CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Is 56,1.6-7; Mt 15,21-28
Chủ đề: Ơn cứu độ phổ quát: dân ngoại có đức tin cũng được cứu.

* Is 56, 6.7: người ngoại bang nào gắn bó cùng YAVÊ…cũng đều được Ta dẫn lên Núi Thánh.

* Mt 15,28: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn thế nào sẽ được như vậy.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XX A Mùa Thường Niên tập trung vào chủ đề TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU ĐỘ. Thiên Chúa là tình yêu, Người muốn cứu độ tất cả mọi người; Vì tất cả mọi loài đều là thọ tạo của Chúa. Về phía con người, yếu tố cần có để hưởng được ơn cứu độ là một thái độ nội tâm, một tương quan biệt vị với Chúa. Để trao ban ơn cứu độ cho một người, Chúa không dựa vào những yếu tố tiên thiên đến từ bên ngoài, từ xã hội như giai cấp, chủng tộc, quốc gia, ngôn ngữ…mà dựa vào thái độ đáp trả biệt vị của từng người trước các mặc khải của Thiên Chúa. Đó là ĐỨC TIN.

          Đức tin ấy không phải là một hệ thống lý luận, tri thức thuần lý, hoặc mớ khái niệm lý thuyết, nhưng phải là những đáp trả cụ thể mang tính biệt vị của từng người trước những mặc khải của Thiên Chúa được Người bày tỏ từng bước một qua và trong những biến cố thực tế của cuộc đời.

          Lời Chúa của bài đọc một thật là một niềm vui lớn lao cho dân ngoại, cho những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, nhất là cho những ai bị hoạn. Vì theo tinh thần Đệ Nhị Luật thời trước lưu đày thì dân ngoại, người bệnh là hạng ô uế nên bị loại khỏi cộng đoàn dân Chúa (x. Đnl 23,2-9; Lv 21,20). Nay vị ngôn sứ thời hậu lưu đày đã NHÂN DANH CHÚA: “YAVÊ phán như sau”, công bố cho họ niềm vui được hội nhập vào cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên cần lưu ý:

          Tinh thần tôn giáo của Đệ nhị luật, đạo lý nền tảng vẫn còn nguyên. Cái mới là hồng ân cứu độ không còn bị giới hạn trong dân Do Thái nữa, mà mở ra cho toàn cõi địa cầu. Yếu tố nền tảng vẫn là tín trung với Chúa, với giao ước của Người” (Is 56,1). Vì ơn cứu độ là của Chúa, thời điểm Người biểu lộ đức công chính tới rồi. Như vậy ơn cứu độ Thiên Chúa đã sẵn sàng trao ban CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

          Bài đọc một là trích đoạn dành riêng cho dân ngoại: họ phải làm gì để được hưởng hồng ân cứu độ phổ quát Chúa đã dọn sẵn cho họ khi đến thời đến buổi?

  • Trước tiên là đổi mới tương quan với Thiên Chúa: Chúa mời dân ngoại đi vào tương quan thân tình với Chúa như dân Do Thái: gắn bó với Chúa, phụng sự Người, yêu mến Thánh Danh (Is 56,6 so với Đnl 6,5).

  • Mối tương giao đó được biểu lộ cụ thể qua việc giữ Giao Ước, các lệnh truyền của Chúa (so với Đnl 6,17-18); Nghĩa là về mặt chủng tộc, huyết thống thì họ là dân ngoại; nhưng trong tinh thần, lối sống thì họ đã “nhập quốc tịch” thành công dân Nước Chúa.

  • Điểm Luật đặc biệt được bài đọc một nhấn mạnh là GIỮ NGÀY SABAT. Vì vào thời Lưu Đày, đó là một dấu đặc trưng, công khai khẳng định trước chư dân rằng Israel là Dân Chúa. Còn trong tương quan với Thiên Chúa thì việc giữ ngày Sabat là thái độ thần phục, tôn thờ Chúa: nhìn nhận Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Đấng Cứu Độ, và quyết tâm nên giống Chúa, là “hình ảnh Người” (x.Xh 20,8-11; Đnl 5,12-15; St 1,26).

Đáp lại thái độ tôn thờ đó của họ, Chúa cho họ nên “tôi tớ Chúa”, cộng sự viên của Chúa như những người được Chúa chọn (x.Abraham: St 18,2-4; 26,24; Môsê: Xh 14,31; Ds 12,7…). Chúa đưa họ lên núi thánh, được gặp Chúa, được dâng lễ tế tự thờ phụng, cầu nguyện với Chúa (Is 56,7); Nghĩa là họ thực sự là công dân của Chúa.

          Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một phụ nữ dân ngoại xứ Canaan. Bà này đến gặp Đức Giêsu xin cứu con gái bà đang bị quỷ ám. Các môn đệ vẫn chưa đủ bác ái và nhiệt thành (x.Mt 14,15-17) nên xin Đức Giêsu tống khứ bà đi. Phần Đức Giêsu, Người cũng nhân danh truyền thống từ Ed 34 là Thiên Chúa chỉ sai Đấng Mesia tới với đàn chiên Israel để từ chối giúp bà. Tuy nhiên mọi sự đổi chiều trước lòng KHIÊM TỐN và ĐỨC TIN của người phụ nữ:

          Bà nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia con vua Đavit – Phó thác kêu cầu Người như là hiện thân của Thiên Chúa: Kuriê “Lạy Chúa xin dủ lòng thương”. – Bà nhìn nhận đường lối của Thiên Chúa: cho Israel có quyền ƯU TIÊN về ơn cứu độ; Đồng thời bà cũng xác tín rằng: ơn Chúa dư đầy nên dân ngoại, khi tới lúc, vẫn có quyền hưởng ơn cứu độ của Chúa: “cùng được ăn vụn bánh từ bàn chủ rơi xuống”. Người phụ nữ Canaan được nhận lời không phải vì bà là dân ngoại, nhưng vì bà đã khiêm tốn, kiên trì, TIN.

          Ơn cứu độ là PHỔ QUÁT: đó là ý Chúa sẽ từng bước thể hiện qua dòng lịch sử.

          Phần con người phải khiêm tốn và tin vào đường lối Chúa để biến ơn Chúa thành gia nghiệp của mình.

Bài 2

Is 56,1.6-7; Mt 15,21-28

Đức Giêsu nói: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. – Bấy giờ, Đức Giêsu đáp: “ Này bà (O gunai), lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy” (Mt 15, 26-28).

Lời Chúa của Chúa Nhật 20A MTN đề cập đến chủ đề “ tính phổ quát của ơn cứu độ”. Tất cả mọi người, mọi loài đều được hưởng tình yêu quan phòng, sáng tạo, cứu độ của Thiên Chúa cách trọn vẹn theo lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Cho dù các phản bội của con người, sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù nghịch với Thiên Chúa và với nhân loại thì cuối cùng ra mọi loài đều phải thần phục Thiên Chúa, Người có toàn quyền trên mọi loài (1 Cr 15, 28). Công trình yêu thương ấy được Thiên Chúa thực hiện từng bước một trong dòng lịch sử. Đọc trong Kinh Thánh, chúng ta thấy: bước đầu của lịch sử cứu độ, hoặc của từng giai đoạn lịch sử cứu độ, Chúa chỉ chọn một số ít người: 1 cặp (Ađam – Eva; Abram – Sarai…) hoặc chỉ 1 cá nhân (Môsê, Đavit…); Rồi từ đó Chúa phát triển nên 1 dân; Rồi từ đó, Chúa thông ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Lời Chúa của Chúa Nhật 20A loan báo rằng: thời điểm Chúa mở rộng ơn cứu độ ra cho muôn dân đã tới rồi. Tính phổ quát của ơn cứu độ được các bài đọc hôm nay trình bày như sau:

  1. Trong bài đọc 1: gồm 3 ý đan kết hữu cơ với nhau

* Phần Thiên Chúa, Người công bố dự tính, lời hứa của Người: Yavê phán rằng ơn cứu độ của Chúa đã gần đến, Chúa sắp biểu lộ đức công chính của Người (Is 56, 1a).

* Để được hưởng thành quả của các lời hứa đó, phía con người, mọi người, bình đẳng như nhau, phải có những đáp trả tương xứng:

– Những yếu tố như liên hệ huyết tộc, được làm dân riêng không còn là những chuẩn mực mang tính quyết định nữa; mà là các yếu tố luân lý phổ quát chung cho mọi thời, mọi dân, mọi người.

– Phần mỗi cá nhân, phải đảm nhận trách nhiệm cho mọi hành vi, mọi chọn lựa của mình:

  • giữ điều chính trực, thực hành điều công minh (56, 1a).

  • gắn bó, phụng thờ, yêu mến danh Yavê (56, 6a).

  • giữ ngày Sabát, tuân thủ giao ước của Chúa (56, 6b).

