CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Is 55,6-9; Mt 20,1-16a

Chủ đề: Phải chấp nhận đường lối Chúa,
vì đường lối Chúa khác xa và vượt hẳn đường lối con người.

* Is 55,9: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối, tư tưởng của Ta cũng cao hơn của các ngươi như vậy.

* Mt 20,14: Hãy cầm lấy phần của các bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.

Lời Chúa Chúa Nhật XXV A trình bày cho chúng ta hai cách SUY TƯ (tư tưởng) dẫn đến hai lối HÀNH ĐỘNG (đường lối) khác nhau: một của Thiên Chúa và một của con người. Khổ thay, hai lối suy tư và hành động này lại TRÁI NGƯỢC nhau. Điều ấy đưa đến sự việc là con người phản kháng lại tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, trên bình diện lịch sử dân tộc (bài một) lẫn trên bình diện cá nhân của từng người (Tin Mừng).

Trước thực tế đó, Lời Chúa hôm nay thuyết phục con người hãy chấp nhận tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, bởi vì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa khác xa, VƯỢT TRỘI so với tư tưởng, đường lối phàm nhân. Từ đó Lời Chúa mời con người thay đổi não trạng, lo hoán cải để có thể khám phá ra đường lối Thiên Chúa ngay trong cuộc sống mình qua mọi biến cố và sẵn sàng tuân theo đường lối đó. Để có thể làm được điều khó khăn đó:

  • Trước hết con người phải cố tâm, kiên trì biện phân tìm xem đường lối, tư tưởng Chúa là gì?
  • Rồi xin ơn Chúa để có thể khiêm tốn đón nhận Ý Chúa.
  • Và cuối cùng là THỜ LẠY THÁNH Ý CHÚA TRONG ĐỜI MÌNH (Gioan Lasan) và chỉnh sửa mọi sự theo đường lối tư tưởng Chúa.

Và Lời Chúa cũng nhắc nhở cho chúng ta rằng: cho dù là những biến cố lớn lao xảy ra trong dòng lịch sử, hoặc chỉ là những sự việc nhỏ nhặt thường ngày của kiếp người thì TẤT CẢ đều có thể là nơi Thiên Chúa dùng để bày tỏ tư tưởng và đường lối của Chúa. Xin Chúa giúp ta sáng suốt biện phân.

Bài đọc một là lời mời gọi, là một sứ điệp trấn an, khích lệ của Isaia đệ nhị gởi đến cho đám dân Do Thái đang bị lưu đày Babylon. Họ đang mỏi mòn chờ đợi ơn cứu độ đã được Chúa hứa; Nhưng gần 50 năm lưu đày rồi mà không thấy một dấu chỉ hi vọng nào: dân thì yếu đuối, bé nhỏ, xa quê, không có chính quyền, không vũ khí…làm sao thoát ách được khỏi tay Babylon hùng mạnh, đầy quyền năng. Thực tế ấy đã nảy sinh trong dân những tâm tình thất vọng, những tư tưởng nghi ngờ đường lối, ý định của Thiên Chúa: Chúa đã bỏ dân rồi, Chúa đã ẩn mặt khép kín từ tâm. Từ đó họ mất niềm hi vọng, họ buông thả, không còn tìm kiếm, khẩn cầu Chúa nữa.

Chính trong cảnh tối tăm cả hồn lẫn xác ấy, lời ngôn sứ lại đến với họ nhằm khích lệ, vực dậy lòng tin của họ. Bài đọc một bắt đầu bằng một lời thức tỉnh dân, cứu họ khỏi tư tưởng tuyệt vọng: Thiên Chúa đang ở kề bên dân, Thiên Chúa muốn dân đến gặp, khẩn cầu Người. Cách nói trên hàm ý chủ đề THỨ THA, tội dân đã đền xong, án phạt đã thực hiện dư thừa rồi (x.Is 40,2). Vậy hãy vượt qua sợ hãi, thất vọng mà quay về với Thiên Chúa. Cụ thể là từ bỏ đi những tội ác, bất trung của quá khứ; Hãy bỏ đi những lối suy nghĩ, hành vi lầm lạc trước kia, chuẩn bị mình đón nhận tư tưởng, đường lối mà Thiên Chúa sắp tỏ hiện. Và ngôn sứ chỉ giải thích cách ĐƠN GIẢN: vì tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa trổi vượt hơn của con người giống như trời cao hơn đất. Rồi một biến cố lịch sử đã chứng minh cho lời ấy của ngôn sứ: Kyrus, một ông vua dân ngoại Thiên Chúa đã dùng để cứu dân.
Trong Tin Mừng để minh họa cho chủ đề đường lối, tư tưởng Chúa vượt trội, ĐỨC GIÊSU kể ra một dụ ngôn quen thuộc đối với chúng ta. Đó là dụ ngôn: “Ông chủ thuê thợ làm vườn nho”. “Thợ” ở đây thật ra là những người thất nghiệp, thường tụ tập lại ở một nơi công cộng chờ có người đến thuê đi làm (câu 6-7). Công nhật một ngày là một đồng và chủ bao ăn cả ngày. Ông chủ trong dụ ngôn đã thuê thợ làm nhiều đợt với hai lời thỏa thuận: 

  • 6 giờ ông ra thuê một nhóm: Lương thỏa thuận một đồng một ngày, bao ăn. Đối với người thất nghiệp đây là niềm vui lớn, một ước mơ.
  • 9 giờ ông ra tìm và gặp một đám thất nghiệp khác….rồi 12 giờ, 15 giờ, thậm chí 17 giờ. Tất cả đều được mời làm vườn nho với lời hứa “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bình”.

Đến 18 giờ, chủ sai đầy tớ trả lương cho thợ. Sự việc xảy ra thật bất ngờ: tất cả thợ đều được một đồng như nhau. Thế là những thợ làm từ 6 giờ đã so đo rồi trách chủ. Hai tầm nhìn khác nhau đã đưa tới xung đột.
1/ Tầm nhìn so đo ganh tỵ dựa trên những gì mình làm được mà quên mất phận thất nghiệp của mình và tiền lương đã được thỏa thuận.
2/ Tầm nhìn do lòng tốt, lòng quảng đại thương đến phận hèn của người cùng khốn và muốn nâng họ lên.
Tóm lại đã chọn tin theo Chúa thì phải có tầm nhìn của Chúa. Xin thương hoán cải chúng con biết chỉnh sửa đời mình theo tư tưởng và đường lối Chúa.

 

Bài 2

“Này bạn…bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?…Còn tôi…chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt  về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,13.15).

Từ lúc bắt đầu rao giảng công khai (Mt 4,12) cho đến hết Mt 18, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu chủ yếu là ở vùng Galilê. Sau bài diễn từ bốn, nói riêng cho Nhóm môn đệ thân tín (18,1), về đời sống cộng đoàn trong Giáo Hội, Đức Giêsu rời Galilê, bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem (19,1). Những gì Đức Giêsu thực hiện trong cuộc hành trình này được Tin Mừng Mt tóm lại trong hai chương 19 và 20. Qua chương 21, Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem.

Sứ điệp của Mt 19-20 qui về điểm: có sự đối nghịch giữa đường lối của Thiên Chúa và đường lối của con người. Thật vậy:

  • Cuộc hành trình này mở đầu bằng một cuộc đối kháng về vấn đề hôn nhân: đường lối của con người là cho phép rẫy vợ, còn Đức Giêsu thì không cho (19,3-9). Điều đó gây xốc cho các môn đệ: vậy thì đừng lấy vợ còn hơn (19,10). Lợi dụng dịp đó, Đức Giêsu mời các môn đệ sống tình trạng khiết tịnh độc thân tự nguyện vì Nước Trời (19,11-12)
  • Người đời thì tôn trọng kẻ lớn, còn Đức Giêsu dạy rằng Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em (19,13-15).
  • Trong tương quan với tiền của và sự sống đời đời: con người cậy dựa vào công nghiệp, vào giàu có; Đức Giêsu đòi bỏ tất cả những thứ đó để đi theo Người (19,16-22), và Người công bố ai dám bỏ mọi sự mà đi theo Người thì sẽ được phần thưởng xứng đáng là sự sống đời đời làm gia nghiệp (19,27-29).
  • Một nét đối nghịch khác giữa Thiên Chúa và con người đó là động cơ của mọi hành động: Thiên Chúa hành động vì yêu thương, quảng đại tốt bụng vì lợi ích của tha nhân, còn con người hành động vì ghen tức, vì so đo, chỉ thấy “công nghiệp” của mình, tưởng rằng Thiên Chúa đối xử bất công với mình (20,1-15).
  • Và chóp đỉnh của sự đối nghịch là con đường Thập Giá (20,17-19): Trong lúc Đức Giêsu hướng về Thập Giá thì, ngay cả Nhóm môn đệ thân hữu lại ganh tị nhau, tranh nhau đi tìm địa vị (20,20-23); Các ông muốn làm lớn để tìm hưởng thụ thì Đức Giêsu tìm phục vụ (20,24-28).
  • Cuộc hành trình đầy những đối kháng này kết thúc bằng một phép lạ tại Giêricô, trước khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem: mở mắt cho hai anh mù nhờ đó họ mới “nhìn thấy được và đi theo Người” (20,29-34). Phép lạ cuối cùng của Đức Giêsu làm trước đám đông trong Tin Mừng Matthêu.

Qua phép lạ cuối cùng này và được đặt ở văn mạch này, có lẽ Matthêu muốn gởi tới các độc giả của sách Tin Mừng thứ nhất một sứ điệp: các môn đệ lẫn đám đông (có hai anh mù) để có thể “nhìn thấy được” (hiểu con đường thập giá) và dám “đi theo Người” (20,34) thì cần phải có sự can thiệp mạnh của Thiên Chúa mở mắt họ ra giải cứu họ khỏi những tư tưởng đối nghịch với đường lối của Thiên Chúa mà cho đến giờ này vẫn còn che mắt họ.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về cách thức trả lương công nhật lạ lùng của một ông chủ áp dụng cho các thợ công nhật được ông thuê vào làm vườn nho của mình. Cách làm này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người vì họ cho rằng chủ đối xử bất công với họ. Nhưng đó lại là cách ứng xử của Thiên Chúa nhằm ban ơn cứu độ cho TẤT CẢ mọi người. Ơn cứu độ trước tiên là một ân huệ cho không do lòng tốt của Thiên Chúa chứ không phải là “tiền công” mà con người, khi làm được chút việc nào đó cho Chúa, có quyền đòi hỏi theo chuẩn mực do mình tưởng tượng thêm ra (20,10), bất chấp giao kèo đã được mình vui mừng tự nguyện cam kết (20,2.13).

“NƯỚC TRỜI GIỐNG NHƯ” Lưu ý: dụ ngôn này Đức Giêsu nói đặc biệt cho Nhóm môn đệ thân tín (19,23.27), họ đang cố gắng đi theo con đường mà Đức Giêsu đang đi dù chưa hiểu rõ lắm, chưa mặn mà lắm với con đường Thập Giá lạ lùng đó của Người. Họ vẫn còn lấy những chuẩn mực trần thế để ứng xử với nhau. Đức Giêsu không ngừng cảnh tỉnh họ. Vì nơi Đức Giêsu sắp đưa họ đến là Nước Trời; Một nơi mà cách ứng xử hoàn toàn khác với những gì mà người đời lẫn môn đệ thường mơ tưởng.

