QUÊN ƠN HUỆ-CON RẮN và LỆNH TRUYỀN

Có thật Thiên Chúa bảo:
CÁC NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC ăn
(St 2, 16-17 ; 3, 1-7)

  1. Tội là vi phạm lệnh truyền. Nhưng tại sao vi phạm? Chúng ta có thể có những câu trả lời của chúng ta, dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm. Nhưng chúng ta hãy để cho Lời Chúa, trong bản văn Kinh Thánh này, mặc khải cho chúng ta lý do sâu sa, hay đúng hơn “yếu tính”, của tội, của mọi tội, trong đó có tội của chúng ta, ngang qua hành vi biểu tượng “ăn trái cấm”. Không phải để lên án chúng ta, hay tự lên án mình và lên án nhau (bài đọc SỰ DỮ: hành vi tiêu biểu của Sự Dữ là lên án), nhưng để chữa lành và giải thoát chúng ta.

Thật vậy, chính khi Lời Chúa mặc khải yếu tính của “Tội Nguyên Tổ”, nghĩa là của mọi tội, trong đó có tội của chúng ta, là “QUÊN ƠN HUỆ”, là đã chữa lành chúng ta rồi! Tương tự như chữa bệnh.

  1. Khi nói về Tội Nguyên Tổ, “người ta” hay có khi chính chúng ta nữa, luôn lên án con người, nhưng Lời Chúa nói về tội nguyên tổ, trong St 3, 1-7, không lên án con người, hay ít nhất không đổ hết trách nhiệm cho con người, bởi vì nguyên nhân khởi đầu là Con Rắn: “Con Rắn lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Chính vì thế, lời tuyên án của Thiên Chúa dành cho Con Rắn là nặng nề nhất. 

*  *  *

Chúng ta hãy tiếp tục đọc lại đời mình và chúng ta được mời gọi nhớ lại những thiếu sót, lầm lỗi và cả tội lỗi nữa của chúng ta, nhưng không nhìn tội của chúng ta với cái nhìn của mình, nhưng với cái nhìn của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta đến cùng nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để đón nhận “ƠN THA THỨ và CHỮA LÀNH”, để tuyên xưng lòng thương xót của Chúa, để ca tụng và yêu mến Chúa hơn. 

Chính vì thế, để kết thúc giờ cầu nguyện, chúng được mời gọi tâm sự với ĐỨC KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH.

*  *  *

I. Chuẩn bị

– Khung cảnh: Vườn Eden, nơi chốn của ơn huệ (tất cả trái cây trong vườn người cứ ăn) và cũng là nơi chốn của thử thách (sứ mạng cầy cấy, canh giữ và nhất là lệnh truyền, tượng trưng cho mọi giới hạn, thiếu thốn… thuộc về thân phận con người).

– Ơn xin: 

  • Xin cho chúng ta nhận ra con người thật và cuộc đời thật của chúng ta, nhưng không phải theo cái nhìn của chúng ta, nhưng dưới ánh sáng lời Chúa và với nhiều chuyển động nội tâm (kinh ngạc, xúc động, cảm mến…).
  • Xin củng cố lòng tin của chúng ta, vì Chúa nói: “lòng tin của con đã cứu con”; tin nơi tình thương và lòng thương xót của Chúa, tha thứ và chữa lành chúng ta.
  • Xin tình yêu và thương xót của Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, khơi dạy nơi chúng ta lòng biết ơn, ước ao đáp trả, tâm tình yêu mến và ca tụng, bằng cuộc đời của chúng ta và bằng hành trình đi theo Chúa trong ơn gọi.

    II. Lắng nghe
  1. Lệnh truyền (St 2, 16-17)
    – Ơn Huệ: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn”
    – Điều cấm: “Người không được ăn…”
  2. Vi phạm lệnh truyền (St 3, 1-6)

a. Lời của con rắn
    (c. 1)

a’. Lời của con rắn
    (c. 4-5)

b. Lời người phụ nữ
    (c. 2-3)

b’. Người phụ nữ
    và người chồng
      vi phạm (c. 6)

  1. Hệ quả (c. 7)

*  *  *

Hành vi vi phạm đến từ “sự lừa dối” của con rắn (c. 13). Và con rắn “lừa dối” bằng lời (hai lời nói): sau lời thứ nhất, người phụ nữ nói lại, nhưng chỉ sau lời thứ hai, bà không nói lại, nhưng làm điều con rắn xúi dục: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó…”. 

Như vậy, yếu tính của tội hiện diện trong lời của con rắn. Vậy con rắn đã nói gì và như thế nào làm cho con người bị lừa dối và làm điều Chúa không muốn? Và lời của con rắn đã gây ra những diễn biến nội tâm tâm nào, để dẫn đến hành vi vi phạm?

  1. Lệnh truyền: « Hết mọi cây trong vườn, ngươi có thể ăn; nhưng… » (2, 16-17)

Lệnh truyền trong bản văn St 2 của chúng ta tương đương với sứ mạng thống trị thú tính, được diễn tả trong St 1, 28; Hc 17, 4 và Tv 8, 6-9); và chính trong mức độ con người thống trị thú tính, con người sống nhân tính của mình, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Để sống sứ mạng này, con người phải dựa vào kinh nghiệm về ơn huệ và tình yêu của Thiên Chúa.

Thực vậy, Thiên Chúa luôn ban ơn trước; và ở đây ngay trong lệnh truyền, ơn huệ cũng đi trước lệnh cấm. Đó chính cách hành động của Thiên Chúa trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ. Chiều kích nhưng không và quảng đại của ơn huệ còn được nêu bật bởi sự kiện: việc trồng vườn Eden và đưa con người vào đó, được mô tả như những ơn huệ « dư tràn », chất thêm vào ơn huệ sáng tạo ra con người. « Cầm tay » con người và « dẫn vào » (2, 15): đó là một tiến trình gợi lại việc đưa dân được tuyển chọn vào Ðất Hứa. Chúng ta cũng có thể hiểu như vậy trong hành trình làm người, và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến.

Ở nguồn sự sống, luôn luôn là ân huệ nhưng không tuyệt đối ; điều này đúng ở thời điểm sáng tạo và ở khởi đầu sự sống của chúng ta (x. Tv 139). Và chúng ta chỉ hiểu được và giữ được lệnh truyền và mọi thứ lề luật khác, khi nhận ra và ghi nhớ ân huệ sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không ; nhận ra và ghi nhớ, chính là động lực để chúng ta đi vào và ở lại trong tương quan với Đấng ban ơn, để được tái sinh và đi vào chính lộ ngàn đời (Tv 139, 24). Vì ơn huệ và Người ban ơn huệ không thể tách rời. Chính trong và nhờ tương quan với Đấng ban ơn mà chúng ta quảng đại đón nhận, hiểu và giữ lệnh truyện và mọi thứ luật xuất phát trực tiếp và gián tiếp từ Thiên Chúa. Lệnh truyền là lời dặn dò của một người dành cho một người trong một mối tương quan liên vị : tương quan ân sủng, tương quan ân huệ, tương quan tình yêu nhưng không Chúa dành cho chúng ta, khi chúng ta chưa là gì. 

“Lệnh Truyền”

Thiên Chúa           <==>          Con người

[tương quan ơn huệ và tình yêu, đi đến cùng nơi Đức Ki-tô] 

Tại sao phải có lệnh truyền?

  • Lệnh truyền: lề luật, con người không thể sống mà không có luật; nhưng trong thực tế con người luôn có vấn đề với lề luật: không giữ được luật, dùng luật như phương tiện đề dò xét và lên án.
  • Lệnh truyền: giúp sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; để sống nhân tính, phải thống trị thú tính. Vì thế, tất cả lệnh truyền đều qui về lệnh truyền căn bản: ngươi không được ham muốn (Rm 7), bởi vì ham muốn và chiều theo lòng ham muốn, là sống theo thú tính
  • Lệnh truyền: giới hạn của thân phận con người; con người được dựng nên với sự sống giới hạn, để khao khát sự sống vô hạn. Và khi khao khát, Thiên Chúa sẽ ban tặng. Quà tặng, nhất là quà tặng vô cùng quí giá là chính sự sống của Thiên Chúa, chỉ có ý nghĩa khi được trao ban cho một ngôi vị trưởng thành, biết tín thác, yêu thương, trung tín và có lòng khao khát.

