CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – năm B

Bài 1

Is 55,1-11; Mc 1,7-11
Chủ đề: Đảm nhận phận người tội lỗi, Đức Giêsu hồi phục nhân loại.

* Is 55,7: Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình đang theo…và Thiên Chúa sẽ xót thương rộng lòng tha thứ.

* Mc 1,9.14: Đức Giêsu được ông Gioan làm phép rửa…Người vừa lên khỏi nước…có tiếng từ trời phán: “Con là con yêu dấu của Cha”.

Với biến cố đến gặp Gioan ở sông Giođan và xin ông làm phép rửa cho mình, Đức Giêsu đã khép lại giai đoạn sống ẩn dật tại Nadaret, và bước vào giai đoạn cuộc sống công khai, ra đi rao giảng Tin Mừng, thực hiện sứ mạng “cứu dân Người khỏi tội lỗi” (x.Mt 1,21b). Giai đoạn “cứu dân khỏi tội” này được khai mạc bằng một biến cố lạ lùng: Người là Đấng Vô Tội, vậy mà lại hòa mình với đám tội nhân ô uế và xin Gioan làm phép rửa cho mình như họ. Điều đó làm Gioan kinh ngạc và sợ hãi, nên ông đã từ chối. Tuy nhiên đó lại là ý định của Yavê: Đức Giêsu đã trả lời như thế để trấn an Gioan và khích lệ ông cứ làm đúng như thế (x.Mt 3,13-15).

Lệnh truyền của Đức Giêsu cho Gioan và thái độ tuân phục của Gioan đã được Yavê, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần xác nhận, ngang qua biến cố thần hiện xảy ra ngay sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa (x.Mc 1, 10-11; Mt 3,16-17; Lc 3,21-22).

Trong vườn Địa Đàng, con người phạm tội nhưng từ chối tội nên nhận loại trầm luân. 

Tại sông Giođan, Đức Giêsu vô tội nhưng tự nguyện chịu phép rửa, kết quả được Thiên Chúa công bố là CON. Đó là bước đầu hồi phục nhân loại.

Trong truyền thống phụng vụ của Hội Thánh, việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan lúc khởi đầu sứ vụ công khai, là một trong ba biến cố kinh thánh được phụng vụ sử dụng để diễn tả Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa làm người, tỏ mình ra cho nhân loại. Đối tượng đặc biệt mà biến cố hôm nay nhắm tới là TUYỂN DÂN ISRAEL, nhất là những con người đang thành tâm khát khao chờ đón Đấng Mêsia: họ thật lòng sám hối, nhận ra phận hèn tội lỗi của mình, đến cùng Gioan, đón nhận phép rửa tỏ lòng hoán cải trong niềm hy vọng được Chúa xót thương xóa bỏ lỗi lầm, chuẩn bị đón Đấng Cứu Tinh. Sám hối, nhận ra tội lỗi của mình là yếu tố tiên quyết từ phía con người, để có thể lãnh nhận được hồng ân tha thứ của Chúa, để ơn Chúa sinh hoa kết trái trong tâm hồn chúng ta (x.Mt 3,2; 4,17; Mc 6,12).

Lời Chúa năm B đề cập đến chủ đề HỒNG ÂN THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA, được tuôn đổ công khai xuống nhân loại khi con người chân tâm nhìn nhận lỗi lầm.

Trong bài đọc một, hồng ân tha thứ của Thiên Chúa được ngôn sứ Isaia diễn đạt ra bằng sấm ngôn mời gọi dân Chúa hãy đến hưởng dùng lương thực dồi dào do Chúa thiết đãi hoàn toàn miễn phí. Ăn uống các thứ cao lương mỹ vị mà không phải trả đồng nào. Cứ tự do mà đến hưởng dùng thỏa thích. Điều kiện duy nhất để được hưởng bữa tiệc thịnh soạn đó là TIN VÀO TÌNH YÊU CHO KHÔNG CỦA THIÊN CHÚA, cụ thể là LẮNG NGHE và TIN VÀO LỜI CHÚA rồi đến cùng Chúa.

Hình ảnh thứ hai để diễn tả hồng ân tha thứ của Chúa là Chúa sẽ thiết lập với Dân một giao ước vĩnh cửu để trọn bề nhân nghĩa với nhà Đavit; Chúa hứa sẽ làm cho chư dân thần phục nhà Đavit, quy tụ chư dân cho danh Đavit được vinh hiển.