Câu chuyện Đức Giêsu sắp kể ra đây là câu chuyện về Nước Trời, chuyện xảy ra trong Nước Trời. Thật vậy trong cõi đời này không có ông chủ nào lại ứng xử lạ kỳ như ông chủ ở trong dụ ngôn này. Đức Giêsu đem chuyện Nước Trời kể cho người trần là để mời họ NẾU muốn vào sống TRONG NƯỚC TRỜI thì bây giờ hãy lo chuẩn bị tập sống theo cung cách ứng xử như được kể trong dụ ngôn.

Chủ ra mướn thợ làm vườn: thời Đức Giêsu, những người thất nghiệp hoặc làm thuê thường tụ họp ở các công trường hay cổng thành vào sáng sớm hi vọng có người đến thuê đi làm. Tiền công nhật của thợ phổ thông là một quan tiền. Ông chủ này là người sòng phẳng minh bạch: thỏa thuận tiền công đúng giá không chèn ép.

Trong ngày, chủ ra thuê thợ nhiều đợt:

  • Đợt một: chủ giao kèo, thỏa thuận tiền công rõ ràng với thợ.
  • Đợt hai: thuê lúc 9 giờ, không có giao kèo gì cả về tiền công, chủ chỉ hứa “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”.
  • Đợt ba: lúc 12 giờ, cùng một tình trạng như nhóm đợt hai.
  • Đợt bốn: thuê lúc 17 giờ. Không giao kèo, không lời hứa, chủ chỉ bảo vào làm vườn, hàm ý lương bổng “tính sau”.

Chỉ trừ nhóm một có giao kèo về tiền công. Còn đối với các nhóm sau, chủ hoàn toàn nắm thế chủ động. Bình thường thì càng vào làm trễ thì càng ít tiền công. Cho đến giây phút này, mọi sự diễn tiến bình thường, các nhóm thợ đều an phận với công việc của mình…

Yếu tố bất ngờ gây xáo trộn: cách trả lương của ông chủ.

Mọi sự xảy ra khởi phát từ cách trả lương của ông chủ như là một khiêu khích đối với nhóm thợ đợt một. Thật vậy, nếu ông trả công trước cho họ để họ vui vẻ ra về, rồi sau đó cứ tự nhiên làm theo ý ông thì đâu có chuyện gì xảy ra. Trái lại, ở đây, chủ lại trả công cho nhóm chỉ làm một giờ trước mà tiền công lại là công của cả một ngày làm việc vất vả.

Phản ứng của các thợ nhóm một (20,10-12)

Không thấy nói đến phản ứng của nhóm hai và ba. Có lẽ họ cũng được một quan tiền, và như vậy là quá tốt đối với họ rồi: Họ cũng đã được phần hơn so với những gì họ đã làm. Vấn đề phát sinh từ nhóm một.

  • Trước tiên, nảy sinh trong trí lòng họ một ý nghĩ đột xuất không hề có nơi họ trong suốt cả ngày làm việc. Cả ngày họ hạnh phúc với ý tưởng sẽ nhận được một quan tiền vào cuối ngày như đã cam kết.
  •  Thế nhưng khi thấy người vào làm lúc 17giờ vẫn được chủ trả công một quan tiền thì cách suy nghĩ của họ liền thay đổi chớp nhoáng: Yếu tố dùng để lượng giá công việc không còn là lời cam kết với chủ nữa mà là sự ganh tỵ, so bì giữa thời lượng họ làm với thời lượng của người bắt đầu làm lúc 17 giờ. Họ muốn chủ phải bỏ đi giao kèo song phương đã được thỏa thuận thuở ban đầu để làm theo ý hướng đơn phương chợt đến nhất thời của họ.

Xét theo cái nhìn hơn thua, so bì của trần thế thì “ý tưởng đột xuất” của nhóm thợ một cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ở đây ĐỨC GIÊSU đang nói về Nước Trời. Ai muốn vào định cư ở Hoa Kỳ thì phải biết luật và cách ứng xử của dân Mỹ và tập làm theo đó, không thể đòi nước Mỹ phải sửa luật cho vừa với lý luận riêng thất thường của mình.

