SUY NIỆM MÙA VỌNG CHÚA NHẬT II- năm A

“ Hãy Sám hối , vì Nước Trời đã đến gần… Hãy sinh hoa quả tốt xứng với lòng sám hối” (Mt 3, 2 – 8)

Mùa vọng là thời gian chuẩn bị đón tiếp Chúa đến. Giáo hội cùng với con cái mình sống cùng một lúc ngay trong cuộc sống hiện tại ba chiều kích của việc “đón tiếp Chúa”

  1. Chiều kích quá khứ : Giáo hội và con cái chiêm ngắm, ôn lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại, đáp lại lòng khắc khoải đợi trông Đấng Mêsia của dân Do thái, trong biến cố LỊCH SỬ, Đức Giêsu Giáng sinh tại Belem cách nay hơn 2000 năm.

  2. Để rồi trong hiện tại rút ra cho mình những bài học, biến hành trình đức trong quá khứ của tuyển dân thành kinh nghiệm đích thân của mình hầu đón tiếp Chúa vẫn còn đang đến với nhân loại trong từng phút giây hiện tại của dòng lịch sử.

  3. Tất cả là để chuẩn bị cho một biến cố tương lai : Chúa sẽ lại đến trong Ngày Quang Lâm. Vì Chúa đã đến một lần rồi nên vấn đề là CHUẨN BỊ ĐÓN TIẾP chứ không phải là THỤ ĐỘNG CHỜ ĐỢI.

Trong chu kỳ phụng vụ :

  • Chúa Nhật I Mùa Vọng đã hướng tâm trí  tín hữu đến Ngày Quang Lâm với những chỉ dẫn phải làm gì để chuẩn bị đón ngày ấy đến.

  • Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa vọng đưa tín hữu quay về quá khứ , chiêm ngắm những gì Thiên Chúa đã làm và số sót lại của dân Chúa đã đáp trả để dọn đường cho thời điểm Ngôi Lời Giáng Sinh trong Hang Đá Bêlem : Truyền tin cho Giuse, Năm A, Mt 1,18 – 24 ; Truyền tin cho Maria, năm B, Lc 1, 26 – 38 ; và việc Đức Maria , sau khi đón nhận Ngôi Lời nhập thể vào cung lòng mình, đi viếng bà chị họ Ysave năm C, Lc 1, 26 – 38.

  • Còn Chúa Nhật II và III , Tin Mừng nhấn mạnh tới thời điểm Đức Giêsu xuất hiện thực thi sứ vụ công khai của Người, nhân vật chính nổi bật trong bài đọc Tin Mừng của hai Chúa Nhật này là Gioan Tẩy Giả trong vai trò là người tiền hô, là chứng nhân. Đấng Mêsia đang ở giữa dân chúng trong những sinh hoạt thường ngày của kiếp người. Làm sao nhận ra Người và đón tiếp Người ngay giữa bao lo toan của cuộc sống.  Đó là chiều kích hiện tại của Mùa Vọng.

Tin Mừng của Mùa Vọng 2A trình bày cho chúng ta sứ mạng của vị tiến hô Gioan Tẩy Giả và những đáp ứng của nhiều thành phần dân Chúa trước sứ điệp và hành vi của ông . Qua đó, dù Đức Giêsu  chưa xuất hiện nhưng dung mạo của Người cũng được tỏ hiện một phần. Sứ điệp chính của Gioan trong Tin Mừng hôm nay là :

  • Nước Trời đã đến gần bên rồi

  • Vậy phải lo SÁM HỐI

  • Khía cạnh tích cực của việc chuẩn bị đón Chúa được nhấn mạnh :

Việc phải làm không phải là việc CHỜ ĐỢI CÁCH THỤ ĐỘNG mà là LO DỌN ĐƯỜNG, SỬA LỐI.

