LỄ LÁ – NĂM B

Bài 1

Is 50,4-7; Mc 14,1-15,47
Chủ đề: Vinh quang thập giá

* Kiệu lá: Mc 11,9: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.
* Thánh lễ: – Is 50,6-7: Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ… vì có Đức Chúa YAVÊ là Chúa Thượng phù trợ tôi.
 * Mc 15,39: Thấy Đức Giêsu tắt thở như vậy, viên đại đội trưởng liền nói: “Quả thật, con người này là CON THIÊN CHÚA”.

    Hôm nay là Lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh. Phụng vụ Tuần Thánh mời gọi các tín hữu đồng hành với Đức Giêsu trên lộ trình Thập Giá Vinh Quang. Thật vậy Lời Chúa trong suốt Tuần Thánh đều hướng về Thập Giá Đức Kitô. Trong các bài đọc một của thứ Hai, Ba, Tư, Sáu, điểm nổi bật là dung mạo của Người Tôi Trung đau khổ của sách Isaia đệ nhị. Người Tôi Trung đã gánh vác tội của dân; Dùng sự khổ đau, cái chết của mình để đem lại cho dân ơn giải thoát. Các bài đọc Tin Mừng cũng đưa ra những trích đoạn mang nội dung chuẩn bị gần cho Thập Giá Đức Kitô. Thứ hai nói về việc cô Maria xức dầu thơm báo trước ngày mai táng Đức Giêsu; Thứ ba loan báo trước việc Giuđa bội phản nộp Thầy (Ga 13,21) và việc Phêrô chối Thầy (Ga 13,28); Thứ tư hoàn toàn hướng về việc Giuđa nộp Thầy (Mt 26,15.21.24-25); Thứ sáu là bài Thương Khó của Đức Giêsu. Tuy nhiên cả khối u buồn tối tăm của Tuần Thánh ấy lại được bọc trong hai vầng sáng huy hoàng của vinh quang phục sinh. Thật vậy, Lễ Lá khởi đầu bằng cuộc Rước Lá, gợi lại niềm hân hoan phấn khởi của dân thành Giêrusalem nô nức đón tiếp Đức Giêsu vào Thánh Đô như một vị Vua vinh thắng tiến vào thủ đô của mình “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa… Hoan hô trên các tầng trời”. Và Tuần Thánh kết thúc bằng đêm canh thức VỌNG PHỤC SINH: ngôi mộ an táng Chúa, biểu tượng của sự chết đã trở thành DẤU CHỈ CỦA VIỆC ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH.

Mầm phục sinh đã ẩn tàng trong Thập Giá
Và Thập giá là con đường dẫn tới phục sinh

Phụng vụ Lễ Lá bao trùm cả hai chiều kích trên. Thật vậy nghi thức Lễ Lá gồm hai phần: KIỆU LÁ và THÁNH LỄ

1/ KIỆU LÁ: cử hành bên ngoài nhà thờ gồm:

  • Làm phép lá và phát lá đã làm phép cho tất cả người tham dự. Lá này sẽ được lưu giữ tại các gia đình nhằm nhắc nhở Chúa Kitô vinh thắng.

  • Phụng vụ Lời Chúa: ở đây chỉ đọc Tin Mừng. Năm A đọc Matthêu; Năm B đọc Marcô hoặc Gioan; Năm C đọc Luca. Nội dung chung của cả ba năm đều nói về việc Đức Giêsu vinh hiển tiến vào Giêrusalem và được dân chúng tiếp rước như Đấng Mêsia. Vị Thiên Sai của Chúa.

  • Kiệu lá: đoàn tín hữu hân hoan bước theo Đức Giêsu trên lộ trình Thập giá vinh quang.

Đây là nghi thức đầy ý nghĩa khai mạc Tuần Thánh nhằm nhắc nhở, khích lệ dân Chúa rằng ĐIỂM ĐẾN của Tuần Thánh, vốn bị bao phủ bởi bầu khí u buồn, là VINH QUANG PHỤC SINH; Còn khổ đau, cái chết chỉ là “CỬA KHẨU” phải bước qua để đi vào cuộc sống mới.

2/ THÁNH LỄ: cả ba bài đọc đều hướng về thập giá vinh quang của Đức Giêsu. Bài đọc một, là bài ca thứ ba nói về Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Người Tôi Trung đã sẵn sàng đáp lại dự tính của Thiên Chúa đối với mình bằng thái độ LẮNG NGHE, không cưỡng lại, không thối lui; Sẵn Sàng đón nhận mọi chống đối để cho Thánh Ý Thiên Chúa được thể hiện cho dù bản thân phải “chịu đánh đòn”, “chịu giật râu”, “chịu phỉ nhổ”. Qua con đường khổ nhục, Thiên Chúa đã đào tạo Người Tôi Trung nên một ngôn sứ môn đệ biết dùng lời để nâng đỡ những ai kiệt sức.

Bài đọc hai, là trích đoạn Pl 2,6-11, tôn vinh Đức Giêsu đã vâng ý Cha, khiêm nhường tự hạ cho đến cùng trong phận làm người tội lỗi. Chính khi Người chịu chết và chết trên Thập Giá như một tử tội thì đó lại là lúc Thiên Chúa tôn vinh Người, tặng ban một danh hiệu siêu vượt trên tất cả đến nỗi khi nghe TÊN GIÊSU, tất cả mọi loài trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ đều tôn vinh “Giêsu – Kitô là CHÚA”.

Còn trong bài Thương Khó, yếu tố được Marcô sử dụng để mặc khải căn tính thần linh của Đức Giêsu chính là cái chết đau thương, tăm tối của Đức Giêsu trên Thập Giá: Theo Marcô, trên thập giá, Đức Giêsu chỉ thốt ra một lời duy nhất, một lời dường như thất vọng: “sao Cha bỏ con, Lạy Cha!” và rồi trong phó thác, tối tăm “NGƯỜI GỤC ĐẦU TẮT THỞ”. Chết như một TỬ TỘI. Chính ngay lúc đó, viên đại đội trưởng đứng gần đó “THẤY ĐỨC GIÊSU TẮT THỞ NHƯ VẬY” liền nói “Quả thật con người này là CON THIÊN CHÚA” (Mc 15,39). Bao lời rao giảng hùng hồn, bao phép lạ vĩ đại trong lúc sinh tiền chẳng thu hút được ai lại còn gây nên chống đối. Chính cái chết cô đơn tức tưởi của Người trên thập giá là YẾU TỐ CHÍNH tỏ lộ vinh quang thần linh của Người. PHỤC SINH ẨN TÀNG TRONG THẬP GIÁ VÀ THẬP GIÁ MẶC KHẢI VINH QUANG PHỤC SINH.

Lễ Lá mời ta sống niềm vui phục sinh đang khi cùng bước đi với Đức Giêsu trên lộ trình Thập Giá.

VINH QUANG THẬP GIÁ

“Hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa… chúc tụng triều đại vua Đavit… Hoan hô trên các tầng trời” (Mc 11,9-10)…. Thấy Người tắt thở như vậy, viên đại đội trưởng liền nói: “con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

  1. VINH QUANG TIẾN VÀO GIÊRUSALEM: ĐỈNH CAO NGỘ NHẬN

Chúng ta bước vào Tuần Thánh; Tuần cao điểm của năm phụng vụ Công Giáo. Tuần Thánh mở đầu bằng một nghi thức đầy hân hoan, phấn khởi, làm nức lòng những kẻ đang mơ tưởng tới một cuộc đổi đời mang tính xã hội, chính trị mà họ tưởng rằng  Đức Giêsu sẽ mang tới. Lời tung hô lúc Đức Giêsu vào thành Giêruasalem khiến đám đông đang hùa theo Người náo nức nghĩ rằng thời huy hoàng của vương triều Đavit sắp được Đức Giêsu tái lập. Vua Giêsu hậu duệ Đavit đang hiện diện rõ ràng trước mặt họ.

Dân Do Thái bao đời khắc khoải chờ mong “ơn cứu độ”, tha thiết van nài vị cứu tinh mau đến. Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín, nay thời buổi đã đến, cũng sai Con Một Người nhập thể trong Đức Giêsu để cứu nhân loại. Người Do Thái muốn giành Đấng Cứu Tinh riêng cho dân tộc họ; Còn Thiên Chúa lại muốn ban Vị Cứu Chúa đó cho toàn nhân loại để qui tụ tất cả chiên vào một đàn.

Tuy nhiên không phải toàn dân Do Thái đều đồng tâm nhất trí: những biểu lộ rực rỡ, hoành tráng bên ngoài lại làm lộ hẳn ra nét thù hằn, chống đối, ganh tỵ… của những người tưởng rằng quyền lợi, địa vị chính trị xã hội của họ đang bị đe dọa bởi một người thợ, chỉ mới xuất hiện công khai vài ba năm thôi, đến từ làng quê vô danh Nadaret. Do đó họ tìm đủ mọi cách để loại Người ra khỏi cuộc sống trần thế này.

Trong khi đó, phần Đức Giêsu, Người khẳng định dứt khoát rằng: “Nước tôi không thuộc thế gian này!” (x.Ga 18,36); Người được Thiên Chúa trao quyền trên mọi xác phàm là để ban cho họ sự sống đời đời; Mà sự sống đời đời là nhận biết Cha… và nhận biết Người chính là Đấng Cha sai đến” (x.Ga 17,2-3). Cách thức trao ban không phải là thống trị mà là PHỤC VỤ (x.Ga 13,13-15). Phục vụ vì yêu, yêu đến hi sinh mạng sống và chính ở mức tột cùng của sự hy sinh đó, Người đem mọi người lên cao với Người: “một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,32).

Biến cố Đức Giêsu huy hoàng tiến vào Giêrusalem có thể nói là điểm hội tụ, là đỉnh cao của những ngộ nhận giữa Ý Chúa và những khát vọng khác nhau của những nhóm người. Sự ngộ nhận dần đưa tới chống đối, loại trừ và cuối cùng là quyết giết Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đến trần gian là để phục hồi phẩm giá “con người là hình ảnh Thiên Chúa”; Trong khi đó thì con người ngày càng vẽ ra “các thiên chúa” ảo theo trí tưởng tượng sai lạc của mình do Con Rắn trong vườn Eđen xúi giục (x.St 3,5-7). Và cứ thế, nhân loại mọi thời không ngớt ngụy tạo nên những “Con Bò Vàng”: sẵn sàng dâng hết tài năng, của cải quý giá nhất của mình để đúc nên chúng và sụp lạy chúng, gọi chúng là đấng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập (x.Xh 32,1-6).

Suốt dòng lịch sử của Israel, Thiên Chúa dùng đủ mọi cách để chỉnh sửa lại những lỗi phạm, để giải tỏa đi các ngộ nhận. Và chóp đỉnh của tình yêu chăm sóc, thứ tha, hòa giải đó đã được Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô. Tuy nhiên trong suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, Người luôn luôn bị người ta ngộ nhận (đặc biệt nơi Tin Mừng Gioan). Ngay cả Nhóm Mười Hai được đích thân Người đào tạo, sửa dạy vẫn không ngừng ngộ nhận về những lời nói việc làm của Người. Ví dụ: Mt 16,5-8; Ga 11,11-14; Ga 2,19-22; Mc 10,38-40; Lc 8,45-46.

Và có thể nói rằng tất cả những ngộ nhận về căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu đến từ phía con người đều được các sách Tin Mừng cho hội tụ lại trong bản văn thuật lại việc Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem và được đón tiếp (ủng hộ lẫn chống đối) như một vị quân vương. Từ đám đông dân chúng, đến các môn đệ, kể cả nhóm Pharisêu (Lc 19,29; Ga 12,19), cho đến các thượng tế kinh sư (Mt 21,15), dù thuận hay chống, ít nhiều đều bị lôi cuốn vào biến cố này, tất cả đều nghĩ rằng Đức Giêsu đang biểu lộ quyền lực của một đấng mêsia chính trị trần thế.

Về phần Đức Giêsu, dường như Người cũng đồng tình với những ngộ nhận ấy của mọi người:

  • Chính Người chủ động sai các môn đệ đi tìm dẫn về cho Người một con lừa, để chuẩn bị cho Người tiến vào thành. Rồi Người cũng đồng ý để các ông trải áo choàng lên lưng lừa, để nhiều người lấy áo lót đường, cùng với các nhánh lá để đón chào Người (Mc 11,2-8)

  • Rồi Người cũng trả lời cho các Biệt Phái biết là Người ủng hộ các việc làm đó của môn đệ (Lc 19,39-40). Còn đối với các thượng tế, kinh sư đang ganh tỵ, tức tối, Đức Giêsu đã trích lời Tv 8,3 để cho họ thấy việc đang diễn ra là phù hợp ý Thiên Chúa (x.Mt 21,15-17).

  • Và theo Ga12,20 thì trong đoàn người đón Đức Giêsu đó cũng có thêm những người dân ngoại gắn bó với Yavê, được dân Chúa gọi là những người “kính sợ Thiên Chúa”, họ cũng tích cực tham gia vào cuộc đón rước Đấng Mêsia. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tận dụng những ngộ nhận ấy, qui tụ họ lại chung quanh Đức Giêsu và hé lộ cho họ thấy Người đích thực chính là Đấng Mêsia (x.Ga 12,28-31); Đồng thời cũng chỉnh sửa lại các ngộ nhận bằng cách tỏ cho họ thấy con đường Đức Giêsu phải đi để biểu lộ vinh quang Mêsia của mình là ĐƯỜNG THẬP GIÁ, nhưng đó là quy luật của sự sống: “hạt lúa gieo xuống phải chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt” (x.Suy niệm Mùa Chay V B). Và chính khi Người được giương cao trên Thập Giá thì ơn cứu độ Người mang đến bao trùm trên nhân loại (Ga 12,32)

  1. ĐƯỜNG THẬP GIÁ HÓA GIẢI NGỘ NHẬN

Như vậy tất cả những ngộ nhận tưởng chừng là không có lối thoát thì Đức Giêsu đã hóa giải cách tuyệt vời trên cây Thập Giá. Chính khi Đức Giêsu được giương cao trên Thập Giá thì tất cả mọi ngộ nhận đều tan biến. Tất cả mọi người đều ngã ngửa nhận ra rằng Đấng mà họ vừa tung hô “đến nhân danh Chúa”, là Mêsia giờ đây, trước mắt lại là một tử tội chịu đóng đinh. Cái “bong bóng Mêsia” của họ bị nổ tung tan tành. Thế nhưng, đồng thời ngay lúc Đấng Ấy gục đầu tắt thở trong phó thác cho Thiên Chúa (Mc 15,34.37) thì Thiên Chúa đã can thiệp cho ngay các DẤU CHỈ để khẳng định Đấng chịu đóng đinh đó lại đích thực là Mêsia: “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15,38 và //) sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và dân Người được hủy bỏ. Matthêu còn thêm vào dấu chỉ lúc Đức Giêsu lìa đời:… “đất rung, đá vỡ. Mồ mả bật tung, xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ nay trỗi dậy… ra khỏi mồ, vào thành thánh, hiện ra với nhiều người” (x.Mt 27,51-53). Và về phía loài người, viên sĩ quan Roma cũng được Chúa soi sáng thi ân giúp nhận ra ý nhĩa của các dấu chỉ rồi tuyên xưng: “Con Người này LÀ (“en” = impf.ind) CON THIÊN CHÚA” (Mc 15,39).

Như vậy, Thập Giá là nơi, là phương tiện Thiên Chúa dùng để hóa giải những ngộ nhận do những khát vọng lệch lạc của con người tạo ra về Đấng Mêsia của Thiên Chúa; Đồng thời cũng là nơi, là khởi điểm Thiên Chúa mở ra cánh cửa mặc khải gọi mời nhân loại hoán cải tiến vào mầu nhiệm thần linh của Đấng Mêsia. Mêsia chính là vị vua vinh thắng, đầy quyền năng, thật là “Đấng ngự đến nhân danh Chúa”, nhưng phương cách Người dùng để thể hiện vinh quang, quyền năng không phải là đàn áp, thống trị mà là hy sinh, phục vụ, tha thứ, yêu thương, sẵn sàng làm “hạt lúa chết đi” giữa cánh đồng để tạo thành vụ mùa phong nhiêu cho nhân loại. Vậy với Thập Giá, Đức Giêsu đập tan những ngẫu tượng mà con người bịa vẽ ra về Thiên Chúa, về Đấng Mêsia; Đồng thời cũng cho thấy rằng Thập Giá cũng chính là con đường, là đáp án chân thật cho những khát vọng thâm sâu nhất của con người. Chỉ khi đi trọn kiếp làm người như Đức Giêsu (tức là vác thập giá của mình mỗi ngày) thì quyền năng và tình yêu Thiên Chúa mới trổ sinh bông hạt được trong thuở ruộng tâm linh chúng ta.

  1. ĐẤNG BỊ GIƯƠNG CAO LÀ CON THIÊN CHÚA

Ngày hôm nay, hai ngàn năm sau biến cố Đức Giêsu vào Giêrusalem, bị ngộ nhận, chịu đóng đinh, nhưng rồi lại được Thiên Chúa tôn vinh là Con Thiên Chúa, Giáo Hội tưởng niệm lại chuỗi biến cố lạ thường đó trong một nghi lễ phụng vụ: LỄ LÁ. Nghi thức bắt đầu bằng cuộc kiệu lá long trọng tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Đoàn tín hữu bằng một nghi thức biểu tượng: cầm lá đi rước đón chào Vị Cứu Chúa của mình. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng như đoàn tín hữu không rơi vào tình cảnh NGỘ NHẬN như đoàn dân cũ xưa. Vì trong đức tin, chúng ta đã được Thiên Chúa thương cho thông hiệp vào dự tính cứu độ của Người: chúng ta biết con đường dẫn tới vinh quang phục sinh là đường Thập Giá; chúng ta đã được Đức Giêsu nhắc nhở rằng Thập Giá là quy luật của công cuộc sáng tạo: hạt lúa phải được gieo xuống, chết đi rồi mới trổ sinh hoa màu ruộng đất. Giờ đây chúng ta suy niệm lại những ngộ nhận của dân xưa là để tự răn mình đừng để bản thân rơi vào những cám dỗ, những ngộ nhận của tiền nhân. Giáo Hội không trốn chạy Thập Giá, trái lại còn hãnh diện tôn nhận Đấng chịu đóng đinh, bị giương cao trên Thập Giá là Cứu Chúa là Tin Mừng, lẽ sống cho cuộc đời mình. Giáo Hội không thể ngộ nhận vì những dấu lạ điềm thiêng, vì những khôn ngoan vinh quang trần thế không phải là đối tượng cho những tìm kiếm của người kitô hữu… “chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,20). Chúng ta không hổ ngươi vì Thập Giá của Người trái lại hãnh diện tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh là Đấng Cứu Chúa Mêsia, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận ra được trong Thập Giá: Tình Yêu của Cha – Sự tự nguyện của Con.

  • Tình yêu của Cha: có thể nói Thập Giá là giải pháp tối hậu từ phía Thiên Chúa để đưa công trình sáng tạo của Người đến chỗ hoàn tất: hạt lúa phải chết đi để cho ra vụ mùa phong phú. Đứng trước một nhân loại lì lợm quyết ở lì trong con đường sai trái của mình, từ chối dự tính yêu thương của Thiên Chúa trên mình, Thiên Chúa chọn giải pháp THỨ THA, kiên trì thuyết phục kể cả chấp nhận sự bội phản cho đến chết. Thay vì tiêu diệt nhân loại phản loạn như đã làm trong Hồng Thủy, trong thiêu hủy Sôđôma, thay vì định tiêu diệt dân Do Thái cứng đầu trong vụ “con bò vàng”, “không chịu vào Đất Hứa”, thì Thiên Chúa đã kiên nhẫn thứ tha từng bước một hồi phục từ từ với số ít, “số còn sót lại”. Và chóp đỉnh của Tình Yêu thứ tha hồi phục đó chính là Thập Giá của Đức Giêsu. Thật vậy, chính khi Đức Giêsu chấp nhận đi đến đáy nhục nhã của phận người tội lỗi “gục đầu tắt thở” thì đó là lúc Chúa hoàn tất công trình “con người là hình ảnh Thiên Chúa”: Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã tuyên bố như thế “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30) và cũng chính vào đỉnh cao Thập Giá, nhân loại cũng cúi đầu thần phục đường lối của Thiên Chúa khi viên sĩ quan (và trong Matthêu còn thêm các lính canh 27,54) công khai tuyên bố: “quả thật, CON NGƯỜI này là CON THIÊN CHÚA” (Mc 15,39). Lúc đó, sự ngăn trở giữa con người và Thiên Chúa được xóa bỏ: “bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15,38; Mt 27,51; Lc 23,45b). Nhân loại đã giao hòa với Thiên Chúa, một con người trong nhân loại thực là hình ảnh Thiên Chúa: ai thấy Thầy là thấy Cha (Ga 14,9).

  • Sự tự nguện của Con

  • Đức Giêsu hoàn toàn ý thức thập giá là đáng sợ, nhưng Người vẫn hoàn toàn sáng suốt, tự do, tự nguyện chọn Thập Giá. Dù xao xuyến, hãi hùng (Mc 14,33) đến độ phải xin Cha được thoát khỏi giờ này, Người vẫn hoàn toàn vâng theo Ý Cha (Mc 14,35.36.39).

  • Chóp đỉnh của tình yêu tự nguyện là bữa Tiệc Ly lập Thánh Thể: qua vài chi tiết trong bữa Tiệc Ly, ta thấy Đức Giêsu hoàn toàn chấp nhận cái chết trong yêu thương và biến tất cả thành phương thế để Người lập Giao Ước mới trong Máu của Người: biết Giuđa sẽ nộp Thầy (14,18-21), biết Phêrô chối Thầy (14,30), nhưng Người công khai đón nhận để LỜI KINH THÁNH ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM (14,49) nghĩa là để Ý Cha thể hiện. Và tuyệt vời hơn nữa, là từ những yếu tố đưa Người tới cái chết thì đã được Người biến thành phương thế thiết lập Giao Ước mới để cứu muôn người chứ không chỉ dành riêng cho dân Do Thái (14,24).

Nhờ tình yêu tự nguyện, vâng phục và sáng kiến lập nên Thánh Thể mà hi lễ Thập Giá của Đức Giêsu đã có được phương thế hữu hình lưu truyền đến tận thế.

  • Phần đóng góp từ phía con người: ngày nay khi tham dự lễ LÁ, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta không thể như đám đông xưa kia: ngộ nhận, có những phản ứng gian ác đối với Đức Giêsu như Philatô, Nhóm Thượng Tế, lính La mã… Trái lại chúng ta tôn thờ Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta công bố tình yêu cứu độ của Người qua đường Thập Giá.

Vậy một khi được chuẩn bị đầy đủ về mặt thiêng liêng, đức tin, tín hữu chúng ta vẫn cầm lá tung hô, vẫn cùng với Đức Giêsu tiến lên Núi Sọ nhưng không phải để hành hình Người mà để thờ lạy đường lối lạ lùng của Cha và Con đồng thời quyết tâm kết hợp, đóng góp phần mỗi người để cùng Đức Giêsu vác Thập Giá đưa nhân loại đến đường cứu độ.

Mỗi lần tham dự mầu nhiệm kitô giáo, nhất là trong Tuần Thánh, tín hữu Chúa Giêsu dâng tất cả những tiêu cực của phận con người lên Cha nhờ Thập Giá Đức Giêsu; Và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, tất cả những tiêu cực ấy không đưa nhân loại tới thập giá án phạt nữa mà là tới Thập Giá cứu độ, từng bước một xây dựng Nước Trời tại thế trong khi chờ ngày Quang Lâm.

Bài 2  (Thánh lễ)

Chủ điểm phụng vụ

Sau phần rước lá mang đậm nét vui tươi, Phụng vụ Lời Chúa của Lễ Lá chợt trầm lắng hẳn lại khi bước vào phần Thánh Lễ: tất cả đều quy hướng về Thập Giá cứu độ. Từng bước, cả 3 bài đọc đều đưa tín hữu đến trung tâm thẳm sâu của lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa: cây Thập Giá; Và đường lối cứu độ ngược đời ấy lại được chính Ngôi Lời Thiên Chúa vui lòng tự đảm nhận; Nhờ đó cây nhục hình lại trở thành cây mang lại trái trường sinh cho cả tạo thành.

Theo sắp xếp của phụng vụ, Lời Chúa trong Thánh Lễ Lá gồm bài 1 và 2 dùng chung cho cả 3 năm; Còn Tin Mừng thì thay đổi: A đọc Matthew, B Marcô và C Luca. Tâm điểm của 3 bài đoc là Thập Giá được trình bày như là điểm đến của Ý Cha, sự tự nguyện của Đức Giêsu và các ác ý từ phía con người chỉ là thời điểm, phương tiện được Thiên Chúa tận dụng để đưa dự tính cứu độ đến chỗ hoàn tất. Chính vì thế nên cái chết của Đức Giêsu không lên án bất kỳ ai- “xin Cha tha cho chúng” (Lc 23,34)- mà còn lại là căn nguyên giúp những kẻ giết Người nhận ra Người là Thiên Chúa, hàm ý họ cũng được cứu nhờ cái chết đó. Đó chính là đỉnh điểm của Tin Mừng Marcô (15,39), được chọn đọc trong năm B.

Vậy phần phân tích suy niệm Lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá năm B sẽ được giới hạn vào điểm chính của bài Thương Khó Marcô: đó là tâm tình PHÓ THÁC của Đức Giêsu, sẵn sàng làm theo Ý Cha, đón nhận thập giá (đi đến cùng thân phận làm người như Thiên Chúa đã an bài trong công trình sáng tạo) dù lý trí, tình cảm phàm nhân không sao lý giải được ngay. Thái độ ấy đủ để hồi phục nhân loại xưa kia vì nghi ngờ Tình yêu của Thiên Chúa, đường lối Thiên Chúa nên sa ngã.

Thật vậy, Sách Sáng thế đã cho thấy nguyên do sâu xa của những nỗi bất hạnh của con người là khước từ ý định, đường lối yêu thương của Thiên Chúa trên mình: không chấp nhận kiếp người mà Thiên Chúa đã ban tặng; Muốn lấy mình làm chuẩn mực, loại bỏ Thiên Chúa khỏi đời mình. May thay Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sai lạc, Người vẫn trung thành với dự tính sáng tạo và đã đề ra phương thức để hồi phục nhân loại: sẽ cho “dòng giống của người nữ đạp đầu Rắn” (St 3,15). Lời hứa ấy hàm ý rằng Đấng đạp đầu Rắn là một con người: chính khi chấp nhận phận làm người trọn vẹn với mọi hệ lụy, Đấng Ấy đạp dập đầu Rắn. Đó là đường Thập Giá và đã được Thiên Chúa bày tỏ ra ngay sau sa ngã của nguyên tổ. Đó là con đường hồi phục giúp con người chân tâm nhìn nhận tình yêu, quyền năng Thiên Chúa. Trong mạc khải chung cuộc, các Kitô hữu đều nhận ra đó là thập giá Đức Giêsu: quả vậy, khi thấy Đức Giêsu chết như một tử tội, viên sĩ quan Rôma tuyên tín: “con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

