THẮP SÁNG NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN.

31/01 –Thứ năm – Thánh Gioan Boscô, linh mục. Lễ nhớ

(Dt 10, 19-25; Mc 4, 21-25)

          Khi đến với dân Do Thái, Chúa Giêsu thường dùng những chuyện đời thường để nói với họ. Cái đèn ngày xưa là một trong những đồ dùng cần thiết đối với thời đó. Nó cháy sáng là để soi cho mọi người mọi vật trong nhà khi mặt trời lặn, chứ không phải lấy thùng che lại hay đặt nó ở dưới gầm gường. Vậy ngọn đèn mà Chúa Giêsu nói đến ở đây không gì khác là chính con người của Ngài hoặc Tin Mừng của Ngài. Tin Mừng ấy phải được vén mở và được loan báo chứ không được che dấu hay giữ kín.

          Chiếc đèn là vật dụng rất thân thuộc với người Do Thái, mà nó cũng rất thân thuộc với người Việt nam chúng ta, hầu như ai cũng biết và cần dùng đến. Khi bóng tối bao phủ, màn đêm buông xuống thì ánh đèn được đốt lên, người ta thường đặt nó trên đế, đặt nơi vị trí cao để ánh sáng của nó có thể lan tỏa đến mọi vật, chiếu sáng cho mọi người. Nếu đốt đèn lên mà đem dấu đi dưới cái thùng hay đặt dưới gầm giường thì quả là sai mục đích, là mâu thuẫn và uổng phí, thà nó tắt đi còn hơn, vì làm như thế là làm mất giá trị của chiếc đèn. Chúng ta công nhận với nhau rằng, công dụng của chiếc đèn là chiếu sáng cho mọi người, soi cho tỏ mọi vật, để nhờ đó ta có thể phân biệt mọi sự cách chuẩn xác và đúng đắng.

          Ngọn đèn là để soi sáng. Ngọn đèn còn cũng biểu thị lòng trung thành với Thiên Chúa và nói lên sự cầu nguyện liên lỉ. Xưa kia, dân Israel có những trinh nữ nơi đền thánh để lo cho ngọn đèn Giavê hằng được cháy sáng. Ai cố ý để tắt đi là dấu hiệu phản bội và bị chết. Và để đèn tắt là dấu hiệu từ bỏ Thiên Chúa. Trường hợp các trinh nữ khờ dại cũng thế. Trái lại, 5 trinh nữ khôn ngoan luôn giữ được đèn sáng. Người tôi tớ trung thành luôn luôn giữ đèn sáng trong tay. Gioan tiền hô được gọi là ngọn đèn cháy sáng và chiếu sáng để làm chứng cho ánh sáng thật. Giáo Hội của Chúa được thiết lập trên Phêrô và Phaolô là “Hai cây đèn dầu, là hai ngọn đuốc trước nhan thánh Chúa tể càn khôn” (Kh 11,4).

          Trong một số bài thánh ca, người ta sánh ví người linh mục như “ngọn hải đăng thắp trên dương trần” như một lời nhắn nhủ các mục tử của Chúa sống thánh thiện, nên ánh sáng để định hướng, hướng dẫn đàn chiên Chúa trao. Ngoài ra, các Kitô hữu giáo dân cũng là một “ngọn hải đăng” thắp giữa trần đời. Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, ngọn đèn đức tin của mỗi tín hữu được thắp lên với lời nhắn nhủ “gìn giữ đức tin tinh tuyền”. Đón nhận ngọn đèn đức tin từ Giáo Hội, người Kitô hữu cần phải bừng sáng lên giữa dòng đời, “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là đèn đặt trên giá đèn sao?” (Mc 4, 21)

          “Chiếc đèn” trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nói đến ấy là Tin Mừng, “Tin Mừng ơn cứu độ” mà Ngài đã thắp lên nơi cõi lòng các môn đệ, thắp lên nơi tâm hồn những người đang nghe và đón nhận lời Ngài, Lời chân lý. Chiếc đèn ấy (Tin mừng ấy) không thể được dấu kín, nhưng phải lan tỏa ra cho hết thảy mọi người, hay nói cách khác, Tin mừng mới đầu chỉ một thiểu số biết thôi, nhưng theo thời gian Tin mừng đó cần được chiếu tỏa, phải được loan báo cho mọi dân tộc (Mc 13, 10).

