Sống đời dâng hiến

Ý NGHĨA CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VỚI BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Sống đời dâng hiến, người tu sĩ nên thánh cách riêng bằng việc sống ba lời khuyên Phúc Âm[1]: Khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục. Đây là con đường giúp người tu sĩ trở nên giống Chúa Kitô, hoà hợp cuộc đời với tinh thần của các mối phúc và nhất là để đạt tới đức ái trọn hảo. Ba lời khuyên Phúc Âm được biết đến như là yếu tố căn bản để làm nên đời tu[2]. Tuy nhiên, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng: “tự bản chất, ơn gọi của anh chị em là lời đáp trả triệt để trước lời mời gọi của Đức Kitô gửi tới mọi người tín hữu, khi họ được thánh hiến trong Bí tích Thánh Tẩy…Lời đáp trả của anh chị em phải được thể hiện qua việc tuyên khấn, tuân giữ và sống ba lời khuyên Phúc Âm trong cộng đoàn[3]. Như vậy, còn một yếu tố vô cùng quan trọng để giúp người tu sĩ đi trọn con đường nên thánh đó là đời sống cộng đoàn. Người ta vẫn nói “một người tu sĩ sống tốt ba lời khấn thì cũng tự nhiên sống được đời sống cộng đoàn và ai sống tốt đời sống cộng đoàn thì cũng giúp ích rất nhiều để hòa nhập bản thân mình mà sống ba lời khấn tốt hơn” Vậy, đâu là ý nghĩa của đời sống cộng cộng đoàn để người tu sĩ sống tốt ba lời khuyên Phúc Âm?

Đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài. Nơi đây người tu sĩ được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của đời sống chung, tôi và một số người khác, khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, quê quán, tính cách, sở thích… nhưng lại được chính “Đức Giêsu kêu gọi và được tình yêu của Người đỡ nâng để hình thành một gia đình mới”(VC 41; FLC 1), để cùng chia sẻ, cùng nhau diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa và với nhau cách cụ thể. Hơn thế, đời sống cộng đoàn còn là “một sợi chỉ” xuyên suốt mọi chi tiết của đời sống tu trì, dệt nên hình thái cụ thể cho việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm[4] một cách yêu sách và ổn định hơn, khi được sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với những phần tử khác và cùng lệ thuộc vào vị đại diện Chúa lãnh đạo cộng đoàn. Nói tắt lại, đời sống cộng đoàn là một huấn điều vĩ đại bao quát hết mọi khía cạnh đời tu[5]_là dấu hiệu để phân biệt các tu sĩ với các hình thức tu trì khác của đời sống thánh hiến.

Với lời khấn Khiết Tịnh, con “tự nguyện cam kết yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, không bị rằng buộc bởi mối dây hôn phối và những đam mê xác thịt” (x. PC 12; GL 599), bằng việc “hiến thân trọn vẹn: thân xác – tinh thần – con tim cho Chúa Giêsu Kitô, và giữ đức thanh khiết hoàn hảo trong bậc độc thân vì Nước Trời”[6]. Đây quả là một hồng ân của Thiên Chúa. Hồng ân nói lên sự tuyển chọn của Người dành riêng cho con, bởi chưng ơn này “chỉ được ban cho một số người” và “những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (x.Mt 19,11). Tuy nhiên không phải khi chọn lựa ân huệ ấy là con trở thành thiên thần, không còn khả năng yêu đương hoặc đã mất cảm giác như một hòn đá. Không! Con vẫn là một con người, vẫn còn giữ nguyên tất cả những bản năng con người. Càng tu con càng cảm thấy thấm thía cảnh cô đơn của đời độc thân thật bi đát. Khi dâng trọn thân xác và tình yêu cho Thiên Chúa, cũng có lúc con muốn dành nó lại cho ai khác. Con thấy thật chẳng dễ dàng và đơn giản khi yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai, khi vừa nhen nhúm được một tình yêu đã phải vội vàng xác định ngay giới hạn và vị thế của mình! Đối diện với tình yêu, với hạnh phúc nhân loại, với những “trái cấm” chín mọng hai bên đường, nhiều lúc con chợt nhận ra rằng đời mình còn thiếu thốn một cái gì, vắng bóng một người nào đó! Thập giá và đau khổ dù có được “thánh hóa” hay phong thần chăng nữa, vẫn là thập giá  và khổ đau!…

