SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA

Hc 3,2 – 6 .12 – 14 ; Mt 2,13 – 15 . 19 – 23
Chủ đề : Bổn phận của các thành viên trong gia đình đối với nhau trong tương quan với ý định của Thiên Chúa.
*Hc 3, 2 : Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái ; củng cố quyền lợi bà mẹ trên đoàn con.
* Mt 2,13 .20 Giuse hãy thức dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập…về lại đất Israel… Ông liền trỗi dậy.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia Thất. Đối tượng được mừng kính không phải là cá nhân của một vị thánh nào hay là tập thể thánh. Đối tượng mà Giáo Hội muốn các tín hữu chiêm ngắm và noi gương là một GIA ĐÌNH. “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống  xã hội ; Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội” (GLHTCG 2207). Đó là món quà hiệp nhất, cao quí mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Đó là quà tặng đầu tiên và cũng là ước muốn tha thiết của Thiên Chúa đối với con người : “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Chúa là vô hình, con người là hữu hình ; vậy con người là “hình ảnh Thiên Chúa” ở chỗ nào ? Mỗi con người là một ngôi vị độc nhất bất khả thay thế, nhưng lại có thể kết hiệp mật thiết nên một với nhau để tạo thành một cộng đoàn tình yêu làm nền tảng cho sự phát triển, lưu tồn và hoàn thiện cho cộng đồng nhân loại. Giáo hội khẳng định lại chân lý trên : “Gia đình kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, theo hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi đó, vợ chồng được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu thương hiệp nhất đã trở thành biểu tượng mà tông đồ Phao lô không ngần ngại sử dụng để diễn tả ra một cách hữu hình, tình yêu của Đức Giêsu đối với Giáo hội” (x.Ep 5, 21 – 33)
Gia đình là mối tương quan mật thiết, cao cả nhất trong tất cả mọi mối tương quan nhân loại. Nó tạo nên một mối dây liên kết, phải nói là huyền nhiệm, vượt trên mọi lý lẽ của trí khôn nhân loại. Mối dây liến kết này gắn bó những con người trước đó vốn là xa lạ, nay trở thành một cộng đoàn yêu thương mật thiết vượt hơn mọi mối tương quan đã có trước : hơn tình bà con lối xóm, hơn tình anh chị em kể cả hơn tình yêu đối với cha mẹ: “bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Đó là ý muốn từ muôn đời của Thiên Chúa (x.St 2,18.22 .23). Do đó, các thành viên trong gia đình phải gắn kết với nhau. Quan tâm đến nhau, nâng đỡ tạo hạnh phúc cho nhau theo đúng chức năng mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi thành viên trong gia đình (x.Cl 3, 18 – 21 ; Bài đọc 2)
Lời Chúa của lễ Thánh Gia Thất năm A đề cập đến các mối tương quan bổn phận của các thành viên trong gia đình đối với nhau
Bài đọc một trích từ sách Huấn Ca. Đây là lời của người cha khuyên dạy các con của mình hãy lắng nghe lời mình để biết được con đường cứu độ (Hc 3,1)
Bài đọc một trích những lời liên quan đến Bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Nói chung đó là những bổn phận liên quan đế chữ HIẾU mà các nền văn hóa nhân loại đã đề cập đến : Thờ cha, kính mẹ, phục vụ, vâng lời các Ngài. Tuy nhiên đối với tác giả sách Huấn ca, thảo hiếu đối với cha mẹ không chỉ là một bổn phận nhân bản mà còn là con đường cứu độ ; vì đó là THÁNH Ý của Thiên Chúa. Chính “ĐỨC CHÚA làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3,2).
        Từ câu 3 – 6 để diễn tả bổn phận của người con, bản dịch tiếng Việt dùng nhiều từ khác nhau: yêu mến, trọng kính, tôn vinh, thờ cha kính mẹ. Tất cả  chỉ là một từ trong tiếng Hipri : KÂVÉD có thể tạm hiểu như sau :
  • Trọng kính cha mẹ là làm cho cha mẹ được vinh dự, được kẻ khác tôn kính, quí trọng.
