Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 9

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Ngày 9 tháng 12 năm 2011 (Kỷ niệm ngày phong thánh của cha Eymard do Đức Thánh Cha  Gioan XXIII đã tiến hành vào năm 1962; Đức Gioan Phao-lô II đã đưa lễ kính thánh Eymard vào lịch Phụng vụ, năm 1995).

“Chúa nhân lành yêu mến con nhiều, cha đoan chắc rằng con cũng yêu mến Ngài, con chỉ ao ước một mình Ngài- đó là điều chắc chắn.”  [Gửi  cho  bà Lepage, tháng 10/1867]

Câu này  của cha Eymard có thể được nói với bất kỳ người nào, vì Chúa Giê-su đã chết cho từng người. Khi Thiên Chúa yêu thương, thì Ngài yêu thương tất cả các thụ tạo của Ngài ngang bằng nhau mặc dù Ngài không ban phát những ân huệ của Ngài là như nhau. Ngay cả trong dụ ngôn  những  nén bạc, chúng ta thấy Ông Chủ trao năm nén cho đầy tớ này, hai nén cho đầy tớ khác và người cuối cùng chỉ có một nén. Cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, người đầy tớ sau cùng này đã không làm gì với nén bạc mà anh được giao, nhưng lại đem chôn giấu nó xuống đất và hoàn trả lại khi Ông Chủ trở về. Anh ta đã không nhận ra rằng mình chỉ được trao một nén không phải vì Ông Chủ ít quan tâm đến anh, nhưng vì đó là thước đo khả năng sinh hoa lợi của anh. Nếu anh nhận ra tình thương của Ông Chủ qua nén bạc duy nhất này, có lẽ anh mới chịu làm ăn bằng nén bạc ấy với sự hăng hái nhiệt tình và do đó anh mới nhận được phần thưởng từ Ông Chủ.

Chúng ta không bao giờ có thể quên rằng chúng ta không nên so đo tính toán tình yêu của Chúa dành cho mình theo số lượng những ân huệ hay của cải vật chất chúng ta có. Đó chính là cách mà dân Ít-ra-en đã làm trước mặt Chúa. Họ tin rằng họ càng có nhiều của cải vật chất, họ lại càng được đẹp lòng trước mặt Chúa. Cũng như những đứa con mà họ được Chúa chúc phúc ban cho; do đó một người đàn bà không sinh nở thì cũng giống như đã bị Thiên Chúa nguyền rủa hay bị chối bỏ. Điều này cũng tương tự đối với một người mang nhiều khiếm khuyết về thể lý, chẳng hạn như sinh ra đã bị mù- họ xem những  khiếm khuyết này như một sự trừng phạt vì tội lỗi, tội lỗi của chính người ấy cũng như của cha mẹ người ấy. Họ phải mất một thời gian dài để nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người ngang bằng nhau, ngay cả khi Ngài không ban cho mọi người những ân huệ như nhau.

Tuy nhiên, điều quan trọng được ghi khắc trong đầu khi thực hiện một cuộc trở về với Chúa đó là thước đo lòng quảng đại của chúng ta không phải là những gì người khác đã nhận được, nhưng đúng hơn đó là tình yêu và sự quảng đại của Thiên Chúa thể hiện qua việc ban cho chúng tatất cả những gì chúng ta có. Khi chúng ta nhận ra rằng ngay cả đến những điều nhỏ nhặt chúng ta đang có, chúng ta cũng hoàn toàn không xứng đáng để lãnh nhận nó, chúng ta biết ơn tất cả những gì Chúa làm cho chúng ta và tìm cách quay trở về với một tấm lòng quảng đại tương tự như thế. Và sau cùng, đó là điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, cha Eymard có thể đảm bảo với người con linh hướng của ngài rằng mọi sự sẽ tốt đẹp bao lâu bà ấy tiếp tục đáp trả lại Thiên Chúa với một sự quảng đại cao cả. Thường thì chính chúng ta không thể cân đo đong đếm được lời đáp trả của mình đối với Thiên Chúa, nên chúng ta cần sự ủng hộ và đảm bảo của người khác, những người nhìn chúng ta một cách khách quan.

Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tập trung vào tình trạng tội lỗi của mình, do đó chúng ta tưởng tượng rằng mình không được Chúa Cha chấp nhận. Dưới mắt Ngài, chúng ta bị đánh giá thấp và đó là lý do vì sao chúng ta nhận được ít ân huệ cũng như ít nén bạc hơn. Điều này đưa đến những nỗi lo lắng bồn chồnvàtình trạng tồi tệ hơn, so đo với người khác, và dẫn đến sự không hài lòng cũng như vô số những phiền toái khác.