CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN C

2V 5,14 – 17 ; Lc 17,11 – 19

Chủ đề: Đức tin, lòng biết ơn và việc được chữa lành đích thực.

* 2V 5,17b : Naaman đã được sạch… ông trở lại gặp “người của Thiên Chúa” …và nói “… tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA.

* Lc 17,16.19 : Người Samari thấy mình được khỏi liền quay trở lại… tôn vinh Thiên Chúa… sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn… Đức Giêsu nói “…lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

          Một trong những mối bận tâm, lo lắng hàng đầu của nhân loại mọi thời, đó là bệnh tật, đau ốm; nhất là những bệnh kéo theo sự ghê tởm, xa cách của xã hội về mặt thể chất cũng như tinh thần. Ngày nay khi nói đến SIDA, thì phản ứng đầu tiên của người nghe là liên hệ căn bệnh này với vấn đề luân lý, đặc biệt là tình dục, khiến người bệnh vừa đau đớn về thể xác, vừa khổ não về tinh thần. Và trong tình trạng khốn cùng ấy còn tệ hại hơn nữa nếu như có kẻ ác tâm, ác khẩu gán luôn cho bệnh nhân cái nhãn “bị trời phạt”.

          Thời Cựu Ước và thời Đức Giêsu, nhân loại chưa biết đến bệnh SIDA (AIDS = liệt kháng), nhưng một bệnh khác cũng bị người đương thời gièm xiểm đủ điều, khiến bệnh nhân vừa đau đớn xác thể, vừa không còn chỗ đứng trong cộng đồng Dân Chúa. Đó là bệnh PHONG CÙI. Bệnh nhân cùi bị coi là phường tội lỗi, nên bị Chúa đánh phạt như thế (x. Đnl 28, 15.27.35 ; Ds 12,10 – 15 ; 2Sbn 26,19 – 23) ; bị xã hội, cộng đoàn xua đuổi, loại trừ cho đến khi được lành bệnh (x. Lv 13,45 – 46) ; Người nào bị đụng tới người cùi cũng sẽ bị ra ô uế (x. Mt 8,1 – 4, nốt “5”, CGKPV “Tân Ước” 1994) ; và đối với người Do Thái, không ai có thể chữa lành được bệnh cùi, ngoại trừ Thiên Chúa (x. 2V 5,7 so 1Sm 2,6).

          Bài đọc 1 và Tin Mừng đều nói đến việc chữa lành THÀNH CÔNG bệnh cùi : Elisa chữa cho tướng quốc Naaman người Syri ; Đức Giêsu chữa cho mười người cùi. Cách chữa lành là gián tiếp ngang qua một lệnh truyền đòi phải thực hiện một điều kiện nào đó. Khi thi hành điều kiện xong, bệnh được chữa lành. Tuy nhiên điểm chính mà Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh là thái độ ĐÁP TRẢ của người được chữa lành :

          1/ Trước nhất là LÒNG TIN được biểu lộ qua việc tìm đến với Đấng chữa lành và nhất là thi hành lệnh truyền được đưa ra.

          2/ Tiếp đến là LÒNG BIẾT ƠN biểu lộ qua việc quay lại với Đấng chữa lành mình để tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa. Từ đó cuộc đời người được chữa lành thay đổi, rẽ qua một hướng khác, thành con người mới trong Chúa.

          Bài đọc 1 trích từ sách Các Vua quyển 2, thuật lại việc ngôn sứ Elisa chữa lành bệnh cùi cho tướng chỉ huy quân đội của nước Aram, lúc đó đang thù nghịch với Israel. Tình yêu Thiên Chúa không loại trừ ai, miễn là khiêm tốn có lòng tin để đón nhận.

          Văn mạch 2V 5,8 – 12 cho thấy rằng: ban đầu khi nghe lệnh truyền của Elisa, vị tướng này, tự cao vì địa vị của mình và tự hào dân tộc, đã nổi giận không nghe lời ngôn sứ. Nhưng may có người tôi tớ khôn ngoan khuyên nhủ, nên ông đã thay đổi thái độ : Ẩn nhẫn nghe lời khuyên của tôi tớ ; làm theo lệnh truyền của ngôn sứ, đến sông Giodan dìm mình bảy lần ; Và kết quả tuyệt vời quá sức mơ ước : Chẳng những được lành bệnh mà còn hồi xuân trẻ lại, da thịt nên như da trẻ nhỏ. Nhưng điều quan trong hơn là ông được chữa lành về linh hồn. Con người ông thay đổi hoàn toàn : Ông trở nên khiêm tốn trở lại gặp “người của Thiên Chúa” để tạ ơn ! Và tuyệt vời nhất là ông thay đổi cả niềm tin : ông từ bỏ thần linh của xứ sở ông để tuyên xưng rằng : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ Israel” (5,15). Rồi khi Elisa từ chối quà tặng, ông đã xin được rước Thiên Chúa của Israel về tận xứ, tư dinh của ông để tôn thờ : Ông xin hai xe đất của xứ Israel, đem về nhà làm thành bàn thờ để từ nay CHỈ DÂNG LỄ TOÀN THIÊU VÀ HY LỄ CHO THIÊN CHÚA ISRAEL MÀ THÔI (5,17).

          Vậy sứ điệp Lời Chúa không nằm ở việc chữa lành bệnh cùi phần xác mà là chữa lành “bệnh cùi linh hồn” : Naaman trở thành tín hữu đạo Yavê, thành con Thiên Chúa.

          Cùng một sứ điệp, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành mười người cùi ngang qua việc truyền lệnh cho họ thi hành một bổn phận theo như Luật dạy (x. Lv 14,2). “Đức Giêsu không chữa lành họ ngay tức khắc, nhưng ra lệnh cho họ làm một việc theo Luật, việc họ tuân lệnh giả thiết là họ tin rằng họ sẽ được lành. Thật vậy, theo lề luật, người cùi phải đến trình diện tư tế không phải để được chữa lành nhưng để tư tế xác nhận là bệnh nhân được lành sạch. Vậy khi ra lệnh cho các người cùi chấp hành lề luật NHƯ THỂ HỌ ĐÃ ĐƯỢC LÀNH BỆNH RỒI, Đức Giêsu đòi họ phải biết VÂNG LỜI TRONG ĐỨC TIN ; Và Người muốn hành vi tín thác đó phải được thể hiện bằng việc “TUÂN PHỤC LỀ LUẬT”. (GHHV Đà lạt “chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C” trang 357). Kết quả tuyệt vời : Tất cả đều lành bệnh phần xác.

          Phần hai của bài đọc Tin Mừng (17,15 – 19) nói đến thái độ đáp trả của các bệnh nhân sau khi được lành bệnh : Chỉ có một người, mà lại là người Samari, quay trở lại “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn”: Và hành vi “sấp mình tạ ơn” đó, được Đức Giêsu cắt nghĩa là “tôn vinh Thiên Chúa”. Như vậy Luca đã kín đáo nói cho độc giả của mình rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chính trong tư cách thần linh ấy, Đức Giêsu đã nâng hành vi nhân bản “BIẾT ƠN” trở thành hành vi đức tin có đủ năng lực chữa lành bệnh cùi : “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

          Vậy sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay nhắm đến là CHỮA LÀNH TÂM LINH : Sau khi được chữa lành phần xác, con người của bệnh nhân biến đổi tích cực, được biểu lộ ra bằng lòng biết ơn, nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong người đã chữa lành mình để rồi sẵn sàng sống đời sống mới của một thần dân, của một môn đệ và chóp đỉnh là của một người con Thiên Chúa.

Frère  Đình Long FSC