Vẫn còn đó rất nhiều yếu đuối, bất xứng nhưng con không thất vọng, “Thiên Chúa là Đấng trung tín, Người sẽ không để con bị thử thách quá sức” (1Cr10,13), ơn Ngài đủ cho con vượt thắng mọi thử thách (x.2Cr12,9) và hơn nữa “cộng đoàn chung sống sẽ là một nâng đỡ quý báu cho đời thanh khiết thánh hiến[7]. Thật vậy, ngoài việc cậy dựa vào ơn Chúa, tình chị em trong cộng đoàn sẽ là một phương thế giúp con vượt qua những cám dỗ về lời khấn khiết tịnh. Sự quan tâm, giúp đỡ của chị em cho con cảm nhận được giá trị của bản thân và nhận ra được tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện; những lời nhắc nhở, góp ý là những hàng rào để con sửa đổi bản thân; những buổi chia sẻ, giờ chơi chung, giờ lao động cộng đoàn giúp con giải tỏa những căng thẳng, hòa giải những hiểu lầm và thông hiểu hơn về chị em. Từ đó cũng giúp con có cái nhìn tích cực, thấy những điểm hay điểm dở nơi từng người để khắc phục và học hỏi. Rồi còn đó những công việc của đời sứ vụ, của công tác mục vụ giáo xứ…lắm khi con chưa có kinh nghiệm hay lượng công việc quá nhiều thì sự trợ giúp và chia sẻ của chị em trong cộng đoàn giúp con nhẹ bớt gánh nặng. Nhờ đó tình chị em thêm đậm nét, tình thương ấy lại khiến cho mọi người xung quanh thấy được nét đẹp của đời hiến dâng: “Kìa xem họ yêu mến nhau biết bao”. Thánh Phanxicô Salêsiô dạy rằng: “Nếu con muốn yên trí trên con đường thánh đức, con hãy tìm người tử tế chỉ bảo, dẫn dắt con”[8]. Là một tu sĩ trẻ, con vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để quản triệt hết mọi cảm dỗ tinh vi của đức khiết tịnh, hay có khi chưa có đời sống nội tâm sâu xa để có thể phân định mọi sự theo ý Thiên Chúa thì trong những cảnh huống này, việc được đồng hành thiêng liêng, trao đổi với quý Dì giáo, các Dì sống lâu năm trong hội Dòng giúp con chọn lựa và tiến tới trên con đường đức ái hoàn hảo của mình.

Qua Đức Khiết Tịnh con được hiến dâng cho Thiên Chúa “một trái tim trọn vẹn” không chia sẻ thì qua Đức Khó Nghèo con sẽ dùng nó như là “phương tiện” để con thể hiện sự phó thác tuyệt đối vào Người.

Đối với một Nữ Tỳ Thánh Thể, “chọn sống nghèo là vì lòng yêu mến Chúa, chúng con chân nhận mọi sự đều là ân huệ Chúa ban: nhận của cải với lòng biết ơn mà không dính bén, dùng nó trong tâm tình cảm tạ. Hài lòng về những điều đã có và vui vẻ sống trong thiếu thốn cũng như dư giả (Pl 4,12)[9]. Đây quả là một lí tưởng cao đẹp của đời sống nghèo. Tuy nhiên, đời tu luôn bị những xu thế của thời đại tấn công. Sự giàu có và cuộc sống đầy đủ tiện nghi thoải mải vẫn là một niềm khao khát của mọi người. Trong khi đó, “lối sống nghèo lại đòi một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản theo ý của Bề Trên” (GL 600). Thật chẳng dễ chút nào! Là một con người sống trong thế giới này, vẫn còn phải hít thở không khí, chân vẫn còn đạp đất thì con vẫn còn đó nhưng nhu cầu ăn ngon mặc đẹp, vẫn muốn sử dụng những phương tiện truyền thông “xịn xò” một chút để việc học được hiệu quả và bắt kịp thời đại, hay chẳng muốn phụ thuộc cộng đoàn khi “muốn mua gì thì mua” các vật dụng cá nhân, cám dỗ đó dẫn đến việc muốn thủ đắc cho mình một “quỹ đen” để khỏi phải xin….Thế nhưng, theo Chúa là chấp nhận từ bỏ, chấp nhận chọn Thầy Chí Thánh làm mẫu gương. Sự từ bỏ đó của chị Nữ Tỳ phải được thể hiện trong việc “luôn tỏ ra sẵn sàng trong mọi biểu hiện của đời sống cộng đoàn[10].

Khi sống trong một cộng đoàn có nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng sự vui tươi đón nhận nơi những chị em cùng chung sống tạo thêm động lực để con đón nhận cảnh nghèo trong an vui. Những lời mời gọi tiết kiệm điện, nước…; những lời nhắc nhở của chị em khi thấy con tiêu xài còn “thoải mái”; những quy định sử dụng tiền riêng, giới hạn khách mời các dịp lễ khấn, lễ tạ ơn ( QCBT 2.5 ); xây dựng góc chia sẻ đồ chung…chính là những hàng rào ngăn cách không cho con vượt ra khỏi biên giới của đức Khó Nghèo. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid bùng phát, các hoạt động dạy học, làm bánh tạm ngưng phần nào cũng ảnh hưởng đến thu nhập của cộng đoàn. Ý thức được cái khó đó để rồi con biết tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu cá nhân và bảo vệ đồ dùng chung cách hiệu quả hơn. Và nữa, lòng cảm mến khi được đón nhận những món đồ do chị em chia sẻ, được giúp đỡ khi làm việc chung cũng thúc đẩy con biết quan tâm và chia sẻ cho người khác, biết xả thân nhiều hơn để đem lại cho người khác chính niềm vui mà con đã được nhận lãnh (x.Mt 7,12).