Đáp trả của chủ (20,13-15)

  • Chủ nhắc lại giao kèo ! Chủ không bất công với người nhóm một. 

Chủ vẫn trả lương đúng giao kèo và mời họ ra khỏi nhà ông, kèm theo câu nói tưởng chừng như khiêu khích “còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?” (20, 14b-15a), nhưng thực ra đó là mấu chốt để hiểu dụ ngôn: 

Nước Trời là hồng ân cho không của Thiên Chúa. Trong ĐỨC GIÊSU, Thiên Chúa đã quảng đại ban tặng trọn vẹn Nước Trời cho những ai cộng tác với Chúa nổ lực lao công xây dựng Nước Trời tại thế dựa theo cách tính giờ của Chúa: từ lúc được gọi cho tới hết ngày. Tất cả đều được mời vào làm việc trong vườn nho Nước Trời bằng một lời mời gọi “hãy vào làm vườn nho của Ta”. Bắt đầu từ giây phút đó, tất cả đều là công nhân của Nước Trời, bình đẳng với nhau. Sứ điệp của dụ ngôn là: Hãy chấp nhận đường lối của Thiên Chúa; Hãy vui mừng vì được làm công nhân Nước Trời; Hãy biết và vui hưởng quy chế của Nước Trời ngay tại thế này, đừng để những yếu tố phàm trần lôi cuốn làm lạc hướng.

  • “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức (20,15) 
  • Từ lí do khách quan: Giải thích việc mình làm dựa trên giao kèo, trên quyền sở hữu và sử dụng tài sản của chủ, lời đáp của chủ trở thành lời tố giác vạch ra cái thâm tâm xấu xa của những người thuộc nhóm một: họ ganh tị! Họ không ganh tị với những người ở các nhóm khác, nhưng là ganh tị với chủ, vì cách cư xử của ông. Lòng tốt của chủ bị họ đánh giá là “bất công” (20,13b).
  • Kết quả: họ vẫn được hưởng một quan tiền cách công bằng đúng như công sức của họ. Điều gì Thiên Chúa hứa ban, Người không lấy lại. Nhưng chúng ta đón nhận và hưởng ân huệ đó trong tâm trạng nào? Biết ơn hay ghen tị?

Nếu “ganh tị” thì ân huệ Nước Trời thành nỗi ấm ức cho ta. Ông chủ trở thành người bất công, áp bức. Việc làm cả ngày của tôi là một khổ dịch, chứ không còn là niềm vui “có được công ăn việc làm” (20,12).

Vậy hãy mở rộng lòng ra mà đón nhận Nước Trời với lòng biết ơn, đừng so đo ganh tị. Hãy tôn trọng đường lối của Thiên Chúa và thờ lạy cách cư xử của Người. Lưu ý, bài dụ ngôn này là câu đáp của Đức Giêsu cho Phêrô khi ông đặt vấn đề với Người: “Thầy coi…chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” (19,27). Đặt vấn đề như vậy khác nào là “kể công” với Đức Giêsu! Đó chính là nguyên nhân đưa tới ganh tỵ trong dụ ngôn. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của “công nghiệp” (x.Mt 19,17c.20.21; 20,28-29), nhưng như nói theo kiểu toán học: “công đức” chỉ là điều kiện “ắt có” nhưng “chưa đủ”. Đức Giêsu bổ sung: chính lòng tốt của chủ mới là căn nguyên đích thực của việc Nước Trời được ban nhưng không, vô điều kiện cho ta.

Hãy đón nhận Nước Trời với tấm lòng biết ơn quảng đại vui mừng với mọi người. Khi thấy Thiên Chúa ban tặng Nước Trời cho tất cả mọi người.

Frère Pierre Đình Long FSC