Hướng Sống

LỜI ĐẦU

Tập Hướng Sống này đề nghị một lối sống Thánh Thể cho những anh chị em giáo dân đã liên kết với các Hội Dòng do Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma (Pierre-Julien Eymard) sáng lập : Dòng Thánh Thể và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Đề nghị ở đây nằm trong truyền thống lâu đời của hai gia đình Tu Sĩ chúng tôi. Từ thời cha Ê-ma, hai gia đình chúng tôi đã cho ra đời một ‘Hiệp hội công của các tín hữu’ gọi là Hội Thánh thể, nhằm chia sẻ sứ vụ Thánh Thể với anh chị em giáo dân.
Bản văn này cho thấy một lối nhìn đổi mới về đời sống hiệp hội của những người giáo dân Thánh Thể, dựa theo kinh nghiệm từ những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Luật Sống của hai Hội Dòng Ê-ma lần lượt được phê chuẩn.
Giờ đây, xin gửi bản văn này tới tất cả những anh chị em đã được Thánh Thần lôi cuốn và đang nhận thức mình là thành viên của gia đình thiêng liêng duy nhất được truyền cảm hứng từ Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma.

Lễ Truyền tin 25.3.2010

 

Lm. Fiorenzo Salvi, sss                                       Nt. Catherine Marie Caron, sss
Bề Trên Tổng Quyền                                                  Bề Trên Tổng Quyền

 

I. CĂN TÍNH VÀ TÔN CHỈ

1. Tên gọi

Được tinh thần
của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma thúc đẩy,
chúng ta họp nhau lại thành Hội Thánh Thể,
một Hiệp Hội tín hữu
thuộc riêng Dòng Thánh Thể
và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể.
Hiệp Hội này đã được Hội Thánh công nhận.

Như thế,
theo đường lối Tin Mừng Cha Ê-ma đã vạch ra,
chúng ta thực hiện ơn gọi Ki-tô hữu,
và lời kêu mời nên thánh
mà mỗi người đã lãnh nhận.

2.  Lý tưởng

Lý tưởng của chúng ta
là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể
và giãi bầy ý nghĩa của mầu nhiệm ấy,
ngõ hầu nước Đức Ki-tô trị đến
và vinh quang Thiên Chúa
rạng tỏ trên trần gian.
Để đáp lại ơn gọi
đã nhận lãnh nơi Bí Tích Thánh Tẩy,
chúng ta làm chứng cho Đức Ki-tô
giữa lòng xã hội loài người,
và khởi đi từ Thánh Thể
là nguồn mạch và chóp đỉnh
toàn thể công cuộc Phúc Âm hóa,
chúng ta đưa tinh thần Phúc Âm
vào mọi thực tại con người.

3.  Đấng Sáng Lập

Chúng ta lấy cảm hứng
từ các giáo huấn và gương mẫu
của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma,
vị tông đồ lỗi lạc của Thánh Thể.
Ngài đã đáp ứng các nhu cầu của thời đại ngài
bằng cách loan báo tình thương
mà Thiên Chúa đặc biệt tỏ bầy nơi món quà
Đức Ki-tô ban tặng trong Thánh Thể,
và ngài khuyến khích các tín hữu sống giữa đời
gia nhập Hội Thánh Thể,
chia sẻ đặc sủng và sứ vụ
của các Dòng ngài đã lập
Xác tín rằng không thể sống Thánh Thể đầy đủ
nếu không tận hiến cuộc đời
cho Thiên Chúa và cho con người,
ngài để lại cho chúng ta
một mẫu gương chiêm niệm
và hoạt động tông đồ.

4   Tinh thần
Được mời gọi sống linh đạo Ki-tô
thực sự đậm nét Thánh Thể,
chúng ta lấy sức sống từ tinh thần yêu thương
đã khiến Đức Ki-tô
hiến ban mạng sống mình cho trần gian
và còn tiếp tục trao ban mãi nơi Thánh Thể.
Liên kết với món quà Người ban tặng
là chính bản thân Người,
chúng ta dấn thân phục vụ Nước Thiên Chúa,
thực hiện lời Thánh Tông Đồ :
« Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
  mà là Đức Ki-tô sống trong tôi »[1].

5   Đời sống hội viên
Lối sống Thánh Thể trong đời Ki-tô hữu
là một lối sống
mang tính Giáo Hội và cộng đoàn.

Theo gương cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi [2],
chúng ta sống kinh nghiệm tình huynh đệ,
nuôi dưỡng nó bằng Lời
và bằng việc « Bẻ Bánh »,
bằng cầu nguyện
và lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ.
« Một lòng một ý »với nhau,
chúng ta làm chứng
cho sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.

