SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN C

  “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19,9)

Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian là để mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người, không ai bị loại trừ ra khỏi lòng thương xót của Người. Vấn đề là phía con người : có chịu mở lòng ra để đón nhận hồng ân Chúa ban tặng hay không ? Chúng ta có dám bộc lộ ra hết trước nhan Chúa con người thật của mình để rồi Thiên Chúa sẽ can thiệp biến đổi ta theo đường lối Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện quen thuộc : chuyện ông Dakêu ! Câu chuyện xoay quanh chỉ có ba nhân vật : Đức Giêsu – Dakêu – và đám đông. Đức Giêsu là người điều khiển mọi tình huống của câu chuyện : Người làm cho Dakêu lẫn đám đông phải bộc lộ ra con người thật của mình và rồi Người can thiệp, cứu họ, mời họ đi vào một tương quan mới.

Khởi đầu là một sự ngăn cách vô hình giữa ba nhận vật trong câu chuyện. Đám đông đang ùn ùn kéo theo Đức Giêsu nhưng họ không hiểu Người, không có chút tâm tình nào của Người. Họ được Luca mô tả như một đám đông vô danh, đầy thành kiến, chạy theo quyền lợi cá nhân, tìm hưởng các phép lạ (ngay trước câu chuyện này là trình thuật chữa lành anh mù tại Giêricô) ; trong khi đó Đức Giêsu ngày càng tiến gần tới Núi Golgôtha. Đám đông bề ngoài theo Đức Giêsu mà chẳng có chút tâm tình nào của Người. Đức Giêsu phải cứu họ ra khỏi cái vô tri chết người đó. Sự kiện gặp Dakêu là một dịp tốt.

Rồi giữa đám đông và Dakêu cũng có một hố ngăn cách khó vượt qua do thành kiến xã hội lẫn tôn giáo đối với người thu thuế mà Dakêu lại là “người đứng đầu” của bọn tội lỗi ấy. Bản thân Dakêu cũng ý thức rõ điều đó, cộng thêm cái “Lùn” về thể lý khiến ông không thể tiếp cận được với Đức Giêsu lẫn đám đông. Tuy nhiên, Dakêu không thụ động, không cam chịu ! Ông đang tìm cách vươn lên, vượt qua cái “số” của mình để thấy Đức Giêsu cho kỳ được : Ông quan sát và đoán hướng đi của Đức Giêsu, rồi chạy trước đón đường ; bất chấp địa vị xã hội của mình, ông hành động như một đứa bé :

– Leo lên cây, ngồi chờ. Và ông đã thấy được Đức Giêsu từ xa. Óc tò mò được thỏa mãn phần nào, nhưng ngăn cách vẫn còn nguyên. Ông vẫn là hạng người bị loại trừ ! Ông không hy vọng gì được tiếp cận, được nói chuyện với Đức Giêsu. Đám đông có vẻ như “đạo đức” đang ùn ùn theo Đức Giêsu lại là một cản trở lớn ngăn ông đến được với Người. Vô tình đám đông đã bị biến chất thành bọn giả hình đã “khóa cửa Nước Trời… mình đã không vào mà kẻ muốn vào mình lại không cho” (x. Mt 23,13). Đức Giêsu phải cứu họ!

May thay, tất cả mọi ngăn cách đều bị dẹp bỏ, khi Đức Giêsu bắt đầu lên tiếng. Câu đầu tiên lại là lời ngỏ với Dakêu. Người gọi ông đích danh và muốn đến thăm nhà ông HÔM NAY. Bức tường ngăn cách bị xô ngã ! Mọi mặc cảm được xóa tan ! Dakêu mừng rỡ đón tiếp Đức Giêsu. Ông được cứu, ông được hồi phục ngay tức khắc. Lòng quảng đại, tình thương xót của Người biến đổi hoàn toàn con người ông : kẻ gây bất công (thu thuế) trở thành người phục hồi công lý (đền gấp 4) ; kẻ thu gom vơ vét trở thành người quảng đại chia sẻ (phân phát nửa gia tài cho người nghèo). Đáp lại lời công bố hoán cải của Dakêu, Đức Giêsu trao ban ngay tức khắc ơn cứu độ, phục hồi quyền làm con dân Thiên Chúa “Hôm nay, ơn cứu độ đến cho nhà này, vì người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Dakêu được cứu :

– Được Đức Giêsu đến gặp, Dakêu dám bộc lộ con người thật của mình : kẻ chiếm đoạt, bóc lột.

– Ông quyết tâm đổi đời để nhà ông nên xứng đáng với hồng ân Chúa muốn đến ở lại.

– Những gì trước kia ông coi là lẽ sống (thu gom tiền vô độ) thì đã trở thành rơm rác trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu (x. Pl 3,8)

– Có Đức Giêsu ngự trong nhà, đó là cội nguồn ơn cứu độ : “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta” (ứng dụng của anh chị em La San vào cuộc sống).

            Còn đám đông thì sao ? Đụng chuyện, con người thật, ích kỷ của họ mới lộ ra : “Họ xầm xì” trách Đức Giêsu, họ không “đi theo Người” nữa. Đức Giêsu phải thức tỉnh họ bằng lời Người nói với họ VỀ Dakêu (19,9). Qua lời khẳng định “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này…”. Người mời họ làm một cuộc đổi đời, thay não trạng như Dakêu. Với sự kiện Đức Giêsu muốn đến nhà Dakêu, bộ mặt thật của đám đông bị lộ ra : họ là kẻ xét xử tha nhân, xét xử luôn cả Đức Giêsu. Khi công bố ơn cứu độ cho Dakêu, Đức Giêsu đưa ra luôn con đường cứu độ cho đám đông : hãy bỏ đi cái nhìn “quan tòa” đối với tha nhân, đối với Đức Giêsu, nhưng hãy thực sự là người đi theo Đức Giêsu, là môn đệ Người, là anh em với nhau.

Frère Pierre Đình Long FSC