SÂN GA CUỘC ĐỜI.

– Bài Giảng Lễ của Cha Đaminh Phạm Văn Vàng, sss.

+ Kn 3,1-9; 2 Cr 5,1.6-10; Ga 14, 1-6 

    Kính thưa cộng đoàn

    cùng tang quyến của Dì Maria Trần Thị Kim Tuyến thân mến,

    Có người sánh ví cuộc đời giống như con tàu tốc hành. Nó luôn lao về phía trước, để lại đằng sau là những người thân, cùng với những kỷ niệm vui buồn. Con tàu nào, dù hành trình dài hay ngắn, cũng có lúc dừng lại ở một sân ga. Nên, Sân ga là đích điểm của hành trình. Người đi tàu đến sân ga thì phải xuống. Chẳng có ai đến sân ga, mà lại nấn ná mãi trong toa. Vì thế, Sân ga cũng là điểm hẹn: Vợ đón chồng, cha mẹ đón con, ông bà đón cháu, bạn bè đón nhau. Cuộc gặp gỡ ở sân ga bao giờ cũng cảm động, vì đó, thường là cuộc gặp lại sau những tháng ngày xa vắng, nhớ thương.

    Con người khi sinh ra là khởi đầu một cuộc hành trình. Cuộc hành trình xa bao nhiêu, rồi cũng có lúc dừng. Cuộc sống con người trường thọ đến mấy, rồi cũng đến hồi kết thúc, như con tàu dừng ở một sân ga, để hành khách xuống tàu gặp người thân đang chờ đợi. Thời điểm kết thúc cuộc đời được người ta gọi với nhiều danh từ khác nhau: an nghỉ, qua đời, chết, từ trần. Cụ thể, người theo Đạo Ông Bà thì nói chết là về với tiên tổ, người tin vào Phật thì nói chết là về cõi niết bàn, còn người tin vào Chúa thì nói chết là “về Nhà Cha trên Trời” mà Phụng vụ Lời Chúa qua ba bài đọc chúng ta vừa nghe, khẳng định với chúng ta điều đó.

     Kính thưa cộng đoàn,

     Người tín hữu tin rằng khi nhắm mắt xuôi tay là về gặp Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ mà họ đã chuẩn bị suốt một đời. Thực ra, cuộc gặp gỡ với Chúa đã khởi đầu khi con người được tái sinh nhờ bí tích Thanh Tẩy, vì nhờ bí tích này mà họ được ban ơn Đức Tin. Đức Tin chính là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc II, Thánh Phaolô tông đồ, đã nói: Bởi đó, chúng ta đầy lòng tin tưởng và biết rằng, bao lâu sống trong thân xác này, là lưu lạc xa Chúa; vì nhờ Đức tin mà chúng ta tiến bước chớ không phải vì đã thấy. Vậy chúng ta tin tưởng và có ý muốn tốt lành là lìa xa thân xác và được ở bên Chúa” (2 Cr 5,6-8). Thế rồi, trong suốt cuộc đời dương thế, nhờ đời sống cầu nguyện và thực thi Lời Chúa, cuộc gặp gỡ ấy ngày càng thêm mặn nồng, thắm thiết.

     Vì thế, cuộc gặp gỡ với Chúa, sau khi kết thúc cuộc đời trần gian chính là Hạnh Phúc Thiên Đàng. Hạnh phúc này không phải là một điều gì, từ trên trời đột ngột rơi xuống, trúng vào ai, người đó hưởng; nhưng đó là kết quả của cả một đời sống tốt lành: mến Chúa yêu người. Đây là cuộc gặp gỡ trong tình cha con thân thiết.

     Trong quan niệm thông thường, nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến sự căng thẳng của ngày phán xét, mà quên đi hình ảnh của Thiên Chúa, được diễn tả như người cha nhân hậu, luôn chờ đợi và mong con trở về, mặc dù người con ấy còn nhiều tội lỗi.

    Khi kết thúc cuộc đời, chúng ta còn được gặp lại những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta gọi họ là “các thánh”, vì họ đang hưởng vinh quang Thiên Chúa. Trong hành trình cuộc đời, chúng ta có sự hiệp thông và đồng hành thiêng liêng của các thánh. Các ngài cũng đang chờ đợi chúng ta, để cùng với chúng ta, tôn vinh Chúa. Và lời chúc tụng của chúng ta được hòa vào bản trường ca vô tận của các thiên thần cùng các thánh nam nữ phần cuối của các KINH TIỀN TỤNG.

  Kính thưa cộng đoàn,

    Hành trình nào cũng có một đích điểm, con tàu nào cũng có một sân ga. Xác định điều đó, chúng ta sẽ nhìn đời lạc quan hơn. Chúng ta sẽ cố gắng nhiều hơn, vì biết rằng những đau khổ sẽ qua, tốt xấu ở đời sẽ được phân xử… Đức Tin còn nhắc bảo chúng ta, có Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngài đồng hành với chúng ta một cách thiêng liêng vô hình, và Ngài sẽ xuất hiện hữu hình, khi chúng ta đến đích, khi kết thúc: Chuyến-đi-cuộc-đời.

    Sân ga, là bến đợi những người trở về, cũng là nơi, tiễn những người đi xa. Hằng ngày, sân ga chứng kiến biết bao nước mắt. Đó là những giọt lệ buồn, khi tiễn người thân, nhưng cũng là những giọt nước mắt hân hoan, khi đón người đi xa trở về.

