CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

2V5, 14 – 17; Lc 17, 11 – 19
  Chủ đề: Đức tin, lòng biết ơn và việc được chữa lành đích thực.

* 2V 5, 17b: Naaman đã được sạch … ông trở lại gặp “người của Thiên Chúa” … và nói “… tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hi lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.

* Lc 17, 16 – 19: Người Samari thấy mình được khỏi liền quay trở lại … tôn vinh Thiên Chúa … sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn … Đức Giêsu nói’ … lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

   Một trong những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của nhân loại mọi thời, đó là bệnh tật, đau ốm; Nhất là những bệnh kéo theo sự ghê tởm, xa lánh của xã hội về mặt thể chất cũng như tinh thần. Ngày nay khi nói đến SIDA, thì phản ứng đầu tiên của người nghe là liên hệ căn bệnh này với vấn đề luân lý, đặc biệt là tính dục, khiến người bệnh vừa đau đớn về thể xác, vừa khổ não về tinh thần. Và tình trạng khốn cùng ấy còn tệ hại hơn nữa nếu như có kẻ ác tâm, ác khẩu gán luôn cho bệnh nhân cái nhãn “bị trời phạt”.

   Thời Cựu Ước và thời Đức Giêsu, nhân loại chưa biết đến bệnh SIDA (AIDS = liệt kháng), nhưng một bệnh khác cũng bị người đương thời gièm xiểm đủ điều, khiến bệnh nhân vừa đau đớn xác thể, vừa không còn chỗ đứng trong cộng đồng Dân Chúa. Đó là bệnh PHONG CÙI. Bệnh nhân cùi bị coi là phường tội lỗi, nên bị Chúa đánh phạt như thế (x. Đnl 28, 15. 27 – 35; Ds 12, 10 – 15; 2Sbn 26, 19 – 23); bị xã hội, cộng đoàn xua đuổi, loại trừ cho đến khi được lành bệnh (x Lv 13, 45 – 46); Người nào bị đụng tới người cùi cũng sẽ bị ra ô uế (x. Mt 8, 1 – 4, nốt “s”, CGKPV “Tân Ước” 1994); Và đối với người Do Thái, không ai có thể chữa lành được bệnh cùi, ngoại trừ Thiên Chúa (x. 2V5, 7 so 1 Sm 2, 6).

   Bài đọc 1 và Tin Mừng đều nói đến việc chữa lành THÀNH CÔNG bệnh cùi: Elisa chữa cho tướng quốc Naaman, người Syri; Đức Giêsu cho 10 người cùi. Cách chữa lành là gián tiếp ngang qua 1 lệnh truyền đòi phải thực hiện một điều kiện nào đó. Khi thi hành điều kiện xong, bệnh được chữa lành. Tuy nhiên điểm chính mà Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh là thái độ ĐÁP TRẢ của người được chữa lành:

  1. Trước nhất là LÒNG TIN được biểu lộ qua việc tìm đến với Đấng chữa lành và nhất là thi hành lệnh truyền được đưa ra.

  2. Tiếp đến là LÒNG BIẾT ƠN biểu lộ qua việc quay lại với Đấng chữa lành mình để tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa. Từ đó cuộc đời người được chữa lành thay đổi, rẽ qua 1 hướng khác, thành con người mới trong Chúa.

     Bài đọc 1 trích từ sách Các Vua quyển 2, thuật lại việc ngôn sứ Elisa chữa lành bệnh cùi cho tướng chỉ huy quân đội của nước Aram, lúc đó đang thù nghịch với Israel. Tình yêu Thiên Chúa không loại trừ ai, miễn là khiêm tốn có lòng tin để đón nhận.

    Văn mạch 2V 5,8-12 cho thấy rằng: ban đầu khi nghe lệnh truyền của Elisa, vị tướng này, tự cao vì địa vị của mình và tự hào dân tộc, đã nổi giận không nghe lời ngôn sứ. Nhưng may có người tôi tớ khôn ngoan khuyên nhủ, nên ông đã thay đổi thái độ: ẩn nhẫn nghe lời khuyên của tôi tớ; Làm theo lệnh truyền của ngôn sứ, đến sông Giođan dìm mình bảy lần; Và kết quả tuyệt vời quá sức mơ ước: chẳng những được lành bệnh mà còn hồi xuân trở lại, da thịt nên như da trẻ nhỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là ông được chữa lành về linh hồn. Con người ông thay đổi hoàn toàn: ông trở nên khiêm tốn trở lại gặp “người của Thiên Chúa” để tạ ơn! Và tuyệt vời nhất là ông thay đổi cả niềm tin: ông từ bỏ thần linh của xứ sở ông để tuyên xưng rằng: “này tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel” (5,15). Rồi khi Elisa từ chối quà tặng, ông đã xin được rước Thiên Chúa của Israel về tận xứ, tư dinh của ông để tôn thờ: ông xin 2 xe đất của xứ Israel, đem về nhà làm thành bàn thờ để từ nay CHỈ DÂNG LỄ TOÀN THIÊU VÀ HI LỄ CHO THIÊN CHÚA ISRAEL MÀ THÔI (5,17)

    Vậy sứ điệp Lời Chúa không nằm ở việc chữa lành bệnh cùi phần xác mà là chữa lành “bệnh cùi linh hồn”: Naaman trở thành tín hữu đạo Yavê, thành con Thiên Chúa.

