Chuẩn Bị Tỉnh Tu Nghị

I. Chuẩn bị xa

11/09/2016
Nhờ sự gợi ý của Cha Bề Trên, Ban Cố Vấn Tỉnh đã phối hợp với Cộng Đoàn Hoàng Mai và ban huấn luyện, đã tổ chức một buổi giao lưu giữa các Cha phụ trách Học Viện Dòng Thánh Thể và Học Viện Nữ Tỳ Thánh Thể. Ngày hôm nay đánh dấu Học Viện Nữ Tỳ Thánh Thể chính thức ra mắt tại Cộng Đoàn Hoàng Mai, và cũng là ngày kỷ niệm 25 năm Nữ Tỳ Thánh Thể hiện diện tại Giáo xứ Hoàng Mai Quận Gò Vấp TP Hồ Chí Minh. Tham dự trong ngày này còn có các Chị Giáo và các chị Phụ Trách. Trong bài mở đầu, Cha Bề Trên đã nói lên những thao thức của Cha: 
  1. Tỉnh Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam đang chuẩn bị cho 2 tu nghị: một của chính Tỉnh Dòng, và một cho Tổng Tu Nghị, cả 2 sẽ diễn ra từ 6 tháng đến 1 năm sắp tới. Ai cũng hiểu đại cương một tu nghị là một thời gian tập trung để xem xét lại cách sống và sứ mệnh của mình thời gian qua, và để góp bàn cách thể hiện Linh Đạo cho thời gian sắp tới. Tuy nhiên, trong những năm qua chúng ta có thể thấy những tu nghị của chúng ta chưa thực sự bàn về những nội dung căn bản mà chính Giáo Hội gợi lên một cách khẩn thiết, đặc biệt là vấn đề đào sâu vào Linh Đạo trong bối cảnh canh tân “sống còn” trong toàn Giáo Hội, đa phần là bàn luận về một số vấn đề đạo đức và tổ chức trong Dòng. Có lẽ đối với riêng Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, chúng ta đang trong thời kỳ mà tôi xin phép gọi là “tâm lý thời giao điểm” và trong tỉnh Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam,  thì chúng ta còn phải chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ bản cho một cộng đoan tu nhiều hơn là phát triển những cộng đoàn tu ấy.
  1. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xét mình lại, qua bối cảnh toàn Giáo Hội đang dốc lực cho việc đổi mới, từ Vatican đến các Hội Đồng Giám Mục địa phương, từ các Giáo Phận đến các Hội Dòng, từ giáo thuyết đến mục vụ, để mỗi chức danh và cơ phận của Giáo Hội có thể thể hiện việc loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người trong mọi nền văn hóa một cách hiệu quả hơn.
Riêng đối với các Dòng tu, Công  Đồng Vatican đặt rõ rệt hơn 2 yếu tố: trung thành với Linh Đạo (vì thế, càng ngày càng phải đào sâu hơn về Đặc Sủng do Đấng sáng Lập) và canh tân cho hợp với thời đại và địa phương (theo sắc lệnh Mutue Relatione và văn thư Iuvenescit Ecclesia –Giáo Hội Tái Sinh) mới đây thì chính 2 điểm canh tân trên đây cho chúng ta hiểu cái làm nên “hợp nhất trong đa dạng” mà Đức Phanxico luôn nói tới.