     Một người nằm xuống là đến sân ga bến đợi. Những người ở lại, khóc thương đưa tiễn người ra đi. Nhưng, nếu biết chắc người thân của chúng ta vừa ra đi, sẽ được đón tiếp nồng hậu ở đích điểm cuộc hành trình, thì cớ sao lại bi quan, lại chán nản?… Vẫn biết rằng, chết chóc, ra đi, là ly biệt; xuôi tay, nhắm mắt, là đau thương. Nhưng, nhờ Đức Tin vào sự sống bên kia cõi chết, người ở lại, sẽ bớt đau buồn, vì hy vọng sẽ có ngày, gặp lại người thân vừa nằm xuống. Chính màu tím của phẩm phục lễ an táng, cũng nói lên niềm hy vọng của người tín hữu, khi tiễn đưa một người thân, như lời hẹn sẽ tái ngộ.

    Vì thế, Sân ga vừa là điểm kết thúc một chuyến đi, cũng vừa là điểm khởi đầu một hành trình mới, tức là hành trình vĩnh cửu. Khi nhắm mắt xuôi tay, ta kết thúc cuộc đời dương thế, đồng thời bắt đầu một cuộc sống mới. Vì Chết, không phải là hết, mà là bắt đầu sống. Cho nên, chết còn được gọi là “sinh thì”, tức là giờ phút sinh ra, để sống mãi mãi.

     Chính Chúa Giêsu đã trấn an các môn đệ qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy đi để dọn chỗ cho các con? Nếu Thầy đi và dọn chỗ cho các con, Thầy lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, thì các con cũng ở đó” (Ga 14, 2-3). Ngay cả Kinh Tiền Tụng I : CẦU CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI, Hội Thánh cũng đã khẳng định: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”.

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

    Mỗi chúng ta đang đi trên chuyến tàu cuộc đời, và sớm hay muộn cũng sẽ có ngày dừng lại ở bến đỗ. Ý thức điều này, mỗi người chúng ta được mời gọi phải chuẩn bị sẵn sàng, để lúc con tàu vào sân ga, chúng ta được gặp Chúa trong tâm trạng vui mừng, thánh thiện.

    Nếu người hành khách, biết rõ thời điểm nào mình sẽ tới sân ga; thì mỗi chúng ta lại không biết được ngày nào, giờ nào Chúa đến gọi mình. Chúa Giêsu đã nói về việc Người sẽ đến “giống như kẻ trộm” vào lúc ta không ngờ, thì Chúa đến! Chính vì thế, tôi phải sống tốt ngày hôm nay, vì biết đâu, đó là ngày cuối trong đời. Tôi phải tranh thủ làm tròn bổn phận mỗi ngày, vì biết đâu ngày mai tôi chẳng còn hiện hữu trên đời. Tôi phải sống thân thiện với những người xung quanh, vì biết đâu ngày mai tôi không còn gặp lại họ nữa.

     Kính thưa cộng đoàn,

     Trong tâm tình và trong ý hướng đó, với thánh lễ chúng ta đang hiệp dâng sáng nay, cộng đoàn phụng vụ cùng với gia đình Thánh Thể và Tang quyến, hiệp dâng lời cầu nguyện cho Dì Maria Trần Thị Kim Tuyến, một trong những“cây cao bóng cả” còn lại của chị em trong Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể và cũng là người Bà, rất thân yêu và đáng kính của các cháu, chắt trong gia đình huyết tộc.

     Maria đã hoàn tất cuộc hành trình của mình một cách vuông tròn, sau 94 năm nơi dương thế trong ơn gọi làm người và làm con Chúa, trong đó, đã có 50 năm sống đời Tận hiến (Dì Maria được Tuyên Hứa năm 1970 trong Tu Hội Đức Mẹ Thánh Thể do cha cố Micae Hoàng Đức Tụng sáng lập – đến năm 1993, Tu Hội Đức Mẹ Thánh Thể được sát nhập vào Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể) và ngay sau khi sát nhập, Dì đã được Tuyên Khấn trong Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể tính đến nay là 30 năm Khấn Dòng. Có thể nói, Dì Maria là một trong những “con chim đầu đàn” vừa bay xa, và cũng là một “cây cao, bóng cả” của chị em Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể vừa đổ xuống!…

     Dì Maria đã ra đi bình an, sau khi đã lãnh nhận đầy đủ các bí tích sau cùng, trong vòng tay yêu thương của chị em trong Dòng và của các cháu thân thương hiện diện vây quanh, sau giờ kinh chiều lúc 17g 45’ ngày 10/08/2023 Thứ năm, đúng ngày kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, thật là ý nghĩa.

     Và Dì đã đi trọn ơn gọi của mình là người Nữ Tỳ phục vụ Thánh Thể.

     Thưa cộng đoàn

Trong mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công, chúng ta tin rằng, nhờ những thánh lễ và lời cầu nguyện của nhiều người hiệp dâng, người chị em chúng ta là Dì Maria Trần Thị Kim Tuyến sẽ được thanh tẩy, để xứng đáng ra trình diện trước nhan Thiên Chúa, là Đấng phán xét công bằng và cũng là Cha rất mực bao dung, như Bài đọc I sách Khôn Ngoan chúng ta vừa nghe: “…Sau khi chịu sửa phạt chút ít, các ngài sẽ được hưởng muôn vàn ân phúc, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhân các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa viếng thăm các ngài, các ngài sẽ chói sáng như ánh lửa rạng ngời giữa bụi lau…” (Kn 3, 5-7) giúp cho người chị em chúng ta là Dì Maria sớm được hưởng hạnh phúc viên mãn nơi Quê Trời, là Nhà Cha cho Dì Maria hôm nay, và cho mỗi người chúng ta mai sau. Amen.