Kinh Thánh và Mầu nhiệm Vượt Qua

Phần 1

Đức Ki-tô Phục Sinh
và hai môn đệ trên đường Giêrusalem và Emmau :
« Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ »
(Lc 24, 13-35)

I. Hành trình ba chặng

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh của hai môn đệ xẩy ra trên hành trình từ Giê-ru-sa-lem đi Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem. Hành trình gồm ba « chặng », xắp xếp theo cấu trúc đối xứng như sau : A (Bỏ đi hay nhóm phân tán), B (Nhận ra Đức Ki-tô phục sinh), A’ (Trở lại hay nhóm tái qui tụ).

Như thế, kinh nghiệm nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh, cùng với ơn hiểu biết mọi sự dưới sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, có sức mạnh thay đổi hướng đi khởi đi từ những thay đổi nội tâm sâu sa, mà chúng ta có thể gọi là ơn “tái sinh” và mang lại những biến đổi ở mọi cấp độ.

Khi cầu nguyện, hãy hình dung ra dáng đi, vẻ mặt và tâm tình của hai môn đệ như thế nào khi bỏ đi, nhưng sau đó được biến đổi như thế nào lúc trở lại ; lúc đi : trời sáng lòng tối ; lúc về, trời tối, lòng sáng. Và tại sao có sự thay đối lớn lao như thế ? Kinh nghiệm nào, đã làm cho hai môn đệ được “tái sinh”?

*  *  *

Trên đường về làng Emmau: “Họ đang trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xẩy ra” (c. 14), dáng đi nặng nề và “vẻ mặt buồn rầu” (c. 17). Tại sao vậy? Bởi vì « ngũ quan » của họ khép kín, bị ngăn chặn không mở ra với những thực tại vô hình, họ chỉ nhìn vào các biến cố một cách khách quan và cục bộ : tất cả những gì đã và vừa xẩy ra (c. 19-24) là chết rồi, là thất bại, là ngõ cụt, là thất vọng, là không khởi đi từ đâu và cũng không dẫn tới đâu. Vì thế, họ mất hướng đi và không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta chắc chắn đã và đang có những kinh nghiệm tương tự như hai môn đệ Emmau: trò với nhau (hay “viết nhật kí”!) về “tất cả những sự việc mới xẩy ra”, nhưng với vẻ mặt “buồn rầu”.

Trong lời kể của người môn đệ tên Cơ-lê-ô-pát, có tất cả: cuộc đời của Đức Giê-su; niềm hi vọng; cuộc Thương Khó; và cả lời chứng phục sinh. Nhưng lại thiếu một điều quan trọng nhất, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đấng Phục Sinh. Người sẽ lấp đầy chỗ trống này cho hai môn đệ, trên hành trình “bỏ cuộc” về Emmau. Đó là hành trình đức tin của chúng ta, mỗi ngày và suốt đời.

II.  Ba thay đổi

  1. Thay đổi hướng đi. Toàn bộ câu chuyện được kể lại trong trình thuật Emmau được lồng vào trong một quá trình thay đổi hướng đi : hai môn đệ đi từ Giê-ru-sa-lem đến Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem. Và trình thuật trình bày cho chúng ta những lí do sâu xa làm cho hai môn đệ thay đổi hướng đi.
  2. Thay đổi ý nghĩa cuộc đời. Nhưng, thay đồi hướng đi còn là hình ảnh diễn tả một thay đồi khác, đó là thay đổi ý nghĩa cuộc đời. Thực vậy, ban đầu, hai môn đệ không hiểu ý nghĩa của các biến cố, « mắt họ bị ngăn cản », buồn rầu, kết quả là họ muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó, họ hiểu được ý nghĩa của các biến cố, nhận ra Đức Ki-tô phục sinh và tìm lại được niềm vui, kết quả là họ trở lại để tiếp tục dấn thân. Cuộc đời của họ giờ đây trở nên có ý nghĩa.
  3. Thay đổi ngũ quan. Và thay đổi ý nghĩa cuộc đời còn giả định một thay đổi khác nữa, là thay đổi ngũ quan. Bởi vì, từ nay, hai môn đệ sẽ có thể nhìn, nghe, cảm, nếm và đụng mọi sự một cách mới mẻ ; nghĩa là không còn như các sự vật hay biến cố vô nghĩa, nhưng như các dấu chỉ nói về sự hiện của Đức Ki-tô phục sinh. Nhờ sự thay đổi ngũ quan, mà từ đây, họ có thể nhận ra điều vô hình trong những điều hữu hình, có thể sống thiết thân trong bình an và niềm vui với Đức Ki-tô phục sinh, không còn bằng tương quan thể lí nữa, nhưng với sự hiện diện vô hình của Ngài.

III. Ba kinh nghiệm

Những thay đổi chúng ta vừa nêu đã không thể xẩy ra một cách trực tiếp, nhưng là kết quả của cả một hành trình dài, được tượng trưng bởi con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Emmau. Và trên hành trình này, đã diễn ra ba kinh nghiệm thiêng liêng, nguồn của những thay đổi.

a. Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ « Kinh Thánh »

Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.

Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài.

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng Kinh Thánh là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng: “Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn, là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa” (Tv 77, 11). Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc Vượt Qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giêsu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.

b. . Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ “Bẻ Bánh”

Dấu chỉ “bẻ bánh” là Bí Tích Thánh Thể, nhờ đó hai môn đệ nhận ra Ngài. Một đàng, vì hai môn đệ vừa được Đức Ki-tô giải thích về tương quan giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và Kinh Thánh; thế mà Kinh Thánh mặc khải ơn huệ lương thực là điểm tới của sáng tạo và lịch sử (x. Tv 136). Đàng khác, cử chỉ « bẻ bánh » trong cuộc đời của Đức Ki-tô và nhất là trong Bữa Tiệc Ly gắn liền với ngôi vị của Ngài và đã ăn sâu vào tâm trí các môn đệ. Nhưng với bầu khi của Lc 24, chúng ta cần mở rộng dấu chỉ này ra ngoài đời thường nữa, ra cõi hiện sinh nữa. Dấu chỉ bẻ bánh còn là bữa ăn hằng ngày, nơi đó chúng ta nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ; và ơn huệ lương thực loan báo cho chúng ta ơn huệ Lương Thực đặc biệt là chính Đức Ki-tô.

« Bẻ bánh » còn là dấu chỉ tình thương nhưng không, tình thương hiến dâng, tình thương hi sinh ; vì thế, sự hi sinh trong đời sống gia đình, và sự dâng hiến trong đời tu là một dấu chỉ “bẻ bánh”, qua đó chúng ta làm chứng về sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh, sự hiện diện có tầm mức sáng tạo và lịch sử cứu độ, sự hiện diện làm cho cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa, có hướng đi, sự hiện diện cuốn hút chúng ta, đến độ chúng ta có thể hi sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn ơn gọi của mình, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến.

c.  Kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô qua dấu chỉ « Hiệp Nhất »

Sự hiệp nhất, từ đó phát sinh đời sống cộng đoàn và sứ mạng loan báo Tin Mừng, được dệt nên bởi việc chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh ; và chính Đấng Phục Sinh hiện diện trong mối tương quan hiệp thông giữa các môn đệ của Ngài.

IV. Kinh Thánh và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô

    1. Hai môn đệ

    Hai người trong nhóm các môn đệ, một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát. Hai người này không thuộc nhóm các Tông Đồ, có thể nói là những người đi theo Đức Ki-tô “bình thường” như mỗi người chúng ta. Nhưng Đức Ki-tô Phục Sinh lại ưu ái họ đến như thế, như thể mỗi người trong họ, mỗi người trong chúng ta là “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”. Trong lời kể của người môn đệ tên Cơ-lê-ô-pát, có tất cả:

    • Cuộc đời của Đức Giê-su
    • Niềm hi vọng; cuộc Thương Khó
    • Lời chứng phục sinh.

    Nhưng lại thiếu một điều quan trọng nhất, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đấng Phục Sinh. Người sẽ lấp đầy chỗ trống này cho hai môn đệ, trên hành trình “bỏ cuộc” về Emmau. Đó là hành trình đức tin của chúng ta, mỗi ngày và suốt đời.

    Chúng ta hãy đọc lại hay hồi tâm tháng Linh Thao, dưới ánh sáng của Tv 136 và trình thuật Hai Môn Đệ Emmau :

    • Để nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh lặng lẽ, âm thầm, kiên nhẫn và cả « vô danh » nữa, lắng nghe chúng ta về cuộc đời và những vấn đề của chúng ta, và Người đã giải thích Kinh Thánh (lịch sử cứu độ) và cuộc đời của chúng ta hướng về và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
    • Và Người cũng « bẻ bánh » cho chúng ta mỗi ngày, khi ban cho chúng ta ơn huệ lương thực và ơn huệ BÁNH HẰNG SỐNG.

    Xin cho chúng ta nhận ra Người, khi Người làm cho chúng ta « CON TIM BỪNG CHÁY », ngang qua dấu chỉ KINH THÁNH và dấu chỉ BẺ BÁNH.

    1. Đức Giê-su giải thích : Kinh Thánh và Tấm Bánh

    Đức Ki-tô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo « Ý Muốn của Chúa Cha » và « Ý Muốn của Chúa Cha » được thể hiện trong Kinh Thánh : « Để ứng nghiệm Lời Kinh Thánh… » ; « … theo Kinh Thánh » (1Cor 15, 3-4) ; « Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm » (Lc 24, 44). Nhưng Kinh Thánh là gì ?

Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh ; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho « con tim chúng ta bừng cháy » (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).

Như thế, tầm mức mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ : thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan « sòng phẳng » của Lề Luật (Lề Luật thì « tốt và thánh », nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt !), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì « tốt và thánh », tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc : « nghi ngờ, không tin, nên thử để biết »).