Phần tiếp theo của bài đọc một là lời Thiên Chúa mời gọi dân phải có thái độ đáp trả tương xứng để hồng ân tha thứ của Thiên Chúa sinh trái nơi ta: 

  • Phải tận dụng thời gian Chúa còn cho gặp để tìm kiếm kêu cầu Chúa (6) – Phải bỏ đường gian ác tư tưởng lệch lạc để trở về cùng Thiên Chúa (c.7) – Bởi vì Chúa rộng lượng thứ tha và đường lối Chúa tư tưởng Chúa vượt xa con người (cc 7c.8-9).

Và bài một kết thúc bằng một dụ ngôn xác quyết rằng chắc chắn lời Chúa phán quyết sẽ sinh hoa kết trái.

Qua bài Tin Mừng, việc Đức Giêsu tỏ mình ra cho tuyển dân được thể hiện qua hai phương thức:

  1. Lời rao giảng của Gioan, tập trung vào con người của Đức Giêsu, bằng cách ông so sánh con người, sứ mạng của ông với con người và sứ mạng của Đức Giêsu: ông không dám cúi xuống cởi dây dép cho Người; ông làm phép rửa nhờ nước còn Đức Giêsu làm phép rửa trong Thánh Thần.

  2. Chứng từ của Thiên Chúa xác nhận lời rao giảng của Gioan: Đức Giêsu quả thật là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Thật vậy, phần này thuật lại việc Đức Giêsu đến với Gioan và chịu phép rửa. Ngay lúc Đức Giêsu vừa đảm nhận trách nhiệm của một phàm nhân tội lỗi, chịu phép rửa và vừa ra khỏi nước thì ngay lúc đó Người đã được Thiên Chúa bày tỏ vinh quang thần linh khi “Thần Khí Chúa tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người”. Các hình ảnh trên gợi lại công cuộc tạo thành mới: Nhận mình như tội nhân, rồi “ra khỏi nước” hàm ý nhân loại mới đã được thứ tha, được đổi mới; Với việc Đức Giêsu chịu phép rửa là khởi đầu một cuộc tạo thành mới. Và còn hơn thế nữa, tiếng Cha từ trời còn xác nhận Người là Con nghĩa là trong Đức Giêsu, nhân loại mới, nhân loại đã hồi phục được nâng lên hàng con Thiên Chúa.

Tội nhân Ađam đã chối tội, khước từ trách nhiệm đưa nhân loại tới hư vong; Con Thiên Chúa làm người đảm nhận trách nhiệm gánh tội trần gian đã hồi phục và còn nâng nhân loại lên hàng Con Thiên Chúa. Vậy hãy sám hối và kết hợp với Đức Giêsu để ta được thứ tha và vinh quang thần linh tỏ lộ trên phận hèn nhân loại.

Bài 2

“Vừa lên khỏi nước, Đức Giêsu liền thấy các tầng trời xé ra…Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời: “Con là con yêu dấu của Cha…” (Mc 1,10-11). 

Hôm nay Giáo Hội Rôma tưởng niệm biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Đây là một trong những lần Đức Giêsu bày tỏ vinh quang thần linh của Người qua xác phàm nhân loại của Người cho người trần được thấy. Lần này yếu tố đặc biệt được Người dùng để tỏ bày vinh quang lại là thân phận của một TỘI NHÂN. Đức Giêsu chẳng những đảm nhận phận làm người mà còn đảm nhận luôn mọi hậu quả tai hại của phận người tội lỗi làm của Người để hồi phục phẩm giá nhân loại và nối kết lại tương giao giữa trời và đất mà tội của Adam đã cắt đứt (x.St 3,24).