     Cùng 1 sứ điệp, Tin Mừng thuật lại việc Đức GiêSu chữa lành 10 người cùi ngang qua việc truyền lệnh cho họ thi hành một bổn phận theo như Luật dạy (x. Lv14,2). “Đức GiêSu không chữa lành họ ngay tức khắc, nhưng ra lệnh cho họ làm 1 việc theo Luật, việc họ tuân lệnh giả thiết là họ tin rằng họ sẽ được lành. Thật vậy, theo lề Luật, người cùi phải đến trình diện tư tế không phải để được chữa lành nhưng là để tư tế xác nhận là bệnh nhân đã được lành sạch. Vậy khi ra lệnh cho các người cùi chấp hành lề Luật NHƯ THỂ HỌ ĐÃ ĐƯỢC LÀNH BỆNH RỒI, Đức GiêSu đòi họ phải biết VÂNG LỜI TRONG ĐỨC TIN ; Và Người muốn hành vi tín thác đó phải được thể hiện bằng việc TUÂN PHỤC LỀ LUẬT”. (GHHV Đà Lạt “chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm C” trang 357). Kết quả tuyệt vời: tất cả đều lành bệnh phần xác.

    Phần 2 của bài đọc Tin Mừng (17,15-19) nói đến thái độ đáp trả của các bệnh nhân sau khi được lành bệnh: chỉ có 1 người, mà lại là người Samari, quay trở lại “sấp mình dưới chân Đức GiêSu mà tạ ơn”. Và hành vi “sấp mình tạ ơn” đó, được Đức GiêSu cắt nghĩa là “tôn vinh Thiên Chúa”. Như vậy Lời Chúa đã kín đáo nói cho độc giả của mình rằng Đức GiêSu là Thiên Chúa. Chính trong tư cách thần linh ấy, Đức GiêSu đã nâng hành vi nhân bản  “BIẾT ƠN” trở thành hành vi đức tin có đủ năng lực chữa lành bệnh cùi: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”

    Vậy sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay nhắn đến là CHỮA LÀNH TÂM LINH: sau khi được chữa lành phần xác, con người của bệnh nhân biến đổi tích cực, được biểu lộ ra bằng lòng biết ơn, nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong người đã chữa lành mình để rồi sẵn sàng sống đời sống mới của 1 thần dân, của 1 môn đệ và chóp đỉnh là của 1 người con Thiên Chúa.

Bài 2

        Mười người phong hủi … kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu xin dủ lòng thương chúng tôi!”… Đức Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”… Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại … sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn … Đức Giêsu nói “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (17, 13-16.19).

        Lời Chúa Chúa Nhật 28 C Mùa Thường Niên hướng tâm trí tín hữu vào lòng thương xót của Thiên Chúa và phương thức nhiệm mầu mà Chúa dùng để cứu nhân loại tội lỗi, được biểu lộ qua một phép lạ KÉP: Vừa chữa lành thể xác, vừa ban luôn phần rỗi cho linh hồn bệnh nhân.

        Và việc chữa lành xác hồn ấy lại được thực hiện TỪ XA, chỉ với 1 lệnh truyền. Qua đó Thiên Chúa mời con người cộng tác vào công trình cứu độ đó bằng việc tin tưởng thi hành lệnh truyền trong vâng phục trọn vẹn. Thiên Chúa đang từng bước giúp con người cùng với Chúa vác thập giá mình mỗi ngày theo Chúa để hoàn tất ơn cứu độ mà Chúa đã dọn sẵn cho nhân loại và cho từng người.