Mầu nhiệm « Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha » có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH.

*  *  *

Phần 2

« Chính anh em là chứng nhân
về những điều này »
(Lc 24, 35-48)

Lời mời gọi cuối cùng Đức Ki-tô phục sinh ngỏ với các tông đồ, và qua các ngài, với tất cả chúng ta, là mời gọi trở thành chứng nhân :

Chính anh em là những chứng nhân
về những điều này.
(c. 48)

Nhưng đâu là cách thức hay con đường để trở thành chứng nhân của Đức Ki-tô ? Cách thức hay con đường trở thành chứng nhân được dệt nên bời hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau : kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh.

Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên ; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay.

  1. Kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân (c. 35)

Kinh nghiệm đầu tiên là kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân. Điều này có nghĩa là, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên, vì kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường
và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ?

Đức tin và ơn gọi của chúng ta cũng dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Theo trình thuật Tin Mừng, kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô phục sinh được diễn ra theo hai cách thức :

  • Cách thứ nhất : Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp.
  • Cách thứ hai : Ngài mở trí để hiểu toàn bộ Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, tương tự Ngài đã thực hiện đối với hai môn đệ Emmau.
  1. Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra (c. 36-43)

Ngay cả khi Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp, các tông đồ và các bạn vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra Ngài là ai ; điều này chứng tỏ, Ngài vẫn là Ngài trước đó, nhưng đã đi vào một cách thể hiện hữu khác hẳn, vượt qua bình diện thể lí[1] :

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo:
« Bình an cho anh em! » Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma !

Chúng ta hãy đồng cảm với các ông trong sự sợ hãi. Bởi vì, các ông thực sự có đủ lí do để sợ hãi : chúng ta hãy tưởng tượng, một người thân yêu đã chết, đã được chôn táng, và mọi sự đã diễn ra được mấy ngày rồi ; vậy mà giờ đây lại thấy xuất hiện ngay trước mặt chúng ta ! Chính vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Ki-tô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không « thấy » Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao : « Phúc cho những ai không thấy mà tin » (Ga 20, 29)[2].

Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ. Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Ki-tô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ « bẻ bánh », trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.

Sau khi phục sinh, Đức Ki-tô đi vào trong sự sống mới, vượt không gian và thời gian. Chính vì thế, người ta không bao giờ nhận ra Chúa ngay ; đó là trường hợp của bà Maria Magdala, hai môn đệ Emmau, mười một tông đồ và các bạn hữu. Chỉ khi nào Chúa cho nhận ra, thì mới nhận ra, như ở đây :

  • Nhìn chân tay thầy coi…”. Ngôi vị lạ lùng mà họ đang gặp gỡ cũng chính là ngôi vị đã từng sống với họ, và nhất là cũng chính là ngôi vị đã bị đóng đinh.
  • Chúa muốn « ăn », để gợi lại những bữa ăn xưa kia ; như trường hợp bữa ăn đối với hai môn đệ Emmau.

Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh. Chân lí này có ý nghĩa trọng đại cho đức tin của chúng ta:

  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa là một, những cũng rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài: đó là những vết thương, những dấu đinh ở chân tay, vết đâm ở cạnh sườn… Điều này mang lại cho chúng ta tràn đầy niềm vui và hi vọng, vì lòng thương xót, ơn tha thứ và ơn chữa lành được bày tỏ trong cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa, mãi mãi tồn tại nơi Đức Ki-tô phục sinh. Bởi vì “muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui phục sinh, và sự sống phục sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay. Như thánh Phaolo nói:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
(Rm 8, 38-39) 

  1. Kinh nghiệm nhận biết Đức Ki-tô ngang qua Kinh Thánh (c. 44-48)

Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giê-su và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp : như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”

Bởi vì, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách (Sách Thánh); nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua của Đức Ki-tô.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chính vì thế, không nên hữu hình hóa, bằng tranh ảnh hay phim ảnh, Đức Ki-tô phục sinh. Vì nhận ra Đấng Phục Sinh luôn luôn là một kinh nghiệm thiêng liêng, và do đó, chỉ có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ của các Tin Mừng và bằng việc chia sẻ thiêng liêng mà thôi. Khi hữu hình hóa Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có nguy cơ làm sai lạc sự hiện diện « phi thể li », sống động và mới mẻ của Ngài.

[2] Ma quỉ hiện ra nhiều lần nói với một vị ẩn tu : « Ta là Đức Ki-tô đây ». Nhưng lần nào, vị ẩn tu cũng cúi mặt xuống không thèm nhìn. Một ngày kia, ma quỉ sốt ruột hỏi : « Đức Ki-tô đây, tại sao thầy không thèm nhìn ? ». Vị ẩn tu trả lời : « Tôi không cần phải ‘thấy’ Đức Ki-tô để sống đức tin và đời tu của mình ! » (tuyển tập « Chuyện các vị ẩn tu »).