Vào thời điểm này, giai đoạn thơ ấu đã qua, Đức Giêsu đã khoảng 30 tuổi, tuy nhiên Người vẫn sống ẩn dật như một người Do Thái bình thường tại làng quê vô danh Nadaret (x.Ga 1,46a). Những giai thoại chấn động một thời chung quanh biến cố giáng sinh xảy ra ở Bêlem vào giai đoạn thơ ấu của Hài Nhi Giêsu đã là chuyện quá khứ. Dân quê Nadaret cách xa Bêlem hàng trăm cây số và cách biến cố giáng sinh đến 30 năm chắc chẳng ai còn bận tâm về những chuyện Hài Nhi Giêsu tỏ mình trong quá khứ ở Bêlem. Đối với họ, trước mắt, Đức Giêsu là một tráng niên, làm thợ mộc, con ông Giuse và bà Maria, là dân của làng Nadaret chẳng có chi đặc biệt. Để rồi theo Marcô, đến thời buổi trong dự tính của Thiên Chúa, chàng trai của xứ nghèo hèn NADARET ấy (chỉ một mình Marcô nói đến chi tiết này) đã đến cùng Gioan để được ông làm phép rửa như bao con dân khác của Israel.

Toàn bộ giai đoạn ẩn dật 30 năm của Đức Giêsu, Marcô chỉ gói gọn lại trong một câu: Mc 1,9.  Người chỉ là một người dân bình thường của một làng quê nghèo hèn tên Nadaret. Thế nhưng con người tầm thường ấy hôm nay hiển linh, được Thiên Chúa công bố là Con Thiên Chúa.

  1. Đặc điểm của lần “hiển linh” này:

Đây là lần hiển linh cuối cùng đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn ẩn dật và khai mở sang giai đoạn rao giảng công khai.

Lần này có những điểm mới so với những lần hiển linh trước kia trong thời thơ ấu: chủ thể thực hiện việc hiển linh không là Hài Nhi Giêsu mà là chính BA NGÔI THIÊN CHÚA. Đối tượng được đón nhận vinh quang hiển linh là chính Đức Giêsu. Thật vậy trong lần tỏ bày vinh quang thần linh này không chỉ một mình Đức Giêsu mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng loạt tỏ mình cách hữu hình qua những biểu tượng nhân loại cho phàm nhân được thấy: – Đức Giêsu hiện diện hữu hình trong thân phận con người – Chúa Thánh Thần dưới dạng chim câu – và Chúa Cha là tiếng nói từ trời.

2. Các yếu tố qua đó, Đức Giêsu biểu lộ vinh quang thần linh của Người.

“Vừa lên khỏi nước…” phối hợp với chi tiết “Thần Khí…ngự xuống trên Người” gợi nhớ lại công trình sáng tạo vốn được trình bày như là một công trình trị thủy: Thiên Chúa tách vũ trụ ra khỏi khối nước mênh mông phủ trùm tất cả (x. St 1,2.9). Đức Giêsu được trình bày như là trưởng tử của công cuộc sáng tạo mới. Khi sáng tạo, Thiên Chúa làm cho vũ trụ lộ hiện ra có trật tự khỏi khối nước hỗn mang nguyên thủy, nhưng khi con người phạm tội thì khối nước ấy lại úp chụp phủ lại toàn thể vũ trụ: Lụt Hồng Thủy. Nhân loại tội lỗi phải bị dìm ngập trong nước; “Ra khỏi nước” hàm ý được thứ tha, được đổi mới, được làm lại như Nôê”. “Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa là khởi đầu cuộc tạo thành mới” (CGKPV _ “Kinh Thánh Tân Ước” năm 2008, trang 193 nốt “i”).

“Đức Giêsu liền thấy các tầng trời xé ra”: khi Adam và vợ phạm tội, đã tìm cách chối quanh, không nhận trách nhiệm thì đã bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng và cổng vườn khép lại (x.St 3,24). Tín thác vào lời hứa St 3,15 nhân loại không ngớt nài xin Chúa mau “xé trời ngự xuống” (x.Is 63,19). Thế nhưng cửa Trời vẫn khép kín vì nhân loại chưa toàn tâm toàn trí nhận lỗi, lãnh trách nhiệm và hậu quả tội mình đã phạm. May thay giờ đây, một con người thật trong nhân loại, dù vô tội, vẫn đảm nhận trách nhiệm và mọi hậu quả của tội nơi mình, để cúi xuống nhận phép rửa cách thành tâm, theo đúng ý Chúa “cho trọn đức công chính” (x.Mt 3,15) thì ngay lúc đó “trời liền xé ra”. Trời đất lại nối kết giao hòa, tội và hậu quả của tội đã được khắc phục. Và điều tuyệt vời hơn nữa là: “Trời xé ra” không phải là để chờ con người quay trở lại mà là để cả Ba Ngôi Thiên Chúa đột nhập vào trần gian, biến trần gian lưu đày này thành nơi con người được công nhận, trao quyền làm con Thiên Chúa. Và quyền làm con đó không phải chuyện tương lai mà là ngay giây phút này: lúc Đức Giêsu chịu phép rửa xong, bước ra khỏi nước thì “tiếng từ trời” tuyên bố “con là con yêu dấu của Ta”. 