        Chỉ một lệnh truyền từ Thiên Chúa, kèm theo một thái độ vâng phục trong tín thác từ phía con người, mọi sự được phục hồi cách tốt đẹp. Chi tiết này gợi lại cho ta công trình sáng tạo của Thiên Chúa: chỉ cần Chúa phán, và mọi vật đều tuân theo lệnh truyền ấy, tức thì vạn vật xuất hiện và tất cả đều tốt đẹp (St 1). Tiếc thay, bị mắc mưu thâm độc của Rắn; Eva và Ađam nghi ngờ tình yêu, đường lối của Thiên Chúa, biểu lộ qua việc không tuân phục lệnh truyền, đồng lõa cùng nhau ăn Trái Cấm nên đã mất tất cả. Và tệ hơn nữa là khi Thiên Chúa xuất hiện, bắt Rắn phải câm miệng và giúp 2 nguyên tổ nhận ra lỗi phạm của mình, thì họ lại chối tội bằng cách đổ lỗi cho Thiên Chúa đã dựng nên họ trần truồng khiến họ phạm tội. Sự không vâng phục và thiếu phó thác ấy đã làm cho hồng ân tha thứ của Thiên Chúa không thể bám rễ vào tâm hồn tội nhân. Trong phép lạ này, lệnh truyền của Đấng Chữa Lành được bệnh nhân đón nhân đón nhận trong tin tưởng. Và lệnh truyền đã phát sinh hoa trái. Thiên Chúa muốn con người góp phần vào công trình hồi phục đó bằng sự nhìn nhận tình cảnh thảm hại của mình, bằng việc vâng phục lệnh truyền trong tín thác. Đó chính là vác thập giá mình mà theo Chúa vậy!

    Tới đó, chỉ mới chữa lành được thân xác. Lời Chúa hôm nay còn muốn đưa con người lên một mực độ cao hơn: chữa lành cả linh hồn. Thể xác được chữa lành để tạ ơn, tôn vinh Thiên Chúa một cách thong dong không còn bị sự dữ giam cầm, cản trở. Để đạt tới tầm mức ấy, Lời Chúa hôm nay đề cập thêm chủ đề BIẾT ƠN.

    Lời Chúa hôm nay cũng nhấn mạnh lòng biết ơn. Chính lòng biết ơn mới giúp cho người được chữa lành nhận ra được bàn tay yêu thương, tha thứ, hồi phục của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Nếu không có lòng biết ơn, thì tội nhân, bệnh nhân dễ rơi vào cơn cám dỗ của “tên gian phi bất lương” (Lc 23, 39) chỉ biết đòi hỏi mà không nhận ra căn nguyên mọi khổ nhục của mình. Điểm đến của Lời Chúa hôm nay không phải là việc chữa lành bệnh tật thể xác mà là cả xác lẫn hồn được ơn cứu rỗi: trở nên thần dân của Chúa (Naaman trong bài 1), môn đệ của Đức Giêsu (anh Samaria trong Tin Mừng).

    Đức Giêsu bước qua giai đoạn 3 (Lc 17,11 – 19, 27) của lộ trình tiến về Giêrusalem, cứu nhân loại qua con đường Thập Giá; Đức Giêsu muốn nhắc nhở, cảnh tỉnh những kẻ đang bước theo Người rằng điều Người đem đến cho họ không là giải quyết các khổ đau trần thế qua phép lạ mà là cứu rỗi họ qua đức tin của họ: “lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17, 19; 18,42).

    Một chi tiết quan trọng khác cũng được cả hai bài học hôm nay đề cập đến: đó là tính phổ quát của ơn cứu độ. Thật vậy, hai người đã có lòng biết ơn và được đưa vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa là 1 dân ngoại và 1 Samari.

    Bài đọc 1: qua trung gian ngôn sứ Êlisa, Thiên Chúa chữa lành bệnh cùi cho Naaman, tướng đạo binh Aram, là một dân luôn quấy phá Israel. Phần Naaman, ông đã vâng phục trong lòng tin tưởng vào lời Êlisa, đi tắm 7 lần trong sông Giođan; Và sau khi được lành, ông đã tỏ lòng biết ơn đối với ngôn sứ. Điều quan trọng hơn là Naaman được chữa lành tâm linh, ông nhận ra chỉ có Yavê, Chúa của Israel là Thiên Chúa và ông tôn thờ Người.

     Tin Mừng cũng kể lại chuyện chữa lành bệnh cùi, do Đức Giêsu thực hiện cho 10 người. Phần họ cũng nhờ tuân phục trong đức tin lệnh truyền đi trình diện tư tế do Đức Giêsu dạy bảo mà được hưởng phúc lộc. Nhưng trong bọn họ, chỉ có 1 người, lại là người Samaria, là người có lòng biết ơn Đức Giêsu. Ông này trở lại gặp Đức Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa. Chẳng những anh được tẩy sạch bệnh cùi mà còn được cứu nhờ tin (Lc 17, 19b).