Và chính trong tương quan với Chúa, Đấng ban ơn cách nhưng không, chứ không phải tương quan với luật này luật kia, mà chúng ta hiểu TỘI là gì.

Nếu lệnh truyền làm con người hiểu sai về Thiên Chúa, thì chính ở nơi Đức Ki-tô mà tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người được làm rõ và đạt tới mức tuyệt đỉnh : « Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?… Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô » (Rm 8, 32.39). Và Đức Ki-tô cũng làm rõ khởi điểm, nền tảng và cùng đích của mọi lệnh truyền là “lệnh truyền yêu thương”: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, khơi đi từ kinh nghiệm sâu đậm và tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và từng người nơi Đức Ki-tô.

  1. Vi phạm lệnh truyền (c. 3, 1-6)

    – St 3, 1

Con rắn nói : « Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?” ». Những chữ đầu tiên: “Có thật Thiên Chúa bảo: các ngươi không được ăn…” đã chứa đựng tất cả mánh khóe, sự xảo quyệt của con rắn. Thiên Chúa là Đấng nói: “không”; như thế, Thiên Chúa được trình bày cho ý thức của người phụ nữ như là người chuyên ngăn cấm. Con rắn trích lời của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã nói: các ngươi không được ăn”. Nhưng thực ra Thiên Chúa đã nói gì? Như chúng ta đã suy niệm về lệnh truyền: “Hết mọi cây trong vườn ngươi có thể ăn…” (2,16). Như vậy, Thiên Chúa đã nói điều hoàn toàn ngược lại với điều con rắn nói.

Dĩ nhiên, “ăn tất cả trừ một” và “không ăn được tất cả” là hai điều không mâu thuẫn, ít nhất trên bình diện luận lý. Nhưng trên bình diện tâm cảm và thực tế, đó là hai câu nói mâu thuẫn. Lời Thiên Chúa nhấn mạnh trên ơn huệ, vốn đã được thể hiện trong hành vi đặt Adam vào vườn Địa Đàng, sau khi ông được kéo ra từ bụi đất. Đối diện với câu “Ta ban cho ngươi tất cả, nhưng…”, con rắn nói: “Thiên Chúa ngăn cấm ông bà”. Năng động của lời Thiên Chúa bị con rắn đảo ngược lại hoàn toàn: điều cấm được đưa lên trước ơn huệ.

– St 3, 2-3

Câu trả lời của người phụ nữ: “Trái các cây trong vườn, chúng tôi được ăn. Nhưng trái của cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã nói: các ngươi không được ăn và các ngươi không được đụng tới e rằng các ngươi sẽ chết”. Người phụ nữ nhấn mạnh bằng cách nói thêm: “các ngươi không được đụng tới”. Điều này có nghĩa gì? Vì động lực nào? Chúng ta có thể coi đó là bằng chứng của lòng nhiệt thành. Nhưng bên dưới lòng nhiệt thành này, ẩn dấu tâm trạng run sợ hoặc giận dỗi không bình an: thay vì giữ luật vì lòng mến, con người run sợ vì đó là điều cấm, gây tai họa hay án phạt nếu vi phạm; thay vì hiểu tốt và hiểu đúng về Đấng ban lệnh truyền, con người giận dỗi không bình an, vì con người tự nhủ: “Tại sao lại cấm ăn? Đụng tới hay nhìn ngắm, mình cũng không thèm!”

Chúng ta có thể nhận ra rằng người phụ nữ không giữ lại chữ “chắc chắn” đi trước bản án: “ Vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”; và từ này được đổi thành “kẻo”: “kẻo phải chết”. Xét về hình thức, bà đã chuyển mệnh đề tất yếu thành mệnh đề khuyến dụ! Như thế, thái độ chê ghét đối với hành vi xuất phát từ mối đe dọa hình phạt bao quanh hành vi, chứ không từ cái xấu mà mọi hành vi vi phạm chất chứa cách tự tại.

