PHẢI CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ TRONG TIN TƯỞNG.

Suy Niệm Tin Mừng Chúa XXIX Thường Niên C
+ Xh 17, 8 – 13; Lc 18, 1 – 8
*Xh 17, 12a: Khi nào ông Môsê giơ tay lên thì dân Israel thắng thế.
* Lc 18, 7a: Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người.
   Lời Chúa của Chúa Nhật XIX C Mùa Thường Niên mời chúng ta suy tư về vấn đề CẦU NGUYỆN. Chính xác hơn, chủ đề Chúa Nhật XIX C là CÁCH THỨC và HIỆU NĂNG của cầu nguyện: phải cầu nguyện như thế nào để những khát vọng của mình được Thiên Chúa nhậm lời. Con người phải cầu nguyện là vì thân phận của con người là giới hạn, bất toàn. Dù muốn hay không, con người BUỘC LÒNG phải nhìn nhận sự thật phũ phàng là sức người hoàn toàn bất lực để thực hiện được các khát vọng của mình về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần; không có gì trên thế trần này có thể lấp đầy hố khát vọng của con người. Bởi vì theo đức tin Kitô giáo, con người là hình ảnh của Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên con người với khát vọng vô biên là để con người có thể mở cõi lòng đón nhận Thiên Chúa là Đấng Vô Biên. Do đó chỉ có Thiên Chúa mới lấp được khát vọng của con người. Cầu nguyện là một hồng ân, Thiên Chúa đặt để trong thâm sâu cõi lòng người, để mỗi khi cầu nguyện cách chân chính, con người thể hiện ơn gọi “hình ảnh của Thiên Chúa” mà Chúa đã trao ban khi dựng nên con người. Vì thế, trong dự tính của Thiên Chúa, cầu nguyện như là lương thực, hơi thở của con người. Dù ý thức hay không, con người cũng phải thở, ăn uống để sống. Nếu không, con người sẽ cạn kiệt sinh lực và sẽ chết.
    Lời Chúa hôm nay, ngầm nhắc nhở các kẻ tin sự cấp thiết tuyệt đối của cầu nguyện, đồng thời đề ra một phương thức giúp con người cầu nguyện có hiệu quả. Đó là “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18, 1b). Và theo Lời Chúa hôm nay có lẽ phải thêm yếu tố quan trọng nữa là phải cầu nguyện CẬT LỰC, cầu nguyện với 1 cường độ tối đa, vận dụng đến tận cùng sức lực của mình để cầu nguyện.
    Ngoài ra bài đọc 1 còn làm nổi bật khía cạnh CỘNG ĐOÀN của cầu nguyện: các thành phần dân Chúa, mỗi người một vai trò, phối hợp ăn khớp nhịp nhàng với nhau nhờ đó hiệu năng của cầu nguyện đạt tới mức tối đa.
   Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành, thuật lại cuộc chiến giữa đám người nô lệ Do Thái vừa ra khỏi đất Ai Cập với quân Amalek. Dân Chúa vừa vượt qua Biển Đỏ, tiến về phía nam để tới Núi Sinai. Chưa tới Núi Thánh thì đám người ô hợp Do Thái đã bị quân Amalek từ Negeb ở phía bắc của bán đảo Sảo Sinai tiến đánh tại Rơphidim. Xét trên bình diện tương quan lực lượng thì đám nô lệ vô tổ chức vừa ra khỏi Ai Cập không thể nào đương cự nổi với quân Amalek là bọn cướp sa mạc chuyên nghiệp. Thế nhưng, trong tin tưởng phó thác, MôSê, người của Chúa vẫn bình tĩnh phân công chiến đấu:
  • Ông sai Giôsuê chọn các trai tráng ra trực diện kẻ thù chiến đấu trên sa trường
  • Phần Môsê, tay cầm gậy của Chúa, cùng với Aharon và Hur lên đồi cao lược trận. “Gậy của Chúa” là cây gậy Môsê dùng để chăn chiên, nhưng đã dược Thiên Chúa sử dụng làm công cụ để Người biểu lộ quyền uy để giải cứu, dưỡng nuôi dân Chúa: làm 10 dấu lạ ở Ai Cập buộc Pharaô phải nhượng bộ (x. Xh 7,20;8,1…); rẽ nước Biển Đỏ (14, 16-21); làm nước vọt ra từ tảng đá (17,5.6; Ds 10,11). Chúa đang đồng hành chiến đấu với dân.
     Điều lạ là khi Môsê cầm gậy “giơ cao tay” trong tư thế khẩn cầu thì dân Israel thắng thế; Còn khi ông buông tay xuống thì dân Chúa lâm nguy. Mặc dù bản văn không nói rõ là Môsê đang cầu nguyện, nhưng ta có thể hiểu Môsê đang tâm nguyện, vì hai tay giơ cao hướng về trời là tư thế cầu nguyện của người Do Thái (Er 9,5; Tv77,3; 88,10; 142,2;143,6; 4Tm 2,8; Lc 18,11). Như vậy rõ ràng là Thiên Chúa đang trợ lực cho dân. Nhưng con người cũng phải góp sức hết mình: Thế là Môsê phải vận dụng toàn bộ sức lực, ý chí CẬT LỰC giơ cao tay SUỐT CẢ NGÀY để bảo đảm toàn thắng cho dân Chúa. Điều ấy vượt quá sức Môsê! Aharon và Khua đã phải kề vai gánh lấy 2 cánh tay của Môsê.
