Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm A

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

Chúa Nhật 17A Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự đối với phận làm người của chúng ta. Đó là SỰ KHÔN NGOAN. Ai cũng muốn mình được khôn ngoan, và hy vọng nhờ sự khôn ngoan mà đời mình sẽ thành công, sẽ hạnh phúc. Nhưng thế nào là khôn ngoan? là thành công? là hạnh phúc? Nhất là TỪ ĐÂU mà con người có được sự khôn ngoan ấy?

Có rất nhiều câu trả lời, tùy theo tầm nhìn, khát vọng của từng đối tượng. Nhưng cách chung người khôn ngoan là người tìm ra được đủ mọi cách để có được nhanh nhất, nhàn nhất, nhiều nhất những gì mình khát vọng, lắm khi bất chấp hậu quả, gây thiệt hại cho kẻ khác, cho công ích. Trong trường hợp bất chấp đó, người ta đã lầm lẫn khôn ngoan với ranh ma, mưu đồ, gian dối. Xin kể một câu chuyện vui minh họa:

Một số cha mẹ khi không muốn tiếp khách vào một thời điểm nào đó, thường căn dặn con cái, nếu có ai muốn gặp ba thì nói ba đi vắng nghe. Rồi có khách đến hỏi: Ba có ở nhà không con? Một đứa trẻ trả lời đúng lời ba dặn: Thưa, ba con đi vắng! Đứa khác: Thưa , Ba đang ở nhà. Thế là đứa nói dối được khen là KHÔN(?), còn đứa nói thật được chê là DẠI.

Khôn ngoan theo thói đời thật ra chỉ là MA GIÁO, tìm tích lũy bằng mọi giá, bất chấp mọi sự chỉ vì lợi ích cho cá nhân hay cho phe nhóm.

Lời Chúa hôm nay không dạy chúng ta thứ khôn khéo ngụy biện đó. Theo Kinh Thánh, khôn ngoan phải là ân huệ của Thiên Chúa được ban cho con người, giúp con người nhận ra, sống đúng Luật Chúa vì sáng danh Chúa và vì ơn cứu độ cho tha nhân: Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là tuyệt đỉnh của khôn ngoan (Hc 1,18a), là trường dạy khôn ngoan (Hc 1,27, là đầu mối khôn ngoan (Cn 9,10); Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Chúa (Hc 1,20a); Khôn ngoan là tuân giữ các điều răn (Hc 1,26).

Bài đọc 1 trích từ 1V, thuật lại giấc mơ của vua Salomon tại Ghip-on, sau khi được lên kế vị vua Đavit. Trong giấc mơ, Chúa phán với ông “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Xin gì Chúa cũng cho. Salomon đã không xin những ơn chỉ có lợi riêng cho cá nhân ông, không xin sống lâu, không xin giàu có, không xin thống trị kẻ thù. Ông chỉ xin ơn để hoàn thành được sứ mạng mà Chúa đã trao cho ông: ƠN KHÔN NGOAN biết biện phân phải trái để cai trị đoàn dân đông đảo của Chúa theo đúng đường lối Chúa. Điều tiên quyết ông xin là  BIẾT LẮNG NGHE và tiếp đến là ơn BIẾT PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI để an dân, trị nước.

Tất cả chỉ vì sứ mạng, vì sáng danh Chúa, vì lợi ích cho dân Chúa. Thiên Chúa hài lòng vì lời xin thật khôn ngoan ấy. Thiên Chúa chuẩn y ban cho ông một trí khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, đồng thời ban luôn cho ông tất cả vinh quang của trần thế: sống lâu, giàu có… cho dù ông không xin. Ông trở nên biểu tượng của sự khôn ngoan trong Do thái giáo.

Trong Tin Mừng, qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu mặc khải Nước Trời đã đến rồi; và khôn ngoan chính là thái độ phải có trước ân huệ Nước Trời đang hiện diện tại thế, nơi chính bản thân Người.

Khôn ngoan là biết biện phân chọn lựa, dám coi Nước Trời là quí giá vượt trên tất cả đến độ sẵn sàng bán đi tất cả những gì đang có để đánh đổi.

Hai bài dụ ngôn sánh ví Nước Trời với kho tàng được chôn giấu và với viên ngọc quí. Kho tàng là do tình cờ phát hiện. Viên ngọc quí là do có ý đi tìm và rồi may mắn gặp được. Cho dù là tình cờ hay có ý tìm thì thái độ chung là dám về bán tất cả những gì mình có để có thể mua cái điều quí giá nhất mà họ gặp được.

Vậy khôn ngoan là một quyết định chọn lựa: từ bỏ tất cả những gì mình đang có, những gì mình đang cậy dựa. Những an toàn mình đang thụ hưởng…để đổi lấy GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI. Cụ thể là dám bỏ tất cả để CHỌN CHÚA GIÊSU, trao phó vận mệnh mình trong tay Người.

Cuối cùng khôn ngoan là biết khám phá ra trong những ơn Chúa ban: cũ lẫn mới những gì mang lại ơn ích cho ơn cứu độ.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết lắng nghe, biện phân, từ bỏ, chọn lựa để đi vào đường khôn ngoan của Thiên Chúa, để Chúa thực sự là tất cả cho chúng ta.