“E rằng” hay “kẻo”: cái chết tự tại trở thành cái chết được nhìn như là hình phạt. Chúng ta giữ giới răn thường là vì sợ bị phát hiện và bị hình phạt (chẳng hạn vượt đèn đỏ); khi không có ai, hay không có hình phạt, chúng ta “tới luôn”. Trong khi đó, “cái chết” hiểu theo nghĩa rộng, có ở ngay trong hành vi lỗi luật hay lỗi lời dặn hay lời thề: giết người, ngoại tình, không vâng lời cha mẹ, lỗi luật đời tu…

– St 3, 4-5

Vì động lực sợ hãi chi phối người phụ nữ, nên con rắn sẽ khai thác chính điều đó: “ông bà sẽ không chết. Chính vì Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa, biết điều tốt và điều xấu”. Đây là sự phủ nhận minh nhiên hậu quả, được chính Thiên Chúa công bố. Trở ngại gây ra sự sợ hãi đã bị dẹp bỏ bởi lời khẳng định này của con rắn. 

Nhưng, dĩ nhiên, chỉ một lời khẳng định như lời khẳng định của con rắn có lẽ chưa mang lại sức nặng; còn phải đưa ra một lý do khiến con người không tin Thiên Chúa. Thực vậy, tất cả phụ thuộc vào sự tín nhiệm dành cho lý do liên quan đến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói trái với sự thật: trái cây mang lại hiệu quả tuyệt vời, mà tại sao Thiên Chúa lại nói rằng, ăn vào thì chết? Tại sao Thiên Chúa “nói dối” con người? Trong lý do con rắn đưa ra, có sự hấp dẫn của cái biết: Thiên Chúa biết rằng… mắt ông bà sẽ mở ra. Như vậy, Thiên Chúa biết điều mà ông bà không biết; Thiên Chúa dấu điều gì đó, Thiên Chúa lừa dối. Điều này kích thích sự tò mò: tại sao Thiên Chúa lại lừa dối? Bởi vì “ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa”. Ở đây, có một điều được gỉa định như là hiển nhiên: Thiên Chúa không muốn con người trở nên như Thiên Chúa. Thiên Chúa ngăn cấm một hạnh phúc vô hạn, và Ngài đã che dấu lý do này: lý do của hành vi ngăn cấm chính là ý muốn giữ lấy cho mình bản tính thần linh và đặc quyền của mình.

– St 3, 6

Nếu cuộc đối thoại đã chấm dứt, thì những gì xẩy ra vẫn cứ xẩy ra. Tác giả Kinh Thánh không cần phải nói với chúng ta rằng người đàn bà đã tin con rắn. Tác giả nói ngắn gọn bằng cách chỉ mô tả cho chúng ta kết quả của sự cả tin: “Người đàn bà thấy trái cây ăn chắc là thật ngon, nhìn hấp dẫn, đáng quí để hiểu biết”. Chúng ta thấy rằng lòng ham muốn đã bắt đầu phát sinh nơi người phụ nữ. Bây giờ chúng ta cũng hiểu được rằng lòng ham muốn dẫn đến hành vi vi phạm lệnh truyền không phải là đầu tiên; nó là hậu quả của cả một tiến trình biến đổi nội tâm: quên ơn huệ dẫn đến nghi ngờ Thiên Chúa

Ghen tị

Quên ơn huệ
Thiên Chúa ban
=>

Nghi ngờ
Thiên Chúa
=>

      Vi phạm 

=>  lệnhtruyền

Ham muốn

Nội tâm

Hành vi

Lệnh truyền khởi đi từ tương quan ơn huệ và tình yêu, nên tội không thể được hiểu là vi phạm lệnh truyền, nhưng có liên quan đến nhận thức và tâm tình của tôi dành cho Chúa, ngang qua ơn huệ và tình yêu của Người: con đắc tội với trời và với Cha. Vì thế, trong những ngày này: chúng ta không chỉ xét hành vi, nhưng còn nhận ra những động lực sâu kín của nội tâm, của tương quan thực sự giữa chúng ta và Thiên Chúa.