  • Tôn vinh cha mẹ là tôn trọng quan điểm, ý kiến. quyết định của cha mẹ ; đồng thời làm cho mẹ cha được nở mày nở mặt với thiên hạ, được xóm làng kính trọng  ngợi khen.
  • Việc hiếu thảo với cha mẹ như thế chẳng những đem lại cho những người con thảo hiếu những niềm vui nhân bản như sẽ được con cháu hiếu thuận, được sống lâu, mà còn mang lại cho họ ơn cứu độ : được đền bù tội lỗi, được Chúa nhận lời cầu xin.
Vậy giá trị đạo đức của CHỮ HIẾU theo sách Huấn ca không chỉ là tương quan cá biệt giữa cá nhân người con đối với cha mẹ mà bao gồm luôn cái giá trị luân lý xã hội và tôn giáo nữa.
Các câu 12 – 13 đề cập đến bổn phận của con cái khi cha mẹ già yếu. Tuổi già sức yếu, tinh thần sa sút, lú lẫn… của cha mẹ sẽ là những gánh nặng cho con cái. Tuy nhiên người con hiếu thảo phải kiên trì chăm sóc, không làm cha mẹ buồn, phải biết rộng lượng, cảm thông với cha mẹ… các câu này nhấn mạnh đến tính thủy chung và vô vụ lợi của chữ HIẾU. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để cho con người hiếu thảo bị thiệt thòi. Chính Người đảm nhận phần ân thưởng cho người con hiếu thảo : “Lòng hiếu nghĩa… sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con ngày con gặp khốn quẫn và các tội con sẽ biến tan” (Hc 3,14 – 15) bản dịch CGKPV “Lời Chúa cho mọi người” Cựu Tân ước 2006).
Tóm lại : thảo kính cha mẹ là luật chung cho mọi người, hiện diên trong mọi nền văn minh, mọi tôn giáo. Nhưng Sách Huấn Ca đã nâng CHỮ HIẾU lên một bình diện cao hơn, xem đó là cách thức thể hiện Thánh Ý Thiên Chúa. Bài đọc một nhấn mạnh đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ ngang qua hai từ ngữ TRỌNG KÍNH VÀ TÔN VINH. Hiếu kính cha mẹ phải được biểu lộ không phải chỉ qua tâm tình cá nhân riêng tư đối với các ngài mà còn bao hàm cả tương quan xã hội (Làm các ngài được vinh dự qua lối sống, cách ứng xử khôn ngoan của một người con hiếu thảo), cả trên bình diện tôn giáo nữa (làm các ngài được hạnh phúc mừng vui vì thấy con cái giữ Luật Chúa). Thái độ TRỌNG KÍNH và TÔN VINH phải được thể hiện cách trung tín, chu đáo trong mọi lúc : khi cha mẹ còn trẻ khoẻ, cũng như khi đã già nua, lúc lâm cơn lú lẫn. Vì hiếu thảo không chỉ là chuyện nhân bản mà còn là thánh ý của Thiên Chúa nên chính Thiên Chúa sẽ ân thưởng và chúc lành cho những người con hiếu thảo.
      Bài đọc Tin Mừng lễ Thánh Gia được trích từ hai đoạn cuối của Tin Mừng thời thơ ấu của Matthêu, nhưng bỏ đi phần nói về các hài nhi ở Bêlem bị sát hại (Mt 2,16 – 18). Phần được trích đọc Mt 2.13 – 15.19 – 23 thuật lại việc Giuse đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh nạn sang Ai Cập, sau đó lại đưa về ngụ cư tại Nadaret. Phần được trích đọc này nhằm làm nổi bật vai trò, bổn phận của cha mẹ đối với con cái.
      Nội dung của bài đọc Tin Mừng hôm nay gồm ba lệnh truyền của Thiên Chúa được sứ thần loan bào cho Giuse qua ba giấc mộng diễn ra vào ba thời điểm khác nhau (các câu 13 – 19. 22b). Và ngay sau đó, Giuse tức tốc thức dậy, thi hành ngay những gì vừa được mặc khải (các câu 14.  21. 22c –  23). Nhờ sự vâng phục mau chóng đó của Giuse mà dự tính của Thiên Chúa – được biểu lộ trước từ xưa qua lời các ngôn sứ – được thể hiện (câu 15c.23c).
