Niềm vui Thánh Thể

Đã có rất nhiều khảo luận bàn về Mầu Nhiệm Đức Tin cao trọng của Giáo hội, mầu nhiệm trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống người Ki-tô hữu: Mầu nhiệm Thánh Thể. Kể ra thì cũng lạ thật, đã biết là vượt xa trí hiểu và không nằm trong tầm hiểu biết của lý trí, vậy mà cứ diễn giải, cứ suy tư, cứ quảng diễn về mầu nhiệm, phải chăng như thế là luống công vô ích?

Có lẽ là không luống công đâu? Ta đã nghe: “vô tri thì bất mộ” (không biết thì không yêu). Con người là thế. Con người, một thụ tạo được đặt để khả năng hiểu biết và yêu mến, luôn sẵn sàng bước vào một cuộc kiếm tìm, nhằm lý giải cho những thắc mắc của mình. Càng khó hiểu, càng bí nhiệm, thì dường như con người lại càng lao vào tìm kiếm. Có khi kiếm hoài, kiếm mãi mà vẫn lần không ra. Một phát minh khoa học chính là thành quả của cả một quá trình tìm tòi nghiên cứu của vị bác học. Những điều chúng ta đương có (nói theo kiểu “có làm thì có ăn”), thật ra là thành quả lao động không phải chỉ của một người, một nhóm, nhưng có khi là của cả một thế hệ đấy chứ. Khi đã tìm được, quả thật người ta sẽ rất vui mừng. Ta không thể nào hiểu nổi nỗi vui mừng của nhà bác học Ác-si-mét, khi tìm ra những điều lý thú trong vũ trụ: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất này lên.” Vui vì tìm thấy. Đấy là mới chỉ nói tới niềm vui khi tìm được những thực tại hữu hình. Còn những thực tại siêu hình?

Giáo hội cử hành trọng thể Mình Máu Thánh Chúa, một thực tại siêu hình, nhưng lại tỏ ra một cách hữu hình cho hết thảy những ai đang tìm kiếm lương thực thường tồn. Mầu nhiệm Mình Máu Thánh (hay có thể gọi cách quen thuộc: Phép Thánh Thể) bao trùm toàn bộ Kinh Thánh. Có những hình ảnh, và sự kiện tiên trưng báo trước mầu nhiệm này. Mầu nhiệm này đem lại niềm vui, sự thỏa lòng mong đợi, sự sống viên mãn cho bao lớp người. Những ai cất công kiếm tìm và đi sâu vào mầu nhiệm ấy, thì đều tìm được hoa quả là niềm vui và sự an bình. Sau cuộc hoán cải ngoạn mục, tông đồ Phao-lô hăng say với công cuộc giới thiệu về một Đấng Hằng Sống. Đấng ấy đã sinh thánh nhân lại trong Thánh Thần, để khi đã cảm nhận được niềm vui vì được dìm vào mầu nhiệm phục sinh, thánh nhân đã tâm niệm: “Tôi sống, nhưng còn là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Cũng thế, sau nhiều thế kỷ, một con người cũng bước theo thánh nhân khi tìm được niềm vui sau một cuộc hành trình tìm kiếm. Con người đó, không ai khác, chính là: Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, vị tông đồ trổi vượt về lòng yêu mến phép Thánh Thể. Vinh gia đã thốt lên: “Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 103,34b). Còn đối với thánh Ê-ma, niềm vui là Thánh Thể. Người đã nói với  anh em cùng chí hướng và hết thảy mọi tâm hồn say mến mầu nhiệm Tình Yêu này: “Có Thánh Thể rồi, bạn còn mong muốn gì hơn nữa.” Hãy lần theo dấu vết của những niềm vui này.