BÀI ĐỌC I: 2 V5, 14 – 17

   Trình thuật này  trích từ 2 V5 trong tổng thể nói về ơn gọi và sứ vụ của ngôn sứ Êlisa (2V 2 – 13). Là học trò của Êlia, được lãnh nhận trọn vẹn thần khí của thầy mình (2V 2, 9 – 14), ông bắt đầu sứ vụ dưới triều Gioram (852 – 841) vua Israel. So với các ngôn sứ khác, ông là người làm nhiều phép lạ: 7 phép lạ. Một trong những phép lạ là việc chữa lành cho Naaman, tổng tư lệnh binh đội Aram (ch. 5).

   Naaman chắc là người tài ba đức độ: được vua dân nể vì, các nô lệ của ông cũng yêu mến ông (2V 5, 3) và Đức Chúa cũng đã chúc lành cho đất nước Aram ngang qua ông. Nhưng ác hại thay ông lại bị bệnh cùi (5, 1). May mắn cho ông là trong các tớ nữ của vợ ông, có một cô gái Israel tốt bụng. Cô mách bảo cho bà chủ biết ở Samaria, có một vị ngôn sứ có thể chữa lành được bệnh cùi.

   Thế là Naaman đi Samaria mang theo vàng bạc, lễ vật và phong thư gửi gắm của vua Aram gởi cho vu Israel. Cả ch. 5 có nhiều cảnh, nhiều chi tiết sống động diễn tả tâm lý, phản ứng của các nhân vật liên hệ. Bài đọc 1 chỉ trích giữ lại một số sự kiện: Naaman tin lời Elisa đi tắm 7 lần trong sông Giođan, được lành, lòng biết ơn của ông, lòng tin của ông vào Yavê,  Thiên Chúa của Israel.

  1. Naaman được chữa lành (2V5, 14)

* Giới thiệu nhân vật: thời ấy, Naaman, tướng chỉ huy quân đội Aram mắc bệnh phong hủi.

Aram: trong Kinh Thánh, đây là một danh từ chỉ tập hợp các dân tộc Sêmít cư ngụ từ Siry đến Euphrate và có liên hệ ngôn ngữ với nhau. Từ thời Đavit – Salomon, có nhiều quốc gia của người Aram đã được thành hình. Quốc gia quan trọng nhất nằm sát ngay biên giới phía Bắc của Israel, có thủ đô là Đamas. Quan hệ giữa nước này với Israel thay đổi tùy theo biến chuyển thời cuộc của toàn vùng. Hai ngôn sứ Elia và Elisa cũng có góp phần vào chính trường Đamas (1V 19, 15; 2V 8, 13 – 15 …).

Thời ấy? trong trình thuật này, 2V 5 không nói rõ tên của vua Aram và Israel. Còn chung quanh thời Elisa thi hành sứ vụ thì Đamas không ngừng tìm cách gây hấn, gieo không ít đau khổ cho Israel, và ngay cả Elisa cũng bị Aram lùng bắt để sát hại (2V 6, 13; 6, 8 – 7, 20; 8, 1 – 2, 28; 9, 14b – 15). Vậy việc chữa lành có lẽ xảy ra vào những thời điểm 2 nước, vì lý do nào đó, tạm hòa hoãn với nhau, nhưng tình thế vẫn luôn căng thẳng và không loại trừ khả năng vua Aram lợi dụng dịp này để tìm cách gây chiến tiếp (2V 5, 7).

– Tướng chỉ huy quân đội: tình huống lại càng tế nhị vì bệnh nhân là vị cầm đầu binh lực Aram được vua Aram sủng ái, kính nể. Tuy nhiên bản văn không bận tâm lắm đến con người chính trị của Naaman cho bằng con người nhân bản tôn giáo của ông: là người tốt, được Thiên Chúa phù trợ (5, 1), được tôi tớ yêu mến (5, 2), biết phục thiện (5, 13 – 14) và nhất là dám sống niềm tin của mình một khi đã nhận ra chân lý (5, 17) và ngay thẳng trong đức tin, dám nhìn thẳng thực tế (5, 18 – 19).

   Chính trong bối cảnh phức tạp, tế nhị như trên, phép lạ này càng làm nổi bật tính phổ quát của ơn cứu độ, sự công minh không thiên vị của Thiên Chúa đối với mọi dân và nhất là chương trình của Thiên Chúa vượt xa mọi mưu toan hạn hẹp, ti tiện của vua chúa trần gian: Chúa cứu tất cả những ai sống ngay lành và đưa dẫn họ tới đức tin.

-Phong hủi: dấu chỉ tội nhân bị Thiên Chúa đánh phạt, bị loại trừ khỏi cộng đoàn. Vậy, theo luật Do Thái, Naaman bị loại trừ 2 lần; vừa là dân ngoại và bản thân mắc bệnh ô uế. Thế nhưng trong thực tế, ông là người tốt.

