CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Gr 38, 4 – 6, 8 – 10; Lc 12, 49 – 53
Chủ để: Sứ vụ và số phận những người dám can đảm nói lên sự thật.

* Gr 38, 4: … xin vua cho giết Giêrêmia đi vì … con người ấy chẳng mưu hòa bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa

* Lc 12, 49:   Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất …
                     Thầy còn một phép rửa phải chịu …

   Lời Chúa của Chúa Nhật XX C Mùa Thường Niên trình bày cho chúng ta một thực tại đau lòng trong đời sống tôn giáo: những ai trung thành với Thiên Chúa, dám can đảm nói lên sứ điệp của Thiên Chúa cho con người thì sẽ bị những kẻ cứng lòng chống đối và tìm cách bách hại. Tại sao? Bởi vì Lời Chúa đụng đến những quyền lợi phù vân đưa tới cái chết, đụng tới sự an toàn giả tạo do họ dựng nên chung quanh họ … nên họ phản kháng tìm cách phủ nhận Lời Chúa. Nhưng vì sự thật thì cứ sờ sờ ra trước mắt, cho nên cách thức hay nhất để trốn tội là tìm cách BỊT MIỆNG những ai dám nói lời Thiên Chúa cho họ.

   Thật vậy, từ khi tổ tông phạm tội, phản ứng của tội nhân luôn là: tìm che đậy tội lỗi xấu hổ của mình (x. St 3, 7), sợ hãi Thiên Chúa không dám gặp mặt Người (x. St 3, 8), cố gắng tìm an toàn cho bản thân bằng cách đổ tội cho kẻ khác (x. St 3, 12 – 13). Để cứu con người khỏi nguy cơ diệt vong, Thiên Chúa đã đi bước trước tìm đến với con người, nói cho con người biết phải đón nhận sai trái của mình (x St 3, 9 – 11); Chúa dùng ân sủng che đẩy cái xấu hổ của họ (x. St 3, 21); Và quan trọng nhất, Chúa ban cho con người “Đấng Đạp Đầu Rắn” (x. St 3, 15). Tóm lại. chỉ trong Thiên Chúa, con người mới được hồi sinh.

   Bắt đầu từ đó, con người lóe lên ánh sáng hi vọng. Kể từ đó, con người lao vào cuộc chiến đấu mới, chọn lựa số phận sống hay chết cho chính mình: hoặc là tiếp tục trốn chạy Thiên Chúa, phủ nhận tội mình, đổ lỗi hãm hại tha nhân; hoặc là quay về lại cùng Thiên Chúa, nhìn nhận sai trái của mình, lắng nghe Lời Chúa qua những con người Chúa gởi đến với chúng ta. Có thể nói, công việc chính của ân sủng Chúa là ngăn chặn việc trốn chạy của con người, là miệt mài đem sứ điệp cứu độ cho nhân loại.

   Sứ điệp cứu độ được Chúa trao cho nhân loại qua các thừa tác viên Chúa chọn. Và người của Chúa luôn đối đầu với hai thực tại đối nghịch nhau: được tiếp đón, hoặc bị chối từ (x Mt 10, 11 – 14; Lc 9, 1 – 6). Lời Chúa hôm nay đề cập đến nét chối từ, vì Lời Chúa phá tan cái an toàn giả tạo mà con người đang cố thủ trong đó.

   Bài đọc 1 thuật lại số phận bi thảm, trên đe dưới búa của Giêrêmia trong một đất nước đang loạn lạc triều đình phân rẽ: kẻ theo phe Babylon, người theo phe Ai Cập. Ông vua đang trị vì là Xitkigiahu (598 – 587), chỉ là bù nhìn do đế quốc Babylon đặt lên (x. Gr 37, 1b); Trong khi đó thì triều đình, tướng lãnh lại theo phe Ai Cập để lật đổ ách Babylon. Lập trường của họ lại được củng cố thêm nhờ một biến cố: đó là vào năm 588, quân Ai Cập đã kéo sang Palestin và quân Babylon đang bao vây Giêrusalem phải tạm rút lui (x. Gr 37, 5). Thế nhưng, vâng lệnh Chúa, Giêrêmia vẫn khăng khăng loan báo rằng Giêrusalem sẽ phải thất thủ dưới tay của Babylon (x. Gr 37, 6 – 10); Do đó các thủ lãnh Giuđa chống đối, bách hại Giêrêmia. Đó là nội dung bài đọc 1 hôm nay.

   Các thủ lãnh tâu lên cùng vua Xitkigiahu xin được giết Giêrêmia vì các lời sấm ông tuyên ra làm nản lòng dân chúng, họ tố ông chỉ gây tai họa cho dân mà thôi (x. Gr 38, 4), vì không có thực quyền vua đánh giao Giêrêmia vào tay họ (x. Gr 38, 5). Họ đem nhốt ông vào một hầm chứa nước sâu đã cạn chỉ còn bùn và ông có nguy cơ bị chết đói (x. Gr 38, 6 – 9). May cho Giêrêmia là vua còn có chút can đảm và thương ông nên đã sai những người thân cận đến giải cứu ông (x 38, 10 – 13).

   Cuối cùng quân Babylon quay trở lại Palestin vào 587, xóa sổ Giêrusalem, bắt vua, thủ lãnh, tư tế đày sang Babylon (x. 39, 4 – 8). Vương triều Đavit chấm dứt!

   Dám nói lên sự thật mà dân không hề mong đợi, Giêrêmia đã bị bách hại. Ông là hình ảnh báo trước của Đức GiêSu, Đấng được Chúa Cha sai đến tỏ bày sự thật để đưa nhân loại về lại với Thiên Chúa. Tiếc thay có nhiều người không muốn nghe, họ tìm đủ mọi cách để bịt miệng Đức GiêSu, và cuối cùng họ đã giết Người.

   Tin mừng thuật lại lời Đức GiêSu báo trước Thập Giá (Lc 12, 50). Chính con đường Thập Giá này là NGỌN LỬA mà Đức GiêSu mang đến trần gian và mong nó bùng lên (Lc 12, 49). Đức GiêSu đã vác Thập Giá (Lc 9, 22) và muốn tất cả ai theo Người cũng phải “từ bỏ mình”, “vác Thập Giá hằng ngày” mà theo (Lc 9, 23). Thập Giá cứu độ đó chính là căn nguyên của những lời có vẻ như nghịch lý mà Tin Mừng hôm nay mang đến cho chúng ta: Thầy đến không để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ (x. Lc 12, 51). Lời đó dường như ngược lại với sứ điệp bình an mà thiên sứ loan báo dịp giáng sinh (x. Lc 2, 14). Thật ra Đức GiêSu đến phá vỡ các liên minh ma quỉ nhốt nhân loại trong gông cùm sự chết. Thế là có cuộc chiến đấu để chọn lựa: tiếp tục đường cũ hoặc bỏ cũ theo Đức GiêSu.

   Hình ảnh “LỬA” do Đức GiêSu mang tới cũng mang tính lưỡng diện: lửa thanh luyện và cũng là lửa thiêu hủy. Phải quyết định số phận cho mình! Ai đã chọn theo Đức GiêSu thì từ nay không còn sống cho cái cũ nữa mà là “Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gr 2, 20). Tạm mượn hình ảnh đại tu một chiếc xe Honda để minh họa cho quá trình đổi mới: trước tiên là phải phân rã, tháo rời bộ máy; Rồi lọc lựa, chỉnh sửa từng phần, làm mới tất cả; cuối cùng mới ráp lại: xe cũ thành xe mới.

   Chúa không dạy chúng ta sống chia rẽ, bất trung, bất hiếu. Chúa mời chúng ta: “đại tu” nhân tính và gia đình nhân loại. Việc phải chấp nhận mình có hư hao, cần tháo gỡ, để tu chỉnh là cần thiết. Nhờ đó có được NHÂN LOẠI MỚI trong Đức Kitô.

Bài 2

  Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên (c. 49) …Thầy đến không để mang hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ (c.51).

      Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy gẫm về một thực tại nhân sinh mà chúng ta thường gặp thấy trong các xã hội coi nhẹ đạo đức tôn giáo, luân lý làm người để chỉ biết chạy theo những hưởng thụ chóng qua trước mắt: đó là những hiểm nguy mà những con người dám sống trung thực với phẩm giá làm người phải gách chịu lấy khi dám nói lên những sự thật mà những kẻ cứng lòng, vô đạo không muốn nghe. Trung ngôn nghịch nhĩ! Sự thật mất lòng! Và ai dám can đảm sống trung thực như thế sẽ là đối tượng bị những kẻ dối gian bắt bớ, tìm mưu bách hại.