Niềm vui trong Lễ Mình Máu Chúa Ki-tô tại nhà thờ thánh Phao-lô (Lyons)

Trong những ghi chép cá nhân của mình, cha Ê-ma thường nói đến ân sủng độc nhất vô nhị mà cha đã nhận được tại Lyons khi cha được vinh dự cầm Mặt Nhật trong cuộc rước kiệu Thánh Thể diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 1845. Lúc đó, cha đã là một tu sĩ của Dòng Đức Mẹ khoảng sáu năm. Vào tháng 11 năm 1844, cha rời khỏi Belley, nơi cha đã làm linh hướng cho trường trung học Belley, vì cha Colin, Bề trên Tổng quyền của Dòng Đức Mẹ đã gọi cha về để giữ chức “Giám tỉnh” của Hội dòng. Thực ra, cha Ê-ma đã là trợ lý của cha Colin trong việc lãnh đạo và quản trị của Dòng Đức Mẹ rồi. Cha đã sống tại nhà Puylata, không xa nhà thờ thánh Phao-lô là mấy. Vị linh mục chánh xứ đã mời cha cầm Mặt Nhật trong cuộc rước kiệu Thánh Thể.

Ơn mà cha nhận được trong giây phút đặc biệt này khiến thời gian như thể dừng lại. Cha viết: hai giờ đồng hồ dường như chỉ trôi qua trong chốc lát. Cha đã đặt dưới chân Chúa mọi ước nguyện thầm kín nhất của cha, nói cách khác, cha đã đặt dưới chân Chúa toàn thể thế gian này. Lúc đó, cha cảm nhận một hấp lực mạnh mẽ phát ra từ Thánh Thể đến nỗi cha tự nhủ lòng mình rằng: chỉ rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô và là Đức Giê-su Ki-tô hiện diện nơi Nhiệm Tích Thánh Thể. Tông đồ Phao-lô đã gợi lên mầu nhiệm thập giá, Đấng Mê-si-a chịu đóng đinh. Cha Ê-ma đã nối kết đời mình với việc cử hành Thánh Thể, lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa.

Và chính tại nhà thờ này, cha đã xin Chúa ban cho mình được thấm nhuần tinh thần trong những lá thư của thánh Phao-lô. Cha đã nhận thánh Phao-lô làm người hướng dẫn và bổn mạng của mình. Cha quyết tâm noi gương bắt chước thánh nhân trong việc yêu mến Thập giá. Cha đã đề ra thời khóa biểu cho mình: mỗi ngày đọc ít nhất là hai chương trong các thư Phao-lô. Vào cuối đời, cha đã nhận được từ nơi Chúa lời ngợi khen đã được dành cho thánh Tô-ma A-qui-nô, vị thánh đã soạn ra ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô: Phê-rô, con đã viết đúng về Ta.

Kinh nghiệm thiêng liêng đầu tiên này, diễn ra vào lúc khởi đầu sứ vụ linh mục ở Lyons, đã chuẩn bị cho cha tiến đến một ơn cao trọng khác tại Đền thờ Đức Mẹ ở Fourvière sau đó vài năm. Và chính tại Fourvière, vào ngày 21 tháng 1 năm 1851, cha đã nhận được ơn để sáng lập ra Hội dòng Thánh Thể.

Thế đó, niềm vui của vị Tông đồ Thánh Thể chính là đụng chạm đến mầu nhiệm Tình Yêu. Niềm vui ấy không ngừng thôi thúc thánh nhân đi sâu, đi sâu hơn nữa vào thực tại siêu hình này. Và với  được sống trong tình yêu, thì luôn mang trong mình lý tưởng trao tặng tình yêu. Khi có được vui, tự khắc người ta muốn chia sẻ cho người khác về niềm vui của mình, hay nói cách khác niềm vui được lan tỏa, được nhân rộng, niềm vui nối tiếp niềm vui.

Niềm vui vì có Phép Thánh Thể ở bên cạnh, ngay trong cảnh tù túng

Trong tập sách “Năm chiếc bánh và hai con cá”, Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận đã thuật lại những trải nghiệm của những tháng ngày sống cảnh tù đày. Làm thế nào ngài vượt qua được những thử thách và đứng vững trong đời sống đức tin. Theo như lời ngài kể, thì đó là vì ngài tìm được sức mạnh và niềm vui nơi Phép Thánh Thể.