      Vậy việc ông được chữa lành vừa cho thấy nét phổ quát của ơn cứu độ của Chúa, vừa là dấu chỉ của lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với ông, vừa cho thấy quyền năng của Thiên Chúa ngang qua các tôi tớ của Người. Việc chữa lành là một ân thưởng cho những đức tính tốt lành của ông cho dù ông vẫn còn đang ở dưới quyền của vua ngoại đạo luôn tìm cách gây hấn với dânChúa. Ân huệ thể xác chỉ là bước mở đầu. Chúa còn chữa lành bệnh cùi linh hồn của ông nữa: giải cứu ông khỏi ách tà thần, cho ông tin và thờ phượng Đức Chúa; Mặc dù phần xác ông vẫn còn lệ thuộc vua Aram, nhưng tâm hồn ông đã thuộc về Chúa (5, 18 – 19). Đồng thời đây cũng là lời cảnh cáo cho Aram thấy quyền năng của Thiên Chúa và của ngôn sứ Người (x. 6, 23b).

 * Sự tuân phục trong đức tin: vâng lời Elisa, dìm mình 7 lần trong sông Giođan.

     “Dìm 7 lần”: cách nói biểu tượng hàm ý Naaman chỉ được chữa lành sau nhiều lần làm đúng theo lời người của Thiên Chúa và trước đó phải thay đổi não trạng (x. 5, 11-13). Điều này cho thấy sự kiên trì tuân phục, hoán cải và lòng tin tưởng của Naaman.

* Kết quả là được chữa lành: “da thịt ông…như…trẻ nhỏ”. 

     Phép lạ là kết quả của một lệnh truyền và của lòng tin kiên trì tuân phục. Chẳng những được chữa lành mà còn trẻ trung đầy sinh lực: như da trẻ em.

  1. Lòng biết ơn của Naaman (2V 5, 15-16)

* “…ông trở lại gặp người của Thiên Chúa”

“Trở lại” có thể hiểu nghĩa bóng: hoán cải, thay đổi não trạng. Thái độ này trái ngược hẳn với sự bất mãn bỏ đi trước đó (5, 11-12), nó cho thấy Naaman đã được biến đổi hoàn toàn. Giờ đây ông tin chắc Elisa là người của Thiên Chúa; Và ông trở lại để nói lên lòng tin và biết ơn của mình như 1 người đã được thọ ơn, chứ không phải với tư cách một tổng tư lệnh đầy quyền thế đi tìm 1 thầy thuốc để chữa bệnh. Ông đã biểu lộ sự hoán cải và tâm tình biết ơn qua 3 hành động: tuyên tín, dâng quà, xin đất.

* Tuyên tín: “…nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel”

     Trình thuật chữa lành bệnh cùi đã kéo dài thành một trình thuật về hoán cải, trở lại nội tâm. Lành bệnh đã là bước khởi đầu của sự cứu rỗi linh hồn được ban cho một người dân ngoại. Qủa thật thái dộ của Naaman là một người trở lại với Đức Chúa. Lời tuyên xưng độc thần của Israel, chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, nơi miệng và trong lòng của một tướng quốc ngoại bang quả thật là một điều kỳ diệu. Đây mới thực sự là phép lạ, kỳ công của Thiên Chúa.

* Kính dâng quà: “…xin ngài…của tôi tớ ngài đây”

     Đổi cách xưng hô “tôi tớ”: kẻ dưới quyền, hầu hạ, phục vụ, thọ ơn (5, 6-13). Dâng quà là thái độ thường tình biểu lộ lòng tin tưởng của một người đối với vị ngôn sứ mà anh ta tham khảo ý kiến (Ds 22, 7; 1S 9, 7-8; 1V 14,3…). Đối với Elisa, Naaman không còn là một đại tướng nữa mà là một bề tôi đang thỉnh ý bề trên với lòng biết ơn và tin tưởng.

   Lòng vô vụ lợi của Elisa: không nhận quà, dù Naaman nài xin.

   (Số quà khá lớn: x. 5,5. Thái độ này càng làm Naaman tin vào Thiên Chúa Israel.)

* Trở thành người phụng thờ Yavê: xin đất (để lập bàn thờ) và chỉ dâng lễ cho Đức Chúa (17)

   Naaman trở thành tín đồ đạo Yavê. Lòng tin được diễn tả ra qua tế tự: ông xin đất là để lập một bàn thờ nhỏ cho riêng ông và dâng lễ tế cho Đức Chúa ngay tại Đamas.

  1. Tóm kết

   Phụng vụ mời chúng ta chiêm ngắm quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa ngang qua một phép lạ, và thái độ hoán cải, biết ơn của con người. Người được cứu lại là dân ngoại, nên phụng vụ cũng cho ta thấy đường lối hành động kỳ lạ của Thiên Chúa để thực hiện ơn cứu độ phổ quát cho toàn nhân loại.