Chúng ta coi những yêu cầu
do cuộc sống Hiệp Hội đặt ra
như những yêu cầu của chính chúng ta,
nên sẽ tham gia
các buổi gặp gỡ huấn luyện và cầu nguyện.

6   Thánh Thể là trung tâm cuộc sống 
II. CUỘC SỐNG ĐƯỢC THÁNH THỂ ĐỊNH HÌNH

Thánh Thể định hình lối sống cá nhân,
gia đình và xã hội của chúng ta.
Chúng ta cố tìm hiểu từng sự việc
theo ánh sáng của bí tích này
và góp phần đem tinh thần Ki-tô
vào các sự việc trần thế.

Qua chương trình huấn luyện,
chúng ta cố gắng trau dồi
để ngày càng hiểu biết sâu xa hơn
về những đòi hỏi của cuộc sống Thánh Thể,
ngõ hầu đức tin của chúng ta
ngày một trưởng thành và chín chắn hơn,
và sự hiện diện của chúng ta
trở thành một sự hiện diện có phẩm chất
trong lịch sử và trong Giáo Hội.

7   Cử hành Thánh Thể
Cử hành Lễ Tưởng Niệm Chúa
là trung tâm cuộc sống
cá nhân, gia đình và cộng đoàn
của các hội viên.
Đây là khởi điểm
dẫn chúng ta đến hiểu biết về Thánh Thể
và là nguồn cảm hứng
giúp chúng ta cầu nguyện và dấn thân.

Chúng ta chủ động và hân hoan
tham dự bữa tiệc của Đức Ki-tô Phục Sinh
ngày Chúa Nhật, các lễ trọng,
và khi có thể
thì cả những ngày trong tuần nữa.
Chúng ta nuôi dưỡng đức tin của mình
nơi bàn tiệc Lời Chúa,
đặc biệt là qua những Bài Đọc
mà phụng vụ ngày ngày cung cấp
cho chúng ta.
Được mời gọi làm chứng
về một lối sống Thánh Thể,
nên, bằng trọn cuộc sống,
chúng ta trở thành
những người « thờ phượng
trong Thần Khí và sự thật
    mà Chúa Cha kiếm tìm »[3].

8   Cầu nguyện bằng chiêm niệm và tôn thờ
Khi cầu nguyện bằng chiêm ngưỡng và tôn thờ
Đức Ki-tô hiện diện nơi Thánh Thể
đặt long trọng trên bàn thờ
hoặc vẫn cất giữ trong nhà tạm,
chúng ta kéo dài ân huệ
của mầu nhiệm đã cử hành,
gia tăng mối kết hiệp với Đức Ki-tô,
để cùng với Người và như Người,
chúng ta trở nên
tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới.
Bao nhiêu có thể, chúng ta cam kết
đích thân đến chầu Thánh Thể
hằng tháng, hằng tuần hay mỗi ngày.
Việc cầu nguyện này
là một phần trong sứ vụ của chúng ta
và chiếm vị trí quan trọng
trong cuộc sống chúng ta.

Theo phương pháp
mà Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đề nghị,
việc cầu nguyện này
lấy cảm hứng từ cử hành Thánh Thể.

9   Phụng Vụ Các Giờ Kinh
Phụng Vụ Các Giờ Kinh
trải dài các hiệu năng
của mầu nhiệm Thánh Thể
ra nhiều giờ khác nhau trong ngày,
và đồng thời,
chuẩn bị việc cử hành mầu nhiệm ấy.
Phụng Vụ Các Giờ Kinh
là tiếng nói Giáo Hội cất lên ca ngợi Chúa
và, cùng với Chúa, dâng lên Chúa Cha
việc phụng tự thiêng liêng của toàn nhiệm thể.

Bao nhiêu có thể,
cùng với cộng đoàn hay đọc riêng,
chúng ta tham gia
vào kinh nguyện này của Hội Thánh,
trong đó, quan trọng đặc biệt
là giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều.

10   Năm Phụng Vụ
Được mời gọi biến đổi trong Đức Ki-tô,
chúng ta ra sức sống Năm Phụng Vụ.
Năm Phụng Vụ tạo khung cảnh
cho hành trình đức tin
và cung cấp định hướng Ki-tô giáo
cho chúng ta
mỗi khi phải đứng trước những chọn lựa.

Như thế, hành vi cứu độ của Đức Ki-tô
nơi các mầu nhiệm của Người
định hình cuộc sống
và việc dấn thân của chúng ta.

Chúng ta hân hoan cử hành
những ngày lễ đặc biệt của Hội :
lễ trọng kính
–  Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô,
–  Đức Mẹ Thánh Thể, ngày 13 tháng 5,
–  Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma,
ngày 02 tháng 8
hay ngày 05 tháng 02,
tức ngày rửa tội của ngài.

11   Với Đức Ma-ri-a
Đức Trinh Nữ Ma-ri-a,
Mẹ Đức Giê-su và Mẹ Giáo Hội,
là mẫu sống Thánh Thể bất khả thế.
Mẹ đã chia sẻ cuộc sống của các môn đệ
lúc họ cầu nguyện tại Phòng Tiệc Thánh
và khi họ rong ruổi các nẻo đường trần gian.

Như Mẹ,
chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn,
hầu ngoan ngoãn
sống theo tác động của Người,
góp phần hữu hiệu cho Nước Chúa trị đến.

Ngoài những tước hiệu khác,
chúng ta còn tôn kính và kêu cầu Mẹ
dưới tước hiệu « Đức Mẹ Thánh Thể ».

III. SỨ MẠNG VÀ PHỤC VỤ


12   Tham gia sứ mạng của Hội Thánh 

Đón nhận mệnh lệnh
Đức Ki-tô đã truyền ban cho các tông đồ,
chúng ta làm chứng và loan báo Tin Mừng
bằng chính cách sống của chúng ta.
Chúng ta mời gọi mọi người
hiệp thông với Thiên Chúa,
mối hiệp thông được cử hành
trong Thánh Thể.
Chúng ta hợp tác
với những người nam nữ thành tâm thiện chí,
xây dựng một thế giới công bình và liên đới.

Chúng ta sẵn sàng đảm nhận
những tác vụ dành cho giáo dân
trong phụng vụ,
trong công cuộc truyền bá đức tin
và trong các cơ cấu mục vụ của Hội Thánh.

13   Đem sinh khí Ki-tô vào các thực tại trần thế

Được dưỡng nuôi bởi Thánh Thể
là sức mạnh giải thoát
và là một đòi hỏi hiệp thông,
chúng ta xúc tiến những chọn lựa có ý nghĩa
trong lãnh vực xã hội và chính trị,
trong thế giới lao động và kinh tế,
trong việc bảo vệ gia đình và sự sống,
trong văn hóa và học đường,
trong các ngành khoa học và nghệ thuật,
trong các hoạt động truyền thông xã hội,
trong việc tìm kiếm công lý và hòa bình,
trong việc bảo vệ vũ trụ.

14   Loan báo Đức Ki-tô và dạy giáo lý Thánh Thể
Như các môn đệ Em-mau
đã gặp Đấng Phục Sinh
và nhận ra Người lúc bẻ Bánh,
chúng ta đồng hành
với tất cả những người nam nữ
đang tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mình,
và chúng ta loan báo Đức Ki-tô
là Lời đem lại sự sống vĩnh cửu.
Để đạt mục đích đó,
chúng ta chăm lo
cho chính mình được đào luyện
và sẵn sàng dạy giáo lý trong giáo xứ,
đặc biệt là cho những trẻ em hay người lớn
đang chuẩn bị rước lễ lần đầu.

Chúng ta hợp tác
với những sáng kiến khác nhau
nhằm loan báo Đức Ki-tô
và đào luyện một nền linh đạo Ki-tô
thực sự đậm nét Thánh Thể.

 15   Phụng vụ
Là hội viên Hội Thánh Thể,
chúng ta đặc biệt yêu mến phụng vụ,
luôn sẵn sàng chuẩn bị và linh hoạt
các buổi cử hành phụng vụ,
nhất là trong các Thánh Lễ Chúa Nhật
tại giáo xứ chúng ta.

Những ai có khả năng thích hợp
sẽ vui vẻ và sẵn sàng đảm lãnh
tác vụ Đọc Sách, Giúp Lễ, Dẫn Lễ,
Thừa Tác Viên cho bệnh nhân rước lễ…
Chúng ta góp phần đào tạo về Thánh Thể
cho những ai đang thi hành
hay chuẩn bị đảm lãnh các tác vụ ấy.

Chúng ta hợp tác lo mọi sự cần thiết
cho việc cử hành các mầu nhiệm của Chúa
được diễn ra xứng đáng :
nơi cử hành, hoa, phòng thánh.

16   Phụng tự Thánh Thể
Chúng ta hợp tác
với những sáng kiến khác nhau
liên quan đến phụng tự Thánh Thể
dưới mọi hình thức :
đặt Mình Thánh Chúa trọng thể,
những ngày Thánh thể,
Bốn Mươi Giờ Chầu liên tiếp,
lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô,
các Đại Hội Thánh Thể.

Chúng ta cổ động việc chầu Thánh Thể
bằng cách kêu mời các tín hữu
và chính chúng ta sẵn sàng
tham gia vào chương trình đã lập.