* Phần thưởng: tất cả những ai làm như thế thì

  • đều được lên Núi Thánh

  • Được hoan hỷ hiệp thông vào việc phụng thờ Thiên Chúa trong nhà cầu nguyện

  • Được Chúa vui nhận lễ vật tiến dâng ( 56, 7).

Trọng tâm của bài đọc 1 nằm ở phần giữa là phần thái độ đáp trả phải có từ phía con người. Vì phần 1 và 3 là những gì Thiên Chúa đã dọn sẵn. Phần mỗi người là làm cho những gì Chúa đã dọn sẵn trở thành sản nghiệp riêng của từng người và sinh hoa trái cho tha nhân góp phần vào việc hoàn tất công trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (Đọc thêm Mt 25, 31-46).

2/ Qua bài đọc Tin Mừng:

Mathêu thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho con gái của một phụ nữ xứ Canaan, dân ngoại, khỏi quỷ ám. Vài chi tiết làm nổi bật chủ đề “ơn cứu độ phổ quát” của phụng vụ Lời Chúa hôm nay:

* Thời cứu độ phổ quát đã tới: Đức Giêsu vượt biên giới địa lý ngăn cách “ đất dân ngoại” và “đất Do Thái”; Đức Giêsu đang có mặt tại vùng đất của dân ngoại; Và Người sắp biểu lộ quyền năng của 1 Vị Thiên Chúa qua việc trừ quỷ từ xa chỉ bằng 1 lời nói (Mt 15, 28).

* Tuy nhiên, vẫn còn vài yếu tố tôn giáo, chủng tộc mà Đức Giêsu cần phải vượt qua để có thể thực hiện ơn cứu độ cho dân ngoại: đó là truyền thống lâu đời gây chia rẽ, hận thù giữa dân Do Thái và dân ngoại là những đối tượng bị dân Do Thái khinh chê. Yếu tố đó vẫn đè nặng trên mọi người và được biểu lộ qua cuộc đối thoại Mt 15, 23-26.

* Nhưng rồi mọi sự đều xoay chiều nhờ lòng vững tin vào Đức Giêsu của người phụ nữ.

– Bước 1: tình mẫu tử vượt qua mọi rào cản. Tình yêu lớn lao đối với con gái là động lực vô song giúp người phụ nữ vượt mọi cản trở đến gặp gỡ Đức Giêsu và can đảm lớn tiếng van xin Người giúp đỡ. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn là người đi bước trước khi vượt biên giới đặt chân đến vùng đất của dân ngoại, đồng thời tạo điều kiện để bà có thể đối thoại với Người.

– Kết cục: năng lực chữa lành của đức tin.

Mặc dù người làm phép lạ là chính Đức Giêsu, tuy nhiên Đức Giêsu lại công bố rằng chính đức tin của bà Canaan đã đem lại hoa trái tốt đẹp cho con gái bà: bà muốn sao được vậy (15, 28).

– Như vậy, cũng như bài đọc 1, chính đức tin (thái độ đáp trả phải có từ phía con người: bài đọc 1) đã làm cho ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới được thành sự, bám rễ, lớn lên trong tâm hồn con người và trổ sinh hoa trái.

Những gì Yavê đã báo trước, đã hứa trong bài đọc 1, thì đã được Đức Giêsu thực hiện cụ thể cho người phụ nữ vững tin vào Người và quyền lực sự dữ đã bị khuất phục.

BÀI ĐỌC I: Is 56, 1. 6-7

Theo Đnl 23, 2-9 thì dân ngoại không được hưởng phúc lộc dành cho người Do Thái. Và trong thực tế, sau sắc chỉ của Kyrus vua Ba Tư, một số người Do Thái từ Babylon đã lên đường hồi hương để tái thiết Đền Thờ. Dân Samaria và cộng đoàn dân cư địa phương cũng muốn cộng tác vào công trình xây cất ấy, thế nhưng người Do Thái hồi hương đã khước từ thiện ý ấy (x. Er 4, 1-3). Tinh thần bài ngoại này tiếp tục sau đó và được đẩy tới mức cực đoan khi Ezra đòi toàn dân, ai đã lỡ cưới vợ ngoại và có con với họ đều phải bỏ vợ bỏ con tất cả (x. Er 10, 1-6; Nkm 10, 31).

Trong bối cảnh bài ngoại như vậy, một ngôn sứ vô danh thuộc trường phái Isaia thường được gọi là Isaia đệ tam, xuất hiện và hé mở cho dân Do Thái thấy chiều kích phổ quát của ơn cứu độ: Chúa muốn cứu mọi người không trừ ai, nghĩa là dân ngoại cũng sẽ được hợp đoàn cùng với dân Do Thái trong cộng đoàn phụng tự thờ kính Giavê trên núi Thánh của Chúa (x. 56, 3-7; 66, 18-21). Như vậy, Isaia đệ tam mở đầu và kết thúc với chủ đề phổ quát tính của ơn cứu độ. Is 66, 21 còn đẩy đi xa hơn khi tuyên bố Thiên Chúa sẽ chọn cả những dân ngoại làm tư tế của Chúa nữa.

Riêng chương 56 gồm 2 ý:

– loan báo ơn cứu độ cũng dành cho dân ngoại lẫn người yêm hoạn (1-9).

– trách mắng các thủ lãnh Israel sống bất xứng, không thi hành chức năng được trao phó cho họ: chó mà không sủa, chỉ ham ăn ngủ, tìm lợi riêng (10-12).

Bài đọc 1 trích từ phần đầu của chương 56, chỉ 3 câu 1.6 và 7 nghĩa là bỏ đi phần nói về ơn cứu độ cũng được dành cho người yêm hoạn. Sự chọn lựa này làm nổi bật chủ đề phụng vụ Chúa Nhật này là tính phổ quát của ơn cứu độ: nhờ lòng tin gắn bó với Chúa, phụng thờ Chúa – chứ không là huyết thống – mà dân ngoại cũng được hưởng phúc vinh của dân Chúa.

CẤU TRÚC Is 56, 1-9

gồm 3 sấm ngôn của Yavê:

* SẤM NGÔN 1:

1/ Yavê kêu mời con người dọn lòng đón nhận ơn cứu độ Chúa sắp ban tặng nhưng không (c.1).

* Nội dung: hãy sống chính trực công minh

* Lý do: vì Chúa sắp cứu độ, sắp biểu lộ đức công minh của Người.

2/ Lời chúc phúc dành cho những ai thực thi lời mời của Đức Chúa (c.2)

Bản văn phụng vụ không sử dụng câu này.

3/ Nỗi niềm của những người tưởng rằng mình bị loại khỏi ơn cứu độ (so Đnl 23, 2-9).

* các dân ngoại: “hẳn Đức Chúa đã tách tôi ra khỏi dân Người” (3a)

* người yêm hoạn: “chính tôi đây là một cây khô” (3b).

Phụng vụ không sử dụng câu này.

* SẤM NGÔN 2:

4/ Lời đáp hứa đầy an ủi của Thiên Chúa đối với người yêm hoạn (cc. 4-5)

* nếu họ giữ luật Giao Ước thì họ vẫn được lưu danh… (cc.4-5a)

* tên tuổi trường tồn, quý hơn là có con trai con gái.

Phụng vụ cũng không sử dụng

5/ Câu đáp của Đức Chúa liên quan tới dân ngoại (cc. 6-7)

Nếu con cái ngoại bang mà giữ luật Giao Ước thì cũng được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ:

* Gắn bó cùng Thiên Chúa – phụng sự Người – yêu mến Thánh Danh – trở nên tôi tớ Người – giữ ngày Sabát – tuân thủ Giao Ước.

* Kết quả: được Chúa dẫn lên núi thánh

        được hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Chúa

                  được Chúa nhận hi lễ họ tiến dâng

Nhà Chúa sẽ là nhà cầu nguyện của MUÔN DÂN (c.7)

* SẤM NGÔN 3: bằng những hình ảnh khác, Isaia mô tả tính phổ quát của ơn cứu độ (cc. 8-9)

– Yavê là Thiên Chúa, là Đấng tập họp Israel tản lạc về.

– Cũng chính Người sẽ tập họp dân ngoại: “…. THÊM NỮA về với Israel”.

– Bãi bỏ luật sạch dơ, trở về lại tinh thần của St 9, 1-3.

Với cái nhìn rộng mở này thì ý hướng “ không còn phân biệt Do Thái hay Hi Lạp” đã chớm nở, dọn đường cho tư tưởng của Phaolô (Gl 3, 28).

Bài đọc 1 chỉ trích đọc phần 1 và 5

Ơn cứu độ sắp đến

Dân ngoại gắn bó với Chúa, giữ Giao Ước Người cũng sẽ được chung phần vinh phúc.

Điều bài đọc 1 loan báo sẽ được Đức Giêsu thực hiện cho người phụ nữ xứ Canaan vì lòng khiêm nhu, tín trung của bà đối với Đức Giêsu: Con bà được khỏi bệnh.

