Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 21

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Hãy yêu mến vị Thầy nhân lành của chúng ta, Đấng cư ngụ trong nhà của con và chỉ mình con mà thôi.” [Gửi cho cô Stephanie Gourd, 11/1859]

Bằng nhiều cách thế khác nhau và với sự trợ giúp của những  phép so sánh và ẩn dụ, cha Eymard đã nhấn mạnh đến chân lý nền tảng:   Thiên   Chúa  cư ngụ nơi chúng ta, bằng tình yêu dành cho chúng ta. Đây chính là mục đích của Nhập Thể, điều màcha thánh đã sớm đề cập đến ở một trong số những bài suy niệm của chúng ta, lý do vì sao mà Con Thiên Chúa lại trở nên người phàm để chia sẻ cuộc sống với chúng ta, không còn gì có thể đơn sơ và tầm thường đến như vậy. Tuy nhiên, cuộc đời không thể được chia sẻ nếu cả hai bên hoàn toàn giả tạo đối với nhau. Về phần mình, Thiên Chúa đã chia sẻ tất cả với chúng ta, như thánh Phao-lô nói với tín hữu Roma trong thư của ngài: “Chính Con của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta; lẽ nào, cùng với người Con ấy, Người lại chẳng rộng ban mọi sự cho chúng ta?” (Rm 8,31-32). “Tất cả những gì Ta có là của các ngươi”, “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”– Với những diễn tả như vậy, Thiên Chúa tìm cách thuyết phục chúng ta  rằng Ngài đã ban cho chúng ta ‘muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần từ cõi trời, trong Đức Ki-tô’ (Ep 1,3-4). Quả thực, không có gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ngày hôm nay mà lại không ban qua người Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô.

Câu hỏi vẫn còn đặt ra là chúng ta dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa được bao nhiêu? Thiên Chúa ở lại trong nhà chúng ta, nhưng chúng ta có ở lại trong Ngài không? Chúng ta có dành thời giờ và gạt bỏ vướng bận để chia sẻ những suy  nghĩ cũng như ước muốn của chúng ta với Ngài, giống như một đứa trẻ chia sẻ với cha mẹ của nó không? Thiên Chúa có can thiệp sâu vào phạm vi cuộc đời chúng ta không? Trong nhiều trường hợp, điều này không xảy ra, và có lẽ lý do là vì chúng ta lo sợ rằng nếu Đức Giê-su chi phối cuộc đời chúng ta, thì chúng ta sẽ đánh mất quyền tự chủ trên cuộc đời mình và  không thể làm theo những gì mình muốn! Trên thực tế, đây là con đường chân thật vì khi Đức Giê-su nắm quyền kiểm soát, thì nhiều khả năng chúng ta sẽ tận hưởng trọn vẹn cuộc sống trong Ngài.

Vì vậy, trong thực tế, quả bóng nằm ngay trên phần sân của chúng ta vì Đức Giê-su nói ‘Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. Ai thắng, Ta sẽ cho ngồi bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngồi bên Cha Ta trên ngai của Người’ (Kh 3,20-21). Đức Giê-su muốn dùng bữa với chúng ta, có lẽ còn hơn cả việc cư ngụ trong chúng ta hay có lẽ đó là cách cư ngụ hay nhất. Có vấn đề gì khi chúng ta không biết mở rộng lòng ra để tiếp đón Ngài bằng một thái độ tự do và quảng đại như Ngài hằng mong ước không? Dĩ nhiên, một trong những lý do giải thích vì sao chúng ta không để Đức Giê-su tiến lại gần là vì chúng ta vẫn muốn trở thành những ông chủ đối với định mệnh của mình.  Và Đức Giê-su đã thấu suốt sự thực ấy ‘không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được’. Người Pha-ri-sêu vốn ham mê tiền bạc, nên nghe tất cả những điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ “Các ông tỏ ra mình là người công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông, bởi vì điều cao quý đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”’ (Lc 16,13-15).