Chúng ta tham dự và cộng tác
vào việc linh hoạt các buổi chầu cộng đoàn
do giáo xứ tổ chức.

17   Phục vụ bác ái và dấn thân xã hội
Nơi Thánh Thể, Đức Ki-tô đã tự trao hiến
trọn vẹn bản thân mình cho chúng ta.
Chúng ta nhận được tự nơi Người
cảm hứng và sức mạnh để phục vụ bác ái
và dấn thân biến đổi xã hội.

Chúng ta chia sẻ sứ mạng của Đức Ki-tô,
Đấng đã được sai đến loan Tin Mừng Cứu Độ
cho những người rốt hết
và những kẻ bị loại trừ,
cho những ai bị đè nén
bởi khó nghèo và thấp cổ bé miệng,
bởi bệnh tật và thử thách,
và cho những người
đang chịu bách hại vì công lý.

Chúng ta chủ động tham gia
vào những sáng kiến
của Giáo Hội địa phương
nhằm cổ vũ tình liên đới,
cổ vũ nhân phẩm và sự phát triển toàn diện
cho con người và cho các dân tộc.

Trong sứ mạng này,
chúng ta tìm những soi dẫn
nơi học thuyết xã hội của Hội Thánh.

IV.THÂU NHẬN VÀ THƯỜNG HUẤN

18   Điều kiện thâu nhận
Tất cả những tín hữu sống đời Ki-tô nhất quán và ít nhất đã mười tám (18) tuổi tròn, đều có thể gia nhập Hội Thánh Thể.
Muốn thuộc về Hội, cần phải có một chọn lựa tự do dưới tác động thúc đẩy của Thánh Thần, và chọn lựa này phải ngày càng thêm chín chắn cũng nhờ tác động của Người.
Để được như thế, sau khi bầy tỏ với vị Hướng Dẫn địa phương nguyện ước của bản thân muốn gia nhập Hội Thánh Thể, ứng viên phải theo một chương trình dự bị và thẩm định thích đáng (ít nhất sáu tháng / một năm) trước khi tuyên hứa.

19   Chương trình dự bị
Chương trình dự bị đặt dưới sự dìu dắt của vị Hướng Dẫn, gồm : cầu nguyện, đào sâu đời sống đức tin, thấm nhuần ơn gọi riêng của người giáo dân trong Giáo Hội, trau dồi giáo lý về Thánh Thể, hiểu biết cuộc đời và đặc sủng của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, học hỏi Hướng Sống của Hội, tham gia cuộc sống và các sinh hoạt của Hiệp Hội.

20   Thâu nhận
Sau khi hoàn tất thời kỳ dự bị và thẩm định, ứng viên tuyên hứa : cam kết sống như một người đã được thánh hiến ngày rửa tội, bước đi trong đường lối Tin Mừng do Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma đã vạch ra, theo sát Hướng Sống của Hội Thánh Thể.
Sẽ ghi danh người được chấp nhận vào Sổ Hội Viên. Nếu hoàn cảnh cho phép, việc thâu nhận sẽ được ghi dấu bằng một cử hành đón nhận công khai, trong đó có trao phù hiệu riêng của Hội và đọc Lời Tuyên Hứa gia nhập.
Khi có lý do chính đáng và khi lý do đó còn hiệu lực, có thể chấm dứt những cam kết đã đưa ra. Việc chấm dứt này, hoặc do cá nhân đương sự tự chọn một cách chín chắn và nghiêm túc, rồi bầy tỏ cho vị Hướng Dẫn biết, hoặc do vị Hướng Dẫn quyết định sau khi đã trình bầy các lý do và đã lắng nghe đương sự.

21   Thường huấn
Các hội viên ý thức rằng : càng sống tinh thần Ki-tô đích thực theo linh đạo và sứ vụ của chính Hội Dòng, họ càng được thông phần hữu hiệu và sâu xa vào đặc sủng của Đấng Sáng Lập.
Nhằm mục đích ấy, hội viên sẽ tham gia các sáng kiến huấn luyện và tham dự các buổi gặp gỡ ở cấp địa phương hay toàn dòng do các tu sĩ Dòng Thánh thể hay Nữ Tỳ Thánh Thể tổ chức cho họ.
Mỗi hội viên sẽ lo bảo đảm việc đào luyện cho riêng mình bằng nghiên cứu học hỏi và suy tư, đào sâu Kinh Thánh, đào sâu giáo huấn của Giáo Hội và linh đạo của Đấng Sáng Lập.

[1]   Gl 2,20.
[2]  x. Cv 2,42-47 ; 4,32-37.
[3]x. Ga 4,23