Thiên Chúa không trực tiếp thực hiện ngay phép lạ, nhưng ngang qua nhiều trung gian: cô tớ gái người Israel, ngôn sứ, lệnh truyền và nhất là phải kể đến phần đóng góp tích cực của chính đương sự: vượt thắng bản tính tự nhiên nóng nảy, tự ái, thành kiến của mình, hoán cải, đổi não trạng, khiêm tốn vâng lời, lòng tin. Như vậy, các đức tính nhân bản, những con người trong cuộc sống thường ngày, những phương tiện tự nhiên đều là những yếu tố hữu hiệu trong lòng bàn tay yêu thương của Thiên Chúa để người thực hiện kỳ công cứu độ phổ quát của Người.

Điều tuyệt vời nhất không là chữa lành bệnh cùi, nhưng qua đó Thiên Chúa đã hoán cải, đưa kẻ thụ ân đến với đức tin, đến với ơn cứu độ chung cuộc mà chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại qua các tôi tớ Người, “người của Thiên Chúa”.

TIN MỪNG : Lc 17,11-19

    Tin mừng hôm nay là đoạn mở đầu của giai đoạn thứ ba trong cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Trong phần này chủ đề chính là “Nước Thiên Chúa” đã đến rồi ngay trong hiện tại nơi con người, sứ vụ và thập giá Đức Giêsu (17,20-21; 18, 31-34), nhưng đó cũng là một biến cố cánh chung đầy bất ngờ (17, 22-37). Để sống thực tại kép này cách thích hợp, Đức Giêsu đưa ra những thái độ mà kẻ tin phải sống trong hiện tại: cầu nguyện kiên trì (18, 1-8) và khiêm tốn (18, 9-14); đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ (18, 15-17); không dính bén của cải, dám bán tất cả, chia sẻ rồi theo Đức Giêsu (18,18-27); từ bỏ mọi sự vì Đức Giêsu (18, 22.28-30) và theo cho đến thập giá (18,31-34); đổi lối sống, não trạng, hoán cải, đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình: chuyện Giakêu (19,1-10); thần phục ý chủ và sinh lợi vốn chủ trao (19,11-27). Bài đọc, Tin Mừng là phần dẫn nhập vào toàn thể giai đoạn này. Luca thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành 10 người phong cùi trong đó một có 1 người Samaria, 9 Do Thái. Phép là này vừa cho thấy Nước Thiên Chúa đã tới trong Đức Giêsu: quyền lực sự dữ bị đẩy lui, vai trò của Luật và cơ chế được phục hồi, tội nhân được tái hội nhập vào cộng đồng dân Chúa; vừa cho thấy tính phổ quát của Nước Thiên Chúa. Lòng biết ơn và đức tin cũng được đề cao nơi hành vi của người Samaria.

  1. Khung cảnh trong đó phép lạ diễn ra (Lc 17,11)

* Trên đường lên Giêrusalem

* đang đi qua giữa 2 miền Samaria và Galilê

          Với Luca, “lên Giêrusalem” là cùng đích cuộc đời Đức Giêsu. Tại đó Người hoàn tất sứ mạng cứu thế và khai mở sứ vụ truyền giáo phổ quát của Giáo hội. Chính trong khung cảnh này mà phép lạ đã diễn ra và kết thúc bằng Lời Đức Giêsu: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Ơn cứu độ được thành toàn nhờ 2 yếu tố: Đức Giêsu lên Giêrusalem và lòng tin của tội nhân.

          “đi ngang qua Samaria và Galilê”: xét về địa dư và thứ tự lộ trình của Đức Giêsu thì phải hiểu là Người đi dọc theo ranh giới giữa 2 vùng Samaria và Galilê để tới đồng bằng sông Giođan và xuống Giêricô (x.18,35) rồi từ đó đi Gierusalem. Cách hiểu này còn giải thích được việc có mặt của một người Samaria trong nhóm cùi. Tuy nhiên trong nhãn giới thần học của Luca, việc đặt vị trí của Samaria trước Galilê gợi lại lộ trình của Giáo Hội được chính Đấng Phục Sinh vạch ra (Cv 1, 18). Rao giảng tại Samaria, đó là bước khởi đầu cho sứ mạng phổ quát của Giáo Hội. Và ngay trong phép lạ này, khía cạnh phổ quát đó cũng đã được làm nổi bật: trong nhóm được chữa lành, có 1 người Samaria, đó lại là người duy nhất sau khi lành bệnh biết quay lại tạ ơn Thiên Chúa và rồi nhận được lời chúc lành của Đức Giêsu.