SUY NIỆM

Để mô tả nét phổ quát của ơn cứu độ, sách Isaia chương 56 đã sử dụng 3 nét đặc thù của Do Thái giáo thời hậu lưu đày thường được qui chiếu vào để phân biệt Do Thái và dân ngoại: – giữ ngày Sabát – cắt bì – sạch dơ; sách Isaia chương 56 đưa ra một nhãn giới mới về 3 nét đó: đó không còn là tiêu chuẩn để phân biệt, kỳ thị Do Thái, dân ngoại nữa vì từ nay:

– cho phép dân ngoại giữ luật Sabát và Giao Ước.

– cắt bì không còn là điều kiện buộc nữa: hình ảnh được sử dụng là người yêm hoạn ( không có bộ sinh dục nam nên không cắt bì được) cũng được hưởng phúc lộc Chúa.

– Từ nay không còn vấn đề sạch dơ về lương thực nữa (và mở rộng cho tất cả những gì liên quan đến luật này: ngầm hiểu). Lv 11, 1-8; Đnl 14, 3-20 đưa ra danh mục những gì được ăn, những gì cấm; Is 56,9 cho phép ăn tất cả, lấy lại tinh thần nguyên thủy về lương thực ở St 9, 1-3 (so Cv 10, 9-16); Đức Giêsu cũng bãi bỏ luật sạch dơ theo lối hiểu hạn hẹp của luật cũ (x. Mt 15, 10-11).

* Giữ điều chính trực: mishepât là quyết định được công bố do người có quyền tuyên bố một phán xét nghĩa là kẻ cầm quyền được quyền bính thừa nhận. Dùng ở số nhiều, từ này thường được liên kết với những tiếng ám chỉ mệnh lệnh, giới răn… và đương nhiên trở thành từ ngữ của Luật Thiên Chúa…” (ĐNTHTK Quyền).

Vậy “giữ điều chính trực” là tuân giữ luật Chúa, luật Giao Ước, là sống tùy thuộc, cậy dựa vào Thiên Chúa. Nhưng LUẬT ở đây nhấn mạnh cách chung đến tương quan tùng phục đối với Thiên Chúa hơn là giữ những điều khoản cụ thể: giữ luật là giữ QUYẾT ĐỊNH DO CHÚA CÔNG BỐ. Và việc giữ những quyết định ấy là một QUYỀN LỰC (chữ Mishepât cũng có nghĩa là quyền), 1 đặc ân của Israel (x. Đnl 26, 17-19): “ nếu các ngươi giữ Luật này” (Xh 19, 5a) các ngươi sẽ là dân Ta (19, 5b -6) và “ Ta là Chúa của các ngươi” (Xh 20, 2) (x. Ed 34, 30-31).

* “Thực hành điều công minh” sedâqâh nhiều lúc đồng nghĩa với mishepât, tuy nhiên vẫn có chút khác biệt. Thật vậy, theo trào lưu tư tưởng đầu tiên qua suốt toàn bộ Kinh Thánh thì Sedâqâh là:

– nhân đức luân lý… được nới rộng để chỉ sự tuân giữ hoàn toàn các giới răn Thiên Chúa.

– một phẩm tính để đáng được công nghiệp trước mặt Thiên Chúa.

“ Một trào lưu khác của tư tưởng Kinh Thánh – hoặc có thể đó là một cái nhìn sâu sắc hơn về TRẬT TỰ mà Thiên Chúa muốn thiết lập nơi công cuộc tạo dựng của Người – đem lại cho sedâqâh 1 ý nghĩa rộng rãi hơn và 1 giá trị tôn giáo trực tiếp hơn…”. Ý tưởng trên hoà hợp với ý “sedâqâh trước tiên  gợi lên một TRẬT TỰ pháp lý….”: mỗi người phải giữ đúng vị trí mình trước mặt pháp luật. Tất cả cho thấy “ thực hành sedâqâh” là cố gắng giữ đúng vị trí của mình trong công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Tóm lại 2 thuật ngữ trên mời gọi mọi người:

  • Thần phục Thiên Chúa qua việc giữ giới luật, Giao Ước của Người.

  • Ở mức độ cao hơn: là mời mỗi người giữ đúng vị trí , tương quan của mình trong công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Ý tưởng này dọn đường cho việc Is 56, 3-7 thay đổi nhãn giới đối với kẻ yêm hoạn và dân ngoại so với Luật Đnl 23, 2-9. Vấn đề trung thành với Giao Ước không có nghĩa là theo sát các điều khoản mà là nhận ra ý nghĩa, vị trí, giá  trị của các điều khoản trong tổng thể chương trình cứu độ của Thiên Chúa….Thời kỳ phân rẽ tạm thời đã qua rồi; bây giờ là hiệp nhất, thống nhất lại: tất cả đều được mời giữ luật Chúa, tất cả đều có QUYỀN hưởng ơn cứu độ nhưng không của Chúa.

* “ vì ơn cứu độ….” Việc phải sống chính trực công minh là để chuẩn bị lòng người đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Vẫn biết ơn cứu độ đó là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, nhưng phía mình, con người có nhận ra và thọ hưởng được hay không lại là chuyện khác. Việc sống chính trực công minh là để giúp con người quen dần với dung mạo và lối hành động của Chúa, nhờ đó khi Chúa đến mang lại ơn cứu độ, chúng ta mới có thể đón nhận và tận hưởng hồng ân.

Sự cứu độ = (Yeshôu “ âh) là sự can thiệp của Thiên Chúa vào dòng lịch sử ( trước đó Người đã sáng tạo) để kéo con người ra khỏi nỗi bất hạnh đang chịu hoặc gìn giữ rồi đưa họ lên một mức độ cao hơn trong chương trình của Chúa và chóp đỉnh là cho con người vào chung hưởng phúc vinh đời đời với Thiên Chúa.

“ Đức công chính của Thiên Chúa”, chúng ta không thể hiểu từ này theo nghĩa pháp lý là công bình, song phẳng. Vì trước mặt Chúa, tất cả đều là tội nhân, không ai là công chính (x. G 9, 2; Tv 143, 2…). Sự công chính của Thiên Chúa chính là lòng huệ ái, bao dung, tha thứ, tín trung của Chúa đối với nhân loại, với dân Người để bằng mọi giá thực hiện ơn cứu độ cho họ (cụ thể, chi tiết: x. ĐNTHTK “ Cứu rỗi”  “Công chính”).

Trong bối cảnh của Isaia đệ tam thì “ơn cứu độ” có thể ứng vào 2 biến cố tái thiết, khánh thành Đền Thờ và xây dựng lại thành công tường thành Giêrusalem rồi tụ tập dân cư về đó ở đông đúc. Tuy nhiên, Yeshôu “ âh đích thực mà Thiên Chúa mang tặng chúng ta chính là Đức Giêsu. Tên của Người chính là ơn cứu độ, là Thiên Chúa cứu. Người là hiện thân trọn hảo của “ Đức công chính của Thiên Chúa”. Nơi Người, Thiên Chúa đã ban cho con người TẤT CẢ.

* “ Người ngoại bang”: trong tương quan với người Do Thái gốc, dân ngoại được phân làm nhiều hạng:

1/ Gerim: là những người sống định cư gần người Do Thái, họ có thể tháp nhập vào cộng đoàn Do Thái và được đón nhận dễ dàng. Có 2 hạng:

  • Tân tòng (prosélytes): chịu cắt bì và giữ hầu hết luật, tập tục Do Thái.

  • Những người kính sợ Chúa (craignants Dieu): giữ một số luật chính như luật Sabat, luật sạch dơ…và không chịu cắt bì.

Hai hạng trên được hưởng những quy chế ưu đãi, được Lề Luật bảo vệ:

  • Bộ Luật Giao Ước cấm ngược đãi họ ( Xh 22, 20; 23, 9).

  • Bộ Đệ Nhị Luật ra chỉ thị đối xử tốt với họ (Đnl 14, 28-29).

  • Luật tư tế cũng nhìn nhận những quyền lợi (Ds 9, 14; 15, 14-16; 35, 15) cũng như nhữung nghĩa vụ của họ (Lv 16, 29; 17, 8-10; 22, 18-20; 20,2; 24, 16) tương tự như con cái Israel.

  • Đặc biệt sách Lêvi còn đòi mỗi người Israel phải “ yêu mến họ như chính mình” (Lv 19, 33-34).

  • Và Êdêkiel dành cho họ 1 lô trong Đất Thánh (Ed 47, 22-23). Đây không phải là “dân ngoại” mà sách Isaia chương 56 chúng ta đang khảo sát đề cập đến.