Tỉnh Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam còn non yếu. Điều ấy đã rõ ràng. Nhưng không phải vì thế mà được miễn hay mặc cảm để tự miễn ý thức và trách nhiệm của mình. Dầu sao cũng đã 25 năm rồi, chẳng lẽ không có gì để chia sẻ, đặc biệt là những chia sẻ về cảm thức tuổi trẻ và từ ngoại vi thành phố, như Đức Phanxico đã nói và đã làm gương.
  1. Theo quan sát và nhận định của tôi, các công việc tuy âm thầm nhưng nền tảng ấy thường tập trung vào các Học Viện. Họ phải làm điều ấy, vì nhiệm vụ của họ là tổng hợp cuối cùng của tiến trình đào tạo các tu sĩ trước khi khấn trọn, nghĩa là đào tạo nên – trong trường hợp của chúng ta – những nữ tu Nữ Tỳ Thánh Thể, không những đúng là Nữ Tu , nhưng còn là Nữ Tỳ Thánh Thể sống và làm việc cụ thể trong Tỉnh Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam hôm nay.
  2. Chính những điều căn yếu ấy là những điều chúng tôi thấy đang thể hiện trong Học Viện ngày  càng  rõ nét và có uy tín của các cha –những người Anh trong gia đình Thánh Thể-Eymard- Phòng Tiệc Ly. Chúng tôi mong được các cha chia sẻ, hướng  dẫn. nhân dịp tổ chức lại cơ sở Học Viện  của mình, chúng tôi rất vui được các cha nhận lời cho những chia sẻ đầu tiên căn bản. Và quả thật, hai đề tài mà các cha gợi ý chia sẻ lần đầu tiên đúng là đi vào trọng tâm của việc canh tân: trung thành với Linh Đạo và canh tân sâu sắc ngay từ não trạng.
Và xin các cha nhớ đây mới là khởi đầu.
Xin cảm ơn các cha thật nhiều. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ có những lần chúng tôi có thể chia sẻ với các cha, bằng sự hiện diện của các chị Nữ Tỳ Thánh Thể, nghĩa là bằng nữ tính, cái mà Đức Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolo II gọi là “thiên tài phụ nữ”.
Tiếp bài giới thiệu của Cha Bề Trên là bài nói chuyện của Cha Giuse Phạm Đình Ái về Linh Đạo và Đặc Sủng Thánh Thể, tiếp đó là bài thuyết trình của Cha Phaolo Vũ Chí Hỷ với đề tài : Hội nhập các giá trị – Đời Sống Thánh Thể.
  • Sau buổi hội thảo, thánh lễ mừng 25 năm Nữ Tỳ Thánh Thể hiện diện tại Hoàng Mai, cùng tham dự trong thánh lễ có một vài linh mục thân quen.
 15/10/2016
Ban Tỉnh đã tổ chức buổi học đầu tiên tại CĐ Hoàng Mai do Cha Phan Tấn Thành thuyết trình về đề tài CHIÊM NIỆM và Cha Bề Trên Giuse thuyết trình về đề tài TRUNG TÍN – SÁNG TẠO. ĐỌC LẠI TÔNG THƯ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

ĐỂ CHUẨN BỊ TU NGHỊ TỈNH 2017
TRUNG TÍN TRONG SÁNG TẠO

LỜI MỞ
Chúng ta vừa qua năm Đời Sống Thánh Hiến với tông thư riêng biệt cho các tu sĩ nam nữ. Vâng lời Đức Thánh Cha kêu gọi, chúng ta đã sống thật phấn khởi và sâu xa, bằng những cử hành sốt sắng và sinh động, nhất là bằng những thuyết trình, chia sẻ và đàm thoại về mọi mặt được tổ chức do Liên Dòng hoặc chính Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với những nhà thần học và chuyên ngành hàng đầu tại Việt Nam cũng như khu vực. Tất cả những điểu ấy đều nhằm vào việc canh tân đời tu một cách đúng đắn và đúng lúc.
Với những hoạt động ấy, nay là lúc khởi sự việc canh tân, cộng với những suy tư về thần học và tu đức đời thánh hiến việc thực hiện cụ thể của mỗi dòng vẫn đòi những suy tư rõ rệt hơn nhiều. Với Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể lại sắp có Tỉnh Tu Nghị và Tổng Tu Nghị. Tổng Tu Nghị thì quyết định duyệt xét lại toàn bộ mọi lãnh vực đời sống dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Tỉnh Tu Nghị thì duyệt xét những lãnh vực cần thiết hơn cả. Chúng ta đã đến giai đoạn chuẩn bị gần cho Tỉnh Tu Nghị rồi, vì thế phải để tâm nhiều hơn. Nói chung, cùng có một cách lấy việc canh tân làm đề tài, nhưng Tổng Tu Nghị quan tâm đến sự hiệp nhất trong toàn dòng, còn Tỉnh Dòng lại chú trọng đến việc trung thành với đặc sủng, làm sao cho sự canh tân, nhất là canh tân theo địa phương, không làm phương hại đến linh đạo của Hội Dòng. Những điều ấy rất tế nhị nhưng luôn là một trong những điều cần thiết cơ bản. Vì thế, Tổng Tu Nghị lấy đề tài là “Chú ý đến những hồng ân của Chúa: Tôn thờ trong Thánh Thần và Sự Thật”. Còn Tỉnh Tu Nghị lấy chủ đề từ chính Luật Sống “Trung tín trong sáng tạo”, đúng là một trùng hợp thật đẹp!
Vì thế nhiệm vụ học hỏi và chuẩn bị ngày hôm nay, qua hai thuyết trình, là cái nhìn thần học có tính giáo thuyết hơn, và cái nhìn có tính mục vụ hơn, nhằm việc canh tân nghiêm túc và cụ thể.
Cũng vì thế, tôi chọn tài liệu chính là “ Tông Thư gửi các người thánh hiến của ĐTC Phanxico” với nhận định này:
  1. Người đã làm Giám Tỉnh và bây giờ là Giáo Hoàng yêu mến Dòng Tu và có rất nhiều kinh nghiệm đời tu (như mở đầu của Ngài cho Tông Thư)
  2. Từ đó Tông Thư đặt các nguyên tắc cũng như thực hành về việc canh tân rất cụ thể.
  3. Tông Thư rất dễ đọc tỏ ra một kinh nghiệm vững vàng. Chỉ cần đã có kiến thức trung bình về thần học nói chung và đọc có phương pháp là có thể hiểu được dễ dàng.
ĐỌC LẠI TÔNG THƯ NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
CỦA ĐGH PHANXICO
CĂN BẢN CỦA SÁNG TẠO TRONG TRUNG TÍN.
 1. 1 Sự trung tín căn bản: Nhìn về quá khứ với niềm tri ân:
a. Cảm tạ Chúa về Hội Dòng của mình, đã ban cho một Đấng Sáng Lập đầy Chúa Thánh Thần – Cảm tạ Chúa đã ban các chị em đi trước đã sống linh đạo của mình một cách đầy nhiệt tâm đáng làm gương cho thế hệ chúng ta – Tóm lại: Cảm ơn Chúa đã ban cho chúng ta một cách sống vừa sâu xa vừa mới mẻ vừa đầy sức thích ứng qua dòng lịch sử.