Con người, bởi sự xúi dục của ma quỉ, ghen tị với Thiên Chúa và ham muốn thiên tính của Ngài; nhưng Thiên Chúa, nơi Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, từ bỏ thiên tính để mang lấy nhân tính và sống nhân tính đến cùng như con đường dẫn đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Ph 2, 6-7)

Thủa ban đầu, “lệnh cấm ăn” (tượng trưng cho sự sống giới hạn và đầy thách đố và khổ đau), làm cho con người nghi ngờ Thiên Chúa; thì nay, mỗi ngày, Thiên Chúa nói với chúng ta nơi Đức Ki-tô: “Này là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn”! Để chúng ta đừng nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa nữa.

  1. Hậu quả và lời hứa chữa lành (c. 7)

“Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn”. Cách sa ngã của bà và của ông: bà như lá rơi, ông như cục đá; trong khi ông là người chịu trách nhiệm (vì thế ông là người bị tra vấn đầu tiên). “Khi đó, mắt của cả hai người mở ra và họ biết rằng mình trần trụi”. Nghĩa là trở nên giống con rắn. Điều này có nghĩa là, loài người chúng ta đã bị con rắn tiêm nọc độc vào người. Chính nọc độc gây chết chóc, chứ không phải Thiên Chúa phạt chết. Nhưng nọc độc là gì? Lời đối thoại của con rắn và người phụ nữ giúp nhận ra nọc độc. Nhận ra là đã được chữa lành rồi (tương tự như con rắn đồng bị treo lên cao trong Ds 21, 4-9).

Khi Đức Chúa hỏi tới, người phụ nữ đáp: “Con rắn lừa dối con nên con đã ăn”, con người bị sự dữ, vốn mạnh hơn con người, lừa dối. Vì thế con người đáng thương hơn là đáng phạt. Hình phạt nếu có, đã hàm chứa ngay trong hành vi vi phạm rồi. Và Thiên Chúa thì mạnh hơn sự dữ. Lời hứa cứu độ được ban cho Người Phụ Nữ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Con rắn cắn gót, nguy hiểm nhưng còn chữa lành được; nhưng con rắn bị đập nát đầu, thì vô phương cứu chữa.

*  *  *

Con rắn đã dựa vào lệnh truyền Chúa ban để làm cho con người quên ơn và nghi ngờ Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói, Thiên Chúa cũng có trách nhiệm, như thánh Phao-lô đã suy tư:

Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn. Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì tội đã chết rồi. Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết. (Rm 7, 7-10)

Vì thế thánh nhân nói, và chỉ có ngài mới dám nói ra điều này: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục, để thương xót mọi người”! (Rm 11, 32). Theo thánh Phao-lô, Thiên Chúa ban lệnh truyền cho con người, để con người ở lại trong tương quan ơn huệ và tình yêu qua việc tuân giữ. Nhưng trong thực tế, con người vi phạm do ma quỉ dựa vào lệnh truyền của Chúa để lừa dối và Thiên Chúa đảm nhận trách nhiệm. Như thể, Người ban lệnh truyền là để ma quỉ lừa dối và con người vi phạm: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục”. Nhưng thay vì loại trừ con người, Người “thương xót mọi người”. Người đưa sự vi phạm con người do sự xúi dục và lừa dối của ma quỉ vào trong kế hoạch cứu độ của Người.

Như thế, vi phạm của con người và lừa dối của con rắn, không lảm thất bại ước ao và kế hoạch của Thiên Chúa, là thông truyền ơn huệ sự sống cho con người, nhưng ngược lại làm cho đi đến cùng và hoản tất. Thật vậy, nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa vừa bày tò lòng thương xót, vừa chữa lành và vừa chiến thắng Sự Dữ.

III. Tâm sự với Đức Ki-tô chịu đóng đinh và kết thúc với kinh Lạy Cha

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc