DẤU LẠ GIÔNA VÀ DẤU LẠ CORONA.

          Sân ga : vắng lặng
          Phi trường : lặng vắng
          Bến xe : im ắng
          Quán ăn : ắng im
          Trường học : không bóng người
          Nhà bank : thưa khách
          Phải chăng Corona là dấu lạ mà Chúa muốn ngỏ với con người trong thời đương đại chăng ?
          Sân chơi giải trí, hội nghị, họp mặt … cũng e dè và ngay cả chuyện đạo đức thường niên như hành hương, thăm viếng … cũng dừng lại bởi cơn đại dịch.
          Và, điểm đến cũng như điểm về của mỗi người chỉ còn là gia đình !
          Ô hay ! Sao mà lạ thế ! Nếu như trước đây thì cứ tối tối mạnh ai nấy ra đường và chọn cho mình một điểm đến để vui chơi, giải trí, quán nhậu, vỉa hè để ăn uống chút gì đó thì nay đã không còn. Đơn giản là chả ai bảo ai, người ta tự bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như cho người và bắt đầu dè dặt chuyện tiếp xúc.
          Trên đường vào nhà ga của phi trường lớn nhất của đất nước sáng nay sao mà thưa thớt quá ! Tưởng chừng như thế cũng đã đủ cho sự vắng lặng của nơi mà xem ra đông đúc kinh khủng nhất là dịp Tết Nguyên Đán vừa qua thì đến trưa thưa thớt chỉ vài bóng người ngồi nơi hàng ghế đợi ra máy bay. Cách đây vài tiếng bầu khí ảm đạm tưởng bao trùm sân bay nhưng đến chiều còn thê thảm hơn.
          Đáp máy bay về với làng quê toát lên một bầu khí ảm đạm. Nếu như gọi là Tết vắng khách thưa người thì nay còn tệ hơn cả Tết nữa. Dường như chả ai muốn ra đường trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Điều lạ mà ta thấy đó là có khi có trận bóng nào thu hút khán giả hay chỉ 3 ngày Tết thì Sài Thành vắng lặng nhưng nay lắng đến lạ thường.
          Nếu như trước đây, vợ nài nỉ chồng ở nhà đừng đi ăn đi uống ở ngoài nữa đố mà ép được. Nếu như trước đây các bà các cô ham vui đi làm đẹp hay trang điểm hay đi đâu đó dạo phố chụp hình đố ai ngăn cản được. Nếu như bọn trẻ cứ dúi đầu vào các điểm game thâu đêm suốt sáng thì nay cũng khiếp sợ. Cuối cùng mái ấm vẫn là nơi quy tụ cả gia đình lại với nhau.
          Chắc có lẽ ngày hôm nay mọi người tự hỏi ai mà có quyền lực điều khiển cũng như quy tụ gia đình gần hơn với nhau như thế ? Xin thưa đó là con Corona. Con Corona đến đã làm thức tỉnh bao tâm hồn, bao con người và bao lối sống.
          Dĩ nhiên chả ai mong và chờ Corona đến nhưng có khi có sự hiện diện của nó lại làm cho gia đình gần gũi với nhau hơn trong bữa cơm đạm bạc của gia đình, thân thương với nhau trong giờ kinh chung với nhau mỗi tối và chia sẻ nỗi lo của đồng loại hơn trước đây.
          Trước một sự dữ nào đó, ta cũng cần lắng đọng để đọc ra dấu chỉ của cuộc đời. Cần gì phải đi tìm dấu lại như dấu lạ của ngôn sứ Giôna ngày xưa nữa. Dấu lạ Corona sờ sờ trước mắt và phải tìm đủ mọi phương thế để chống trả chứ còn đòi Thiên Chúa dấu lạ nào nữa.
          Trước dấu lạ Corona, có thể mỗi người mỗi suy nghĩ, mỗi hành động và rồi chắc chắn mỗi người sẽ tìm ra câu hỏi cũng như lời đáp cho đời mình.
          Cứ tưởng rằng cuộc đời sẽ mãi mãi an lành hay có thể điều khiển được cũng như làm chủ tất cả để rồi bé cái nhầm và phát hiện ra rằng mình chả là cái gì trong vũ trụ bao la này. Mãi mãi Thiên Chúa vẫn là Chúa, vẫn là Chủ của không gian, thời gian và mạng sống của con người.
          Đừng tưởng và đừng tưởng mình là chúa của muôn loài, của vũ trụ nữa nhé ! Chỉ mình Chúa mới là chủ thôi mà ! Loay hoay chi trong cái thân phận chật hẹp và con người hạn chế vậy ?
LẠI TRỞ VỀ VỚI CÕI LẶNG, TRỞ VỀ VỚI CỘI NGUỒN CỦA CON NGƯỜI
          Mỗi người, dù bất cứ theo tín ngưỡng hay tôn giáo nào, họ đều trở về với Cội Nguồn hay về với Đấng mà họ tôn thờ. Và hết sức đặc biệt khi họ gặp hữu sự trong cuộc đời thì lời van nài càng khẩn thiết hơn.
          Khi con người bất an thì chỉ còn một con đường và một cách duy nhất là trở về với Cội Nguồn, với Thượng Đế, với Thiên Chúa của mình. Đơn giản là qua lời cầu nguyện lòng người sẽ cảm nhận được an yên hơn, được nhẹ lòng hơn trước những sự dữ của con người, của cuộc đời gây nên.
          Ngày hôm nay, cả thế giới chứ không phải chỉ riêng ai dường như đang, đã và sẽ học chữ “ngờ” với con virus Corona đang hoành hành đến mức sợ hãi kinh hoàng chứ không còn dừng lại ở mức đáng sợ nữa. Con virus ấy chả ai có thể nhìn được bằng mắt thường hay bằng những phương tiện xét nghiệm y khoa thông thường nhưng rồi sức công phá của nó dường như cả thế giới đều biết.
          Dĩ nhiên con người cũng đang nổ lực tìm tòi, khám phá ra chất để diệt khuẩn con vi trùng ấy nhưng phần lớn vẫn nghiêng về chuyện tâm linh đó chính là cầu nguyện. Cả những người vô thần, vô tín ngưỡng ngày nay cũng tìm về cõi lặng, tìm về với Cội Nguồn của đời mình để nài xin Thượng Đế hay Thiên Chúa mau mau cất khỏi đại dịch lan tràn.
          Có lẽ, dưới con mắt người đời thì ôn dịch do sự ác của người này nước nọ. Và thật sự đúng chứ chả sai. Đơn giản là không lạ gì con vi trùng quái ác này lại xuất hiện từ một nơi gọi là rất ác. Có thể cho là vô tình hay hữu ý đi chăng nữa thì mọi người có đặt câu hỏi tại sao con Corona này lại ở chỗ đó chứ không phải là nơi nào khác.
          Chuyện xảy đến thì nhà y khoa đang tìm cách để chữa trị, con người thì hiệp ý nguyện cầu với Ơn Trên. Thế nhưng rồi, bên dưới tất cả những sự kiện quanh ta đó có khi ta đọc được dấu chỉ con người ngày hôm nay nguội lạnh hay xa lạ với Thượng Đế, với Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Đơn giản là họ chạy theo tiền tài, danh vọng và quyền lực để họ chà đạp nhau bất cứ khi nào có thể.
          Khi con người quay lưng với Thiên Chúa hay Thượng Đế thì họ phải trả một cái giá thật cao, có khi là sinh mạng như hiện trạng của cuộc đời. Đứng trước vấn nạn ấy, con người lại quay về với Thiên Chúa, với Nguồn Cội của mình. Chỉ những ai không tin hay loại trừ Thiên Chúa thì họ dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại thôi.
          Và rồi trong chuỗi ngày chìm ngập trong sự dữ, sự ác của con vi khuẩn quái ác, mỗi người trong chúng ta lại có cơ hội, lại có dịp để trở về với cõi sâu lắng của lòng mình, của tiếng nói lòng mình để nghe được, để cảm nhận được rằng chỉ mình Thiên Chúa mới mãi mãi trường tồn.
          Hiện giờ thì đang cầu nguyện cho đại dịch chóng qua nhưng lời cầu nguyện đó chắc có lẽ còn liên lỉ bởi đơn giản rằng đàng sau đại dịch lại là chuỗi biến động về kinh tế. Rồi đây, lợi dụng những bất trắc, những khó khăn của đời sống con người, con người ta sẽ không thương tiếc làm những điều quái ác để tích lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích của mình.
          Và rồi, cầu nguyện mãi mãi là chuyện quan trọng và khẩn thiết trong cuộc sống của con người. Như con người cần ăn cần uống như thế nào để nuôi cơ thể thì cầu nguyện chính là lương thực để nuôi linh hồn. Và như vậy, cần phải cần nguyện và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ cho chính bản thân mình cũng như cầu nguyện cho người khác bớt ác để thế giới, để con người được bình an.
         Huệ Minh