   Kể từ khi nguyên tổ phạm tội, khuynh hướng chối tội, đổ lỗi cho kẻ khác, trốn tránh trách nhiệm, tìm lừa đảo bóc lột nhau nhiều chừng nào tốt chừng đó… Những khuynh hướng xấu đó ngày càng lan nhanh, xâm chiếm tâm trí phần lớn con người trong xã hội, nhất là khi được ô dù, bao che… và thậm chí có những xã hội mà trong đó sự dối trá, đảo điên, ô dù, chụp mũ… trở thành qui luật. Trong một môi trường bầu không khí như thế, có ai đó dám  “bơi ngược dòng”, có ai đó can đảm “can gián” thì ngay lập tức sẽ bị trù dập, loại trừ. Nhân loại đang “hồ hỡi” lũ lượt chen nhau lao vào dòng cuốn của khoái lạc, hưởng thụ trước mắt đưa tới diệt vong.

         Nhưng Thiên Chúa yêu thương không muốn con người phải diệt vong. Người luôn gởi đến  những lời cảnh tỉnh, những con người dám bơi người dòng. Những lời chói tai của họ, những lời mang lại cho họ sự thua thiệt, bị ngược đãi, kể cả cái chết lại là mầm sống Chúa gieo vào trong một xã hội đang héo mòn chết dân. Từ những hạt mầm nhỏ đó, những cây lớn sẽ mọc lên, sẽ thành nơi cho chim trời đến ngụ.

            Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai dung mạo của hai con người dám “bơi ngược dòng”. Họ đang chịu nhiều thiệt thòi, bị bách hại… nhưng họ vẫn can đảm đón nhận số phận để hoàn tát sứ mạng cứu thế mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ.

       Đó là Giêrêmia trong bài đọc 1 và Đức Giêsu trong Tin Mừng.

BÀI ĐỌC 1: Gr 38, 4 -6. 8 – 10

   Giêrêmia bắt đầu thực thi sứ vụ từ năm thứ 13 triều vua Giôsigiahu (640 – 609) tức là quãng năm 626 cho đến tháng 7 năm 587, năm Giêrusalem bị tàn phá, Đền Thờ bị hủy diệt, một số dân cư bị đi lưu đày Babylon, chấm dứt vương triều Đavít. Đây là thời kỳ nhiễu nhương, các vua cuối cùng của nhà Đavit bị kẹp giữa gọng kềm của hai đế quốc Ai Cập và Babylon. Hai đế quốc đều muốn khống chế PALESTIN làm chư hầu. Đến năm 597, vua Nabucodonosor chiếm Giêrusalem. Toàn bộ hoàng tộc, vua, thái hậu, một số quan chức và thợ khéo tay bị lưu đày qua Babylon. Nabucodonosor đặt một người trong hoàng tộc Đavít là Mattanya lên làm vua, đổi tên là Xitkigiahu.

   Đất nước chia làm hai phe: một phe chủ trương theo Babylon do Giêrêmia đại diện; phe kia nghiêng về phía Ai Cập được dân chúng và các tướng lãnh ủng hộ (x. Gr 38, 14 – 28). Vì thế Giêrêmia luôn bị dân chống đối và phải không ngừng đương đầu với các ngôn sứ giả (x. Gr 27 – 28). Cuối cùng Xitkigiahu ngã về phía theo Ai Cập; Thế là Nabucodonosor ra tay, ông kéo đại quân tiến đánh Giuđa. Tháng 7 năm 587, Giêrusalem thất thủ. Vua Giuđa bị bắt, bị lưu đày sang Babylon rồi chết trong ngục (x. 2V 25, 4 – 7). Tường thành Giêrusalem bị san bằng; Đền Thờ bị đốt phá, các đồ lễ bằng vàng bạc bị cướp đem về Babylon; Một phần dân cư bị lưu đày (2V 25, 8 – 21). Lãnh thổ Israel thành thuộc địa của Babylon; xóa sổ vương quốc Giuđa; Triều Đavít cáo chung.