Sự từ bỏ nào cũng làm người ta đau xót và nuối tiếc nhưng còn có một sự từ bỏ làm người ta xót xa và khó khăn hơn: “bỏ mình”.

Thánh Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (ĐHV, số 3). Điều nầy cho thấy Vâng Phục thật quan trọng và cao cả. Vì khi khấn Vâng Phục, người tu sĩ “khấn dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt cuộc sống” (St. Tôma Aquino). Thật chẳng dễ gì khi phải “tỏ lòng khiêm nhu tuân phục các bề trên theo Kỷ luật và Hiến pháp” (PC 14), trong khi con cũng muốn xây dựng bản thân theo phong cách riêng và theo chủ nghĩa cá nhân của mình. Thật khó để nói “vâng” khi phải chuyển đến một cộng đoàn mình không muốn, phải làm một công việc chẳng thuộc chuyên môn, phải nghe theo lời chỉ dạy của những vị hữu trách chưa có nhiều kinh nghiệm hay phải thi hành những điều không hợp ý riêng của con. Hơn nữa, lời khấn Vâng Phục không chỉ giới hạn ở việc thưa vâng với các bề trên, với người lớn tuổi nhưng còn với các chị em cùng lớp, cùng cộng đoàn..bởi ý Chúa được biểu hiện và diễn tả nơi mọi khuôn mặt, mọi biến cố mà con cần phải hết sức tinh tế và trầm lắng mới có thể nhận ra.

Mọi người vẫn thường truyền tai nhau: “vâng là lời”, nhưng vâng có thật là lời không?

Thật ra lỗ lời không phải là mục đích của đời tu và con vẫn luôn ý thức rằng: “Vâng phục của người tu sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (ET 27). Khi ở trong cộng đoàn, con được nhìn thấy những tấm gương suốt một đời cần mẫn trong công việc mà chẳng bao giờ kêu ca, than vãn. Quý Dì vẫn thường chia sẻ những kinh nghiệm “ chị chẳng có khả năng nhưng làm đi rồi Chúa ban ơn” khiến con thấy nể phục và muốn bắt chước. Tinh thần chung tay phục vụ của cả cộng đoàn thôi thúc con vui vẻ trong việc thưa vâng, và sự giúp đỡ của chị em cùng sống khiến con dễ dàng “nhận lệnh” hơn khi biết mình không phải thực hiện một mình….nhờ đó mỗi ngày con tập “thưa vâng” với thánh ý Chúa một cách mau mắn và có hương vị tình yêu hơn.

“Như Thánh Thể đã liên kết chúng tôi lại trong cuộc đời, cũng sẽ gìn giữ chúng tôi…” (Ls.27)

Ơn gọi là một huyền nhiệm! Người dâng hiến cho Đức Kitô qua con đường ba lời khuyên Phúc Âm để trở thành người môn đệ đích thực của Người cũng thật chông gai và nhiều cam go. Nhưng con sẽ không sợ hãi và lo lắng: “Thiên Chúa gọi ai thì Người cũng ban đủ ơn cho họ sống được ơn gọi đó”. Cộng đoàn_những người anh chị em bên cạnh là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, là món quà Thiên Chúa gửi đến để cùng bước và đỡ nâng con trên đường thánh hiến. Qua bài viết này con thấy mình nhận thức được rõ hơn ý nghĩa của đời sống cộng đoàn, hiểu được giá trị nâng đỡ của tình chị em khi cùng chung sống, cảm thức sâu xa về những yếu đuối, giới hạn của bản thân và hơn hết là hiểu được tình yêu thương mà Thiên Chúa đã chọn gọi con bước vào đời dâng hiến. Ước mong sao con luôn biết đắm mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, để “nhờ” tình yêu và “bằng” tình yêu Thánh Thể, con biết trân quý những chị em cùng chung sống, ý thức chúng con đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho nhau, để cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất, cùng nhau sống giao ước thánh một cách triển nở và trở nên dấu chỉ cho Nước Chúa ngay giữa lòng thế giới hôm nay.

 Kim Thinh, SSS

[1] Eric Fuchs, Comment faire pour bien faire ? Ed: Labor et Fides, Genève, 1995.
[2]
Người tu sĩ trưởng thành. Lưu hành nội bộ.

[3] Bài nói chuyện với các Tu Sĩ ở San Francisco ngày 17.09.1987 của đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
[4]x. J.M.R. Tillard, Project des Religieux, pp 193-195, Vita comunitaria, p72.
[5] x. E.S. Aguila, “Vivencia comunitaria de ló consejos evangélocos”, La Communidad Religiosa (Madrid, 1972), pp. 223-229.
[6] Luật sống Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Số 20
[7] Luật sống Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Số 20
[8] S. Francois de sales, Introduction à la vie dévote, Hoàng Minh Tuấn dịch (Sài gòn, 1965), tr. 24.
[9] Luật sống Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Số 21
[10] Luật sống Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Số 21