“Thấy Thần Khí ngự xuống trên Người”: Thiên Chúa hứa vào thời cánh chung, Thần Khí hiện diện trong công trình sáng tạo (x.St 1,2b) sẽ được tuôn tràn trên Đấng Mêsia (x.Is 11,2; 42,1; 61,1); Đồng thời Thần Khí cũng được tuôn ban rộng rãi cho Dân Chúa và mọi sự được canh tân đổi mới (x.Is 32,15-20; Ed 11,19-20; Ge 3,1-2…). Vậy qua chi tiết này, Đức Giêsu tỏ mình là Đấng Mêsia của Thiên Chúa và thời đại ân huệ Thần Khí bắt đầu.

“Như chim bồ câu”: Trong Mc 1,10 thì “chim câu” là biểu tượng của Thần Khí; Nhưng lúc Đức Giêsu chịu phép rửa thì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Thần Khí là Ngôi Ba Thiên Chúa chưa được tỏ hiện. Vậy “chim câu” ám chỉ điều gì?

  • Sau Hồng Thủy, Kinh Thánh mô tả sự sống mới là một “nhành lá ô-liu tươi” (x.St 8,11) vừa nhú mầm vượt qua biển nước và được CHIM CÂU mang về tàu trình diện cho Nôê; Tiếp đến là lời chúc phúc của Thiên Chúa mở đầu một kỷ nguyên mới (St 8,15-17.20-21), kỷ nguyên mà mọi tội lỗi đã được tẩy sạch nhờ nước hồng thủy. Xưa kia, Nôê là người công chính sống đẹp lòng Chúa nên được Thiên Chúa cứu để tái tạo nhân loại, thì nay Đức Giêsu là Nôê mới sẽ tái tạo nhân loại trong PHÉP RỬA do chính Người thiết lập vượt xa Hồng Thủy lẫn phép rửa của Gioan.

  • “Chim câu” trong truyền thống Do Thái còn là biểu tượng của chính Israel, đặc biệt là Israel đang trong cảnh cùng khốn khao khát được Chúa giải cứu trợ giúp (x.Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8;… Dc 1,15;2,14…). Vậy hình ảnh “chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giêsu” hàm ý là dân thiên sai đích thực phải xuất phát từ Đức Giêsu, là một con người đích thực và cũng là một con người đầy tràn Thần Khí, là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến thiết lập dân thiên sai của thời cánh chung.

“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”: Đây là chóp đỉnh cuộc tỏ mình hiển linh của Chúa Ba Ngôi. Đối tượng chính mà cuộc hiển linh đặc biệt này nhắm tới là chính Đức Giêsu. Chỉ trong một câu ngắn, dung mạo thiên sai của Đức Giêsu được minh họa rõ nét: tất cả Kinh Thánh nói về Người: Người là Vua, là Tư Tế, là ngôn sứ ở mức độ hoàn hảo. Thật vậy:

  • “Con là con Ta” (x.Tv 2,7): Ngày Thiên Chúa trao vương quyền cho Tân Vương, tức là ngày đăng quang, Thiên Chúa tuyên bố từ nay coi vua như con riêng của mình “CON LÀ CON TA, ngày hôm nay Ta đã sinh ra con…”. Qua chi tiết này, dung mạo “MÊSIA – VUA” của Đức Giêsu được tỏ lộ.

  • “Con yêu dấu” trích từ St 22,2 trong bối cảnh Thiên Chúa đòi tổ phụ Abraham hiến tế Isaac. Để làm nổi bật lên tầm quan trọng quý giá, duy nhất của hy tế, bản văn nhấn mạnh Isaac là “đứa con MỘT YÊU DẤU” mặc dù lúc đó Abraham cũng đã có Ismael rồi. Vậy khi nhấn mạnh đến khía cạnh hiến tế và lễ vật là quý hiếm nhất, Lời Chúa đã khai mở cho thấy dung mạo “MÊSIA – TƯ TẾ” của Đức Giêsu.

