lòng tin can trường của các vị tử đạo thì các dân ngoại và ngay cả những kẻ đi bách hại cũng đã trở về với Chúa Giê su Ki tô. Và theo gương thánh Phaolô, họ đã trở thành những sứ giả của Tin Mừng.
Phúc Âm của Chúa nhật này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trên đường lên Đền Thánh Giêrusalem. Đây chính là nơi Chúa sẽ nộp mình và đổ máu vì chúng ta và vì toàn thể thế giới. Và cũng ở đây mười người phong cùi đã đến gặp Chúa. Họ khẩn khoản nài xin Chúa hãy thương xót họ. Họ là những con người bị hất hủi vì chứng bệnh phong cùi đã biến họ thành những con người ô uế. Chúa Giê su đã bảo họ đi trình diện với các tư tế để cho những người này thấy được sự chữa lành. Và như thế những con người này sẽ được tái hội nhập vào đời sống cộng đồng.
Nhưng trong số họ lại có một người Samaritain. Vì là người Samaritain thì người ấy vẫn ở trong tình trạng bị loại trừ. Người này không thể đến trình diện với các tư tế. Thế là người ấy đến với Chúa Giê Su và  « lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa ». Đức tin của người này không những đã chữa lành mà còn cứu rỗi anh ta. Anh ta đã có thể trở về bên người thân là những người không thuộc về dân Chúa. Nơi những người này, anh ta sẽ có thể làm chứng cho tin mừng này, đó là Chúa Giêsu là cứu Chúa của hết thảy mọi người, những người là thành phần của dân Chúa cũng như  những người còn xa Chúa. Vào dịp Thăng Thiên, Chúa sẽ yêu cầu các tông đồ đi loan báo Phúc Âm cho cả thế giới.
Như vậy, cả ba bài đọc đều nói với chúng ta về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa đã không chỉ quan tâm đến những người thuộc về Hội Thánh Người. Chương trình lớn lao của Chúa là tụ họp tất cả mọi người trên thế giới, kể cả những người xa nhất và chống đối đức tin mạnh mẽ nhất. Chúa yêu thương mỗi người vượt lên trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Trên thánh giá, Chúa đã trao ban sự sống của Người cho tất cả chúng ta.
Sự đáp đền tình yêu vô biên này của chúng ta phải là một lời tri ân cảm tạ. Ông tướng Naaman đã trở về với ngôn sứ Élysée để cảm tạ Chúa. Cả cuộc đời của thánh Phaolô cũng là một lời tạ ơn, bởi vì ngay cả khi thánh nhân đang bị tù tội thì Người cũng thấy rằng Lời Chúa đang sinh hoa trái. Và trong bài Phúc Âm, chúng ta thấy người Samaritain bị phong cùi đã quỳ lạy dưới chân Chúa Giêsu : người ấy đã nhận ra nơi Chúa là cội nguồn của sự chữa lành. Còn về phần chúng ta, chúng ta đã được mời gọi cảm tạ Chúa về tất cả những gì Người ban cho chúng ta. Rất nhiều khi chúng ta chỉ thấy những gì không ổn và chúng ta quên rằng Thiên Chúa vẫn có đó giữa cuộc đời chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy cảm tạ Chúa bằng những lời tán dương và bằng cả cuộc đời mình.
Ước muốn duy nhất của Chúa là thấy con người đứng thẳng, vui sống và sống yêu thương. Thánh Irénée thành Lyon đã nói điều đó với chúng ta theo cách nói của người : « Vinh quang của Chúa chính là cuộc sống của con người, và chúng ta sống là để chiêm ngắm Thiên Chúa » Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để có được sự sống tràn đầy. Chúa không chỉ bằng lòng với việc chữa lành chúng ta. Với Người, chính cánh cửa của Sự Sống đời đời đã mở ra. Và chúng ta phải làm chứng về sự cứu độ này nơi những con người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời.
Trong suốt tháng Mân Côi này, chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria. Trong kinh Magnificat, Mẹ không chỉ cảm tạ Thiên Chúa về những gì Chúa làm nơi Mẹ mà còn cảm tạ những gì Chúa đã hành động trong lịch sử Cứu Độ. Khi cử hành phép Thánh Thể, chúng ta cùng hiệp nhất với lời tạ ơn của Mẹ Maria và chúng ta cầu xin Mẹ hãy giúp chúng ta luôn trung thành với sứ vụ đã được giao cho chúng ta.
Louis Nguyễn Hữu Thăng (biên dịch)