     Lời loan báo của Gioan “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi…” (Mt 3, 11) hàm ý là Đấng đó đang có mặt rồi, sắp xuất hiện. Vì thế việc sám hối, lo sửa lối dọn đường là CẤP BÁCH. Nếu không nỗ lực hết mình, để rồi khi vua đến mà mọi sự chưa sẵn sàng thì hậu quả sẽ thật đáng tiếc. Vấn đề là làm cách nào NHẬN RA và sẵn sàng ĐÓN TIẾP Người. Sứ điệp này luôn mang tính HIỆN TẠI.

           Thực vậy, chính lúc Gioan đang rao giảng thì Đức Giêsu đến. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Người đến trong thân phận như là một tội nhân : trong khi đó sứ điệp Gioan loan báo về Người lại nhấn mạnh đến khía cạnh Người là một THẨM PHÁN nghiêm khắc. không khoan nhượng trước bất kỳ lỗi phạm nào của con người :

  • Những hình ảnh vay mượn từ cuộc sống cụ thể, cho thấy những tiêu chuẩn xét xử của vị thẩm phán này rất cao : cây phải sinh quả tốt ; lúa phải là lúa mẩy.

  • Và hình phạt dành cho những ai không đạt tiêu chuẩn là đích đáng, dứt khoát không khoan nhượng ; và đích thân vị thẩm phán sẽ đảm nhận luôn vai trò người thi hành án. Không còn vấn đề đối phó, hối lộ, né tránh ! “Rìu đã để sẵn dưới gốc cây ; chính Người đích thân cầm nia để rê lúa.

Vấn đề là phải chân tâm sám hối, đổi mới cuộc sống ! trước sứ điệp của Gioan,  dân chúng đã hối cải : Họ Thú Tội (3,6a).

Sám hối chân tâm phải được khởi sự bằng việc thú nhận mình là tội nhân cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì nếu tự cho mình là công chính thì lòng thương xót của Chúa không thể bám rễ được trong hồn ta (x.Mt 9,13) ; và tệ hơn nữa. khi không thú nhận mình là có tội thì đồng nghĩa với việc mình tố cáo Thiên Chúa là kẻ nói dối và như vậy thì sự thật không thể tồn tại nơi ta (1Ga 1,8 – 10) .Và Gioan đã làm phép rửa cho họ. Mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo như thế, nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện với sứ điệp cứu độ của Người thì họ và kể cả Gioan cũng chưa tiếp nhận nổi. Tại sao ? Lời Chúa tuần sau sẽ cho lời đáp.

Bè Pharisêu và bè Sa đốc cũng đến chịu phép rửa, nhưng không thấy họ bày tỏ lòng chân tâm sám hối : không thấy họ thú nhận tội lỗi ; và Tin Mừng Gioan  cho thấy thái độ dò xét, bắt bẻ của họ đối với việc làm của vị tiền hô ( x. Ga 1,19 – 28) . Vậy thái độ của họ là giả dối nên Gioan vạch mặt họ “ nòi rắn độc” : họ là con cái của Satan chứ không phải của Abraham (x.Ga 8,44). Tuy nhiên Người của Chúa vẫn hướng dẫn cho họ con đường cứu độ:

  • Hãy sám hối chân thành và sinh hoa trái tốt

  • Đập tan các ỷ lại, ảo tưởng , đừng tưởng rằng chúng ta có tổ phụ Abraham

Mọi cậy dựa, giả dối, đối phó đều vô ích để được hưởng ơn cứu độ thời Thiên Sai. Chỉ lòng sám hối, khiêm tốn nhận phận tội nhân và dựa vào lòng thương xót Chúa mới đưa ta tới ơn cứ độ. Người của Chúa luôn mở rộng con đường sống cho mọi người, không loại trừ ai. !

Tuy nhiên với giới hạn của thời cựu ước, hình ảnh của Đấng Mêsia do Gioan loan báo còn đậm nét pháp lý ngăm đe (x.Mt 3,10. 12). Chính bản thân của Vị Tiền Hô cũng cần phải sám hối, tẩy luyện … để có thể thật sự đón nhận đầy đủ sứ điệp của Đức Giêsu . Đó sẽ là những gì mà Tin Mừng của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng năm A sẽ trình bày cho chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC