MẶC LẤY TÂM TÌNH TRẺ THƠ.

Thứ Bảy Tuần VII Mùa Thường Niên  (Hc 17, 1-13 (Hl 1-15); Mc 10, 13-16)

           “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu khẩu hiệu đã và đang được nói đến rất nhiều trong xã hội hôm nay. Nó thể hiện một cái nhìn tích cực về trẻ em, những con người sẽ nắm giữ vận mạng của thế giới trong tương lai. Ấy thế nhưng không phải ai cũng nhận ra được điều đó. Thực tế xã hội hôm nay cho thấy trẻ em hiện đang là đối tượng gặp nhiều nguy hiểm nhất. Chỉ vì những đồng tiền lợi lộc thấp hèn, không ít người hoặc phe nhóm đã nhẫn tâm bắt cóc, dụ dỗ và đưa đẩy các em vào những con đường tệ nạn, phạm pháp, bất chấp luân thường đạo lý. Thái độ của Chúa Giêsu hôm nay thật đáng cho chúng ta học hỏi: “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.”

          Trước nhận định tiêu cực của xã hội: trẻ em thì ham chơi, thích nghịch phá và chưa chín chắn làm chủ hành vi của mình, nên nhiều khi hư hỏng; do đó chúng bị coi thường. Còn Đức Giê-su, người chú ý đến mặt tích cực của trẻ em và chọn đó là một trong những tiêu chí của những ai muốn đón nhận Nước Thiên Chúa: trẻ em thì đơn sơ, biết mình yếu kém, bé nhỏ nên hoàn toàn cậy dựa vào bố mẹ; chúng yêu mến và sẵn sàng tuân phục những giáo huấn, chỉ dẫn của họ.

          “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Trẻ em vốn có tâm hồn đơn sơ, chúng không vướng bận những lo toan trong cuộc sống và không bị lôi cuốn bởi những mưu kế gian dối, ích kỷ; chúng hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho ba mẹ, để ba mẹ chăm sóc, dìu dắt. Trẻ em còn có tâm hồn trong sáng, bởi chúng chưa bị vẩn đục bởi những ý tưởng xấu xa và dục vọng thấp hèn; chúng luôn thanh thản và vui tươi trong mọi hành động của mình. Chính những tố chất trên làm cho trẻ em trở nên một khuôn mẫu tuyệt vời cho những ai muốn gia nhập Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu nhấn mạnh một lần nữa: “Thầy bảo thật anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Tâm hồn trẻ thơ thì khiêm tốn hạ mình, đơn sơ và trong sáng, yêu mến ba mẹ và sẵn sàng vâng phục.

          Và ta thấy trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cho ta thấy Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt các trẻ em. Ngài dành cho các em một tình cảm rất trìu mến. Ngài đề cao các em như là gương sáng để các môn đệ bắt chước. Chính tâm hồn đơn sơ, trong sáng và lòng phó thác của các trẻ em là điều Chúa nhấn mạnh. Và đây là cách thế để có thể đón nhận hồng ân Nước Thiên Chúa.

          Việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Thầy là điều các môn đệ không thể chấp nhận được! Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu, nhưng Chúa Giêsu lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Cũng như lần trước, Chúa Giêsu muốn các môn đệ thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ, Chúa đã nói với các ông: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.

          Nhìn vào cuộc sống của các trẻ em trong đời sống thường nhật, ta thấy các em toát lên một vẻ đẹp rất đáng mến yêu. Các em rất đơn sơ, thật thà. “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” là vậy. Các em thật trong sáng, không vẩn đục bởi những mưu mô toan tính. Đặc biệt là lòng tin tưởng phó thác của các em vào tay những người chăm sóc mình. Nhận rõ sự yếu đuối và bé mọn, các em trao gửi hoàn toàn cuộc đời mình vào tình thương của cha mẹ.

          Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.

          Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.

          Nên giống như trẻ em nghĩa là biết mặc lấy những tâm tình đơn sơ, thật thà và tin tưởng phó thác đời mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa Nhân Lành. Phó thác không phải là không làm chi cả, chỉ đợi chờ Chúa giúp đỡ. Phó thác là cố gắng hết sức chu toàn bổn phận, đồng thời trao dâng về Chúa phần còn lại và để Chúa định đoạt. Trở nên giống trẻ thơ còn là biết cởi bỏ cách nhìn cũ kỹ già nua, để nhìn Chúa, nhìn anh em và nhìn chính mình bằng một tâm hồn ngay thẳng, trong sạch. Trên hành trình nên như trẻ thơ, ta được gương sáng của các thánh soi dẫn, nhất là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Với “con đường thơ ấu thiêng liêng”, Chị đã gặp và đi đến đỉnh hoàn thiện. Đó là cách biểu lộ cuối cùng của tình yêu, và là phương thế duy nhất để Chị tiến sâu vào cung lòng Thiên Chúa.

          Hãy có một tâm hồn như trẻ thơ : biết khiêm tốn hạ mình để nhận ra thân phận yếu đuối, bất toàn của mình mà luôn hoán cải và xin ơn tha thứ; đồng thời đặt trọn niềm tin và lòng yêu mến nơi Thiên Chúa, để được Ngài dẫn đưa vào đường lối thánh thiện của Ngài.

Huệ Minh