“Trong tù cha có dâng lễ được không?”, đó là câu hỏi mà bao nhiêu lần nhiều người đã hỏi tôi. Và thực sự họ có lý, vì Thánh Thể là kinh nguyện đẹp nhất, là đỉnh cao của cuộc đời Chúa Giêsu. Mỗi khi tôi trả lời “có”, thì tôi đã biết ngay câu hỏi tiếp sau: “Làm sao cha kiếm ra rượu lễ, bánh lễ?”

Lúc tôi bị bắt, tôi phải đi ngay và đi tay không. Hôm sau tôi được phép viết về nhà để xin đồ cần dùng nhất như áo quần, kem đánh răng, v.v… Hàng đầu tiên, tôi viết: “Xin gửi cho tôi ít rượu thuốc trị bịnh đường ruột”. Bên ngoài, giáo dân hiểu ngay. Hôm sau, ông trưởng ban chấp pháp cầm đến một ve nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ “thuốc trị bịnh đường ruột” và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ông ta hỏi:

– Ông có bị bịnh đường ruột không?
– Có.
– Đây là thuốc bên ngoài gửi vào cho ông!

Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó: từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ.

Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Đến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).

Mỗi tuần,sáng thứ Sáu có một buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Đến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày.

Ai cũng biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Đêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người.

Trong chín năm biệt giam, tôi dâng lễ một mình lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh giá. Tôi ở một mình nên có thể hát tiếng Latinh, tiếng Việt, tiếng Pháp… Tôi luôn mang Mình Thánh trong mình “như Cha ở trong con và con ở trong Cha”.

Thực thế, làm sao diễn tả hết được niềm vui khi được đụng chạm đến Đấng Thần Linh, khi được thay mặt Giáo hội cử hành Mầu Nhiệm Tình Yêu, khi chính đôi tay phàm trần được cầm lấy Thân Mình Đức Ki-tô. Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận là một nhân chứng sống về niềm vui có Chúa ở bên cạnh, dầu hoàn cảnh trước mắt ngài chỉ mang mầu sắc ảm đạm. Với cái nhìn của thế gian, đấy đâu phải là niềm vui: Cảnh tù tội, không được tự do,… thế nhưng, dưới nhãn quan đức tin và đặc biệt là dưới cái nhìn của một tâm hồn luôn thao thức vươn lên tới Chúa, thì những hoàn cảnh đó không sao có thể dập tắt được niềm vui phát xuất từ tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Đức cố Hồng y đã sống lại trải nghiệm của thánh Phao-lô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).

Niềm vui định hình cho lối sống Thánh Thể

Sau lời chào của người chị họ Ê-li-sa-bét, Đức Maria đã hớn hở vui mừng và như người ta nói: lòng đầy, miệng mới nói ra. Từ tận đáy lòng, Đức Maria cất cao bài ca Magnificat. Những lời thốt ra từ môi miệng Mẹ phát xuất từ một tâm hồn vui tươi, tràn đầy Thần Khí Chúa. Và rồi từ đó, cuộc đời Mẹ bắt đầu sang trang mới. Người Nữ Thánh Thể đã cưu mang Thánh Thể, và giờ đây, với Mẹ, Thánh Thể chính là niềm vui. Niềm vui ấy thôi thúc Mẹ đón nhận Thánh ý Chúa. Niềm vui ấy mời gọi Mẹ hiệp hành với Chúa Con trong chương trình cứu chuộc, thi ân giáng phúc và đem lại sự sống cho hết thảy mọi thụ tạo do Đấng Tạo Hóa tác thành nên.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, sau những trải nghiệm sâu sắc về Mầu Nhiệm Tình Yêu, đã sánh ví “Thánh Thể giống như một lễ cưới; và lễ cưới ấy thì vui tươi và hạnh phúc”[1]. Lễ cưới nào cũng chất chứa nhiều niềm vui, đấy là mới chỉ nói tới niềm vui thế trần thôi đó. Tuy nhiên đây lại là tiệc cưới của Chiên Con với Hiền thê của Người là Giáo hội, thì làm sao mà không vui cho được. Niềm vui này là niềm vui thánh thiêng, niềm vui kéo dài mãi trong đời sống của một người tôn thờ. Những kẻ tôn thờ đích thực luôn khởi đi từ tình yêu, và tình yêu ấy phát sinh niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui ấy không bó hẹp lại giống như nước ở trong một cái ao tù, nhưng tiếp tục lan tràn, trở thành nguồn cảm hứng thúc bách mọi tâm hồn hành động.

Như một quy luật  tự nhiên: khi tâm hồn chan chứa niềm vui, người ta luôn muốn chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Qua những trải nghiệm sâu sắc trong việc tôn thờ Thánh Thể, thánh Ê-ma đã cảm nhận biết bao niềm vui sướng, cùng những thao thức, để rồi chính ngài đã vạch ra cho môn sinh cũng như hết thảy mọi người con đường để đạt đến một lối sống được định hình nhờ Thánh Thể. Ngài đề xướng mười hai quy luật sau đây[2]:

Điều 1

Vào buổi sáng, khi thức giấc, trong tư tưởng, bạn hãy đến dưới chân Nhà Tạm, nơi mà suốt đêm, Đức Giê-su vẫn đang đợi chờ mỗi người chúng ta.

Hãy dâng ngày sống của bạn cho Đấng Cứu Độ hiền hậu này, hãy xin Người chúc lành cho bạn, gìn giữ bạn khỏi mọi tội lỗi và ban cho bạn tình yêu của Người.

Điều 2

Khi bắt đầu giờ Kinh Sáng, trong tư tưởng, bạn hãy đặt mình trước Nhà Tạm.

Hãy cầu xin Đức Giê-su là Đấng đang cầu nguyện cho bạn ở đó, để dâng những lời khẩn nài của bạn lên Chúa Cha, và dưới cái nhìn trìu mến của Người, bạn hãy nói cho Người biết những kế hoạch bạn dự định làm trong ngày, hãy xin Người chúc lành cho những kế hoạch ấy.

Điều 3

Nếu có thể, hãy tham dự Thánh lễ mỗi sáng. Những hôm không thể tham dự Thánh lễ được, thì hãy chọn một thời điểm thích hợp sau giờ kinh sáng để tham dự Thánh lễ cách thiêng liêng. Hãy đến trước Nhà Tạm một cách thiêng liêng, và phó thác đời mình cho Thánh Tâm Chúa Giê-su.

Hãy kết hiệp chính mình với những Thánh lễ đang được cử hành trong thời khắc ấy, vì không một phút giây nào trong ngày hay đêm mà không có Thánh lễ nào được dâng trên khắp thế giới, và hãy dâng Chúa Giê-su lên Cha Trên Trời, như một Lễ Vật Hy Sinh, hãy xin Người tha thứ cho mọi tội nhân, cụ thể là cho chính bạn. Và hãy xin Người thắp lên tình yêu của Người nơi mọi tâm hồn, ngõ hầu gia tăng thêm con số các Vị thánh.

Điều 4

Đừng bao giờ bắt tay vào bất cứ một công việc gì hay bất kỳ một mối bận tâm nào, đừng bao giờ thực hiện bất kỳ một hành động nào, cũng như là đừng bao giờ ra ngoài vào buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối, mà trước đó lại không đến trước Nhà Tạm để xin Đức Giê-su chúc lành.

Điều 5

Trước và sau bữa trưa cũng như bữa tối, hãy dành một thời khắc và quỳ gối xuống. Ít là đừng bao giờ bỏ những thời khắc này trong ý nghĩ của mình, để đến chào Chúa Giê-su, Đấng mà quá nhiều người Công giáo chúng ta đã lãng quên sự hiện diện của Người. Hãy gợi nhắc cho tâm trí mình những ý nghĩ đến với bạn khi quỳ dưới chân Người.

Điều 6

Hãy gửi một ý nghĩ dễ thương đến Nhà Tạm nhiều lần trong ngày, chẳng hạn như khi đồng hồ điểm. Hãy thổ lộ với Người rằng bạn ao ước yêu mến Người nhiều, hãy xin Người trợ giúp bạn, và hãy nói “Ôi Nhiệm Tích”, .v..v hoặc “Chúc tụng Đức Giê-su đang ngự trong Bí tích Cực Thánh trên bàn thờ.”

Điều 7

Hãy tạo lập cho mình thói quen viếng Thánh Thể hằng ngày, thậm chí là ngay cả khi bạn chuẩn bị đi làm, để trong giờ lâm tử, thì đến lượt Chúa Giê-su sẽ ghé thăm bạn. Nếu thì giờ cho phép, hãy tận dụng việc thăm viếng này để thực hành những chỉ dẫn của điều 9.

Nếu sự việc xảy ra là bạn không thể viếng Thánh Thể thường xuyên được, thì hãy viếng Thánh Thể cách thiêng liêng trước khi nghỉ ngơi và vẫn dành một vài phút Chầu Thánh Thể để nhớ đến Người là Đấng đang ngự nơi Nhà Tạm chỉ vì quá yêu thương bạn.

Điều 8

Khi bắt đầu giờ Kinh Tối, hãy đặt mình (giống như buổi sáng) trước Nhà Tạm cách thiêng liêng. Hãy cầu xin Chúa Giê-su giúp bạn cầu nguyện; và kế đó, dưới cái nhìn của Người, hãy khiêm tốn xét mình. Hãy suy tưởng là chính Chúa Giê-su đang mời gọi bạn nhớ lại những gì bạn đã làm trong suốt ngày sống.

Điều 9

Quan trọng nhất trong 12 điều

  1. Hãy đến và đặt mình ít ra là cách thiêng thiêng, trước Nhà Tạm dưới ánh mắt trìu mến của Chúa Giê-su.

  2. Hãy đọc một trong những câu hỏi mà bạn sẽ tìm thấy khi làm theo quy luật này.

  3. Hãy dừng lại đôi chút và suy niệm, và hãy nghĩ về câu trả lời của bạn.

  4. Kế đến, với con mắt tâm hồn mình, hãy nhìn vào Đức Giê-su là Đấng thấu suốt mọi ý nghĩ của bạn, hãy nói với Người rằng:

“Lạy Chúa, xin giúp con hiểu biết, xin giúp con nhìn thấy, xin hãy nói với tâm hồn con. Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe.”

Hãy cầu xin Chúa Thánh Thể nói với tâm lòng bạn, cũng như Người đã nói với những ai tìm đến với Người khi Người sống nơi dương gian này, và hãy cẩn thận ghi nhớ câu hỏi làm nên chủ đề suy niệm của bạn, hãy xin Chúa Giê-su làm cho tâm hồn bạn tràn ngập và thấm nhuần câu hỏi đó.

Điều 10

Nếu trong suốt ngày sống, có một vài thử thách hoặc khúc mắc xảy đến với bạn, thì hãy đến ngay trước Nhà Tạm và thổ lộ với Chúa Giê-su. Hãy nói ngay cho Người biết những mâu thuẫn, hãy xin Người giúp bạn biết kiên nhẫn. Nếu bạn rơi vào trạng thái cô đơn, thì hãy đến để cùng bầu bạn với Người. Thường thì chính Người bị chúng ta quên lãng nơi Nhà Tạm. Bấy giờ, nỗi cô đơn của bạn dường như mới làm cho bạn bớt khổ đau hơn. Nếu bạn đang đau khổ, hãy đến và tựa đầu vào Ngực Người, và hãy thổ lộ những khó khăn của bạn cho Người.

Điều 11

Trong suy tưởng, hãy luôn biết ở lại, bao nhiêu có thể, dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, dưới ân sủng này, dưới nhân đức toàn năng phát xuất từ Nhà Tạm.