          Ta cũng biết : khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu cấm các môn đệ không được nói Ngài là Đức Kitô (8, 30), vì điều đó dễ khiến cho người ta hiểu lầm Ngài là đấng giải phóng theo nghĩa phàm tục. Nhưng vào cuối đời, chính Ngài đã tự nhận tước hiệu này trước mặt Thượng Tế (14, 61-62). Điều đó chứng tỏ những gì tạm thời che dấu nay đã được vén mở, được đưa ra ánh sáng một cách công khai để cho thấy Ngài là Đấng Kitô chịu đau khổ như người Tôi Tớ mà ngôn sứ Isaia đã nói đến.

          Ta thấy một chiếc đèn khi đốt sáng lên là rọi sáng tỏa lan xung quanh, còn chân đèn thì ít sáng. Nói thế để chúng ta hiểu mục đích chính của chiếc đèn là soi sáng cho người khác. Cho nên nếu đốt đèn mà lại đem giấu đi ở dưới đáy thùng hay dưới gầm giường thì quả là sai mục đích, là mâu thuẫn, là phí uổng dầu đi. Thà tắt đi còn hơn. Làm như thế là mất giá trị của chiếc đèn. Chúng ta đã từng thấy những chiếc đèn, từ đèn chai, đèn hiệu, đèn néon, đèn pha, đèn hải đăng, đèn điện tử rọi chữa bệnh… Tất cả đèn nào cũng nói lên sự cần thiết phải sáng lên, phải có đèn mới được.

          Khi đón nhận tin mừng cứu độ từ Đức Giêsu Kitô, khi đón nhận ánh sáng phục sinh lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mỗi người Kitô hữu trở nên là ngọn đèn cháy sáng giữa muôn dân. Ngọn đèn đức tin ấy được lan tỏa đến mọi người qua đời sống “nên thánh” trong chân lý mạc khải, qua sứ vụ ngôn sứ của người tín hữu. Bằng đời sống cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa, qua cách sống chân thành, biết nêu gương lành trong gia đình – xã hội, biết thực thi tình bác ái giữa cộng đoàn, nơi mình đang sống

          Vâng, chỉ có ánh sáng bác ái và việc thiện là thứ ánh sáng nhân loại dễ nhận ra nhất, đó cũng là thứ ánh sáng dễ chịu nhất, không làm cho người ta loá mắt và khó chịu.

          Hình ảnh này chúng ta thấy trong phụng vụ hôm nay, khi Giáo hội mừng lễ thánh Gioan Boscô linh mục. Ngài luôn khuyên bảo các tu sĩ cộng tác với ngài: -Cha khuyên các con hãy bắt chước lòng bác ái của thánh Phaolô trong cách ngài đối xử với các người mới theo đạo. Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Đức Giêsu đã xử như thế với các tông đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, tính cứng cỏi và cả đến lòng kém tin của họ. Người tiếp đón tội nhân cách tử tế và thân mật đến nỗi lắm kẻ ngạc nhiên, lắm kẻ khó chịu, nhưng lại khiến nhiều người hy vọng được ơn tha thứ. Chính vì vậy, Người đã bảo ta học cùng Người mà ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng . Lòng ta đừng rối lên, đừng khinh bỉ nhìn ai và đừng nói lời nguyền rủa bao giờ. Hãy có lòng nhân từ đối với hiện tại, hy vọng đối với tương lai, như vậy các con sẽ thực sự là những người cha của tuổi trẻ và thực sự chu toàn được phận sự giáo dục”.

          Ta được Chúa mời gọi trở nên ngọn đèn đức tin cháy sáng đặt trên đế để soi sáng cho mọi người. Không có lý do gì để chúng ta che dấu hay đặt đức tin của mình ở dưới gầm gường. Trái lại, chúng ta có bổn phận phải làm cho thế giới được thắp sáng bình an, niềm vui, hạnh phúc nhằm xua tan bóng đêm tội lỗi, chiến tranh, hận thù…  Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức điều đó để thắp lên một ngọn đèn lớn chiếu sáng cho cả thế giới!

          Sứ mạng của mỗi người Kitô hữu được đặt để giữa trần gian là để soi sáng cho anh em mình, nơi môi trường chúng ta đang sống. Ánh sáng đó phải được thể hiện ra như thư Do Thái viết: “Chúng ta hãy kiên trì tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy thúc giục nhau thực thi bác ái và làm việc thiện”. 

          Ta cần hồi tâm nhìn lại đời sống để lau đi những vết loang, thắp lại ngọn đèn đức tin bằng bí tích Hòa giải, đồng thời bổ sung dầu bằng việc lãnh nhận ân sủng từ Lời Chúa, từ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và các việc lành phức đức…

Huệ Minh