Đây là tâm tình sâu xa nhất để trung tín gắn bó với Hội Dòng.
b. Trung tín tự nó cũng đòi chúng ta luôn sáng tạo để giữ cho tinh thần luôn tươi mới, luôn làm cho Hội Dòng mang lại hiệu quả hơn cho Danh Chúa cả sáng. Đó cũng là quy luật của bất cứ sự sống nào: sống là phát triển, nếu không, sẽ mòn mỏi dần và chết. Các vị Sáng Lập đều hiểu rõ điều ấy.
Vậy sáng tạo là gì? Những xác quyết sau đây nói lên tính chất của sáng tạo.
+ Chúa Thánh Thần là nguyên tố đầu tiên và căn bản của mọi sự, là Đấng khởi đầu và luôn ban Sinh Khí cho mọi linh đạo.
+ Nhìn Hội Dòng như một lịch sử thánh, giống như Giáo Hội là đoàn lữ hành.
* Ở đây chúng ta thấy một điểm vừa truyền thống vừa mới mẻ và dễ hiểu hơn với chúng ta:
Thay vì chia linh đạo của Đấng Sáng Lập và linh đạo của Hội Dòng thì Đức Thánh Cha gọi tất cả là lịch sử: Lịch sử khởi nguyên làm nên Hội Dòng và lịch sử tiếp theo từng thời kỳ. Tất cả đều phải canh tân, tùy theo biến thiên của lịch sử Dân Chúa, mà mục đích tối hội là làm vinh danh Chúa. Cách thức chính cho mỗi mảng khác nhau: Phần đặc sủng của Đấng Sáng Lập thì bằng cách đào sâu, hầu như không thể thay đổi – Phần đặc sủng của Dòng thì cần nhận định lại và thay đổi khi cần thiết.
Để hiểu rõ hơn việc canh tân, Tông Thư xác định cả hai  phần tiêu cực và tích cực:
+ Không phải là: Chuyện khảo cổ, có tính cách khoa học.
Có tính cách quá tình cảm, luyến tiếc dĩ vãng.
+  Nhưng là :  Nắm bắt được tia sáng gợi hứng của Đặc Sủng.
Nắm bắt được những lý tưởng, dự phóng, những giá trị ngay từ đầu ( Vị Sáng Lập và các cộng đoàn tiên khởi).
+ Cụ thể : Rút kinh nghiệm qua cách thức sống linh đạo, những bước đột phá, những khó khăn phải đương đầu và đã vượt qua. Kể cả những lúc quên cả Đặc Sủng. Tất cả là những bài học kêu gọi hoán cải và canh tân.
Tất cả những điều ấy đều là cách tạ ơn thực sự, vì tất cả đều là kinh nghiệm và chất liệu cho việc tạ ơn.
1.2 Sống hiện tại (Ngay từ bây giờ chứ không chờ sau này)
a. Tính cách “Cấp bách của việc canh tân”.
b. Xác định thêm về sự canh tân.
+ Cách hiểu cho đúng chữ “Đặc Sủng”: Nó là việc liên kết, hay đúng hơn, nằm trong Đặc Sủng của Giáo Hội.
+ Vì thế, việc canh tân đầu tiên phải lấy Thiên Chúa làm đích điểm tối thượng (Lời Chúa, sống kết hợp, lợi ích của Giáo Hội)
+ Những ưu tiên của Giáo Hội hôm nay: Lòng thương xót, sự hiệp nhất của các cộng đoàn, hội nhập văn hóa, việc đối thoại, tinh thần khó nghèo Phúc Âm, gia đình)
+ Câu hỏi then chốt là “Có để cho Tin Mừng chất vấn không?”
 c. Trong việc suy tư và định hướng luôn có những tiêu chuẩn cụ thể để đối chiếu. Những tiêu chuẩn đó là:

+ Linh đạo của Hội Dòng, đặc biệt của Đấng Sáng Lập.
+ Những chỉ dẫn của Giáo Hội (qua Hiến Chế, qua Sắc Lệnh, đến cách sống)
+ Hoàn cảnh của Hội Dòng trong mỗi vị trí địa dư, văn hóa (hoàn cảnh chung – những tiêu cực phải bỏ hoặc cải thiện – những giá trị phải được hội nhập)
1.3 Nhắm đến tương lai với niềm hy vọng.
      Nói lên ba điều coi như kết thúc cuộc đổi mới:

a. Trong việc canh tân phải có tầm nhìn rộng về tương lai (sống hiện tại cách tin tưởng và sáng suốt là cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai)
b. Canh tân với “Sự tỉnh thức”: Tỉnh thức trong việc tìm số lượng và hiệu quả tức thời, tỉnh thức trong hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến, tỉnh thức trong sự phản ứng vô thức của chính thời gian suy tư và nghị quyết.
Nói theo Đức Thánh Cha trong phần II số 1 “anh chị em là những Ngôn Sứ có khả năng phân định.
c. Đặc biệt chú ý đến giới trẻ:
– Với sức sống trẻ trung và quảng đại, họ là hiện tại của Hội Dòng. Họ có thể nhìn hiện tại với cái nhìn tích cực hơn, nên họ có khả năng làm cho cách sống linh đạo năng động và sinh khí hơn.
– Là hiện tại nhìn về quá khứ, họ dễ khám phá ra ngay trong cách tìm hiểu lịch sử, những phương diện lạc quan và năng động hơn.
– Là hiện tại nhìn tới tương lai, họ tin tưởng lạc quan hơn, có khả năng thảo ra những phương hướng mới để sống Tin Mừng và mang lại những giải đáp mới cân xứng cho nghĩa vụ làm chứng và loan báo.
– Điều thiếu nhất của họ là kinh nghiệm và khôn ngoan. Họ hãy học hỏi nơi những người lớn tuổi.
– Họ hãy ý thức về những trách nhiệm của họ mà đề nghị của mình trong việc hiểu linh đạo, trong việc thể hiện cách sống linh đạo và trong việc soạn thảo những phương hướng mới. Đó cũng chính là một khía cạnh quan trọng trong việc canh tân. Có những đề nghị của họ sẽ là những đóng góp quyết định cho Hội Dòng.
Tóm lại, canh tân là một việc cấp bách để “duy trì Đặc Sủng một cách sinh động để cho Đặc Sủng được phong phúthích nghikhông giảm tính cách độc đáo với sức mạnh Thánh Linh để phục vụ Giáo Hội và thiết lập Nước Chúa”.
Đó là sống Tin Mừng tận căn cả trong lẫn ngoài trở nên ngôn ngữ riêng biểu hiện sứ điệp của Chúa.
                                                                                                 Cha Bề Trên Giuse

THƯỜNG HUẤN ĐỢT II

Tháng 11 : dành cho các chị khấn trọn
  • Thứ bảy, ngày 12.11:  do cha Đaminh Nguyễn Đạt Tam, SSS – Đề tài “Hướng sống Hiệp Hội Thánh Thể ”. Cùng tham dự buổi học hỏi này có các ban Điều Hành Hiệp Hội Thánh Thể của 8 giáo phận. Cha Đa Minh, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu xa Hướng Sống, nên Cha đã nhấn mạnh về việc sống những đòi hỏi trong Hướng Sống đưa ra là một ân phúc và luôn làm cho con người sung mãn về mọi mặt.
  • Chủ nhật, ngày 13.11 : Cha Sa-liên Trần Minh Thái, thuộc dòng Xitô  – đề tài “Cầu nguyện”. Cha đã cho chúng tôi tự nhìn lại đời sống của chúng tôi đối với Chúa đã phai nhạt ra sao qua đoạn sách (kh 2, 1-5a) và (Os 2, 16). Cha nhấn mạnh đến việc phải nhận ra mình là ai. Là ai chứ không phải mình có chức vụ gì. Đời sống một nữ tu Nữ Tỳ Thánh Thể phải là một đời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, cầu nguyện ở mọi nơi, mọi lúc, chuyên chăm đọc Kinh Thánh, sử dụng các phương pháp cầu nguyện, dùng lời nguyện tắt, lectio divina…
  • Thứ sáu, ngày 1811  :  Cha Giuse Nguyễn Văn Am, SDB – Đề tài “ Phân định ơn gọi ” Bằng tất cả kinh nghiệm và kiến thức sẵn có cùng lòng nhiệt tâm, Cha đã cho thấy rõ điều cần thiết phải phân định ơn gọi đối với từng người trong mọi bậc sống, và nhất là phải phân định thường xuyên đối với mọi vấn đề, mọi biến cố sự việc. Đặc biệt trong phân định là để tìm ra điều gì Chúa muốn nơi bản thân mình và can đảm sống những điều đó để được triển nở trong Chúa. Điều Chúa muốn nơi tôi là tôi sống đúng con người tôi, tôi thật là tôi trong thế giới hôm nay.
  • Thứ bảy, ngày 19.11 : do cha Đaminh Nguyễn Đạt Tam, SSS – Đề tài “Hướng sống Hiệp Hội Thánh Thể ” tiếp theo. Cũng vẫn một xác tín như ngày 12/11, Cha Đaminh tiếp tục truyền lửa mến cho chúng tôi qua các trải nghiệm của Ngài. Lửa mến Chúa Giêsu Thánh Thể trong Thánh Lễ và giờ chầu, qua con người và cuộc sống trong các chi tiết nhỏ nhặt nhất. Lửa mến Cha Thánh Phêrô Giuliano Eymard, Tổ Phụ Dòng Thánh Thể trong cách sống của ngài.
  • Chủ nhật, ngày 20-11 : Sr Thécla Trần Thị Giồng , Dòng Đức Bà – đề tài “Ba Lời Khấn”. Với kinh nghiệm sống đời thánh hiến cùng chuyên ngành chuyên môn của Soeur về tâm lý, soeur đã cho thấy rất rõ về những điều cần thiết của một nữ tu để sống ba lời khấn và đặc biệt là sống một cách hạnh phúc. Soeur như một người Chị, người Mẹ đi trước chỉ bảo cho đàn em đàn con thấy những nguy cơ, nhưng “cheo leo” của những người sống đời thánh hiến để biết tránh. Giữa một xã hội đầy tục hóa và cám dỗ, cả những kích thích nhu cầu hưởng thụ càng ngày càng cao, thì người sống đời thánh hiến cần phải tập sống buông bỏ, khả năng buông bỏ giúp ta bớt vương vấn, nới lỏng những ước muốn chiếm hữu, buông bỏ cũng là để thanh luyện, để thăng tiến, để lớn lên và trưởng thành hơn.

