LỄ CHÚA THÁNH THẦN NĂM A

Ga 20, 19-23

      Ngay chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu đã đến gặp các tông đồ và hai lần Ngài chúc: bình an cho anh em,(Ga 20,19.21). Điều mà các ông đang thiếu nhất, đang cần nhất lúc này. 

       Sau biến cố Tử nạn của Chúa, các môn đệ như người mất hồn, chết dở  và vì thế Chúa thổi hơi và ban Thánh Thần: Người thổi hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22).Ngày nay chúng ta thường dùng từ Thần Khí. Điều này gợi lại việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi và tạo dựng con người (Stk 2,7) và cũng giúp liên tưởng tới một sáng tạo mới, một cuộc phục sinh đích thực:..Ta sẽ đặt Thần Khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống… ( Ed 37,6).

       Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh. Các tông đồ ở với Chúa Giêsu ba năm, được Chúa trực tiếp dạy dỗ, được thấy nhiều dấu lạ Chúa làm, nhưng vẫn lơ tơ mơ, vẫn mù mờ, vẫn lo sợ. Chỉ khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ông mới thông suốt và mạnh dạn ra đi rao giảng. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14,26).

          Chúa Thánh Thần là hơi thở, là Đấng ban sự sống. Có hơi thở mới có sự sống, còn thở mới còn sống. Sách Công Vụ Tông Đồ cũng thuật lại: Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họ.(Cv 2,1-2). 

         Chúa Thánh Thần còn được biểu tượng bằng lửa: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 3-4) 

       Trong đời sống con người, đặc biệt trong các bộ lạc sơ khai cũng như ở những vùng thôn quê hẻo lánh, lạnh giá, người ta cần có lửa để sống, để sưởi ấm. Bộ lạc sơ khai nào mất lửa coi như là diệt vong. Chúa Thánh Thần cũng đốt lửa sưởi ấm trong lòng chúng ta, để chúng ta sống, để chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.

         Lửa còn được dùng để chiếu sáng. Trong đêm đen, nơi hầm tối, những lúc cúp điện, một ngọn nến, một que diêm cũng giúp ta soi sáng. Chúa Thánh Thần là ánh sáng soi chiếu tâm hồn ta, nhờ đó ta biết sống theo luật Chúa, theo đường lối của Giáo hội để ta được hạnh phúc.

        Lứa còn được dùng để chế biến thức ăn, để loại trừ những chất độc hại ra khỏi thực phẩm. Chúa Thánh Thần nung nấu tâm hồn ta, để ta loại bỏ những điều phản nghịch cùng Thiên Chúa và Giáo Hội.

        Lửa cũng còn được dùng để tôi luyện những thanh kim loại thô cứng thành những dụng cụ sắc bén trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ thanh luyện chúng ta, biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Chúa. 

          Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

          Trong các cử hành phụng vụ, chung cũng như riêng, Giáo hội luôn cầu khẩn Chúa Thánh Thần phù trợ, giúp đỡ và soi sáng.

          Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội, Ngài luôn ngự trong tâm hồn chúng ta: Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em…(1Cr 6,19).

          Ngay sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, ban bình an cho các ông và sai các ông tiếp tục sứ mệnh của Ngài, sứ mệnh Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa Cha: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).

          Việc Ra đi rao giảng là căn tính của Giáo Hội Chúa Kitô. Trước khi rời các tông đồ để lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài đã căn dặn các môn đệ Hãy đi giảng dạy muôn dân. Người môn đệ Chúa Kitô nên đi đạo hoặc sống đạo ( đi đường, mở rộng ra với mọi người), không nên chỉ giữ đạo. Hằng bao nhiêu thế kỷ qua, Giáo Hội đã ra đi để rao giảng Tin Mừng của Chúa đến tận cùng bờ cõi trái đất. Người tín hữu có thể rao giảng bằng nhiều cách, bằng cả cuộc đời mình, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh. Thánh Phanxicô  Xaviê đi rao giảng khắp đó đây, được Giáo Hội tôn vinh là bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhưng thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, ốm yếu, bệnh tật, giam mình trong bốn bức tường dòng kín, chết lúc 24 tuổi, cũng được tôn vinh là bổn mạng các xứ truyền giáo.

          Sứ mệnh của Chúa Giêsu còn là ban ơn tha tội. Như Gioan Tẩy giả đã giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (Ga 1,29).Các môn đệ cũng phải nối tiếp sứ mệnh đó: ra đi và ban ơn tha tội.

          Có được tha thứ, chúng ta mới hòa giải với Thiên Chúa. Có tha thứ chúng ta mới hòa giải với anh em. Còn bất hòa( chưa tha thứ) là còn bất an.Với Thiên Chúa, tha thứ là tuyệt đối:  khi đi dâng lễ mà chợt nhớ anh em đang bất hòa với mình, (không phải mình bất hòa với anh em) phải bỏ của lễ đó mà về làm hòa với anh em đã.(Mt 5,23-24). Chỉ tha thứ mới có hòa giải, chỉ tha thứ mới có an bình. Điều này đúng từ trong gia đình đến ngoài thôn xóm, đúng từ quốc gia đến quốc tế. Tất cả các cuộc chiến đều là do thiếu tha thứ, thiếu hòa giải. Hơn 1 năm qua cuộc chiến giữa Nga và Ukraine  diễn ra hết sức khốc liệt. Nguyên do tại đâu? Có nhiều nguyên do sâu kín, nhưng chắc hẳn cũng có nguyên do thiếu yêu thương, thiếu tha thứ, thiếu hòa giải. Một quyết định hận thù của một người đã gây bao tang tóc, đổ nát. Biết bao binh sĩ đôi bên thương vong. Bao nhiêu thường dân, phụ nữ, trẻ em vô tội, chết oan. Bao nhiêu cô nhi quả phụ…Bao nhiêu thành phố bình địa…Chưa biết chừng nào trận chiến kết thúc. Chưa biết bao giờ mới khắc phục hết những hậu quả tang thương. 

          Lạy Chúa Thánh Thần, xin mau đến thay đổi bộ mặt địa cầu.

 Nguyễn Đức Lân