2/ Nekâr hay Nokeri: họ là những dân du cư, ăn nhờ ở tạm nơi nào đó một thời gian ngắn rồi đi chỗ khác. Họ không được hưởng 1 quyền lợi nào ngoại trừ thói tục hiếu khách. Đôi khi họ bị đồng hoá với kẻ thù , bị loại khỏi cộng đoàn phụng tự, bị tước mọi lợi ích:

  • không được ăn lễ vượt qua (Xh 12, 43);

  • không được hưởng quyền tha nợ theo định kỳ (Đnl 15, 3)

  • không được hưởng quyền vay nợ không lãi (Đnl 23, 21)

  • họ không được đặt chân vào thánh điện (Ed 44, 7-9)

  • đến thời cải cách Ezra, Nơkhemia, dân bị buộc phải rẫy vợ ngoại, thề không được cưới vợ ngoại (Er 9, 1; Nkm 9, 2)…Kể ra tên tuổi thì có dân Ammon và Moab bị loại vĩnh viễn khỏi đại hội của Yavê (Đnl 23, 4).

Như vậy, trước lẫn sau lưu đày, trong Israel có một trào lưu mạnh mẽ chống đối, nghi ngờ và đôi khi thù nghịch với những NOKERI. Chính trong khung cảnh này mà Is 56, 6-7 công bố rằng họ có thể gắn bó với Thiên Chúa, được tham dự vào cộng đoàn cứu độ. Tinh thần phổ quát này được 1 số sáng tác thời hậu lưu đày ủng hộ như 1V 8, 41-43; sách Rút.

* Để ơn cứu độ của Chúa trổ sinh hoa trái nơi NOKERI

Ơn Chúa ban xuống là nhưng không, hạt giống cứu độ được gieo miễn phí, rộng rãi vào mọi loại đất…nhưng để thu hoạch được hoa màu thì đất cũng phải được chuẩn bị thích hợp. Ơn Chúa cũng như mưa rơi nhưng không miễn phí xuống mọi địa hình, nhưng chỉ nơi nào giữ lại được nước (có cây cối, ít dốc…) thì mới trồng cấy được. Phần Chúa, Chúa đã mở rộng lòng từ ái gieo mầm cứu độ; vậy phần NOKERI phải đón nhận như thế nào, với tâm tình ra sao? Phải đổi não trạng, đổi tương quan với Chúa: Is 56,6 mô tả như sau:

* gắn bó cùng Yavê với mục đích:

– phụng sự Người: shârat (pi) từ ngữ hàm ý đến trước nhan Chúa (tức đến Đền Thờ) để ca ngợi, tạ ơn Chúa… nghĩa là làm công việc có liên quan đến phụng tự (x. Is 18,7; 1V 8, 41-43…)

– yêu mến Thánh Danh: yêu mến tên của Yavê hàm ý biết, kêu cầu tên Chúa, nhờ đó được Chúa bảo vệ (x. Tv 5, 12).

– trở nên TÔI TỚ NGƯỜI: “ Tôi tớ Yavê” là tước hiệu vinh dự Chúa gọi người thân cận, cộng tác với Người trong chương trình cứu độ.

– để giữ ngày Sabat (tuân thủ Giao Ước) 1 dấu đặc biệt để khẳng định căn tính Do Thái trong chốn lưu đày. Đây là một sự thay đổi tận căn từ bản chất con người đến hành động bên ngoài.

Vậy yếu tố để được hưởng ơn cứu độ không còn là chủng tộc, huyết nhục nữa mà là mối tương quan với Yavê, với Giao Ước của Người (St 17, 9-14).

Qua những đổi mới trên, thân phận bị loại trừ của các NOKERI đã được nâng lên thành “những người kính sợ Chúa” (chưa đòi buộc phải cắt bì), được gia nhập vào cộng đoàn đại hội của dân được cứu độ. Cánh cửa cứu độ đã mở ra cho họ, vấn đề còn lại là họ có chịu vào (giữ giao ước) hay không?

* Những phúc lộc của ơn cứu độ (c.7): được tham dự vào cộng đoàn phụng tự, được hiện diện trước nhan Chúa, được Chúa nhận lễ vật tiến dâng, nghĩa là tương quan thân tình với Chúa được tái lập, được hưởng trọn niềm vui của người dân Chúa tín trung dù họ không buộc phải trở thành người Do Thái (phải cắt bì x. St 17, 9-14).

* Vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện CỦA MUÔN DÂN”: trong bối cảnh hồi hương tái thiết Đền Thờ, đây là lời rất mạnh điều chỉnh lại thái độ kỳ thị sai quấy của những người hồi hương đối với những người muốn cộng tác với họ xây lại đền thờ.

Cụm từ “ nhà cầu nguyện của muôn dân” biểu lộ rõ ý định Thiên Chúa là quy tụ mọi người vào trong cùng một việc tôn thờ, để kết hiệp họ trong cùng một tình yêu (xem thêm CGKPV, “ các sách ngôn sứ” trang 189 nốt “h”).

TÓM KẾT: Bài đọc 1 biểu lộ rõ nét phổ quát của ơn cứu độ trong một bối cảnh mà do tình hình chính trị đã khiến người Do Thái có – thái độ cực đoan loại trừ dân ngoại. Ơn cứu độ không loại trừ ai! Nét đặc thù về huyết nhục, chính trị phải dần nhường bước cho những nét tôn giáo và tương quan với Thiên Chúa. Cộng đoàn mới này ngày càng lớn lên phá vỡ mọi giới hạn, không gian để đạt tới tầm vóc vũ trụ, phổ quát. Tất cả mọi người dù là Do Thái hay dân ngoại, cắt bì hay không cắt bì đều được mời đến thờ lạy Chúa và hưởng niềm vui được phụng sự Người. Trước mặt Chúa, mọi người đều là DÂN CON của Chúa. Đền Thờ là nơi họ quy tụ để hiệp nhất, cầu nguyện nhân danh Người. Thế mà ngày nay, người ta lại nhân danh Chúa, nhân danh mình là dân Chúa để tranh đất, dành Đền Thờ gây bao chết chóc, chia rẽ cho đoàn con Chúa. Đáng tiếc! Người công giáo phải làm sống lại tinh thần phổ quát yêu thương này. Công giáo là phổ quát!

TIN MỪNG: Mt 15, 21-28

Sau phép lạ nhân bánh lần 1, Đức Giêsu về lại bờ Tây sông Giođan, cập bến tại vùng Ghennêxaret. Dân chúng lại ùa đến với Người để được hưởng nhờ các phép lạ (Mt14, 34-36). Tuy nhiên họ vẫn không tin Người, các chống đối vẫn cứ tiếp tục gia tăng, và lần này họ tranh luận với Người về Luật Sạch Dơ (15, 1-20). Đức Giêsu lại phải lánh đi, lui về vùng Tyr và Siđon thuộc dân ngoại; Và tại vùng đất dân ngoại này, Người đã thực hiện một vài phép lạ cho dân bản xứ (15, 1-38). Bài đọc Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho con gái một bà Canaan ở vùng này. Có thể nói đây là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở bên ngoài đất Galilê của Do Thái, trong lúc Người đang tiến về Tyr và Sidon vùng đất dân ngoại. Từ lúc Đức Giêsu chịu phép rửa cho đến Mt 15,20, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu là xứ Galilê. Thời gian khởi đầu này, Người đã giảng ba bài giảng lớn và làm nhiều phép lạ; và người ta lũ lượt kéo đến với Người. Sự thành công bề ngoài đó không làm cho Đức Giêsu vui, vì người ta đến với Người chỉ để hưởng phép lạ, vì ăn no kể cả có mưu đồ chính trị (x. Ga 6,15). Họ chẳng quan tâm gì tới các giáo huấn của Người. Họ hưởng phép lạ nhưng họ chẳng tin; Trong khi đó dân ngoại lại tỏ lộ lòng tin (x. Mt 8,10; 15,28) và dân ngoại khi hưởng phép lạ đã tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa của Israel (x. Mt 15,31; Lc17,18). Ngay cả nhóm môn đệ thân tín, được hưởng nhiều ưu đãi (x. Mt 13,10.16), đã từng thưa với Đức Giêsu rằng họ “hiểu” những lời Người dạy và được Đức Giêsu khen ngợi (x. Mt 13, 51-52). Ấy vậy mà đức tin của họ vẫn còn “ngu tối” (x. Mt15,16). Như vậy việc giáo dục đại trà cho đám đông coi như thất bại. Sự cứng tin của người Do Thái khiến Đức Giêsu phải tạm rút lui vào những vùng hoang địa riêng biệt (x. Mt 14,13) hoặc lánh qua vùng đất dân ngoại (15,21). Nhưng thật bất ngờ thay, với sự hiện diện của Đức Giêsu thì “hoang địa”, “đất dân ngoại” lại trở thành nơi tràn đầy ân phúc: phép lạ nhân bánh (Mt 14,13-31) và loạt phép lạ mà Đức Giêsu sắp làm cho dân ngoại (Mt 15, 21-39). Tất cả những gì Đức Giêsu làm cho dân Chúa thì Người cũng thực hiện cho dân ngoại kể cả phép lạ hóa bánh ra nhiều lần (lần thứ hai: Mt15, 32-39). Tình trạng này vọng lại một thực tại đáng buồn thời các tông đồ nhất là đối với Phaolô: người Do Thái chối từ đức tin nên các tông đồ phải đem Tin Mừng đến cho dân ngoại (x. Cv 13,46-47).

      Thất bại với đám đông, Đức Giêsu đang từng bước một tách rời các môn đệ ra khỏi “men” của đám đông, lẫn “men” Pharisêu và Xađốc (x. Mt 16,6). Người đang chuẩn bị tỏ bày căn tính thiên sai cho các ông (x. Mt 16,13-31). Và bắt đầu “từ lúc đó” (Mt 16,21), Đức Giêsu đưa các ông vào “giáo trình” đào tạo của Thập Giá: Người mặc khải con đường Thập giá và phục sinh đồng thời đòi buộc các ông cũng phải trải qua lộ trình đó(x. Mt 16,21-28). Tuy nhiên quá trình đào tạo còn dài, phải đến lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống thì các ông mới nếm cảm được “giáo trình Thập Giá” của Đức Giêsu.

       Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc Đức Giêsu dẫn đoàn môn đệ ra khỏi đất Do Thái tiến về thành Tyr và Sidon của dân ngoại và trên lộ trình này, Đức Giêsu gặp một phụ nữ Canaan, dân ngoại, cũng đang đi ra khỏi vùng đất của bà để tìm Đức Giêsu và nài xin một ân huệ. Và Đức Giêsu đã thi ân cho bà.

      Phép lạ ở đây, cũng như phép lạ cho viên sĩ quan ở Mt 8,10 đều khởi sự bằng một lời van nài, sau đó là đối thoại và cuối cùng Đức Giêsu đồng ý thực hiện phép lạ theo ý người xin và thực hiện “từ xa” chứ không gặp trực tiếp bệnh nhân vì trong hiện tại Đức Giêsu “chỉ được sai đến với các chiên lạc Israel” thôi (15,24). Tuy vậy chính lòng tin chuyển núi dời non của họ (x. Mt 17,20: giống như trường hợp của Tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã làm phép lạ sớm vì lòng tin của Đức Mẹ: Ga 2,3-5) đã khiến cho Đức Giêsu thực hiện phép lạ. Và khi thực hiện phép lạ cho họ, Đức Giêsu khen: tin thế nào thì được như vậy (x. Mt 8,13; 15,28). Chính đức tin làm dân ngoại hưởng sớm ân huệ thời thiên sai.

CẤU TRÚC Mt 15, 21-28

1/ Khung cảnh nền của trình thuật (cc.21-22a)

          Đức Giêsu vừa tranh luận xong với người Do thái. Ngài trách họ thờ Chúa chỉ trên môi miệng mà chẳng có tấm lòng, tức không tin thật và Người hủy bỏ luật sạch dơ về lương thực theo truyền thống.

          *Đức Giêsu “rời khỏi đó”: tức rời khỏi vùng đất Do Thái và đang trên đường hướng về đất dân ngoại là Tyr và Sidon. Cũng có thể hiểu là rời bỏ não trạng do Thái phiệt, vụ luật mà Người vừa trách họ trong hai trình thuật trước.

          * Người đàn bà Canaan: “ở miền ấy đi ra” nghĩa là bà ta cũng rời bỏ miền đất dân ngoại của bà để tiến về phía Đức Giêsu.

2/ Đức Giêsu và người phụ nữ gặp nhau nhịp thứ nhất (cc.22b – 23a)

          * Bà kêu xin cứu giúp

          – Danh xưng Đức Giêsu: kuriê: lạy Chúa – “Con vua Đavit”

          – Nội dung: “xin dủ lòng thương tôi” – Êlêeson mê

                             “con gái tôi bị quỷ ám…”

          * Phản ứng của Đức Giêsu: Im lặng

          * Bà tiếp tục kêu nài (c.23a)

3/ Đức Giêsu và môn đệ đối thoại xen vào giữa: Mặc khải đối tượng của sứ vụ Đức Giêsu (cc.23b – 24):

* Can thiệp của môn đệ: LẠI GẦN và XIN Đức Giêsu “bảo bà ấy về đi”

          * Lý do xin: vì bị quấy rầy “bà ấy cứ theo sau kêu mãi”

          *Mặc khải của Đức Giêsu: “Thầy chỉ được sai đến với con chiên lạc nhà Israel thôi”.

4/ Đức Giêsu và người phụ nữ gặp nhau nhịp 2 (cc.25 – 28ab)

          *Thái độ của người phụ nữ: BÁI LẠY

                                                – Kêu cứu: Kuriê, xin cứu giúp tôi.

          * Đáp trả của Đức Giêsu: “không lấy bánh…chó con”

          * Phản ứng của người phụ nữ:

          – Xác nhận lời Đức Giêsu

          – Tiếp tục xác tín Người là Chúa = Kuriôs

          – Lòng tin lớn lao và khiêm tốn sẽ được thông phần ơn cứu độ: chỉ cần chút vụn bánh cũng đủ rồi…

5/ Kết quả: con gái bà được khỏi.

          Sứ điệp khá rõ: ơn cứu độ là phổ quát cho mọi người. Đó là hoa trái trước tiên,  của lòng nhân hậu từ ngàn đời của Thiên Chúa muốn cứu toàn thể tạo thành của Người; kế đến, đó cũng là hoa trái của tâm thành nhân loại muốn tín thác vận mệnh mỏng dòn, khổ đau của mình vào lòng nhân hậu Chúa, bất chấp những thử thách cản trở bên ngoài, bên trong do tâm lý, tự ái dân tộc, tập tục, luật lệ, thành kiến… Trong Đức Kitô mọi biên gới, thành kiến, truyền thống hạn hẹp… đã bị phá vỡ. Tính phổ quát của ơn cứu độ được tỏ lộ công khai, chính thức.

SUY NIỆM

ĐỨC GIÊSU “RA KHỎI ĐÓ”, người phụ nữ “Ở MIỀN ẤY ĐI RA”: phép lạ đã xảy ra trong bối cảnh của hai cuộc RỜI BỎ.

          -Đức Giêsu, theo nghĩa địa lý, rời bỏ vùng đất Do Thái bờ tây (x.14,34) để tiến qua vùng đất dân ngoại là Tyr và Sidon. Người chưa tới nơi, đang trên đường… Nhưng theo văn mạch ta có thể hiểu là Đức Giêsu rời bỏ cái mù quáng, ràng buộc khắt khe, phi nhân mà Do Thái gắn cho Luật như Matthêu đã trình bày trong hai trình thuật trước. Và về mặt thần học có thể xem đây là khúc dạo đầu của thực tại đáng buồn là “dân Do Thái từ chối ơn cứu độ thì dân ngoại được hưởng” (CGKPV TÂN ƯỚC 111 “q”). Tuy nhiên đây không phải là ý nghĩa trong Mattheu: Chúa không bỏ dân Người, họ vẫn được ưu tiên (c.24).

          – Người phụ nữ cũng phải đi ra khỏi vùng NGOẠI BANG của mình, nghĩa là sẵn sàng bỏ đi những não trạng, lối suy nghĩ, chuẩn mực cũ để có thể tiến về và gặp được Chúa Giêsu. Việc bà dám “bỏ”  vùng đất ngoại bang – như Abraham xưa – để tiến về Đức Giêsu đã là khởi đầu cho ơn chữa lành mà con gái bà sắp được hưởng.

          Một nét đáng lưu tâm: bản văn không nói người phụ nữ mang theo đứa con bị bệnh, bà để nó ở nhà, nghĩa là ở vùng đất dân ngoại. Như vậy ngay trong vùng đất của tà thần, đã có người thoát khỏi vòng vây của quỷ nhờ lòng tin của mẹ nó và nhờ quyền lực cứu độ của Đức Giêsu. Vậy dù Đức Giêsu chưa đặt chân lên đất Tyr – Sidon (chưa tới lúc chính thức công khai thực thi sứ vụ cứu độ cho dân ngoại), nhưng quyền năng cứu độ của Người cũng đã ngự trị giữa họ. Đó là bước khởi đầu cho việc Tin Mừng sẽ được loan đi rộng rãi khắp trần gian. Cũng như Abraham đến khi chết ông cũng không thấy một dân đông đúc, tuy nhiên qua người con “duy nhất” là Isaac, ông an tâm xác tín rằng ông sẽ có một dòng dõi đông đúc.

          Một lưu ý nữa: Mattheu không đưa ra yếu tố hay thông tin nào để chuẩn bị trước cho cuộc gặp gỡ này. Làm sao bà ngoại giáo này biết được Đức Giêsu để mà tìm đến? Làm sao bà biết được Người đã “RA KHỎI ĐÓ” để mà có thể “Ở MIỀN ẤY ĐI RA” đúng lúc, đúng hướng để gặp Người giữa đường? Đây hẳn là một sắp xếp theo thần học Mattheu.

          Chắc hẳn từ lâu bà đã nghe nói về Người (x.Mt 4, 24-25: trong phận phàm nhân giới hạn, Đức Giêsu chưa tới ngay được vùng đất dân ngoại, nhưng không loại trừ dân ngoại khỏi sứ vụ CỨU THẾ của Người), cùng hướng lòng về Người, mong đợi Người, khao khát gặp gỡ. Và rồi khi đụng chuyện – con gái bị quỷ ám – bà nhớ ngay đến Người và bỏ ngay vùng đất dân ngoại để lên đường tìm Đức Giêsu. Bất ngờ thay sự từ bỏ của bà lại trùng hợp với sự “ra khỏi đó” của Đức Giêsu (đúng là quan phòng): bà vừa ở “miền đó đi ra” thì gặp ngay Đức Giêsu trước mặt để trợ giúp bà, để chứng nhận lòng tin của bà, củng cố nó và cho nó sinh hoa kết trái là ơn cứu độ giải thoát con bà khỏi quỷ. Hơn nữa, ơn bà được còn là bước mở đầu của hàng loạt những ơn khác cho dân vùng phụ cận khi họ kéo đến với Người: họ được cứu cả xác lẫn hồn, “họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel” (15, 29-31), họ cũng được hưởng “Manna mới” (15, 32-38). Tóm lại, tất cả những gì Người thực hiện cho Israel thì ở đây Người cũng mở rộng ra cho toàn thể dân ngoại. Dù đã công khai tuyên bố sứ mạng của mình chỉ là đến với chiên lạc nhà Israel, ngay từ sinh thời, Đức Giêsu cũng đã thực hiện ơn cứu độ phổ quát cho dân ngoại. Tất cả chỉ vì Người là Thiên Chúa chạnh lòng thương đám dân bơ vơ, nên tất cả những ai đến với Người, gắn bó với Người cách nào đó, đều được người đáp cứu.

* “Lạy Ngài” Kuriê: danh xưng dành cho Thiên Chúa Yavê của Kinh Thánh Hy Lạp bản LXX. Chắc chắn lúc gặp Đức Giêsu, bà dân ngoại không thể biết Người là CHÚA được. Tuy nhiên trong thần học và văn mạch của Mattheu, ta có quyền hiểu nghĩa này. Thật vậy, trước đó, các môn đệ đã tuyên xưng, bái lạy Người là con Thiên Chúa (14,33) và sau đó là tuyên tín của Phêrô và Đức Giêsu lập Giáo Hội (16,13-19).

“Con vua Đavit”, và theo Mt 1,1, cũng là “con Abraham”: đây là một tước hiệu của Đấng Mêsia Do Thái, nơi Người Thiên Chúa hoàn tất mọi lời hứa cho các tổ phụ, cho tuyển dân. Thời ân sủng cánh chung đã tới… dưới ngòi bút Mattheu, qua danh xưng này, bà ngoại giáo minh nhiên công nhận Đức Giêsu là người Do Thái và quyền ưu tiên của người Do Thái trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cái nhìn này giúp bà dễ đón nhận và hiểu được lời có vẻ khinh mạn của Đức Giêsu ở câu 26.

“ Xin thương xót” KURIÊ ÊLÊESON; La Tinh: Kyrie eleison

Tiếng cộng đoàn phụng vụ kêu lên cùng Đấng Phục Sinh trong niềm tôn thờ Người là Thiên Chúa. Vậy qua lời cầu cứu, Mathêu gán cho phụ nữ này lòng tin trọn vẹn của một tín hữu Kitô. Người Kitô hữu dù là dân ngoại đều nhìn nhận Đức Giêsu là Mesia Con Đavit, đồng thời tôn thờ Người như Thiên Chúa ngang bằng Yavê. Điều này xác nhận ơn cứu độ đến từ Israel, tuyển dân được ưu tiên nhưng dân ngoại cũng được thông phần. Chuẩn mực xét đoán là Đức Giêsu, vừa là con Đavit, con Abraham (1,1) vừa là “ Thiên Chúa – ở -cùng- chúng ta” (1, 23; 28, 18-20).

* Đức Giêsu không đáp lại một lời: có nhiều cách giải nghĩa thái độ im lặng của Đức Gieessu.

– Im lặng để thử lòng tin của bà ngoại đạo này. Thử thách mỗi lúc một nặng hơn: – im lặng

    – khước từ gián tiếp qua câu 24 trả lời cho sự cầu xin của môn đệ

    – khước từ thẳng thừng bằng câu nói kỳ thị, khinh miệt. Và cuối cùng, Người lại khen đức tin của bà mạnh thật và cứu con gái bà. Nếu hiểu như vậy thì lối thử thách này hơi ác: chà đạp, hạ giá người ta đến tận cùng rồi mới ban cho một ơn. Điều này đi ngược lại với lòng nhân hậu và ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Do đó, có đề nghị một cách hiểu khác.

– Cũng sử dụng 3 yếu tố trên, nhưng quy về việc Đức Giêsu phải tôn trọng sứ vụ mà Người nhận được từ nơi Cha. Đó là phần Người, lúc còn tại thế, chỉ thi hành sứ vụ cho các chiên lạc nhà Israel thôi. Những đáp cứu cho dân ngoại là những ngoại lệ như là những hé mở cho thấy dự tính của Chúa trong tương lai. Đừng quên Chúa muốn thực hiện ơn cứu độ trong dòng lịch sử nhân loại, nghĩa là phải có kế hoạch trước sau, không đốt giai đoạn được. Vậy thái độ im lặng của Đức Giêsu là muốn cho qua, không để dây dưa vào vụ này. Người đã gặp rắc rối một lần vì trừ quỷ cho hai người dân ngoại trong vùng đất của dân ngoại: quỷ kêu ca với Người là “chưa tới lúc” (x. 8,29). Vì “chưa tới lúc” nên người ta dù được hưởng ơn cũng chưa đón nhận được Người (8, 34), hoặc họ đón nhận theo kiểu dân ngoại của họ (x. Cv 14, 8-13) thì thần tính của Người bị hiểu sai, bị lộ diện sớm trước khi Thập Giá xuất hiện thì đó là cơn cám dỗ chết người. Tuy nhiên thỉnh thoảng Chúa cũng làm một cử chỉ ngoại lệ nếu điều ấy thật sự mang lại lợi ích cứu rỗi cho con người. Tất cả là vì yêu, vì ơn cứu độ của con người.

*“Xin Thầy bảo bà ấy về vì…” chắc bà ta kêu gào dữ dội và liên tục đến độ các môn đệ chịu không thấu nên phải xin Đức Giêsu giải quyết vấn đề cho rồi để yên thân. Ở gần Thầy, thì cũng thấm nhiễm phần nào tinh thần của Thầy: các môn đệ cũng động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của người mẹ bất hạnh biểu lộ qua tiếng gào thét kêu ca cầu cứu liên tục cảu bà, nên họ mới nài xin Đức Giêsu (hàm ý chữa lành cho con bà); Tuy nhiên động lực thúc đẩy họ hành động chưa tinh tuyền, còn mang tính vị kỷ, làm cho xong cho yên thân. Một động lực vị kỷ như vậy sẽ không đủ sức thúc đẩy, vực họ dậy để hoàn tất được sứ mạng truyền giáo cứu thế mà sau này Đấng Phục Sinh sẽ trao ban cho họ. Các ông chưa chịu đối đầu với Thập Giá (ở đây cụ thể là kiên trì chấp nhận sự quấy rầy để dần tìm ra phương thức thích hợp nhất cho hoàn cảnh cụ thể sao cho phù hợp với ý CHA) mà chỉ muốn hưởng ngay hoa trái của Phục Sinh thôi (thí cho bà ta một phép lạ cho xong, yên thân!). Điều này được Matthêu nói rõ trong chương 16 (Phêrô tuyên tín nhưng ngay sau đó bị Chúa mắng là Satan và từ chối Thập Giá) và chương 17 (Hiển Dung, đòi ở lại luôn trên núi, còn Chúa, Chúa bắt xuống núi để vác Thập Giá). Nhưng rồi nét tiêu cực ấy lại là dịp Chúa mặc khải cho môn đệ tính tiệm tiến, chấp nhận bị điều kiện hóa bởi không gian và thời gian của Ơn cứu độ.

*“Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel thôi”: trong thân phận giới hạn phàm nhân, trọng điểm của sứ mạng Đức Giêsu là chiên lạc nhà Israel. Điều này không hàm ý là bỏ dân ngoại. Thật vậy khi còn bị giới hạn trong xác phàm, Đức Giêsu ra lệnh cho môn đệ cũng chỉ chăm lo cho Israel, cấm vào Samari và nơi dân ngoại (x. 10, 6); Nhưng đến khi phục sinh thì sứ mạng mở rộng cho toàn thế giới (28, 18 – 20).

      Việc giới hạn sứ mạng được mô tả bằng hai yếu tố đan lại với nhau: – động từ “được sai đến” ở thể thụ động. Vậy đây là cách diễn tả quen thuộc của Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa là chủ từ của động từ này. Đây là ý định từ xưa của Thiên Chúa. – “Chiên lạc nhà Israel” gợi lại hình ảnh mục tử qui tụ đàn chiên mà Chúa đã hứa trong Ed 34, 23: vào thời cuối cùng Chúa đích thân can thiệp sai vị Mesia – Mục Tử đến tập họp chăn dắt đàn chiên Chúa. Câu đáp của Đức Giêsu hàm ý: thời điểm ấy đã tới rồi; Vị Mesia – Mục Tử chính là Đức Giêsu và hơn nữa phải ngầm hiểu Người còn là Yavê-Mục tử. Vậy “đi đến với chiên lạc nhà Israel” là bước đầu của sứ mạng của Người trong chương trình của Cha:

Nhịp một, nòng cốt là quy tụ Israel, sau đó mới làm “ánh sáng cho muôn dân”(x.Is 49,5-6). Lẽ ra thì phải xong chuyện một thì mới tới chuyện hai, nhưng vì sự tự do của con người có thể khước từ ơn Chúa và Chúa tự Người không bị hạn chế trong bất cứ yếu tố trần thế nào, nên sự cứng lòng của Do thái đã là dịp để người dân ngoại hưởng sớm, trước thời hạn, ơn cứu độ.

*Phản ứng của người phụ nữ:  Câu 24 là Chúa nói cho môn đệ. Thế nhưng khi nghe lời ấy, người phụ nữ đã có phản ứng quyết liệt, tích cực:

– Bái lạy: hành động mô tả thái độ phụng thờ, thần phục của phàm nhân trước sự hiện diện của Chúa (x.Mt2,2-8-11.14,23;28.9.17).

– tiếp tục kêu cứu với tước hiệu KURIÊ. Không nhắc tới “Con vua Đa vít” là tước riêng của Mêsia Do Thái. Mà kín đáo từng bước một trong trình thuật này mở ra khía cạnh phổ quát khi bỏ đi tước Mêsia-Đa vít trong lời cầu cứu thứ hai của người phụ nữ. Bà như muốn tách việc cứu con bà ra khỏi sứ mạng hiện tại của Đức Giêsu: Bà muốn nhìn nhận Người là Thiên Chúa mà không cần phải đi theo lộ trình đức tin của Israel.

Đức Giêsu không chấp nhận cái nhìn phi lịch sử này: Ơn cứu độ phải diễn ra trong dòng lịch sử cách tiệm tiến, qua từng gia đoạn một. Có thể sớm hơn chậm hơn tùy giai đoạn, tùy phản ứng con người, nhưng không thể đốt giai đoạn: đoa là ý chính câu 26.

*“không nên lấy bánh…ném cho chó con”: Câu đáp này của Đức Giêsu và lời hạ mình cầu xin của người phụ nữ: “chó con cũng được ăn mảnh bánh vụn từ bàn chủ” cho thấy hồng ân bà được cũng là một phần ân huệ Chúa ban cho tuyển dân, không tách dân ngoại ra khỏi Do Thái được. Không có hai ơn cứu độ, chỉ có một.

Đức Giêsu như nặng lời và không chịu nói trực tiếp ý định Thiên Chúa cho người phụ nữ, mà từng bước một Người dẫn bà tới chỗ ngộ ra chân lý: nếu bà muốn hưởng ơn cứu độ của KUR’IÔS Giêsu thì phải tin, gắn bó với Người như là Yavê-Mục tử kể cả như Mêsia – Mục tử, con Đa vít, của Israel. Nói cách khác ơn cứu độ do Đức Giêsu mang đến có dây mơ rễ má không phân ly được với Do thái giáo, “vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái” (Ga 4, 22c). Chi tiết này nhằm điều chỉnh một sai lầm đang lưu hành trong cộng đoàn Mathêu là các Kitô hữu dân ngoại đã rơi vào thế cực đoan là coi thường lễ luật Do thái ( không buộc phải cắt bì, giữ sa bát, sạch dơ-văn mạch: đoạn đi trước là Đức Giêsu bỏ luật sạch dơ về thức ăn) qua đó gián tiếp coi thường Cựu  Ước, coi nhẹ chương trình cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện trong giai đoạn Do Thái giáo…Cái nhìn cục bộ này là sai lệch đường lối của Thiên Chúa, Mathêu cần phải nhắc nhở (x.Mt5-6 nhất là 5,17). Trong văn mạch gần: hai trình thật trước Mathêu nhắc các Kitô hữu gốc Do thái đừng quá vụ luật; còn trình thậu này nhác Kitô hữu gốc dân ngoại đừng coi thường lề luật, chối bỏ cội nguồn Do Thái giáo của đức tin mình). 

Trong bối cảnh trên, ta không thể hiểu câu 26 là một lời khinh mạn. Đức Giêsu sử dụng một thành kiến Do Thái đối với dân ngoại thịnh hành thời đó mà dân ngoại khó lòng chấp nhận được để nói lên một sự thật lịch sử trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (xem lại Ga 2, 22c),và mời gọi người phụ nữ (tức dân ngoại) chấp nhận sự thật đó với tất cả những méo mó do tội lỗi gây ra (phân biệt con cái/chó con). Giờ đây, đã tới lúc phải hủy bỏ đi những méo mó, kỳ thị tai quái đó và giữ lại cái tinh tuyền của “thời gian tính” của ơn cứu độ. Việc hủy bỏ ấy được Đức Giêsu thực hiện ngang qua thái độ cuối cùng của Người đối với người phụ nữ Canaan: chữa lành con gái bà. Nghĩa là Đức Giêsu đã phá lệ, lấy “BÁNH DÀNH CHO CON CÁI” mà ban cho người dân ngoại này. Phải chăng Mathêu hàm ý Đức Giêsu đã xóa bỏ kỳ thị, nâng dân ngoại lên hàng con cái, cho ăn trọn cái bánh chứ không chỉ mảnh vụn. Quả đúng vậy, điều này Mathêu sẽ nói rõ trong trình thuật nhân bánh lần 2, rõ ràng là được làm cho dân ngoại, trên vùng đất của họ.

Cuộc đối thoại (15, 26-28) chỉ có thể hiểu đúng trong văn mạch của 2 cuộc nhân bánh (được dùng làm bao hàm cho khối phép lạ thứ 2 – khối 1 là Mt 8-9 trong Mathêu): từ nay dân ngoại hoàn toàn bình đẳng với Israel trong việc hưởng nhờ ơn cứu độ. Cả 2 đều được ăn cùng tấm bánh do Đức Giêsu bẻ ra nuôi sống họ trong bối cảnh họ đi theo Người để nghe Lời Người. Đây cũng là thâm ý của Mathêu khi dùng chữ BÁNH (để nối với 2 lần nhân bánh) chứ không dùng 1 chữ gì khác trong cc. 26-27. Điều này khiến chúng ta phải nghĩ đến hậu ý của Mathêu: trình thuật này là một cách thức báo trước THÁNH THỂ mà Đức Giêsu sẽ lập làm lương thực nuôi muôn dân không kỳ thị bất kỳ ai; điều kiện để được hưởng: tin, nghe Đức Giêsu. Với Thánh Thể, tất cả Do Thái hay dân ngoại đều hiệp nhất trong đó, đều là CON THIÊN CHÚA, không còn ai là “ chó con” nữa.

Vậy lời Đức Giêsu ở câu 26 không phải là lời nói ra để khinh thị mà để nhắc lại một sự thật, đồng thời tẩy đi nét khinh thị, trả lại cho sự thật ấy nét tinh tuyền của nó: ơn cứu độ phải qua trung gian Do Thái giáo. Từ nay, Thánh Thể là hoàn tất manna, là cách Thiên Chúa thực hiện việc nuôi dân vĩnh viễn. Cũ, mới hài hòa trong Thánh Thể. Với Thánh Thể, tất cả nhân loại đều là CON.

* “ Này người đàn bà (ho gunai) đức tin của bà lớn thật”: câu đáp của người phụ nữ (c. 27) cho thấy bà ta đã hiểu và chấp nhận dự tính của Thiên Chúa. Đó là lý do Chúa khen đức tin của bà lớn lao. Đức Giêsu không khen bà với tư cách bà là một cá nhân (không dùng đại từ nhân xưng ngôi 2 số ít: YOU – VOUS) mà với tư cách tập thể qua việc gọi bà bằng 1 danh từ chung dùng chỉ toàn thể nữ giới (gune = người phụ nữ). Cách nói này thường gặp trong các Tin Mừng diễn tả việc Đức Giêsu sắp can thiệp làm theo ý người đối thoại (x. Ga 2,4; 4, 21) và kết quả là nhiều người khác đã được lôi kéo tin vào Đức Giêsu (x. Ga 2, 11b; 4, 39-42). Ở đây, qua trình thuật tiếp theo, Mathêu cho thấy dân ngoại kéo đến hưởng ân lộc của Đức Giêsu và kết quả là họ đã “tôn vinh Thiên Chúa Israel” (15,31).

Đức tin của bà lớn không hẳn vì bà tin con bà sẽ được cứu, nhưng nó lớn thật. Đức tin đó, người phụ nữ đó (ho gurai) đã được Đức Giê-su coi như là mẫu mực cho đức tin mà dân ngoại phải có trong tương quan với Người và với ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã định sẵn từ muôn thuở. Đức tin ấy như một mẫu mực được Chúa tuyên dương, một cửa ngõ được Chúa mở ra để dân ngoại có thể noi theo đó mà đến với Người, với ơn cứu độ “Đức tin bà lớn thật”  là vì bà đã hoán cải đón nhận như nó là chương trình cứu độ tiên tiến của Thiên Chúa trên vũ trụ, trên Israel, trên dân tộc bà và trên gia đình, con gái bà. Bà là điển hình của các Ki-tô hữu gốc dân ngoại. Đó là bài học cho các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay. Đức tin ấy thật tuyệt vời giúp chúng ta sống tinh thần đại kết với Do thái giáo.

        Thật vậy, một khi sống thật đức tin công giáo chúng ta không thể không ca ngợi Thiên Chúa của Israel. Một minh họa: Kinh Phụng vụ Giáo Hội đang dùng và nhận làm của mình chính là bộ Thánh Vịnh, kinh nguyện của Do Thái giáo. Giáo Hội và chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Israel vì Người đã thực hiện  một kỳ công to lớn là các tiền nhân Israel có được những tâm tình tôn giáo thật tuyệt vời để cầu nguyện cùng Thiên Chúa, và một trong những “miếng vụn” của tâm tình ấy còn rơi xuống đến chúng ta là Bộ Thánh Vịnh. Nhờ những “miệng vụn bánh” ấy mà đời sống thiêng liêng, gắn bó với Thiên Chúa của Giáo Hội được phong phú như hôm nay và còn mãi cho đến tận thế.

* “Bà muốn sao thì được như vậy” (x. câu 28b).  Ở đây Mathêu không đưa ra một can thiệp trực tiếp của Đức Giê-su liên quan tới con bệnh: Người không chữa lành từ xa;  Người không nói Đức tin đã cứu con; Người không bảo hãy về đi con bà đã khỏi bệnh… Người lại nói “bà muốn sao được vậy” Sống hay chết là tùy bà. Chúa trao lại cho bà quyền chữa lành, quyền làm ơn cứu độ sinh hoa trái nơi con gái bà. Bà thực sự là trung gian cứu độ giữa Đức Giêsu là Đấng (nguồn) cứu độ và con bà đang bị quỷ ám. Phải chăng dưới ngòi bút Mathêu, bà là hình ảnh biểu tượng của Giáo Hội gốc dân ngoại.

          Đó là chiều kích cánh chung và Giáo Hội của câu 28b. Thật vậy, đoạn này gợi lên  Mt 25, 14-30: Vào thời cuối cùng tức là khoảng thời gian nằm giữa biến cố ông chủ “sắp đi xa” (x. câu 14: ám chỉ cuộc thăng thiên của Đức Giê-su) và biến cố ông “đến và thanh toán sổ sách” (câu 19 ám chỉ Quang Lâm); Tùy ý mình ông chủ sẽ giao cho các tôi tớ mỗi người một số vốn, kẻ nhiều, người ít (tương đương yếu tố kẻ làm con/chó con trong Mt 14, 27); Thế nhưng khi ông “đến và thanh toán sổ sách” thì chuẩn mực để xét xử không phải nhiều hay ít nhưng là dựa vào chính ý nghĩ, thái độ của mỗi người tôi tớ trong tương quan với ông. Ai chấp nhận số vốn ông cho dù nhiều ít và sinh lợi đều được thưởng (chi tiết này thì bên Luca 19,11-26 hợp lý hơn: Tất cả mỗi người nhận một nén vốn như nhau; kết quả người lời mười hay lời năm đều được thưởng tương xướng… chi tiết này của Luca hợp với tính khách quan của Hy-lạp; còn Matthêu thì dựa trên tâm tình chủ quan của dân được chọn cho rằng mình được ưu tiên hơn, lãnh phần nhiều hơn, có công với Chúa hơn vì mình làm vườn từ sớm: Mt 20, 22. Thế nhưng Matthêu nhấn mạnh: Kết quả cuối cùng, công lao là tùy ý Chủ, ông muốn thưởng hay cho ai là tùy ông và không ai bị thua thiệt cả: dù là làm giờ đầu hay giờ chót, dù là con chó con đều được hưởng trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Có chấp nhận được lối xử sự như thế của Chúa hay không? Cần phải có “ Đức tin lớn thật” mới chấp nhận được, (bằng không sẽ phản ứng như người thợ làm giờ thứ nhất!), được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ai biếng nhác, nghĩ rằng ông chủ là người khắc nghiệt, bất công không chấp nhận đường lối ông chủ, so đo hơn thiệt rồi đem chôn nén bạc của mình thì chính ý nghĩ của người ấy sẽ trở thành án phạt giáng xuống đầu anh ta. Đối với người phụ nữ ở đây cũng vậy: “ Bà muốn sao được vậy”. Và vì “đức tin của bà lớn thật” nên con bà được chữa lành; và còn hơn thế nữa. Dưới ngòi bút Mathêu, đức tin ấy, việc chữa lành ấy lôi kéo luôn đám dân ngoại vào hưởng ân lộc Chúa: họ đã ca tụng Thiên Chúa Israel và được ăn bánh từ trời như dân riêng Chúa chứ không chỉ hưởng vụn bánh nữa. Lúc đó, ơn cứu độ đã hoàn tất. Đó là chiều kích cánh chung và giáo hội của các trích đoạn.

TÓM KẾT:

        Trong văn mạch Mathêu, trình thuật này trình bày 2 chủ đề tưởng chừng trái nghịch, mâu thuẫn nhau. Thực ra đó là hậu quả tồn tại của việc Thiên Chúa chọn thực hiện ơn cứu độ của Chúa ngang qua dòng lịch sử loài người tội lỗi, và Thiên Chúa kiên tâm theo đuổi đến cùng dự tính của Người, chấp nhận hậu quả và kiên trì tái thiết.

– Một mặt, sứ mạng của Đức Giêsu vẫn dành ưu tiên cho người Do Thái. Người không loại bỏ họ dù họ cứng lòng đến nỗi thà để họ giết hơn là bỏ họ.

– Mặt khác, Người lại dùng chính sự cứng lòng của họ để tạo dịp SỚM (trước thời hạn) đưa dân ngoại vào hưởng ơn cứu độ.

Tuy nhiên, trong ý hướng phụng vụ, nối kết với bài đọc 1, thì chủ đề 2 liên quan tới tính phổ quát của ơn cứu độ nổi bật hơn. Một người phụ nữ dân ngoại, nhưng đầy lòng tin vào Đức Giêsu đã có thể thông ban sự sống quyền năng cứu độ của Đức Giêsu cho con gái bà. Dù còn nằm trong vùng đất của quỷ (thờ tà thần), con bà đã được thoát khỏi bàn tay của quỷ. Chính lòng tin, chứ không phải huyết nhục, luật lệ hình thức, đã mở ra cánh cửa cứu độ: bà đã dám rời bỏ vùng đất tà thần, ra đi tìm Đức Giêsu; bà đã thờ lạy Người như một vị Thiên Chúa, như mục tử – Yavê của Israel; bà dám chấp nhận sự thật dù phũ phàng, tủi nhục nhất thời để tiếp tục gắn bó với Đức Giêsu như KURIÔS, đón nhận dự tính cứu độ của Thiên Chúa. Kết quả là dù còn nằm trong đất quỷ, con của bà đã được khỏi quỷ ám và bà được Chúa khen là mẫu mực của lòng tin.

Còn chúng ta hôm nay? Tin Mừng đã được mang tới tận nơi chúng ta ở. Đức Giêsu đã hạ mình đến tận tâm hồn mỗi người chúng ta qua bí tích Thánh Thể, Lời Chúa, Giáo Hội. Chúng ta có dám rời bỏ những thành kiến, não trạng hẹp hòi, kỳ thị, ganh tỵ, so đo, thụ hưởng, kiêu căng…của mình chăng? Ơn cứu độ đã có sẵn, chỉ đợi chúng ta mở rộng lòng như phụ nữ Canaan để đón nhận hồng ân như ý Chúa muốn.

Frère Pierre Đình Long FSC