CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 17,11-19

       Đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các sách Tân Ước và Tin Mừng, chúng ta không những được biết về Thiên Chúa, về lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn học được rất nhiều bài học nhân bản. Nhiều lần chúng ta nghe Chúa Giêsu dạy yêu thương người già cả, yếu đau, bệnh tật, yêu trẻ em, phải khiêm nhường, không giành chỗ nhất trong buổi tiệc, không quá vụ hình thức… Đặc biệt hôm nay trong Tin Mừng Luca 17, 11-19, Chúa Giêsu dạy chúng ta lòng biết ơn, tâm tình tạ ơn.

     Một người bạn kể lại, anh ta vào trạm xăng đổ xăng. Sau khi trả tiền anh ta nói cảm ơn. Người nhân viên ngạc nhiên hỏi:” Anh là việt kiều hả ?”

     Một người bạn khác kể anh ta là nhân viên nhận hàng của công ty. Sau khi nhận hàng và ký hóa đơn, anh ta cảm ơn và chúc khách hàng về bằng an. Nhiều người lấy làm lạ hỏi lại:” Anh là người Công giáo hả? Tại sao phải cảm ơn tôi, khi tôi bán hàng cho công ty anh, công ty anh trả tiền cho công ty tôi; chuyện bình thường sòng phẳng?

      Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ ở Việt Nam hiện nay, hình như không có thói quen biết xin lỗi và cảm ơn.

Tại các nước tiên tiến, bài học đầu tiên người ta dạy cho học sinh là tập nói ‘xin lỗi’ và ‘cảm ơn’.

      Thánh Luca (Lc 17,11-19) thuật lại câu chuyện về 10 người phung cùi được chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại để bày tỏ lòng biết ơn. Còn 9 người kia đi luôn. Tất cả 10 người đều có niềm tin : Họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng:” Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”(Lc 17,12-13).I Nhưng chỉ có người Samari là có lòng biết ơn.

      Chính lòng biết ơn đã làm lòng tin của anh vững mạnh hơn:” Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19).Cũng chính lòng tin giúp anh ta khiêm nhường hơn:” Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17,16). 

      Ơn lành là bước đầu để ta gặp gỡ Thiên Chúa. Nhiều người ngoài Công giáo, nhờ lời cầu bầu của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, được khỏi bệnh, được gặp Thiên Chúa và được vững mạnh trong niềm tin.

       Sau khi được chữa khỏi bệnh phung, Naaman cũng được gặp Thiên Chúa, ông nói với tiên tri Elisa:” Nay tôi biết rằng trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel”. (2V 5,15). 

     Là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và dẫn đưa, che chở  trong sa mạc trên đường về đất hứa, nhưng Ít-ra-en đã không ít lần phản bội và vô ơn đối với Thiên Chúa. Điển hình là dân đã thờ lạy bò vàng, dưới chân núi Sinai.

      Chúa Giêsu không những dạy chúng ta biết ơn, Ngài còn luôn là gương mẫu cho chúng ta. Có thể nói cả cuộc sống của Ngài là một “bài ca tạ ơn”. Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người (Ga 6, 11). Trong bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ (Lc 22, 19). Đứng trước mồ Lazarô, trước khi cho anh ta sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa: “Lạy cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con (Ga 11, 41).

      Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”(1Cr 1,4).

Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện”(1 Tx 1,2)

Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh(1Tx 5,18)

       Mẹ Maria và các thánh cũng đều sống trong ân tình với Chúa và luôn cảm tạ Ngài.

      Các triết gia hiện sinh nói sống là sống với. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong gia đình và xã hội, Chúng ta đều phải tương tác và giúp đỡ nhau, từ đó cần phải biết ơn nhau.

      Nhưng trên hết, những gì chúng ta đang có như tiền bạc, nhà cửa, tài năng, sức khỏe, thời giờ…tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Thế nên chúng ta luôn phải tạ ơn Thiên Chúa.

Chúng ta đã quá quen với những hồng ân đó, đến độ chúng ta coi là chuyện bình thường, và không cần phải tỏ lòng biết ơn. 

     Chúa Giêsu dạy chúng ta lòng biết ơn là vì ích lợi cho chúng ta. 

Vì “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ. (Kinh Tiền Tụng Chung, IV).

      Lòng biết ơn là tâm tình cao đẹp nhất. Khi biết ơn ta nhận ra mình thiếu hụt, bất toàn. Khi biết ơn ta nhận ra mình cần liên đới, tương tác với tha nhân. Khi biết ơn ta nhận ra thân phận con người hạn hẹp, yếu kém và từ đó ta tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, từ nhân.

       Phải có lòng khiêm hạ mới biết tri ân. Có khiêm hạ mới nhận ra sự trợ giúp của người khác và hồng ân quan phòng của Thiên Chúa. Người kiêu căng coi mình là trổi vượt, chẳng cần đến tha nhân cũng không cần đến Thiên Chúa. 

     Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết nhận ra những ân huệ của tha nhân và những hồng ân của của Chúa, để chúng con luôn biết ơn cuộc đời và tri ân Chúa.

 Nguyễn Đức Lân