TẾT THỜI ĐẠI DỊCH

Đại dịch Covid khởi đầu từ mùa đông 2019 và kéo dài đến nay, Tết Nhâm Dần. Đây là cái Tết thứ ba mà thế giới nói chung và quê hương Việt Nam thân yêu nói riêng, đã không có bầu khí Xuân vui vẻ và an bình. Những thông tin trên các trang báo điện tử hoặc báo chí hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày hoặc ngay cả dư luận quần chúng trên zalo, facebook… nhan nhản nói về Covid qua những con số hoặc tác hại của đại dịch. Tác hại của nó ảnh hưởng rất đậm trong đời sống thường ngày của con người, bất kể mùa xuân đang tới và không khí Tết đang tràn về.

Tôi vừa xem một clip ngắn nói về nỗi đau của những nhà nông sản và những người buôn bán trái cây dọc đường trong những ngày cuối năm âm lịch. Xoài, dưa hấu… những trái cây biểu tượng của ngày Tết đã bị vứt bỏ la liệt, vì nước bên cạnh không thu mua hoặc tháo chạy. Các tiểu thương la ó, than vãn, khổ sở, vì phải bỏ đi hàng tấn hoa quả. Nỗi đau của nhà nông cũng bị kéo theo khi các thương gia không thu mua hay hủy đơn đặt hàng. Vẫn biết khi hàng hạ giá, người nghèo có thể mua để sử dụng, nhưng chỉ với số lượng ít ỏi so với hàng tấn trái cây, rau quả bị hư thối. Thời nay, tôi thấy báo chí nói nhiều về những “tai to, mặt lớn” trong xã hội. Học không còn là những “cha mẹ” của dân, mà trở thành những “con mọt, con mối” đục khoét người dân đến tận xương tủy.  Đau lòng thay khi anh em xem nhau là “người dưng nước lã” hoặc con cái đối xử với cha mẹ dựa trên tiêu chuẩn của bát gạo, đồng tiền. Đây có phải là “ cá lớn bắt nạt cá bé” hay chữ “người” trong từ “con người” đã bị mai một và để cho chữ “ con” lớn lên, khi họ mải chạy theo lợi nhuận, sự ích kỷ… mà chà đạp lên nhân phẩm của người khác, lúc đó chính họ cũng đánh mất lương tâm của chính mình. 

Theo phong tục của cha ông, ngày tết, mọi người trong gia đình xum họp: con cái cháu chắt chúc tuổi ông bà cha mẹ. Còn ông bà cha mẹ chúc lành và cầu may cho con cháu qua những đồng tiền may mắn. Ngày nay, trong xã hội có còn ý nghĩa đó, hay chỉ là “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” hoặc “thả con tép, bắt con tôm” của những đối tác làm ăn hoặc của chính những người trong gia đình ???

Nhìn cảnh các gia đình lo lắng ngược xuôi khi những ngày tết gần kề, tôi không khỏi xót xa. Những người cha, người mẹ làm mọi công việc để con cái có một cái tết tương đối. Còn những đứa con không dám ngỏ lời xin quà cáp này nọ, vì nhận ra sự khốn khó trong thời đại dịch… Cộng đoàn các dòng tu chúng ta không là luật trừ, vì những đau khổ, lo âu của nhân loại chúng ta đều ảnh hưởng và hơn nữa chúng ta còn mang vác chúng trong tim. Khi anh em đồng loại đau khổ khốn cùng, trái tim của chúng ta sao ngủ yên được ? Khi người anh em không có cơm ăn áo mặc, chúng ta không thể yên lành trong chăn êm nệm ấm. Vì thế, năm nay không khí Tết trong các nhà dòng, các cộng đoàn tu có phần lắng đọng. Mua sắm các đồ tết cũng giảm thiểu. Đi lại, thăm nom cũng hạn chế, vì “ người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng việc về thăm gia đình trong những ngày đầu xuân vẫn được duy trì và thời gian ở với gia đình được dài hơn vì thêm thời gian cách ly. Thật là: 

“Ân huệ Nhà Chúa, chúng con tận hưởng, 

Lộc thánh đền Ngài lại được đầy no”.

Mấy ngày gần đây, các nhà y học dự đoán, biến chủng Omicron sẽ kết thúc đại dịch Covid 19. Vâng, xã hội đang mong đợi. Thế giới đang hy vọng. Con người đang khao khát. 

Lạy Chúa, xin mau đến giải thoát chúng con. 

Xin cho chúng con được phục hồi. 

Xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra. 

Hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Vì Ngài là niềm Hy Vọng và sự Trông Cậy của chúng con.

Ngoài Chúa ra, chúng con không tìm đâu được hạnh phúc.

… Lạy Chúa, xin mau đến cứu độ chúng con. Amen.