      Báo mộng là cách thức Thiên Chúa thường dùng để bày tỏ ý định của Người cho phàm nhân, nhất là vào giai đoạn dân Chúa chưa hình thành, vào giai đoạn của các tổ phụ (x.St 28,11 – 19 ; 32,25 ; 37,5 – 11 ; Ds 22,20 ; 2 Sm 7,4…). Đến thời dân Chúa bước vào Đất Hứa rồi thì Thiên Chúa thường tỏ lộ Thánh ý qua các ngôn sứ. Giai đoạn ngôn sứ khởi đầu với Môsê (x.Đnl 18, 15.18 ; 34,10 – 12 ; Ds 12,6 – 8). Và trào lưu ngôn sứ chấm dứt vào đầu thời Hi lạp với Dacaria đệ nhị (x.Dcr 13,1 – 6). Tuy nhiên, trước đó ít lâu, Gc 3,1 – 5 loan báo rằng sẽ có ngôn sứ tái xuất hiện và đó là dấu chỉ thời Mêsia đã tới. Rồi khi hết các ngôn sứ, Thiên Chúa trở về lại với phương thức mặc khải qua mộng báo hoặc thị kiến : xem các thị kiến trong sách Đaniel (đối với người Do Thái, sách Đaniel không ở thể loại ngôn sứ mà ở loại Văn Phẩm ( Kêtubim) ; x.2 Mcb 15,11 – 16.
      Như vậy, ngang qua ba cuộc mộng báo, Thiên Chúa đã bày tỏ cho Giuse biết ý định của Chúa đối với Hài Nhi Giêsu. Trong tư cách là người cha gia đình, Giuse đã đón nhận ý Chúa và chu toàn tốt đẹp cho Hài Nhi.
      Vậy đây chính là vai trò trước tiên của bậc làm cha mẹ đối với con cái : biện phân ý Chúa trên con cái mình và giúp chúng thực hiện. Thật vậy, việc Giuse bảo vệ đưa Hài Nhi sang Ai Cập, rồi đưa về lại quê hương không thuần túy là chuyện lánh nạn bạo vương Hêrôđê mà chính yếu là để “ứng nghiệm lời ngôn sứ”, nghĩa là để ý Chúa tỏ lộ qua ngôn sứ được thể hiện trọn vẹn.
        Giuse qua thái độ thinh lặng, lắng nghe rồi mau nắm thi hành, đã thực hiện ngày càng rõ nét ông là NGƯỜI CÔNG CHÍNH, tức là người luôn để Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Chúa nơi mình và qua mình còn góp phần làm ý Chúa thể hiện trọn vẹn nơi kẻ khác và toàn thể nhân loại. Thật vậy, qua sự tuân phục “ Đem Maria là vợ về nhà mình” đã làm ý Chúa thể hiện trọn vẹn nơi Maria, nơi lề luật  lẫn nơi Thai Nhi còn trong bụng Mẹ ; và giờ đây Giuse  công chính lại góp phần cho các sấm ngôn về Đấng Mesia, con Thiên Chúa được ứng nghiệm. Nhờ đó, khi vừa mới chào đời, Đức Giêsu đã hé lộ dung mạo Thiên Sai của Người cho nhân thế.
Cha mẹ trần thế là công cụ đầu tiên, hiệu quả, tuyệt vời qua đó Thiên Chúa biểu lộ  ý định của Người đối với đàn con của họ. Giuse và Maria, trong tư cách là THÀNH VIÊN MỘT GIA ĐÌNH chứ không phải là một cá nhân riêng lẽ, đã đóng góp phần lớn lao, duy nhất không thể thay thế của mình giúp Đức Giêsu ngay thuở Thai Nhi  đã hoàn tất được sứ vụ thiên sai đã nhận từ Chúa Cha.
Noi gương Thánh Gia, mỗi gia đình công giáo, từng thành viên, phải là cái nôi để Ý Chúa được thể hiện.

Frère Pierre Đình Long FSC