Hãy bày tỏ tâm hồn bạn cho Người, và tâm hồn của những người thân yêu của bạn. Như dân Do Thái xưa đã đem người bệnh đến để xin Người chữa lành, thì bạn cũng hãy đến với Người, đôi lúc hãy vui vẻ dâng lên Người lời nguyện xin tha thiết:

“Lạy Chúa, Chúa thấu rõ những ước muốn của con, Lạy Chúa, xin cứu chữa tâm hồn con! Lạy Chúa xin cho con nhìn thấy! Lạy Chúa, xin giúp con yêu mến Chúa”

Điều 12

Hãy không ngừng làm việc để nhận ra nơi những ý nghĩ của bạn Sự Hiện Diện Thực của Đức Giê-su Thánh Thể.

Hãy dâng cho Người ý nghĩ đầu tiên của bạn, cái nhìn đầu tiên của bạn khi bạn bước vào nhà thờ. Hãy để Người trở thành trung tâm của mọi thứ diễn ra ở đó, những lời nguyện hoặc những nghi lễ, những bài giảng hoặc những lời giáo huấn.

Hãy để cho mọi lời nguyện xin của bạn đi qua môi miệng của Người, vì Người đang hiện diện nơi Bánh Thánh. Hãy đặt vào Tâm hồn Người mọi ý nghĩ và mọi ước vọng tốt của bạn. Hãy học cách tôn thờ Người nơi Nhiệm Tích Thánh Thể, để rồi bạn có thể biết cách tôn thờ Người trên Trời. Hãy thực hiện mọi việc đạo đức dưới cái nhìn của Người, vì Người đang nhìn bạn từ Nhà Tạm. Dưới cái nhìn của Người, hãy lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Hãy chỉ có một ước muốn, đó là hằng ngày đến với Bàn Thánh và với hết sức lực của mình hãy cố nhận ra ước vọng của bạn. Nguyện xin Chúa Thánh Thể ngày càng trở thành người bạn tâm giao và là người bạn thân thiết nhất của bạn. Hãy cầu nguyện, làm việc và sống trong Người, nhờ Người, với Người, để sống với Người mãi mãi.

Tạm kết

“Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh”[3]. Những lời nhắn nhủ của ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng khơi gợi lên trong tâm hồn người Ki-tô hữu một niềm vui dâng trào. Niềm vui nối tiếp niềm vui, và niềm vui tràn ngập sẽ thúc đẩy người ta hành động.

Cuộc đời của thánh Ê-ma được đánh dấu bởi niềm vui to lớn có được nơi tình yêu dành cho Thánh Thể. Niềm vui ấy cũng phát xuất từ Tin Mừng, và niềm vui ấy tiếp tục lớn mãi nơi Thánh Thể, là lý tưởng mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời theo đuổi. Cả đời theo đuổi niềm vui, để rồi cuối cùng thánh nhân được hiệp nhất trong niềm vui viên mãn nơi Đức Ki-tô Thánh Thể. Đến đây, ta lại nhắc lại luận điểm đã nêu ở phần đầu, đó là: nếu tác giả Thánh vịnh nói “Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 103,34b), thì thánh Ê-ma sẽ nói: “Với tôi, niềm vui là Thánh Thể”.

Là những môn sinh của vị Tông đồ Thánh Thể, chúng ta vẫn được mời gọi và luôn được gợi nhắc về niềm vui có được qua những trải nghiệm trước Thánh Thể. Ước chi niềm vui đó không phải là niềm vui tạm bợ, niềm vui chóng qua, nhưng là niềm vui đích thực mang tên Thánh Thể. Bởi lẽ chính chúng ta, như thánh Ê-ma, được Thánh Thể tuyển chọn để trở thành những “tôi tớ của Thánh Thể”. Xin cho niềm vui Thánh Thể luôn đọng lại nơi tâm hồn chúng ta, và trở thành nguồn cảm hứng thúc bách chúng ta trên con đường hiệp hành trong sứ vụ Thánh Thể.

Cát Bụi, sss

[1] Hội thảo với các chị Nữ Tỳ, ngày 22/10/1862

[2] https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=3753#2

[3] x. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 1.