          Tóm lại: con người đã mất tất cả khi khước từ phận người. Đức Giêsu đã hồi phục tất cả khi dám phó thác tin vào đường lối Thiên Chúa bằng cách đi đến cùng phận con người tội lỗi. Con người mất tất cả khi nghi ngờ Thiên Chúa, nghe lời Rắn, đưa tay hái trái cấm để ăn. Đức Giêsu đã hồi phục tất cả khi dám thờ lạy Ý Cha cho đến chết trên thập giá. Chính khi chấp nhận đến cùng kiếp người với mọi hậu quả của tội, Đức Giêsu đã khôi phục nhân loại: Là hình ảnh của Thiên Chúa, cho dù bên ngoài có bị bầm dập đến đâu đi nữa “thấy Đức Giêsu tắt thở như vậy … quả thật con người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

          Lần này, các bài đọc trong phụng vụ Lễ Lá, chúng ta không suy niệm riêng rẽ từng bài theo cấu trúc văn chương, nhưng sẽ phân tích chung cho cả 3 bài dựa theo 3 chủ đề: THẬP GIÁ LÀ KẾT QUẢ của: 1. Ý Cha; 2.sự tự nguyện của Con; 3. Ác ý của kẻ dữ

BÀI ĐỌC I: Is 50, 4-7
xem Năm A

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11
Dùng chung cho cả 3 năm ABC

TIN MỪNG (B): Mc 14,1-15,47

  1. Ý Cha: được thể hiện ngay trong công trình sáng tạo và trong suốt dòng lịch sử. Thật vậy:

          * Ngay trong ngày tạo dựng thứ ba (St 1, 11-13) mầu nhiệm Thập Giá đã được ẩn tàng trong quá trình phát triển của công trình sáng tạo: đất sinh cây cỏ, cây cỏ sinh trái, trong trái có hạt theo đúng loại. Các sinh vật sẽ ăn trái, còn hạt sẽ bỏ ra, rơi về lại đất, chết đi để quy trình “đất sinh cây cỏ…” lại lập lại.

          Trong ý định của Thiên Chúa, đó là quy luật sống để vũ trụ được tồn tại và phát triển. Đó là quy luật ổn định, bền vững, chắc chắn mang lại sự thoải mái và hạnh phúc cho nhân loại.

          *Tiếc thay con người đã sa ngã làm cho quy luật sống đó bị xáo trộn. Và sự xáo trộn đó đã mang đến khó khăn, khổ đau cho con người khi thực hiện quy luật sống trong công trình sáng tạo (x.St 3, 16-19).

          *Thiên Chúa không bỏ mặc con người, Người can thiệp ban lời hứa cứu độ, giúp con người hồi phục lại giá trị của quy luật sống trong công trình sáng tạo (St 3, 15: tặng ban Đấng đạp đầu con Rắn) bằng cách Đấng ấy sẽ mang lấy mọi hậu quả của phận người tội lỗi với chúng ta.

          *Rồi qua suốt dòng lịch sử, từng bước một, Thiên Chúa hé mở cho ta thấy cách thức Thiên Chúa sẽ làm để hồi phục nhân loại trong ĐẤNG ẤY, theo phương thức Chúa đã đặt ra từ đầu ngay trong công trình sáng tạo: hạt lúa phải được gieo và chết đi để sinh nhiều hạt khác.

  1. Các trích đoạn từ Cựu Ước:

* Mc 14, 27 //Mt 26. 31b: đánh chủ chăn thì đàn chiên tan tác (x. Dcr 13,7)

* Mc 14, 62b // Mt 26, 64b: Đức Giêsu xác nhận căn tính thần linh của Người (x. Tv 110 và Đn 7, 13)

* Mc 15, 24b // Mt 27, 35b: chia nhau áo của Đức Giêsu (x. Tv 22,19)

* Mc 15, 34 // Mt 27, 46: lời than thở sao cha bỏ con (x. Tv 22, 2)

* Mc 15, 36 // Mt 27, 48: đưa giấm cho Đức Giêsu nếm (x. Tv 69, 22)

Tất cả phần này, xem lại chú thích năm A.

  1. Lời Đức Giêsu cầu nguyện với Cha: Mc 14, 36 // Mt 26, 39.42

     Chi tiết này cho thấy rõ thập giá là Ý Cha: theo bản tính nhân loại tự nhiên, Đức Giêsu không muốn đường thập giá; Nhưng Người vẫn tự nguyện đón nhận vì nhận ra đó là Ý Cha. Vậy ơn cứu độ không nằm trong sự kiện tiêu cực của thập giá, mà ở nơi ý nghĩa thần linh của nó: đó là Ý Cha và Tình yêu tự nguyện của Con với mục đích là cứu nhân loại, hồi phục và đưa công cuộc sáng tạo đến chỗ hoàn tất.

  1. Cái chết của Đức Giêsu: Mc 15, 39

     Nét riêng của Macco: “…thấy ĐỨC GIÊSU TẮT THỞ NHƯ VẬY, liền nói….”. Đây là điểm nối kết đặc biệt giữa Macco và Pl 2. Nó cho thấy thập giá là Ý Cha: chính ngay khi Đức Giêsu chết nhục nhã như một phàm nhân thất bại trên thập giá, thì Cha tôn vinh Người:

  • Chính vì Đức Giêsu vâng lời chết trên thập giá, Thiên Chúa đã siêu tôn Người….(Pl 2, 8-9).

  • Cũng ý đó, Macco diễn tả: “….Đức Giêsu kêu lớn tiếng….”Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”….rồi tắt thở….Viên đội trưởng…thấy Người TẮT THỞ NHƯ VẬY liền nói: “Quả thật, CON NGƯỜI NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA”” (15, 34-39).