 II. Chuẩn Bị Gần

Ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tất cả các Cộng Đoàn thuộc Tỉnh Dòng đã bắt đầu khai mạc cho việc chuẩn bị Tu Nghị Tỉnh qua nghi thức lặp lại lời khấn cho tất cả các chị đã khấn trọn đời và bắt đầu đọc kinh nguyện :

KINH CẦU CHO TU NGHỊ TỈNH 2017

Lạy Chúa!
Chúng con cảm tạ Chúa / đã thương ban muôn phúc lành cho chúng con trong những năm tháng qua. Do Lòng Thương Xót / Chúa đã nâng đỡ đời thánh hiến chúng con vượt qua nhiều thử thách gian nan.
Nay Tỉnh Dòng chúng con chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới / với nhiều khó khăn trăn trở.
Xin Chúa ban cho từng người chúng con nên một lòng một ý / giúp nhau trung tín với Chúa trong cuộc sống hàng ngày / sáng tạo điều mới phù hợp với thời đại.
Xin Đức Mẹ Thánh Thể và cha thánh Êma cầu cho các thành viên tu nghị /  được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn / để những gì chúng con thực hiện trong những năm tới / sẽ luôn đi trong đường lối Chúa / qua Giáo Hội và Hội Dòng . Amen
Kinh nguyện này sẽ được các Cộng Đoàn đọc mỗi ngày cho tới Tu Nghị Tỉnh.

III. Tu Nghị Các Cộng Đoàn

  • Ngày 10 : CĐ Hiền Hoà – CĐ Kim Thượng – CĐ thử nghiệm Tràm Chẹt.
  • Ngày 11 : CĐ Chu Hải.
  • Ngày 12 : CĐ Eabar.
  • Ngày 14 : CĐ Pleiku
  • Ngày 15 : CĐ Dakmil.
  • Ngày 17 : CĐ Tân Cang – CĐ Bình Hải.
  • Ngày 18 : CĐ Hoàng Mai – CĐ Tân Bình.
  • Ngày 31 : CĐ Nhà Chính.
Cộng Đoàn Bình Hải
Cộng Đoàn Tân Bình
Cộng Đoàn Pleiku

Cộng Đoàn Chu Hải
Cộng Đoàn Nhà Chính
Cộng Đoàn Nhà Chính