  1. Diễn tiến của phép lạ (Lc 17,12-14)

    • Lời kêu cứu của các bệnh nhân:

* Nơi chốn: rìa 1 ngôi làng “lúc Đức Giêsu vào 1 làng kia”

* Số người: 10

* Đón gặp Người, nhưng dừng lại đằng xa và kêu cứu

          Cùi bị cấm hiện diện giữa nơi có dân cư, bị loại trừ khỏi cộng đoàn xã hội và tôn giáo. Họ ở rìa làng, đứng đằng xa và kêu lớn: họ giữ đúng Luật LV 13, 46. Chi tiết này cho thấy mặc cảm của họ, nhưng cũng làm nổi bật niềm cậy trông hy vọng của họ vào Đức Giêsu, nổi bật lòng từ ái của Đức Giêsu nên họ mới dám vượt mặc cảm, vượt luật cấm để “đón gặp Người” và kêu cứu.

*Nội dung lời kêu cứu:”Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”.

epistata: trong Luca, chỉ riêng nhóm 12 gọi Đức Giêsu danh xưng này. Đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Danh tước này được đặt trên môi nhóm 12 trong những trường hợp họ sắp hoặc chứng kiến một phép lạ lớn lao của Đức Giêsu: 5,5; 8,24.25; 9,33-49. Vậy tước này gợi lên quyền năng của Đức Giêsu, vừa nhấn mạnh đến lòng tin, sự phó thác và thân tình của các môn đệ đối với Người.

– Chi tiết thứ 2 là cả 10 người đồng thanh gọi đích danh GIÊSU và không kèm theo một tước hiệu nào khác như trong Luca 18,38; Mc 10,47; Mt 9,27; 20, 31-32. Tên này đi với danh xưng epistatês gợi lên quyền năng cứu độ của danh hiệu GIÊSU (Cv 4,12) và hàm ý rằng 10 người này đang được đặc ân tiến vào trong mối thân tình với Đức Giêsu, và nhóm những người thuộc cộng đoàn thiên sai, Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên để đặc ân ấy thành một thực tại nơi họ thì cần phải “quay trở lại” với Đức Giêsu và tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa.

Xin thương xót: Lời cầu xin chỉ dành cho Thiên Chúa. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chính trong tâm tình tín thác này mà họ cầu cứu. Đó là chủ ý của Luca khi viết ra như thế.

2.2 Chữa lành bằng một lệnh truyền.

* “Hãy đi trình diện các tư tế”

   Đức GiêSu không chữa lành họ ngay, nhưng ra lệnh cho họ đi trình diện các tư tế. Việc này hàm ý họ sẽ lành bệnh trên đường đi. Vì theo luật, người cùi ĐÃ được sạch phải đến gặp tư tế, không phải để được chữa lành mà để được ông ta xác nhận ĐÃ LÀNH BỆNH.

    Vậy khi ra lệnh cho 10 người cùi chấp hành một điều luật như thể họ đã được lành bệnh rồi, Đức GiêSu đòi hỏi họ phải tin tưởng vâng lời Người, và Người muốn hành vi tín thác đó phải được thể hiện qua việc tuân giữ Lề Luật. Chúng ta cũng đã thấy Lề Luật được đề cao trong việc hoán cải và cứu người ta trong dụ ngôn “Lazarô và ông phú hộ” (16, 29). Vậy Đức Giêsu đến không phải để hủy bỏ mà kiện toàn Luật (Mt 5, 17) giúp Luật đạt tới được chức năng tối hảo của nó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

* kết quả: đang khi đi, họ được sạch

(Phép lạ được trình bày như hoa trái của quyền năng Đức Giêsu, sự tín thác tuân phục của 10 người đối với Đức Giêsu và với Luật. Họ đã được lành trước khi gặp các tư thế.

  1. 3. Lòng biết ơn: con đường dẫn tới đức tin (Lc 17, 15-19)

* “Một người… thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”.

* Anh sắp mặt dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn

     Trên đường đi gặp các tư tế, vừa phát hiện mình được lành, người samari ngay tức khắc QUAY TRỞ LẠI gặp Đức Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giêsu. Đối với anh, đây là việc hệ trọng nhất. Chuyện trình diện tư tế lúc nào làm chẳng được vì anh đã sạch rồi. Căn nguyên của ơn chữa lành là Đức Giêsu, Luật Lệ cơ chế là phụ. Đối với anh, bậc thang giá trị quá rõ: phải lo cái chính trước. Đức Giêsu là tất cả. Phải gặp Người để nói lời tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Việc chữa lành chỉ thật sự hoàn tất khi đưa ta đến chỗ tôn vinh Thiên Chúa biểu lộ trong việc gặp gỡ , tạ ơn Đức Giêsu trong đức tin Người cũng là Thiên Chúa: “sấp mặt tạ ơn”, cử chỉ tôn thờ đối với Thiên Chúa. Ở đây, việc “sấp mặt tạ ơn” Đức Giêsu là cách thế tuyệt hảo nhất để tôn vinh Thiên Chúa vượt hơn mọi quy chế, Lề Luật, lễ tế. Đặt trong tổng thể của phần 3 trong hành trình lên Giêrusalem thì con đường để vào được Nước Thiên Chúa là QUAY TRỞ LẠI (nghĩa đen lẫn bóng) đến cùng Đức Giêsu  và tạ ơn Người. Điều này ta làm mỗi ngày trong thánh lễ: có ý thức được không? hay chỉ là hình thức Lề Luật?

    Trong trường hợp cụ thể này, yếu tố giúp anh samari gặp được Chúa Giêsu là lòng biết ơn, là cái nền nhân bản chứ không phải lề luật; việc tuân thủ Luật cách cứng ngắc vô hồn lại còn là cản trở gặp được Chúa Giêsu.

* Anh lại là người samari

    Một lần nữa, người samari được đề cao (Lc 10,30tt). Tính phổ quát của ơn cứu độ được nhấn mạnh. Lương tâm ngay thẳng, các đức nhân bản là con đường dẫn tới Tin Mừng, tới đức tin.

* Phản ứng của Đức Giêsu: … “9 người kia đâu? … mà chỉ có người ngoại bang này?

    Câu hỏi thật đau xót: dân Chúa đã đánh mất cái nền tảng nhân bản thâm sâu làm nên tính cách con người. Có lẽ các người kia không tới là vì họ bận với các nghi thức tẩy uế bệnh cùi (Lv 14, 1-32), rồi sau đó quên luôn cội nguồn phúc lộc của họ là chính Đức Giêsu. Họ vô ý thức, họ vô ơn! Họ thiếu cái cơ bản để có thể tiến sâu hơn vào mối chân tình với Thiên Chúa.

* Chúc lành: “… Lòng tin của anh đã cứu chữa chữa anh”.

    Tác nhân chính để chữa lành Chắc chắn là Đức Giêsu, vì 9 người kia cũng được lành. Tuy nhiên điều con người cần đạt tới không chỉ là cái phù du chữa lành bệnh thể xác, mà là ơn cứu độ. Nghĩa là cần đáp trả bằng lòng tin từ phía con người. Qua hành vi biết ơn của anh ta, Đức Giêsu nhận ra lòng tin của anh và đưa anh vào ơn cứu độ, chữa lành linh hồn luôn.

  1. Tóm Kết

     Phép lạ hôm nay cho thấy những gì là nhân bản tự nhiên, các cơ cấu Luật Lệ Cựu Ước đều là phương thế Thiên Chúa dùng, dọn đường giúp nhân loại đi đến với Đức Giêsu, đón nhận và tin vào Người. Phần mình, khi vào trần thế, Đức Giêsu đã đảm nhân và nâng những giá trị đó lên tới mức viên mãn có thể góp phần chữa lành và mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

   Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã sử dụng những đức tính nhân bản, cơ cấu xã hội, tôn giáo: lòng trông cậy, tin tưởng, Lề Luật, các thừa tác viên (tư tế)… để thi ân giáng phúc cho 10 người cùi. Bản văn còn đưa ta đi xa hơn nữa: biến đức tin nhân bản, xã hội, nghiệp vụ (tin Đức Giêsu đủ sức chữa lành bệnh) thành đức tin tôn giáo, đối thần đưa kẻ tin vào cuộc sống vĩnh cửu, hội nhập vào cộng đoàn thiên sai, Nước trời do Đức Giêsu mang tới. Điều này cần lòng biết ơn, quay lại với Đức Giêsu, sấp mặt tạ ơn Người mà tôn vinh Thiên Chúa.

    Phép lạ này được trình bày như một kiểu mẫu chữa lành mà nhân loại mọi thời đều có thể thọ hưởng. Mười người cùi này như là biểu tượng cho nhân loại tội lỗi đã bị loại khỏi cộng đoàn Nước Thiên Chúa, nhưng rồi giờ đây nhờ Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu (“lên Giêrusalem” gợi lên ý tưởng ấy), ngang qua các thể chế đã được Thiên Chúa mặc khải cho dân Chúa (Luật, thừa tác viên…), cùng với sự tuân phục, đức tin, lòng biết ơn của mỗi người mà nhân loại từng người sẽ được chữa lành, được tái hội nhập vào Nước Chúa, vào cộng đoàn dân thiên sai của Chúa. Thật vậy, với quyền năng của Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần, với Giáo Hội và các bí tích, phép lạ này mãi được tiếp tục ban phát cho nhân loại đến ngày tận thế.

 Frère Pierre Đình Long FSC