  1. Tình yêu tự nguyện của Đức Giêsu theo Marcô:

  • Hoàn toàn ý thức thập giá là đáng sợ: dấu đầu tiên giúp ta nhận ra sự tự nguyện của Đức Giêsu trong biến cố thập giá chính là việc Người hoàn toàn ý thức sự đáng sợ của thập giá. Thái độ chọn lựa của Người là hoàn toàn sáng suốt và tự do, mang tính tự nguyện và chủ động. Marco cho thấy Đức Giêsu cảm thấy hãi hùng xao xuyến (14, 33); Người cần có người trợ lực, nâng đỡ (14, 34-37.38) Người xin Cha được thoát khỏi giờ này (14, 35.36.39). Mặc dù vậy, Người vẫn hoàn toàn tuân theo ý Cha (14, 36).

  • Chủ động trước mọi tình huống: mặc dù biết thập giá là đáng sợ, Đức Giêsu vẫn sẵn sàng đón nhận trong một thế chủ động tuyệt vời:

– Thanh thản đón nhận cái chết ngang qua việc để người phụ nữ xức dầu thơm quý giá lên đầu như một dấu chỉ báo trước việc ướp xác chuẩn bị mai táng (14,8). Theo Marco, thái độ này của Đức Giêsu là nhắm vào mọi người có mặt tại nhà ông Simon cùi (14, 3-4) chứ không chỉ riêng cho các môn đệ như ở Matthêu 26, 8-10 (Luca không đề cập phản ứng của những người có mặt; Còn trong Gioan thì đó lại là phản ứng của chỉ 1 mình Giuđa: (Ga 12,4).

– Biết trước Giuđa sẽ nộp Người mà vẫn đón nhận yêu Giuđa (14,18-21).

– Biết trước Phêrô chối mình và biết rõ đến chi tiết “… gà chưa kịp gáy 2 lần, chính anh, anh đã chối Thầy đến 3 lần” (14,30).

– Chấp nhận bị bắt để ứng nghiệm Lời Kinh Thánh (14,49) tức để ý Cha thể hiện.

– Biết “giờ đã đến” vẫn bình thản sắp xếp từng chi tiết để mừng lễ Vượt qua (14,13-16.35.41) rồi qua đó lập Bí Tích Thánh Thể.

Vậy trong Marco, Đức Giêsu được trình bày như một Adam mới dám thẳng thắn đương đầu với cái chết (báo trước việc ướp xác cho MỌI NGƯỜI chứ không chỉ cho môn đệ) nhờ đó vượt thắng nó và đi đến phục sinh. Thái độ này đã khắc phục hậu quả của việc Adam trốn chạy thực tại phũ phàng sau khi sa ngã và phải chết. Nhờ Đức Giêsu tự nguyện chấp nhận thập giá, nhân loại được hồi phục.

* Tiệc Ly lập Thánh Thể: chóp đỉnh của tự nguyện:

Với những gì làm trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu xoay chuyển hẳn ý nghĩa của khổ đau và cái chết. Đó vốn là hậu quả của tội, nay Đức Giêsu -dù vô tội vẫn đảm nhận khổ đau và cái chết, rồi qua Tiệc ly đã biến cái chết của Người thành hy lễ xóa tội, biến bản thân Người thành thần lương nuôi sống, phục hồi nhân loại ngay tại thế, chuẩn bị cho chiến thắng vĩnh viễn của nhân loại trên sự chết và khổ đau (x. Kh 21,4).

Xưa, chết là án phạt của tội; Nay với Đức Giêsu, chết đã trở thành hiến tế tiêu diệt tử thần, chẳng những thế khổ đau và cái chết của người công chính còn góp phần cứu độ thế giới. Còn thêm nữa, với cái chết của Đức Giêsu trên thập giá (được Đức Giêsu làm trước cách bí tích trong Tiệc Ly),cái hậu quả của phận tội nhân tức là “cái chết” lại trở thành dấu mặc khải giúp hoán cải kẻ ác, giúp nhận ra Người là Thiên Chúa (điều mà suốt cuộc đời trần thế với bao phép lạ lớn lao đã không làm được): “thấy Người TẮT THỞ như vậy”, viên sĩ quan Rôma liền tuyên tín  “quả thực con người này là Con Thiên Chúa” (15,39).

Như vậy “hình ảnh của Thiên Chúa” nơi con người trong công trình sáng tạo nay đã được phục hồi và được đưa tới mức viên mãn: một con người đích thực, trọn vẹn của nhân loại đã đi vào quỹ đạo của Thiên Chúa Ba Ngôi, khai mở giai đoạn biến toàn thể nhân loại thành con Thiên Chúa, được thông phần thiên tính của chính Thiên Chúa. Công trình vĩ đại này đã được Đức Giêsu tự nguyện làm trước một cách bí tích trong bữa Tiệc Ly: máu của một CON NGƯỜI đổ ra trở thành giao ước THẦN LINH; sự việc xảy ra duy chỉ một lần trong một khoảnh khắc thời gian của nhân loại đã trở nên bảo chứng muôn đời của Thiên Chúa, bảo đảm cho Nước Thiên Chúa trị đến (14,25), bảo đảm cho ơn tha tội (Mt 26,28).

Tóm lại, nhờ Cha yêu thương đã đưa ra thập giá cứu độ, nhờ Đức Giêsu đã tự nguyện thực hiện, thập giá án tử đã trở nên con đường sự sống vĩnh cửu nâng con người lên địa vị thần linh làm con Thiên Chúa, biến tội nhân thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu, góp phần đưa công trình sáng tạo, cứu chuộc tới mức viên mãn.

