ĐỐM SÁNG

Trong dịp đoàn thiện nguyện Pháp đến khám và đo thính lực cho các cháu tại cộng đoàn Nhà Chính, các cộng đoàn cao nguyên cũng dắt díu nhau về để được phái đoàn thiện nguyện hỗ trợ. Vượt xa đoạn đường gần 1000km mà cả dì phụ trách (xin gọi là Em) và cháu vẫn tươi như hoa mùa xuân. Trên xe khách, bảy dì cháu mà chỉ mua hai chỗ rộng (vì tiết kiệm tiền). Chủ xe buộc Em phải trả thêm tiền. Em cũng chịu. Nhưng khi đến trạm dừng, có lẽ chủ xe nhìn thấy cảnh Em khó khăn thế nào khi nói chuyện với các cháu, nên họ bớt 1/3 tiền xe… Thậm chí có bà hành khách ái ngại nói nhỏ: Trời! sinh gì … mà sinh nhiều thế!!! Nghe thấy, Em chỉ cười xòa.

Các cháu là người sắc tộc Bana, gia cảnh đơn nghèo, đông con ( trong một gia đình có đến 4 cháu bị câm điếc và 1 cháu bị bệnh phong), nhưng các cháu chẳng thấy gì là buồn phiền. Hình như cuộc sống đã dạy các cháu biết chấp nhận trong vui tươi và đơn sơ. Vì các cháu là những trẻ nội trú trong cộng đoàn Nữ tỳ Thánh Thể Gialai và Em là người có trách nhiệm, nên dẫn các cháu về. Nguyên tắc của đoàn thiện nguyện, trong khi khám để đo thính lực, cần có mặt của cha mẹ trẻ đồng ý. Đến lượt các cháu, tôi hỏi nhỏ: Vậy em bằng lòng là mẹ của sáu cháu chứ? Em cười đắc chí và gật đầu như là điều đương nhiên. Tôi thầm cảm phục!

Trẻ con mà! Đi đến đâu ồn ào đến đó. Thích đi đâu thì đi. Tối đến, xơ nhà khách với nụ cười héo, chỉ cho tôi những dấu dép đầy đất đỏ, in hằn trên những viên gạch trắng muốt của hành lang nhà khách “Chị xem, công em lau dọn từ sáng đến giờ ra công cốc rồi!”. Tôi an ủi “Thôi, em ạ! Thông cảm cho nhà đông con vùng rừng núi. Chị cùng em dọn lại nhé!”. Thế rồi cả hai cùng cười xòa và lau dọn. Đám trẻ gồm sáu cháu, từ ba đến mười hai tuổi, thức dậy sớm đi lễ khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và thích thú. Có lẽ trẻ miền quê ngủ sớm, dậy sớm; với lại chắc dfi cháu bảo nhau đi lễ cầu nguyện để khám bệnh được suôn sẻ hoặc nếu Em đi lễ, trong khi các cháu ở nhà, sợ có gì bất trắc xảy ra? …. Bao nhiêu lý do nảy sinh trong đầu tôi, nhưng dù thế nào, cũng đáng khâm phục!

Chưa đâu, sau khi khám bệnh và đo máy trợ thính cho các cháu; tôi thấy cả dì và cháu biến mất, dù hôm sau mới lên đường trở về quê quán. Mải làm việc, tôi cũng không kịp hỏi thăm. Mãi đến gần 19g, thấy một đoàn quân lớn trước bé sau, xếp hàng lên chào Dì Bề Trên để ra bến xe, tôi giật mình vội hỏi: Từ sáng giờ, không thấy mấy dì cháu đâu, tưởng về rồi ? Em đáp tỉnh queo: Dạ, vì có bao giờ các cháu được về thành phố, nên em dẫn các cháu đi Khu Du Lịch Suối Tiên đó mà”. Chúa ơi, tôi nghe mà đứng tim! Dắt sáu cháu không nghe được, không nói được đi du lịch, không sợ chúng cảm mưa nắng, mệt mỏi hoặc bị lạc… và còn tiền vé cổng nữa chứ! (vì đó là khu du lịch cao cấp). Nhưng Em vẫn cười xòa. Chưa hết đâu. Trên đường về, Em còn cho các cháu vào siêu thị Big C. Dắt đi một vòng và bắt đầu bài học giáo dục “mua bán trong siêu thị”. Lần đầu thấy choáng ngợp trước lớp lớp hàng hóa xếp trên kệ, cùng với muôn vàn màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, các cháu mở to mắt, há hốc miệng… như muốn nuốt lấy bài học thực tế đang trải dài trong cuộc sống thường nhật của con người.

Những điều xảy ra rất bình thường, rất đơn giản, phải không ạ? Nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi thầm nghĩ: Sao Em lại làm được những điều bình thường một cách phi thường như vậy? Như Thánh nữ Tiến sĩ Têrêxa Nhỏ, ngài chỉ làm những chuyện vụn vặt hàng ngày, nhưng với trái tim yêu thương mở rộng, ngài đã chinh phục tâm hồn biết bao người về một con đường thơ ấu thiêng liêng. Nghĩ đến vị thánh, nghĩ về chị em của tôi, những con người ngày đêm quên mình phục vụ chỉ vì được “ Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách”, tôi thầm tạ ơn Chúa đã ban những Đốm Sáng ấy cho chúng tôi. Cảm ơn đời đã gửi các cháu đến với chúng tôi, để chị em chúng tôi có cơ hội phản chiếu ánh sáng Thánh Thể cho thế giới hôm nay. Đó có phải là một Thông Điệp Cuộc Sống mà Thiên Chúa muốn gửi cho tôi, cho bạn trong lúc này?

                                                                                                Agnes, SSS