   Bài đọc 1 là một tiếng vọng lại tình trạng của giai đoạn lịch sử này: Giêrêmia cứ loan báo cho dân là sẽ mất nước, sẽ bị lưu đày (Gr 38, 3); ĐIều đó dân không mong đợi, nên họ chống đối, bách hại Giêrêmia.

  1. Các thủ lãnh xin vua Xitkigiahu giết Giêrêmia (c 4).

      Lý do các quan đưa ra là vì Giêrêmia đã làm nản lòng các binh sĩ đang tử thủ giữ thành cùng như toàn dân. Ông chỉ gây họa … Thật vậy:

  • Trong cuộc xâm chiếm năm 597, quân Babylon đã chiếm Giêrusalem và bắt một số người ưu tú cùng vua Giơhôgiakin đi đày đợt một ở Babylon; Trong đợt lưu đày một này có cả ngôn sứ Êdêkien, và ông này được Chúa gọi làm ngôn sứ cho Người tại đất lưu đày Babylon vào khoảng năm 593 (x Ed 1, 1 – 2; 3 11). Trước khi lui quân về Babylon, Nabucodonosor đặt người chú của vua vừa bị lưu đày Giơhôgiakin, là Mattanyal lên ngôi tức Xitkigiahu, vua cuối cùng của vương triều Đavít làm bù nhìn từ 597 – 587.

  • Như vậy triều đình Do Thái phân rẽ: một phe theo Babylon, trong đó lúc ban đầu có vua mới Xitkigiahu; phe kia theo Ai Cập muốn lật độ ách babylon.

  • Giêrêmia theo phe Babylon vì Chúa đã phán với ông rằng “chắc chắn thành này (Giêrusalem) sẽ bị nộp vào tay đạo quân của vua Baben, chúng sẽ chiếm được thành (Gr 38, 3). Trong khi đó thì phe chủ trương theo Ai Cập cùng nhân danh Chúa tuyên sấm (không do Chúa sai phái rằng “Yavê sẽ bẻ gãy ách của vua Baben. Chỉ hai năm nữa thôi, Yavê sẽ đem về lại Giêrusalem mọi đồ dùng trong nhà Yavê mà Nabuconosor vua Baben, đã cướp lấy và đưa sang Baben. Cả Giơkhongia (một tên gọi khác của vua Giơhôgiahu)… vua Giuđa và tát cả những người Giu đa bị lưu đày sang Baben (vào năm 597), chính Yave sẽ dẫn tất cả về lại Giêrusalem – Sấm của Yave – Vì Yave bẽ gãy ách của vua Baben” (Gr 28, 2 – 4).

  • Vì thế Giêrêmia bị phe Ai Cập tìm cách tố cáo và bách hại.

  1. Giêrêmia bị bắt (38, 5 – 6)

      Vua Xitkigiahu ban đầu theo phe Babylon, nhưng về sau lại nghiêng về phía Ai cập. Vua đã phải trao Giêrêmia vào tay phe thân Ai Cập. Câu nói của vua cho thấy vua hoàn toàn không có thực quyền, triều đình bị phe thân Ai Cập thao túng: “đây ông ta (tức Giêrêmia) đang ở trong tay các ngươi, nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các người được” (38,5).

     Thế là Giêrêmia  bị bắt và họ thả xuống một hầm nước định bỏ ông chết đói ở đó (38, 6-9). Mưu đồ này vua không hề hay biết.

  1. Giêrêmia được cứu thoát (38, 8-10)

     Nơi họ giam nhốt Giêrêmia là hầm nước của hoàng tử Mankigiahu, nằm trong sân vệ binh nên không ai biết, ông chỉ chờ chết đói. May thay có một thái giám ngoại quốc, người Ethiop đang ở trong đền vua nên biết được tin tức này. Người này liền đi báo tin cho vua hay người ta đang giam Giêrêmia trong hầm nước cho chết đói. Lúc đó vua mới ra lệnh cho viên thái giám này đi cứu Giêrêmia. Trích đoạn bài I của Chúa Nhật Mùa Thường Niên XX C kết thúc ở đó.

    Tóm kết: Nội dung bản văn không có đạo lý gì đặc biệt, nó chỉ là một minh họa nhỏ về thời cuộc nhiễu nhương lúc Giêrêmia thi hành sứ vụ. Đạo đức suy đồi, chính trị hỗn độn… những ai còn can đảm sống theo ý Chúa, lề luật thì bị bách hại. Mặc dù vậy, những ai được Chúa chọn trao sứ mạng thì vẫn phải can đảm nói lên điều đã được Chúa sai đi công bố cho dù số phận mình có ra sao đi nữa. Giêrêmia đã dám nói lên sự thật mất lòng nên đã bị bách hại. Ông là một tiền ảnh của Đức Giêsu. Đức Giêsu tới để nói lên sự thật. Đứng trước sự thật đó, con người phải chọn lựa theo hay không chứ không thể né tránh; Thế là có chia rẽ! Trước sứ điệp do Đức Giêsu mang tới, có kẻ chống người theo. Hãy dứt khoát chọn lựa!

TIN MỪNG: LC 12, 49 – 53

Đức Giêsu  đang thẳng tiến về Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng Thập Giá, đồng thời cũng đào tạo các môn đệ sẵn sàng tiếp bước Người trên con đường lạ lùng đó. Trong trích đoạn đọc trong phụng vụ hôm nay, bằng một cách nói khác, Đức Giêsu  tiếp tục đề cập đến Thập Giá:

  • 12, 49 – 5-: Đức Giêsu nói đến sứ mạng của Người qua Thập Giá bằng hai hình ảnh biểu tượng: LỬA và PHÉP RỬA.

  • 12, 51 – 53: Thập Giá không phải là chuyện riêng của Đức Giêsu; Thập Giá của Người tác động trên toàn nhân loại. Thập Giá của Người sẽ bộc lộ Ý nghĩa của thực tại nhân sinh và buộc người ta phải chọn lựa. Sự chọn lựa đó đưa người ta đi vào một tương quan, giá trị mới.

  1. “Mặt đất” (c 49); “Trái đất” (c 51)

    Trong tiếng Hi Lạp chỉ là một từ he ge:  ám chỉ cái địa cầu mà nhân loại chúng ta đang sống. Để hiểu được ý nghĩa của cách nói của Đức Giêsu  trong trích đoạn này, chúng ta cần hiểu “trái đất” mà chúng ta đang sống ở trong tình trạng nào.

    Đó là một “trái đất” tội lỗi và Thiên Chúa thấy cần phải đến để tẩy luyện Hình ảnh “lửa” (c 49) và “phép rửa” (c 50) gọi lại hai lần Thiên Chúa tẩy luyện nhân loại: hồng thủy tẩy mọi tội lỗi bằng “nước” (St 6 – 9); và hỏa thiêu Sôđôma và Gômôna, hủy diệt mọi sa đọa, rỉ sét bằng “lửa” (St 19, 1 – 29). Vậy qua hình ảnh “lửa” và “nước” Thiên Chúa muốn tái tạo lại công trình sáng tạo của Người. Cũng vậy, thế giới mà Đức Giêsu   đang sống cũng đảo điên, thối nát như thời “hồng thủy”, thời “Sôđôma”. Người ta cứ lo dựng vợ gã chồng, ăn chơi trác táng không kể gì đến lời cảnh cáo của dấu chỉ “Nô ê” và của ông Lót (x. St 19, 12 – 14).

    Như thế, ở đây trong Tin Mừng Luca, qua hình ảnh “lửa”, “nước”, Đức Giêsu đang khẩn thiết cảnh cáo thế hệ Người đang sống hãy hoán cải: thời Thiên Chúa can thiệp mạnh như thời Nô ê và thời Sôđôma đã tới rồi. Thực vậy, Đức Giêsu đang quả cảm tiến về Giêrusalem để thực hiện cuộc thanh luyện chung cuộc của Thiên Chúa.

  1. Thầy đến “ném lửa” vào mặt đất (c 49); phải chịu một “phép rửa” (c 50)

   Hai chất liệu mà Thiên Chúa dùng để đổi mới mặt địa cầu trong Hồng Thủy (NƯỚC) và Sôđôma (LỬA) giống nhau ở chi tiết: đều mang tính lưỡng diện, vừa để thanh luyện, vừa để hủy diệt. Với quyền năng Thiên Chúa thì “lửa” và “nước” được Chúa dùng để hủy diệt tội lỗi và thanh luyện địa cầu. Như vậy khi Đức Giêsu mang “lửa” và “phép lửa” của Người đến thì cái thế giới hỗn độn, tốt xấu lẫn lộn vào nhau này sẽ phải bị lộ ra bộ mặt thật của mình. Với sự can thiệp từ trời của Thiên Chúa (vừa hủy diệt tội, vừa thanh luyện mặt đất), trật tự của công cuộc Thiên Chúa được tái lập.

* Thầy đến ném “lửa” vào mặt đất (c 49)

    Trong Kinh Thánh, “lửa” thường biểu tượng sự oán phạt thiêng liêng, nhất là lúc tận thế (Lc 3, 9.16; 17, 29). Mặc dù nặng lời cảnh cáo, nhưng Đức Giêsu cũng cho thấy, với sự xuất hiện của Người thì khía cạnh xét đoán nghiêm khắc hủy diệt CHƯA TỚI: Đức Giêsu đã trách nặng nề Gioan và Giacôbê khi họ xin đem lửa từ trời xuống thiêu hủy làng Samaria không đón tiếp Đức Giêsu (Lc 9, 54 – 56).

   Như vậy điều mà Đức Giêsu muốn đề cập đến ở đây không phải là lửa hận thù, trả đũa, phá hoại; mà là lửa thanh luyện tâm hồn do lời và gương lành của Đức Giêsu đem lại và được kiện toàn nhờ công việc của Thánh Linh.

   Với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu, “Lửa Thánh Thần” được ban xuống công khai dồi dào trên toàn thể đoàn “môn đệ” (Lễ Ngũ Tuần Hiện Xuống) và tất cả những ai tin. Đó là điều Đức Giêsu mong ước và tỏ lộ trước ở đây.

*Thầy còn một phép rửa phải chịu (c 50)

  Hình ảnh “phải chịu một phép rửa” cũng được gặp thấy trong một trích đoạn Tin Mừng khác, khi Giacôbê và  Gioan đòi Đức Giêsu: “xin cho chúng tôi một đứa ngồi bên hữu một đứa ngồi bên tả trong vinh quang của Ngài”; Đức Giêsu trả lời: “các anh không biết điều các anh xin. Các anh có thể uống CHÉN mà Tôi phải uống và phải CHỊU THANH TẨY bằng một PHÉP RỬA mà tôi phải chịu hay không? (Mc 10, 37 – 38). Và ở trong Cựu Ước, người ta thường hiểu rằng CHÉN biểu tượng cho SỰ ĐAU KHỔ (Tv 75, 9; Í 51, 17 – 22; Gr 25, 15; Ed 23, 31 – 34).

   Vậy “phép rửa” ở đây cũng có ý nghĩa biểu tượng như ý nghĩa của “CHÉN”, một hình ảnh gợi lên sự đau khổ toàn diện. Đức Giêsu đang nói đến Thập Giá của Người (Lc 22, 42: xin tha cho con khỏi uống CHÉN này). Đức Giêsu cũng nói đến phương thức mà Người sẽ dùng để “ném lửa vào mặt đất” cho những ai muốn theo Người (x Lc 14, 27).

3.Thầy đế không để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ ( c 51)

  * Trong Tin Mừng Luca, “hòa bình” là ân huệ thời cánh chung, là ơn giải thoát thần linh do Đức Giêsu mang đến cho những ai chân tâm đợi chờ, cho những ai khổ đau mà vẫn bền lòng tin tưởng (x Lc 2, 14. 29; 7, 50; 8, 48; 10, 5 – 6; 19, 38). Nhưng đó không phải là thứ hòa bình xác thịt, truy hoan mù quáng mà các ngôn sứ giả thường đưa ra để mị dân (x. Gr 6, 16; 8, 11; Ed 13, 10. 16 …). Cái hòa bình mà Đức Giêsu mang đến là cái hòa bình chiến đấu ( 11, 21 – 22: luôn tỉnh táo biện phân để nhận ra kẻ thù luôn rình rập, để vô hiệu hóa các quyền lực của chúng), là cái hòa bình phải luôn ở tư thế sẵn sàng, sáng suốt biện phân đâu là hòa bình đích thực (Lc 19, 42), là sự bình an ngộ ra được rằng vinh quang bình an phục sinh phải đi qua con đường Thập Giá (24, 36).

 * Vậy Đức Giêsu công bố Người đến để đem lại sự chia rẽ là một lời cảnh cáo:

– Thế giới này đang đắm chìm trong một sự bình an giả tạo, sự bình an dẫn nhân loại đến hủy diệt.

– Phương thế để khắc phục nguy cơ chết người đó chính là con đường Thập Giá do Đức Giêsu mang tới.

– Con đường đó làm đảo lộn bật thang giá trị phù vân mà nhân loại đang cậy dựa vào, do đó tạo nên sự phân rẽ. Sự phân rẽ ấy đã được Sách Sáng Thế nói tới khi Ađam và Eva sa ngã (St 3).

   Nhân loại, sau sa ngã của nguyên tổ, ngày càng sống xa cách Chúa, dần dần đã nên mù quáng nên cứ hoan hỉ, an an ổn ổn vui vẻ bước đi trên “con đường rộng thênh thang đưa đến diệt vong” (Mt 7, 13) mà không biết. Không thể bỏ mặc con người trong lầm lạc hủy diệt ấy, Đức Giêsu đã đến chỉ cho nhân loại “con đường hẹp đưa đến sự sống” (Mt 7, 14). Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của từng cá nhân.

  • Chính bản thân Đức Giêsu đang tiến mạnh trên con đường hẹp đó. Người đang thanh luyện để cứu nhân loại bằng “lửa” và “phép rửa” của bản thân Người. Do đó Người cảnh cáo những ai muốn theo Người hãy sáng suốt chấp nhận những đổ vỡ của các tương quan làm cản trở con đường cứu độ Thập Giá mà Người đang mang đến.

* “Năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ …” ( cc. 53 – 53)

   Mọi tương quan tốt đẹp của đời sống gia đình đều đổ vỡ sau khi Ađam, Eva sa ngã. Và tình trạng đổ vỡ đó lan rộng ra cho mọi mối tương giao khác trong cuộc sống nhân loại. Con người cố gắng tìm cách bù đắp lại bằng những khế ước, giao kết phàm nhân. Và nhân loại cố gắng xây dựng “hòa bình tạm thời” dựa trên những mối tương giao không bền vững do con người tạo ra đó.

   “Lửa” và “phép rửa” do Đức Giêsu mang tới sẽ tinh luyện, tẩy rửa các tương giao nhân loại đã thoái hóa đó để đưa chúng lại về giá trị thật của chúng đã được Thiên Chúa tạo dựng trong công cuộc sáng tạo. “Lửa” và “nước” tẩy luyện ấy làm phân rẽ minh bạch những cái tốt xấu đang quyện lẫn vào nhau khó lòng phân biệt trong thế giới loài người.

   Vậy sự “chia rẽ” mà Đức Giêsu mang tới thực ra là một sự biện phân tận căn, tách biệt rạch ròi đâu là tốt, đâu là xấu trong cái đống hỗn độn của trần gian còn bị tội khống chế.

  Tóm lại: Đức Giêsu đang tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng Thập Giá cứu thế. Có đám đông đang phấn khích đi theo Ngài, nhưng tầm nhìn, động cơ, mục đích của họ khác xa Đức Giêsu. Đức Giêsu đang dùng đủ mọi cách, từng bước một, dẫn đưa họ vào con đường Thập Giá.

       Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, qua hai yếu tố biểu tượng mang tính lưỡng diện, vừa hủy diệt cái xấu, vừa tinh luyện điều tốt, là “LỬA” và “ PHÉP RỬA” (Nước), Đức Giêsu mời gọi những kẻ đang đi theo Người lên Giêrusalem, hãy cùng Người làm một cuộc biện phân, chọn lựa, hầu cho “ lửa Thánh Thần” và “phép rửa Thập Giá” do Đức Giêsu mang đến thực sự trở nên hồng ân tinh luyện, hồi phục đưa họ vào những tương quan mới mà Người sẽ nói thẳng rõ hơn trong Lc 14, 21 – 27.

   Những lời của Đức Giêsu trong Lc 12, 51 – 53 không là những phá hủy các tương quan nhân loại mà là đang giúp mỗi người biện phân, hồi phục lại giá trị đích thực và vĩnh cửu của chúng. Những khó khăn hiện tại là những điều mà ai theo Đức Giêsu đều phải ý thức và đón nhận để cùng Đức Giêsu hồi phục nhân loại nhờ “lửa Thánh Thần” và “phép rửa Thập Giá”.

Frère Pierre Đình Long FSC