    Vậy, để chiến thắng, việc cầu nguyện của Môsê là chính; nhưng nếu không có Aharon và Khua đỡ tay của Môsê thì sao? Nếu không có Giôsuê và trai tráng cầm gươm chiến đấu và dứt điểm trận chiến thì sao? Đây là chiến thắng của cả cộng đoàn dân Chúa hiệp thông mỗi người theo phần mình và việc cầu nguyện. Chính trong sự hiệp nhất cộng đoàn mà lời cầu nguyện đạt được kết quả cao nhất. Cầu nguyện KIÊN TRÌ, CẬT LỰC, và cộng đoàn CÙNG CHUNG LIÊN KẾT.
    Tin Mừng mở đầu bằng lời Đức Giêsu dạy các môn đệ “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Tiếp đó Đức Giêsu minh họa bằng bài dụ ngôn bà góa kiên trì kêu nài đòi công lý: có một ông quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng coi ai ra gì”, nhưng rồi đã phải đầu hàng trước sự nài van, quấy rầy KHÔNG NGƯNG NGHỈ của một bà góa nghèo mà xét xử đòi lại công lý cho bà ta. Đây là một dụ ngôn nên chúng ta đừng lý luận phải trái dựa trên các chi tiết, mà hãy lưu tâm đến tổng thể. Đức Giêsu muốn so sánh mối tương quan “quan tòa bất chính và bà góa nghèo” với tương quan “Thiên Chúa và tín hữu Chúa đã chọn” để rút ra cho tín hữu bài học “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.
    Thật vậy, mối tương quan giữa ông tòa bất chính, ngổ ngáo với bà góa là 1 tương quan xa lạ, chẳng chút thân quen, chỉ ràng buộc nhau qua một số qui ước pháp lý mà ông quan tòa này đã tự nguyện cam kết khi ông chấp thuận giữ vai trò thẩm phán thành phố.
    Phần bà góa, chắc là bà đã đòi hỏi 1 điều đúng vào chức vụ, dựa trên những gì mà ông quan tòa đã tự nguyện cam kết, nên khi bà cứ lì mặt ra mà đòi hỏi thì ông không thể nổi điên, “xù nợ” được; ông không thể tự “bôi tro trét trấu” lên mặt mình được. Thêm vào đó là thái độ kiên gan, chẳng còn gì để mất, vì điều bà đòi hỏi là lẽ sống của đời bà, mất nó là mất tất cả. Cuối cùng ông quan tòa phải nhượng bộ để khỏi bị nhức đầu nhức óc, nghĩa là chỉ nhượng bộ vì ích kỷ! Điều đó không quan trọng! Điều mà dụ ngôn muốn nhắm tới là BÀ GÓA ĐÃ ĐƯỢC VIỆC NHỜ KIÊN TRÌ NÀI XIN KHÔNG NẢN CHÍ (18, 1).
   Với một mối tương quan hời hợt như thế mà ông quan tào ngổ ngáo đành phải nhượng bộ xử lý cho bà góa quấy rầy, HUỐNG HỒ CHI:
  • Thiên Chúa là cha nhân hậu (15, 11 – 32); là ông chủ độ lượng, hào phóng (16, 8); thưởng phạt công minh (16, 19 – 31); sẵn sàng cứu giúp những ai cầu cứu (17, 11 – 19); sẽ tới lúc Người sẽ can thiệp tái lập công bình (17, 27 – 37).
  • Còn các tín hữu đang kêu cầu Chúa lại là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn” (Lc 18, 7), nghĩa là những người đã được Chúa thiết lập mối tương giao thân tình.
   Như vậy thì làm sao mà Thiên Chúa không minh xét cho các tín hữu đang “ngày đêm hằng kêu cứu với Người” được? “Người sẽ mau chóng minh xét thôi” (18, 8a).
   Vậy sứ điệp Tin Mừng là “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (18, 1) trong niềm xác tín chắc chắn được Chúa nhận lời. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng cảnh báo: phương thế, hình thức, thời điểm, nơi chốn Chúa ban ơn vẫn là quyết định của Chúa. Vì Chúa ban ơn là để chúng ta được cứu độ, chứ không nhằm thỏa mãn các ước vọng cục bộ, nhất thời, chóng qua của chúng ta. Chúng ta có tin được như thế không? Và tin đến cùng? Cơn cám dỗ THẤT BẠI vì thấy dự tính cá nhân mình không được đáp trả như mình mong ước, luôn là cơn cám dỗ rình chực vồ bắt kẻ tin. Đó chính là điều mà Đức Giêsu cảnh báo nơi cuối đoạn Tin Mừng “nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (18, 8b).
Frère Pierre Đình Long, FSC.