  • “Ta hài lòng về con”: mô phỏng Is 42,1 nói về Người Tôi Trung. Đó là nhân vật được Thiên Chúa mến yêu chọn lựa, kẻ Người hài lòng, được trang bị Thần Khí để mang đến cho mọi người tin vui cứu độ. Trong Is 42,1-7, bài ca số một về Người Tôi Trung, khía cạnh ngôn sứ trong sứ vụ thiên sai được nhấn mạnh. Vậy Đức Giêsu là “MÊSIA – NGÔN SỨ”.

Tóm lại: toàn bộ Kinh Thánh ( KETUBIM = văn phẩm: Tv 2,7; NƠBIIM = Ngôn sứ: Is 42,1; và TORAH = Luật: St 22,2) đều nói về Đức Giêsu, hiển linh dung mạo thiên sai cánh chung của Người. Đức Giêsu đảm nhận trong THÂN PHẬN LÀM NGƯỜI của Người toàn bộ niềm khát vọng của Cựu Ước về một Đấng Mêsia đảm nhận cùng lúc ba chức vụ vương đế, tư tế, ngôn sứ. Và với cái nhìn đức tin Tân Ước, trong biến cố này cả Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình. Vậy Đức Giêsu là Thiên Chúa.

Còn “số sót lại” của Israel? Họ là những người tin vào lời rao giảng của Gioan, đang quy tụ chung quanh ông để sám hối, thú tội, chịu phép rửa, mong được Chúa thứ tha (x.Mc 1,4-5). Họ được nghe Gioan loan báo về Đấng Mêsia: đó sẽ là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Đấng đó là ai thì chưa rõ. Nhưng ngay sau lời rao giảng là biến cố Ba Ngôi hiển linh mặc khải cho mọi nét linh thiêng nơi một con người tầm thường làng Nadaret tên Giêsu. Giêsu – Nadaret đó sẽ là người rửa họ trong Thánh Thần.

Đối với họ, việc Ba Ngôi hiển linh cho họ thấy chính là lời đáp trả mà Thiên Chúa ưu ái dành cho họ. Bầu khí sám hối, thú tội, chịu phép rửa rồi được tràn đầy Thần Khí, được nhận làm con khiến ta nghĩ ngay đến phép rửa tha tội nhân danh Ba Ngôi do Đức Giêsu thiếp lập sau này sẽ ban Thần Khí cho ta làm chúng ta nên con Thiên Chúa dám gọi Thiên Chúa là Cha (x.Rm 8,15-17).Nói cách khác, mở rộng tầm nhìn ra là Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ tiếp tục hiển linh ra cho dân mới của Chúa, ngay trong dòng lịch sử này, qua các BÍ TÍCH, nhất là BÍ TÍCH RỬA TỘI do chính Đức Giêsu thiếp lập.

Những gì Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện cho Đức Giêsu hôm nay trong cuộc hiển linh này thì Ba Ngôi – trong Đức Kitô phục sinh – cũng sẽ hoàn tất nơi mỗi tín hữu như vậy ngang qua các bí tích, qua Giáo Hội.

Thật vậy, chính khi ta ý thức phận hèn tội lỗi của mình, rồi tự nguyện thú tội, sám hối, tin và đón nhận phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi do Đức Giêsu thiếp lập thì ngay lập tức “trời xé ra” cho bản thân ta, Ba Ngôi đến ngự trong ta làm ta nên tinh sạch và ngay tức khắc trở nên con Thiên Chúa. 

Điều mà con người xưa kia trong Vườn Địa Đàng định “đánh cướp” của Thiên Chúa qua việc từ chối thân phận làm con người, thì hôm nay nơi dòng sông Giođan này Thiên Chúa đã tặng không, hoàn toàn miễn phí cho nhân loại ngang qua Con Thiên Chúa chấp nhận làm người trọn vẹn trong con người Giêsu.

Làm con người trọn vẹn như Đức Giêsu theo ý Cha là con đường duy nhất để vinh quang thần linh là “hình ảnh Thiên Chúa” được thể hiện trọn vẹn nơi phận người của chúng ta.

Fère Pierre Đình Long FSC