LỄ TIỆC LY

Xh 12, 1-8. 11-14; 1Cr 1, 23-26; Ga 13, 1-15

Chủ đề:  Dấu chứng biểu lộ tình yêu tột cùng của Đức Giêsu đối với đoàn môn đệ.

* 1 Cr 11, 24-25: Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em… Đây là Chén Máu Thầy đổ ra để lập Giao Ước mới.

* Ga 13, 1b.5: Đức Giêsu đã yêu thương họ đến cùng…Người đổ nước vào chậu bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.

Hôm nay là Thứ Năm tuần thánh! Phụng vụ cử hành nghi lễ tưởng niệm hai biến cố quan trọng của cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu ngay trước khi chịu khổ hình: thiết lập bí tích TRUYỀN CHỨC THÁNH và THÁNH THỂ.

            Nếu không có việc làm chủ động và tự nguyện đó trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thì cái chết thập giá của Đức Giêsu vào hôm sau, Thứ Sáu Tuần Thánh có nguy cơ bị hiểu lầm là thua cuộc, một thất bại của Đức Giêsu và nhất là mầu nhiệm cứu độ thập giá và phục sinh sẽ không có phương thức hữu hình để lưu truyền và đồng hành với Dân Mới của Chúa trong cuộc lữ hành trên dòng lịch sử tiến về Trời Mới Đất Mới; và cái nguy cơ cơn cám dỗ TẠC TƯỢNG THIÊN CHÚA để thờ lạy Người, để thấy được Người đồng hành hữu hình Dân như xưa kia dân Do Thái đã vấp phạm trong sa mạc (x. Xh 32, 1-6), là có thể tái diễn. Như vậy Đức Giêsu đã chọn và thiết lập một phương thế hữu hình để hiện diện, đồng hành, ở cùng chúng ta cho đến tận thế. Và hơn nữa đó là thần lương giúp ta vượt sa mạc trần gian về Đất – Hứa- vĩnh – cửu.

            Buổi sáng Thứ Năm Tuần Thánh, các Linh Mục của giáo phận tụ họp quanh vị Giám Mục để cử hành lễ làm phép dầu và khẳng định lại lời hứa khi nhận thừa tác vụ Linh Mục. Nhờ các thừa tác viên đó của thời Tân Ước mà các mầu nhiệm kitô giáo được tái hiện, được lưu truyền suốt dòng lịch sử vũ trụ cho tới khi Chúa lại đến.

            Buổi chiều, sau khi tái khẳng định mình là thừa tác viên của Đức Kitô trong LỄ DẦU ban sáng, các linh mục trở về địa sở của mình, thay mặt Đức Giêsu tái hiện lại BỮA TIỆC LY.

            Trong phần phụng vụ Lời Chúa, cả ba bài đọc của lễ Tiệc Ly đều quy về một chủ đề: BỮA ĂN. Một bữa ăn cứu độ, đưa tới việc đổi thay vận mạng thế giới trong hiện tại và chuẩn bị cho phúc lộc vĩnh cửu.

            Bài đọc một trích từ sách Xuất Hành, thuật lại lệnh của Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái ngay lúc còn trong đất nô lệ Ai Cập hãy cử hành lễ Vượt Qua để mừng trước ơn giải cứu mà Chúa sắp làm cho dân. Dân phải giết một con chiên đã được Chúa truyền lệnh phải chuẩn bị từ trước. Rồi sau đó làm hai việc đúng theo lệnh truyền. Nếu làm đúng như thế họ sẽ được giải cứu:

– Lấy máu con chiên vừa mới sát tế bôi lên khung cửa nhà mình (Xh 12, 7). Đó là dấu biểu lộ lòng dân tin vào Chúa, và Chúa sẽ “vượt qua” nhà nào có dấu máu ở ngưỡng cửa không giáng tai họa trên họ.

– Còn thịt chiên thì ăn với bánh không men và rau đắng và cách thức ăn cũng phải đúng theo quy định: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy, ăn vội vã. Tất cả nói lên tính cấp bách của việc Chúa can thiệp: ơn cứu độ tới rồi! Đó là bữa ăn giải phóng đưa dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ. Đó là hình ảnh báo trước bữa ăn do Đức Giêsu thiết lập được thuật lại trong bài đọc 2. Thánh Phaolô truyền lại cho dân Côrintô nghi thức và ý nghĩa bữa ăn này. Máu và thịt Con Chiên Vượt Qua đã cứu và giải phóng dân Do Thái khởi họa diệt vong ở đất nô lệ Ai Cập, thì từ nay được thay thế bằng “Mình Thầy” và“ Máu Thầy” để từ nay những ai tin Đức Giêsu và đón nhận thứ lương thực “ Máu Thịt” này thì sẽ được cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi, đam mê mà sống vẹn ơn gọi làm anh em với nhau, làm con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng theo Gioan cũng thuật lại bữa ăn vượt qua, nhưng biến cố được nhấn mạnh là Đức Giêsu đang giữa buổi ăn, đã Rửa chân cho các môn đệ: “ Người đã yêu họ đến cùng” (x. Ga 13,1). Qua cử chỉ này, Đức Giêsu muốn môn đệ được thông phần với Người

(13, 8), muốn đón rước môn đệ vào Nhà Người. Vì đối với người Do Thái, rửa chân là dấu của lòng hiếu khách, đón rước khách vào ngụ nhà mình (x. St 18, 4; Lc 7, 44) và một khi đã cho các môn đệ được thông phần sự sống của Chúa, Đức Giêsu muốn chúng ta hãy trở thành trung gian thông chuyển sức sống đó cho tha nhân theo gương của Người: “ Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau…” (x. Ga 13, 14 -15). Như vậy Đức Giêsu đã ban thêm cho chúng ta một dấu chỉ nữa để làm Chúa hiện diện hữu hình ngay tại thế: khiêm tốn phục vụ để đón tiếp mọi người vào nhà Cha (x. Ga 14, 2).

Ngày thứ năm là ngày ứa tràn tình yêu. Tình yêu này đã biến thập giá đau thương thành con đường đưa đến cứu độ.

Frères Đình Long FSC