LỄ DÂNG ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH

Ml 3,1-4; Lc 2,22-40

Chủ đề: Chúa đến trong Đền Thánh của Người, hoàn tất ơn cứu độ

* Ml 3,1.3: Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào Thánh Điện của Người. Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và thanh luyện chúng.

* Lc 2,2.30-32: Khi đã đủ thời gian… bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa.

Người chính là ơn cứu độ… là ánh sáng soi đường cho muôn dân.

          Hôm nay ngày 2 tháng 2, đúng bốn mươi ngày sau lễ giáng sinh ngày 25 tháng 12, Giáo Hội mừng lễ DÂNG CHÚA GIÊSU trong ĐỀN THỜ.

          Về mặt lịch sử (x. Lm Nguyễn Văn Trinh, “phụng vụ chư thánh tập 1”, 1968 trang 68). Thánh lễ bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh đã có từ thế kỷ V tại Giêrusalem và được mừng trọng thể như lễ Phục Sinh.

          Giáo Hội Đông Phương hiểu Thánh lễ này như lễ GẶP GỠ CỦA CHÚA: Đấng Mêsia bước vào Đền Thờ và gặp Dân Thiên Chúa Cựu Ước, ngang qua hai đại diện số còn sót lại là SIMÊON và ANNA.

Đến năm 650 lễ này du nhập vào Rôma. Giáo Hội Tây Phương coi đây là thánh lễ mừng kính ĐỨC MARIA: thanh tẩy Đức Maria theo Luật Do Thái (Lv 12). Và đến thời Đức Giáo Hoàng Sergiô I (687 -701), ngài thêm vào lễ này nghi thức rước nến nhằm làm nổi bật vai trò “Ánh sáng cho dân ngoại, vinh quang cho Israel” (Lc 2,32). Vì thế từ thế kỷ thứ VIII, Thánh lễ này còn được gọi là LỄ NẾN.

          Cội nguồn Kinh Thánh của ngày lễ:  nền tảng của lễ này dựa trên Lc 2,22-24. Trong đoạn Tin Mừng trên, Luca đã phối hợp hai điều luật của Môsê làm thành MỘT. Đó là:

          1/ Luật thánh hiến con đầu lòng cho Thiên Chúa:

          Theo Xh 13, 1-3a.11-16, Luật không xác định rõ ngày giờ, nơi chốn dâng con, nhưng chỉ buộc dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa để tưởng nhớ việc Thiên Chúa đã can thiệp mạnh, sát hại các con trai đầu lòng Ai Cập để cứu dân ra khỏi ách nô lệ diệt vong của Pharaô. Vì thế, các con trai đầu lòng Do Thái, của loài vật cũng như con người, phải thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là phải hiến tế cho Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa cấm sát tế con người và không nhận lễ tế các loài vật ô uế, nên sẽ phải chuộc lại bằng chiên hoặc

          Theo Ds 18,16 phải chuộc lại bằng tiền trị giá là 5 sê-ken theo đơn vị đo lường của thánh điện; Và sách Dân số ấn định thời gian là trong vòng một tháng sau khi sinh.

          2/ Luật thanh tẩy người mẹ

          Theo Lêvi 12,1-8 khi một phụ nữ sinh con trai, thì sẽ bị ra ô uế trong bảy ngày… rồi phải đợi thêm ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy… khi mãn bốn mươi ngày thanh tẩy, nó đem đến cho tư tế ở Lều Hội Ngộ một con chiên… hay một con chim gáy làm lễ tạ tội… Tư tế sẽ … cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ được thanh tẩy…

          Vậy là Lc 2,22-24 là sự trộn lẫn hai luật Cựu Ước xưa.

          Ý nghĩa phụng vụ của ngày lễ:

          Trong phụng vụ, bản văn Lc 2,22 -40 đã được phối hợp với Ml 3,1-4 làm bài đọc 1, thay vì phối hợp với hai bản văn luật Xuất hành và Dân số, Giáo Hội muốn đưa chúng ta vào chiều kích mới của biến cố cha mẹ Hài Nhi Giêsu đưa con và Đền Thờ dâng cho Chúa.

          Ý nghĩa chuộc lại đứa con, thanh tẩy người mẹ bị mờ nhạt hẳn đi vì thực ra Đức Giêsu là chính Thiên Chúa, Maria là Đấng hoàn toàn tinh sạch, nên hai ý nghĩa do Luật Cựu Ước đòi hỏi không còn phù hợp cho các Đấng. Ý nghĩa mới được Giáo Hội nhấn mạnh: đó là qua việc Maria và Giuse dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ, Lời ngôn sứ Ml 3,1-4 được ứng nghiệm: thời điểm Thiên Chúa đích thân ngự đến Đền Thờ của Người đã đến; Người chính là Hài Nhi Giêsu.

          Thật vậy, trong bài đọc 1, Malakhi báo trước sẽ có ngày Thiên Chúa đích thân ngự đến Đền Thờ của Người, thực hiện việc tẩy luyện dân Chúa, nhất là hàng tư tế để từ nay mọi lễ vật Dân Chúa tiến dâng đều đẹp lòng Chúa.

              Sấm ngôn của Malakhi nay ứng nghiệm nơi biến cố Hài Nhi Giêsu được cha mẹ dâng tiến vào Đền Thờ. Hài Nhi chính là Thiên Chúa ngự đến Đền Thờ là nhà của Người đáp trả lại niềm khát mong của Số Sót lại mà Simêon và Anna là đại diện; hơn thế nữa Người là vinh quang cho Dân Chúa và Ánh Sáng rạng soi dân ngoại.

          Với Thập Giá và Phục sinh của Đức Giêsu – được cụ Simêon tiên báo (2, 34-35) Đức Giêsu đã chuộc lại tất cả, thanh tẩy tất cả; Người trở thành “Trưởng Tử (con đầu lòng) của mọi thọ sinh” (Cl 1,15) thỏa đáp mọi Luật điều của Thiên Chúa. Vấn đề còn lại nơi ta là hãy để Đức Giêsu thành ánh sáng rạng soi đời ta, để vinnh quang Người chiếu tỏa trên ta.

Frère Pierre Đình Long FSC