  1. 3. Ác ý của phàm nhân

Ý nghĩa của Thập giá đã được tỏ bày. Tuy nhiên trong giới hạn của phàm nhân, dòng thời gian vẫn còn trôi, thì nhân loại vẫn còn phải chiến đấu cật lực trước cơn giãy chết của Satan “trong một thời gian ngắn” (x. Kh 20,2b). Trong giai đoạn này, khía cạnh tiêu cực của thập giá vẫn còn đó: ác ý của con người. Nhìn vào khía cạnh này của thập giá Đức Giêsu, chúng ta mới thấy được cái ác, cái yếu nơi thân phận mỏng dòn của phàm nhân, cũng như hậu quả khốc liệt của tội để từ đó bám chắc vào ý Cha, noi gương tự nguyện của Đức Giêsu hầu cùng với Người làm bật lên ý nghĩa cứu độ của thập giá.

Những ác ý phàm nhân theo Marcô

* Có những người chủ tâm loại trừ Đức Giêsu bằng mọi giá: họ không từ bất kỳ thủ đoạn nào, bất chấp địa vị của họ. Họ là các thượng tế và các kinh sư (14,1) rồi thêm các kỳ mục nữa (14,43; 14,53; 15,1). Mc không trực tiếp nói đến các biệt phái, nhưng Mc 14,55 và 15,1 có nói đến “toàn thể Thượng Hội Đồng”. Vậy cũng có thể có một số biệt phái tham gia, nhưng có lẽ họ không tỏ bày thái độ chăng? Vai trò chính là của các thượng tế và các kinh sư (nhóm kinh sư tư tế không thuộc biệt phái), họ bám sát theo Đức Giêsu đến thập giá và đắc chí chế giễu Người (15, 31).

          Họ rất vô liêm sỉ: tìm đủ mọi cách để buộc tội Đức Giêsu, kể  cả CHỨNG GIAN,  nhưng không tìm thấy (14, 55 – 59); Vậy mà trơ trẽn “tố cáo Người nhiều tội trước Philatô (15, 3); Rồi thấy không lay chuyển được Philatô bằng những chứng cớ, họ bèn “sách động đám đông đòi tha Baraba” (15, 11), khiến Philatô “vì muốn chiều lòng đám đông” nên đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá (15, 15).

  • Ác ý biểu lộ qua thái độ vô trách nhiệm  mà Philatô là điển hình: coi thường sự thật (ông biết Đức Giêsu vô tội), sự sống của người vô tội.

  •  Ác ý biểu lộ qua sự vô cảm trước những đau khổ của tha nhân nhất là họ lại chịu vì bất công; Lại còn vui đùa, giễu cợt trên bất hạnh của kẻ khác. Đó là trường họp bọn lính của tổng trấn (15, 16 – 20), đám thuộc hạ của thượng tế (14, 65).

  • Ác ý biểu lộ qua sự chai lỳ trong tội  không nhận ra đâu là phải, đâu là trái của các tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu, không chịu hoán cải, không nhận tội, cố tính đứng về phía sự ác cho dù hậu quả của tội đang phải chịu nhãn tiền (15, 32 b).

  •  Ác ý còn ẩn mặt dưới những yếu đuối, không biết mình… của đoàn môn đệ:  Phêrô quá tự tin nhưng rồi lại chối Thầy (14, 31 so với 14, 66 – 72); Giuda bán Thầy (14, 10 – 11. 43); các môn đệ đều bỏ Thầy chạy trốn (14, 50).

  • Ác ý qua toan tính phản bội đội lốt yêu thương:  nụ hôn là dấu hiệu của yêu thương đã bị Giuda dùng làm ám hiệu để chỉ điểm Đức Giêsu cho quân lính (14, 44 – 45).

  •  Về văn chương, ác ý được tỏ bày qua động từ NỘP:

  • Giuda tìm cách nộp Đức Giêsu (14, 10.11) và cho ám hiệu để nộp Người (14, 44).

  • Các thượng tế, kỳ mục, kinh sư nộp Đức Giêsu cho Philatô (15, 1) .

  • Lý do nộp là do ghen tỵ (15, 10) – và sự ác lộ hết nanh vuốt khi Philatô bán rẻ lương tâm chiều theo ý muốn đám đông nộp Đức Giêsu cho họ đóng đinh (15,15).

        Sự ác đã len lỏi vào tận mọi ngóc ngách của cuộc đời, tác động trên nhiều hạng người để dựng lên thập giá nhằm tiêu diệt đức Giêsu. Nhưng may cho con người: tất cả không qua khỏi dự tính của Cha; Và tình yêu tự nguyện của Đức Giêsu đã biến đổi mọi ác ý thành phương thế cứu rỗi. Thập giá đã là cửa ngõ đưa tới Phục Sinh.

     TÓM LẠI, phụng vụ Lời Chúa của Lễ Lá giúp ta khám phá ra ý nghĩa của thập giá, khám phá ra phương thế Thiên Chúa đã dùng để biến công cụ khổ hình ấy trở thành phương thế cứu sống và đưa nhân loại vào quỹ đạo Ba Ngôi Thiên Chúa.

          Vậy Thập Giá là thắng lợi rực rỡ của cuộc giao tranh thực hiện chương trình của Thiên Chúa…Thiên Chúa không che dấu các thực tại của cuộc đời, cho dù các thực tại đó có nặng nề đến đâu chăng nữa. Người làm cho chúng trở thành có giá trị. Người không giúp ta trốn thoát chúng. Người dạy ta bám chặt vào đó hết mình, nhận rõ giá trị của chúng, tìm hiểu kỹ càng và rút ra bài học bổ ích. Ánh sáng phục sinh mặc khải giá trị đường thập giá và qua đó làm tăng giá trị cuộc sống thực tế của chúng ta (Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt “chú giải PA Chúa Nhật B” các Mùa trang 397).

Frère Pierre Đình Long FSC